Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

NEW TECHNOLOGY FOR TV

KHI TRUYỀN HÌNH KHỞI SẮC VỀ CÔNG NGHỆ

Báo chí lâu nay khi nhìn chủ trương xã hội hóa việc sản xuất các chương trình truyền hình, phần lớn đều tập trung phê phán: thực trạng bán sóng; những chuyện “đi đêm” giữa nhà đài và công ty quảng cáo, nhà sản xuất; chất lượng một số chương trình chạy theo thị hiếu tầm thường; cuộc cạnh tranh không lành mạnh v.v… Nhưng, khách quan mà xét, nếu không có chủ trương xã hội hóa này, công nghệ truyền hình Việt Nam khó có được bước tiến như hôm nay.

Nếu hôm nay, thử xem lại một số chương trình truyền hình cách nay 10 năm như trò chơi “SV 96”, “Bảy sắc cầu vồng”, các chương trình ca nhạc quay sân khấu hay ngoại cảnh hay các bộ phim truyện truyền hình được VFC hợp tác với các địa phương, các ngành… chúng ta có thể so sánh và thấy được những bước tiến lớn về công nghệ sản xuất trong những chương trình tương ứng hiện nay. Sân khấu của trò chơi truyền hình khi mới xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam giống như sân khấu hội trường. Các bục bệ, các bày trí sân khấu, phông màn thời đầu so với bây giờ, quả là một khoảng cách quá xa. Sự xuất hiện của những game show có format từ nước ngoài không chỉ là sự xuất hiện của một cấu trúc mới mà là sự ra đời của những công nghệ ghi hình, các quy trình, quy phạm trong sản xuất chuyên nghiệp. Khi đặt vấn đề mua bản quyền các format chương trình, các công ty truyền thông không chỉ đầu tư để mua “kịch bản giấy” mà còn đầu tư cho cả việc chuyển giao công nghệ. Ê-kíp sản xuất có thể được đi nước ngoài để đào tạo, hoặc có thể được chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam hướng dẫn. Nhiều phần mềm chuyên dụng phục vụ cho việc sản xuất chương trình đã được đưa vào Việt Nam và được Việt hóa. Một sân khấu rất đặc biệt, một cách xử lý ánh sáng theo cấp độ tăng tiến ở các vòng chơi, các đoạn âm nhạc, các phần mềm xử lý cẩn chữ, các kiểu góc máy, các cú lia máy… của trò chơi “Ai là triệu phú” hết sức mới mẻ và đáng học tập cho những người làm nghề truyền hình ở Việt Nam. Những trò chơi huy động hàng trăm thí sinh và hàng trăm người tham gia biểu diễn khác như “Rung chuông vàng”, “Đấu trường 100” có cả một công nghệ ghi hình, một quy trình ứng dụng đồ họa thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới.

Khán giả truyền hình chỉ biết thưởng thức chương trình và yêu cầu của họ ngày càng tăng lên. Ít ai biết rằng đằng sau cánh gà sân khấu truyền hình, đó là một nỗ lực cực lớn và một quá trình đầu tư cực kỳ tốn kém cho từng phút phát sóng. Nếu không có chủ trương xã hội hóa, khó có thể có được luồng sinh khí mới ấy trong hoạt động sản xuất chương trình truyền hình.

Đó là chưa kể các hệ thống thiết bị chuyên dụng, đắt tiền khi được nhập vào Việt Nam để thực hiện các chương trình cụ thể đã được tận dụng để sản xuất nhiều dạng chương trình khác phục vụ chính trị bằng sự nhanh nhẹn, thông minh của “dân truyền hình Việt Nam”.

Và đó là chưa kể đến quá trình xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình đã tác động tốt đến nguồn thu của Đài, góp phần giảm nhẹ cho ngân sách nhà nước và góp phần tăng thu nhập trong đội ngũ những người làm truyền hình.

***

Dù còn nhiều điều để bàn, song một trong những điều đáng ghi nhận từ chủ trương xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình những năm qua chính là sự đóng góp của những công ty truyền thông trong việc góp phần nâng cao nghiệp vụ sản xuất chương trình khi “nhập” công nghệ sản xuất chương trình tiên tiến vào Việt Nam, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về nghiệp vụ sản xuất chương trình để ngày càng cung cấp cho khán giả những bữa tiệc truyền hình chất lượng.



Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous Ngoc Oanh nói...

Ngày càng có nhiều nhà tài trợ nên buộc truyền hình phải...thay đổi. Có lẽ đó cungc là một nguyên nhân của những ...bước tiến. Xin chia sẻ cùng anh Tú chuyện này: Mấy ngày qua đi công tác Hưng Yên (4 hôm),tôi có dịp được xem các Đài truyền hình địa phương trong khu vực đồng bằng Bắc bộ: Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải phòng, Bắc Ninh, Hà Tây, Ninh Bình...thì thấy: Các chương trình của bản Đài sản xuất rất ít. Đặc thù địa phương chỉ chiếm một thời lượng nhỏ. Còn lại toàn phim truyện Trung Quốc, Hàn Quốc thôi. Phim nào cũng lâm li bi đát chua chát đau thương dã man chán chường...cả. Chợt nghĩ: Một nền văn hóa đang bị xâm lăng bởi bọn đế quốc sài lang, bọn ngoại lai...(chúng tự do xâm lăng mà còn được các nhà tài trợ tiếp tay nữa chứ, đội lốt giao lưu văn hóa, hội nhập...). Anh Tú có sáng kiến gì thì viết một bài về vấn đề này nhé. Thân mến.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous TKO nói...

"...ngày càng cung cấp cho khán giả những bữa tiệc truyền hình chất lượng!?"
Bác Tú là một người rất nhân ái!
Nhưng hok công tâm! (Đừng giận em).
Thành thực em thấy có một số chương trình cũng hơi hơi có vấn đề!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Diem xua nói...

Thật ra công nghệ cao nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn vì các game show thường ná ná nhau. D bi giờ hết mê coi Tivi như hồi trước mê "Đường lên đỉnh Olympia" hay "SV 96"...Hay là mình lạc hậu rồi!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ