Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA (PART 2: PHONETIC TRANSCIPTION)




PHIÊN ÂM

Chuyến đi Tây Nguyên vừa qua, tôi gặp được nhiều bạn đồng nghiệp phát thanh – truyền hình, trong số đó có người làm công tác phát thanh tiếng dân tộc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam – cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên, một đài phát sóng 8 thứ tiếng các dân tộc thiểu số khu vực này. Anh Simon, phó giám đốc Đài, nói thêm khi tôi thắc mắc về chuyện viết tên một số địa danh không thống nhất, rằng hệ thống ngữ âm của nhiều dân tộc ở vùng này không giống với ngữ âm tiếng Việt, nên phiên âm nó cũng … phiên phiến thôi!

Cách đọc tiếng nước ngoài thường khó chuẩn và đã phiên âm phải dựa vào cách phát âm của nguyên ngữ nên mỗi người phiên âm một kiểu khác nhau. Trên thế giới có khá nhiều ngôn ngữ và hệ thống ngữ âm của mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng mà tiếng Việt không thể nào “phiên” chính xác được, nên với việc phiên âm, may ra thì chỉ có thể “đọc na ná”, “viết na ná” từ gốc. Và cả đến việc chọn bảng chữ cái nào để phiên âm cũng không thống nhất nên trên báo chí xuất hiện khá nhiều phương án khác nhau để phiên âm một từ (thường là tên riêng). Ví dụ: Pêtecbua, Peterbua, Pê-téc-bua; hoặc Amadôn, Amaxôn, A - ma- dôn; hoặc Xít – ni, Sít – ni v.v…

Ý kiến ủng hộ cho việc để nguyên dạng tên riêng tiếng nước ngoài cho rằng phiên âm sẽ tạo ra sự cách biệt trong giao lưu quốc tế cũng như những khó khăn trong tra cứu (chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần sau). Nhưng có vẻ như nhiều người đều ngầm thống nhất với nhau rằng việc loại bỏ hoàn toàn phiên âm là bất khả, vả chăng cũng không có nước nào trên thế giới làm như vậy. Nhưng đó không phải là lý do chính khiến có những ý kiến không đồng tình với việc phiên âm. Những người phản đối phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài đều viện dẫn đến tình trạng phiên âm tuỳ tiện, không dựa trên cơ sở ngôn ngữ học, cơ sở văn hóa dân tộc (Ví dụ kiểu phiên âm nhan đề cuốn sách Madame Bovary của Gustave Flaubert là "Bà Bố Và Gì" hoặc những cách liên tưởng khôi hài với tên riêng của một vị lãnh đạo một nước: "Say xẩm sau khi xỉn", một nhà khoa học: “Cu - lông”). Trong khi đó, với sự bùng nổ thông tin, tên riêng tiếng nước ngoài ngày càng phong phú, đa dạng và xuất hiện với tần số cao dẫn đến việc phiên âm ngày càng thiếu thống nhất. Ví dụ: Trong các giải bóng đá như World Cup, EURO, khi mà có rất nhiều tên các cầu thủ từ nhiều nguồn khác nhau thì mỗi báo “phiên âm” một kiểu, mỗi đài phát âm một kiểu. Hoặc cách đây chừng 9 năm, hai biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam từng tranh luận với nhau trên báo chí về cách đọc tên ông huấn luyện viên trưởng (người Áo) của đội tuyển Việt Nam Alfred Rield là “Ri – ét” hay “Rít – đơn”!

Vấn đề tranh cãi thường xuất phát từ kiến thức ngôn ngữ học: Đó là trình độ người phiên âm, dù cao cách mấy cũng không thể biết hết ngóc ngách trong một ngôn ngữ, nói gì đến hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới. Ví dụ: Các sách địa lý trong trường phổ thông đều phiên âm Greenwich là Grin uých, thực tế, người Anh đọc là Gren ních.

Nhưng, theo nhiều ý kiến thì viết nguyên dạng tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí cũng không ổn. Bởi có phải ai cũng biết ngoại ngữ, để có thể biết cách đọc đâu. Hơn nữa, có biết bao nhiêu thứ tiếng trên thế giới, trong đó có những hệ ký tự phi La Tinh làm sao có thể xử lý hết được. Ngay cả khi công nghệ in ấn phát triển, việc viết nguyên dạng các loại chữ phi La - Tinh (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan...) trên báo chí cũng là việc làm không khả thi bởi đâu phải ai cũng sành đủ ngoại ngữ để viết, để chế bản và người đọc không phải ai cũng biết đọc nguyên dạng như thế.

Nhãn:

8 Nhận xét:

Anonymous huynhtoi2007 nói...

Còn nhiều cách phiên âm Dak Lak nữa, chẳng hạn: Đắc Lắc ... Đúng là chưa thống nhất trong đa dạng. Nguyên gốc phải tính đến tiếng Tây phiên âm thổ ngữ của ta. Nhiều khi, ta bắt đầu từ Tây, Tây vốn phiêm âm của ta. Ví dụ: Đạ lăk - Da Lat - Đà Lạt... Rắc rối quá .. Phan Tú ơi!

lúc 22:10 29 tháng 6, 2007  
Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Câu chuyện chú viết làm con nhớ lại chuyện này: Cầu thủ nổi tiếng của Đức trong thập niên 80, 90 trước đây là thủ quân, mang áo số 10, tên viết trên báo là Lothar Matthaus, nhưng đọc thì nghe trên ti vi khác nhau, lúc là Mác – Thau, lúc là Ma- thi - ớt. Cháu chẳng biết đọc thế nào đúng?

lúc 00:40 30 tháng 6, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Còn nhớ có lần tỉnh An Huy kết nghĩa với Đồng Nai qua thăm. Trên Đài, bản tin vừa có những tên riêng phiên âm âm Hán Việt (như An Huy) nhưng có rất nhiều tên trong đoàn phải đọc qua phiên âm tiếng Anh! Những cái này cũng giống như đọc 1 tin về TRung Quốc, gọi thủ đô họ là Bắc Kinh (chứ không phải Beijing) mà đọc tên thủ tướng là Li-peng (Lý Bằng) vậy!

lúc 01:03 30 tháng 6, 2007  
Anonymous honhyday nói...

Hồi mới vô nam, em đọc mail là /meul/ chứ không phải là /meil/ em bị 1 người cười nhại theo. Vừa giận vừa quê. hix! Rõ ràng là ngoài bắc người ta đọc vậy mà lúc đó em không tìm được đồng minh. Mở từ điển máy tính ra đúng là phải đọc meil. Có lần nói chuyện với bạn ở HN em đọc cho nó địa chỉ mail, nó hỏi em: H vừa phát âm từ meul là gì thế? Vội sửa lại cho phù hợp với ... đối tượng hoàn cảnh :). Vừa rồi trên VTV chương trình Nhật ký Vàng anh và 1 số chương trình khác vẫn thấy các diễn viên, phát thanh viên vẫn đọc là /meul/.
Anh nghĩ sao về chuyện này?

lúc 01:09 1 tháng 7, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Ở Việt Nam có một loạt tên riêng được phiên âm từ âm Hán Việt. Nghĩa là "phiên" trở lại sau khi các bác Trung Quốc đã phiên. Một số tên riêng giờ đây không còn nữa như Ba Tây (Brasil), Phi Luật Tân (The Philippins), Á Căn Đình (Argentina), Mạc Tư Khoa (Moscow)... Thực ra ngay cả những chữ này nó cũng còn xuất hiện khá đa dạng trong tiếng Việt trên báo cbí. Bác Tú nghĩ sao?

lúc 02:19 1 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bác Tới: Cũng đã có nhiều giải pháp của các Viện, các trường, các nhà khoa học. Em sẽ lần lượt post lên để tham khảo. Có điều không biết ở Việt Nam, ai sẽ là người có tiếng nói quyết định cho những chuyện thống nhất như thế. Ngay đên việc thống nhất cách viết hoa, bao nhiêu năm nay vẫn chưa xong.
@ Người Biên Hòa: Cám ơn bác, vấn đề phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài bằng từ Hán Việt tôi sẽ cố gắng trở lại trong 1 entry khác.

lúc 02:32 1 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Thúy Hằng: Rất nhiều thuật ngữ tiếng nước ngoài vào Việt Nam có các cách đọc khác nhau giữa 2 miền. Ví dụ thì vô thiên lủng. Danh thiếp, người Bắc gọi CÁC, người Nam gọi là CẠC do cách phiên từ “card” – tiếng Anh ra. Cả 2 cách “phiên” đó đều không đúng vì người nói tiếng Anh khi đọc còn có phụ âm cuối (“d”). Một phần mềm soạn thảo của Microsoft, win word, thì miền Bắc nhiều người gọi “quớt”, miền Nam gọi “huợt” (anh ký âm đại khái thế). Rất nhiều: fax, World Cup, New York v.v…
Không có chuyện đúng sai ở đây.
Và vấn đề anh đặt ra trong loạt entry này là TÊN RIÊNG, chứ không phải những thuật ngữ chung đó.

lúc 03:29 2 tháng 7, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Sorry, New York là tên riêng!

lúc 03:30 2 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ