Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

BẦN CỐ NÔNG

Sau 30/4/1975, đùng một cái, anh Cơ bỗng trở thành người của cách mạng. Đeo cái băng vải nửa đỏ, nửa xanh (như màu cờ quân giải phóng miền Nam) trên cánh tay, anh đi lại oai phong trước ánh mắt ngưỡng mộ của bọn trẻ con trong xóm tôi thời đó. Tôi còn nhớ, lúc anh đến nhà tôi mượn cái máy thu thanh, má tôi không muốn cho mượn nhưng sợ bị mang tiếng là không giúp đỡ cách mạng nên vẫn đưa. Mang về, anh "chế" một cái dây, đeo vào, đi đâu cũng mở oang oang...

Công việc của anh Cơ hồi đó là hằng ngày đến nhà bà con trong xóm để mời họp, để thu áo, quần, mũ, nón của lính chế độ cũ, thu sách vở “đồi trụy phản động” do Sài Gòn xuất bản đem về trụ sở ủy ban quân quản. Thỉnh thoảng, anh tham gia vào cái tổ chuyên đi bắt những thanh niên mặc quần ống loe, để tóc dài ở trong xã hoặc vô phúc đi ngang qua xã thời đó.

Bà con trong xóm thì kinh ngạc vì sao một cậu thanh niên mới lớn, lâu nay nổi tiếng nghịch phá, không chịu học hành lại được cách mạng giác ngộ lúc nào mà không ai hay biết gì: "Thằng Cơ đi cách mạng mà kín tiếng thật!".

Một thời gian ngắn sau, anh Cơ không làm ở xã nữa mà về đi kinh tế mới. Sau mấy năm làm ăn thất bát, anh lại về làm vá xe đầu xóm. Trong một lần vá xe đạp cho tôi, anh cao hứng kể chuyện vì sao mình trở thành "người của cách mạng"…

...Sau Hiệp định Paris 1973, chính quyền Sài Gòn cũ tổ chức hình thức “giành dân” bằng cách chi tiền để sơn những lá cờ vàng ba sọc lên nóc nhà của dân. Trong xóm tôi ở bấy giờ, có mấy chủ hộ không thích chuyện này, bèn lén lút thuê anh Cơ trèo lên nóc nhà cạo đi cái lá cờ đã sơn. Trong một lần thực hiện “phi vụ” ấy, anh bị “nhân dân tự vệ” bắt và giải về nhốt ở phòng giam của trụ sở ủy ban hành chính hay cảnh sát gì đó. Trong “nhà tù” này, anh gặp một người là cơ sở cách mạng cũng đang bị giam. Câu chuyện anh “nổ” về thái độ phản đối chính quyền qua hình thức cạo các lá cờ được các nhân vật này chú ý. Anh bị nhốt mấy ngày thì cũng được tha. Và sau đó một thời gian thì sự kiện 30/4/1975 nổ ra.

Người gặp anh Cơ trong phòng giam ngày nào, bấy giờ thành một cán bộ nhỏ ở địa phương. Anh Cơ nhanh chóng tranh thủ gặp vị này. Với tình cảm “bạn tù” cũ, ông cán bộ ấy đã giới thiệu cho anh làm công việc tương tự như các anh dân quân hiện nay nhưng không giao súng. Anh cũng được cử đi học một khóa cấp tốc về sinh hoạt thanh thiếu niên trên huyện. Về xã, anh tổ chức cho chúng tôi sinh hoạt, tập những bài hát kiểu như “Hoan hô chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê”, “Ra đi vì nước”, “Vui liên hoan thiếu nhi thế giới”…

Anh kể lại rằng do lúc đó, nhà khó khăn quá, ra làm ở xã thì được ăn cơm tập thể và cũng oai, có lúc tưởng mình chuẩn bị làm lại cuộc đời, chứ có giác ngộ gì đâu. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ổn định, chính quyền cho anh về hưu non.

Sáng nay tự nhiên chợt nhớ anh Cơ vì một chi tiết. Năm 1977, ông anh họ của tôi khi viết lý lịch để làm hồ sơ đi thi trung học chuyên nghiệp, anh Cơ góp ý:

- Này chỗ thành phần đừng để là nông dân, không ăn thua gì!

- Để là bần nông hả?

- Bần nông cũng không ăn thua gì!

- Chứ để cái gì?

- Phải để là bần cố nông!

Và anh giải thích, bần cố nông chỉ thua công nhân thôi, đó là giai cấp cách mạng. Đừng có dại mà dây vào trí thức nhé!

Blog Page

Nhãn:

20 Nhận xét:

Anonymous OverAC GPE nói...

đánh dấu trước đọc sau :)

lúc 23:18 9 tháng 7, 2008  
Anonymous OverAC GPE nói...

bi giờ thì em mới biết có vụ cho tiền đề sơn cờ vàng 3 sọc đỏ.
Ở ngoài quê em, em thấy có 1 nhà vẫn còn vết sơn.

lúc 23:23 9 tháng 7, 2008  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Chuyện như anh Cơ không phải là chuyện"hiếm"ở cái xã hội bao cấp ngày xưa người ta dễ"dựa hơi".Có mấy ông thời chiến tranh còn bé tí chẳng tham gia gì được nhưng rủi bị mất tay mất chân do pháo,có vị sau năm 1975 nhặt được đầu đạn M79 nghịch dại nên chột một mắt.Chẳng hiểu các vị ấy chạy cửa nào mà được công nhận là thương binh,được cấp nhà tình nghĩa.Người địa phương "cả nể" biết nhưng để bụng chẳng ai khiếu nại làm gì.

lúc 18:35 10 tháng 7, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ OverAC-GPE: Điều đó chứng tỏ sơn của bọn đế quốc tốt thiệt! Hìhì...
@ Bút Thép: Chiến tranh mà...
@ hongdang: Bác cứ nói thế. Em kể chuyện chứ có hưởng ứng gì đâu. Là bác suy diễn nhé!
@ Yen Ha: Những quan niệm ấy nó cũng còn tồn tại dưới hình thức này, mức độ kia chứ
@ Free: Em thì không nghĩ là số anh khổ.
@ K.Hâm: Xã hội mình thì bây giờ chuyện "ngồi nhầm" còn nhiều lắm.
@ Nhân: Cái đó là quy định mà!
@ Tuệ Hoan: Gọi là "cách mạng 75" chứ!
@ Bằng Lăng: Chuyện em nói cũng có, thỉnh thoảng đọc báo thấy phản ánh các vụ "thương binh giả"

lúc 19:30 10 tháng 7, 2008  
Anonymous Bút Thép nói...

Anh Cơ thế còn may. Nhiều người sao cuộc chiến cũng về vườn không ai quan tâm, trong đó có những chiến sĩ lái xe trường sơn, những người thanh niên xung phong,...

lúc 19:34 10 tháng 7, 2008  
Anonymous rhum nói...

e vẫn chưa hiểu chữ "bần cố nông" là gì

lúc 20:24 10 tháng 7, 2008  
Anonymous HTGiap nói...

Cái bác Cơ nom vậy mà cũng giác ngộ ghê bác hén!
Hoan hô bác Cơ cái nào.

lúc 22:34 10 tháng 7, 2008  
Anonymous Sách bố's blog nói...

Cái câu kết nhiều ẩn ý quá. Không biết có liên quan gì đến bài mới của anh BL không nhỉ (wonder, wonder).

lúc 22:53 10 tháng 7, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Lẹ dữ ha, phải nói là hưởng ứng thật mau lẹ! Hôm nay (11/7) mới là ngày thứ 3 của HN TW 7. Trí thức, vấn đề muôn thuở. Vậy nên anh Cơ, một loại "lưu manh" mới quyết định "làm" bần cố nông! Kể ra không học hành gì nhiều mà cũng sáng dạ phết! Một ngày vui nghe anh Tú. :-))

lúc 01:36 11 tháng 7, 2008  
Anonymous Yen Ha nói...

Quả là ấu trĩ cái thời "Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ".
Giờ đây quan niệm đã khác hẳn một trời một vực rồi.

lúc 02:04 11 tháng 7, 2008  
Anonymous free nói...

Hồi học cấp 3 phải khai lý lịch để dự thi đại học, mình bắt chước anh Cơ khai thành phần bản thân bần cố nông mà họ không chịu, bắt khai lại là tiểu tư sản thành thị. Hèn chi số mình khổ đến giờ.

lúc 02:15 11 tháng 7, 2008  
Anonymous K. Hâm nói...

Thật may là anh Cơ ..." sau 1 thời gian đã về vá xe trở lại" . Còn biết bao anh Cơ khác đã không về vá xe mà không biết bằng cách nào đó lên cao cao mãi. Mấy ông quan 30 tháng 4 này phá thì còn khổ bằng hàng vạn ông nông dân ngồi nhầm.

lúc 02:54 11 tháng 7, 2008  
Anonymous Ng. Duy Nhân nói...

Em đang khốn khổ vật lộn với cái lý lịch cho vợ đi thi công chức. Bắt khai mấy đời, bên vợ bên chồng. Động vào ba cái vụ giấy tờ này thấy phức tạp và ngại kinh khủng.

lúc 04:16 11 tháng 7, 2008  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

haha, cách mạng 30 là đây.

lúc 04:17 11 tháng 7, 2008  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

dù sao thì anh Cơ chỉ làm ở xã, chứ bi chừ em biết có mấy ông 30 ngồi cũng hơi cao đó nha

lúc 04:21 11 tháng 7, 2008  
Anonymous Trau nói...

Sau ngày 30/4 ít hôm, Trâu theo anh trai từ Sài gòn về quê. Tới trạm kiểm soát liên tỉnh, anh của Trâu bị cán bộ chặn lại tịch thu cặp kính cận vì cho rằng chỉ có thành phần trí thức, tiểu tư sàn mới mang kính trắng. Chỉ có bọn Ngụy mới cần mấy thằng cận thị... híc híc!

lúc 00:29 12 tháng 7, 2008  
Anonymous thinhleparia nói...

hoan hô anh nguyễn thời cơ
giác ngộ cách mangj đến giờ... Vẫn oai .

lúc 19:50 12 tháng 7, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Rhum: Bần cố nông được hiểu là nông dân trên răng dưới... dép, không có tư liệu sản xuất, chỉ có thể làm thuê.
@ HTGiap: May mắn là bác Cơ cũng sớm giác ngộ! Khi nào HTGiap vào chỗ mình, mình sẽ giới thiệu gặp anh Cơ.
@ Sách Bố: Câu kết rõ ràng rành mạch mà, có ẩn ý gì đâu!
@ TRau: May quá mình không bị cận thị nên chưa bị quy thành phần!
@ Huy: Hoan hô em đã còm xôm tụ!

lúc 05:04 13 tháng 7, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

uhm, nghe lời bác Giáp, hoan hô bác Cơ!

lúc 05:59 13 tháng 7, 2008  
Anonymous SOI DA nói...

Này, bác Tú!
Cái anh Cơ của bác bén duyên với cách mạng còn ly kỳ hơn cả thằng con bác Lỗ Tấn!
QUả là cách mạng quê anh trịêt để thật

lúc 01:34 14 tháng 7, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ