Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2008

KỂ CẢ




Cách đây chừng một tháng, báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh có đăng bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ... kèm dưới bài phỏng vấn thi sĩ Bằng Việt, tác giả bài thơ. Link đây.

Bài thơ làm theo lối tự sự, ai đọc cũng hiểu cái nghĩa tường minh qua câu chuyện được kể trong thơ: Một bữa rượu, có người đem ra chai rượu của ông Nguyễn Cao Kỳ gửi tặng, cả bàn bảo uống, còn có một người kiên quyết không uống.

Câu chuyện chỉ vậy thôi nhưng cái hay của bài thơ nằm ngoài câu chuyện, ở cái giọng thơ, ở nhạc điệu, ở cách biểu đạt, cách dùng từ…

Hãy đọc đoạn kết bài thơ để cảm nhận chiều sâu suy nghiệm của tác giả từ một câu chuyện quá cụ thể:

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống

Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,

Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót

Chẳng phải tại vì ai, KỂ CẢ Nguyễn Cao Kỳ!

Không hiểu vì sao khi đọc câu cuối cùng của bài thơ, cái chữ “kể cả” trong đó nó cứ ám ảnh tôi. Đọc thấy "đã" còn hỏi nó "đã" như thế nào thì khó thật.

Cái cấu trúc câu có “kể cả” trong tiếng Việt thì quá quen thuộc ngay cả với các em học sinh cấp một. “Tôi rất tôn trọng các bạn đã comment vào blog này, KỂ CẢ những bạn không có trong Friend list của tôi”, một cấu trúc như thế thì không có gì khó hiểu.

Sau “kể cả” người ta thường liệt kê thêm một số thành tố thuộc về tập hợp đã khái quát trước đó nhằm nhấn mạnh hoặc sợ người khác vô tình loại ra khỏi tập hợp được nêu ra trước đó!

Ví dụ: Chúng ta phải tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, KỂ CẢ những người theo đạo Thiên Chúa Giáo.

Câu ví dụ này không phải của tôi. Người viết cái “kể cả” này xem ra hơi bị thận trọng! Cứ có cảm giác như trước đây, những người theo đạo Thiên Chúa Giáo không nằm trong cái tập hợp "toàn dân", bây giờ cần nhấn mạnh trở lại.

Và lạ nghe, cấu trúc câu kiểu “kể cả” này tôi thử seacrh trên mạng thì thường gặp nó trong văn bản nghị quyết rất nhiều:

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa để thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong tất cả các loại hình tổ chức và đơn vị cơ sở thuộc các cấp, các ngành, KỂ CẢ trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

- Có chính sách động viên các nhà khoa học, KỂ CẢ những người đã nghỉ hưu và những người đang sinh sống ở nước ngoài tham gia các chương trình kinh tế-xã hội của quốc gia và xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật.

- Hoàn thiện quy chế bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của tập thể đối với cá nhân, của tổ chức đối với tổ chức, của cá nhân đối với cá nhân và tổ chức, KỂ CẢ đối với người lãnh đạo chủ chốt và tổ chức cấp trên.

Toàn văn Nghị quyết Đại hội X, máy tính tôi thống kê trong vòng 1 nốt nhạc thấy có 7 cấu trúc “kể cả”.

Trở lại với bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ, hai câu kết dùng cấu trúc “kể cả”, nhưng nó không nhằm biểu đạt cái ý: trong cái tập hợp “ai” trước đó, còn bao gồm ông Nguyễn Cao Kỳ.

Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót

Chẳng phải tại vì ai, KỂ CẢ Nguyễn Cao Kỳ!

Thông điệp ngoài lời từ một cấu trúc cho thấy cái dụng công “tầng tầng lớp lớp” của nhà thơ Bằng Việt. Nói ra một cách rõ ràng cũng không dễ dàng. Và đây không phải là entry bình thơ. Mong các bạn cùng góp bàn cho vui nhà vui cửa!

---------------

Ảnh chân dung nhà thơ Bằng Việt (xin từ TTO)

Blog Page

Nhãn:

24 Nhận xét:

Anonymous Đăng Bình nói...

Chú Sáu Dân có tư tưởng hoà giải dân tộc với câu nói khá nổi tiếng không lâu trước lúc ông mất đại khái tổ quốc là của dân tộc Việt Nam chứ không phải của riêng đảng phái nào. Cho nên cái anh bạn nhà thơ cương quyết không uống rượu kia, phải chăng quá cố chấp?
Để hiểu hơn nghĩa từ "kể cả", rất cần vài cái còm của các nhà ngôn ngữ học.

lúc 02:33 19 tháng 7, 2008  
Anonymous ngkhacphuoc nói...

Cái áo đã mang cho thợ nhuộm quá kỉ rồi, làm sao tẩy cho trắng lại được?

lúc 18:31 19 tháng 7, 2008  
Anonymous ngkhacphuoc nói...

Vì mình quen nghe nhất trí nhất trí rồi. Họ nói nhất trí nhưng trong bụng họ nghĩ khác. Nay có ai đó dám nói không nhất trí(vì người ấy nghĩ không ai làm khó dễ gì) thì cũng có chút chút gì đấy tốt chớ sao không. Khi đám đông đã chấp thuận rồi thì thiểu số phải tuân theo, đấy là dân chủ. Đâu khoảng hơn 50% dân Mỹ bỏ phiếu cho ông Bush, nhưng ông ta cũng được làm tông thống đấy thôi. Algore không có lấy một câu phản đối. Tác giả bài thơ thuộc số đông rồi, đáng lẻ ra cứ uống thoải mái, nhưng lại mắc bệnh " nhất trí" nên thấy đắng đót. Nói vậy có ai "nhất trí" không? Aha,tui cũng bị bệnh "nhất trí" rồi !!!

lúc 18:47 19 tháng 7, 2008  
Anonymous TKO nói...

E "Kể cả" không uống được R thì cũng vẫn có thể phá mồi!
Anh Tú ơi! Cứ nhất thiết phải cùng uống thì người khác mới cảm thấy R ngọt ngào hay sao!
Người kiên quyết không uống cũng thật là biết bảo vệ ... sức phẻ và giữ vững nguyên tắc của mình! Bravo!
Nguyên tắc của người ta có gì

lúc 19:39 19 tháng 7, 2008  
Anonymous TKO nói...

Em đang viết cháu em nó phá!:-)
Kể cả như vậy em cũng ráng còm cho xong! :-)

lúc 19:40 19 tháng 7, 2008  
Anonymous Xí Muội nói...

sâu sắc quá anh ạ. Anh phát hiện nhiều cái hay ghê

lúc 21:28 19 tháng 7, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Kể cả không có từ kể cả ấy thì thơ BV cũng đã thơ lắm, chí ít là... vừa nhậu vừa làm thơ!

lúc 02:49 20 tháng 7, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Kể cả không có từ kể cả ấy thì thơ BV cũng đã thơ lắm, chí ít là... vừa nhậu vừa làm thơ!

lúc 02:49 20 tháng 7, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Anh Tú viết cái gì cũng hay, kể cả bình thơ đó ạh!

lúc 03:38 20 tháng 7, 2008  
Anonymous thinhleparia nói...

Hay quá, PVTú cảm nhận thơ, ngôn từ rất hay.
từ Kể Cả trong câu thơ là thế mà không phải thế, thật sâu, thật ý nghĩa !
"Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót
Chẳng phải tại vì ai, KỂ CẢ Nguyễn Cao Kỳ! "

lúc 03:40 20 tháng 7, 2008  
Anonymous VangAnh nói...

người mà thấy rượu đắng phải là NCK và những người phía bên "phe" của NCK vì cho tới bây giờ vẫn bị chửi là đồ lưu vong và phản động trong khi chính gia đình và thân nhân của họ bị "ai đó" bắn giết.

lúc 03:55 20 tháng 7, 2008  
Anonymous VangAnh nói...

còn bản thân NCK nếu không trốn thoát được thì đã phải chịu chung số phận của bao người đã chịu tù đày kh có bản án và vùi thân nơi nấm mồ lấp qua quít kh bao giờ có tên và thân nhân không bao giờ được nhìn mặt

lúc 04:00 20 tháng 7, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Thú vị ghê. "Kể cả" = including, nghe thường quá đi. "Kể cả" ở đây tác giả dùng với nghĩa Even (ngay cả, thậm chí), nghĩa mạnh hơn rất nhiều (?). 1) Đến như người cho rượu là NCK, từng là Thủ tướng của chế độ cũ, khi uống rượu của ông vẫn cứ "đắng"- chuyện xưa đâu dễ quên đi được... 2) Thấy thái độ của người ngồi đó không uống, người khác hơi chưng hửng, chén rượu trở nên đắng trong miệng, kể cả NCK, là người mời rược cũng tự cảm thấy "đắng" lắm, bẽ bàng lắm.
Riêng tôi, tôi thích lối nói "Chẳng phải tại vì ai" trong câu này. Nó cởi chứ không buộc. Chỉ là tâm trạng thôi, các bác cứ vui đi, mình nay cùng là người Việt Nam, kể cả "ổng" - người mời rượu...Một thái độ bao dung, nhìn về phía trước, chỉ là đôi khi chạnh lòng (con người mà!)
Tán hươu tán vượn tí ngày CN cho vui, anh Tú nhé! :-))

lúc 04:06 20 tháng 7, 2008  
Anonymous lanhkts nói...

Uống với bạn hiền, kể cả "Quốc Lủi" cũng ngon.

lúc 04:14 20 tháng 7, 2008  
Anonymous OverAC GPE nói...

Anh và mọi người đang bình thơ, kể cả khi anh nói anh không đang bình thơ. :)

lúc 04:39 20 tháng 7, 2008  
Anonymous An Thảo nói...

Và bữa rượu bỗng trở nên đắng đót
Chả vì đâu, kể cả... quá nhiều... rồi

lúc 04:41 20 tháng 7, 2008  
Anonymous haidieugiandi nói...

Công nhận đọc những entry kiểu này của anh Tú rất chi là thú vị!

lúc 05:50 20 tháng 7, 2008  
Anonymous Um A Hum nói...

Tiếp theo ý của anh Tú: "Sau “kể cả” người ta thường liệt kê thêm một số thành tố thuộc về tập hợp đã khái quát trước đó nhằm nhấn mạnh hoặc sợ người khác vô tình loại ra khỏi tập hợp được nêu ra trước đó!",
có lẽ nên nói thêm thế này:
"Cấu trúc 'Kể cả' trong tiếng Việt còn có các tác dụng về mặt ý nghĩa ngữ pháp:
(1) Gán một thành tố lẽ ra không thuộc [hoặc không tương đương với] tập hợp được khái quát trước đó vào chung trong một phát ngôn. Ví dụ: 'Trong phụ thu phí giữ xe, cần ưu tiên cho con em thương binh liệt sĩ, kể cả con em cán bộ trong trường'.
(2) Vạch ra sự khác biệt giữa thành tố sau 'kể cả' với những thành tố được khái quát trước, nhưng vì lý do [hoặc dụng ý] nào đó, được xếp chung trong một phát ngôn. Ví dụ: 'Sếp mắng những người đi trễ, kể cả người không trễ nhưng không mặc đồng phục'.(Ở đây, thành tố 'người không trễ nhưng không mặc đồng phục' khác biệt với 'người đi trễ', và cả hai đang được xếp chung trong một phát ngôn vì có lý do chung là 'bị sếp mắng').
(3) Từ trường hợp ý nghĩa ở (1), phát sinh một số trường hợp [tạm gọi là] chơi chữ bằng cấu trúc 'kể cả':
(3.1) Gán thêm vào sau 'kể cả' một [hoặc một vài] thành tố có tác dụng làm phản nghĩa/hoặc biếm nhẽ tập hợp đã đề cập trước, mà nếu không xếp cùng một phát ngôn thì không có ý nghĩa như vậy. Ví dụ: 'Họp hành ở cơ quan luôn sôi nổi, kể cả khi chỉ có một mình sếp nói'.
(3.2) Gán một [hoặc một vài] thành tố vào sau 'kể cả' để dùng tập hợp đã khái quát trước đó biếm nhẽ/hoặc gây phản cảm cho chính thành tố được gán vào, mà nếu không xếp cùng một phát ngôn thì không có ý nghĩa như vậy. Ví dụ (câu này Cao Tự Thanh tiên sinh thường xài): 'Thằng ấy thật bất tài, không làm được gì cả, kể cả tiến sĩ'.
Từ những ý nghĩa đó, e rằng câu thơ cuối của Bằng Việt nêu trên dùng lối chơi chữ theo trường hợp (3.2), hay theo kiểu chơi chữ 'kể cả' nào khác nữa mà Um này chưa được biết! hia hia!!!

lúc 01:55 21 tháng 7, 2008  
Anonymous Mèo Béo nói...

Anh Tú thật có tài làm "thú vị hóa" những điều tưởng như bình thường! Cảm ơn anh!
(Thực tình thì MB thích thơ BV thời TA ĐÃ LỚN VÀ PAUSTOPXKY ĐÃ CHẾT hơn bây giờ nên không dám "múa rìu" nhiều!)

lúc 02:25 21 tháng 7, 2008  
Anonymous Cuong nhabaotudo nói...

Mình thì để ý cái tính từ "đắng đót" ở câu trên.Đắt, mới và dễ thấu.

lúc 02:57 21 tháng 7, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ anh Thịnh: Nói theo kiểu Nam bộ: Nói zậy mà không phải zậy!
@ Vang Anh: Bàn về thơ đi bạn ơi!
@ hongdang: Bác khiêm tốn thế. Comment của bác làm tôi thích quá chừng. Bác góp phần làm cái entry này “sang” lên nhiều!
@ Đăng Bình: Nếu có quá nhiều người còn cố chấp thì sự bao dung mới có ý nghĩa
@ haidieugiandi: thank em nhiều
@ ngkhacphuoc: Đó cũng là một cách cảm nhận!
@ TKO: Anh vẫn mời em nhậu, kể cả khi em chỉ biết phá mồi!
@ Xí Muội và @ Diễm Xưa: Đừng “vỗ tay” kiểu đó em! Chữ “vỗ tay” này của Bố Cu Hưng đó!
@ Quốc Ấn: Một lời bình thông minh!
@ lanhkts: đồng ý với Lanh!
@ An Thảo: “Kể cả” quá nhiều rồi! Hay!
@ Um A Hum: Thành thật cám ơn phần bình luận rất chuyên nghiệp của Um. Đọc cái comment này sướng hơn, hay hơn entry. Comment của Um nói hộ mình cái điều chỉ lơ mơ cảm nhận! Phải nâng ly thôi (ý mà Um thì không uống được!)
@ Mèo Béo: May quá, em không nói anh “chính trị hóa” những câu chuyện bình thường!

lúc 04:43 21 tháng 7, 2008  
Anonymous MẠC HỒNG KỲ nói...

Xin cung cấp cho các bác thông tin: Vị thiếu tướng CA trong bài thơ là Phạm Chuyên - nguyên GĐ Sở CA Hanoi. Còn người quyết tâm kg uống rượu (Hệt như thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu vì ghét Tây mà kiên định lập trường kg xài xà phòng Tây) của tướng râu kẽm NCK là nhà văn Trung Trung Đỉnh - một cựu bộ đội phòng không của tỉnh đội Gialai thời chống Mỹ. Sau 1975, có thời gian ông làm đội trưởng 1 đội chiếu bóng lưu động ở Tây Nguyên(Trung Trung Đỉnh cùng quê với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm- huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng)...

lúc 23:08 21 tháng 7, 2008  
Anonymous rhum nói...

chỉ biết đọc thôi.

lúc 04:37 22 tháng 7, 2008  
Anonymous noi su that nói...

Biết được tác giả Lạc rừng thế cũng biết thêm về một nhà văn. Nhưng thật ra thì ông Trung Trung Đỉnh cũng chỉ là một cá nhân để cho mình biết rằng bây giờ vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc khó biết nhường nào. Cái mình bất ngờ khi đọc thông tin của bác Mạc Hồng Kỳ là, hóa ra người không uống rượu lại là một nhà văn. Trong thâm tâm mình cứ nghĩ nhân vật này phải làm nghề khác kia. Nhưng mình lại không thích so sánh với cụ Nguyễn Đình Chiểu không xài đồ tây. Cụ ấy làm thế là do một ẩn ý khác. Vả lại Tây xâm lược Việt Nam rõ ràng, còn Việt Nam cộng hòa, như mình phân tích trong bài Nhân đọc một bài thơ của Bằng Việt (trên lethieunhon.com) thì không giống như Tây được. Hi, khó thật. Đến cả nhà văn mà còn nặng nề thế. Chẳng bù cho Bảo Ninh nhỉ. Hai mươi năm trước mà đã có con mắt nhìn cuộc chiến tranh này là một nỗi buồn lớn của dân tộc. Ai ngờ cho đến 2007, còn có nhà văn vẫn hận thù phía bên kia - bên này. Cảm ơn bác Kỳ nhé. Trần Đình Thu

lúc 01:42 26 tháng 7, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ