Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Khi nhà báo vọc net

(Post theo yêu cầu của một số bạn sinh viên)

Internet là kho thông tin khổng lồ, là siêu xa lộ thông tin. Điều đó ngày càng được chứng minh. Khó có thể liệt kê tất cả các loại nguồn tin có trên Internet, đặc biệt khi Internet liên tục hoàn thiện và ngày càng có sự đóng góp, chia sẻ lớn của cộng đồng. Cũng như hầu hết các ngành nghề khác, đối với nhà báo hiện đại, Internet là phương tiện hữu ích để khai thác thông tin. Từ các sự kiện đang diễn ra đến những thông tin kinh tế, thông tin chính trị, thông tin kỹ thuật, dữ liệu văn hóa, khoa học, thông tin chuyên biệt v.v… Internet đều “phục vụ” nhiệt tình cho người sử dụng. “Phục vụ” nhanh chóng bằng những cơ chế tìm kiếm tự động. Kỷ nguyên internet hiện nay cũng là kỷ nguyên của những guồng máy tìm kiếm (search engine) ngày càng hiện đại.

Hiện nay, có khá nhiều cỗ máy tìm kiếm nổi tiếng được cộng đồng internet sử dụng (ở Việt Nam Google vẫn là công cụ phổ biến). Thông tin tìm kiếm được trên internet không chỉ là văn bản mà còn có âm thanh, hình ảnh, video, các phần mềm v.v… Việc tìm kiếm thông tin trên internet (bằng các công cụ tìm kiếm) gồm 2 bước cơ bản: Phân tích yêu cầu tìm và diễn đạt lệnh tìm kiếm. Cú pháp của lệnh tìm là cách thức chúng ta sử dụng để liên kết các khái niệm, các toán tử một cách phù hợp cho yêu cầu tìm kiếm. Các công cụ tìm kiếm có những cách thức khác nhau trong việc liên kết các thuật ngữ tìm.

Nguyên tắc cơ bản nhất cho hầu hết các cỗ máy tìm kiếm là tương tự như nhau, tuy nhiên có một vài điểm khác biệt nhỏ về cách diễn đạt lệnh tìm. Nếu chưa hiểu rõ, nên tham khảo phần “help” để biết thêm thông tin. Vấn đề chúng tôi muốn nhấn mạnh ở trong phần này không phải là cách thức tìm kiếm mà là vấn đề kỹ năng: Nhà báo tìm kiếm thông tin trên internet để làm gì?

Tìm kiếm đề tài:

+ Những thông tin từ Internet có thể gợi ý cho chúng ta triển khai nhiều đề tài cho các tác phẩm báo chí.

+ Thông tin báo chí trên internet giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về một đề tài sắp thực hiện để tìm góc tiếp cận tốt.

+ Thông tin trên internet cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu nền tảng cho bài báo, tác phẩm phát thanh, truyền hình. Để viết về một lĩnh vực, một vấn đề, một con người nổi tiếng, một vùng đất v.v… những thông tin trên internet có thể cung cấp cho chúng ta sử dụng như dữ liệu nền để tra cứu thêm mà công việc tìm kiếm diễn ra rất nhanh.

Thu thập, trao đổi, phỏng vấn qua internet

+ Internet cho phép chúng ta sử dụng như một công cụ chủ động tìm kiếm thông tin với dung lượng lớn, không gian rộng. Nhiều công cụ trên internet ngày nay cho phép chúng ta tổ chức lấy ý kiến cộng đồng như các diễn đàn (forum), chat-room, blog, website báo chí… Khi dư luận có những ý kiến trái ngược nhau về một vấn đề nào đó, việc lấy ý kiến trực tuyến sẽ giúp cho nhà báo có cái nhìn tổng quan về cường độ dư luận, về xu thế của dư luận. Việc lấy ý kiến này có khi gợi ý cho chúng ta nhiều vấn đề sâu hơn, hay hơn và ít tốn công sức, nội dung ý kiến thu thập được triển khai trên một không gian rộng hơn cách làm truyền thống.

Tuy nhiên, sử dụng internet như một công cụ thu thập, phỏng vấn sẽ cho nhiều kết quả bất ngờ, phong phú và đa dạng nhưng nó không thay thế được các yêu cầu tác nghiệp truyền thống và không nên lạm dụng

Khảo sát trực tuyến

Bên cạnh việc thu thập thông tin định tính, có thể dùng các công cụ của internet để thu thập thông tin định lượng. Internet có nhiều công cụ kỹ thuật để làm những khảo sát phục vụ cho đề tài sẽ viết. Khảo sát trực tuyến nhanh, chính xác và có thể thống kê, kết xuất dữ liệu tự động khá tốt (qua các hình thức bảng biểu, đồ thị) phục vụ tốt cho công tác báo chí.

Khảo sát trực tuyến cũng là hình thức làm cho bài báo chúng ta thêm phần thuyết phục, có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, hạn chế của khảo sát trực tuyến là chúng ta không nắm chắc được các dữ liệu xã hội học của đối tượng được khảo sát.

Khảo sát trực tuyến chỉ có thể cho chúng ta dữ liệu của người tham gia khảo sát từ khắp nơi trên thế giới qua việc thống kê IP nhưng độ tin cậy về các chỉ số xã hội học của đối tượng phỏng vấn (như giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp v.v…) có thể thấp. Tất nhiên là khảo sát trực tuyến thì không tốn kém thời gian công sức và có khả năng thống kê cực nhanh so với cách khảo sát truyền thống.

Tìm format, kết cấu, lịch sử vấn đề, cách diễn đạt, các yếu tố hình thức:

Đôi khi chúng ta cần sự gợi ý của những bài báo đã viết, những tác giả đi trước trong quá trình thể hiện một đề tài cụ thể nào đó. Những bài báo đã xuất bản, những cách làm đã tạo dấu ấn (sẵn có trên internet) sẽ là lời gợi ý hay cho cách thể hiện hình thức của tác phẩm báo chí của chúng ta. Từ những bài viết, những chương trình, những tác phẩm cụ thể trên internet, chúng ta có thể suy nghĩ tốt hơn về kết cấu, về lập luận, về cách làm đề dẫn (lead) về cách đặt tít (title) cho một bài báo. Trong một số trường hợp, những đề tài báo chí cần cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện, internet giúp chúng ta tìm lại lịch sử vấn đề nhanh nhất.

Thông tin trên internet cũng là nơi gợi ý cho chúng ta về một cách diễn đạt hay trước khi chúng ta đang “bí” khi viết 1 ý nào đó. Những bài báo cùng một chủ đề, hay giống nhau ở cách tiếp cận sẽ là lời gợi ý tốt nhất cho chúng ta chọn lựa phương án hình thức cho tác phẩm của mình

Tìm kiếm thông tin trên internet phục vụ công tác biên tập, thẩm định:

+ Internet là người bạn dễ bảo trong việc tra cứu thông tin phục vụ công tác biên tập. Có thể dùng internet để xác định thật nhanh tên gọi một địa phương (địa danh), tên gọi một cá nhân nổi tiếng, chức danh một người v.v…

+ Có thể dùng internet để tra cứu một từ tiếng nước ngoài mà chúng ta nghi ngờ viết chưa đúng. Trên internet có hàng trăm bộ tự điển miễn phí

+ Có thể dùng internet để kiểm tra lại chính tả của một từ, kiểm tra cách dùng một thành ngữ, một câu ca dao, một câu thơ v.v….

+ Có thể dùng internet để tìm một định nghĩa một khái niệm, một thuật ngữ khoa học hay chuyên ngành.

+ Có thể dùng internet để thẩm định một thông tin, một bài viết, một tư liệu (bài viết có trùng lắp, đã đăng ở đâu, ai là tác giả chính v.v…)

Tóm lại internet là một công cụ mà nhà báo có thể dùng để: kiểm tra thông tin; thu thập chứng cứ; tổ chức đề tài; thu thập dữ liệu; tra cứu, khảo sát v.v… Vấn đề quan trọng chính là biết sử dụng công cụ này một cách tinh thông và khai thác internet cũng là một quá trình rèn luyện

Thẩm định các nguồn thông tin từ Internet

Một vấn đề cần chú ý là, tìm ra được thông tin mình cần trên cả xa lộ thông tin khổng lồ của internet đã là một vấn đề khó, song, thẩm định những nguồn tin vô tư và không mất tiền này còn khó hơn. Nhiều thông tin, nếu trích dẫn sai thì bên cạnh những tác động xấu gián tiếp đối với vấn đề hoặc đối tượng của bài viết, thì kẻ chịu hậu quả trực tiếp chính là... cơ quan báo chí hay bản thân người viết. Vì thế nhà báo khi khai thác thông tin từ internet, cần phải có kỹ năng thẩm định. Dưới đây là một vài gợi ý về cách thẩm định nguồn tin:

+ Kiểm tra độ tin cậy về người hoặc cơ quan đăng tải tài liệu đó. Ai gửi văn bản đó lên mạng? Họ có nêu rõ danh tính không?

+ Có số điện thoại hay địa chỉ email trên trang web đó để trực tiếp kiểm tra tính xác thực của thông tin hay không?

+ Cơ quan nào phụ trách website đó? Cũng cần xem kỹ phần giới thiệu trong mục “About Us”.

+ Trên website phải nêu rõ các mục tiêu của tổ chức đó, và những mục tiêu này phải nhất quán với các mục tiêu đăng tải ở các nơi khác. Nói chung phải là một website chi tiết với phong cách và nội dung "có tầm cỡ".

+ Phân biệt rõ giữa thông tin chính thống và ý kiến riêng của người viết.

+ Kiểm tra đường dẫn (URL) – có thể nhanh chóng biết được một số thông tin khi nhìn vào đường dẫn của một website.

+ Kiểm tra mức độ cập nhật và tính chính xác của tài liệu - cần lưu ý xem tài liệu bị “lạc hậu” tới mức nào.

(CÒN TIẾP)

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ