Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2007

MEDIA MANAGEMENT MECHANISM




Đây là một tham luận mình đọc tại Hội nghị “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 12/2002 ở khách sạn Bảo Sơn – Hà Nội (sau đó có in vào tập kỷ yếu). Hội nghị này được xem như là một động thái của Hội Nhà báo lúc đó sau vụ Năm Cam và nhiều vụ tiêu cực dính líu đến các nhà báo. Tình cờ tìm thấy tấm ảnh do một anh bạn ở TTXVN tặng, post ảnh và bài (dù giờ đọc lại thấy nhiều chỗ ngô nghê) lên các bạn xem cho vui…

CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ VIỆC HẠN CHẾ TIÊU CỰC TRONG ĐỘI NGŨ LÀM BÁO

Nhà báo là một con người, không có gì thuộc về con người lại xa lạ với nhà báo. Nhà báo lại là một công dân, công dân đặc biệt, tuy cùng đứng trong môi trường pháp luật như mọi công dân bình thường khác nhưng họ gặp phải nhiều nguy cơ sa ngã hơn. Nhiều ý kiến cho rằng: Muốn chống tiêu cực tốt, bản thân báo chí phải tự làm trong sạch đội ngũ của mình, phải biết tự chống tiêu cực trong giới mình. Xuất phát từ ý tưởng đó và xuất phát từ những quan sát hoạt động báo chí ở địa phương mình, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất vài ý kiến chung quanh những biện pháp quản lý hoạt động báo chí ở các cơ quan báo chí địa phương để hạn chế tiêu cực trong giới mình.

Thưa quý đại biểu! Trong những năm gần đây, cần thẳng thắn và nghiêm túc nhìn nhận rằng trong giới làm báo đã và đang có những biểu hiện không lành mạnh khi hoạt động nghiệp vụ như: lợi dụng nghề nghiệp tống tiền các cơ sở sản xuất và những cá nhân có thiếu sót; đi làm bảo kê, đi làm mướn cho doanh nghiệp, nhà hàng; đứng làm "cai đầu dài" mua chuộc lôi kéo các nhà báo che đậy khuyết điểm cho cơ sở. Một số nhà báo lợi dụng xin quảng cáo, viết bài theo kiểu quảng cáo. Có nhà báo bịa đặt các chuyện, đặt điều nói xấu, từ bé xé to, viết bài giật gân, bạo lực, khiêu dâm...

Trên sóng phát thanh truyền hình, trên báo in, nhiều bản tin, phóng sự, bài viết - không biết do vô tình hay cố ý, ranh giới giữa thông tin tuyên truyền và quảng cáo dường như bị nhập nhòa. Tình trạng "cơ chế phong bì" vẫn cứ diễn ra. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mặc nhiên cho rằng, việc bồi dưỡng cho nhà báo, đặc biệt là những nhà báo làm truyền hình là việc tất nhiên và tự nhiên. Trong thực tế có nhiều nhà báo đã dũng cảm từ chối phong bì. Song đa phần khó có thể từ chối vì những lý do tế nhị. Tất nhiên phong bì cũng có nhiều hình thức phong phú và bàn sâu vào chuyện này quả cũng không dễ. Thế nhưng, chính những mối quan hệ khởi đi từ "cơ chế phong bì" như thế đã làm cho nhiều nhà báo không thể đưa ra sự thật. Ngược lại, tác phẩm báo chí của họ là đa phần là sự diễn đạt lại ý muốn của cơ quan đối tác, sự diễn đạt ấy khéo léo hay thô thiển tùy theo trình độ tác nghiệp. Trên truyền hình vẫn còn xuất hiện nhiều phỏng vấn, phát biểu mà chúng tôi gọi nôm na là "phỏng vấn làm quà". Xuất phát từ tâm lý thích xuất hiện trước màn ảnh nhỏ để nói những lời có cánh của một số người, xuất phát từ đặc điểm nhanh, rộng của truyền hình, nhiều nhà báo hễ đến cơ sở là tìm những người có chức, có quyền, có khả năng tặng quà để phỏng vấn. Nhiều phỏng vấn không có nội dung thông tin và khán thính giả, người dân không quan tâm vẫn được đưa lên truyền hình, dù tác giả cuộc phỏng vấn ấy biết rất rõ điều đó.

Những tin, bài, phóng sự được viết theo quan điểm của đơn vị đối tác, thiếu quan điểm cá nhân của nhà báo vẫn còn nhiều. Theo khảo sát của chúng tôi, lượng tin bài có tính chất phát hiện, có tâm huyết, có đóng góp thông tin dự báo cho chính quyền còn quá ít, chiếm 2%. Ngược lại, những tin bài phản ánh bình thường chiếm đại đa số trong các tờ báo, các chương trình phát thanh truyền hình. Nhiều nhà báo trong các cuộc "trà dư tửu hậu" thẳng thừng tuyên bố vì lý do an toàn cho cuộc sống, dại gì đâm đầu vào tiêu cực. Nhưng ngược lại, họ chạy theo các bài ngợi ca. Điều cần nói là nhiều trường hợp như thế lại trở thành chiến sĩ thi đua, được khen là hoàn thành nhiệm vụ do số lượng tin bài của họ vượt hơn nhiều đồng nghiệp khác, trong khi đó, có những đồng nghiệp vì tâm huyết với một đề tài, vì không chấp nhận cách viết chạy theo nhuận bút thì bị thua thiệt.

Nguyên nhân của tình trạng ấy, trước hết phải nói đến trách nhiệm của mỗi nhà báo, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Cùng với phóng viên, là trách nhiệm của những người quản lý báo chí không sâu sát kiểm tra, đôi khi buông lỏng quản lý, có nơi còn nể nang, "dĩ hòa vi quý" với phóng viên có hành vi tiêu cực...

1. Biểu hiện của tình trạng buông lỏng quản lý trước hết và thường xuyên nhất là hiện ở nhiều cơ quan báo chí địa phương vẫn còn thiếu cơ chế kiểm soát tập thể. Nghĩa là những tác phẩm báo chí cần được mổ xẻ liên tục trước, trong và sau khi công bố. Do áp lực của công việc, nhiều cơ quan báo chí buộc phải đối phó thật nhanh, "ăn đong" cho đủ chương trình nên những bài viết mà người có trách nhiệm cảm thấy có vấn đề nhiều khi vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt” để cho đi.

Việc xây dựng kế hoạch ở các cơ quan báo chí địa phương đa phần chưa được thực hiện một cách bài bản: Đa phần là có tác phẩm thì chọn lựa để sử dụng. Nhiều Đài truyền hình hiện nay vẫn còn hình thức lãnh đạo duyệt văn bản và chỉ duyệt văn bản như cách làm của phát thanh cũ, không kiểm soát được nội dung hình ảnh và các phát biểu phỏng vấn trong bài. Mà ngay cả chuyện duyệt văn bản và quyết định phát sóng hầu như chỉ nằm trong tay một người. Rồi do phải đối phó với chuyện tác nghiệp hằng ngày và do thiếu biên chế, việc họp hành để rút kinh nghiệm ít được đặt ra. Cách quản lý này còn nhiều điểm hở nên có không ít phóng viên đã lợi dụng để "qua mặt" Ban biên tập dễ dàng.

Chúng tôi cho rằng nếu hầu hết các cơ quan báo chí đều có cơ chế kiểm soát tập thể, nghĩa là để cho tất cả các thành viên cùng tham gia đóng góp cho tác phẩm báo chí từ ngay ý tưởng đề tài sẽ là cách hạn chế tiêu cực, phát hiện nhanh tiêu cực.

2. Một trong những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của nhiều cơ quan báo chí chưa hạch toán độc lập hiện nay là vấn đề nhuận bút. Chúng ta thường nói rằng nếu đồng lương công chức cao hơn sẽ hạn chế chuyện tham nhũng, tiêu cực. Giáo viên sẽ giảm bớt dạy thêm học thêm; y bác sĩ sẽ giảm bớt chuyện sách nhiễu bệnh nhân v.v… Tương tự như thế, nếu nhuận bút cao thì nhà báo có khả năng miễn nhiễm với phong bì và dũng cảm hơn trước việc phản ánh sự thật.

Thế nhưng thực tế không phải như thế. Thu nhập thông qua nhuận bút của nhiều phóng viên ở Đồng Nai của chúng tôi hiện nay cũng khá cao. Có phóng viên đã từng đạt số con số 6 triệu đồng nhuận bút / tháng. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế nhuận bút của chúng ta chưa trở thành đòn bẩy để thúc đẩy chất lượng cũng như hạn chế tiêu cực. Cụ thể là một số cơ quan báo chí chưa mạnh dạn đề ra các hình thức khen thưởng hợp lý và chế tài hợp lý đối với tin bài. Do chế độ nhuận bút đã được quy định chặt chẽ, các cơ quan báo chí khó có thể linh động để tăng hoặc giảm khung nhuận bút vì sợ vi phạm nguyên tắc tài chính. Nhiều cơ quan báo chí khung nhuận bút chỉ có 3 mức A, B, C. Một tác phẩm báo chí có chống tiêu cực, có tính chất phát hiện, thực hiện từ vùng sâu vùng xa sẽ có mức nhuận bút cao hơn bài bình thường nhưng sự chênh lệch này quá thấp nên chưa thúc đẩy các phóng viên năng động, xông xáo. Nếu lãnh đạo cơ quan báo chí không có quyền xử lý tổng quỹ nhuận bút cho hợp lý vì sợ vi phạm nguyên tắc tài chính thì nhuận bút không thể trở thành công cụ để quản lý hữu hiệu mà lẽ ra nó phải là công cụ để điều tiết, để định hướng chất lượng.

3. Cơ chế tổ chức ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay biến một số phóng viên có những "mảnh đất thâm canh" như một lãnh địa riêng. Và hình như đã hình thành một sự thỏa thuận ngầm rằng đơn vị A, công ty B là "mối" của nhà báo X, nhà báo Y nào đấy. Thực trạng này xảy ra ở nhiều nơi và đã có không ít những chuyện cải vã, xô xát, hiềm khích khá nực cười về chuyện dành 'mối" này. Tỉnh Đồng Nai chúng tôi là 1 trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có hàng chục ngàn doanh nghiệp trong đó có không ít "đại gia" và Đồng Nai cũng sát nách thành phố HCM, nơi có hàng trăm cơ quan báo chí TW và địa phương cũng thuộc hàng "đại gia" trong làng báo cả nước. Đã có không ít những chuyện dành lãnh địa riêng của các nhà báo diễn ra tại đây và không ít lần Hội nhà báo tỉnh phải can thiệp…

Thực trạng cát cứ như thế trong báo chí đã hạn chế rất lớn khả năng chống tiêu cực, phê bình trên báo chí chúng ta. Tất nhiên, báo chí hiện đại cần rất nhiều nhà báo có chuyên môn, chuyên môn càng hẹp, bài viết càng sâu. Chúng ta cần có những nhà báo giỏi về các lĩnh vực như thị trường chứng khoán, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nhà báo chuyên bình luận về hội họa, về sân khấu, về điện ảnh v.v… Nhưng điều này không mâu thuẫn với việc tạo ra mảnh đất riêng - mảnh đất độc quyền về thông tin của những nhà báo cụ thể. Mặt khác, thực tế làm báo cho thấy, không có lãnh vực nào mà không liên quan đến nhau. Và do đặc điểm của báo chí địa phương, kinh phí hạn hẹp, biên chế thấp, chúng ta cần những nhà báo có chuyên môn cao nhưng cũng là những nhà báo có khả năng tác nghiệp toàn diện trên nhiều lĩnh vực (đặc biệt là phóng viên thời sự, trong những tình huống công tác đặc biệt như khi đi công tác ở nước ngoài chẳng hạn). Điều này cũng có thể so sánh như một đội bóng chuyền. Huấn luyện viên cần có VĐV chuyền 2 tốt, cần có VĐV chủ công nhưng luật bóng chuyền đòi hỏi thay vị trí sau mỗi lần nắm quyền giao bóng lại. Và vì thế một VĐV bóng chuyền cần được rèn luyện toàn diện từ khâu phát bóng đến các khâu chuyền bóng và phối hợp tấn công.

Một biểu hiện rất đáng lưu tâm chung quanh tình trạng cát cứ trong hoạt động báo chí hiện nay là một số nhà báo cùng lĩnh vực bị lôi kéo để đồng loạt "đánh" một đơn vị cụ thể. Thực tế hoạt động báo chí những năm qua đã cho thấy tác hại lớn của cái gọi là "chống tiêu cực" như thế này.

4. Cũng liên quan đến tình trạng cát cứ trong hoạt động báo chí còn một vấn đề chúng tôi muốn nói thêm là việc nhà báo có nên tham gia vào chuyện đi xin quảng cáo trên báo để lấy hoa hồng không? Thực tế báo chí ở Việt Nam hiện nay cho thấy câu trả lời không dễ. Bởi do nhiều yêu cầu, các cơ quan báo chí chưa hạch toán độc lập, chưa đủ lực để tự thân thu hút nguồn quảng cáo riêng. Vì thế, việc nhờ lực lượng phóng viên, nhân viên trong các cơ quan báo chí đi làm quảng cáo, đặc biệt trong mùa Tết, là chuyện kéo từ thời bao cấp đến nay. Mà những vấn đề phát sinh bên lề chuyện làm quảng cáo như thế rất nhiều và cũng là chuyện "Biết rồi khổ lắm, nói mãi" có lẽ không cần phải bình luận thêm. Song, thực tế cho thấy, nếu kéo dài tình trạng này thì bản thân báo chí và nhà báo bị hạn chế rất nhiều trong đấu tranh chống tiêu cực.

Vấn đề cuối cùng chúng tôi muốn đề cập trong tham luận này là có liên quan đến công tác quản lý báo chí để hạn chế tiêu cực trong giới là vai trò của Ban biên tập mà đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí. Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của sản phẩm báo chí trước hết thuộc nhà báo và Ban biên tập mà đứng đầu là Tổng biên tập. Tình trạng để lọt lưới những tác phẩm báo chí thương mại hóa trong rất nhiều trường hợp khó có thể nói do năng lực yếu kém của Ban biên tập. Và việc chống tiêu cực trên báo chí như một cuộc chiến: cần có chiến lược, chiến thuật, có chỉ huy, có tâm huyết… điều này không thể chỉ có những nhà báo cụ thể làm được.

Thưa các đại biểu! Những vấn đề chúng tôi trình bày trên đây không mới, chúng ta đã nói nhiều về nó, chúng ta cũng đã làm nhiều để hạn chế. Thế nhưng, so với mong muốn, so với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đang đặt ra chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa, mà trước hết, theo chúng tôi, những lời kêu gọi cũng cần nhưng chưa đủ. Như đã nói: Nhà báo cũng là con người nên không tránh khỏi cám dỗ. Chúng ta cũng cần có những biện pháp cải tiến quản lý báo chí tốt hơn để hạn chế tiêu cực trong nội bộ chúng ta.

Xin cảm ơn các đại biểu đã quan tâm theo dõi

12/2002

Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Tôi thấy có một điều bác không nêu ra: cơ chế tuyển phóng viên của nhiều báo đài dễ dãi quá, đặc biệt là Báo Đài địa phương. Con ông cháu cha, gửi gắm... Ai cũng thành nhà báo sau một đêm. Thậm chí có cơ quan, con trai của 1 ông là bạn của ông giám đốc mới học xong 12 cũng được tuyển vào thành phóng viên và cho đi học đại học!
Tuyển người kiểu đó làm sao có đội ngũ mạnh, không có đội ngũ mạnh làm gì hạn chế tiêu cực và chống tiêu cực được!

lúc 20:57 19 tháng 5, 2007  
Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Bó tay!

lúc 21:21 19 tháng 5, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Tổng biên tập báo, giám đốc đài mà yếu nghiệp vụ và thiếu tư cách thì đừng nói gì đến chuyện chống tiêu cực trong đội ngũ báo chí. Tôi nghĩ, phải thay đổi cách CHỈ ĐỊNH Tổng Biên tập, Giám đốc, Tổng giám đốc trước. Chọn người đúng hoặc dựa trên những tiêu chuẩn nhất định, có sự sát hạch nhất định thì sẽ hạn chế tiêu cực thôi. Bản thân những con người này sẽ là cơ chế mới!

lúc 01:42 21 tháng 5, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ