Thứ Ba, 22 tháng 5, 2007

WHY DID YOU REMOVE MY "BBC STATION"?




TẠI SAO CÁC ANH GỠ CÁI ĐÀI BBC CỦA TÔI?

Cách nay hơn 21 năm, tôi là một sinh viên mới ra trường về nhận công tác ở Đài Phát thanh Đồng Nai (lúc đó chưa có truyền hình). Bấy giờ đời sống còn vất vả lắm. Có một cái máy thu thanh để nghe đài là sang lắm. Radio-cassette càng sang. Sửa chữa điện tử thời đó cũng dễ kiếm tiền, nhất là sửa TV đen trắng. Anh bạn là kỹ sư rủ tôi phụ với anh ta làm thêm nghề này. Tôi chỉ phụ đúng nghĩa vì có biết gì đâu mà sửa.

Có nhiều chuyện vui tôi còn nhớ. Hôm nay xin kể 2 chuyện.

1. Một lần, có ông khách đem đến một chiếc radio bán dẫn nhờ sửa gấp. Bạn tôi bận tay. Tôi có nhiệm vụ tiếp xúc khách hàng, nghe yêu cầu, trao đổi hoặc hẹn khách. Qua nhiều lần quan sát, tôi bắt chước ông bạn. Nhận cái máy thu thanh (còn gọi là cái đài, hay cái ra-dô) của ông khách, công việc đầu tiên của tôi là kiểm tra nguồn điện (power). Tôi tháo pin ra, lấy dây cắm điện vào, đeo headphone, mở máy: Máy vẫn hoạt động tốt. Tôi reo lên như một phát hiện: A, máy bác không có vấn đề! Ông bạn kỹ sư trừng mắt với tôi và nói chen ngay vào: “Ông để tôi coi! Cứ để đó! Công việc của ông là gì ông biết rồi! - Quay qua ông khách, hắn nói - Máy bác chắc hư transitor công suất, để lát cháu coi lại. Bác chịu khó ra mua dùm mấy cục pin.

Khi ông khách đi mua pin, ông bạn giải thích: Nhìn mấy cục pin sét thế kia, tôi biết máy ổng chỉ hết pin thôi, radio ít hư lắm. Nhưng cái nghề này, người ta mang máy tới là phải tìm cách mà sửa chứ, tối nay lấy tiền đâu mà uống cà phê!

2. Một lần tôi đang ngồi phụ sửa máy thì có một ông cụ mang chiếc đài tới và chửi rất to:

- Tại sao các chú gỡ cái đài BBC của tôi? Các chú sửa máy kiểu gì mà lại thay đồ đạc của tôi? Các chú thay cái đài BBC bằng cái đài Đồng Nai, bây giờ các chú phải trả ngay cho tôi

Tôi định giải thích cho ông ta hiểu cơ chế hoạt động của máy thu thanh, không có cái Đài cụ thể nào trong máy tương ứng với từng bộ phận như ông ta hiểu nhưng vừa cất lời thì bạn tôi đã cản. Anh ta nói nhanh:

- Tụi cháu không gỡ cái đài BBC của bác, nhưng chắc bác mở chưa đúng chỗ thôi.

- Bình thường cây kim tôi vặn tới chỗ này là nghe được đài BBC, giờ vặn tới đó là chỉ nghe đài Đồng Nai.

- Bây giờ là 10 giờ sáng, cả Đài Đồng Nai và Đài BBC tiếng Việt đều chưa phát sóng nên cháu chưa thử lại cho bác xem. Thôi bác về đi, tối bác ra lúc đó cháu mở cho bác nghe.

Sau một hồi thuyết phục, ông cụ ra về, ông bạn kỹ sư quay qua nói với tôi: Tại ông gắn kim không đúng chỗ nên ông cụ dò đài theo chỗ cũ không nghe được. Thôi để chờ Đài Đồng Nai phát sóng tôi lấy chuẩn tần số 720 kHz mà canh kim lại…

***

Chỉ có mỗi việc canh kim chỉ vạch tuning cho cái máy thu thanh mà làm không xong, tôi nhủ thầm, chắc mình chỉ có thể làm nhà báo tỉnh lẻ tầm tầm, không thể thành thợ sửa điện tử được. Nghề nào cũng cần có... nghề vậy!

Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Chuyện này chắc chú Tú hư cấu quá. Làm gì có ai khờ đến mức tưởng trong máy radio nó có từng cái Đài cụ thể như thế?

lúc 01:29 21 tháng 5, 2007  
Anonymous duythiện nói...

còn nhiều chuyện bi hài hơn thế nữa ấy chứ. chuyện 'cái nồi ngồi trên cái cốc'(là cách gọi cái phin café do chưa từng thấy bao giờ), chuyện rửa rau trong bồn cầu, chuyện 'TV chạy đầy đường'... có kể chắc phải cả một cuốn sách mới hết

lúc 03:10 22 tháng 5, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Có một thời mà hàng hóa ở VN khan hiếm lắm do cấm vận, nên lúc đó đồ ngoại - đồ nội, còn gọi nôm na đồ jin - đồ lô nó chênh nhau kinh khủng. Nhìn chiếc xe đạp thời đó sẽ thấy rõ cái này. Cho nên, trong xã hội hình thành một định kiến với giới làm dịch vụ sửa chữa: Mang đồ ra sửa là sợ bị thay. Đồ lô thường là sản phẩm của người Hoa Chợ LỚn. Giá rẻ nhưng chất lượng kém. Khách hàng thường có mặt suốt quá trình sửa chữa để canh phụ tùng của mình có bị thay hay không...
Chuyện này có thật đấy, hồi đó cái tư duy thay đồ nội lấy đồ ngoại nó ám ảnh người ta mà...

lúc 04:20 22 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ