Thứ Năm, 3 tháng 5, 2007

TALKING ABOUT REPORT




Sau đây mời quý vị xem một phóng sự!

Hôm qua, lần đầu tiên mình coi được trọn vẹn hai chương trình của VTV6. Hay. Lạ. Thú vị. Là người từng làm tổ chức sản xuất các chương trình truyền hình, mình rất khâm phục nỗ lực của các equip ấy!

Nhưng ở góc độ chuyên môn, mình thấy cũng còn nhiều chuyện để bàn, hôm nay mình bàn chi tiết này trước, vì nó “dính” tới rất nhiều chương trình truyền hình trong cả nước.

Đó là sự lạm dụng thuật ngữ “phóng sự”, "phóng sự ngắn".

Trong một talkshow rất độc đáo của VTV6 mang tên “I am me” (iME) – “vân tay” lần đầu phát sóng, nhân vật được mời là Hà Anh Tuấn, ca sĩ Sao Mai điểm hẹn, nhóm thực hiện đưa vào nhiều video clip “chèn” được chuẩn bị trước đó. Có một clip làm kiểu slideshow giới thiệu những bức ảnh của Hà Anh Tuấn lúc còn bé, khai sinh, chứng minh nhân dân của anh v.v… Tất nhiên đó là sự sắp xếp có dụng ý. Nhạc nền của clip này là một ca khúc (hình như “12 giờ” thì phải) do Hà Anh Tuấn thể hiện. Một clip khác ghi hình Hà Anh Tuấn đi đánh cầu lông với các cụm hình ảnh như: Tuấn đến sân cầu, khởi động, đánh cầu với bạn (góc máy không cho thấy đối thủ của Tuấn). Clip này sử dụng thủ pháp fast-motion trong lúc edit (dựng băng).

Những clip này đưa vào talk show ấy rất đắt, rất thú vị. Nhưng, hình như đã thành một thói quen trong giới truyền hình, MC Thùy Minh khi dẫn vào clip ấy có nói “Sau đây, mời quý vị và Hà Anh Tuấn cùng xem một PHÓNG SỰ do chúng tôi vừa thực hiện”. Và sau khi xem những “phóng sự” đó, ngôi sao Hà Anh Tuấn cũng chân thành bày tỏ sự xúc động “khi được xem những phóng sự này”.

Tất nhiên, các thành tố chèn (insert) trong một chương trình lớn nhiều khi là một tác phẩm báo chí độc lập. Nghĩa là nó có tính chỉnh thể, tách nó ra khỏi “môi trường” chương trình đó, nó vẫn đứng như một tác phẩm. Một số phỏng vấn dư luận (vox-pop) trong một số talkshow có thể là tác phẩm như thế. Nhưng không phải clip chèn nào cũng là PHÓNG SỰ.

Trong hoạt động truyền hình, với các dạng talkshow thường thu ở phim trường, để hạn chế sự "ngột ngạt" của không gian trường quay, để đưa đẩy vấn đề, để minh họa cho một số nội dung, thủ pháp dùng các “đoạn băng” chèn rất thường được sử dụng. Nhưng có khi đó chỉ là 1 đoạn tư liệu hình, hoàn toàn không thể xem là phóng sự.

Còn phóng sự truyền hình là gì thì có thể bàn cả một chuyên luận, thậm chí nhiều cuốn sách, nhiều luận án tiến sĩ… (đó là chưa nói đến phóng sự ngắn, phóng sự điều tra và chưa nói các loại hình báo chí khác như phóng sự phát thanh, phóng sự ảnh v.v...)

Không phải tôi hơi khó tính về câu chữ hay bày đặt khoe mẽ lý luận, song, tôi muốn được sự chia sẻ với các bạn về vấn đề này: Khi một MC, một người nổi tiếng định danh cho 1 một thực thể truyền hình nào đó là phóng sự, họ đã – vô tình hay cố ý - tạo niềm tin cho công chúng về khái niệm phóng sự, trong đó có những công chúng trẻ. Và nếu họ định danh sai?

Nhãn:

4 Nhận xét:

Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Ở Việt Nam, các loại hình báo chí ra đời sau bao giờ cũng sử dụng não trạng của loại hình báo chí trước đó để tư duy.Thể loại báo chí là các quái nhất nhưng cũng thú vị nhất ở Việt Nam. Báo chí phương Tây khác hẳn mình về chuyện này. Hãy xem khái niệm "story" như một thuật ngữ báo chí của họ sẽ rõ hơn. Nhưng nói chuyện này cũng dài dòng lắm, xin nhường cho giới chuyên môn. Ở đây, tôi xin nêu một lý do phi lý luận để giải nghĩa cho chuyện này: Thể loại ở Việt Nam nó gắn liền với nhuận bút (kiểu như báo in ngày xa xưa tính tiền theo số chữ (âm tiết) ấy mà)! Mà phàm cái gì gắn với tiền thì nó nhạy cảm, tế nhị, phức tạp lắm!

lúc 21:36 2 tháng 5, 2007  
Anonymous Ngoc Oanh nói...

Về Phóng sự:
Phóng sự nói chung và phóng sự truyền hình nói riêng (kể cả phóng sự ngắn, phóng sự dài, phóng sự chân dung, phóng sự sự kiện, phóng sự vấn đề, thậm chí là...phóng sự du lịch...) theo nhiều tiêu chí phân chia, định nghĩa khác nhau...tất thảy đều phải có chung một yêu cầu: đó là phải bảo đảm...tính phóng sự (!).
Chuyện này đúng là còn tốn nhiều giáy mực.
Ví dụ: Thế nào là tính phóng sự trong tác phẩm phóng sự và trong một số thể loại khác? v.v và v.v...
Chỉ bàn cùng anh Tú chút: VTV6 hay bất cứ chương trình nào khác đang lạm dụng từ "Phóng sự".
Hôm trước, minhì đi làm cùng các phóng viên VTV2, mình còn học được một loại phóng sự khác mà chưa bao giờ lý luận báo chí nhắc tới. Đó là "PHÓNG SỰ LINH KIỆN". Một phóng viên nói: Em phải sản xuất mấy cái phóng sự linh kiện.
Trong cuốn "Ký giả chuyên nghiệp" của Jôn - Hơ-hen-bec (Mỹ) có viết về một thể loại báo chí mà ở VN ít ai nhắc đến: Thể loại NHÂN CẢM. Xem kỹ ra thì các tiêu chí nói đến thể loại này giống như một dạng phóng sự. Chỉ khác là nó bao giờ cũng bắt đầu bằng một nhân vạt (con người)...
Thôi. Túm lại: Thực tại khách quan luôn đi trước một bước. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi mà. Không nên trách MC. Họ cũng chỉ là...MC thôi mà
(àh mà có điều kiện thì anh Tú đưa lên đây chút về MC, Phát thanh viên, Biên tập viên, Bình luận viên...các loại khái niệm ...để anh em chia sẻ tham khảo nhé???)
Kính mến

lúc 21:45 2 tháng 5, 2007  
Anonymous Hằng Đỗ nói...

Đúng là "khạc" sỹ truyền hình co skhác, nói quá đúng lun!

lúc 02:57 3 tháng 5, 2007  
Anonymous changtraixula nói...

Nếu xét về góc độ "tinh tướng" của giới báo đài, đây là cái tật "nổ" đấy mà !!!! Tin (thông tin) chẳng ra tin, "phóng sự" chẳng ra hình hài. Mục đích chính là muốn "bốc thơm tại chỗ" chương trình của mình. Cái vụ này là "lỗi" của các tay đạo diễn mà ra, MC chẳng có tội tình chi hết. Biểu sao đọc vậy mà !!!!

lúc 02:11 4 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ