Thứ Hai, 4 tháng 6, 2007

PROGAMMING




Mấy ngày nằm khách sạn, mình có cơ hội bấm remote xem được nhiều kênh truyền hình trong nước qua cáp. Lịch giải trí 3 kênh quảng bá của “anh cả” VTV tương đối hợp lý, “Ju - mông” trên kênh 1 vừa xong, nhảy qua VTV3 coi “29 ngày rưỡi”. Trong khi 1 kênh nào đó của VTV có phim thì kênh khác có thể là ca nhạc, sân khấu, games show… hầu như không có thời điểm nào 2 kênh quảng bá của VTV đồng thời chiếu phim truyện. Trong khi đó, nhiều kênh truyền hình địa phương, sắp lịch phát sóng theo thói quen, hay theo một format “kinh điển”. Có đài vẫn “húc đầu” cùng đại gia trong cuộc cạnh tranh thị phần khán giả. Có đài sắp lịch cho 2 kênh của mình giống nhau. Kênh này thời sự thì kênh kia là chuyên đề, thậm chí kênh này đang phim truyện, kênh kia cũng phim truyện. Họ tự share khán giả của chính họ. Nói chi đến giành khán giả của các kênh khác. Một trong những lý do - theo mình – Nhiều Đài hiện chưa nắm vững những nguyên tắc lập trình.

LẬP TRÌNH

Có một thuật ngữ phát thanh truyền hình trùng với thuật ngữ của giới IT, mình biết được cái này từ hồi tập tò nghiên cứu về nghề báo: PROGAMMING. Dù mình làm báo nói, báo hình hơi bị lâu năm nhưng cũng mới biết thuật ngữ này sau nhiều năm biết nó là thuật ngữ tin học.

Nếu PROGAMMING trong IT là lập trình, thì trong phát thanh – truyền hình nó được xem là hoạt động xây dựng hệ thống chương trình, bao gồm rất nhiều nội dung khoa học. Nào là xây dựng khung chương trình, lập kế hoạch sản xuất, làm playlist phát sóng hằng ngày, làm quảng bá, quảng cáo, giới thiệu…, nghiệm thu, thẩm định, tư vấn, định hướng, điều tra khán thính giả (công tác này liên quan đến xây dựng hệ thống chương trình như máu thịt), công tác tư liệu, lưu trữ… Một số Đài lớn lập ra Ban Thư ký Biên tập (hay Ban Chương trình) từ sự tư vấn của chuyên gia nước ngoài, các Đài PTTH địa phương bắt chước làm theo nhưng vì chẳng hiểu khoa học về PROGAMMING nên tính chất, mục đích của cơ cấu tổ chức này bị tréo ngoe. Thậm chí có Đài, bộ phận này được đặt tên là phòng sản xuất chương trình, tính chất của nó như một phòng kỹ thuật sản xuất nhiều hơn là một phòng chức năng về nội dung.

Mục tiêu của công tác chư­ơng trình (programming) là nỗ lực thực hiện chức năng nhiệm vụ của Kênh/Đài nhằm lôi kéo đư­ợc nhiều ng­ười nghe/xem nhất, với chi phí lại ít nhất, hiện thực hoá quyền tự do ngôn luận, quyền đ­ược thông tin và quyền đư­ợc phát ngôn của công dân.

Programming chỉ ra cho người làm phát thanh – truyền hình những nguyên tắc trong hoạt động. Ví dụ: Nguyên tắc trong lập khung chư­ơng trình phải là:

1/ Bám theo tiêu chí, chức năng nhiệm vụ của Kênh/Đài

2/ Khung chương trình chỉ gồm những chuyên mục, loạt/serries chương trình, chùm chương trình…

3/ Tính mùa, vụ và sự kiện

4/ Hư­ớng và dựa vào chỉ số ngư­ời xem

5/ Theo phân đoạn, có khung giờ

6/ Bổ sung, khắc phục điểm yếu của nhau

7/ Dòng khán giả - giữ đư­ợc ngư­ời xem của chương trình trư­ớc

8/ Đối trọng

9/ Chấp nhận đối đầu

10/ Tạo cầu nối và mắc võng

Đây là một môn học trong ngành báo chí. Tiếc là môn này chưa được đưa vào trong nhà trường. Và tiếc là có rất nhiều Đài phát thanh – truyền hình ở Việt Nam không nắm được khoa học về programming nên cách lâp chương trình bị nhiều sai sót.

Có Đài – như tôi biết – đã bỏ ra hơn nửa tỉ đồng mỗi năm cho công tác điều tra khán giả truyền hình (thông qua công ty TNS) nhưng hầu như chưa thực sự dựa vào kết quả này để làm programming. Nhiều Đài làm việc cực kỳ ngẫu hứng. Các chương trình giải trí trong chính 2 kênh truyền hình của Đài này “đánh” nhau, giảnh “khách hàng” của nhau. Có Đài hiện xây dựng nội dung cực kỳ ngẫu hứng, không quan tâm đến tâm lý tiếp nhận định thời của khán thính giả phát thanh truyền hình cần được coi như một đặc điểm quan trọng trong việc lập trình.

Quá trình thị trường hóa các hoạt động phát thanh truyền hình đang dần hình thành. Ngày nay, nhiều ông quản lý Đài đã biết đến các thuật ngữ như “rating”, “loyalty”, “immigration”, reach… (các chỉ số về khán giả trong phát thanh – truyền hình). Nhưng đó chỉ là những hiểu biết lõm bõm thông qua các hoạt động quảng cáo. Bao giờ programming mới được đưa vào các trường đào tạo phát thanh – truyền hình ở Việt Nam?

Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous Ngoc Oanh nói...

Anh Tú ơi, môn này ở HVBCTT đã được đưa vào. Ở báo in nó là môn: Tòa soạn và BBT, ở truyền hình nó là bài: Tổ chức chương trình truyền hình.(Môn: Nhập môn báo chí truyền hình). Chỉ thuật ngữ hơi khác chút thôi. Ngoài ra tiêu chí xây dựng chương trình của kênh, Đài...còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Ví dụ: Năng lực tổ chức sản xuất, phạm vi phát sóng, tâm lý đối tượng tiếp nhận, trình độ nhận thức của công chúng vùng miền...
Chỉ tiếc là hiện nay, nhiều chương trình không phải nhà đài không biết mà chỉ vì phụ thuộc vào...Nhà tài trợ nên phải trùng lặp, bất chấp các nguyên tắc...
Nguyên tắc tổ chức sắp xếp các chương trình truyền hình hiện nay là: Xiền tài trợ...
Vì thế mà nhiều lúc xem phát bực.
Mà cái chuyện Xiền thì các trường đạo tạo...Pó tay.

lúc 04:15 4 tháng 6, 2007  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Cái này thì hơi chệch với vấn đề anh đang bàn nhưng cũng là chuyện to nè:
Sáng qua em và con đi trên xe buýt về lại Biên HOà. Trên xe có mỗi radio để giải trí thôi. Sau khi nghe báo 9h, FM 99,9 cho nghe bản tin KHĐS, nghe đươc vài câu tài xế chuyển qua Đồng Nai. MỪng ghê nghe, vì "đài của mình" cũng lọt vào danh mục của các tài xế buýt. Nhưng hỡi ôi, đài Đồng NAi cũng đọc bản tin KHKT, tài xế vẫn không chuyển kênh. CHào hết bản tin, nhạc dạo, xướng: chương trình "Dành cho Đồng bào có đạo", chuyển sang Bình Dương ngay.
Đi xe buýt nhiều e để ý thấy ca nhạc là khoái khẩu số 1. các chương trình khoa giáo, tư vấn (hôn nhân - sức khoẻ - pháp luật, nông nghiệp,) cũng được quan tâm. Còn lại thì chuyển kênh - chuyển kênh.

lúc 21:15 4 tháng 6, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Cần gì phải học, thị trường nó khắc dạy. Có điều các bác phát thanh - truyen hình ở VN còn được bao cấp dài dài. Bao cấp thì làm gì chả được. Dốt giỏi như nhau. Cha chung mà! TRừ Thành phố HCM và Hà Nội, VTV, các Đài tỉnh mà cho tự chủ tài chính là chết ngay...

lúc 23:40 6 tháng 6, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ