Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA (PART 4: UNIMPLEMENTABLEREGULATIONS )




PGS. TS Vũ Quang Hào, người cũng có nhiều công trình nghiên cứu về chuyện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí (ảnh chụp tại Thụy Điển)

Cho dù có nhiều ý kiến còn tranh cãi nhưng thực tiễn báo chí Việt Nam những năm qua cho thấy: các cơ quan thông tấn báo chí đã phải chấp nhận sống chung với phiên âm, chuyển tự, giữ nguyên dạng trong việc xử lý tên riêng tiếng nước ngoài như là những biện pháp tình thế khi chưa có những quy định có tính chất pháp lý thực sự. Bởi vì, theo PGS.TS Vũ Quang Hào, “hơn bất cứ lĩnh vực nào, báo chí là địa hạt phải động chạm đến tên riêng tiếng nuớc ngoài một cách trực tiếp nhất, nhiều nhất, thường xuyên nhất và trong những khoảng thời gian ngắn nhất.”

NHỮNG QUY ĐỊNH KHÔNG THỰC HIỆN

Năm 1968, Uỷ Ban khoa học xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia) đã ban hành “Quy định tạm thời về quy tắc phiên thuật ngữ nước ngoài ra tiếng Việt”, song trong quá trình áp dụng vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề.

Trước đó cũng đã có một số tác giả quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, nhưng chỉ chú trọng riêng về phiên thuật ngữ khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn tác giả Lê Trọng Bổng đã đưa ra “Quy tắc phiên thuật ngữ khoa học - kỹ thuật, quy tắc phiên tên riêng thuộc 20 ngoại ngữ” (1983).

Năm 1984, Bộ Giáo dục đã ban hành một quyết định về vấn đề này, đề ra những nguyên tắc hoàn toàn minh xác có thể làm chuẩn mực cho việc thống nhất cách giải quyết vấn đề. Tinh thần của bản quyết định, trình bày vắn tắt, như sau:

- Những tên địa lý đã Việt hoá (như tên các châu lục, các đại dương, một số nước như Pháp, Mỹ, Đức, Ý) vẫn giữ nguyên như cũ.

- Ngoài ra, những tên địa lý khác và những tên người thì để nguyên dạng nếu bản ngữ dùng chữ La Tinh, chuyển tự sang chữ La Tinh (theo cách chuyển tự do chính phủ của nước hữu quan ấn định) nếu bản ngữ dùng thứ chữ khác. Ngoại lệ duy nhất cho nguyên tắc này là các tên người và tên đất Trung Quốc vốn đã từ xưa được đọc theo âm Hán Việt, và từ khi có chữ quốc ngữ vẫn được viết theo cách phát âm này.

- Trong khi chuyển tự, vần quốc ngữ cần được bổ sung thêm các chữ cái thông dụng trong khối cộng đồng các nước dùng chữ La Tinh như F, Z, J, W. Ngoài ra, những chữ và những dấu khu biệt không có trong vốn chữ cái của nhà in có thể được bỏ qua hoặc thay thế bằng những chữ gần tương tự...." (Cao Xuân Hạo: Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa - NXB Giáo dục, 1998, trang 162)

GS. Cao Xuân Hạo cho rằng đó là một quyết định đúng đắn song nó đã không được thực hiện. Về chuyện phiên âm, ông viết: “chủ trương phiên âm đưa đến một kết quả đáng buồn là người đọc sách bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai. Nếu viết nguyên dạng, ít ra ta cũng có được một mặt chắc chắn đúng: mặt chính tả, tức mặt quan trọng nhất…”; “nhưng việc phiên âm sai chưa phải là cái hại lớn nhất của biện pháp phiên âm”; “Tên riêng, nhất là tên người vốn thuộc vốn từ vựng của thứ tiếng hữu quan, nó tuyệt nhiên không phải là từ tiếng Việt, vậy thì tại sao lại bắt nó phải tuân theo những quy tắc chính tả của từ tiếng Việt” (Cao Xuân Hạo, sđd, trang 162 – 169)



Nhãn: ,

NEW TECHNOLOGY FOR TV

KHI TRUYỀN HÌNH KHỞI SẮC VỀ CÔNG NGHỆ

Báo chí lâu nay khi nhìn chủ trương xã hội hóa việc sản xuất các chương trình truyền hình, phần lớn đều tập trung phê phán: thực trạng bán sóng; những chuyện “đi đêm” giữa nhà đài và công ty quảng cáo, nhà sản xuất; chất lượng một số chương trình chạy theo thị hiếu tầm thường; cuộc cạnh tranh không lành mạnh v.v… Nhưng, khách quan mà xét, nếu không có chủ trương xã hội hóa này, công nghệ truyền hình Việt Nam khó có được bước tiến như hôm nay.

Nếu hôm nay, thử xem lại một số chương trình truyền hình cách nay 10 năm như trò chơi “SV 96”, “Bảy sắc cầu vồng”, các chương trình ca nhạc quay sân khấu hay ngoại cảnh hay các bộ phim truyện truyền hình được VFC hợp tác với các địa phương, các ngành… chúng ta có thể so sánh và thấy được những bước tiến lớn về công nghệ sản xuất trong những chương trình tương ứng hiện nay. Sân khấu của trò chơi truyền hình khi mới xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam giống như sân khấu hội trường. Các bục bệ, các bày trí sân khấu, phông màn thời đầu so với bây giờ, quả là một khoảng cách quá xa. Sự xuất hiện của những game show có format từ nước ngoài không chỉ là sự xuất hiện của một cấu trúc mới mà là sự ra đời của những công nghệ ghi hình, các quy trình, quy phạm trong sản xuất chuyên nghiệp. Khi đặt vấn đề mua bản quyền các format chương trình, các công ty truyền thông không chỉ đầu tư để mua “kịch bản giấy” mà còn đầu tư cho cả việc chuyển giao công nghệ. Ê-kíp sản xuất có thể được đi nước ngoài để đào tạo, hoặc có thể được chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam hướng dẫn. Nhiều phần mềm chuyên dụng phục vụ cho việc sản xuất chương trình đã được đưa vào Việt Nam và được Việt hóa. Một sân khấu rất đặc biệt, một cách xử lý ánh sáng theo cấp độ tăng tiến ở các vòng chơi, các đoạn âm nhạc, các phần mềm xử lý cẩn chữ, các kiểu góc máy, các cú lia máy… của trò chơi “Ai là triệu phú” hết sức mới mẻ và đáng học tập cho những người làm nghề truyền hình ở Việt Nam. Những trò chơi huy động hàng trăm thí sinh và hàng trăm người tham gia biểu diễn khác như “Rung chuông vàng”, “Đấu trường 100” có cả một công nghệ ghi hình, một quy trình ứng dụng đồ họa thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới.

Khán giả truyền hình chỉ biết thưởng thức chương trình và yêu cầu của họ ngày càng tăng lên. Ít ai biết rằng đằng sau cánh gà sân khấu truyền hình, đó là một nỗ lực cực lớn và một quá trình đầu tư cực kỳ tốn kém cho từng phút phát sóng. Nếu không có chủ trương xã hội hóa, khó có thể có được luồng sinh khí mới ấy trong hoạt động sản xuất chương trình truyền hình.

Đó là chưa kể các hệ thống thiết bị chuyên dụng, đắt tiền khi được nhập vào Việt Nam để thực hiện các chương trình cụ thể đã được tận dụng để sản xuất nhiều dạng chương trình khác phục vụ chính trị bằng sự nhanh nhẹn, thông minh của “dân truyền hình Việt Nam”.

Và đó là chưa kể đến quá trình xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình đã tác động tốt đến nguồn thu của Đài, góp phần giảm nhẹ cho ngân sách nhà nước và góp phần tăng thu nhập trong đội ngũ những người làm truyền hình.

***

Dù còn nhiều điều để bàn, song một trong những điều đáng ghi nhận từ chủ trương xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình những năm qua chính là sự đóng góp của những công ty truyền thông trong việc góp phần nâng cao nghiệp vụ sản xuất chương trình khi “nhập” công nghệ sản xuất chương trình tiên tiến vào Việt Nam, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về nghiệp vụ sản xuất chương trình để ngày càng cung cấp cho khán giả những bữa tiệc truyền hình chất lượng.



Nhãn:

SMS




TIN NHẮN

Đăng ký một ác - câu trên mạng

Mỗi ngày được 5 tin nhắn fờ - ri

Bao ngày rồi "khuyến mãi" vẫn nguyên xi

Lời yêu thương gửi bao nhiêu cho đủ?

__________________________

Ảnh "khai thác" từ VietnamNet



Nhãn:

AN PHA’S BIRTHDAY




HÔM NAY SINH NHẬT AN PHA
Image

HÔM NAY, 17/9, NGÀY NÀY CÁCH ĐÂY 4 NĂM, PHAN XUÂN AN PHA (tức RUỐC) CẤT TIẾNG KHÓC ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI SAU KHI CÔ HỘ LÝ ĐÉT VÀO MÔNG. BA TÚ TRANH THỦ NHẮN TIN CHO BẠN BÈ KHI NHÌN THẤY ĐÚNG CÁI CỦA QUÝ CỦA CON. AI Ở TRONG CONTACT LIST CỦA DI ĐỘNG BA ĐỀU BỊ GỬI TIN VÀ NHẬN TIN NHẮN CHÚC MỪNG TỚI TẤP. CÓ THẰNG BẠN MÊ GAMES, GỬI NGAY CÁI TIN: “CONGRATULATIONS, YOU WIN!”

HÔM NAY, BA DÀNH CHO RUỐC 1 ENTRY NHỎ ĐỂ TẶNG CÁC CÔ CHÚ…

Ruốc đi khai giảng lần đầu
Image

TẠI SAO BA NGU VẬY?

Hai ba con cùng xem phim “Truyền thuyết Ju-Mông”, Ruốc buộc miệng hỏi:

- Ba ơi sao chú Ju – Mông đánh nhau bằng kiếm?

- Thì ngày xưa người ta dùng kiếm!

- Tại sao chú Ju – Mông không có xe tăng?

- Hồi đó người ta chưa chế được xe tăng!

- Tại sao hồi đó người ta chưa chế được xe tăng ba?

- Vì hồi đó người ta chưa biết cách làm xe tăng!

- Tại sao hồi đó người ta chưa biết cách làm xe tăng ba?

- Để ba xem phim một tí! Hỏi hoài. Thì người ta chưa biết chứ sao!

- Nhưng ba chưa trả lời cho con: Tại sao hồi đó chú Ju-Mông không biết làm xe tăng?

- (phim đang chỗ hấp dẫn) Bực con quá đi! Vì chú Ju – Mông dốt!

- Tại sao chú chú Ju – Mông dốt ba?

- (giọng nặng nề) Ba không biết!

- Sao ba lại không biết?

- Vì ba ngu!

- Tại sao ba ngu, ba?

- Cái này ba bó tay….

* Ba con bó tay rồi, các chú các cô ơi, trả lời giúp cháu với!

2/ Đây là một clip ngắn khi Ruốc 2 tuổi, mời các cô chú, các bác xem thử Ruốc nói đúng không:



Nhãn:

NHÂN BẢN




Mấy ngày qua và cho đến sáng nay 1/1/2008, khi ngồi gõ entry này, máy di động của mình nhận nhiều tin nhắn chúc mừng năm mới. Giữa đêm khuya, nghe điện thoại reng, bật dậy: lại tin nhắn chúc mừng năm mới.

Dù vệ tinh Vinasat1 chưa tung lên quỹ đạo, hạ tầng viễn thông Việt Nam cũng đủ mạnh để phát triển cực nhanh các dịch vụ viễn thông phong phú. Người sử dụng di động ngày càng nhiều hơn. Thằng cháu tôi làm thợ hồ ở Sài Gòn hôm qua nghỉ Tết về gặp nhau trong bữa cơm, nó hỏi như khoe: chú Tú có số con chưa? Chưa, nhá máy chú ghi đi! (Chao ơi, cái máy nó xịn hơn máy của mình nhiều).

Theo những thống kê kỹ thuật, phần lớn người sử dụng di động – giới bình dân cũng như người giàu có – thích nhắn tin hơn gọi điện trong rất nhiều trường hợp. Tin nhắn chúc mừng trong các dịp lễ tết đã trở thành một thói quen, mỗi năm một nhiều hơn, phong phú hơn...

Những lời chúc qua không gian viễn thông ấy có thể làm xúc động người nhận khi nó thực sự mang cả tấm lòng của người gởi, người chúc. Những lời chúc chân thành sẽ đem lại hạnh phúc thực sự cho người được chúc. Và chỉ có bằng sự quan tâm đến nhau thực sự thì chúc Tết qua tin nhắn (vì không có cơ hội đến với nhau) mới thật sự kết hợp tuyệt vời giữa một truyền thống quý trong điều kiện công nghệ hiện đại.

Nhưng, có khi do vô tình, nhiều tin nhắn chúc mừng như thế được hình thành từ một quy trình nhân bản lòng vòng và 'đổ bộ" vào các máy di động trong những thời khắc đặc biệt như giao thừa. Nhiều tin nhắn rất chung chung, "trung tính" được sử dụng trong nhiều năm qua mà người nhận quá nhàm và chỉ cần liếc sơ để biết ai gửi rồi xóa ngay. Chẳng hạn "Chúc một năm mới vui vẻ, 12 tháng sức khỏe, 52 tuần thành công, 365 ngày hạnh phúc, 8760 giờ tốt lành, 525.600 phút may mắn, 31.536.000 giây như ý..."; "Đong cho đầy hạnh phúc – Gói cho trọn lộc tài – Giữ cho mãi an khang – Thắt cho chặt phú quý..."; hay "Chúc nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc"... Trong số những câu chúc "công thức" này, có nhiều câu bằng tiếng Anh chẳng hạn như: "Today 3 people ask me about you. I gave them your details and contact. They will be finding you soon. Their names are Happiness, Wealth and Love" . Nhiều tin nhắn hình được thiết kế công phu nhưng cũng rất... trung tính.

Có tin nhắn nhận được chẳng biết của ai gửi. Không trả lời “cám ơn” thì... mất lịch sự, mà trả lời cho hết thì cũng cực (và tốn!). Do trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng khá phức tạp nên lời chúc chung chung dành cho nhiều người nó cứ cụt cụt thế nào!

Những nhà cung cấp dịch vụ là "người hạnh phúc nhất" vì nguồn thu hàng chục tỷ đồng trong các dịp như thế này. May mà giá cước tin nhắn ở Việt Nam vẫn còn cao (so với một số nước trong khu vực), chứ nếu như các nhà cung cấp dịch vụ không thu cước nhắn tin chắc dân sử dụng di động còn bị spam dài dài vì được chúc!

***

Những lời chúc công thức ấy sẽ khó mang thông điệp của người chúc vì nó không có sức nặng của tình, của nghĩa, của sự quan tâm đến nhau...


----------------------------------

Ảnh: Ruốc không biết nhắn tin, chưa biết đọc số. Ruốc chỉ biết xài điện thoại đồ chơi để gọi chúc mừng năm mới ba Tú!



Vinaphone, Mobifone, S-fone và các thứ “phone” khác không tài trợ entry này!



Nhãn:

PHẢI UỐNG RƯỢU THÔI!




1. Sinh ra trong một xã anh hùng, một huyện anh hùng của một tỉnh anh hùng (Quảng Nam), lớn lên ở một huyện anh hùng (Trảng Bom), rồi một thành phố anh hùng (Biên Hòa) của một tỉnh anh hùng (Đồng Nai), học đại học, cao học trong những thành phố anh hùng (TP Hồ Chí Minh), công tác trong một tỉnh anh hùng (Đồng Nai), từng phỏng vấn nhiều anh hùng (như Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Việt Thành...), quen với những anh hùng như Trần Công An, Phạm Hạnh Phúc..., có thằng bạn tên trùng với một anh hùng (Hồ Văn Giáo)…, nói chung, phẩm chất anh hùng chung quanh mình quá nhiều.

Mà sao mình vẫn hèn?

2. Mới đây, trong một cuộc họp cuối năm của giới phóng viên, có một vị lãnh đạo báo chí lên hùng hồn phát biểu. Ông thao thao về vai trò, vị trí của nhà báo trong tình hình mới. Và kết luận, nhà báo bây giờ cần phải có tâm, có tầm, và có lá gan to. Còn làm sao để có ngần ấy thứ thì ông không nói ra.

Anh em phóng viên ngồi dưới hỏi nhau: Có tâm, có tầm thì đã nghe, đã biết phải rèn luyện. Còn làm sao có lá gan to?

Một nhà báo có tuổi nghề cao, chậm rãi:

- Muốn có lá gan to thì siêng uống rượu thôi!

3. Kết luận: Blogger nào mời mình đi nhậu là góp phần giúp mình rèn luyện phẩm chất anh hùng, phát triển lá gan. Nhậu, xét cho cùng, là nhậu vì sự nghiệp đấy!



Nhãn:

CHƠI HÀNG ĐỘC




- Này bác, sang tôi làm vài ve!

- Không được, tôi bận lắm

- Này, sao tôi thấy bác suốt ngày chúi mũi vào cái máy tính vậy há? Sao bác cứ hành xác hoài vậy?

- Ấy, chẳng là vợ chồng con cái nhà tôi đã quyết là định sắm xe hơi, sắm trước Tết. Thế nên tôi ráng cày mấy bài báo xuân để bổ sung ngân sách… Ngày mai hết hạn rồi. Bác chịu khó chờ, tuần sau thì nhậu suốt ngày cũng được.

- Chu cha. Ngon dữ ha. Thế bác định mua xe gì?

- Chắc là Innova thôi. Bây giờ Innova chạy đầy đường, trông cũng quen mắt. Con trai tôi nó thích Innova.

- Bác nói thật không vậy?

- Thật chứ.

- Chà làm cái nghề như bác mà hay. Nhẹ nhàng mà thu nhập cao há! Nhưng mà được thì tôi thấy bác nên sắm “hàng độc” luôn đi cho nó hoành tráng.

- Thì vậy. Nếu hàng độc nó có ở Việt Nam rồi thì tôi sẽ xem xét thử. Quan trọng là thằng cu nhà tôi.

- Tôi thấy báo chí mấy ngày nay đưa tin dân mình bây giờ chịu chơi lắm, sắm tòan cỡ Rolls-Royce Phantom đời 2008, Bentley, Audi R8, Lamborghini Gallardo... toàn là xe giới thượng lưu quý tộc quốc tế chơi không hà. Mấy cái tên lạ lắm, đọc vẹo hết cả miệng, Innova xưa rồi.

- Vậy hả bác. Vậy thì tối nay tôi sẽ bàn lại với thằng cu nhà tôi.

- Nhưng tôi hỏi thật bác nhé. Bác chơi chứng khoán hả?

- Đâu có

- Hay năm rồi môi giới địa ốc?

- Trời! Bác ơi, tôi có biết gì tới chứng khóan với ốc iếc đâu. Tôi chỉ viết báo thôi mà. Một năm có mỗi mùa báo xuân kiếm ít tiền cho vợ con…

- Báo xuân mà mua được xe cỡ đó thì cũng là nhất rồi. Phen này, tôi nói thằng cu lớn nhà tôi thi vào trường báo như bác cho đời nó đỡ khổ.

- Chẳng sướng đâu bác ơi. Thằng cu nhà tôi, tôi nhất định không cho làm báo. Cứ làm khoa học như bác lại yên ổn.

- Sao kỳ vậy cà? Mỗi mùa báo xuân mua một cái xe, mà lại xe xịn nữa. Thế thì cả đời làm báo, tiền của để đâu cho hết. Tôi nhất định rồi, con tôi sẽ làm báo. Nhưng mà tôi nói thật, thằng út nhà bác bé tí bằng quả ớt, biết gì mà bàn với nó chuyện mua xe. Chuyện lớn thế mình phải quyết.

- Nhưng mà em mua cho nó mà

- Bác cứ đùa, mua hẳn một cái ô tô cho thằng cu?

- Vâng

- Mấy trăm triệu?

- Đâu mấy trăm ngàn thôi. Ô tô đồ chơi ấy mà

- !!!

- Thế bác cứ tưởng em sắm ô tô thật á?

- Thì hôm qua tới giờ tôi cũng cứ tự hỏi, dân mình làm gì mà chơi hàng độc kinh thế không biết. Nước mình nằm trong top nghèo trên thế giới mà chơi có kém gì đại gia đâu. 32 ngàn tỉ nhập xe về đi cho oai, nghe còn khó tin hơn cái chuyện bác mua xe Innova bằng tiền viết báo xuân ấy chứ!


Nhãn: