Thứ Năm, 10 tháng 5, 2007

LIVE BROADCASTING




Chuyên gia Thụy Điển đang hướng dẫn kỹ thuật viên và đạo diễn phát thanh ở Đài Đồng Nai trong một buổi phát thanh trực tiếp. Hình chỉ có tính chất minh họa.

BUÔNG TÔI RA!

Ngành phát thanh Việt Nam khi mới ra đời đã ứng dụng kỹ thuật làm phát thanh trực tiếp vì một lý do cực kỳ đơn giản: nghèo quá không có băng từ để ghi âm trước! Những bậc tiền bối kể lại: Trong lịch sử Đài Tiếng Nói Việt Nam, ngay từ 1945, mỗi buổi phát thanh đều mở đầu bằng việc hát live nhạc hiệu “Diệt phát xít” đệm guitare gỗ hoặc mandoline. Buổi phát thanh trực tiếp hoành tráng đầu tiên là cuộc tường thuật sự kiện Bác Hồ về nước sau Hội nghị Fontainebleau (tường thuật từ Hải Phòng về Hà Nội theo xe lửa)…

Sau này và trong một thời gian dài cho đến nay, khi các nước anh em giúp đỡ nhiều về máy móc và do yêu cầu an toàn chính trị trong quy trình làm báo nói của khối XHCN, các buổi phát thanh đều được ghi băng trước để phát và phát lại (re-taped, re-broadcast, re-play). Nhân tiện xin nói thêm, hiện nay có nhiều Đài dùng cái từ hết sức ngớ ngẩn trong văn bản hành chính là phát GIÁN TIẾP (để chỉ những chương trình không phát sóng trực tiếp)

Giai đoạn hội nhập sau này, “bọn Tây” lại giúp đỡ ta công nghệ phát thanh trực tiếp. Gọi là công nghệ bởi đây là phương thức làm phát thanh mới: dân chủ hơn, tương tác hơn v.v… chứ không phải là kỹ thuật phát thẳng mà Việt Nam làm ngày xưa! Theo công nghệ này, không phải chương trình phát thanh trực tiếp nào cũng "đọc" trực tiếp trên sóng. Âm nhạc, những cuộc phỏng vấn v.v... có thể thực hiện trước... nhưng tính chất sống động (live) của chương trình phát thanh trực tiếp mới là bản chất của phương thức này. Thính giả có thể tham gia chương trình qua điện thoại trực tiếp về phòng thu. Phát thanh viên có thể xin lỗi khi sơ sót. Rất đời sống, rất con người...

Dài dòng một chút bây giờ mới vào chuyện vì chuyện này khó viết đoạn kết, kể vài câu là hết…

Rằng ở một Đài nọ sau khi được chuyển giao công nghệ làm trực tiếp, tập thể lãnh đạo quyết tâm thực hiện phương thức này vào chương trình buổi sáng từ 5 h đến 6 h (vốn được xem là giờ vàng của phát thanh). Lúc đầu cả ê kíp thực hiện rất hăng, sau do cực quá và nhuận bút không thay đổi kịp theo phương thức mới, mỗi kíp chỉ còn 3 hoặc 4 người, đến hẹn lại lên: 1 biên tập (hay đạo diễn), 1 kỹ thuật viên, 1 phóng viên phòng thu để xử lý trả lời điện thoại thính giả và 1 phát thanh viên (thường các Đài tuyển PTV là những người đẹp người đẹp giọng) và nội dung chương trình gần như được chuẩn bị sẵn từ đêm trước, bỏ bớt phần khách mời phòng thu... nên 2 người ở phòng khống chế hết sức thoải mái "tám" chuyện, hầu giao trách nhiệm cho 2 người trong phòng thu... Nhiều điều trước đây được học (có tính chất nguyên tắc) được linh động bỏ hết, chỉ trừ một điều: nội dung lên sóng là số 1, tất cả có gì "khôn dại đóng cửa dạy nhau sau, nhưng tuyệt đối không để thính giả biết có chuyện gì sơ sót đã xảy ra ở Đài...

Một buổi sáng cuối năm, trời lạnh, kíp làm trực tiếp trẻ đến Đài trong trạng thái còn ngái ngủ… Giờ G lên sóng đã điểm. 2 bạn trẻ (một nam phóng viên và một nữ PTV vào studio), bên kia tấm kính là đạo diễn và kỹ thuật viên (họ thường đến trước để chuẩn bị) đang sẵn sàng tán chuyện cho đỡ buồn ngủ. Nhạc hiệu. Rồi lời giới thiệu (giọng nam phóng viên): Mời quý thính giả theo dõi chương trình thời sự sáng của Đài X. được phát trực tiếp trên làm sóng Y. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị theo dõi những nội dung chính sau đây…

Khi thính giả - như thường lệ - đang chờ đợi giọng nữ tiếp tục giới thiệu những món ngon trong bữa tiệc phát thanh sắp dọn thì chính cái giọng nữ ấy thét lên bất thường: Buông tôi ra! Không thì tôi tát vào mặt bây giờ!

- Nhạc! Nhạc! - Tiếng la của đạo diễn từ phòng khống chế, kỹ thuật viên cắt ngay đường tín hiệu studio và đẩy fader nhạc không lời (đoạn nhạc này khá dài). Thính giả (có người còn nằm trên giường, có người đang tập thể dục ngoài đường nghe qua loa phường xã, có người đi trên xe…) thì ngơ ngơ ngác ngác chẳng hiểu hôm nay Đài cải tiến như thế nào mà lạ quá...

Và sau đó buổi phát thanh vẫn tiếp tục. Câu chuyện được kể lại như một ví dụ "kinh điển" về khả năng xử lý của biên tập viên (hay còn gọi là đạo diễn phát thanh).

Đố bạn, anh ta đã xứ lý như thế nào và vì sao có “nội dung chính” đó?

Nhãn:

6 Nhận xét:

Anonymous Boong Boong nói...

Li kỳ thật!

lúc 19:29 10 tháng 5, 2007  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

Chà, anh biên tập viên xử lý thật khéo quá!
Hai MĐ nghĩ chắc anh phóng viên nọ ngủ gật, cầm nhầm gì đấy nên nới ra cái "nội dung chính" này vậy!
Nhưng dù sao thì tình tiết cũng thật ly kỳ, làm bà con ai cũng ráng thức dậy để mà nghe đài PT!

lúc 20:24 10 tháng 5, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

ai vào bờ-lốc mà xem
chúng nó nói xấu tèm lem Đài mình?

lúc 23:57 10 tháng 5, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Sửa lại chút:
Ai vào bờ-lốc mà xem
Chúng nó nói xấu tèm lem nhà Đài!

lúc 23:58 10 tháng 5, 2007  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Hơi bị khó hiểu, dân phát thanh trực tiếp chuyên nghiệp hoang mang quá.
Nhưng nhiều khả năng chuyện xảy ra ở một đài xã hoặc đài huyện nào đó, trong điều kiện phát thanh viên cũng là kỹ thuật viên. Chứ tranh thủ "ôm" hay "rờ" nàng một cái trong khi có 4 con mắt kiểm soát từ phòng khống chế thì hơi bị vô lý. Chẳng thú vị gì, nhỉ?. Hơn nữa đa phần phụ nữ thì không cư xử như nhân vật nữ chính trong "Trăm năm cô đơn" của Márquez. Tình huống này chỉ chứng tỏ khả năng đánh giá tình hình - đánh giá đối tác rất kém của BTV nam thôi!

lúc 01:59 11 tháng 5, 2007  
Anonymous Crystalhouse nói...

Mình không phải dân trong nghề (nhà Đài, nhà Báo) cho nên không hiểu hết được công nghệ sản xuất của nhà Đài . Lần đầu tiên tham gia vào cộng đồng blog của dân nhà Đài học được nhiều từ Mới . Tui lại phiên dịch tình huống này như sau : Khi tay chân mồm miệng các bên đều bận rộn, bất đồ con thạch sùng rớt cái phạch xuống trước mặt nàng (nàng vốn chết nhát Thạch Sùng), không kềm chế được, còn mỗi cái miệng xinh là còn tự do, nàng la hỏang lên ...

lúc 05:28 12 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ