Thứ Tư, 30 tháng 7, 2008

TẶNG ĐĂNG BÌNH




Lâu nay, nhiều người đã biết đến chùm câu đối vui tai này:

+ Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp rồi lại bò, bò rồi lại cạp

+ Thầy sinh vật vật cô sinh vật, vật xong rồi sinh, sinh xong lại vật

+ Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương chỗ tiểu, tiểu chỗ thương

v.v…

Có thể còn những dị bản, nhiều câu khác nữa.

Nhưng điểm chung và cũng là điểm thú vị từ những vế đối ấy xuất phát ở chỗ: Các danh từ được dùng trong vế đối như “bò cạp”, “sinh vật”, “tiểu thương”… là một từ gồm hai “tiếng” (âm tiết) nhưng từng “tiếng” ấy nếu đứng độc lập cũng là những động từ!

Hôm nay lướt friends list của mình, phát hiện một bạn có cái nick cũng thỏa mãn yêu cầu trên, đó là blogger, nhà báo Đăng Bình: “đăng” và “bình” đều là những động từ mà dân báo chí xài thường xuyên.

Bèn nảy ra cái câu này tặng nhà báo Đăng Bình (báo Pháp luật Việt Nam):

Đăng Bình bình bài Đăng Bình, bình rồi mới đăng, đăng xong lại bình

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

GIA LONG LÀM THƠ VỀ TNXP?




Sáng nay dậy sớm, coi “Rung chuông vàng” phát lại trên kênh VTV3, thấy có 2 chi tiết kể lại cho bà con nghe:

1/ Một câu hỏi của ban tổ chức đưa ra:

Em ơi hãy lắng nghe / Nghe thành phố thở
Bằng tiếng sóng vỗ / dưới những thân tàu
Bằng hương rừng già / trên vai bộ đội
Bằng hương đồng nội / thanh niên xung phong

Đây là lời một bài hát sáng tác nhạc của Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Nguyễn Ánh. Hãy cho biết tên bài hát?

Không hiểu sao người soạn đề thi lại đổi tên nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh thành “Nguyễn Ánh”, cứ như là vua Gia Long từng làm thơ về thanh niên xung phong!

2/ Khi chỉ còn 2 thí sinh trên sàn thi đấu: 1 đại diện trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 1 của trường Đại học Mở TPHCM, ban tổ chức đưa ra 1 câu hỏi:

Ông là một nhà văn chuyên viết về đề tài Nam bộ, được gọi là “ông già Nam bộ”, nhà Nam bộ học, pho tự điển sống về đất phương Nam, ông là ai?

Một thí sinh đưa ra đáp án là "Nam Cao", và thí sinh còn lại có đáp án là "Lê Văn Hưu".

Đáp án của Ban tổ chức: nhà văn Sơn Nam.

Tôi nói thêm với bà xã: Ông Lê Văn Hưu (1230-1322) là nhà sử học đời Trần, tác giả bộ “Đại Việt sử ký”, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Thời ông sống bờ cõi nước ta chưa mở ra đến Nam bộ làm sao ông trở thành ông già Nam bộ được ta?

Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

CHUYỆN CỦA RUỐC

ruoc lam ca si by you.

Một bữa, hai vợ chồng đang làm việc dưới nhà, cu Ruốc tự nhiên từ trên lầu xuống, ôm cây guitare vừa nhảy vừa hát những giai điệu ê a nó tự nghĩ ra. Hai vợ chồng vừa buồn cười vừa ngạc nhiên nhưng ráng nín để xem nó làm cái trò gì.

Mình lôi cái máy ra chốp được mấy tấm hình.

Sau một hồi sáng tác và biểu diễn “tự biên”, hắn dừng lại và hỏi mẹ một câu:

- Mẹ thấy con làm giống con mèo Tom không?

Lúc này thì hai vợ chồng mình không thể nín cười được. Thì ra cu cậu vừa coi phim “Tom và Jerry”.

Thấy ba mẹ vui, hắn được thể làm tới bằng cách lại mở nắp cây đàn piano, nằm dài trên ghế, quay ngược 2 bàn chân lên mà đánh. Vừa “đánh” hắn vừa kể rằng con mèo Tom cũng đánh đàn bằng 2 chân.

Đến lúc này thì không cười được nữa mà phải thét lên: Dẹp, dẹp ngay cái trò này!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

ĐI BIÊN HÒA




Cơ sở y tế đầu tiên có quy mô lớn trên đất Biên Hòa do người Pháp xây dựng, khởi công vào ngày 17 - 3 - 1915.

Lúc mới thành lập, cơ sở này có tên gọi là Asile d' alienes de Bien Hoa (Trại người điên Biên Hòa, bà con thường gọi là Nhà thương điên Biên Hòa). Nghe nói, giai đoạn đầu, nơi đây giống như một trú xá của người điên vì chỉ thu gom quản lý người điên tránh việc họ gây rối xã hội. Sau đó cơ sở được đổi tên Hôpital psychiatrique de Cochichine (Dưỡng trí viện Nam kỳ) và được chuyển qua hình thức tổ chức của một bệnh viện với mục đích điều trị.

Thời kỳ 1918 - 1945, Nhà thương điên Biên Hòa có 15 tòa nhà được gọi chung là Trại nuôi bệnh gồm: Nhà quan quản lý, nhà quan lương y An Nam, nhà các thầy điều dưỡng, nhà các viên gác - dan, nhà tắm, nhà bếp, chuồng ngựa, chuồng bò, chuồng heo, nhà người đánh xe, trại thợ mộc, kho thuốc... Việc chữa trị có sự phân biệt giữa người bệnh nước ngoài (chủ yếu là người Pháp) và người Việt Nam: Người bệnh nước ngoài có chỗ ăn ở tiêu chuẩn cao, người bệnh Việt Nam lại chia làm hai hạng: Hạng có trả tiền được ăn uống khá hơn hạng không trả tiền (hạng thí). Tất cả người bệnh phải mặc quần áo riêng của nhà thương, có người giặt giũ. Người bệnh tỉnh được cho đi làm rẫy, làm ruộng hoặc giúp đỡ nhà bếp cùng làm các việc lặt vặt khác. Thân nhân tới thăm có giờ giấc quy định và theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm. Năm 1930, Nhà thương điên Biên Hòa xây cất thêm 4 trại bệnh và năm 1945 lại xây thêm 9 trại nữa để nhận số người bệnh đến điều trị ngày một đông hơn (khoảng 600 người bệnh vào thời điểm này).

Trước 1930, việc quản lý người bệnh chủ yếu sử dụng những buồng con cách ly để giam nhốt và áo bó để cố định người bệnh. Sau 1930, một số kỹ thuật mới được dùng để giải quyết những trường hợp người bệnh kích động như: tạt nước, tiêm thuốc gây áp xe. Nhưng điểm nổi bật trong thời gian này là sử dụng liệu pháp sốc điện (electrochoc). Bấy giờ, trên thế giới chỉ có 3 nơi có máy sốc điện là Rome, Alger và Fukuyoka.

Sau này, chính quyền Sài Gòn tiếp quản Dưỡng trí viện Biên Hòa và đổi tên thành Dưỡng trí viện bác sĩ Nguyễn Văn Hoài để ghi công bác sĩ Hoài, Giám đốc người Việt Nam đầu tiên của bệnh viện mất năm 1955 tại đây. Sau đó, vào năm 1971 lại đổi tên Dưỡng trí viện thành Bệnh viện tâm trí bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, chú ý chức năng điều trị hơn là di dưỡng. Từ sau 1955, số trại bệnh tăng thêm, được sắp xếp khoa học hơn. Cho đến những năm cuối của thập niên 60, Dưỡng trí viện Biên Hòa gồm các phòng điều trị bệnh và 18 trại bệnh (Phòng ngoại chẩn, Phòng trắc nghiệm, Phòng chỉ dẫn, Phòng thăm bệnh, Phòng xã hội, Phòng đọc sách, Câu lạc bộ, Phòng quang tuyến, phòng thí nghiệm và các dược xá, Trại quan sát, Trại y xá, Trại nhi đồng, Trại bệnh án, Các trại bệnh khác, Khu lao tác trị liệu). Ngoài các trại bệnh, văn phòng, Dưỡng trí viện Biên Hòa còn có các công thự, cư xá, trường học, hồ tắm, sân vận động, xưởng thợ, khu chăn nuôi và trồng trọt dành cho bác sĩ và nhân viên.

Thời gian này, cùng với sự phát triển về y học trên lĩnh vực tâm thần trên thế giới, Dưỡng trí viện Biên Hòa đã nghiêng về các liệu pháp điều trị mới. Theo tư liệu còn lưu trữ trong khoảng năm 1956 - 1963, thì tổng số người bệnh năm 1956 là 1.102 người, trong đó số trở lại bình thường được xuất viện là 384. Năm 1963, số người bệnh là 1672 và số được ra là 636 người. Nhiều người bệnh từng có địa vị trong xã hội như: Một ông hoàng Lào, một viên quan hai, một ông chủ bưu điện, một cô đầm... thậm chí cả bác sĩ, nhà giáo và trí thức khác. Khoảng những năm 1965 - 1966, một số nhà báo, nhà thơ đã là bệnh nhân của Dưỡng trí viện Biên Hòa và phải tới đây điều trị nhiều lần như: Nguyễn Ngu Í, Bùi Giáng...

Sau 1975, cơ sở y tế này trở thành bệnh viện tâm thần Trung ương 2 do Bộ y tế quản lý với nhiệm vụ điều trị, phòng bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, xây dựng và chỉ đạo tuyến cho 16 tỉnh, thành phố phía Nam. Nhiều năm qua, đơn vị này đã từng bước cải tiến về tổ chức và hoạt động.

Bệnh viện tâm thần TW2 giờ đây nổi tiếng vì có Hội đồng giám định pháp y tâm thần cao nhất tại khu vực phía Nam và các phương pháp mới trong chữa bệnh tâm thần.

Có một chi tiết khá đặc biệt là hiện nay, trong kho lưu trữ của bệnh viện vẫn còn đầy đủ các hồ sơ bệnh án từ khi thành lập đến năm 1975. Bệnh nhân tâm thần đầu tiên đến nhập viện ngày 21 - 1 - 1919 là bà Nguyễn Thị Điều, 35 tuổi, sinh năm 1884 tại làng Thới An, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Hồ sơ lưu còn cả ảnh chụp người bệnh với số hiệu in trên đồng phục "Biên Hòa - 1". Bệnh nhân này đã ở tròn suốt 36 năm và qua đời tại đây.

Và một chi tiết mà chắc thế hệ lớn tuổi ở miền Nam mới biết là có một thời gian dài, thành ngữ “đi Biên Hòa” đồng nghĩa với “điên”. Cho nên anh em nào có về off với Tú thì đừng nói là “đi Biên Hòa” nhé!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2008

TÁM

Sáng nay mình chế cái blast khi nghe đài thông báo cái tin khai mạc thế vận hội Olympic Bắc Kinh:

“8 giờ 8 phút 8 giây, ngày 8 tháng 8 năm ‘08, mình tám nhé!”

Uống cà phê về nhận được cái quick còm của Nodayroi:

Thôi đi Tám! Tám rủ “8 giờ 8 phút 8 giây, ngày 8 tháng 8 năm ‘08, mình tám nhé”. Vậy mà lúc sang nhà Tám, tui thấy vợ Tám đang tám với 8 đứa con Tám rằng Tám đã đi Tám với 8 con nhỏ tám y như tám. Nghe vậy tui vội kéo ga đến 88km/g qua 8,8 km, quẹo hết 8 khúc cua, ngưng 8 lần đèn đỏ (chửi 8 công an) mới đến số tám, phòng số 8, tầng 8, tòa nhà số 8, đường Lê Văn Tám, tổ 8, khu phố 8, phường 8, quận 8. Ngồi kéo hết 8 gói thuốc 888, uống hết 8 lon bia (đi xả hết 8 bận!). Đợi Tám tám 8g 8p 8g rồi mà Tám vẫn chưa hết tám với bạn tám của Tám. Thật tình thấy Tám tám, tui cũng muốn nhào vô tám chút, nhưng ngặt một nỗi Tám đâu tám ít và Tám chỉ tám về Tám và nhà Tám thôi. Bạn tám với nhau mà Tám còn hổng để chỗ tám thì làm sao tui tám được với Tám.

Thôi để khi nào page view của Tám lên 888888 tui qua nhà Tám tám với Tám đủ 8 tiếng luôn nhé Tám. Rút kinh nghiệm lần tám này, lúc đó, dù Tám có đang tám với 8 hay 888 đứa thì tui cũng nhào vô xô hết mấy đứa tám kia ra để tui tám với Tám. Tám nhớ nhe Tám, nhớ 888.888 nhé!

Quickcom của Rhum:

Có tin, khi Tám đang tám với 8 cô tại phòng số 8 thì 8 công an ập zô, chìa 8 cái còng số 8 ra còng tay Tám và các cô tám!

Bạn nào có thích tám thì tám vào đi, sắp tới tháng 8 rồi!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008

VĨ THANH CHO ENTRY TRƯỚC

Entry trước không phải của tớ viết. Và vì cái nhân vật “tôi” trong đó rất giống nhiều thằng tôi ở ngoài đời nên tớ “lập lờ đánh lận con đen” không để tác giả.

Thực ra tác giả của entry đó là một phụ nữ. Link đây

“Nàng mới” trong bài của tác giả này cũng thuộc dòng sản phẩm của hãng SFone, có “bao bì”, hình dáng bắt mắt hơn “nàng cũ” (xem hình) và có giá mua về là 450K!

Cám ơn các bạn đã chia sẻ cùng tớ!

Một ngày vui!

Điện thoại của Sfone khi mua máy mới thì có SIM mới. Bỏ Sim mời để xài số cũ thì tiếc cái tài khoản gọi cho sẵn nên xài lúc 2 máy cả số cũ, số mới, khi nào sim mới hết card thì thay nên mới có tình trạng 2 nàng cùng chung sống trong một nhà đó!

Nhãn:

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2008

TẤT CẢ LÀ TẠI NÀNG

Cuối cùng thì tôi cũng có một người mới. Tất cả là tại nàng, không phải tại tôi. Tôi vốn là người không thích sự thay đổi, tôi vốn là người có trước có sau, tôi không muốn thế. Nhưng mà ngay cả những người bấy lâu thuộc phe của nàng cũng phải quay sang đứng về phía tôi, ủng hộ tôi, thì đích thị là lỗi thuộc về nàng rồi.

Ấy là một buổi sáng trời trong lắm. Người thuộc phe của nàng ấy, dẫn tôi tới một chốn, vừa mát mẻ, thoáng đãng, vừa ít người qua lại. Ầy dà, trong khi dòng đời cứ như đang sôi lên ấy, thì kiếm đuợc một chỗ như thế có phải là dễ đâu. Thế rồi, vào cái buổi sáng đầy thơ mộng ấy, ở cái chốn cực kỳ dịu mát ấy, người thuộc phe của nàng giới thiệu cho tôi một số người mới. Tôi chẳng quan tâm lắm. Với tôi, thật phiền nhiễu khi phải bắt đầu lại một lần nữa, dù là với một cô nàng cực kỳ mượt mà! (Cũng chỉ có bấy nhiêu chuyện, thì với cô nào cũng thế thôi.)

Nhưng mà người của phe nàng cứ lải nhải nói xấu nàng. Nào là, dạo này nàng tệ ghê. Da nàng đồi mồi ngày càng nhiều mà không chịu đi spa spiếc gì cả. Thế thì ra đường người ta cười cho chết. Cả nhà nói ra nói vào biết bao nhiêu lần rồi mà nàng có chịu thay đổi đâu. Lại còn bĩu môi dè bỉu cái lũ hình thức mà rỗng tuếch nữa chứ. Làm ai cũng giận. Nàng còn can tội không bôi phết bao giờ, cứ ra đường với cái mặt mộc và những bộ đồ rẻ tiền, thật không xứng với tôi. Người thuộc phe nàng còn bảo, chả hiểu sao tôi có thể sóng bước cùng nàng bấy lâu nay. Thiên hạ bao nhiêu người dị nghị.

Thế à. Thật là tôi không biết. Tôi chẳng mấy quan tâm đến hình thức của nàng. Nàng béo hay gầy, nặng hay nhẹ, có gì quan trọng lắm đâu. Tôi đã hoan hỉ biết bao khi đón được nàng về với mình, hạnh phúc biết bao khi nàng chịu gắn bó đời nàng với tôi. Và nàng, bao năm nay vẫn cần mẫn làm tốt tất cả những gì thuộc về bổn phận của nàng. Với nàng bây giờ, sự say đắm thì thật là không có, nhưng chẳng có gì để mà than phiền cả. Và với tôi thế là đủ. Sao thiên hạ cứ phải lắm chuyện thế nhỉ.

Sáng ấy, người của phe nàng nói với tôi về mấy cô em xinh đẹp đang lượn lờ xung quanh tôi. Tôi lơ đãng nghe, và cũng chẳng mấy quan tâm. Thật ra thì cũng có lúc tôi bị chi phối bởi ánh nhìn quyến rũ của cô áo đen hay dáng người mảnh dẻ thướt tha của cô áo huyết dụ. Nhưng cứ nghĩ đến sự thay đổi tôi lại ngại ngùng. Tâm tính tôi, nàng đã quen. Người mới liệu có làm cuộc sống của tôi xáo trộn? Tôi sợ sự xáo trộn!

Tôi cũng đã quen nghe giọng nói của nàng. Khuôn mặt nàng tuy không đẹp, nhưng nhìn nàng ai cũng cảm thấy vũng dạ. Thế là ổn. Còn cần gì hơn thế. Trong cuộc đời đầy bất trắc này, còn gì hơn sự yên ổn?

Người của nàng vẫn rỉ rả. Rằng nàng không thể chấp nhận được. Cuộc sống đang tiến lên hàng ngày, mà bao lâu nay nàng không chịu thay đổi. Rằng nàng, đáng ra phải bị bỏ lại ở thế kỷ 20 rồi.

Chúng tôi ngồi trong không gian ấy thật lâu. Người của nàng nói nhiều, rất nhiều. Tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ đại khái là, bây giờ chung thuỷ là khái niệm xưa cũ rồi, và chỉ là hình thức thôi. Một vợ một chồng giờ phần nhiều là danh nghĩa thôi, chứ người ta ăn chả ăn nem là chuyện bình thường, không cần phải giữ kẽ. Vả lại, người của nàng tư vấn, nếu tôi có ăn chả ăn nem thì nàng của tôi chắc chắn sẽ chẳng làm rùm beng lên đâu. Nàng biết nàng ở đâu, nàng là ai và giá trị của nàng là gì mà.

Thật thế sao? Thế là thật ra tôi đã lạc hậu đến thế với xã hội bên ngoài à? Thật là điên loạn. Bao năm vùi đầu vào công việc, thì ra loài người đã tiến xa đến vậy ư?

Tôi còn đang bối rối với một sự thật mà thực lòng tôi còn chưa tin, thì các nàng lại lượn qua tôi một lần nữa, gần hơn. Thậm chí có nàng còn để tà áo phất phơ lướt nhẹ qua má tôi, thiếu điều cuốn theo cặp kiếng cận của tôi nữa thôi. Và một làn hương lạ mà tôi chưa bao giờ bắt gặp ở người cũ của mình, một mùi hương nhẹ và ngọt vấn vít chỗ tôi ngồi.

Người thuộc phe của nàng thủ thỉ, rằng thôi, nếu chưa quyết định được thì cứ thử xem thế nào. Thử là sao nhỉ? Tôi chưa kịp nghĩ thì đã có một cô sáp ngay vào tôi. Cô trẻ đến độ tôi phải nghĩ ngay đến tuổi của mình.

Tối đưa mắt bối rối lướt qua khuôn mặt đang ở rất gần của cô ấy. Da cô sáng lấp lánh. Tôi, lúc ấy thầm hỏi, nàng của tôi, hồi tôi mới quen, có trắng đến thế này không nhỉ.

Cô gái trẻ ấy quả là có làn da mát mịn. Tôi không nghe rõ cô nói gì. Chỉ mang máng một âm thanh dịu nhẹ. Dịu nhẹ hơn cả giọng nàng lúc gặp tôi lần đầu.

Ồ, mà đôi mắt của cô gái ấy có ánh xanh rất lạ, thật khác những cô gái tôi đã từng gặp. Và đương nhiên là khác với nàng của tôi. Quả là từ lâu lắm rồi, tôi mới cảm nhận rõ ràng vẻ đẹp của một nhan sắc khác nàng.

Cô gái trẻ đi theo tôi một cách nhẹ nhàng. Đến nỗi tôi, suốt đường về vẫn không hiểu được chuyện gì đã xảy ra.

Đặt chân lên ngưỡng cửa, nàng nhàu nhĩ trong bộ đồ ngủ cũ, đón tôi và cô gái trẻ với ánh mắt ngạc nhiên. Người của phe nàng nói, cô gái ấy sẽ ở nhờ vài hôm. Nàng chẳng thắc mắc gì, chỉ nhìn tôi với một ánh nhìn cam chịu.

Lòng tôi cũng nặng trĩu. Nhưng tôi tự an ủi, lỗi là ở nàng. Lần đầu tiên sau nhiều năm gần gũi, tôi mới thật sự nhận ra sao nàng lại thiếu thẩm mỹ thế kia. Bên cạnh làn da óng ả của cô gái trẻ, làn da thô và đầy tàn nhang của nàng trông thật tội nghiệp. Những móng tay hồng hồng, những ngón tay thon thả của cô gái trẻ trở nên tuyệt diệu bên cạnh bàn tay khô cứng và những móng tay cáu bẩn vì nhựa trái cây hay là nhựa rau gì đấy của nàng.

Những ngày sau đó, tôi cũng hay vẩn vơ nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của hai chúng tôi, những điều tốt đẹp mà nàng đã dành cho tôi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu cho cô gái trẻ kia thời gian, cô ấy cũng sẽ làm được khối điều tốt đẹp, thậm chí còn hơn cả những gì nàng đã làm. Sao lại không nhỉ, nhất là khi cô ấy lại học thức hơn, hiểu biết hơn nàng.

Đêm đêm, khi nàng và cô gái trẻ đang tá túc trong nhà tôi ấy, chìm vào giấc ngủ, tôi lại lặng ngắm hai dung nhan và tự hỏi lòng mình, rằng quả thật không hiểu vì sao mình lại có thể chịu đựng được nàng lâu đến thế. Rằng, nếu nàng là người tự trọng và yêu mình thực sự, thì nàng đã phải tự biết trả lại tự do cho mình từ lâu rồi mới phải!

Và tôi bắt đầu nghĩ cách nói lời chia tay với nàng. Có thể ngày mai, ngày mốt hoặc tuần sau… hoặc lâu hơn một tí tôi sẽ nói. Tôi sẽ nói thật thành thật, tính tôi vốn vậy, không thể không thành thật. Nhưng sẽ cố gắng không làm nàng tổn thương.

Vâng có thể là ngày mai, ngày mốt hoặc tuần sau. Nhưng điều quan trọng là tôi đã quyết rồi, quyết bắt đầu lại từ đầu. Rằng thì, là lỗi của nàng, không phải của tôi. Tôi sẽ nói. Rằng, tôi thật sự đã có một người mới, và sứ mệnh của nàng trong cuộc đời tôi đã đến hồi kết rồi!
Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2008

KỂ CẢ




Cách đây chừng một tháng, báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh có đăng bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ... kèm dưới bài phỏng vấn thi sĩ Bằng Việt, tác giả bài thơ. Link đây.

Bài thơ làm theo lối tự sự, ai đọc cũng hiểu cái nghĩa tường minh qua câu chuyện được kể trong thơ: Một bữa rượu, có người đem ra chai rượu của ông Nguyễn Cao Kỳ gửi tặng, cả bàn bảo uống, còn có một người kiên quyết không uống.

Câu chuyện chỉ vậy thôi nhưng cái hay của bài thơ nằm ngoài câu chuyện, ở cái giọng thơ, ở nhạc điệu, ở cách biểu đạt, cách dùng từ…

Hãy đọc đoạn kết bài thơ để cảm nhận chiều sâu suy nghiệm của tác giả từ một câu chuyện quá cụ thể:

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống

Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,

Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót

Chẳng phải tại vì ai, KỂ CẢ Nguyễn Cao Kỳ!

Không hiểu vì sao khi đọc câu cuối cùng của bài thơ, cái chữ “kể cả” trong đó nó cứ ám ảnh tôi. Đọc thấy "đã" còn hỏi nó "đã" như thế nào thì khó thật.

Cái cấu trúc câu có “kể cả” trong tiếng Việt thì quá quen thuộc ngay cả với các em học sinh cấp một. “Tôi rất tôn trọng các bạn đã comment vào blog này, KỂ CẢ những bạn không có trong Friend list của tôi”, một cấu trúc như thế thì không có gì khó hiểu.

Sau “kể cả” người ta thường liệt kê thêm một số thành tố thuộc về tập hợp đã khái quát trước đó nhằm nhấn mạnh hoặc sợ người khác vô tình loại ra khỏi tập hợp được nêu ra trước đó!

Ví dụ: Chúng ta phải tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, KỂ CẢ những người theo đạo Thiên Chúa Giáo.

Câu ví dụ này không phải của tôi. Người viết cái “kể cả” này xem ra hơi bị thận trọng! Cứ có cảm giác như trước đây, những người theo đạo Thiên Chúa Giáo không nằm trong cái tập hợp "toàn dân", bây giờ cần nhấn mạnh trở lại.

Và lạ nghe, cấu trúc câu kiểu “kể cả” này tôi thử seacrh trên mạng thì thường gặp nó trong văn bản nghị quyết rất nhiều:

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa để thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong tất cả các loại hình tổ chức và đơn vị cơ sở thuộc các cấp, các ngành, KỂ CẢ trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

- Có chính sách động viên các nhà khoa học, KỂ CẢ những người đã nghỉ hưu và những người đang sinh sống ở nước ngoài tham gia các chương trình kinh tế-xã hội của quốc gia và xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật.

- Hoàn thiện quy chế bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của tập thể đối với cá nhân, của tổ chức đối với tổ chức, của cá nhân đối với cá nhân và tổ chức, KỂ CẢ đối với người lãnh đạo chủ chốt và tổ chức cấp trên.

Toàn văn Nghị quyết Đại hội X, máy tính tôi thống kê trong vòng 1 nốt nhạc thấy có 7 cấu trúc “kể cả”.

Trở lại với bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ, hai câu kết dùng cấu trúc “kể cả”, nhưng nó không nhằm biểu đạt cái ý: trong cái tập hợp “ai” trước đó, còn bao gồm ông Nguyễn Cao Kỳ.

Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót

Chẳng phải tại vì ai, KỂ CẢ Nguyễn Cao Kỳ!

Thông điệp ngoài lời từ một cấu trúc cho thấy cái dụng công “tầng tầng lớp lớp” của nhà thơ Bằng Việt. Nói ra một cách rõ ràng cũng không dễ dàng. Và đây không phải là entry bình thơ. Mong các bạn cùng góp bàn cho vui nhà vui cửa!

---------------

Ảnh chân dung nhà thơ Bằng Việt (xin từ TTO)

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

HÌNH NHƯ LÀ LỪA ĐẢO

Câu chuyện này của một ông bạn già ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai mới kể hôm qua. Bạn đồng nghiệp nào giúp kêu lên báo một tiếng!

Tình hình là trong trận chung kết Euro 2008 giữa đội tuyển Đức và Tây Ban Nha, khi xem trực tiếp trên kênh HTV9, anh bạn này thấy dòng quảng cáo dịch vụ trò chơi có thưởng qua tin nhắn và đã tham gia qua tổng đài nhắn tin 8583 (5000 đồng/SMS).

Sau trận đấu, anh nhận được tin nhắn trả về thông báo, đồng thời, có người gọi điện thoại báo số di động 0918064783 (của anh ta) trúng thưởng giải khuyến khích trị giá 5.000.000 đồng.

Ngày 4/7/2008, con trai anh bạn tôi học Đại học Kinh tế TPHCM được cha ủy quyền đến Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng Tân Cửu Long để nhận giải thưởng (theo thông báo của nhân viên Tổng đài). Tại công ty Tân Cửu Long, các nhân viên đòi hỏi các thủ tục như: (1) Phải có xác nhận của Mạng Vinaphone và (2) phải sử dụng thuê bao trả sau mới được lãnh phiếu trúng thưởng… Thấy phức tạp quá, đứa con trai anh bạn tôi đành chi cho nhân viên ở đó 500.000 đồng và được trao cho phiếu trúng thưởng EURO giải khuyến khích trị giá 5.000.000 đồng. Chàng sinh viên này cầm phiếu trúng thưởng đến một cửa hàng thuộc hệ thống Cửu Long Jewelry số 34 – 36 Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 để lãnh thưởng theo hướng dẫn từ công ty Tân Cửu Long.

Nhưng tại đây, nhân viên của Cửu Long Jewelry sau khi xác nhận phiếu trúng thưởng hợp lệ đã thông báo rằng: Hiện không có mặt hàng vàng bạc nào có giá trị thấp hơn 25.000.000 đồng nếu muốn lấy thì bù vào 20.000.000 đồng! Nhân viên này cũng gợi ý, nếu lấy xong bán lại, thì họ sẽ mua với giá là 17 triệu đồng!

Chẳng lẽ phải chịu mất tiếp 3 triệu đồng nữa? Mà chưa chắc chỉ mất 3 triệu, biết đâu có thể mất mười mấy triệu nếu họ đột ngột tuyên bố không mua lại mà giá trị của món hàng 25.000.000 đồng chắc gì đúng giá? Đứa con anh bạn tôi nghĩ vậy nên không đồng ý và bỏ về.

Giải thưởng của anh bạn tôi chưa nhận được nhưng đến giờ anh mất mấy trăm ngàn cho chuyện lo thủ tục lãnh giải và xe cộ đi lại. Ai giúp bạn tôi dùm!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

Entry for July 17, 2008




Charm đã quyết định đúng khi một thân một mình lặn lội đến Biên Hòa, Đồng Nai sau chuyến hành trình vất vả nửa vòng trái đất.

Không hoành tráng và có làm nháp như ở Hà Nội, không nhiều tiếng cười như ở Quy Nhơn, nhưng ở Biên Hòa được cái “rất dài và rất dai”, Charm hỉ?

Ba chàng trai Biên Hòa thi nhau "hành hạ" Charm, một nàng blogger xinh đẹp đến từ nước Mỹ.

Màn khởi động kéo dài khá lâu.

Cao trào cũng rất tuyệt.

Và đoạn kết ai cũng thấm mệt nhưng hài lòng.

Lanhkts, Tuanvetinh có vẻ còn muốn nữa, nhưng Charm thì phải về. À, mà những 3 tiếng rưỡi đồng hồ còn gì. Hỏi, Charm nói vẫn còn thích nữa nhưng hy vọng còn một dịp khác.

Sông Đồng Nai ngoài kia vẫn cứ lững lờ trôi như mấy ngàn năm nay

Image
Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

LAN MAN CÙNG HOA HẬU




Hôm qua, coi tường thuật trực tiếp trên VTV3 lễ đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2008, cứ ước ao giá mình có mặt tại Crown Convention Center. Xin nói ngay: Thực tình thì ước ao này không xuất phát từ chuyện ngắm hoa hậu các loại áo, dù được ngắm những người đẹp nhất hành tinh “bằng xương bằng thịt” là ước ao không thầm kín và chẳng có gì phải “sĩ diện”. Các bạn chịu khó xem tiếp vì “lý do” nằm ở khúc sau, đừng vội chửi là mình “chảnh” tội nghiệp…

Đọc báo trước đó, mới biết rằng đài NBC sẽ ghi hình lễ đăng quang và phát sóng qua vệ tinh, tín hiệu HDTV.

Lan man một chút, HDTV viết tắt của cụm “high-definition television”, truyền hình độ phân giải cao. Công nghệ này đối với dân kỹ thuật truyền hình ở Việt Nam thì không lạ trên lý thuyết, nhưng trong thực tế đến nay mới đang triển khai.

Lại lan man thêm chút nữa, theo những thông tin mình biết được thì kênh truyền hình đầu tiên ở Việt Nam sẽ phát sóng HDTV là kênh O2 (Oxy đó!), một kênh thông tin chính thức của Bộ Y tế. Kênh này đang trong quá trình xây dựng nội dung và chuẩn bị kỹ thuật. Bộ Y tế đã ký kết với VTV để triển khai kênh đó qua hệ thống truyền hình cáp của VTV. Nghe đâu, đằng sau kênh truyền hình này còn có các tập đoàn lớn và một công ty truyền thông cũng thuộc hàng đại gia.

Về kỹ thuật, có thể hiểu nôm na, HDTV khác với truyền hình mà chúng ta đang xem ở Việt Nam hiện nay ở chất lượng tín hiệu thôi. Với truyền hình HD, có thể xem rõ từng cái… lông măng trên gương mặt khả ái của tân hoa hậu hoàn vũ Dayana Mendoza trong một cảnh cận. Tất nhiên, nếu ở Việt Nam hiện nay có phát hình bằng công nghệ HD thì đại đa số dân ta cũng bó tay vì máy thu hình HD chưa phổ biến. Phát sóng với chuẩn kỹ thuật HDTV trên gói tín hiệu cáp đòi hỏi băng thông phải rộng hơn so với công nghệ SDTV mà chúng ta đang xem hiện nay, gấp 3 lần. Nghĩa là để phát một kênh HDTV thì phải dành dung lượng băng thông của 3 kênh số hiện nay!

Trở lại với hoa hậu. Quan sát cách tổ chức tường thuật trực tiếp truyền hình lễ đăng quang, có thể ghi nhận nhiều chuyện về cách làm truyền hình chuyên nghiệp đáng học tập.

Có bao nhiêu camera thu hình? Các góc máy phối hợp ra sao? Có bao nhiêu trợ lý cho đạo diễn hình (video mixer)? Dữ liệu video được chọn để chèn (insert) trong quá trình phát sóng ra sao? Việc phối hợp các bộ phận âm thanh, ánh sáng như thế nào? Các thành viên trong ê-kíp tường thuật liên lạc với nhau ra sao? Tổng đạo diễn có liên lạc với MC không? Nếu có thì họ liên lạc bằng thiết bị gì?

Có nhiều câu hỏi tương tự mà khán giả truyền hình không thể biết được nếu không “nằm trong cuộc” hoặc không chứng kiến trực tiếp.

Ví dụ: Nếu ai đã xem trên truyền hình buổi lễ đăng quang ấy sẽ thấy cách lấy hình nhiều góc máy mỗi lần MC xướng tên một hoa hậu lọt vào vòng trong cứ tự nhiên đến mức lạnh lùng. Một cú máy đại cảnh của camera đặt cao. Một cú máy toàn với động tác lia qua lia lại như dò tìm người sẽ được công bố. Và ngay sau khi MC vừa xướng tên quốc gia của hoa hậu là có ngay một cú máy cận gương mặt của hoa hậu đó, đúng phóc. Cần biết rằng, 15 thí sinh bước vào vòng trong từ 80 thí sinh trên sân khấu được xếp ngẫu nhiên thành nhiều hàng. Và nếu đạo diễn hình cũng như các cameraman không được thông báo trước danh sách 15 người này, thứ tự công bố danh sách đó, và vị trí của họ trên sân khấu… thì phản xạ ghi hình sẽ hết sức khó khăn. Anh cameraman chịu trách nhiệm góc máy cận sẽ khó lựa trong một phút giữa mấy chục con người để tìm một người. Và người đó đồng thời chuyển động chứ không đứng yên như cái tượng ngay sau khi được xướng tên. Chợt nghĩ, nếu buổi lễ này được một đài truyền hình Việt Nam ghi hình thì họ sẽ “chơi” cảnh rộng liên tục để tránh những sơ sót về động tác máy của các cameraman đang loay hoay chọn cảnh cận, không phải do quay phim Việt Nam không nghe được tiếng Anh. Không tin, xem lại cái clip vòng thi áo tắm của các hoa hậu sẽ thấy rất rõ. Hoặc để ý phần giới thiệu đại biểu trong nhiều buổi lễ được tường thuật trực tiếp ở Việt Nam

Tại lễ đăng quang, các góc máy được chuyển với tiết tấu rất hợp lý và cùng phối hợp với lời công bố của MC.

Hoặc ngay sau khi công bố 15 thí sinh vào vòng trong, đạo diễn truyền hình cho phát sóng các video clip đã ghi hình trước đó (để thời gian này cho các thí sinh đi thay đồ). Nhưng điều đặc biệt là họ sắp xếp cực nhanh các clip về 15 thí sinh theo đúng thứ tự vừa được công bố trước đó (Miss Venezuela đầu tiên và Miss Tây Ban Nha cuối cùng).

Một ví dụ khác về khả năng chuyên nghiệp của ê-kíp ghi hình: Khi MC công bố hoa hậu đoạt giải mặc trang phục truyền thống đẹp nhất, hoa hậu Thái Lan, đoạn clip chèn minh họa về phần biểu diễn của hoa hậu Thái Lan được đạo diễn đưa vào ngay, cực hợp lý về thời lượng và cách chuyển hình.

Lại không thể không nói về 2 MC: Khi nghe tường thuật trực tiếp sáng qua, khán giả Việt Nam được 2 giọng thuyết minh dưới hình thức “dịch đuổi”. Thực tế là có khi 2 giọng thuyết minh Việt Nam “dịch” trước nội dung của 2 MC, Jerry Spinger và Mel B. Điều đó có nghĩa là trong tay các bạn thuyết minh, đã có “kịch bản dẫn” khá chi tiết! Nhưng nếu quan sát Jerry Spinger và Mel B, người ta không nhận ra họ bám kịch bản, mà trái lại, cứ như họ đang nói, đang diễn đạt từ trong gan ruột!

Và tất cả những gì mình xem qua truyền hình cứ tạo cho mình một cảm giác là lễ đăng quang này được NBC sắp xếp hết trọi trừ phần thi ứng xử là “trực tiếp” nhất, bất ngờ nhất. Khán giả truyền hình thế giới – nghe đâu một tỷ người xem – thì có thể hồi hộp, còn những người ghi hình thì cứ như họ đã biết trước nên cứ lạnh lùng chọn góc máy mà quay theo một kịch bản. Nghi ngờ một cách nông dân thế thôi, chứ làm gì có cái cú lừa vĩ đại như thế!

***

NBC làm chuyên nghiệp quá (khen họ giống như khen “phò mã tốt áo”) nên không để lộ những sơ sót nghiệp vụ trên khung hình và vì thế, mình càng khó đoán. Cũng có người nói, ghi hình tường thuật một show hoa hậu thế này thì chưa chắc khó hơn ghi hình một trận bóng đá vì bóng đá, nhiều bất ngờ và không có kịch bản chi tiết trước được. Cũng đúng luôn.

Nhưng, dễ gì có cơ hội được qua châu Âu để xem trực tiếp một trận bóng đá, còn cuộc thi hoa hậu diễn ra ở Việt Nam nhưng vé mắc quá và còn nhiều chi tiết nghề mình chưa hết thắc mắc mà chẳng “biết hỏi ai”, nên đành... ao ước. Hy vọng các nhà báo có dịp theo chân hoa hậu hoàn vũ sẽ kể dùm.

________________

Ảnh: Các hoa hậu trên sân khấu Cung trình diễn hoa hậu - Ảnh: AP (mượn lại trên TTO)

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

THỜI BÁO




Cuốn sách "Bí quyết thành công những thương hiệu truyền thông hàng đầu thế giới" của tác giả Mark Tungate (NXB Trẻ) có chi tiết: The Times là tờ báo đầu tiên trên thế giới có sử dụng chữ “times” trong măng - set (manchettte).

The Times là nhật báo ra đời Vương quốc Anh từ 1/1/1785 với cái tên ban đầu là The Daily Universal Register, đến năm 1788, đổi tên thành The Times cho đến nay. Tờ báo này cũng qua nhiều lần đổi chủ và đạt nhiều cái đầu tiên, đặc biệt trong công nghệ in. Trong lịch sử báo chí thế giới, The Times được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) của nước Anh và hiện nay là một thương hiệu lớn trong làng báo toàn cầu.

Một chi tiết thú vị là cái “phông chữ có chân” chúng ta hay sử dụng lâu nay, phông Times New Roman hoặc các biến thể "Việt Nam hóa" của nó thời "tiền Unicode" như VNI-Times, .VnTimes, Vntimes2... là kiểu chữ được báo The Times thiết kế ra từ năm 1932 nhằm cải thiện “tính dễ đọc” cho độc giả tiếng Anh của tờ báo. Và đây là "font face" được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Nhiều lần đọc báo, mình cũng chưa giải thích được vì sao rất nhiều nước cũng có những tờ báo có chữ “Times” trong tên gọi tờ báo. Việt Nam không là ngoại lệ: ngoài những báo tiếng Anh như The Saigon Times (daily/weekly) còn có nhiều tờ có từ “thời báo”: Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (Vietnam Economic Times), Thời Báo Tài chính Việt Nam (Vietnam Financial Times), Thời Báo Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Industry Times)…

Có vẻ như chữ “times” ấy gắn liền với một đặc trưng của báo in: tính định kỳ. Và nếu thế thì liệu cuộc cách mạng truyền thông trong kỷ nguyên số hiện nay có làm thay đổi nếp nghĩ, nếp làm báo và cả cái tên gọi cũ?

Blog Page

Nhãn:

CHỬI CÓ VĂN HÓA




Ông X đến chỗ đám cưới trễ chút xíu, khách đã ngồi đông đủ, không gặp người quen, thấy có cái bàn còn trống một chỗ, ông định ngồi vào đó thì một vị trong bàn lên tiếng:

- Anh em trong bàn chúng tôi toàn là người ở cùng khu phố văn hóa đấy!

- Khu phố tôi chưa “lên” văn hóa, tôi không ngồi bàn này được à? - Ông X hỏi lại.

- Chúng tôi là những người ở trong một khu phố văn hóa, chúng tôi ngồi chung với nhau, anh ngồi cũng không sao nhưng nếu khu phố anh chưa đạt danh hiệu văn hóa, anh nên tìm chỗ bàn khác! – một người trong bàn chen vào.

- Này, tôi nói cho các anh biết, tôi đi đám cưới có thiệp mời, tôi muốn ngồi đâu tôi ngồi! Văn với chả hóa! – ông X phản ứng

- Anh đúng là chưa văn hóa!

- Này đừng có ăn nói mất văn hóa nhé! – ông X vừa nói vừa bỏ đi

- Ê, anh nói ai ăn nói mất văn hóa? – Một vị trong bàn nổi đóa. Nhưng một vị khác trong bàn chen ngay vào:

- Mình là dân của khu phố văn hóa, chửi cũng phải có văn hóa nghen ông!

Rồi một vị khác tiếp lời:

- Thôi đừng thèm nói chuyện với cái đám 11 đó!

Ông X nghe vậy liền quay lại ngay:

- Cái đám 11 là gì?

- Là tụi tôi nói anh! Anh không chỉ là đồ 11, mà còn là thằng 15!

- Mấy ông có tâm thần không vậy? – ông X bỏ đi một hơi

Các ông khu phố văn hóa nhìn nhau hể hả:

- Đúng là cha này chẳng hiểu biết tí nào!

- À, mà hồi nãy ông chửi nó là đồ 11 là con chó rồi, còn chửi đồ 15 là con gì?

- Con heo!

- Sai rồi, con heo là 07 chớ. 15 là con chuột. Hôm qua tôi mới chơi 2 lô con chuột lớn, con chuột nhỏ mà!

- Thì con chuột chửi cũng được. Mấy tuần rồi chưa chơi số đề lại nên nó không nhớ!

----------------------------------

Theo một tài liệu trên mạng thì số đề xuất phát từ một trò chơi đã có từ đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc. Nội dung trò chơi này là đoán tên một trong 40 nhân vật thời Tam Quốc và Chiến Quốc như­ Khổng Minh, Lư­u Bị, Khương Tử Nha... Mỗi nhân vật mang một số hiệu và cầm tinh một con vật. Chẳng hạn Quan Vân Tr­ường tức Quan Công cầm tinh con rồng, số hiệu 26. Ngoài ra, trong 40 nhân vật này, cũng có một số nhân vật lạ hoắc nh­ư “Phúc Tôn, cầm tinh con chó, số hiệu 11, làm nghề thầy thuốc ở Sơn Ðông, sau lên núi hái thuốc bị cọp vồ”.

Về sau, trò chơi đoán tên này trở nên phổ biến và được loại bỏ mọi danh xưng, chỉ còn lại số hiệu, từ 01 đến 40, kèm theo con vật cầm tinh, như­ số 01 là con cá, 02 là con ốc, 11 là con chó, 15 tức con chuột, 25 là con chim ó v.v... Cho đến khi 40 con số này được tăng lên thành 100, từ 00 đến 99 thì trò đoán tên này đã thực sự trở thành một môn cờ bạc, trong đó, 40 con số và con vật cầm tinh ban đầu vẫn được giữ nguyên làm cơ sở căn bản, mỗi con số có thêm hai “bội số “, mỗi “bội số” được cộng thêm 40 đơn vị. Mỗi lần thêm một “bội số” thì con vật cầm tinh cũng được xem nh­ư “bội vật”. Theo đó, nếu 11 là con chó thì 51 là con chó lớn và 91 là con chó... già.

Chiêm bao thấy con heo, người ta đánh số 07, thấy con chó tức số 11, thấy con dê thì ắt phải là số 35... Nh­ưng đó là giấc mơ đơn giản. Dân chơi đề có lối suy diễn riêng. Nếu là con heo hay con chó nhỏ thì không có gì thay đổi, nh­ưng phải nhớ xem con vật thuộc cỡ nào. Heo hay chó vừa vừa thì phải tăng thêm một “bội số” , tức là 40 đơn vị, thành ra con số 47 hay 51 , heo lớn hoặc chó to thì phải cộng thêm một “bội số “ nữa thành ra 87 hay 91 v.v... Như­ng đó vẫn chỉ là trong giấc ức mơ đơn giản. Gặp chiêm bao phức tạp hơn, chẳng hạn một đôi trai gái đang “vờn” nhau, thì tùy theo “t­ư duy” mỗi người mà có cách đánh riêng. Có người cho đó là trò ong bư­ớm vậy phải đánh số hiệu con ong con b­ướm. Người khác cho rằng đó là trò con heo, vậy không đánh số hiệu con heo là dại. Người khác nữa có thể “luận” rằng “chúng nó” làm trò khỉ, vậy phải đánh số hiệu con khỉ.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

BẦN CỐ NÔNG

Sau 30/4/1975, đùng một cái, anh Cơ bỗng trở thành người của cách mạng. Đeo cái băng vải nửa đỏ, nửa xanh (như màu cờ quân giải phóng miền Nam) trên cánh tay, anh đi lại oai phong trước ánh mắt ngưỡng mộ của bọn trẻ con trong xóm tôi thời đó. Tôi còn nhớ, lúc anh đến nhà tôi mượn cái máy thu thanh, má tôi không muốn cho mượn nhưng sợ bị mang tiếng là không giúp đỡ cách mạng nên vẫn đưa. Mang về, anh "chế" một cái dây, đeo vào, đi đâu cũng mở oang oang...

Công việc của anh Cơ hồi đó là hằng ngày đến nhà bà con trong xóm để mời họp, để thu áo, quần, mũ, nón của lính chế độ cũ, thu sách vở “đồi trụy phản động” do Sài Gòn xuất bản đem về trụ sở ủy ban quân quản. Thỉnh thoảng, anh tham gia vào cái tổ chuyên đi bắt những thanh niên mặc quần ống loe, để tóc dài ở trong xã hoặc vô phúc đi ngang qua xã thời đó.

Bà con trong xóm thì kinh ngạc vì sao một cậu thanh niên mới lớn, lâu nay nổi tiếng nghịch phá, không chịu học hành lại được cách mạng giác ngộ lúc nào mà không ai hay biết gì: "Thằng Cơ đi cách mạng mà kín tiếng thật!".

Một thời gian ngắn sau, anh Cơ không làm ở xã nữa mà về đi kinh tế mới. Sau mấy năm làm ăn thất bát, anh lại về làm vá xe đầu xóm. Trong một lần vá xe đạp cho tôi, anh cao hứng kể chuyện vì sao mình trở thành "người của cách mạng"…

...Sau Hiệp định Paris 1973, chính quyền Sài Gòn cũ tổ chức hình thức “giành dân” bằng cách chi tiền để sơn những lá cờ vàng ba sọc lên nóc nhà của dân. Trong xóm tôi ở bấy giờ, có mấy chủ hộ không thích chuyện này, bèn lén lút thuê anh Cơ trèo lên nóc nhà cạo đi cái lá cờ đã sơn. Trong một lần thực hiện “phi vụ” ấy, anh bị “nhân dân tự vệ” bắt và giải về nhốt ở phòng giam của trụ sở ủy ban hành chính hay cảnh sát gì đó. Trong “nhà tù” này, anh gặp một người là cơ sở cách mạng cũng đang bị giam. Câu chuyện anh “nổ” về thái độ phản đối chính quyền qua hình thức cạo các lá cờ được các nhân vật này chú ý. Anh bị nhốt mấy ngày thì cũng được tha. Và sau đó một thời gian thì sự kiện 30/4/1975 nổ ra.

Người gặp anh Cơ trong phòng giam ngày nào, bấy giờ thành một cán bộ nhỏ ở địa phương. Anh Cơ nhanh chóng tranh thủ gặp vị này. Với tình cảm “bạn tù” cũ, ông cán bộ ấy đã giới thiệu cho anh làm công việc tương tự như các anh dân quân hiện nay nhưng không giao súng. Anh cũng được cử đi học một khóa cấp tốc về sinh hoạt thanh thiếu niên trên huyện. Về xã, anh tổ chức cho chúng tôi sinh hoạt, tập những bài hát kiểu như “Hoan hô chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê”, “Ra đi vì nước”, “Vui liên hoan thiếu nhi thế giới”…

Anh kể lại rằng do lúc đó, nhà khó khăn quá, ra làm ở xã thì được ăn cơm tập thể và cũng oai, có lúc tưởng mình chuẩn bị làm lại cuộc đời, chứ có giác ngộ gì đâu. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ổn định, chính quyền cho anh về hưu non.

Sáng nay tự nhiên chợt nhớ anh Cơ vì một chi tiết. Năm 1977, ông anh họ của tôi khi viết lý lịch để làm hồ sơ đi thi trung học chuyên nghiệp, anh Cơ góp ý:

- Này chỗ thành phần đừng để là nông dân, không ăn thua gì!

- Để là bần nông hả?

- Bần nông cũng không ăn thua gì!

- Chứ để cái gì?

- Phải để là bần cố nông!

Và anh giải thích, bần cố nông chỉ thua công nhân thôi, đó là giai cấp cách mạng. Đừng có dại mà dây vào trí thức nhé!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2008

HÃY ĐỂ THỊ TRƯỜNG LÊN TIẾNG!




Trên một diễn đàn, gần đây, Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM nói: “Bộ máy Nhà nước hiện nay "chết cứng", vào khó, ra khó. Ở nhiều cơ quan, công chức “lèng èng” phải chiếm tới khoảng 1/3. Cần có cơ chế để liên tục chọn được người có năng lực và đào thải những người không đáp ứng được yêu cầu.”.

Tôi nghĩ ý kiến trên là đúng. Tuy nhiên để chọn được người giỏi cho bộ máy thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, không ngoại trừ ý muốn chủ quan của người sử dụng lao động. Có tiêu chí đánh giá khoa học, nhưng người tuyển dụng, sử dụng lao động không khách quan (mà điều này là luôn luôn tồn tại) thì lao động giỏi cũng khó mà sống được trong bộ máy của chúng ta.

Tôi nghĩ hợp đồng lao động là cách để dòng lao động luôn luôn động, luôn luôn chảy, tránh “chết cứng”.

Chúng ta phải làm quen với việc dịch chuyển lao động và phải coi đó là chuyện bình thường, là tốt cho xã hội. Cứ nhìn vào thị trường lao động cao cấp thì sẽ thấy, luôn luôn sôi động nhưng cũng không nhiều tiêu cực, bất ổn. Đó là cuộc chơi của những cao thủ. Trong đó, “chủ cao thủ” thì biết tìm “tớ cao thủ” và thật sự, “tớ cao thủ” cũng biết cách đi tìm “chủ cao thủ”.

Hiện nay, biên chế đã bó chân rất nhiều lao động giỏi và là một cách bắt buộc họ phải chịu đựng.

Ví dụ, một cán bộ được bổ nhiệm làm lãnh đạo của một cơ quan nào đó, những lao động tốt (trong biên chế nhà nước) của cơ quan ấy nhận thấy năng lực của vị cán bộ là có vấn đề. Nhưng họ không đi chỗ khác được vì không được ký giấy chuyển. Thậm chí, với những người là đảng viên thì còn phức tạp hơn. Nếu cố tình ra đi họ sẽ mất tất cả, sau này có muốn quay lại cũng khó và phải làm lại từ đầu. Vậy là họ chịu đựng cho qua “nhiệm kỳ” của sếp. Mà nhiệm kỳ của sếp ở các cơ quan hành chính Việt Nam thì có khi hơn cái khoảng 5 năm theo quy định một cách bất bình thường.

Hợp đồng lao động sẽ giúp cho bản thân những lao động giỏi có cơ hội “làm giá” với người sử dụng lao động, cho phép họ có tiếng nói trong trường hợp họ thực sự không tìm được sự đồng điệu với sếp hay sếp thực sự “có vấn đề”.

Ví dụ, nếu một sếp làm việc trong thời gian 6 tháng, 1 năm mà có hàng loạt lao động tốt chấm dứt hợp đồng, điều đó phải được coi là một trong những yếu tố để đánh giá chính năng lực của sếp. Như vậy trong trường hợp này, hợp đồng lao động còn cho phép một cơ chế sàng lọc nhân lực cao cấp thông qua nhân lực hạng trung.

Ta không sợ hợp đồng lao động có thể làm mất người giỏi dễ dàng. Bởi thật ra, giữ người giỏi trong khi họ không còn say sưa, đam mê tận hiến thì cũng không nên giữ làm gì. Và mục đích lớn nhất chúng ta không chỉ là tạo cơ chế để thu hút người giỏi, chúng ta còn cần cơ chế tạo điều kiện cho người giỏi làm việc cống hiến nữa cơ mà. Thế thì tại sao không nhìn từ hai phía, cho phép người giỏi có khả năng tìm sếp giỏi và ngược lại? Vì chúng ta biết, hiệu quả của một hoạt động chính là sự ăn khớp, hài hoà, cộng hưởng.

Vẫn biết rằng, để bảo đảm sự an toàn cho hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, những vị trí quan trọng luôn được các cấp ủy Đảng tương ứng bổ nhiệm bằng ý chí của tập thể thậm chí cá nhân cán bộ lãnh đạo Đảng. Điều này chắc chắn không thể không mâu thuẫn với việc hình thành một thị trường nhân lực đúng nghĩa trong hệ thống bộ máy nhà nước. Nhưng phải có lộ trình để cho hai mục đích này xích lại gần nhau, nếu không bộ máy sẽ vẫn trong thế “chết cứng” như hiện nay.

Ngành nội vụ không biết đã bao giờ thống kê xem, có bao nhiên cán bộ được bổ nhiệm dám dũng cảm từ chối quyết định bổ nhiệm vì lý do không đủ năng lực. Nếu có chắc cũng rất hiếm. Nếu những cán bộ (vì lý do nào đó) khó nói ra sự thật ấy, thì hãy để thị trường lao động (mà cụ thể là chế độ hợp đồng lao động) nói giùm.

------------

Ảnh: Đón các sĩ tử về thành phố thi Đại học

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2008

TỘI NGHIỆP CÁI BỤNG




Cái bụng mỗi ngày phải lo tiêu hóa 3 bữa ăn, đã thế, nó còn phải đảm trách xử lý cà phê, bia, rượu, nước trà.

Nhưng nhiệm vụ của nó đâu chỉ dừng lại ở chuyện… vật chất tầm thường!

Cái bụng còn là cơ quan tư duy:

- Tôi nghĩ bụng…

Và có chức năng… tình cảm nữa:

- Tôi ưng bụng…

- Tốt bụng, xấu bụng, để bụng…

Đây là "quan điểm" của người Kinh chứ không phải bà con các dân tộc anh em trên Tây Nguyên đâu nha!

Bởi vậy, yêu là sự rung động của hai cái bụng chứ đâu phải sự rung động của hai trái tim như các nhà "tình yêu học" chỉ ra lâu nay!

Thế mà cái bụng không được coi trọng như cái đầu (chẳng có nước nào quy định phải mang nón bảo hiểm cho bụng). Ai lỡ khoe nó ra với thiên hạ là bị chửi mất lịch sự ngay, trừ các cô thi hoa hậu áo tắm (giờ này mới hiểu ra, các bạn gái thi hoa hậu và các loại thi tương tự là những người biết tôn vinh cái bụng). Như đã nói, bụng là cơ quan "tư duy", "tình cảm", bụng càng to chắc là trí tuệ và tình cảm càng mênh mông. Dân uống bia như tụi mình mà được phép phô bụng ra thì cái phần tư duy và tình cảm hoành tráng hơn hoa hậu nhiều!

Nghĩ bụng, cũng tội nghiệp cái bụng!

---------------

Ảnh "mượn" trên net và chỉ có tính chất "câu view"

Nhãn:

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

ĐIỆN THOẠI DI DỘNG CÓ TỪ BAO GIỜ?




Hôm qua, nhờ cúp điện mới có cơ hội đọc được truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, sách cô Hải Yến tặng bé Tép.

Truyện có lối viết hóm hỉnh, thông minh, có kết cấu “phục hiện” kiểu điện ảnh khá thú vị. Bút pháp truyện thì không có gì đặc biệt, không phúng dụ, huyền thoại, không trào lộng, giễu nhại, không tượng trưng.

Vẫn một Nguyễn Nhật Ánh có duyên kể chuyện

Có một chi tiết truyện mình cảm thấy hơi tiếc. Đó là tất cả các nhân vật chính trong truyện học cùng lớp, chơi cùng nhau, dù con gái xưng với con trai bằng “anh”, nhưng theo nội dung truyện nhiều lần lặp lại, họ bằng tuổi nhau, bối cảnh quá khứ được kể trong truyện là lúc tất cả họ đều 8 tuổi.

Và cũng theo nội dung cuốn sách, thời hiện tại, khi tác giả kể câu chuyện này thì nhân vật Hải cò “khoảng trên dưới 50”.

“Gọi thằng Hải cò là gọi theo thói quen, gọi theo cách tôi vẫn gọi nó vào cái thời chúng tôi tám tuổi.

Bây giờ, đúng ra tôi phải gọi Hải cò là ông Hải cò. Như vậy cho nó lịch sự. Vì Hải cò bây giờ đã nhiều tuổi lắm rồi, đại khái bằng cái mức 8 tuổi nhân cho 6, tức là khoảng trên dưới 50, nếu chúng ta vẫn quyết tin theo bản cửu chương.” (trang 87)

Nhưng nhân vật nữ - Tí sún – thì... 48 tuổi:

“Hồi xưa đâu có vậy. Cách đây bốn mươi năm, con Tí sún có lẽ từng nuôi hi vọng tôi sẽ nghe lời nó, dù chỉ một lần. Nhưng hi vọng nhỏ nhoi đó, nó không bao giờ nuôi nổi.” (trang 138)

Thôi thì cứ cho là các nhân vật chính của “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” vào thời điểm tác giả viết truyện là 48 tuổi thì vẫn có một điều tôi rất ngạc nhiên là sao cách nay 40 năm, vào năm 1968, họ đã có điện thoại di động để nghịch và lúc đó đã có dịch vụ nhắn tin SMS:

“Mẩu tin mới nhất của chú Nhiên đã hại tôi. Tôi háo hức nhắn tin cho con Tủn:
"Chiều nay chúng ta lên giường một chút chăng? Buồn ơi là sầu!"
Dĩ nhiên một chú bé 8 tuổi thì không thể hiểu nội dung thật sự của mẩu tin quái ác đó.”
(trang 78)

Cũng xin nói thêm là theo nội dung truyện, bối cảnh câu chuyện ở Việt Nam và các nhân vật là người Việt Nam. Cuối truyện tác giả có ghi “TP HCM tháng 1/2008”. Nếu câu chuyện xảy ra ở một nước tiên tiến nhất thì công nghệ SMS hồi ấy vẫn chưa có.

Ngày đầu tiên Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ điện thoại di động là 16- 4 - 1993. Và dịch vụ tin nhắn, hay SMS (Short Message Service), dịch vụ cho phép gửi những tin nhắn ngắn 160 ký tự, ở Việt Nam, chỉ có sau đó nhiều năm.

***

Tất nhiên, sẽ có người nói: nhà văn có quyền hư cấu. Nhưng, quyền hư cấu không đồng nghĩa với quyền được vi phạm logic cuộc sống trong truyện. Một người viết tiểu thuyết lịch sử chẳng hạn, có quyền hư cấu các chi tiết về các nhân vật lịch sử nhưng không thể để Quang Trung sinh trước Nguyễn Trãi được. Nguyễn Nhật Ánh đã dùng những chi tiết hiện đại gán cho những trải nghiệm tuổi thơ của các nhân vật hơi già của mình nên “thời gian tính” bị lệch.

Cũng còn một vài chi tiết tương tự (xem truyền hình thời đó, chuyện cái máy thu hình được ông bố vợ hụt tặng chẳng hạn...) làm giảm sức thuyết phục của truyện, nhưng, đó là tiểu tiết, nhìn chung, đây là một tác phẩm hấp dẫn, thú vị.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2008

GIÁ BA MÌNH CHỊU KHÓ

- Này đọc báo Tuổi trẻ hôm nay chưa?

+ Có chuyện gì vậy?

- Có câu chuyện “Đi… điểm danh”. Chuyện kể rằng ở một địa phương nọ, một ông Phó Bí thư đảng ủy có bố vợ mất, bèn chỉ đạo Văn phòng làm thông báo hỏa tốc gửi đến các chi đảng bộ trực thuộc (vốn toàn là doanh nghiệp), cái công văn này không đóng dấu má gì hết nhưng các doanh nghiệp thì phải xuất tiền mua vòng hoa và đi phúng điếu như đi… điểm danh!

+ Chuyện thường ngày ở huyện mà. Tui cũng từng đi dự mấy cái đám tang kiểu đó vì bị giám đốc bắt phải đi như một nhiệm vụ chứ có lòng thành gì với người đã khuất đâu và có quen biết người thân của họ là ai đâu mà chia buồn. Tới nơi, điểm mặt “anh hùng hào kiệt” cũng biết chắc họ thu được hàng trăm triệu chứ chả chơi! Mấy cái chuyện “báo tang” kiểu đó doanh nghiệp tụi tui cũng gặp hoài à. Báo tang gì mà mà lại hướng dẫn rất chi tiết địa chỉ nhà đám nên đọc thông báo đó, mình hiểu là phải đến phúng viếng thôi, người gủi và người nhận đều biết rõ điều đó mà. Mấy cái thông báo như thế nhiều doanh nghiệp bọn tui vẫn lưu lại như “chứng từ gốc” kèm với các phiếu chi hàng triệu đồng tiền phúng điếu và mấy trăm ngàn tiền mua vòng hoa, có bút phê của lãnh đạo đơn vị đó ông ơi.

- Tiếc quá, ba tôi chết hồi tôi mới 5 tuổi. Giá như ổng chịu khó bây giờ mới chết thì may ra mình cũng có cơ hội làm đám tang hoành tráng báo hiếu!

- Hoành tráng là sao? Đông người dự à? Cái đó là hiếu… khách! Nhiều vòng hoa à? Cái đó là hiếu… danh! Nhiều phong bì à? Cái đó là hiếu… tiền! À, mà ông có làm quan chức đâu mà mơ cái chuyện “hiếu” đó nhể?

+ Thì tôi gửi công văn bằng message cho tất cả các bloggers!

Nhãn:

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2008

LAN MAN CÁI CHUYỆN GẠT TÀN




Bạn tôi nói rằng, quan sát một người hút thuốc, có thể đoán được tính cách người đó qua cái cách hút thuốc của họ, cụ thể hơn, qua cái cách họ cầm, ngậm, cắn đầu lọc điếu thuốc.

Sau nhiều lần quan sát, tôi phát hiện thêm điều này: Cái cách gạt tàn thuốc của dân “nicotiner” cũng thể hiện cá tính thậm chí, gốc gác của họ nữa.

Mới đây đi Nha Trang, hai vợ chồng tôi phải tìm mọi cách để giải thích, trả lời cho 2 đứa con còn nhỏ khi chứng kiến nhiều cảnh người lớn xả rác và gạt tàn thuốc trên tàu, trên cáp treo, chỗ vui chơi...

Vào quán cà phê như Cội Nguồn chẳng hạn, việc đầu tiên tôi gọi nhân viên là cho chú xin cái gạt tàn. Tất nhiên dân hút thuốc chuyên nghiệp thì cái gạt tàn dễ… chế biến. Có khi là vỏ hộp diêm, có khi là cái đĩa đặt dưới tách cà phê cho vào tí nước để tàn thuốc khỏi bay, có khi là miếng giấy báo gấp lại để đựng... tạm tàn thuốc, và, tôi, thỉnh thoảng cũng dùng cả vỏ bao thuốc lá hút xong , đã vứt trong sọt rác khi tìm không thấy cái gạt tàn.

Chuyện vui vui bắt đầu đây.

Một lần say sưa làm việc, hút thuốc nhiều, tôi gạt tàn đầy ắp trong một vỏ bao thuốc lá. Điện thoại reng đầu giờ chiều: đi họp gấp. Tôi thay đồ và theo thói quen, bỏ bao thuốc lá + hộp quẹt vào túi áo. Bao thuốc lá và vỏ bao thuốc đã gạt tàn thì giống nhau y chang nhưng do không để ý và cầm lên thấy cũng nặng nặng, tôi bỏ vào túi cái gói thuốc lá... đầy tàn thuốc.

Giờ giải lao, theo thói quen, dân ghiền thuốc tụm lại chỗ hành lang có cái gạt tàn to đùng để hút thuốc. Ông cán bộ lớn chủ trì hội nghị cũng là dân ghiền thuốc đến chỗ tôi và nói: Có thuốc cho anh điếu. Nhiều người có các loại thuốc sang hơn định mời nhưng ông cán bộ này thích gu "Con Mèo" như tôi nên chộp ngay “bao thuốc” và hộp quẹt tôi vừa móc ra. Chà, lâu lâu mới có cơ hội được điếu đóm cấp trên đây. Ông cán bộ mở bao thuốc hơi mạnh tay, tàn thuốc, đầu lọc bật ra, bay tá lả trước sự kinh ngạc của cả tôi và ông ta!

May mà ông cán bộ đó là người dễ tính nên thông cảm cho cái tội đãng trí của tôi, nếu không, có khi mình còn bị quy vào tội chơi xỏ cán bộ!

Lại có lần, khi uống bia ngà ngà say, ông nọ lại gạt tàn vào vỏ lon bia vừa uống xong. Đến một lúc sau, một người khác trong bàn lại vô tình cầm cái lon bia ấy rót tiếp vào ly của mình. Cùng với một chút bia còn sót lại trong lon là một hỗn hợp tàn thuốc và cái đầu lọc chảy vào cái ly của anh ta. May mà có người phát hiện kịp thời nên anh ta chưa kịp uống bia pha tàn thuốc!

Sau những chuyện đó, tôi mới nghiệm ra một điều: cái gì cũng có chức năng riêng của nó cả. Bắt cái vỏ bao thuốc (hay lon bia) làm chức năng của "anh gạt tàn" thế nào cũng xảy ra sự cố, không cháy nhà thì cũng mất điểm trước lãnh đạo như trường hợp của tôi!

Blog Page

Nhãn: