Thứ Năm, 24 tháng 5, 2007

ABOUT THE NAME OF WARDS IN BIEN HOA




Ảnh: Khu du lịch Bửu Long. Bửu Long là một trong số ít địa danh cũ của Biên Hòa còn được giữ lại đến hôm nay

BIÊN HÒA: RỔN RẢNG TÊN PHƯỜNG

Có lần nhạc sĩ Vũ Đan Huyền nhờ tôi viết lời cho một ca khúc “thông tin lưu động”. Bài hát ca ngợi quê hương Biên Hòa nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai 1998. Tôi cố đưa những cái tên đất, tên làng Biên Hòa xưa vào ca từ: Gò Me, Phước Lư, Vĩnh Thị, Cù Lao Phố, Trấn Biên, Sông Phố, Bình Trước, Chợ Đồn, Biên Hùng… Một cụ già dân Biên Hòa gốc khi nghe ca khúc ấy đã nói: không biết vì sao mà sau ngày thống nhất, người ta lại đổi nhiều địa danh của Biên Hòa xưa, uổng quá. Những tên đất, tên làng như thế đã gắn bó máu thịt với vùng đất này qua bao nhiêu thế hệ. Đó là những tên đất, tên làng mang nặng dấu ấn văn hóa Biên Hòa – Đồng Nai, mà mỗi cái tên có thể viết thành sách...

Qua vài lần thay đổi trong 32 năm từ sau ngày thống nhất, hiện thành phố Biên Hòa có 26 đơn vị hành chính gồm: 23 phường: Trung Dũng, Thanh Bình, Hòa Bình, Tam Hòa, Tân Mai, Tam Hiệp, Quang Vinh, Quyết Thắng, Bình Đa, Tân Tiến, Tân Hòa, Hố Nai, Thống Nhất, Tân Biên, Tân Hiệp, Bửu Hòa, Tân Vạn, An Bình, Bửu Long, Long Bình Tân, Tân Phong, Trảng Dài, Long Bình và 3 xã: Tân Hạnh, Hiệp Hòa, Hóa An.

Tôi được biết, những cái tên nghe rất "khẩu hiệu" như Trung Dũng, Thanh Bình, Hòa Bình, Quang Vinh, Quyết Thắng, An Bình và sau đó: Tân Hòa, Tân Biên… (với nghĩa là Biên Hòa mới) do một đồng chí lãnh đạo nào đó đặt sau ngày thống nhất. Những từ Hán Việt "đầy khí thế quân giải phóng" như thế - tôi nghĩ - chẳng tạo ra được một dấu ấn văn hóa nào cho những vùng đất mà nó mang tên 32 năm qua.

Tiếc rằng đến nay, những địa danh truyền thống như Gò Me, Phước Lư, Bình Trước, Sông Phố, Chợ Đồn v.v... - ngay cả những địa danh nhỏ hơn như Dốc Sỏi, Vườn Mít, chợ Kỷ Niệm.... - dường như chỉ còn trong trí nhớ của người già, trong một số bài thơ, ca khúc và một số văn bản của các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian. Cù Lao Phố hiện giờ còn được nhiều người biết vì nó quá nổi tiếng nhưng "thương cảng đầu tiên của đất Nam Bộ" - Cù Lao Phố - không còn là địa danh trên thực tế (địa danh hành chính của vùng đất này hiện là xã Hiệp Hòa).

Bạn thử đi hỏi những thanh thiếu niên Biên Hòa ngày nay xem họ biết Phước Lư, Bình Trước, Gò Me ở đâu không, bạn sẽ chia sẻ với tôi nỗi bức xúc khi viết những dòng này.

Địa danh Trấn Biên, nhờ có công trình Văn miếu Trấn Biên được xây dựng từ 1998 và một ngôi trường THPT ra đời trong dịp này nên được nhiều bạn trẻ biết đến. Trong ảnh: tham quan Văn miếu Trấn Biên...

Nhãn:

4 Nhận xét:

Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Ý kiến tâm huyết này của bác Tú nênđăng báo Đồng Nai đi để các cấp lắng nghe chăng? Tại sao lại không thể trả lại những cái tên đã thành máu thịt của người dân Biên Hòa bao năm được? NHân đây tôi xin cung cấp cho bác 1 tư liệu. Hồi sau 1975, các phường của quận 1 thành phố HCM cũng bị đánh số. Sau đó, có một số ý kiến nêu lên báo. Chỉ đến năm 1988, 13 năm sau ngày giải phóng, Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định đổi tên phường. Quyết định của Hội đồng bộ trường mang số 184/HĐBT ngày 28/12/1988. Và đến ngày 25/2/1989, phường 8 và phường 10 của quận 1 được đổi thành phường Bến Nghé, phường 11 và 12 đổi thành phường Bến Thành...

lúc 21:21 23 tháng 5, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Cám ơn anh Hà Duy Thiện và bạn Người Biên Hòa (gọi tạm là bạn vì chẳng biết tuổi anh) vì những dòng comment tâm huyết hơn cả entry, thông tin thú vị hơn cả ý kiến trong bài. Hai anh là dân Biên Hòa chính hiệu. Tôi chỉ là dân ngụ cư nhưng sống ở thành phố này hơn nửa đời người (tính theo tuổi hiện nay) nên yêu nó như yêu quê mình vậy. Tôi cũng mong có được nhiều hơn những ý kiến đồng cảm như thế! Cám ơn các anh!

lúc 23:03 23 tháng 5, 2007  
Anonymous duythiện nói...

Mỗi lần giới thiệu địa chỉ quán Cội Nguồn cho bạn ngoài tỉnh: ở phường Quyết Thắng, Biên Hoà... tôi lại thấy vẻ là lạ trên mặt họ. Có người hỏi luôn: tên phường gì kỳ vậy? Phải chi tên phường ấy là Biên Hùng hay Phước Lư thì tôi sẽ tự hào hơn nhiều.
một chuyện nữa: ngày còn bé tôi học ở một ngôi trường nhỏ cạnh đình Bình Trước, có tên là Lân Thành. Tuổi thơ của tôi có bao nhiêu kỷ niệm gắn với cái tên Lân Thành ấy. Từ ngày tên ấy được đổi thành Thống Nhất A, tôi thấy như mất đi một người bạn cũ.
Một địa danh càng lâu đời chừng nào càng tích tụ nhiều chừng đó những giá trị văn hoá lịch sử, những kỷ niệm của cá nhân và của xã hội. Như một tên người hay một thương hiệu, nó không thể dễ dàng bị thay đổi, chuyện càng tồi tệ hơn nếu đó là những cái tên 'trung tính' hoặc vô nghĩa.
Dù muộn còn hơn không. Nên trả lại cho những nơi chốn của Đồng Nai những cái tên thật của nó.

lúc 03:06 24 tháng 5, 2007  
Anonymous grEanS nói...

Entry hay quá giúp 9x như em hiểu thêm về BH - nơi em đang sống .
Dẫu yêu lắm những cái tên đó nhưng biết làm sao , lý lẽ nằm trong tay kẻ chiến thắng . Khi nào Tp Hồ Chí Minh đổi lại tên là Sài Gòn thì ...

lúc 22:51 28 tháng 8, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ