Thứ Ba, 29 tháng 5, 2007

GUEST HOUSE AND MASS MEDIA




NHÀ KHÁCH VÀ TRUYỀN THÔNG

Mình đang trọ tại nhà khách tỉnh Đắc Lắc (chà, cái tên tỉnh này khá phong phú về hình thức viết như Dak Lak, Đắk Lắk, Đắc Lắc, Daklak, Đắklắk… ). Nhà khách tỉnh Đắc Lắc có cách phục vụ giống rất nhiều “khách sạn quốc doanh” mình có dịp trọ khi đi công tác trong nhiều năm qua.

Có bạn sẽ thắc mắc với mình khi đọc tựa của entry này: Vì sao lại có cái chuyện “nhà khách” dính tới “truyền thông” ở đây? Ông Tú định nói chuyện PR, quảng bá cho khách sạn? Hay định nói chuyện thông tin liên lạc trong khách sạn? v.v… Không phải ạ. Mình chỉ liên tưởng có tính chất so sánh thôi. Liên tưởng của mình xuất phát từ chuyện ăn sáng.

Khách hàng của nhà khách (thường là cán bộ, đảng viên) được phục vụ ăn sáng miễn phí, vốn đã “tích hợp” trong tiền trọ. Restaurant của nhà khách có sảnh đẹp, rộng rãi, nhưng, ăn sáng chỉ quanh đi quẩn lại có 3 món: phở (rất quốc doanh!), bánh mì ốp la và mì gói! Khách được quyền tự do chọn lựa trong 3 món đó! Khu vực chung quanh nhà khách hầu hết là các cơ quan hành chính lớn nên cũng khó tìm ra một hàng quán để ăn sáng. Mà có vẻ như Buôn Mê Thuột là thế. Rất nhiều con đường khá đẹp, không bán hàng rong, không có nhiều dịch vụ như ở TP Hồ Chí Minh hay Biên Hòa, trông rất hiền hòa với hành lang rộng, thoáng. 9 giờ đêm là phố xá đã yên tĩnh, không nhậu thâu đêm như ở Sài Gòn. Những vị khách từ phía Nam lên vốn không thích lắm vị phở quốc doanh nên phải cuốc bộ hoặc đi xe ôm để tìm bánh cuốn, hủ tíu, bún bò Huế, bún riêu v.v…

Những người khách ấy cũng giống như công chúng truyền thông hiện nay: họ có quyền đòi hỏi những món ăn báo chí mà họ thích. Sự phát triển của truyền thông, công nghệ đã cho phép họ có quyền chọn lựa. Remote trên tay, con chuột trong tay… cho họ nhiều cơ hội hơn. Các nhà truyền thông của chúng ta nếu còn nếp tư duy “nhà khách quốc doanh”, bắt ăn phở thì chỉ được ăn phở… sẽ chắc chắn mất khán giả, thính giả, độc giả... Khách buộc phải ăn phở như thế khi và chỉ khi họ không còn lựa nào khác: không ăn thì nhịn đói.

Các bạn thấy sao, đời sống truyền thông hiện nay có còn kiểu “nhà khách quốc doanh”?

Ở Buôn Mê Thuột, trừ khu "phố cổ", các đường phố mới có hành lang thông thoáng, ít hàng quán như ở TP Hồ Chí Minh

Nhãn:

7 Nhận xét:

Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Không phải ăn cơm là tốt rồi, lại còn kêu ca phở quốc doanh với không quốc doanh!
CÒn ít quán nhậu thì em hoan nghênh. Riêng khoản ấy thì Tây Nguyên văn minh hơn phố anh nhỉ?

lúc 00:23 30 tháng 5, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Bác có vẻ yêu nghề quá. Chuyện ăn sáng mà cũng nói đến truyền thông. Xem ra bác còn nặng nợ với nghề làm báo quá, yêu phát thanh - truyền hình quá xá!

lúc 20:00 30 tháng 5, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Tôi thấy so sánh của anh Tú có nhiều điểm thú vị. Tôi đã từng ở nhiều khách sạn quốc doanh trong thời gian gần đây như Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hạ Long, khách ạn Kim Liên, khách sạn Thủ Đô ở Hà Nội và nhận thấy họ bắt chước nhau kinh khủng: từ cái bàn chải đánh răng, hộp kem đánh răng, cái lược, ống đựng samboo… Các Đài PTTH tỉnh, các tờ báo tỉnh hiện nay đa phần bắt chước các cơ quan báo chí Trung ương, rồi khai thác nguồn tin của TW, một sự giống nhau, trùng lặp, monotone đến nhàm chán và lãng phí. “Nhà khách” và “truyền thông” giống nhau thiệt. Bản chất của vấn đề: cơ chế!

lúc 22:42 30 tháng 5, 2007  
Anonymous duythiện nói...

trưa nay, tôi nhảy nhổm khi nhận được cái hoá đơn đột xuất của Cty môi trường ĐT, về cái khoản dọn cành lá tỉa thưa của café Cội Nguồn. Hoá đơn ghi hẳn hoi: 3 ngày, mỗi ngày 3 m3, giá 90.000đ/m3, tức là 810.000đ!
cãi nhau chí chát mấy đợt từ sáng tới chiều, gút lại còn ... 150.000đ! vẫn mắc hơn nếu tôi tự kêu xe chở.Tôi bèn hứa với cái cty quốc doanh ấy lần sau sẽ không dám phiền tới họ nữa.
Cái chuyện vặt vãnh và kém sạch sẽ là chuyện đổ rác mà vẫn còn quốc doanh nữa là!
ở ta vẫn còn nhiều thứ quốc doanh lắm. Ôm đồm những thứ ấy luôn luôn khoẻ hơn là quản lý, khoẻ đầu óc, khoẻ cả túi tiền. Lại còn có cớ: mọi người không thấy tôi trăm công nghìn việc à? thời giờ đâu mà quản lý cơ chứ ?

lúc 03:42 31 tháng 5, 2007  
Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Chú Tú không thích ăn sáng ở khách sạn thì đi tìm món khác có gì mà càm ràm dữ vậy? Còn chuyện phục vụ của “quốc doanh” thì báo chí nói đầy ra, và nói nhiều năm rồi. Khách hàng là thượng đế, lý thuyết thì nói vậy, nhưng mấy ông này thì miệng nói nhưng vẫn thích độc quyền nên cố tình không tin điều đó. Chú có nói cũng vô ích. Hãy để thị trường nó nói. Kể cả thị trường truyền thông, thị trường báo chí – những khái niệm mà ngày nay ở Việt Nam vẫn chưa được thừa nhận.

lúc 05:51 31 tháng 5, 2007  
Anonymous Ngoc Oanh nói...

anh Tú viết: Buôn Mê Thuột hình như không trúng lắm. "Mà có vẻ như Buôn Mê Thuột là thế"... mới rõ.
Có hai cách gọi: Ban Mê Thuật, Buôn Ma thuột. Nếu dùng Buôn thì phải Ma, dùng Ban thì phải Mê...(Sao đó rắc rối lắm...)Tui đã có lần nghe chuyện này, lâu rồi không nhớ. Phải hỏi người gốc Buôn Ma thì mới rõ. Nhờ anh Tú hỏi giùm nhé.

lúc 20:26 31 tháng 5, 2007  
Anonymous PHẢN BIỆN nói...

Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô
Ngày xưa ở miền Bắc, không biết ai đã nghĩ ra cái câu nhại Kiều quá hay. Bây giờ câu đó đã trở thành folklore mất rồi. Ai ở cái thời tem phiếu chắc thấm thía và thích thú câu này hơn thế hệ 8X. Nhưng tôi thấy có thể "vận" nó vào chuyện truyền thông: "bắt phanh trần, phải phanh trần" rất giống cách làm truyền thông bằng tư duy quyền lực...

lúc 23:57 31 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ