Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

MELODY FOR BIEN HOA




Giai điệu nào cho BIÊN HÒA?

Mới đây tôi có dịp đi Tây Nguyên. Những cuộc gặp gỡ với bạn bè làm báo ở vùng đất này để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Cũng chuyện trò. Nhậu. Và hát. Không phải hát karaoke, hát hồn nhiên, hát hết mình và hát có lửa bên ché rượu cần.

Em đẹp lắm Pleiku ơi, trái tim anh muốn vỡ tan rồi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy – đôi mắt Pleiku biển hồ đầy…

Buôn Mê Thuột thì có quá nhiều ca khúc hay: “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, đến “ly ca phê Ban Mê” cũng được cả nước biết qua giai điệu của Nguyễn Cường. Nhỏ như Pleiku “đi dăm phút đã về chốn cũ” mà bao nhiêu người đã biết đến nó trước khi biết đến Hoàng Anh Gia Lai và cái tên “Phố Núi”.

Không dám sánh với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế. Cả Cần Thơ, Nha Trang cũng thế. Cà Mau – Đất Mũi, Hải Phòng – thành phố Hoa Phượng Đỏ cũng có khá nhiều ca khúc nổi tiếng. Đến như Hà Giang, một tỉnh vùng cao nghèo, Bến Tre – một tỉnh nông nghiệp còn khó khăn - cũng có bài hát được nhiều người nhớ v.v… Ngay cả Hà Tĩnh với một ca khúc được viết trong chiến tranh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, hàng chục địa danh như Đồng Lộc, Khe Giao, Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm… của miền đất này được lưu lại trong trái tim người nghe cả nước.

Còn Biên Hòa, mảnh đất có trên 300 năm hình thành và phát triển, đến nay, chúng ta chưa có những tác phẩm nghệ thuật, trong đó có ca khúc được nhiều người biết đến. Bao giờ những Bình Đa, Phước Lư, Gò Me, Cù Lao Phố, Bình Trước, Trấn Biên, Biên Hùng v.v… được thế hệ hôm nay cảm được?

Trong bữa nhậu với bạn bè Tây Nguyên, nghe anh em hát nhiều bài, huyện ca cũng có như “Chú voi con ở Bản Đôn”, hoặc “Ơi, Ma Drak”, tôi chẳng biết hát đáp bài nào. Và anh em đề nghị tôi hát “Tình đất đỏ miền Đông”, một ca khúc của Trần Long Ẩn.

Còn nhớ, Đài Phát thanh Sông Bé cũ (nay là Bình Dương) khi chọn nhạc hiệu cho mình, đã quyết định lấy một đoạn trong giai điệu ca khúc của Thuận Yến, bài “Mỗi bước ta đi”, chỉ vì câu đầu bài hát này có nhắc đến 2 chữ “Sông Bé”: Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân miền Nam anh hùng, thành đồng Tổ quốc! Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa, vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng.

Tôi đồ rằng, ông Thuận Yến, dân Quảng Nam tập kết, khi viết bài này không rành địa lý. Ai lại đi hành quân quái như thế trong chiến tranh chống Mỹ: Từ Quy Nhơn vào Biên Hòa rồi mới vượt con sông Bé để lên Phước Long (tức tỉnh Bình Phước hiện nay). Nói chuyện này để đưa thêm một chi tiết khác, địa danh “Biên Hòa” cũng được nhắc đến trong một ca khúc khác của Thanh Trúc, bài “Ký ức về Kachiusa”: Một chiều rừng già giữa đường hành quân đi đánh Biên Hòa, người chiến sĩ muốn nghe khúc hát tình kachiusa Tôi đã hát lên bài ca và tôi đã hát lên bài ca mang tình yêu thiết tha của một miền thùy dương xa. tôi đã hát lên bài ca và tôi đã hát lên bài ca mang tình yêu thiết tha của một miền thùy dương xa.

Tôi trích dài như thế để chứng minh rằng, nhạc sĩ Thanh Trúc chọn địa danh “Biên Hòa” trong ca từ bài hát này vì nó có chữ “hòa”, nguyên âm a, âm tiết mở, trùng với ý đồ “kachiusa” trong ca từ của ông (xem những chữ in đậm). Giống kiểu “cây đàn guitare của đại đội ba…” của bác Hoàng Hiệp vậy (không thể là đại đội tư, hay đại đội năm được)!

Thực ra công bằng mà nói, cũng đã có nhiều ca khúc viết về thành phố Biên Hòa, nhưng không có bài nào nổi tiếng cả Có một ca khúc được viết theo đơn đặt hàng của thành phố Biên Hòa vào khoảng 1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng: “Đêm thành phố đầy sao” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn sau đó được cả nước biết đến. Nhưng có điều, khi nó nổi tiếng thì nhạc sĩ tác giả đã sửa lại ca từ và cho phổ biến như một ca khúc viết chung chung. Chẳng hạn: Ca từ ban đầu của bài hát: “Tôi đang nghe tiếng sóng Đồng Nai” được đổi thành “Tôi đang nghe tiếng sóng dòng sông”… Chị Lê Ánh Vân (Út Kiều) nguyên trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Biên Hòa thì khẳng định với tôi: “Anh Trần Long Ẩn đi thực tế viết bài này và ở lại nhà chị. Ảnh viết Vườn nhà em, cây hoàng lan bát ngát hương tỏa bay là viết về cây hoàng lan nhà chị đấy!”. Chuyện này không biết thực hư ra sao nhưng tôi có được nhìn bản thảo của anh Trần Long Ẩn viết trong đợt vận động “nghe trăm năm hát khúc mười năm” này khi làm tập ca khúc cho Biên Hòa.

Viết lan man những chuyện này, tôi muốn nói một điều: giới truyền thông nói chung và giới văn nghệ nói riêng lâu nay thực sự chưa làm tốt việc quảng bá hình ảnh một Biên Hòa có bề dày văn hóa ra cho bạn bè cả nước. Biên Hòa trong con mắt của nhiều người bạn tôi, chỉ là một vùng đất công nghiệp.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên trách ai. Bởi nghệ thuật là sản phẩm của trái tim. Từ trái tim đến với những trái tim là con đường ngắn nhất.

Đã chậm rồi, xin đừng trễ nữa.

Nhãn:

11 Nhận xét:

Anonymous Trinh N nói...

Có 1 lần tui đi đám cưới 1 đứa học trò ở Sài gòn,... Vừa xong thủ tục lễ cưới, Chú rễ mách cái Em-xi: "Nhân ngày vui của tụi em, xin thầy tặng tụi em 1 bài hát để làm kỷ niệm nha Thầy...quý thầy lắm, trân trọng kính mời thầy" - Thanh Bạch giới thiệu, Trời! lục lọi trong đầu chẵn có bài tủ nào cả, trong khi đó... dàn nhạc "chần dần" cả chục thằng nhạc công hết sức hoành tráng! lỡ lên sân khấu bắt tay với Thanh Bạch rồi... phải chi có karaoke cũng đỡ....cứ đứng hoài sao? Mai quá, nhớ hồi Biên Hòa 300 năm, rồi chào mừng Sea games cơ quan mình có tập hát và lên trình diễn còn nhớ lời 2 bài hát. Bình tĩnh:..."kính thưa quý vị, tôi xin hát bài Tiếng hát Đồng Nai". Thói quen, nhìn qua thằng chơi ghi-ta... nó cười và khải khải lên dây đàn. Thanh Bạch nói nhỏ: "Ông chơi bài này nó không biết đàn", Trời! hỏng lẽ cả chục thằng, không thằng nào biết sao? - "Anh đổi bài khác đi"; Ừ, "Xin phép quý vị cho tôi đổi bài khác... "Tiếp bước 3 thế kỷ hào hùng" - tui vô rồi ông quánh theo nha (nói với thằng trống, không thèm thằng đờn nữa). Không ngờ, toàn bộ khách khứa đều vỗ tay rầm rập theo lời bài hát. Tiếng cụng ly vô, vô... nghe cơm cốp rung chuyển cả 1 tầng lầu luôn. "Kính thưa quí vị, vừa rồi già trẻ, bé lớn gì cũng đi hành quân rất hùng hồ và hoành tráng với tiếng hát của 1 ông Thầy đến từ đất Đồng Nai!!!" - Sao Thầy không ca mấy bài bây giờ cho nhẹ nhàng, truyền cảm 1 chút; - Nhạc trẻ bây giờ không thuộc bài nào cả, 2 bài này do cơ quan bắt phải học thuộc cả 2 tháng trời để đi trình diễn!!! (....)

lúc 18:16 27 tháng 6, 2007  
Anonymous Trinh N nói...

Đính chính: Bài hát về Biên Hòa rất nhiều rùi còn la lối gì nữa. 10 ca khúc của Biên Hòa được vô đĩa hát karaoke hẵn hoi (Maseco) và nằm trong cuốn menu bài hát... rất ngay ngắn, trang trọng (mới tinh luôn, trong khi mấy trang bài hát khác thì quăn queo, nhào nhòe...).

lúc 18:28 27 tháng 6, 2007  
Anonymous duythiện nói...

Biên Hoà xưa nay vốn là đất lành. nhưng người BH lớn lên không gắn bó với nó, không yêu thương nó. Điều này ắt phải có những lý do nào đó. Ta thử làm một forum để mọi người góp ý xem sao, PT nhỉ?

lúc 02:39 28 tháng 6, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ A. Thiện: Không phải người Biên Hòa không yêu thành phố này. Nguyên nhân của các hội chứng anh nêu ra hơi khó nói nhưng không khó hiểu. Làm forum cũng tốt nhưng người cần nghe thì không đọc forum, người đọc và bàn trên forum thì không có quyền quyết định.
@ Boong: Anh đủ tài thì đã làm rồi, không đợi em nhắc đâu.
@ Trinh: Chi tiết về cuốn list bài hát trong karaoke quá độc đáo!
Thực ra, ca khúc về Biên Hòa, Đồng Nai, chiến khu Đ, Định Quán... có cả trăm bài. Tôi biết cũng bộn nhưng nhớ thì không. Xin lỗi nhiều tác giả quen biết và đáng kính, trong và ngoài tỉnh!

lúc 02:48 28 tháng 6, 2007  
Anonymous Ngoc Oanh nói...

Tui ở xa không rành lắm, nhưng mà có một tuần ở Biên Hòa nên muốn hỏi anh Tú và mọi người một câu.
- Phải nói về Đồng Nai chứ sao lại là Biên Hòa?
Tui ở Đồng Nai về liền vênh mặt với bà xã mà rằng:
- Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải, ĐỒNG NAI đã từng.
Biết đến Đồng Nai được ví như "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" rồi.
Máy anh chị sống ngay tại đó, chỉ cần vậy là đủ rồi, còn bày đặt hát hò chi nữa. Người ta chỉ hát PlayCU (Playboy) đó thôi mà ghen tị làm chi???
Mà hôm trước, mấy anh chỉ cho tui xem hình cái con Nai (không rõ Nai đực hay cái, mà lẻ loi, không có đôi) trong cái biểu tượng (logo của tỉnh) tôii cũng thấy đã quá rồi. Nhớ hồi nhỏ, lần đầu tiên biết đến CON NAI VÀNG trên tập vở COGIDO tôi mơ ước biết Đồng Nai ở đâu.
Giờ thì mãn nguyện quá rùi.
Đến Đồng Nai mà được nhậu cùng mấy anh thì hát bài gì chả được...

lúc 02:51 28 tháng 6, 2007  
Anonymous Boong Boong nói...

Hay là anh Tú chắp bút vậy! Biết đâu...

lúc 03:53 28 tháng 6, 2007  
Anonymous Trinh N nói...

1. Tú có biết những nơi mà Tú kể như Pleiku, Ban Mê Thuột...nó đã nằm trong lòng mọi người như thế nào không? hồi xưa tới nay ai cũng biết câu thơ:
Anh đi chiến dịch plei, (pờ lây)
Ku dài dằng dặc... biết ngày nào vê (về),
Khi về, anh xuống Ban Mê,
"Thuột" xong một cái... mới về với em!
2. ông Thuận Yến vạch ra kế hoạch hành quân này đúng chứ. Từ sân bay quân sự Quy Nhơn.... bay thẳng về sân bay quân sự Biên Hòa, sau đó đi đò lên Sông Bé (đoạn này đi máy bay là không có chổ xuống). Hồi xưa là vậy, dễ ợt hà! mạnh ai nấy bay (để đi hành quân cho lẹ rồi còn về nghỉ ngơi "quánh tiến lên" nữa) chứ không cấm, không hộ chiếu... như bây giờ.

lúc 05:17 28 tháng 6, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Còn có mấy câu về Đồng Nai nữa như là:
"Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai, ai người xa xứ lạc loài tới đây. Tới đây thì ở lại đây!"
"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về"
Đồng Nai gạo trắng nước trong
Ai đi đấn đó thời không muốn về"
....

"Đồng Nai đi dễ, khó về
Trai đi có vợ, gái về có con"(!!!????!!!!????)
Dzậy là cũng nhiều tư liệu để viết về Đồng Nai lắm chứ!
(Dzậy mà những bài hát về Đồng Nai không nhiều và không đặc sắc bằng mấy tỉnh khác, buồn ghê nơi...)

lúc 21:58 28 tháng 6, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

"Làm trai cho đáng nên trai / Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng". E ở Đồng Nai nhưng chưa thấy "đáng nên trai" khi gần "hết một thời con trai" rồi. Hỏi ra mới biết các cụ hồi đó dùng chữ Đồng Nai để chỉ cả Nam bộ, chứ không phải cái Đồng Nai hành chính hiện nay (Bến Nghé của tiền tan bọt nước / Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây). Bài hát về Đồng Nai cũng có một số được người ta nhớ, nhưng phổ biến hẹp. NHớ nhất là bài "Về Đồng Nai" của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Tiếc là bác XUân Hồng làm bài đó khi tỉnh này chưa tách phần Bà Rịa - Vũng Tàu ra, nên lời bài hát vẫn còn nhiều chỗ giờ không phù hợp, kiểu như "thăm quê hương chị Sáu". Hoặc có bài của nhạc sĩ Trần Quang Huy mang tên "Sen trắng Đồng Nai". Bác Trần Quang Huy công tác ở Đài Truyền hình thành phố HCM nên bài hát này được ưu ái phát nhiều lắm, mà nó cũng không chịu nổi tiếng. Đã thế, bây giờ, nó không còn phù hợp với quan điểm môi trường. Bởi "sen" mà bác Huy viết là hình tượng diễn tả các ống khói nhà máy tung bụi lên trời ở các Khu công nghiệp Biên Hòa làm thành 1 cánh đồng sen. Chao ơi, sen trắng Đồng Nai! Xin trích ca từ: "Làn khói trắng bay, khói nhà máy tỏa, thành cánh sen dịu êm. Đồng Nai: một vùng sen trắng!".
Thầy vào Đồng Nai thì nhậu thoải mái, nhưng đừng bắt tụi em hát về Đồng Nai nhé!

lúc 04:31 29 tháng 6, 2007  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

hình như có Trị An âm vang mùa xuân đó anh!

lúc 20:57 13 tháng 3, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

đọc bài này em nhớ chị Tú có lần viết là '' sẽ tập yêu Biên Hòa .. hay anh sáng tác một bài để yêu Biên Hòa hơn anh nhé!

lúc 21:05 13 tháng 3, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ