Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA (PART 2: PHONETIC TRANSCIPTION)




PHIÊN ÂM

Chuyến đi Tây Nguyên vừa qua, tôi gặp được nhiều bạn đồng nghiệp phát thanh – truyền hình, trong số đó có người làm công tác phát thanh tiếng dân tộc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam – cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên, một đài phát sóng 8 thứ tiếng các dân tộc thiểu số khu vực này. Anh Simon, phó giám đốc Đài, nói thêm khi tôi thắc mắc về chuyện viết tên một số địa danh không thống nhất, rằng hệ thống ngữ âm của nhiều dân tộc ở vùng này không giống với ngữ âm tiếng Việt, nên phiên âm nó cũng … phiên phiến thôi!

Cách đọc tiếng nước ngoài thường khó chuẩn và đã phiên âm phải dựa vào cách phát âm của nguyên ngữ nên mỗi người phiên âm một kiểu khác nhau. Trên thế giới có khá nhiều ngôn ngữ và hệ thống ngữ âm của mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng mà tiếng Việt không thể nào “phiên” chính xác được, nên với việc phiên âm, may ra thì chỉ có thể “đọc na ná”, “viết na ná” từ gốc. Và cả đến việc chọn bảng chữ cái nào để phiên âm cũng không thống nhất nên trên báo chí xuất hiện khá nhiều phương án khác nhau để phiên âm một từ (thường là tên riêng). Ví dụ: Pêtecbua, Peterbua, Pê-téc-bua; hoặc Amadôn, Amaxôn, A - ma- dôn; hoặc Xít – ni, Sít – ni v.v…

Ý kiến ủng hộ cho việc để nguyên dạng tên riêng tiếng nước ngoài cho rằng phiên âm sẽ tạo ra sự cách biệt trong giao lưu quốc tế cũng như những khó khăn trong tra cứu (chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần sau). Nhưng có vẻ như nhiều người đều ngầm thống nhất với nhau rằng việc loại bỏ hoàn toàn phiên âm là bất khả, vả chăng cũng không có nước nào trên thế giới làm như vậy. Nhưng đó không phải là lý do chính khiến có những ý kiến không đồng tình với việc phiên âm. Những người phản đối phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài đều viện dẫn đến tình trạng phiên âm tuỳ tiện, không dựa trên cơ sở ngôn ngữ học, cơ sở văn hóa dân tộc (Ví dụ kiểu phiên âm nhan đề cuốn sách Madame Bovary của Gustave Flaubert là "Bà Bố Và Gì" hoặc những cách liên tưởng khôi hài với tên riêng của một vị lãnh đạo một nước: "Say xẩm sau khi xỉn", một nhà khoa học: “Cu - lông”). Trong khi đó, với sự bùng nổ thông tin, tên riêng tiếng nước ngoài ngày càng phong phú, đa dạng và xuất hiện với tần số cao dẫn đến việc phiên âm ngày càng thiếu thống nhất. Ví dụ: Trong các giải bóng đá như World Cup, EURO, khi mà có rất nhiều tên các cầu thủ từ nhiều nguồn khác nhau thì mỗi báo “phiên âm” một kiểu, mỗi đài phát âm một kiểu. Hoặc cách đây chừng 9 năm, hai biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam từng tranh luận với nhau trên báo chí về cách đọc tên ông huấn luyện viên trưởng (người Áo) của đội tuyển Việt Nam Alfred Rield là “Ri – ét” hay “Rít – đơn”!

Vấn đề tranh cãi thường xuất phát từ kiến thức ngôn ngữ học: Đó là trình độ người phiên âm, dù cao cách mấy cũng không thể biết hết ngóc ngách trong một ngôn ngữ, nói gì đến hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới. Ví dụ: Các sách địa lý trong trường phổ thông đều phiên âm Greenwich là Grin uých, thực tế, người Anh đọc là Gren ních.

Nhưng, theo nhiều ý kiến thì viết nguyên dạng tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí cũng không ổn. Bởi có phải ai cũng biết ngoại ngữ, để có thể biết cách đọc đâu. Hơn nữa, có biết bao nhiêu thứ tiếng trên thế giới, trong đó có những hệ ký tự phi La Tinh làm sao có thể xử lý hết được. Ngay cả khi công nghệ in ấn phát triển, việc viết nguyên dạng các loại chữ phi La - Tinh (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan...) trên báo chí cũng là việc làm không khả thi bởi đâu phải ai cũng sành đủ ngoại ngữ để viết, để chế bản và người đọc không phải ai cũng biết đọc nguyên dạng như thế.

Nhãn:

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA




TÊN RIÊNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI TRÊN BÁO CHÍ TIẾNG VIỆT

Tên riêng tiếng nước ngoài xuất hiện trên báo chí dưới 2 dạng chủ yếu: nói (trong phát thanh, truyền hình, truyền thông học đường...) và viết (trong báo in, truyền hình, xuất bản phẩm...). Nó đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà khoa học cũng như các văn bản hành chính của Nhà nước trong một thời gian khá dài nhưng đến nay vẫn chưa có quan niệm thống nhất.

Cái khó đầu tiên xuất phát từ đặc trưng ngữ âm: Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm trong khi tên riêng tiếng nước ngoài phần lớn lại thuộc các ngôn ngữ đa âm. Nhưng, cái khó hơn là làm sao có sự thống nhất giải pháp thể hiện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí bảo đảm chuẩn mực ngôn ngữ (đúng, thích hợp) và giải pháp cho vấn đề phải đạt yêu cầu không làm mất đi sự sinh động, sáng tạo trong đời sống ngôn ngữ Việt, góp gìn giữ sự trong sáng cũng như việc tích cực phát triển tiếng Việt.

Hiện nay, tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt Nam xuất hiện nhiều dạng: Viết nguyên dạng; viết theo tiếng Anh và tiếng Pháp (đã phổ biến trên sách báo nước ngoài) đối với những tên riêng không dùng văn tự La Tinh; phiên âm (có dùng dấu ngang nối và dấu thanh hoặc không); viết dưới dạng chuyển từng con chữ từ nguyên dạng sang con chữ Việt tương đương (chuyển tự); viết dưới dạng tắt theo quy ước quốc tế hoặc vừa dịch vừa viết tắt; hoặc viết kết hợp dịch - dạng tắt - chua nguyên dạng; viết theo âm Hán - Việt; viết dưới dạng dịch nghĩa v.v…

Chuyện gây tranh cãi nhiều nhất và tình trạng lộn xộn nhất tập trung vào 3 hình thức: phiên âm, để nguyên dạng, chuyển tự trong đó chuyện phiên âm là vấn đề gây tranh cãi số một. Bởi cách phiên âm được thể hiện dưới nhiều hình thức cực kỳ lộn xộn: viết liền hay viết rời; có dùng dấu ngang nối hoặc viết liền; có dùng dấu thanh hay không dùng dấu thanh; phiên âm từ nguyên ngữ hay qua một ngôn ngữ trung gian; sử dụng hay không sử dụng các chữ cái trong hệ ký tự La Tinh không có trong bảng chữ cái tiếng Việt; sử dụng hay không sử dụng phụ âm kép…

Khảo sát các tờ báo phát hành gần đây, chúng tôi nhận thấy: hầu hết các tờ báo phát hành từ phía Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sử dụng lối viết nguyên dạng và chuyển tự đối với tên riêng tiếng nước ngoài; trong 4 tờ báo Trung ương, thì Nhân dân, Quân đội nhân dân dùng lối phiên âm khá thống nhất; Lao động vẫn sử dụng lối viết nguyên dạng và chuyển tự, An ninh thế giới lại có bài thì phiên âm, có bài thì viết nguyên dạng hoặc chuyển tự… Nhưng có một chi tiết khá bất ngờ là nếu báo Nhân Dân phiên âm khá rõ ràng thì báo Nhân dân điện tử không phiên âm mà viết các danh từ riêng nguyên dạng, hoặc chuyển tự như các loại báo chí tiếng Anh đã chuyển (xem ảnh). Báo Quân đội nhân dân điện tử thì chủ yếu là phiên âm song vẫn có những tên riêng tiếng nước ngoài đặc biệt (như SEAGames – tên riêng một sự kiện; hoặc ASEAN – tên riêng một tổ chức) thì để nguyên dạng (xem ảnh).

Báo QĐND điện tử vẫn phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài như báo in (chữ gạch dưới màu đỏ)

Theo thống kê, trên thế giới có gần 5000 ngôn ngữ, trong đó khoảng 1/10 có chữ viết. Sự giao tiếp ngôn ngữ bằng chữ viết của các dân tộc cũng gặp những rắc rối tương tự và hầu như cũng thể hiện qua 3 hình thức chủ yếu: Phiên âm (dựa vào hệ thống ngữ âm và chữ viết của người bản ngữ); Chuyển tự (chuyển từ chữ viết nước ngày sang chữ nước khác - chủ yếu là dùng bảng chữ cái La Tinh); viết nguyên dạng. Như đã nói, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất vẫn rơi vào chuyện phiên âm hay không phiên âm.

Báo Nhân dân điện tử thì giữ nguyên dạng tên riêng tiếng nước ngoài trong khi báo giấy tương ứng thì phiên âm

Rõ ràng, vấn đề phiên chuyển tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí quả không thể một sớm một chiều có thể có sự thống nhất và cần có những giải pháp hợp lý. Việc thống nhất cách phiên âm và chuyển tự nói chung và phiên âm, chuyển tự tên riêng tiếng nước ngoài nói riêng là một nội dung của xây dựng tiếng Việt tiêu chuẩn thống nhất mà phương hướng đề ra là chuẩn mực hoá chính tả nhưng tiếc là đến nay, công việc này vẫn chưa có lối ra.

Nhãn:

HOW MANY IN ONE?

Bao nhiêu trong một?

Bức ảnh này được tôi chụp bằng di động vào sáng nay. Do lúc chụp có xe đi giữa đường nhiều quá và cũng ngại bảo vệ xí nghiệp hỏi thăm phiền phức nên phải đứng xéo xéo.

Đây là mặt tiền của Xí nghiệp thiết kế - xây dựng trực thuộc Công ty TNHH một thành viên xây dựng cấp nước Đồng Nai, số 52, Cách mạng tháng Tám, Biên Hòa, Đồng Nai.

Sáng kiến dùng câu khẩu hiệu “n trong 1” này có nên được nhân rộng?

Nhãn:

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

INSTALLATION ART




ảnh do Hoài Thanh chụp tại Orebro (Thụy Điển)

RA XEM THIÊN HẠ TREO QUẦN!

Nhãn:

MELODY FOR BIEN HOA




Giai điệu nào cho BIÊN HÒA?

Mới đây tôi có dịp đi Tây Nguyên. Những cuộc gặp gỡ với bạn bè làm báo ở vùng đất này để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Cũng chuyện trò. Nhậu. Và hát. Không phải hát karaoke, hát hồn nhiên, hát hết mình và hát có lửa bên ché rượu cần.

Em đẹp lắm Pleiku ơi, trái tim anh muốn vỡ tan rồi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy – đôi mắt Pleiku biển hồ đầy…

Buôn Mê Thuột thì có quá nhiều ca khúc hay: “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, đến “ly ca phê Ban Mê” cũng được cả nước biết qua giai điệu của Nguyễn Cường. Nhỏ như Pleiku “đi dăm phút đã về chốn cũ” mà bao nhiêu người đã biết đến nó trước khi biết đến Hoàng Anh Gia Lai và cái tên “Phố Núi”.

Không dám sánh với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế. Cả Cần Thơ, Nha Trang cũng thế. Cà Mau – Đất Mũi, Hải Phòng – thành phố Hoa Phượng Đỏ cũng có khá nhiều ca khúc nổi tiếng. Đến như Hà Giang, một tỉnh vùng cao nghèo, Bến Tre – một tỉnh nông nghiệp còn khó khăn - cũng có bài hát được nhiều người nhớ v.v… Ngay cả Hà Tĩnh với một ca khúc được viết trong chiến tranh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, hàng chục địa danh như Đồng Lộc, Khe Giao, Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm… của miền đất này được lưu lại trong trái tim người nghe cả nước.

Còn Biên Hòa, mảnh đất có trên 300 năm hình thành và phát triển, đến nay, chúng ta chưa có những tác phẩm nghệ thuật, trong đó có ca khúc được nhiều người biết đến. Bao giờ những Bình Đa, Phước Lư, Gò Me, Cù Lao Phố, Bình Trước, Trấn Biên, Biên Hùng v.v… được thế hệ hôm nay cảm được?

Trong bữa nhậu với bạn bè Tây Nguyên, nghe anh em hát nhiều bài, huyện ca cũng có như “Chú voi con ở Bản Đôn”, hoặc “Ơi, Ma Drak”, tôi chẳng biết hát đáp bài nào. Và anh em đề nghị tôi hát “Tình đất đỏ miền Đông”, một ca khúc của Trần Long Ẩn.

Còn nhớ, Đài Phát thanh Sông Bé cũ (nay là Bình Dương) khi chọn nhạc hiệu cho mình, đã quyết định lấy một đoạn trong giai điệu ca khúc của Thuận Yến, bài “Mỗi bước ta đi”, chỉ vì câu đầu bài hát này có nhắc đến 2 chữ “Sông Bé”: Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân miền Nam anh hùng, thành đồng Tổ quốc! Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa, vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng.

Tôi đồ rằng, ông Thuận Yến, dân Quảng Nam tập kết, khi viết bài này không rành địa lý. Ai lại đi hành quân quái như thế trong chiến tranh chống Mỹ: Từ Quy Nhơn vào Biên Hòa rồi mới vượt con sông Bé để lên Phước Long (tức tỉnh Bình Phước hiện nay). Nói chuyện này để đưa thêm một chi tiết khác, địa danh “Biên Hòa” cũng được nhắc đến trong một ca khúc khác của Thanh Trúc, bài “Ký ức về Kachiusa”: Một chiều rừng già giữa đường hành quân đi đánh Biên Hòa, người chiến sĩ muốn nghe khúc hát tình kachiusa Tôi đã hát lên bài ca và tôi đã hát lên bài ca mang tình yêu thiết tha của một miền thùy dương xa. tôi đã hát lên bài ca và tôi đã hát lên bài ca mang tình yêu thiết tha của một miền thùy dương xa.

Tôi trích dài như thế để chứng minh rằng, nhạc sĩ Thanh Trúc chọn địa danh “Biên Hòa” trong ca từ bài hát này vì nó có chữ “hòa”, nguyên âm a, âm tiết mở, trùng với ý đồ “kachiusa” trong ca từ của ông (xem những chữ in đậm). Giống kiểu “cây đàn guitare của đại đội ba…” của bác Hoàng Hiệp vậy (không thể là đại đội tư, hay đại đội năm được)!

Thực ra công bằng mà nói, cũng đã có nhiều ca khúc viết về thành phố Biên Hòa, nhưng không có bài nào nổi tiếng cả Có một ca khúc được viết theo đơn đặt hàng của thành phố Biên Hòa vào khoảng 1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng: “Đêm thành phố đầy sao” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn sau đó được cả nước biết đến. Nhưng có điều, khi nó nổi tiếng thì nhạc sĩ tác giả đã sửa lại ca từ và cho phổ biến như một ca khúc viết chung chung. Chẳng hạn: Ca từ ban đầu của bài hát: “Tôi đang nghe tiếng sóng Đồng Nai” được đổi thành “Tôi đang nghe tiếng sóng dòng sông”… Chị Lê Ánh Vân (Út Kiều) nguyên trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Biên Hòa thì khẳng định với tôi: “Anh Trần Long Ẩn đi thực tế viết bài này và ở lại nhà chị. Ảnh viết Vườn nhà em, cây hoàng lan bát ngát hương tỏa bay là viết về cây hoàng lan nhà chị đấy!”. Chuyện này không biết thực hư ra sao nhưng tôi có được nhìn bản thảo của anh Trần Long Ẩn viết trong đợt vận động “nghe trăm năm hát khúc mười năm” này khi làm tập ca khúc cho Biên Hòa.

Viết lan man những chuyện này, tôi muốn nói một điều: giới truyền thông nói chung và giới văn nghệ nói riêng lâu nay thực sự chưa làm tốt việc quảng bá hình ảnh một Biên Hòa có bề dày văn hóa ra cho bạn bè cả nước. Biên Hòa trong con mắt của nhiều người bạn tôi, chỉ là một vùng đất công nghiệp.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên trách ai. Bởi nghệ thuật là sản phẩm của trái tim. Từ trái tim đến với những trái tim là con đường ngắn nhất.

Đã chậm rồi, xin đừng trễ nữa.

Nhãn:

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

KILLING RATS SOLUTION




Giải pháp diệt chuột!

Mến tặng anh Hà Duy Thiện

Quán cà phê nổi tiếng nọ thời gian gần đây tự nhiên có nhiều chuột. Ban đêm chuột từ dưới các mương, hồ nước bò lên gầm bàn của khách. Có cô gái ngồi tâm sự với bạn trai trong quán vô tình dẫm phải chuột sợ quá thét lên thật to và ôm chầm lấy anh nhân viên. Có ông khách ngồi chờ bồ nhí trong một lúc thiếu tập trung bị mấy con chuột tha mất thỏi chocolate ngon ông chuẩn bị để tặng cho nàng, tức quá, rượt đập chuột tìm thỏi chocolate và làm đổ cả bàn cà phê của người khác…

Quá nhiều phiền toái vì chuột, khách vắng dần vì chuột, ông chủ quán sau nhiều lần tìm các biện pháp đã quá đuối sức và đang muốn xuôi tay. Có người mách, ông nảy ra ý tưởng treo giải thưởng cho người diệt hết chuột trong quán. Thông báo vừa đưa ra, ngày thứ nhất, có một chàng trai đến.

Giải pháp anh này đưa ra không có gì mới: dùng keo dính chuột. Tuy nhiên có một chi tiết lạ trong giải pháp làm ông chủ chú ý và chấp nhận cho anh thử nghiệm. Đó là nếu chuột mò đến gần bẫy keo dính chuột và tinh ranh phát hiện thì chạy theo để “dí” keo vào người chuột. Giải pháp này cũng bắt được nhiều nhưng so với tốc độ sinh sản của chuột thì không ăn thua gì.

Giải pháp 2 sau đó được một cán bộ về hưu mang tới, gọi nôm na là “dĩ độc trị độc”. Nội dung đại khái: Quán phải đưa thêm vào thực đơn món thịt chuột và làm PR về các món chuột thật nhiều để chúng sợ. Đúng là ban đầu, chuột có sợ thật, nhưng, sau đó các món chuột ngon quá nên họ hàng nhà chuột bị kích thích bởi mùi thơm của các loại gia vị và đâm ra… điếc không sợ súng. Ông cán bộ về hưu thở dài: “Chó má!” , rồi giải thích thêm: Con chó mà ăn được thịt cầy người ta gọi là con … má. Chó hầu như không ăn thịt đồng loại. Chỉ có con nào “chó má” lắm mới dám ăn cầy! Vậy mà cái lũ chuột này, chó má thật!

Trong lúc chủ quán lắc đầu ngao ngán, thế là vô phương đối phó với lũ chuột rồi, thì bỗng có một anh chàng nhà báo tới đặt vấn đề. Tôi sẽ làm cho quán anh hết chuột hoàn toàn nhưng anh phải trao tiền thưởng trước cho tôi. Chủ quán giờ đây không còn dễ tin như trước: Anh cứ làm đi, hết chuột tôi thưởng? Anh định viết báo phê phán chuột à? – Viết báo thì chưa, khi náo thành công hẵng viết, bây giờ anh trao trước cho tôi nửa tiền thưởng cũng được! (nhà báo giảm giá vì thấy khó thuyết phục ông chủ). Sau một lúc đàm phán khá lâu, ông chủ đồng ý trao trước 10% số tiền thưởng nếu anh nhà báo nói ra giải pháp. Nhận tiền xong, anh nhà báo nói nhỏ vào tai chủ quán, gương mặt rất bí hiểm:

+ ĐỐT MẸ CÁI QUÁN NÀY LÀ XONG!

(Cám ơn bạn Phương Ánh, Bưu điện Đồng Nai đã đóng góp ý tưởng cho entry này)

Nhãn:

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2007

SEX PIC ON THIS BLOG?

SEX ĐI!

Theo Vụ trưởng Vụ phổ biến pháp luật Vũ Tất Viễn, Bộ Tư pháp sẽ cùng bàn luận với Bộ Văn hóa Thông tin để có giải pháp quản lý blog vì có nhiều lỗ hổng trong vấn đề này.

Thực tế là thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều lời phản ảnh, phàn nàn về những vấn đề tiêu cực nảy sinh từ môi trường nhật ký online như: blog sex, thông tin không lành mạnh, bôi xấu cá nhân (trích từ VNEpress)

Không biết các giải pháp nào sẽ được đưa ra, giải pháp đó có giống chuyện Bộ VHTT quản lý karaoke thuở nào không? Nhưng dù sao thì mình cũng ủng hộ nên có những biện pháp hợp lý trong việc định hướng cho cộng đồng bloggers tận dụng tốt thành quả của nhân loại để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh và có ích, góp phần dân chủ hóa đời sống. Lạy trời, đừng bắt chúng ta phải từ bỏ blog. Làm sao để blog trở thành thứ sinh hoạt lành mạnh như giờ đây nhà nào cũng có karaoke vậy!

Và tranh thủ trước khi có văn bản quản lý ra đời (không hồi tố), tôi quyết định tung hình sex lên mạng. Hình ai bây giờ? Mình không phải là nhà nhiếp ảnh nude… Chẳng lẽ… tự chụp hình mình cho nó nổi tiếng! Còn vợ ta? Tuyệt đối không, vì biết rằng “vợ là cơm nguội của ta / Nhưng là phở tái của cha láng giềng” (Ong Mật).

Sau một đêm trăn trở, dù chưa có sự đồng ý của người mẫu, tôi quyết định tung tấm hình này lên blog.

Blog Page

Bấm vào đây xem một số thông tin thêm về người mẫu trong bức hình ấy

Nhãn:

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

IF I WERE...




NẾU LÀ…

Đêm qua, trong một chương trình ca nhạc trên truyền hình, nhà Đài cho phát lại bài hát “Tự nguyện” nhạc và lời của cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh. Khi vợ tôi đang xem, tôi bật cười giữa lúc giai điệu đoạn A bài hát vang lên.

Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương

Vợ tôi tròn mắt: Sao anh cười? À, anh nhớ tới thầy Hoàng Dung, hồi xưa thầy có một ví dụ về dính tới lời hát bài này! Cụ thể là? Bài hát mở đầu bằng 3 mệnh đề “nếu” để đi đến một kết luận có tính chất tuyên ngôn: LÀ NGƯỜI, TÔI SẼ CHẾT CHO QUÊ HƯƠNG. Nhưng rất nhiều người hát bài này, do thói quen ngôn ngữ, do lười tư duy và do giai điệu bài hát cuốn theo nên đã hát câu cuối thành NẾU LÀ NGƯỜI, TÔI SẼ CHẾT CHO QUÊ HƯƠNG. Bấy giờ, thầy Hoàng Dung nói thêm: Tại sao phải “nếu là người”? Anh không là người thì là khỉ à?

Từ cách nay hơn 20 năm, mỗi lần nghe ai hát bài này, nhất là vào dịp 9/1, ngày sinh viên học sinh, tôi đâm ra chú ý chi tiết trên.

Câu chuyện bài hát “Tự nguyện” tối qua làm tôi liên tưởng đến một lời ca khác. Bài hát “Đồng chí” thơ Chính Hữu, nhạc Minh Quốc. Rất nhiều người hát sai một câu thơ hay:

ĐÊM NAY RỪNG HOANG SƯƠNG MUỐI
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo

Nguyên bản bài thơ là thế. Khi phổ nhạc, đoạn thơ này có sửa một chút

ĐÊM NAY RỪNG HOANG SƯƠNG MUỐI
Nằm kề bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo

Còn khi hát, nhiều người hiện nay đã sửa lại

ĐÊM NAY RỪNG HOANG SƯƠNG XUỐNG

Sương nào mà chả xuống? Chẳng lẽ sương bay lên? Đùa thế thôi chứ “sương muối” mới diễn tả cái ác liệt, khắc nghiệt trong chiến đấu, cái lúc mà tình đồng chí dâng trào. Còn "sương xuống" thì bình thường. Đêm thì chắc có sương xuống, ít hay nhiều thôi. Sai một chữ, mà mất cả ý thơ.

Những ví dụ như thế này thì nhiều lắm.

P/S: Khi viết entry này, tôi thử search trên Google, "Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương", có đền 23 trang web có chuỗi ký tự này...

Nhãn:

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2007

PIANIST




CÙNG THƯ GIÃN MỘT CHÚT VỚI RUỐC!


Nhãn:

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

BIEN HOA MASTER OF CEREMONY COMPETITION




GHI TỪ MỘT CUỘC THI TUYỂN MC
(Tin hay không tùy bạn)



Thành phố Biên Hòa tổ chức cuộc thi tuyển người dẫn chương trình. Thí sinh X bốc thăm. Đề thi của anh: Giới thiệu đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuộc thi được truyền hình trực tiếp.
Người dẫn chương trình chính thức của đêm thi thông báo kết quả bốc thăm và giới thiệu sơ về nhân thân thí sinh X. Trong nhiều chi tiết được giới thiệu, khán giả nhớ nhất chi tiết thí sinh X rất rành các quán nhậu và quán cà phê ở Biên Hòa và thấp thỏm lo cho anh, phạm trù “nhậu” hơi xa lạ với nhạc Trịnh.
Hãy xem anh ta đã ứng biến để xử lý dẫn chương trình đêm nhạc có các bài hát và ca sĩ được ban tổ chức giao cho anh ta như thế nào. Dưới đây sẽ là phần của thí sinh X, chỗ nào chữ in nghiêng là tôi viết thêm.



Thưa quý vị! Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến một nhạc sĩ tài hoa, bất hủ. Mọi lời lẽ diễn đạt đều vô nghĩa. Cho nên hãy để giai điệu của Trịnh Công Sơn thay lời dẫn của tôi. Và chúng ta sẽ bắt đầu chương trình ngay sau đây.

(có tiếng nhạc dạo – đèn sân khấu tắt bớt, những ngọn nến (nến giả) bật lên)

+ Thưa quý vị!
Sống trên đời không ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Thịt cầy ghé quán Hai Thông
Mắm tôm rất tuyệt, nhậu không muốn về
Rựa mận thì hết chỗ chê!
Chả chìa, dồi nướng không mê được à?
Sau đây bài hát: PHÔI PHA…

(ca sĩ ra trình bày bài Phôi pha)

+ Thưa quý vị!
Đường Năm (mới) ở Biên Hòa
Bia ôm chẳng có, mát – xa chẳng hề
Đặc biệt có quán Đồng Quê
Sau đây: “Một cõi đi về”, đơn ca!

(ca sĩ ra trình bày bài “Một cõi đi về”)

(Có vẻ như anh ta khoái lục bát, vì nó dễ làm, dễ ứng khẩu nhưng 2 bài rồi đều giới thiệu bằng lục bát nên đến bài này anh ta đổi phong cách chăng. Đúng thế, thí sinh X tiến sát xuống hàng ghế khán giả… )

+ Các bạn ơi, ở Biên Hòa các bạn biết quán Phước Ốc không? (chả nghe ai nói gì) Vâng, tất cả các bạn đều biết đến quán Phước Ốc, một quán ăn bán toàn hải sản như nghêu đút lò, ốc hấp, tôm nướng xiên, ốc đỏ, hàu sống, cua, cua rất ngon nhưng hơi bị mắc… Và một khi nói đến hải sản, chúng ta nhớ ngay đến biển. Về sự nhớ đến biển, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát rất hay (ngưng một chút, hắng giọng) Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Vâng, các bạn biết tôi muốn nói đến ca khúc nào không? (đưa mic xuống khán giả nhưng tiếng đồng thanh nhỏ quá, thí sinh nói luôn) Biển nhớ!

(ca sĩ ra trình bày bài “Biển nhớ”)

(Thí sinh tranh thủ thay áo khoác ngoài)

+ Thưa quý vị!
Trời ươm nắng, cho mây hồng
Cho em dẫn chồng ăn lẩu Năm Ri
Bạc tiền nếu khó khăn chi
Đường Năm, em dẫn chồng đi Lẩu Bò
Chồng em lên chức quan to
Nhà hàng Quyết Thắng tha hồ, được không?

Sau đây bài hát “Mưa hồng”…

(ca sĩ ra trình bày bài “Mưa hồng”)

(Đến bài này thì thí sinh không thay áo mà thay kiểu thơ)

+ Thưa quý vị!
Em đi qua chuyến đò
Con trăng đang nằm ngủ
Khi em tìm vui thú
Ghé CÀ PHÊ CỘI NGUỒN

Quán cà phê Cội Nguồn, quán đẹp nhất Biên Hòa, có wifi, có cà phê ngon, có ăn sáng, cơm trưa văn phòng... Vâng nhắc đến cà phê Cội Nguồn, tôi nhớ ngay tới một ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quý vị có biết đó là bài gì không?
Vâng đó là bài Biết đâu nguồn cội. Sau đây mời quý vị cùng thưởng thức…

(ca sĩ ra trình bày bài “Biết đâu nguồn cội”)


+ Thưa quý vị! Những người Đồng Nai chúng ta tự hào về mảnh đất có bề dày 300 năm hình thành và phát triển. Đồng Nai có rất nhiều đặc sản, đặc trưng. Đồng Nai cũng là miền đất công nghiệp năng động với những dịch vụ hoàn hảo, trong đó có dịch vụ ăn uống. Nhắc đến tỉnh này, chúng ta có thể tự hào:
Đồng Nai có bưởi Tân Triều
Có đường quốc lộ với nhiều công an
Em đi chân dấu địa đàng
Em qua Lúa Việt, em sang Cây Dừa
Sau đây bài hát Diễm Xưa


(ca sĩ ra trình bày bài “Diễm xưa”)


+ Thưa quý vị!
Nhìn những mùa thu đi

Vào cà phê Dạ Thủy
Chiều một mình qua phố
Ghé cà phê thằng Bờm
Nhớ mùa thu Hà nội
Kéo nhau về quán Treo
Nối vòng tay... (BGK cắt)

(Hình như thí sinh X định liệt kê một loại quán cà phê như Sông Trăng, Trúc Hoa Viên, Ngõ Hạnh, Xí Ngầu… nhưng Ban tổ chức đã thông báo hết giờ)

Thí sinh này sau đó không được vào vòng trong. Lý do thế nào chưa nghe ban giám khảo giải thích.


Theo bạn, yêu cầu nào quan trọng nhất với một MC




Ngoại hình

0


Chất giọng

0


Kiến thức

5







Nhãn:

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

CHI’S CHANCE




Chí Phèo - Thị Nở trong tranh Hoàng Minh Tường

Cơ hội của Chí

Ngổn ngang bao điều muốn viết hôm nay, “ngày nhà báo”.

Sáng nay nói với một blogger thân, chắc anh post lên mấy lá đơn. Đơn gì? Từ chức? Về hưu? Hay đơn xin được treo bút? – bạn hỏi thế.

Tôi im. Blog thế đấy, net thế đấy… treo bút là thế nào? Còn mình, có chức gì mà từ? Về hưu ư? Công chức làm báo có về hưu cũng vẫn viết được mà, chỉ có “thợ báo ăn lương” nhưng tệ quá nên đã về hưu trong lòng độc/khán/thính giả, những người đóng thuế cho mình ăn lương.

Ngày vui của nghề mình mà entry sao nghe trĩu xuống một khối buồn khó diễn đạt. Hôm nay, Hội Nhà báo Đồng Nai trao giải báo chí. Thú thật, mình cố gắng không quan liêu nhưng chẳng biết gì về những bài đạt giải ngoài cái tựa. Những cái tựa như thế cũng phần nào cho thấy một bức tranh báo chí Đồng Nai thu nhỏ. Các “tác phẩm” đạt giải này được hiểu như là những tin, bài xuất sắc nhất trong năm của "nền báo chí" ở một tỉnh có đời sống công nghiệp, văn hóa khá sôi động, năng động.

Hôm nay, trong buổi lễ, bao nhiêu là tham luận, phát biểu rổn rảng những lời đao to búa lớn về lương tâm, trách nhiệm, về các loại “tính” của báo chí (không có tính nhuận bút). Nhiều tham luận cóp nhặt lung tung từ những bài giáo huấn trên tạp chí, trên mạng.

Cũng vỗ tay. Cũng hoa. Cũng những lời có cánh. Cũng nâng lên đặt xuống.

Và tin nhắn. Xin cám ơn tất cả những người đã nhắn tin cho mình, những nghĩa cử sẻ chia.

Có một tin nhắn lạ nhưng làm mình chú ý nhất: “Chúc anh có nhiều cơ hội cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp báo chí”

Nghe văn phong trịnh trọng như nghị quyết, chợt bật cười. Đó là chút vui bất chợt giữa lúc buồn. Và vì thế, mình quyết định kết entry này bằng một ý nghĩ vui về cơ hội: cơ hội của Chí Phèo (ý tưởng này mình copy từ một đại sư huynh trong một lần nói chuyện gần đây):

Ai cũng biết “Chí Phèo” được xem là kiệt tác của nhà văn Nam Cao, viết năm 1941. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bởi giá trị nhân đạo sâu sắc.

Có một chi tiết trong tác phẩm, ai cũng nhớ. Khi Chí Phèo – một người vô gia cư, “được người ta nhặt ở một cái lò gạch cũ” trở thành canh điền cho nhà cụ Bá Kiến, anh ta đã là một thanh niên lực lưỡng, hiền lành. Bấy gianh cũng ước mơ “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”... Thay đổi của Chí bắt nguồn từ chuyện: Ở nhà Bá Kiến, Bà Ba gọi Chí lên bóp chân mà cứ bắt "bóp lên trên, lên trên nữa" và Chí thì "chỉ thấy nhục”nên từ chối.

Chuyện của Chí - sau đó - theo tác phẩm ai cũng biết. Nhưng anh bạn tôi thì đặt vấn đề: Rõ ràng lúc bà Ba bắt Chí "bóp lên trên, lên trên nữa", Chí có một CƠ HỘI.

Vấn đề là Chí chưa biết tận dụng cơ hội.

Nhà văn Nam Cao thì mất quá sớm nên chúng ta không thể đặt câu hỏi: Giá như Chítận dụng cơ hội” ấy thì hắn sẽ ra sao?

Nhãn:

ON THE OCCASSION OF THE JOURNALISTS' S DAY




tản mạn nhân 21.6

+ Số liệu năm 2003: Cả nước có trên 10.000 người được cấp thẻ nhà báo! Bây giờ chắc nhiều hơn (vì ai được cấp rồi đâu có chịu trả, trừ phi bị thu hồi). Theo Mai Quốc Ấn, người gọi tôi bằng chú theo vai vế xã hội và là người được tôi coi lả đồng nghiệp: “trong số đó, khoảng 7% là NHÀ BÁO, 70% là THỢ BÁO, số còn lại chắc là… CÒ BÁO”

+ Hình như trong đầu từng thằng làm báo Việt Nam nào cũng luôn có cái kéo. Nó tự cắt nó trước khi bị cắt… hoặc tự cắt để không bị cắt!

+ Viết blog, viết comments nó cũng tự cắt (trừ phi giấu tên vì chơi trò ném đá giấu tay)

+ Kiếm cơm cũng là trách nhiệm (ít nhất đó là trách nhiệm với gia đình) nhưng những thằng kiếm tiền bằng nghề báo thì luôn miệng nói chuyện trách nhiệm.

+ Nhà báo luôn tỏ ra là người hiểu sâu sắc những lĩnh vực hắn viết nhưng thực chất cái hắn biết rõ nhất là tác phẩm này có được sử dụng hay không

+ “Không nghe cave kể chuyện

Không nghe nghiện trình bày

Không dây với nhà báo

Không láo với cấp trên

Không quên các bậc tiền bối

Không bối rối trước chị em”

Là một tổng kết về kinh nghiệm ứng xứ. Xin khoan nói chuyện đúng sai, cái “tổng kết" ấy trong chừng mực nào đó cũng cho thấy uy lực của báo chí, sức mạnh của dư luận xã hội. Nhưng về phía nhà báo, chúng ta nhìn cái nguyên tắc ứng xử ấy ra sao?

Nhãn:

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

WHO ARE WE WORKING FOR?




VIẾT CHO AI?

(nhân 21/6)

Hằng ngày xem đài, đọc báo, vợ chồng tôi đôi lúc phải tranh luận với nhau khi nhìn một tác phẩm. Đây đó trong bản tin, phóng sự, bài báo… ý đồ của người viết, người thực hiện… dù che dấu thông minh, thỉnh thoảng, cũng không thể nào “qua mắt” những "thảo dân" như tôi và vợ tôi.

+ Có bài báo viết cho một doanh nhân, viết vì một doanh nhân.

+ Có bài báo viết cho doanh nghiệp sắp lên sàn giao dịch chứng khoán, sắp cổ phần hóa.

+ Có tác phẩm báo chí viết vì một đồng chí lãnh đạo cụ thể.

+ Có bài báo được viết ra vì nhà báo muốn khoe kiến thức, khoe mình vừa đi nước ngoài, khoe các mối quan hệ.

+ Có nhiều tác phẩm báo chí viết để người viết nhận quà

+ Có bài báo viết theo ý của một nhóm cộng đồng nhỏ vì quyền lợi cục bộ của họ nhưng nhân danh khái niệm “người dân”, “nhân dân” rất chung chung.

Thậm chí, có chương trình, tiết mục, trang báo được thực hiện theo ý chí chủ quan của những người lãnh đạo cơ quan báo chí, không dựa trên hiệu quả. Ví dụ: Đài Đồng Nai có chương trình tiếng dân tộc Ch’ro, chương trình “dành cho đồng bào có đạo”. Tôi có lần hỏi khoảng 10 người dân Ch’ro ở Long Khánh và anh Điểu Được, người Ch'ro ở Phú Túc, về chương trình này thì được trả lời: không thích, không xem và nghe, có người nói có xem một lần nhưng không hiểu. Có thể tôi võ đoán nhưng tôi nghĩ đây là dạng chương trình chúng ta “viết” nhân danh mục đích tốt, nhưng chúng ta cho cái mà người ta không muốn nhận nên kết quả ngược với ý muốn…

Tất nhiên, không phải lúc nào việc cân nhắc, chọn lựa “viết cho ai?” cũng dễ dàng đới với người làm báo. Còn nhớ cuối năm 2003, khi dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra, một sự kiện chưa có tiền lệ, các nhà báo Đồng Nai - tỉnh có đàn gia cầm lớn nhất nước - đứng trước sự chọn lựa nghiệt ngã: đưa tin hay không đưa tin. Đưa tin thì bà con biết để phòng tránh. Mà đưa tin thì cũng đồng nghĩa với việc vô tình làm phá sản hàng ngàn hộ chăn nuôi, hàng chục doanh nghiệp liên quan, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thế nên mới có chuyện tổ chức liên hoan ăn gà đưa lên truyền hình do một vị bắt chước sáng kiến Mít-tơ Thạc Sỉn bên Thái. Hoặc cách đây một thời gian, sự kiện lòng hồ Trị An bị dư chấn bởi một cơn động đất ngoài khơi Thái Bình Dương là có thật. Song, chuyện thông tin liên quan đến sự kiện đó cũng là cuộc tranh cãi. Các bên liên quan đều nhân danh vì lợi ích chung.

Nói như thế để thấy rằng, sự chọn lựa của nhà báo “viết cái gì, viết cho ai” không phải lúc nào cũng dễ dàng, trắng đen rạch ròi. Đó là thử thách, đó là bản lĩnh chính trị.

Câu trả lời hết sức đơn giản và luôn được dạy dỗ từ trong quy ước nghề nghiệp đến luật báo chí “Nhà báo phải luôn tâm niệm: viết “vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích quốc gia”

Nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng – kể cả những người lãnh đạo, quản lý báo chí.

Hồi đầu năm, tại một hội nghị về công tác tư tưởng ở Hạ Long, Ban tư tưởng – văn hóa TW (cũ) có đưa ra nhận định trong một báo cáo: Công chúng báo chí hiện nay có bước phát triển về số lượng, trình độ, tham gia ngày càng tích cực vào quá trình truyền thông.

Báo cáo nhấn mạnh: Công chúng báo chí từ chỗ tiếp nhận thụ động chuyển dần sang chủ động, bình đẳng trong thu nhập, trao đổi thông tin. Chức năng diễn đàn của các tầng lớp nhân dân trên báo chí ngày càng được thể hiện rõ nét và sinh động.

Đây là một nhận định quan trọng. Và nó cho thấy, chúng ta không thể không đổi mới công tác báo chí cho phù hợp với xu thế của thời đại bùng nổ thông tin. Đã qua rồi cái thời làm truyền thông bằng/theo ý chí cá nhân vì công chúng ngày nay có nhiều chọn lựa.

Hiện nay, nhiều nơi đang đánh giá thành tựu báo chí bằng những - cái - báo - chí - đã - làm, với những thống kê số học (như số lượng phát hành, số trang, số chương trình, số giờ phát sóng...). Song chưa có một khảo sát nào cho thấy những - cái - báo - chí - làm - được (hiệu quả “tuyên truyền”). Hoạt động báo chí (với tư duy bao cấp một thời) hiện còn mang nặng tính chủ quan duy ý chí.

Và lại một lần nữa, lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “viết cho ai?” đang còn cần được mổ xẻ đúng.

Nhãn:

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2007

YEN VY IS COMING BACK?




YẾN VY TRỞ LẠI MÀN ẢNH NHỎ?

Tối 17/6/2007, khoảng hơn 20 giờ, truyền hình Đồng Nai cho phát sóng một vở kịch thiếu nhi. Trong đó, diễn viên nổi tiếng... thế giới Yến Vy – một nhân vật nổi tiếng không cần nhờ khả năng diễn xuất – thủ vai một bà mẹ nhân hậu…

Vở kịch đang phát sóng giữa chừng bỗng dưng bị ngưng không một lời giải thích. Đang coi kịch say sưa, con gái tôi bị ngắt dòng cảm xúc nên nó cứ bần thần và thắc mắc. Tôi không biết làm sao giải thích cho con.

Hiện nay, do nhu cầu phát sóng quá nhiều, nhưng sức sản xuất có hạn (chưa được 20% thời lượng) nên nhà Đài phải khai thác các nguồn và phát lại. Phát lại, nhưng quên coi lại băng cũ (chỉ coi tên chương trình và quyết định phát sóng) nên thỉnh thoảng bà con mình phải ăn những sản phẩm không phù hợp kiểu như bắt thiếu nhi năm 2007 phải nghe bài hát: “Em mơ ước tới năm 2000”, để nhiều nhân vật đã từ trần nhưng xuất hiện trên truyền hình nói những điều về nỗ lực cho Việt Nam gia nhập WTO v.v… Kể thì nhiều lắm.

Có thể xem đây là những biểu hiện coi thường khán giả vậy.

Nhãn:

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2007

"UNLIVE" BROADCASTING




Chú thích ảnh: Cầu truyền hình giao thừa 2005 của Đài Đồng Nai (điểm cầu phim trường chính). Phóng viên Minh Chung đang dẫn chương trình tọa đàm với phi công nổi tiếng Nguyễn Thành Trung (cùng phu nhân), á hậu Trịnh Trân Chân, và nối cầu với nhiều điểm.Trên monitor bên cạnh có hình TS Huỳnh Văn Tới đang phát biểu ở đầu cầu Long Thành.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁN TIẾP?

Một trong những phương thức sản xuất chương trình phát thanh – truyền hình theo hướng hiện đại mà Việt Nam áp dụng như một công nghệ mới trên 10 năm qua là phương thức làm PTTH trực tiếp. Đây không phải là chuyện thay đổi về kỹ thuật. Bản chất của phương thức mới này là cách làm PTTH tương tác. Theo phương thức này, không phải cái gì phát lên sóng cũng “trực tiếp”, cũng là sự kiện đang diễn ra. Âm nhạc (ca khúc), phóng sự, phỏng vấn v.v... có thể thực hiện trước nhưng tính chất sống động, dân chủ và tương tác, sự hấp dẫn, độ tin cậy… của chương trình mới là mục tiêu của phương thức này. Khán thính giả có thể tham gia chương trình. Phát thanh viên có thể xin lỗi khi sơ sót. Rất đời sống, rất con người...

Việt Nam dùng từ TRỰC TIẾP để dịch tính từ “LIVE” trong tiếng Anh, vốn có nghĩa là sống động. Trung Quốc thì dịch LIVE thành TRỰC TUYẾN. Từ “trực tiếp” ấy giờ trở nên quen thuộc với đời sống cộng đồng.

Nhưng vì phàm cái gì không trực tiếp thì được xem là gián tiếp cho nên xảy ra cách gọi chương trình ghi băng trước để phát và phát lại (unlive-broadcasting, re-taped, re-broadcasting, re-play) là chương trình gián tiếp.

Cách gọi tên các hình thức chương trình này hiện cũng phong phú: chương trình thu trước, chương trình phát băng, chương trình phát lại v.v… Chương trình không phát sóng trực tiếp (unlive) thì đâu có phải là chương trình GIÁN TIẾP? Không biết từ đâu, người ta dùng cái từ GIÁN TIẾP để chỉ cho hình thức này. Cách gọi ngớ ngẩn ấy chứng tỏ sự hiểu biết chưa trọn vẹn về bản chất của một phương thức sản xuất chương trình PTTH.

Nhãn:

CAPTION




CHÚ THÍCH ẢNH

Chú thích ảnh được xem như một kỹ năng báo chí, một hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí. Chú thích ảnh báo chí cũng dựa theo công thức 5W + H. Tuy nhiên, bản thân thông tin từ ảnh thường cung cấp sẵn nhiều yếu tố mà tác giả không cần chú thích.

Bức ảnh trên đây được chụp tại Hội trường báo Đồng Nai vào đầu tháng 6/2007. Tác giả là nhà báo Kim Tuấn.

Trên phông sân khấu, có dòng chữ “Gặp gỡ các nhà báo tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh”

Các đói tượng trong bức ảnh người già nhất cũng chỉ là U45.

Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra cách nay 32 năm.

Nếu phải chú thích bức ảnh này, bạn sẽ viết…

Nhãn:

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2007

GAMES SHOW FOR LOCAL STATION?




Ảnh minh họa: Trò chơi truyền hình "Sau giờ tan ca" dành cho công nhân, lao động Đồng Nai do ĐN-RTV thực hiện 2 năm 2003 và 2004

Đài tỉnh làm games show gặp rất nhiều khó khăn. Người ta hay nói một cách chung chung, đó là khó khăn về kinh phí và con người. Games show khác với nhiều thể loại truyền hình (nếu có thể gọi nó là THỂ LOẠI) là ở đó, tính tập thể trong quá trình sản xuất rất cao. Mà đã làm tập thể thì phải có quy trình, công nghệ. Đài tỉnh thường làm games thuần Việt, không được chuyển giao công nghệ, vừa tự mày mò, vừa rút kinh nghiệm. Trong khi đó, các "đại gia" trong làng truyền hình thì có cơ hội, điều kiện để mua bản quyền các ý tưởng (format, công nghệ, thậm chí phần mềm, âm nhạc, thiết kế sân khấu, ngân hàng đề thi... ) từ nước ngoài hoặc các công ty truyền thông lớn….

Đài tỉnh có nên tổ chức gameshow?

Sự tồn tại của một kênh truyền hình trong tương lai nằm ở nội lực sản xuất chương trình của nó. Đã qua rồi cái thời khai thác chương trình từ các nguồn và phát sóng vô tội vạ. Xã hội hóa các hoạt động truyền hình không đồng nghĩa với việc "bán đứng sóng" cho các Công ty truyền thông. Cùng với sự phát triển của công nghệ và quá trình hội nhập, truyền hình Việt Nam đang đứng trước một thách thức to lớn về bản quyền và sự cạnh tranh giành khán giả (thực chất là giành thị phần quảng cáo). Sẽ tới một lúc nào đó, bầu sữa bao cấp của Nhà nước sẽ cắt giảm dần đi. Truyền hình tỉnh lẻ cũng không thoát khỏi yêu cầu vươn lên bằng nội lực (khả năng sản xuất) để tồn tại. Điều đó có nghĩa là Đài tỉnh cũng nên sản xuất games show vì đó là nhu cầu có thật của khán giả và trong chừng mực nào đó, sản xuất games dễ hơn làm phim truyện. Qua khảo sát, chúng tôi thấy: khán giả hiện đại có nhu cầu thể hiện mình. Games hiện đại là cơ hội cho khán giả cùng chơi, cùng tham gia như một chủ thể sáng tạo trong các chương trình truyền hình. “Lý thuyết” là thế, song để có một games “sống được” cần có ý tưởng tốt, cách tổ chức hay. Trên thế giới, người ta tổng kết lý luận khá nhiều, phân loại khá hợp lý. Truyền hình Việt Nam lâu nay có làm nhưng chưa tổng kết.

Mọi sự so sánh đều khập khiểng nhưng có thể so sánh 1 chuyện. Có một thời, Đài nào cũng đua nhau sản xuất phim truyện (thậm chí lập hãng phim) trong khi đội ngũ làm điện ảnh có nghề (đạo diễn, diễn viên… ) lại tập trung ở các đô thị lớn, đã có người đặt vấn đề: Đài tỉnh có nên sản xuất phim truyện và thành lập hãng phim kg? Tương tự như games show, thiết nghĩ, phải đặt vấn đề: Đài tỉnh nên sản xuất phim truyện theo hướng nào? Một so sánh ở góc độ khán giả: Hiện nay, người xem truyền hình của chúng ta có thể “no” bóng đá: bóng đá Đức, bóng đá Anh, bóng đá Ý, bóng đá Tây Ban Nha, thậm chí bóng đá Nam Mỹ, cúp C1. Trình độ “tường thuật truyền hình trực tiếp” (số lượng góc máy, các thiết bị chuyên dụng, phần mềm xử lý trực tuyến những số liệu, tình huống, kỹ xảo, tay nghề đạo diễn v.v… ) những trận bóng đá của các hãng truyền hình Châu Âu là điều mà Việt Nam còn lâu mới đạt được. Thế nhưng không phải vì thế mà bóng đá quốc nội, thậm chí “tỉnh nội” không có người xem (qua truyền hình).

Vấn đề ở đây không phải là nên hay không nên sản xuất mà là sản xuất như thế nào? Truyền hình tỉnh nếu làm games show nên biết né hình thức làm “hoành tráng”, quy mô như các “đại gia” mà nên tìm lối đi khác. Còn lối đi đó như thế nào thì lại phụ thuộc vào sức sáng tạo của từng Đài.

Nhãn:

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2007

TUYEN GIAO TEA




TRÀ TUYÊN GIÁO

20 năm trước tôi về Đài làm lính phát thanh. Trong nhóm anh em thân có một ông anh không trực tiếp làm báo nhưng do quý mấy đứa em báo đài nên trở thành bạn đọc trung thành của báo Đồng Nai và là thính giả thường xuyên của “Đài chú Tú” (Đài chú Tú là cách nói anh dành cho Đài Đồng Nai để giải thích cho thằng con anh lúc đó mới 5 tuổi). Một bữa vào nhà anh chơi, tự nhiên nghe đứa con anh đọc nghêu ngao: “Trà Tuyên giáo, báo Đồng Nai, Đài chú Tú”. Tôi thắc mắc thì anh giải thích: Đây là câu nói dân gian anh sưu tầm được nhưng nó còn khuyết, thằng con nhà anh đọc chưa đầy đủ. Rồi anh mỉm cười ý nhị.

Thấy tôi còn thắc mắc, anh giải thích thêm: Dân Tuyên giáo báo đài nói chung hiện nay còn khó khăn quá nên trà cũng không có trà ngon để uống, đã thế uống phải pha loãng chứ không dám “cắm tăm”. Trà Tuyên giáo thì nhạt.

- Anh nói câu thành ngữ dân gian đó còn khuyết?

- Nguyên văn nó cũng không khó nhớ mà hơi khó đọc: “Uống trà Tuyên giáo, đọc báo Đồng Nai, nghe Đài chú Tú, bóp… (anh ngập ngừng) tay cô X!”

Không biết vì sao sau này “bọn dân gian” chê vế cuối của câu đó không vần nên tự ý đổi bộ phận khác của cô X vào thay cho cái câu “bóp tay cô X”.

Rồi nhờ ơn Đảng, đất nước đổi mới, dân Tuyên Giáo giờ ai cũng có nhà riêng, Trà Thái Nguyên vài ký trong nhà là chuyện nhỏ, báo Đồng Nai tăng trang, tăng kỳ, tăng chất lượng, Đài Đồng Nai tăng kênh sóng, tăng thời lượng… Và câu ca dân gian ấy cũng dần ít được nhắc đến.

Bài này xin mượn chuyện câu tổng kết dân gian ấy để nhắc lại chuyện một thời gian khổ nhưng vui và tâm huyết.

Nhãn:

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2007

CHINESE SOUVERNIRS IN BUON DON




LÊN BUÔN ĐÔN MUA HÀNG TÀU…

Từ chuyện lông đuôi voi

Trước khi lên Đắc Lắc, tôi chat với vài người bạn sành du lịch, siêng lục lọi trên net: Tư vấn cho mình về chuyến đi này! Trong những nội dung tư vấn về vui chơi, ăn uống, mua sắm... tôi chú ý: lên đó phải ráng mua cho được lông đuôi voi.

Tìm hiểu qua những người có uy tín ở đây, tôi biết thêm: Lông đuôi voi từ ngày xưa vốn được coi là bùa hộ mệnh cho các quan triều đình nhằm trừ tà ma, thú dữ, biết trước những trở ngại để đề phòng và gặp may mắn. Với người M’Nông, lông đuôi voi được coi là bùa hộ mệnh mà giúp chủ của nó có lòng chung thủy.

Giai thoại về chuyện lông đuôi voi nhiều lắm. Anh Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ BHTT, móc bóp ra khoe với tôi: “Từ khi tớ để chiếc lông đuôi voi này ở đây, bóp tớ lúc nào cũng có tiền!”. Một cô gái Êđê thì kể cho tôi nghe nhiều khả năng kỳ diệu khác của lông đuôi voi như trừ bệnh tật, đem lại may mắn v.v…

Khách du lịch đổ xô mua lông đuôi voi vì nó độc đáo, đặc biệt, nhẹ, dễ mang, dễ tặng và vì tò mò, hiếu kỳ.

Theo ước tính (có phần võ đoán của một phóng viên ở Buôn Mê Thuột) mỗi ngày có đến hàng trăm sợi lông đuôi voi được bán ra cho du khách. Nhưng cũng theo anh này, lấy đâu ra lông đuôi voi vì số lượng voi ngày càng hiếm và chẳng lẽ nhổ hết lông đuôi voi sống để bán?

Lông đuôi voi còn được lồng ghép trong các dạng nhẫn vàng, nhẫn bạc, nhẫn ngà. Rất phong phú và đa dạng.

Báo chí góp phần làm cho nó trở thành mặt hàng rất hot với du khách nên đã xảy ra tình trạng vặt trộm lông thậm chí chặt trộm đuôi voi, dù theo tập tục ở đây, người nhổ trộm lông đuôi voi bị phát hiện sẽ bị phạt trâu, heo và tiền rất nặng! (Chi tiết này tôi cũng nghe, chưa thể kiểm chứng).

Và điều làm tôi kinh ngạc nhất trong chuyến đi là lông đuôi voi đã được làm giả mang từ Trung Quốc qua đây bán. Anh bạn Nguyễn Hoàng Dưỡng, trưởng Đài truyền thanh huyện Buôn Đôn, nói với tôi: “Thầy coi chừng mua lông giả đấy!”. Tôi hỏi, làm sao biết lông thật? "Phải đốt lên, nó khét mùi sừng như mình đốt lông, đốt móng tay. Nhưng mà đốt thì mất thiêng! Người bán có thể đốt lông thật nhưng bán lông giả!".

Kinh khủng hơn là lông đuôi giả có thể được làm và gắn tự nhiên, tua tủa trong một khúc đuôi voi… giả (thật hơn cà hoa giả mà ta từng thấy ở nhà hàng, chỗ thờ tự)

Bạn hãy đến Buôn Đôn hay một điểm du lịch nào đó ở Daklak, có thể bạn sẽ nghe những lời mời chào, giọng Nam bộ:

- Anh lấy lông em đi, ở đâu cũng giá đó hà!

- Lông em dài lắm!

- Lông em là lông thiệt, anh tự lựa mà gỡ!

Lông dài giá 150.000-300.000 đồng/sợi, lông ngắn nhất cũng 70.000 đồng...

Voi Buôn Đôn bây giờ “chưa có ngà” nhưng không còn trẻ con vì ngà bị cưa rồi. Và lông đuôi cũng bị vặt sạch!

Đến chuyện trăm thứ hàng Tàu

Buôn Đôn nói riêng và Daklak nói chung không chỉ có lông đuôi voi, bạn có thể mua thổ cẩm, các đồ kỷ niệm làm bằng gỗ, ngà voi (?), tre nứa, rượu cần và các vị rượu thuốc tráng dương bổ thận của Ama Kông.

Chuyện về vị thuốc Ama Kông xin hầu các bạn trong một entry khác, mặc dù nó cũng đã bị giả ngay cách nhà ông tổ loại thuốc này không xa và điều này được Ama Kông xác nhận.

Điểu làm tôi cảm thấy choáng là hầu hết hàng lưu niệm rẻ, đẹp ở đây là hàng Trung Quốc, kể cả thổ cẩm.

Rượu cần thì do một người Kinh gốc… Bình Định sản xuất ở thành phố Ban Mê Thuột mang lên bán.

Ôi “cao nguyên huyền thoại, cao nguyên cỏ dại”... thời du lịch!

Chụp chung với Nguyễn Hoàng Dưỡng, trưởng Đài truyền thanh huyện Buôn Đôn trước cổng cơ quan Dưỡng

Xem hàng ở Buôn Đôn, tự nhiên nhớ lại hồi đầu năm đi dự Hội nghị ở Hạ Long, mua một mớ đồ trang sức bằng than đá rất đẹp (được giới thiệu là sản phẩm của vùng than), vừa về tới khách sạn, tôi bị đồng nghiệp chọc: hàng Tàu!

Lại nhớ cuối năm 2003, SEAGAMES 22 được tổ chức ở Việt Nam, nhóm phóng viên Đài Đồng Nai ở Hà Nội sau chuyến đi tường thuật sự kiện này đã mua tặng tôi một ít quà lưu niệm: Hàng lưu niệm SEAGAMES tổ chức ở Việt Nam như biểu tượng Trâu Vàng cũng do Trung Quốc sản xuất!

Bạn nghĩ sao?

Nhãn:

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2007

USELESS ANTENNA




TRƠ GAN CÙNG TUẾ NGUYỆT

Bốn năm nay (tính từ tháng 4/2003, cây ăng ten dây néo này đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử cùa nó. Được xây dựng từ thời ông Phạm Minh làm giám đốc Đài PTTH Đồng Nai vào năm 1994 để sử dụng chung cho sóng truyền hình VHF băng tần 12 và AM 720kHz, ăng-ten néo sử dụng dây cáp néo để chịu lực trên một bệ xi măng (như hình thức 1 tụ điện cực lớn). Ăng – ten càng cao, diện tích đất sử dụng cho dây néo càng lớn (hiện nay nó chiếm khoảng 4 ha). Khi đưa vào sử dụng, ăng ten này đã gây can nhiễu sóng một thời gian dài, người dân nào "vô phước ở vùng lõm" là không bắt được Đài Đồng Nai (cả phát thanh lẫn truyền hình)

Từ khi đưa máy phát hình mới UHF và máy phát FM 97,5 vào sử dụng, Đài Đồng Nai đã dùng ăng-ten tự đứng 125 mét cho cả 3 kênh sóng.

Và thế là cây ăng-ten néo 4 năm qua vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Tất nhiên, cũng cần phải sử dụng đèn báo để “nưôi” nó hằng đêm.

Nhãn:

PRIME MINISTER'S WEDDING GIFT




QUÀ CƯỚI CỦA THỦ TƯỚNG

Cách nay 9 năm, tôi lấy vợ. Đám cưới chúng tôi được bạn bè giúp đỡ nhiệt tình, thậm chí lập ban tổ chức và họp hành phân công hẳn hoi. Những ngày chuẩn bị là thời gian khá vui và hạnh phúc trong tình bạn.

Có một chuyện mà tôi còn nhớ: Ngày chúng tôi viết thiệp mời, nhiều bạn thân cũng có mặt để phụ… dán bì thư. Vừa làm vừa vui chuyện, người anh cả trong nhóm nảy ra sáng kiến: “Tú ơi, tên em là PHAN VĂN TÚ. Đương kim Thủ tướng là PHAN VĂN KHẢI. Hay là em cứ gửi đại một cái thiệp mời ra Văn phòng Thủ tướng, kèm theo một lá thư đại khái: Thưa chú, con biết chú bận việc nước, sẽ không có thì giờ sắp xếp dự đám cưới con được. Tấm thiệp này con gửi đế báo tin cho chú thiếm biết ngày vui của tụi con….”

Anh bạn phân tích thêm: Thủ tướng đi làm cách mạng, xa quê nhiều năm, và chắc có nhiều con cháu ở Củ Chi nên chẳng nhớ nổi liệu mình có đứa cháu nào tên là PHAN VĂN TÚ không. Và vì thế, thà gửi lầm hơn bỏ sót, biết đâu ổng sẽ nhờ Văn phòng gửi cho em một món quà cưới. Quà gì không quan trọng, quan trọng là quà cưới của Thủ tướng dành cho vợ chồng em!

Tất cả cùng cười vang vì cái ý tưởng ngộ nghĩnh ấy. Có người còn bổ sung: Thiệp và thư đó phải đem lên Củ Chi – quê Thủ tướng - để gửi đi, dấu bưu điện Củ Chi sẽ thuyết phục hơn. Thủ tướng bận thì văn phòng họ lo. Chắc chắn thế nào cũng có quà. Có người còn góp ý: nên viết thêm vào lá thư những chi tiết như “Tết rồi, chú về quê (Tết năm đó Thủ tướng sau khi ghé Đồng Nai đã về thăm Củ Chi thật), ba cháu biểu tụi cháu lên chào chú nhưng hôm đó vợ chưa cưới của cháu bị bệnh…”

Tất nhiên đó là chuyện đùa.

Mới đây, khi lục lại đống giấy tờ cũ, phát hiện ra thiệp cưới của chúng tôi ngày xưa in offsette 4 màu còn khá nhiều (cũng nhờ bạn bè giúp), câu chuyện vui này được vợ tôi nhắc lại.

Và tôi chợt nghĩ là nếu có ai đó làm thật một chuyện như vậy thì sẽ thế nào nhỉ?

Nhãn:

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2007

PROGAMMING




Mấy ngày nằm khách sạn, mình có cơ hội bấm remote xem được nhiều kênh truyền hình trong nước qua cáp. Lịch giải trí 3 kênh quảng bá của “anh cả” VTV tương đối hợp lý, “Ju - mông” trên kênh 1 vừa xong, nhảy qua VTV3 coi “29 ngày rưỡi”. Trong khi 1 kênh nào đó của VTV có phim thì kênh khác có thể là ca nhạc, sân khấu, games show… hầu như không có thời điểm nào 2 kênh quảng bá của VTV đồng thời chiếu phim truyện. Trong khi đó, nhiều kênh truyền hình địa phương, sắp lịch phát sóng theo thói quen, hay theo một format “kinh điển”. Có đài vẫn “húc đầu” cùng đại gia trong cuộc cạnh tranh thị phần khán giả. Có đài sắp lịch cho 2 kênh của mình giống nhau. Kênh này thời sự thì kênh kia là chuyên đề, thậm chí kênh này đang phim truyện, kênh kia cũng phim truyện. Họ tự share khán giả của chính họ. Nói chi đến giành khán giả của các kênh khác. Một trong những lý do - theo mình – Nhiều Đài hiện chưa nắm vững những nguyên tắc lập trình.

LẬP TRÌNH

Có một thuật ngữ phát thanh truyền hình trùng với thuật ngữ của giới IT, mình biết được cái này từ hồi tập tò nghiên cứu về nghề báo: PROGAMMING. Dù mình làm báo nói, báo hình hơi bị lâu năm nhưng cũng mới biết thuật ngữ này sau nhiều năm biết nó là thuật ngữ tin học.

Nếu PROGAMMING trong IT là lập trình, thì trong phát thanh – truyền hình nó được xem là hoạt động xây dựng hệ thống chương trình, bao gồm rất nhiều nội dung khoa học. Nào là xây dựng khung chương trình, lập kế hoạch sản xuất, làm playlist phát sóng hằng ngày, làm quảng bá, quảng cáo, giới thiệu…, nghiệm thu, thẩm định, tư vấn, định hướng, điều tra khán thính giả (công tác này liên quan đến xây dựng hệ thống chương trình như máu thịt), công tác tư liệu, lưu trữ… Một số Đài lớn lập ra Ban Thư ký Biên tập (hay Ban Chương trình) từ sự tư vấn của chuyên gia nước ngoài, các Đài PTTH địa phương bắt chước làm theo nhưng vì chẳng hiểu khoa học về PROGAMMING nên tính chất, mục đích của cơ cấu tổ chức này bị tréo ngoe. Thậm chí có Đài, bộ phận này được đặt tên là phòng sản xuất chương trình, tính chất của nó như một phòng kỹ thuật sản xuất nhiều hơn là một phòng chức năng về nội dung.

Mục tiêu của công tác chư­ơng trình (programming) là nỗ lực thực hiện chức năng nhiệm vụ của Kênh/Đài nhằm lôi kéo đư­ợc nhiều ng­ười nghe/xem nhất, với chi phí lại ít nhất, hiện thực hoá quyền tự do ngôn luận, quyền đ­ược thông tin và quyền đư­ợc phát ngôn của công dân.

Programming chỉ ra cho người làm phát thanh – truyền hình những nguyên tắc trong hoạt động. Ví dụ: Nguyên tắc trong lập khung chư­ơng trình phải là:

1/ Bám theo tiêu chí, chức năng nhiệm vụ của Kênh/Đài

2/ Khung chương trình chỉ gồm những chuyên mục, loạt/serries chương trình, chùm chương trình…

3/ Tính mùa, vụ và sự kiện

4/ Hư­ớng và dựa vào chỉ số ngư­ời xem

5/ Theo phân đoạn, có khung giờ

6/ Bổ sung, khắc phục điểm yếu của nhau

7/ Dòng khán giả - giữ đư­ợc ngư­ời xem của chương trình trư­ớc

8/ Đối trọng

9/ Chấp nhận đối đầu

10/ Tạo cầu nối và mắc võng

Đây là một môn học trong ngành báo chí. Tiếc là môn này chưa được đưa vào trong nhà trường. Và tiếc là có rất nhiều Đài phát thanh – truyền hình ở Việt Nam không nắm được khoa học về programming nên cách lâp chương trình bị nhiều sai sót.

Có Đài – như tôi biết – đã bỏ ra hơn nửa tỉ đồng mỗi năm cho công tác điều tra khán giả truyền hình (thông qua công ty TNS) nhưng hầu như chưa thực sự dựa vào kết quả này để làm programming. Nhiều Đài làm việc cực kỳ ngẫu hứng. Các chương trình giải trí trong chính 2 kênh truyền hình của Đài này “đánh” nhau, giảnh “khách hàng” của nhau. Có Đài hiện xây dựng nội dung cực kỳ ngẫu hứng, không quan tâm đến tâm lý tiếp nhận định thời của khán thính giả phát thanh truyền hình cần được coi như một đặc điểm quan trọng trong việc lập trình.

Quá trình thị trường hóa các hoạt động phát thanh truyền hình đang dần hình thành. Ngày nay, nhiều ông quản lý Đài đã biết đến các thuật ngữ như “rating”, “loyalty”, “immigration”, reach… (các chỉ số về khán giả trong phát thanh – truyền hình). Nhưng đó chỉ là những hiểu biết lõm bõm thông qua các hoạt động quảng cáo. Bao giờ programming mới được đưa vào các trường đào tạo phát thanh – truyền hình ở Việt Nam?

Nhãn:

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2007

THE SHOE IS ON THE OTHER FOOT




CẢ NHÀ LÊN VOI

Hôm nay chủ nhật, cả nhà đi Buôn Đôn. Tiếc là không gặp được chú voi con như trong lời ca của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho Tép (Nó cứ ngân nga bài hát suốt chặng đường từ Buôn Mê Thuột lên huyện này). Thôi thì thay voi con bằng chú voi 60 tuổi. Cả nhà lên voi. Anh nài chụp dùm tấm hình. Vừa post tấm hình lên lại chợt nghĩ đến câu thành ngữ Việt: lên voi, xuống chó.

Nhãn:

PHOTOS FROM DAKLAK




Bận rộn và không có điều kiện vào net như ở nhà hay ở cơ quan nên mấy ngày nay chẳng viết được gì cho blog, post mấy tấm hình vừa chụp ở Daklak thay cho entry...

Nhãn: