Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA (PART 4: UNIMPLEMENTABLEREGULATIONS )




PGS. TS Vũ Quang Hào, người cũng có nhiều công trình nghiên cứu về chuyện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí (ảnh chụp tại Thụy Điển)

Cho dù có nhiều ý kiến còn tranh cãi nhưng thực tiễn báo chí Việt Nam những năm qua cho thấy: các cơ quan thông tấn báo chí đã phải chấp nhận sống chung với phiên âm, chuyển tự, giữ nguyên dạng trong việc xử lý tên riêng tiếng nước ngoài như là những biện pháp tình thế khi chưa có những quy định có tính chất pháp lý thực sự. Bởi vì, theo PGS.TS Vũ Quang Hào, “hơn bất cứ lĩnh vực nào, báo chí là địa hạt phải động chạm đến tên riêng tiếng nuớc ngoài một cách trực tiếp nhất, nhiều nhất, thường xuyên nhất và trong những khoảng thời gian ngắn nhất.”

NHỮNG QUY ĐỊNH KHÔNG THỰC HIỆN

Năm 1968, Uỷ Ban khoa học xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia) đã ban hành “Quy định tạm thời về quy tắc phiên thuật ngữ nước ngoài ra tiếng Việt”, song trong quá trình áp dụng vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề.

Trước đó cũng đã có một số tác giả quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, nhưng chỉ chú trọng riêng về phiên thuật ngữ khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn tác giả Lê Trọng Bổng đã đưa ra “Quy tắc phiên thuật ngữ khoa học - kỹ thuật, quy tắc phiên tên riêng thuộc 20 ngoại ngữ” (1983).

Năm 1984, Bộ Giáo dục đã ban hành một quyết định về vấn đề này, đề ra những nguyên tắc hoàn toàn minh xác có thể làm chuẩn mực cho việc thống nhất cách giải quyết vấn đề. Tinh thần của bản quyết định, trình bày vắn tắt, như sau:

- Những tên địa lý đã Việt hoá (như tên các châu lục, các đại dương, một số nước như Pháp, Mỹ, Đức, Ý) vẫn giữ nguyên như cũ.

- Ngoài ra, những tên địa lý khác và những tên người thì để nguyên dạng nếu bản ngữ dùng chữ La Tinh, chuyển tự sang chữ La Tinh (theo cách chuyển tự do chính phủ của nước hữu quan ấn định) nếu bản ngữ dùng thứ chữ khác. Ngoại lệ duy nhất cho nguyên tắc này là các tên người và tên đất Trung Quốc vốn đã từ xưa được đọc theo âm Hán Việt, và từ khi có chữ quốc ngữ vẫn được viết theo cách phát âm này.

- Trong khi chuyển tự, vần quốc ngữ cần được bổ sung thêm các chữ cái thông dụng trong khối cộng đồng các nước dùng chữ La Tinh như F, Z, J, W. Ngoài ra, những chữ và những dấu khu biệt không có trong vốn chữ cái của nhà in có thể được bỏ qua hoặc thay thế bằng những chữ gần tương tự...." (Cao Xuân Hạo: Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa - NXB Giáo dục, 1998, trang 162)

GS. Cao Xuân Hạo cho rằng đó là một quyết định đúng đắn song nó đã không được thực hiện. Về chuyện phiên âm, ông viết: “chủ trương phiên âm đưa đến một kết quả đáng buồn là người đọc sách bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai. Nếu viết nguyên dạng, ít ra ta cũng có được một mặt chắc chắn đúng: mặt chính tả, tức mặt quan trọng nhất…”; “nhưng việc phiên âm sai chưa phải là cái hại lớn nhất của biện pháp phiên âm”; “Tên riêng, nhất là tên người vốn thuộc vốn từ vựng của thứ tiếng hữu quan, nó tuyệt nhiên không phải là từ tiếng Việt, vậy thì tại sao lại bắt nó phải tuân theo những quy tắc chính tả của từ tiếng Việt” (Cao Xuân Hạo, sđd, trang 162 – 169)



Nhãn: ,

5 Nhận xét:

Anonymous Sát thủ nói...

Bác Tú có viết bài về vấn đề này thì tui sẽ gửi cho bác thêm 1 quyết định chính thức của Chính phủ về phiên âm trong ngôn ngữ hành chính nhà nước.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Cám ơn Bình An, hiện mình đang rất cần cái văn bản đó. Ít nhất để tham khảo. Ngôn ngữ truyền thông có chịu sự điều chỉnh của văn bản này không?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Trinh N nói...

tớ thấy cái này còn nhiều vấn đề lắm: ví dụ: đọc "WTO" ở mỗi Đài mỗi khác: - Đọc như Đài ĐN: thì đã gọi là "vê-kép" tức 2 chữ "vê" ... là vừa Pháp (vê)- vừa Việt hóa (kép)... thì phải "tờ", "o".
- TP HCM: thì đúng "Pháp": đúp - lờ - vê tê - ô.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Anh em bình luận thể thao của VTC, VTV mấy ngày nay cũng khổ sở vì những cái tên cầu thủ Nam Mỹ, cả Mỹ (USA) nữa. Vì lạ. Đúng là báo chí phải động chạm đến tên riêng tiếng nuớc ngoài một cách trực tiếp nhất, nhiều nhất, thường xuyên nhất và trong những khoảng thời gian ngắn nhất.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Theo PGS.TS. Vũ Quang Hào, khi tính đến giải pháp cho vấn đề cần “lưu tâm đến đặc thù tức thời và rộng rãi của báo chí”. Một trong những yếu tố làm nên giá trị của tác phẩm báo chí chính là khả năng cung cấp thông tin sự kiện nóng nhất, điều đó đồng nghĩa với yêu cầu tác nghiệp của nhà báo: làm sao cho tác phẩm nhanh chóng đến với công chúng truyền thông. Và vì thế, giải pháp cho việc xử lý tên riêng tiếng nước ngoài cần phải tiện lợi: viết nhanh; dễ đọc trong một thời gian rất ngắn để kịp truyền tải cũng như kịp nghe hiểu. Mặt khác, tác giả Vũ Quang Hào phân tích: “…đối tượng của báo chí rất rộng rãi, bao gồm nhiều thành phần cư dân, thuộc nhiều trình độ học vấn và văn hoá, ngoại ngữ khác nhau, thậm chí rất khác nhau. Điều đó phải được coi như yếu tố có tính chất quan trọng đối với việc tìm giải pháp. Phải thừa nhận rằng hiện nay trình độ học vấn, văn hoá của nhân dân ta đã cao hơn. Nhưng tỷ lệ khoảng 80% dân số làm nông nghiệp… là con số đáng để chúng ta suy nghĩ trong khi quyết định đưa giải pháp nào vào việc thể hiện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí cho họ. Trong vài năm gần đây ở nước ta có nhiều người học ngoại ngữ, nhưng số người sõi ngoại ngữ đang còn ít và họ cũng chỉ học một vài ngoại ngữ quen thuộc. Hơn nữa có một sự thật khách quan là trong việc học ngoại ngữ ở nước ta trong từng giai đoạn nhất định đều có một ngoại ngữ nào đó chiếm ưu thế (chẳng hạn, ở miền Bắc: tiếng Pháp - tiếng Nga - tiếng Anh). Trong khi đó tên riêng đã và đang vào tiếng Việt lại là của nhiều ngôn ngữ thế giới và thuộc nhiều loại hình ngôn ngữ khác nhau.”

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ