Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA




TÊN RIÊNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI TRÊN BÁO CHÍ TIẾNG VIỆT

Tên riêng tiếng nước ngoài xuất hiện trên báo chí dưới 2 dạng chủ yếu: nói (trong phát thanh, truyền hình, truyền thông học đường...) và viết (trong báo in, truyền hình, xuất bản phẩm...). Nó đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà khoa học cũng như các văn bản hành chính của Nhà nước trong một thời gian khá dài nhưng đến nay vẫn chưa có quan niệm thống nhất.

Cái khó đầu tiên xuất phát từ đặc trưng ngữ âm: Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm trong khi tên riêng tiếng nước ngoài phần lớn lại thuộc các ngôn ngữ đa âm. Nhưng, cái khó hơn là làm sao có sự thống nhất giải pháp thể hiện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí bảo đảm chuẩn mực ngôn ngữ (đúng, thích hợp) và giải pháp cho vấn đề phải đạt yêu cầu không làm mất đi sự sinh động, sáng tạo trong đời sống ngôn ngữ Việt, góp gìn giữ sự trong sáng cũng như việc tích cực phát triển tiếng Việt.

Hiện nay, tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt Nam xuất hiện nhiều dạng: Viết nguyên dạng; viết theo tiếng Anh và tiếng Pháp (đã phổ biến trên sách báo nước ngoài) đối với những tên riêng không dùng văn tự La Tinh; phiên âm (có dùng dấu ngang nối và dấu thanh hoặc không); viết dưới dạng chuyển từng con chữ từ nguyên dạng sang con chữ Việt tương đương (chuyển tự); viết dưới dạng tắt theo quy ước quốc tế hoặc vừa dịch vừa viết tắt; hoặc viết kết hợp dịch - dạng tắt - chua nguyên dạng; viết theo âm Hán - Việt; viết dưới dạng dịch nghĩa v.v…

Chuyện gây tranh cãi nhiều nhất và tình trạng lộn xộn nhất tập trung vào 3 hình thức: phiên âm, để nguyên dạng, chuyển tự trong đó chuyện phiên âm là vấn đề gây tranh cãi số một. Bởi cách phiên âm được thể hiện dưới nhiều hình thức cực kỳ lộn xộn: viết liền hay viết rời; có dùng dấu ngang nối hoặc viết liền; có dùng dấu thanh hay không dùng dấu thanh; phiên âm từ nguyên ngữ hay qua một ngôn ngữ trung gian; sử dụng hay không sử dụng các chữ cái trong hệ ký tự La Tinh không có trong bảng chữ cái tiếng Việt; sử dụng hay không sử dụng phụ âm kép…

Khảo sát các tờ báo phát hành gần đây, chúng tôi nhận thấy: hầu hết các tờ báo phát hành từ phía Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sử dụng lối viết nguyên dạng và chuyển tự đối với tên riêng tiếng nước ngoài; trong 4 tờ báo Trung ương, thì Nhân dân, Quân đội nhân dân dùng lối phiên âm khá thống nhất; Lao động vẫn sử dụng lối viết nguyên dạng và chuyển tự, An ninh thế giới lại có bài thì phiên âm, có bài thì viết nguyên dạng hoặc chuyển tự… Nhưng có một chi tiết khá bất ngờ là nếu báo Nhân Dân phiên âm khá rõ ràng thì báo Nhân dân điện tử không phiên âm mà viết các danh từ riêng nguyên dạng, hoặc chuyển tự như các loại báo chí tiếng Anh đã chuyển (xem ảnh). Báo Quân đội nhân dân điện tử thì chủ yếu là phiên âm song vẫn có những tên riêng tiếng nước ngoài đặc biệt (như SEAGames – tên riêng một sự kiện; hoặc ASEAN – tên riêng một tổ chức) thì để nguyên dạng (xem ảnh).

Báo QĐND điện tử vẫn phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài như báo in (chữ gạch dưới màu đỏ)

Theo thống kê, trên thế giới có gần 5000 ngôn ngữ, trong đó khoảng 1/10 có chữ viết. Sự giao tiếp ngôn ngữ bằng chữ viết của các dân tộc cũng gặp những rắc rối tương tự và hầu như cũng thể hiện qua 3 hình thức chủ yếu: Phiên âm (dựa vào hệ thống ngữ âm và chữ viết của người bản ngữ); Chuyển tự (chuyển từ chữ viết nước ngày sang chữ nước khác - chủ yếu là dùng bảng chữ cái La Tinh); viết nguyên dạng. Như đã nói, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất vẫn rơi vào chuyện phiên âm hay không phiên âm.

Báo Nhân dân điện tử thì giữ nguyên dạng tên riêng tiếng nước ngoài trong khi báo giấy tương ứng thì phiên âm

Rõ ràng, vấn đề phiên chuyển tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí quả không thể một sớm một chiều có thể có sự thống nhất và cần có những giải pháp hợp lý. Việc thống nhất cách phiên âm và chuyển tự nói chung và phiên âm, chuyển tự tên riêng tiếng nước ngoài nói riêng là một nội dung của xây dựng tiếng Việt tiêu chuẩn thống nhất mà phương hướng đề ra là chuẩn mực hoá chính tả nhưng tiếc là đến nay, công việc này vẫn chưa có lối ra.

Nhãn:

2 Nhận xét:

Anonymous ĐÍCH TÔN nói...

Đọc những chữ phiên âm như Xi - ghêm (SEAGAMES), hay Xít - ni (Sydney) nghe nó buồn cười quá trời. Có khi phải luận mới ra vì họ viết đâu có mở ngoặc đơn để cái tiếng gốc. Chú thấy sao?

lúc 00:43 30 tháng 6, 2007  
Anonymous NGUOI BIEN HOA nói...

Khó có thể thống nhất bằng biện pháp hành chính cho ngôn ngữ, một thực thể xã hội. Vì nó là sinh ngữ. Nó cũng sống như một thực thể tự nhiên. Nhưng cần có chuẩn hóa để giao lưu và hội nhập.

lúc 02:21 1 tháng 7, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ