Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2007

THE DA VINCI CODE




Nhân đọc “Mật mã Da Vinci”…

Mới nghe cái tựa entry, chắc nhiều người tưởng đây là bài phê bình văn học. Nhưng không phải, xin mượn chuyện cuốn sách để KHOE mấy tấm hình và mấy clip ngắn mình ghi tại Paris, bối cảnh chính được đề cập đến trong tiểu thuyết này (tiếc là lúc đến Paris tôi chưa đọc cuốn sách ấy). Dù sao, mình cũng muốn viết vài dòng suy nghĩ về cuốn sách bán chạy nhất hành tinh...

1. Tóm tắt cốt truyện: “Nhà biểu tượng học lừng danh của đại học Harvard, được mời đến Bảo tàng Louvre để xem xét một chuỗi những mật mã bí hiểm liên quan đến tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci. Khi đang khám phá những mật mã đó, ông đã vô tình tìm được chìa khóa của một trong những điều huyền bí nhất của lịch sử… và từ đó ông trở thành kẻ bị săn đuổi”. Phần “tóm tắt” này của chính tác giả Dan Brown, đúng hơn nó là một câu giới thiệu có sức gợi.

Như hầu hết các tiểu thuyết trinh thám, cốt truyện “Mật mã Da Vinci” là câu chuyện vụ án kiểu phim “Cảnh sát hình sự” của Việt Nam. Tiểu thuyết mở đầu bằng một án mạng bí ẩn. Viên quản lý Bảo tàng Louvre bị sát hại giữa đêm trong một phòng tranh gần nơi trưng bày những kiệt tác Mona Lisa. Nhà mật mã học người Mỹ Robert Langdon (Đại học Harvard) đang đi dạy ở Paris bị tình nghi là thủ phạm. Ông được cảnh sát mời đến hiện truờng để giải mã cái mật mã người chết để lại và để theo dõi… Cô cháu gái của nạn nhân, Sophie Neveu, một chuyên gia người Pháp về giải mã đã phát hiện ra ý nghĩa thực của lời trăn trối này và bí mật báo cho Langdon biết và hai người hợp sức trong cuộc truy tìm mật mã bí ẩn đồng thời tìm kẻ chủ mưu giấu mặt của vụ giết người...

(Bạn nào có nhu cầu đọc có thể tìm trên mạng, nhiều lắm. Xin nói thêm: tôi không tán thành việc người ta tự ý post cuốn sách dịch này lên mạng)

Lối vào Bảo tàng Louvre. "Kim tự tháp" mà Tồng thống Mitteran cho xây dựng

2. Ấn tượng của tôi về “Mật mã Da Vinci” là sức hấp dẫn của cốt truyện, là kiến thức uyên bác của tác giả trên nhiều lĩnh vực và một lối kể chuyện giản dị nhưng có duyên. Nhưng cái làm nên thành công của tiểu thuyết này chắc chắn không phải ở cốt truyện ly kỳ (nếu ai mê trinh thám sẽ thấy ở nhiều tiểu thuyết khác, sức “sắp đặt” còn bất ngờ thú vị hơn). Có lẽ sự lôi cuốn đó xuất phát từ những nội dung đặt ra trong tác phẩm: Bịa như thật, thật như bịa về những vấn đề lịch sử - tôn giáo - chính trị...

Hành trình của những nhân vật chính trong tiểu thuyết là quá trình vén màn một bí mật, bí mật đó có liên quan đến một hội kín. Hội kín đó quy tụ nhiều nhân vật tiếng tăm trong lịch sử như Isaac Newton - nhà vật lý vĩ đại, danh họa Italy Botticell, danh họa Leonardo da Vinci, văn hào Pháp Victor Hugo... Cứ theo nội dung tiểu thuyết, hoạt động bí ẩn của Hội kín này được xem như một trong những tác nhân lớn của lịch sử phương Tây. Nhiệm vụ của Hội kín là bảo vệ một thánh tích tối quan trọng của lịch sử Thiên Chúa giáo, đã bị che giấu suốt nhiều thế kỷ qua. Một trong những bí mật mà Hội kín đó bảo vệ (trong tiểu thuyết) gây ra tranh cãi và phản ứng nhiều nhất, đó là chúa Jesus không phải là một vị thánh, ông là con người bình thường, ông đã từng kết hôn với Mary Magdalene và đã để lại giọt máu của mình trước khi tử nạn. Và, kinh động hơn, các bậc quyền thế của giáo hội, sau đó đã cố tìm để hủy diệt dòng dõi này…. Hoặc một nội dung “nhạy cảm” khác: Thánh Kinh không thật sự ghi lại những gì chúa Jesus đã rao giảng, nó đã bị làm méo mó bởi một người vì ý đồ chính trị…

Khu vực Trung tâm Paris, bối cảnh câu chuyện rượt đuổi trong tiểu thuyết

Cuốn tiểu thuyến có yếu tố giống nhiều truyện trinh thám kinh điển như tình yêu (dù ít), ám sát, phản bội… có những pha rượt đuổi, có chuyện xa xưa lẫn chuyện hiện đại như email, hồng ngoại, laser, công nghệ viễn thám, việc tổng thống Mitteran xây Kim tự tháp ở bảo tàng Louvre... Tác giả cũng dựa trên những tài liệu thật liên quan đến những kiệt tác nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, thân thế của danh họa Italy Leonardo Da Vinci, hoặc những tài liệu có tính chất giả thuyết về nhân vật nữ trong Kinh Thánh Tân Ước - bà Mary Magdalene, các tổ chức nổi tiếng như Opus Dei, Priory of Sion, Knights Templat, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng như La Gioconda (hay Mona Lisa), bức Bữa tiệc ly (The Last Supper), bức Đức Mẹ bên Núi đá (The Virgin of the Rocks)... Nhưng điều làm người đọc suy tư nhiều về cuốn sách này (trừ những người phản đối hay ủng hộ cực đoan vì những lý do chính trị, tôn giáo) là vấn đề niềm tin, tôi nghĩ thế.

3. Khủng hoảng niềm tin là một vấn đề của thời đại chúng ta. Từ lâu, chúng ta hiểu rằng chân lý không phải bao giờ cũng thuộc vào số đông. Tất nhiên, do một thói quen cố hữu niềm tin của chúng ta thường phụ thuộc vào niềm tin của số đông trong lịch sử. Giáo điều, một căn bệnh đã từng được vạch ra nhưng chưa phải đã hết. Nhưng mất niềm tin là mất tất cả. Vì vậy, Kinh Thánh cho mỗi người phải là do chính họ quyết định. Tinh thần hoài nghi khoa học đã trỗi lên trong thế kỷ XX ở châu Âu và ngày nay, khi công nghệ thông tin bùng nổ, tinh thần ấy còn mạnh hơn lúc nào hết trên toàn thế giới. Có người nói, sự hoài nghi là một thái độ đúng đắn về niềm tin. Sự chắc chắn (tin chắc) chỉ là một ảo tưởng. Bởi không có sự chắc chắn nào cả. "Cái đối lập với niềm tin là sự không nghi ngờ. Cái đối lập với niềm tin là sự tin chắc" (John Aller).

Tòa thị chính Paris (Hotel De Ville) và nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame)

Một tấm hình... tự chụp mặt mình bằng di động (các bạn hãy hình dung cái cảnh ấy nhé!), chụp chớp nhoáng ngay phòng trưng bày kiệt tác Mona Lisa vì sợ cảnh vệ ... thu máy!

+ Và đây là một clip ngắn tôi ghi được bằng handycam trong khu vực trưng bày bức tranh nổi tiếng Mona Lisa (khu vực xảy ra án mạng đầu cuốn tiểu thuyết). Nói thêm: chỗ này không được phép quay phim chụp hình, mình liều mạng bấm đại một tí là cho máy vào túi ngay. Những clip này được đưa lên với chất lượng thấp để các bạn dễ xem...

+ Tháp Eiffel, công trình nổi tiếng thế giới ở Paris, cũng được nhắc đến rất hay trong “Mật mã Da Vinci”. Clip này tôi tự quay... nình bằng cách để máy cố định. Giờ xem lại thấy mắc cỡ quá chừng nhưng vẫn post lên cho các bạn xem cái... tháp là chính:

Nhãn:

4 Nhận xét:

Anonymous tuanvetinh nói...

Em vua doc xong bai cua anh nhieu thong tin lam. merci anh nhieu

lúc 02:30 15 tháng 5, 2007  
Anonymous Lang Dzu nói...

Em da muon thu vien cuon truyen nay. mac du no da dc dich gia Duong Tuong hieu dinh lai nhung doc van k vo. Vi van phong of truyen ... buon ngu qua! Chac coi Tom Hank thi tot hon.

lúc 23:43 15 tháng 5, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Bài viết về The Da Vinci code trên mạng cũng nhiều lắm: giới Thiên Chúa giáo có cả trang web, giới Phật giáo cũng lên tiếng. Các học giả thì thận trọng bình luận. Bằng tiếng Việt, em có thể search là ra. Còn em siêng thì đọc tiếng Pháp. Nếu có chút ít kiến thức về Kinh Thánh và Nghệ thuật thì đọc sẽ thú vị hơn, anh nghĩ thế!

lúc 03:47 16 tháng 5, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Wow, anh Tú sướng quá rùi được đến Kinh đô ánh sáng, thăm bảo tàng Louvre, chiêm ngưỡng nụ cười của nàng Mona Lisa và Tháp Eiffel...là mơ ước cả đời của D đó, "ghen tỵ" quá đi!

lúc 00:41 23 tháng 12, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ