Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

WHO ARE WE WORKING FOR?




VIẾT CHO AI?

(nhân 21/6)

Hằng ngày xem đài, đọc báo, vợ chồng tôi đôi lúc phải tranh luận với nhau khi nhìn một tác phẩm. Đây đó trong bản tin, phóng sự, bài báo… ý đồ của người viết, người thực hiện… dù che dấu thông minh, thỉnh thoảng, cũng không thể nào “qua mắt” những "thảo dân" như tôi và vợ tôi.

+ Có bài báo viết cho một doanh nhân, viết vì một doanh nhân.

+ Có bài báo viết cho doanh nghiệp sắp lên sàn giao dịch chứng khoán, sắp cổ phần hóa.

+ Có tác phẩm báo chí viết vì một đồng chí lãnh đạo cụ thể.

+ Có bài báo được viết ra vì nhà báo muốn khoe kiến thức, khoe mình vừa đi nước ngoài, khoe các mối quan hệ.

+ Có nhiều tác phẩm báo chí viết để người viết nhận quà

+ Có bài báo viết theo ý của một nhóm cộng đồng nhỏ vì quyền lợi cục bộ của họ nhưng nhân danh khái niệm “người dân”, “nhân dân” rất chung chung.

Thậm chí, có chương trình, tiết mục, trang báo được thực hiện theo ý chí chủ quan của những người lãnh đạo cơ quan báo chí, không dựa trên hiệu quả. Ví dụ: Đài Đồng Nai có chương trình tiếng dân tộc Ch’ro, chương trình “dành cho đồng bào có đạo”. Tôi có lần hỏi khoảng 10 người dân Ch’ro ở Long Khánh và anh Điểu Được, người Ch'ro ở Phú Túc, về chương trình này thì được trả lời: không thích, không xem và nghe, có người nói có xem một lần nhưng không hiểu. Có thể tôi võ đoán nhưng tôi nghĩ đây là dạng chương trình chúng ta “viết” nhân danh mục đích tốt, nhưng chúng ta cho cái mà người ta không muốn nhận nên kết quả ngược với ý muốn…

Tất nhiên, không phải lúc nào việc cân nhắc, chọn lựa “viết cho ai?” cũng dễ dàng đới với người làm báo. Còn nhớ cuối năm 2003, khi dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra, một sự kiện chưa có tiền lệ, các nhà báo Đồng Nai - tỉnh có đàn gia cầm lớn nhất nước - đứng trước sự chọn lựa nghiệt ngã: đưa tin hay không đưa tin. Đưa tin thì bà con biết để phòng tránh. Mà đưa tin thì cũng đồng nghĩa với việc vô tình làm phá sản hàng ngàn hộ chăn nuôi, hàng chục doanh nghiệp liên quan, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thế nên mới có chuyện tổ chức liên hoan ăn gà đưa lên truyền hình do một vị bắt chước sáng kiến Mít-tơ Thạc Sỉn bên Thái. Hoặc cách đây một thời gian, sự kiện lòng hồ Trị An bị dư chấn bởi một cơn động đất ngoài khơi Thái Bình Dương là có thật. Song, chuyện thông tin liên quan đến sự kiện đó cũng là cuộc tranh cãi. Các bên liên quan đều nhân danh vì lợi ích chung.

Nói như thế để thấy rằng, sự chọn lựa của nhà báo “viết cái gì, viết cho ai” không phải lúc nào cũng dễ dàng, trắng đen rạch ròi. Đó là thử thách, đó là bản lĩnh chính trị.

Câu trả lời hết sức đơn giản và luôn được dạy dỗ từ trong quy ước nghề nghiệp đến luật báo chí “Nhà báo phải luôn tâm niệm: viết “vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích quốc gia”

Nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng – kể cả những người lãnh đạo, quản lý báo chí.

Hồi đầu năm, tại một hội nghị về công tác tư tưởng ở Hạ Long, Ban tư tưởng – văn hóa TW (cũ) có đưa ra nhận định trong một báo cáo: Công chúng báo chí hiện nay có bước phát triển về số lượng, trình độ, tham gia ngày càng tích cực vào quá trình truyền thông.

Báo cáo nhấn mạnh: Công chúng báo chí từ chỗ tiếp nhận thụ động chuyển dần sang chủ động, bình đẳng trong thu nhập, trao đổi thông tin. Chức năng diễn đàn của các tầng lớp nhân dân trên báo chí ngày càng được thể hiện rõ nét và sinh động.

Đây là một nhận định quan trọng. Và nó cho thấy, chúng ta không thể không đổi mới công tác báo chí cho phù hợp với xu thế của thời đại bùng nổ thông tin. Đã qua rồi cái thời làm truyền thông bằng/theo ý chí cá nhân vì công chúng ngày nay có nhiều chọn lựa.

Hiện nay, nhiều nơi đang đánh giá thành tựu báo chí bằng những - cái - báo - chí - đã - làm, với những thống kê số học (như số lượng phát hành, số trang, số chương trình, số giờ phát sóng...). Song chưa có một khảo sát nào cho thấy những - cái - báo - chí - làm - được (hiệu quả “tuyên truyền”). Hoạt động báo chí (với tư duy bao cấp một thời) hiện còn mang nặng tính chủ quan duy ý chí.

Và lại một lần nữa, lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “viết cho ai?” đang còn cần được mổ xẻ đúng.

Nhãn:

13 Nhận xét:

Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

chú đúng là nhà báo cách mạng rồi!

lúc 04:27 18 tháng 6, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Mổ và xẻ cũng là hai khái niệm chú nhỉ?

lúc 19:00 18 tháng 6, 2007  
Anonymous Scorpion nói...

Một entry rất hay, rất trăn trở, anh Tú ạ !! Đó là lý do tôi mê báo mà không hề tập viết báo, hìhì...

lúc 19:31 18 tháng 6, 2007  
Anonymous Ngọc Kỳ Lân nói...

Hok có hiểu... vì em hok viết báo... :(

lúc 20:01 18 tháng 6, 2007  
Anonymous mimosa nói...

Thế theo nhà báo Phan Tú thì anh dang viet bao cho ai, vi ai?
Anh nhac lam Tieu nu nay moi nho chuyen co anh chang nha bao-nha van chuyen lang-xe cac giam doc mac du anh ta chang biet gi ve linh vuc cua nguoi ta dang lam. Tham chi co nhung chuong trinh anh ta mac nhien tu nhan dan chuong trinh, viet kich ban...Nhung chuyen anh ta "xao bai" cua phong vien bao dia phuong de goi len to bao ma anh ta co ten moi that dang ne, vi cac nha bao tre da noi am len ve dieu nay moi khi ai do gap ho va nhac den ten nha bao-nha van vi dai no. The thi anh ta lam bao la vi cai gi, viet vi ai???
Lai co nhung mau tin ke hen nay doc duoc o bao dia phuong, thay goi len bao Tuoi tre, Tien phong...voi mot ten khac nhung noi dung lai y chang cua tac gia no. Vay nha bao do la cai chi? Ho lam viec vi cai gi?
Oi, co choi voi cac nha bao moi biet chuyen bep nuc nha bao sao "duc cai dau" qua! Con Nha bao Tu thi viet vi cai gi, vi ai???

lúc 21:40 18 tháng 6, 2007  
Anonymous duythiện nói...

còn một vấn đề gốc nữa: báo chí ấy là của ai ?
Một nhà báo có tâm phải nghĩ đến lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng còn phải khéo, để tiếng nói của mình đến được với mọi người (mà không bị cắt gọt đến nỗi 'ba má nhìn hổng ra'). Khó đấy nhỉ ?

lúc 21:47 18 tháng 6, 2007  
Anonymous Crystalhouse nói...

Quả nhân thấy làm báo khó quá ! Đọc và phán xét bình luận tùm lum thì dễ hơn .

lúc 02:47 19 tháng 6, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Bác Tú ơi, đo cái mà nhà báo làm được như thế nào?

lúc 01:44 20 tháng 6, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Định khép lại entry này nhưng có câu hỏi của Người Biên Hòa hay quá nên viết thêm 1 chút: hiệu quả báo chí đo được bác ạ. Đó là cả 1 khoa học. Một nhà kinh doanh hiện nay muốn quảng cáo trên truyền hình họ luôn biết mình bỏ ra 1 đôla cho Đài X thì được cái gì. Họ có chỉ số để đo. Chứ không phải do Đài đó tự nói là đài tôi hay lắm, hấp dẫn lắm. Họ chẳng tin đâu. Báo phát hành 1 triệu số không đồng nghĩa với 1 triệu người đọc, có khi chỉ có 1 ngàn người đọc, hoặc có khi 2 triệu người đọc (1 tờ báo đem về cả nhà đọc). Tất cả đều có phương pháp hết. Trang mục, chương trình còn được đo cụ thể chứ không chỉ cả cơ quan báo chí.
Mà thôi, chuyện này dài lắm. Có thể mình sẽ viết cả chục entry nữa...

lúc 02:08 20 tháng 6, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

cám ơn Nguyễn Phạm, cám ơn Hai Miền Đông vì những lời động viên và chúc mừng!

lúc 02:09 20 tháng 6, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Mimosa: câu hỏi của bạn khó trả lời quá. Mình có ấn tượng về bạn nhưng thực sự thắc mắc vì sao bạn không hé lộ "danh phận"?
@ Anh Thiện: Bác chỉ được cái nói đúng

lúc 02:12 20 tháng 6, 2007  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

HMĐ không rành về nghiệp vụ báo chí, nhưng có lẽ "Nhà báo chịu nhiều áp lực đến... bạc tóc!"
HMĐ xin mượn lời của Nhà báo Minh Quang (Báo Lao động) trên Vietnamnet: "Làm báo một cách thực sự nghiêm túc thì có thể nói là... bạc tóc. Bởi vì phải suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ bài đấy phải đánh trúng vấn đề. Nhưng Chống cũng mang tính chất là Xây, chứ không phải chống có nghĩa là đánh một cách "tơi bời khói lửa". Mà mình nghĩ tiêu cực là một phần của cuộc sống, một phần của xã hội. Nếu mình có đấu tranh phanh phui ra những tiêu cực thì cũng chỉ làm sao cho xã hội tốt đẹp lên... Mỗi khi có một bài phóng sự điều tra là chúng tôi có cảm giác như trên một đống lửa..."
Và nhân kỷ niệm ngày báo chí Việt Nam (21/6) xin chúc các nhà báo luôn nắm chặt vũ khí trên tay như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:" Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ."

lúc 04:14 20 tháng 6, 2007  
Anonymous Ngôn Action++ nói...

Anh Tú nói rất đúng, em cũng muốn góp thêm ý.
Theo suy nghĩ của em hiện tại, lý do chính khiến Việt Nam vẫn còn chậm hơn các nước xung quanh là do trình độ chung của dân chúng ta vẫn còn quá thấp. Làm sao để có thể từng bước nâng cao trình độ chung của người dân, để họ có đủ điều kiện gia nhập vào thế giới phẳng ngày hôm nay. Đó là thách thức rất lớn dành cho không chỉ cho báo Chí, Bộ Giáo Dục và cả nhiều cơ quan khác nữa.
Thử tưởng tượng vào năm 2011, nếu 40 triệu người người sử dụng Internet của chúng ta đều biết khai thác phục vụ cho mục đích học tập, tìm kiếm thông tin, trao đổi với thế giới bên ngoài thì chắc chắn Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một tay chơi lớn trong sân chơi toàn cầu. Còn nếu cũng 40 triệu người đó nhưng chỉ biết game online, chat, nghe nhạc, xem phim... thì có lẽ VN vẫn mãi chỉ là một thị trường tiêu thụ bị xâu xé bởi các công ty đa quốc gia mà thôi!
Và chính chúng ta sẽ tự quyết định sẽ đi hướng nào trong hai con đường trên, trong đó vai trò của báo chí cực kì quan trọng. Em chúc anh Tú sẽ luôn đứng về phía "Chánh phái" trong sự nghiệp của mình ^_^

lúc 04:32 25 tháng 6, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ