Thứ Tư, 13 tháng 6, 2007

GAMES SHOW FOR LOCAL STATION?




Ảnh minh họa: Trò chơi truyền hình "Sau giờ tan ca" dành cho công nhân, lao động Đồng Nai do ĐN-RTV thực hiện 2 năm 2003 và 2004

Đài tỉnh làm games show gặp rất nhiều khó khăn. Người ta hay nói một cách chung chung, đó là khó khăn về kinh phí và con người. Games show khác với nhiều thể loại truyền hình (nếu có thể gọi nó là THỂ LOẠI) là ở đó, tính tập thể trong quá trình sản xuất rất cao. Mà đã làm tập thể thì phải có quy trình, công nghệ. Đài tỉnh thường làm games thuần Việt, không được chuyển giao công nghệ, vừa tự mày mò, vừa rút kinh nghiệm. Trong khi đó, các "đại gia" trong làng truyền hình thì có cơ hội, điều kiện để mua bản quyền các ý tưởng (format, công nghệ, thậm chí phần mềm, âm nhạc, thiết kế sân khấu, ngân hàng đề thi... ) từ nước ngoài hoặc các công ty truyền thông lớn….

Đài tỉnh có nên tổ chức gameshow?

Sự tồn tại của một kênh truyền hình trong tương lai nằm ở nội lực sản xuất chương trình của nó. Đã qua rồi cái thời khai thác chương trình từ các nguồn và phát sóng vô tội vạ. Xã hội hóa các hoạt động truyền hình không đồng nghĩa với việc "bán đứng sóng" cho các Công ty truyền thông. Cùng với sự phát triển của công nghệ và quá trình hội nhập, truyền hình Việt Nam đang đứng trước một thách thức to lớn về bản quyền và sự cạnh tranh giành khán giả (thực chất là giành thị phần quảng cáo). Sẽ tới một lúc nào đó, bầu sữa bao cấp của Nhà nước sẽ cắt giảm dần đi. Truyền hình tỉnh lẻ cũng không thoát khỏi yêu cầu vươn lên bằng nội lực (khả năng sản xuất) để tồn tại. Điều đó có nghĩa là Đài tỉnh cũng nên sản xuất games show vì đó là nhu cầu có thật của khán giả và trong chừng mực nào đó, sản xuất games dễ hơn làm phim truyện. Qua khảo sát, chúng tôi thấy: khán giả hiện đại có nhu cầu thể hiện mình. Games hiện đại là cơ hội cho khán giả cùng chơi, cùng tham gia như một chủ thể sáng tạo trong các chương trình truyền hình. “Lý thuyết” là thế, song để có một games “sống được” cần có ý tưởng tốt, cách tổ chức hay. Trên thế giới, người ta tổng kết lý luận khá nhiều, phân loại khá hợp lý. Truyền hình Việt Nam lâu nay có làm nhưng chưa tổng kết.

Mọi sự so sánh đều khập khiểng nhưng có thể so sánh 1 chuyện. Có một thời, Đài nào cũng đua nhau sản xuất phim truyện (thậm chí lập hãng phim) trong khi đội ngũ làm điện ảnh có nghề (đạo diễn, diễn viên… ) lại tập trung ở các đô thị lớn, đã có người đặt vấn đề: Đài tỉnh có nên sản xuất phim truyện và thành lập hãng phim kg? Tương tự như games show, thiết nghĩ, phải đặt vấn đề: Đài tỉnh nên sản xuất phim truyện theo hướng nào? Một so sánh ở góc độ khán giả: Hiện nay, người xem truyền hình của chúng ta có thể “no” bóng đá: bóng đá Đức, bóng đá Anh, bóng đá Ý, bóng đá Tây Ban Nha, thậm chí bóng đá Nam Mỹ, cúp C1. Trình độ “tường thuật truyền hình trực tiếp” (số lượng góc máy, các thiết bị chuyên dụng, phần mềm xử lý trực tuyến những số liệu, tình huống, kỹ xảo, tay nghề đạo diễn v.v… ) những trận bóng đá của các hãng truyền hình Châu Âu là điều mà Việt Nam còn lâu mới đạt được. Thế nhưng không phải vì thế mà bóng đá quốc nội, thậm chí “tỉnh nội” không có người xem (qua truyền hình).

Vấn đề ở đây không phải là nên hay không nên sản xuất mà là sản xuất như thế nào? Truyền hình tỉnh nếu làm games show nên biết né hình thức làm “hoành tráng”, quy mô như các “đại gia” mà nên tìm lối đi khác. Còn lối đi đó như thế nào thì lại phụ thuộc vào sức sáng tạo của từng Đài.

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous Hai Miền Đông nói...

Thấy các nhà đài lớn như VTV, HTV và hiện nay có thể kể thêm BTV liên tục sản xuất ra nhiều Games Show, nhiều phim truyện mà nhìn lại đài mình thì kể cũng buồn buồn thật. Có lẽ tình trạng chung của những đài địa phương chăng?
HMĐ cũng là một khán thính giả của ĐN-RTV, dù không biết về công tác PT-TH của nhà đài, nhưng cũng chân tình đưa ra nhận xét dựa trên ý kiến chung của bà con rằng: Đài mình cần phải có thêm những chương trình hay và phong phú hơn nữa để lôi kéo khán thính giả.
- Đồng Nai mạnh về phát triển KCN thế thì mình phải làm một cái gì đó về KCN để phục vụ bà con, bè bạn gần xa.
- Đồng Nai có những nét VH truyền thống địa phương mà chưa chắc nơi nào có được. Thế thì sao mình kg làm một cái gì đó về nét VH riêng của ĐN giới thiệu cho bè bạn gần xa.
- Đồng Nai có truyền thống lịch sử lâu đời về một thương cảng sầm uất vào bậc nhất VN lúc bấy giờ. Một Văn miếu Trấn Biên là nơi thi cử của các sĩ tử miền Nam ngày xưa...Ta có thể dựng lại thành phim chăng?
Tất cả vì sự phát triển của ĐN-RTV, hy vọng rằng với lòng nhiệt tâm và sức sáng tạo của anh em nhà đài, HMĐ nghĩ chắc chắn ĐN-RTV sẽ tìm ra được hướng đi và giải pháp, phát huy nội lực để RTV ngày càng lớn mạnh trong một tương lai không xa.

lúc 23:22 13 tháng 6, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Cám ơn Hai Miền Đông đã dành nhiều thời gian chia sẻ sâu sắc với mình về vấn đề này! ĐNRTV trước đây cũng có những nỗ lực làm games show mang bản sắc của mình như "Từ trong di sản", "Sau giờ tan ca", "Nông dân thời công nghệ", "Chân trời tin học"... nhưng hiện nay, do khó khăn về kinh phí và nhân lực nên tạm thời chưa tiếp tục sản xuất những games có màu sắc ĐN

lúc 02:17 18 tháng 6, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ