Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

VIP

KHI MÌNH LÀ VIP

Image

Chiều hôm qua, theo lời hẹn với chị Eva Pia và chị Ami Andersson, hai nhà báo - giảng viên Thuỵ Điển đang công tác tại Sài Gòn, tôi có một bữa họp mặt thật vui tại nhà hàng Vạn Xuân (36 Phạm Ngọc Thạch).

Xem bức ảnh này, nếu ai tinh mắt sẽ thấy có 2 người giấu bàn tay xuống dưới bàn trước ống kính. Đó là Phan Văn Tú và Eva.

Vì sao có cái phản xạ tự nhiên ấy?

Xin được trả lời lòng vòng thêm một chút. Với người Thuỵ Điển, ăn tối được xem như là bữa ăn chính trong ngày. Đấy là lúc họ nói chuyện cà kê như dân nhậu nhà mình vậy. Sáng và trưa thì thường ăn vội vàng.

Chỉ có tôi và Eva là nhậu (kẻ vang, người bia) trong bàn ăn có 4 người. Mà cái giống nhậu kéo dài với tôi thì không thể không "cigarette". May quá, nhớ ra là Eva cũng hút thuốc lá, nên khi tôi thử gợi ý, Eva “why not?” ngay.

Và 2 chúng tôi cũng là 2 người duy nhất trong nhà hàng lúc đó phì phèo. Phì phèo thuốc trước mặt 2 người phụ nữ còn lại là chị Ami và em Thu Hồng, thạc sĩ báo chí của Học viện Báo chí – Truyền thông, thật tình cũng ngại nhưng mà nó ghiền quá. Lại nhớ, cách nay gần một năm, tôi và chị Eva cùng là giảng viên trong một khoá đào tạo báo chí viết về môi trường ở Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ. Điều chúng tôi gây ngạc nhiên cho học viên nhất lại là chuyện “hai cái vị nói về môi trường ấy” lại là những người huỷ hoại môi trường bằng thuốc lá khủng khiếp, mà trong đó, có người là phụ nữ, lại đến từ một đất nước khá nổi tiếng về bảo vệ môi trường (Tất nhiên là chỉ hút thuốc ở nơi được phép hút như nhà hàng, quán nhậu thôi...)

Và tôi đùa: mình là VIP. Nhưng VIP ở đây không được hiểu VERY IMPORTANT PERSON mà là VERY IMPOLITE PERSON!

Nhãn:

BLOG AND JOUNALISM




LẠI CHUYỆN BÁO CHÍ VÀ BLOG

Hôm nay, bất ngờ thấy VietnamNet đăng phỏng vấn mình, ảnh lấy avatar. Bất ngờ vì bữa trước Nguyên Nhung chat hỏi mấy câu, tưởng là em nhờ tư vấn để viết bài như lâu nay. Cứ gõ ào ào trên Y!M. Nội dung dài hơn tí, ban biên tập có cắt một chút. Hôm nay lục trong lưu trữ của Y!M post lên thay entry vì phóng viên “bổn-lốc” chưa đưa tin về kịp và cũng là sự khoe…

Image

Dư luận xã hội hình thành và phát triển theo những quy luật nhất định. Báo chí chính thống chính là nơi khơi mào và định hướng dư luận. Dù đôi nơi đôi lúc, báo chí chính thống có thể có sơ sót, nhưng xã hội luôn nhìn vào báo chí chính thống như một người phát ngôn chính thức, người định hình dòng chảy chủ lưu của dư luận. Blog dù có phong phú đến đâu cũng chỉ là những kênh thông tin cá nhân, nhóm xã hội nhỏ, mức độ tác động đến dư luận của từng blog cụ thể không thể bằng báo chí. Trừ trường hợp các blog cùng liên kết nhau trong một sự kiện chung, một vấn đề chung. Vì thế, quá trình định hướng dư luận xã hội một cách hợp lý (thông qua các hình thức phong phú của báo chí) sẽ góp phần tác động đến số đông bloggers.

Càng ngày, sức ảnh hưởng của thông tin từ blog rất lớn. Blog đã thành một phần của đời sống truyền thông. Blogger vừa là khách thể vừa là chủ thể trong đời sống truyền thông, vì thế, báo chí chính thống phải biết sử dụng cộng đồng blog như một nguồn thông tin, như một lực lượng phản biện, một sự cộng hưởng cường độ, biên độ thông tin, dư luận. Dư luận trên dòng chảy của báo chí chủ lưu sẽ tác động vào đời sống blog đa chiều. Báo chí phải biết cách khai thác, sử dụng cộng đồng blog vừa như hậu phương vừa như đối tượng của báo chí.

Đấy là nói chung, song trong thực tiễn tác nghiệp, có khá nhiều hình thức để huy động, định hướng cho blogger: nào là những cuộc thi trong giới blog, nào là những lời hiệu triệu về một phong trào của những blog "đầu đàn", có uy tín; nào là việc tập hợp dưới dạng các câu lạc bộ chuyên ngành để biến blogger thành cộng tác viên cho báo v.v... Rất phong phú. Nó phụ thuộc vào sáng tạo của từng cơ quan báo chí. Hiện nay đã có những tờ báo mở trang mục để "nhặt từ blog" sử dụng lại bài viết từ các bloggers. Đó cũng là hình thức kích thích blogger sáng tạo, cống hiến theo hướng tốt đẹp.

Theo tôi, các nhà báo giỏi nên lập blog cho mình và cơ quan báo chí nên có quy chế hoạt động của nhà báo - blogger (áp dụng cho nhà báo trong cơ quan mình). Những nhà báo này sẽ làm những ngọn cờ tiên phong trong việc khơi nguồn và dẫn dắt dư luận trong cộng đồng, góp phần PR hình ảnh cơ quan báo chí mình và kêu gọi cộng đồng blog tiếp sức về thông tin, hiến kế v.v... cho báo mình. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động chính trị, các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động nghệ thuật cần được khuyến khích sử dụng blog và báo chí cần hỗ trợ, PR cho blog của họ, và đến lượt mình, các blogger đặc biệt này sẽ cùng báo chí định hướng hành vi, ứng xử trên blog…

Image

Nhãn:

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2007

TEA ADDICT




NGƯỜI GHIỀN TRÀ

Mấy ngày gần đây, báo chí cũng sôi nổi và bức xúc khi bàn chuyện “đầu ra” cho các trường học (Thanh Niên) và “đầu ra” nơi công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh (Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh sáng nay), tôi chợt nhớ tới chuyện loạt chuyện "đầu ra" trong quá trình tác nghiệp. Hôm nay kể một chuyện xảy ra gần 9 năm.

Năm 1998, nhiều vùng ở Nam bộ (đặc biệt là Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh) sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 300 năm hình thành vùng đất mới này. Mốc kỷ niệm dựa vào năm Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn cử đi kinh lý phương Nam để xác lập chủ quyền lãnh thổ năm 1698.

Bên cạnh hàng chục hoạt động sôi nổi, hàng chục công trình xây dựng, biên soạn, xuất bản, buổi lễ chính thức được tổ chức vào một ngày cuối năm nhưng được chuẩn bị từ rất sớm. Kịch bản lễ hội do nhiều cây bút tên tuổi viết, chương trình lễ hội do một Tổng đạo diễn nổi tiếng và nhiều đạo diễn “bộ phận” phối hợp thực hiện. Lễ kỷ niệm còn có cả màn diễu hành, duyệt binh, xếp chữ hoành tráng. Lễ lớn như vậy thì phải truyền hình trực tiếp cho cả khu vực và phải tập dợt.

Học sinh xếp chữ được huy động nhiều tháng trời. Đài Truyền hình phải tập ghi hình toàn bộ các lần tổng dượt để ban tổ chức rút kinh nghiệm

Mỗi lần tổng dượt kéo dài trên 5 tiếng đồng hồ từ 17 giờ đến 22 giờ đêm (y như là lễ thật, chỉ trừ đại biểu, duyệt binh, diễu hành là không có nhưng các phát thanh viên cũng phải đọc thuyết minh). Ăn cơm hộp từ 16 giờ 30, các phóng viên quay phim, phụ quay phải mang theo một cơ số nước để chống khát (cuối năm trong Nam bộ là mùa nóng).

Phóng viên S là người được giao phụ trách “máy toàn”. Máy toàn là cách nói của dân truyền hình để chỉ một camera quay cảnh rộng trong ghi hình các sự kiện lớn phối hợp nhiều máy quay. Các đạo diễn hình (video mixer) bao giờ cũng phải bố trí một góc máy đủ xa và cao để khán giả hình dung quy mô toàn bộ không gian sự kiện. (*)

Do sự kiện “lễ hội 300 năm” diễn ra trên sân vận động tỉnh và có nhiều màn xếp hình, sắp chữ, đèn laser cần mô tả từ trên cao mới thấy hiệu quả, nên đạo diễn truyền hình khi bố trí góc máy này phải sử dụng một giàn giáo xây dựng sắp thật cao.

Cũng như mọi vị trí công tác khác, phóng viên S nhận nhiệm vụ lên giàn giáo mang theo 5 chai nước khoáng. Có điều khác với những nhân viên còn lại, anh S không thể rời vị trí từ đầu đến cuối vì không có người thay và không thể leo lên, trèo xuống một mình. Anh chỉ có thể liên lạc với đạo diễn bằng hệ thống intercom.

Sau buổi tập dợt như thế, có lần, một vị lãnh đạo đến bắt tay động viên anh chị em nhà đài. Lúc đó, ông thấy hình ảnh anh em đang chuyền camera từ giàn giáo xuống đất một cách thận trọng nên dừng lại dưới chân giàn giáo quan sát, chờ cho phóng viên S trèo xuống mặt đất để bắt tay. Nhìn sau lưng phóng viên S có một túi ny lông trong suốt đựng những chai nước khoáng có màu vàng, ông hỏi:

- Phóng viên đài đeo cái gì thế?

- Dạ, đó là nước trà mang theo để uống ạ! - Anh đạo diễn ở dưới đất nhanh nhẩu trả lời dù biết rằng chiều nay S cũng nhận 5 chai nước khoáng và chẳng biết uống trà.

- Mang bao nhiêu chai mà còn dư nhiều thế?

- Dạ, tay này ghiền trà nhưng uống nước ít lắm ạ!

Phóng viên S khi vừa tiếp đất đã được đồng chí lãnh đạo xông tới bắt tay nên rất cảm động. Nhưng khi ông lãnh đạo chồm tới có vẻ như định ôm hôn thắm thiết trước ống kính quay phim thời sự thì anh S lùi ngay lại.

Sau này, anh em hỏi vì sao lùi lại như thế thì S nói:

- Sợ ổng ôm một cái là đụng vào mấy “bình trà” hoặc ổng nghe mùi “trà” là choáng!

Anh em thắc mắc hỏi S làm sao mà “đóng chai” số nước “đầu ra” ngon lành khi lễ hội diễn ra trước hàng ngàn người, S trà lời úp úp mở mở:

- Khán giả lo chăm chú nhìn chương trình sân khấu hoá hoành tráng dưới sân, ai cắc cớ nhìn lên giàn giáo của phóng viên đâu mà thấy mình lo “đầu ra”!

Nhưng không ai tin cách lý giải này. Có người nói, S lợi dụng lúc đèn tắt trong một số cảnh thì tranh thủ trút của nợ vào chai. Có người nói S kẹp cái chai vào chân máy camera và tì vào đó để che...

Image

(*) Góc máy này có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình ghi hình và xử lý chuyển cảnh, đặc biệt, nó là góc máy “chữa cháy” khi có sự cố… Một cú sút từ vạch 5 m 50 hoặc phát bóng của thủ môn trong một trận bóng đá, chỉ có góc máy rộng mới diễn đạt hết. Trong một số trường hợp ghi hình, góc máy này được fix cố định, treo trên vị trí cao, không cần phóng viên quay phim.

Image

Ghi hình một game show: Góc “máy toàn” như thế này có thể cho khán giả cái nhìn tổng thể

Nhãn:

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

THE GADFLY




RUỒI TRÂU

Sáng nay, đọc trên VietnamNet (mục Tuần Việt Nam) thấy có bàn chuyện công khai danh tính blogger với sự tham gia ý kiến của những cây đa, cây đề. Tôi nảy ra ý định entry vài dòng. Sau đây:

1. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là tác giả nhiều ca khúc trữ tình đi vào lòng công chúng nhiều thế hệ như “Thu hát cho người”, “Điệu buồn phương Nam”, “Đau xót lý chim quyên”… Ông không chỉ là nhạc sĩ mà còn là nhà báo, nhà Kim Dung học, nhà Bạc Liêu học. Ông còn là tác giả của hàng trăm tiểu phẩm châm biếm với bút danh Đồ Bì.

Nhiều bạn đọc hiện nay biết đến Đồ Bì nhưng chắc có người chưa biết Đồ Bì chính là Vũ Đức Sao Biển. Có hề hấn chi đâu. Mà giả sử rằng, giờ đây, khi viết tiểu phẩm, Đồ Bì lại ký tên là nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thì sao nhỉ?

2. Hồi nhỏ đọc tiểu thuyết “Ruồi Trâu” của Ethel Lilian Voynich, thế hệ chúng tôi ai cũng mê nhân vật chính Arthur Burton với bút danh Ruồi Trâu, con người đã hiến dâng cuộc đời, hy sinh tình cảm riêng tư cho một lý tưởng. Tiểu thuyết "Ruồi Trâu" là cuộc đấu tranh dai dẳng, không khoan nhượng giữa hai thế giới hoàn toàn đối lập nhau về lý tưởng sống, chính trị và tôn giáo mà đại diện tiêu biểu của hai bên là nhân vật Ruồi Trâu và nhân vật hồng y Montanelli (cha đẻ của Ruồi Trâu).

Trong tiểu thuyết, Ruồi Trâu dùng nhiều bút danh để viết báo đấu tranh. Có lúc anh phải phân thân trong những nhân cách khác nhau vì cùng một mục đích.

3. Trở lại với thế giới ảo và cộng đồng blog.

Tôi biết chuyện dở khóc dở cười của một người dùng nick ẩn để tự comment cho entry của mình, sau đó, do vô tình khi đang sign in trong chế độ “nick mạo danh" này, anh lại comment vào entry của một người bạn. “Mặt nạ” bị lật do một phút sơ sẩy “cướp cò”.

Trong blog này, tôi có viết câu chuyện “con yêu bố” (entry này đã được báo Thể thao – Văn hoá xin đăng lại trên số ra ngày 11/10/2007) cũng liên quan đến nick ẩn.

Và blog tôi hiện nay ghi tên thiệt của mình, post hình cá nhân và vợ con mình, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tôi ủng hộ việc công khai danh tính khi làm blog. Bởi chuyện nick mạo danh, nick ẩn là chuyện khác, còn chuyện công khai danh tính là chuyện khác.

Tôi có anh bạn làm công tác lãnh đạo chính quyền, lâu nay, bạn bè thân ít gần anh. Có lần trong một cuộc nhậu, khi chỉ còn đám bạn thật thân, anh mới nói: Hiện nay, sao mình thèm những giây phút thế này để tiếu lâm thoải mái, để “tao mày” thoải mái, để hát hò, nhảy nhót thoải mái… Với chúng tôi, những lúc anh bạn tôi tiếu lâm, hát hò, nhảy múa, “tao mày” cùng nhau, chính là những lúc anh văn hoá lắm, nhân cách lắm và "lãnh đạo" lắm...

Công khai tên tuổi chỉ giúp cho cộng đồng tin tưởng hơn trong quá trình giao lưu đối thoại và mình phải biết giữ mình khi blogging. Nhưng sự “tin tưởng” này cũng chỉ có tính chất tương đối. Khi công khai cái tên khai sinh trên blog của mình, cái con người pháp lý ấy trong chừng mực nào đó trở nên trịnh trọng đến mức thận trọng và thậm chí khệnh khạng. Là tôi nghĩ thế.

Và nếu ai cũng cứ như tôi thì xã hội blog còn gì là thú vị, là sáng tạo, là cá nhân.

Thôi, tôi phải đi tìm “Ruồi Trâu” để đọc lại.

------------

* Nói thêm: khi viết entry này, tôi định mượn những chi tiết ly kỳ từ "Ruồi Trâu " để trình bày, nhưng lâu quá, không nhớ chính xác. Nhờ blogger Trần Thống “chỉ điểm”, xin giới thiệu cho các bạn đa ch download Rui Trâu đây


Ảnh minh hoạ: Bìa sách "Ruồi Trâu".


Nhãn:

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2007

STUPID BRIEFS




Chuyện này tôi đã post hồi mới làm blog. Hôm nay chủ nhật, tái xuất bản lại cho các bạn chưa đọc, đọc giải trí tí…

CÁI QUẦN ĐÙI CHẾT TIỆT

Bạn tôi – nhân vật trong chuyện - là người có địa vị xã hội và có uy tín, xuất hiện trên truyền hình tỉnh thường xuyên nên xin giấu tên. Gọi tạm là X.

Hôm đó, X vừa bán đất, có một khoản rủng rỉnh. Hứng chí gọi tôi đi nhậu. Nhậu say rồi mà tiền vẫn còn “bao la” nên nghĩ thêm một cái gì nữa. Massage nhé? Ừ. Hai thằng đi.

Chỗ massage quy định sau khi tắm sạch phải cởi hết và xài cái quần đùi của họ. Áo quần, tư trang của mình thì cho vào một cái tủ có khóa, mình giữ chìa.

Massage một lúc thì tôi ngán quá bỏ về trước (lúc bấy giờ đã trễ quá). Chạy nhanh vào chỗ tư trang. Phản xạ tự nhiên là mặc quần dài và áo vào. Di động nằm sẵn trong túi quần dài. Biến! Về nhà lấm lét lên giường khi vợ con đã ngủ say.

Sáng hôm sau, tôi dậy trễ với một cái quần đùi vằn vện bất thường nhưng mình cũng không nhớ ra. Nhìn ánh mắt vợ tôi ngạc nhiên (sự ngạc nhiên này khó tả lắm) một lúc tôi hơi chột dạ và cũng hiểu ra: cái quần đùi mình đang mặc là một vật thể lạ. Vợ chưa kịp hỏi thì tôi đã giải thích: Hôm qua có đám giỗ ở nhà anh X. (anh X. trong mắt vợ tôi là người hết sức có uy tín) ông bạn ngồi cùng bàn lỡ làm đổ nước mắm vào quần nên phải tắm và mượn tạm quần đùi của anh X. (Chi tiết này tôi “nghĩ” nhanh nhờ đã đọc một trong một truyện ngắn trước đó)

Vợ tôi tin lời tôi như đã từng tin.

Nhưng vì không tin vợ tôi nên ngay sau đó tôi nhắn tin cho X. Nội dung tin nhắn đại ý là “Hôm qua xỉn quá, về trước, mặc luôn cái quần đùi của hàng mass. Vừa giải thích với vợ là mượn quần đùi của ông do tôi bị dính nước mắm khi nhậu ở nhà ông đêm qua, phải tắm. Có gì phối hợp cho ăn ý nhé!”

Đang lúc còn sung sướng vì khả năng lo liệu thông minh của mình, tôi nhận điện thoại của X: “Trời ơi ông giết tôi rồi! Hôm qua đi về trễ, tôi nói bà xã tôi là “anh nhậu ở nhà anh Tú” (xin nói thêm là trong mắt bà xã X, tôi cũng là người có uy tín). Ông nhắn tin qua lúc tôi đang tắm, điện thoại để ở ngoài, bả xã tôi sốt ruột quá, đọc dùm…

Nếu viết một đoạn kết cho câu chuyện này, bạn sẽ…

Nhãn:

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2007

FUNNY STORY: TOOLS




CÔNG CỤ

Cái thời lương thực thiếu thốn, chuyện nấu rượu bị cấm. Nhưng dân mình vốn quan niệm “vô tửu bất thành lễ” nên cấm thì cứ cấm, nấu thì cứ nấu. Tất nhiên phải nấu chui.

Có lần chị kia bị tố cáo nấu rượu lậu bán cho dân, đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ ập vào nhà chị, dù không bắt quả tang chuyện nấu rượu, đoàn vẫn lập biên bản và phạt.

Chị cãi:

- Các ông có thấy tôi nấu rượu không mà phạt?

- Chị không nấu nhưng có công cụ nấu rượu, đại diện đoàn chỉ vào các phương tiện chưng cất.

Bất thình lình chị này cởi áo quần nhảy bổ vào ôm ông trưởng đoàn và la lớn:

- Bớ làng nước ơi, có người hiếp dâm tôi!

Các thành viên trong Đoàn kiểm tra quá choáng nhưng "nghĩ mình phương diện quốc gia" nên phải ráng gỡ chị ta ra và la lớn:

- Ai hiếp dâm chị? Tại sao chị vu cáo chúng tôi hiếp dâm?

- Các anh không hiếp dâm tôi, nhưng các anh có CÔNG CỤ HIẾP DÂM.


***

Chuyện này tôi nghe lỏm thời bao cấp. Tin hay không tuỳ bạn. Kể lại cho cả nhà thư giãn một tí.



----------------------
Ảnh minh hoạ lấy từ website http://www.mykhanh.com/images/nho/Nau%20ruou.jpg

Nhãn:

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

1 MINUTE vs 15 MINUTES

1 PHÚT VÀ 15 PHÚT

Người bạn tôi mới đây kể rằng chị hết sức bức xúc khi đọc một bài viết của Giáo sư Viện sĩ Trần Ngọc Thêm trên một diễn đàn văn hoá học. Hỏi xin địa chỉ forum, chị bảo, tôi không là thành viên sẽ không đọc được. Tôi viết lại một số ý từ lời kể của chị.

Trong quá trình tổ chức tang lễ cho GS. Cao Xuân Hạo mới đây, một thành viên của Ban lễ tang, PGS.TS. Hoàng Dũng đã trực tiếp mang giấy báo tử và nội dung tin buồn đến Văn phòng phía Nam của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình Việt Nam (TVAd) để đăng cáo phó. Cô nhân viên của đơn vị này đã yêu cầu PGS.TS. Hoàng Dũng xuất trình giấy chứng nhận 45 năm tuổi Đảng của GS Cao Xuân Hạo mới giải quyết. Bởi vì – theo cô nhân viên này - VTV chỉ phát sóng cáo phó cho những người có 45 năm tuổi Đảng trở lên.

Cũng trong bài viết đó, GS Trần Ngọc Thêm kể thêm câu chuyện khác: cách nay mấy tháng, PGS.TSKH. Nguyễn Hữu Đức - một nhà toán học, đương kim Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt - qua đời. Ban lễ tang TS Đức cũng không thể xin phát cáo phó trên truyền hình quốc gia vì cái quy định “45 năm tuổi Đảng”, đành thuê phát sóng tin buồn này trên Đài truyền hình Hà Nội cho bạn bè, học trò và đồng nghiệp phía Bắc biết tin.

Chi tiết trong bài làm chị bạn tôi bức xúc nhất là trong khi bàn luận về chuyện “tiêu chuẩn” (dưới góc độ văn hoá tang lễ), GS VS Trần Ngọc Thêm bình thêm rằng, GS. Cao Xuân Hạo, với những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp khoa học nước nhà, ông xứng đáng được đăng cáo phó ở Đài truyền hình Trung ương VTV. Một phút dành cho nhà khoa học tên tuổi (dù phải đóng tiền) và 15 phút dành cho việc “Tạm biệt một diễn viên tai tiếng” cái nào đáng làm hơn?


Chuyện hành xử này xuất phát từ những nguyên tắc của VTV (mà những nhân viên thi hành hơi bị máy móc). Điều đáng nói là ở đây dường như có cái gì đó không bình thường trong việc xác lập tiêu chí. Quy định của VTV xem ra chỉ dành đặc quyền, đặc lợi cho một tàng lớp, một đẳng cấp nhất định. Những người có tuổi đảng cao rất đáng trân trọng nhưng chỉ cần thâm niên là đạt tiêu chí này. Còn những người có công với đất nước nhưng họ không phải là đảng viên hay tuổi đảng còn thấp?

Nhãn:

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

RADIO: WHERE TO GO?




ĐI VỀ ĐÂU PHÁT THANH?

Chuyện của một phóng viên trẻ

Một bạn phóng viên trẻ làm phát thanh kể: Hôm rồi em đi dự một cuộc họp. Ông cán bộ chủ trì trước lúc khai mạc hỏi: Đài Phát thanh – Truyền hình có mặt chưa? Em “có ạ”, ổng nhìn em như người từ sao Hỏa. Sau đó em mới hiểu ra: ông lãnh đạo ấy chờ phóng viên quay phim.

Làm phóng viên phát thanh nhiều lúc tủi thân lắm anh ạ: Gọi điện xin hẹn phỏng vấn một vị nào đó, lúc xưng hô ban đầu: “Alô, tôi ở Đài phát thanh – truyền hình…”, họ rất nhiệt tình. Khi hẹn giờ phỏng vấn, họ lại hỏi, ăn mặc thế nào, có đeo cà vạt không. Em nói, chỉ phỏng vấn phát thanh thôi, chuyện ăn mặc không quan trọng. Vị này tỏ ra thất vọng hẳn và lại khất phỏng vấn… "Tôi tưởng phóng vấn truyền hình, giờ phát thanh ai nghe", ông nói thẳng thừng trong điện thoại.

Trong rất nhiều cuộc hội nghị hay sự kiện lớn, phóng viên truyền hình xin tài liệu rất dễ dàng nhưng phóng viên phát thanh thì họ không cho, dù tài liệu còn: “Đài chị có người lấy tài liệu rồi nhé”. Có đơn vị đưa bì thư bồi dưỡng cho phóng viên truyền hình, phóng viên báo in trước mặt em, phát thanh thì họ lơ. Tất nhiên, em không coi chuyện phong bì là quan trọng, nhưng thấy nó phủ phàng thật.

Và chuyện của anh trưởng phòng

Một cán bộ cấp phòng (phụ trách phát thanh ở một Đài tỉnh) nói với tôi rằng: lãnh đạo đài phát thanh – truyền hình ở tỉnh nào cũng ưu ái và quan tâm tới sự nghiệp truyền hình hơn (dù hầu hết họ đều xuất thân và trưởng thành từ phát thanh). Lý do dễ hiểu là vì cán bộ tỉnh thích lên truyền hình. Có người thực sự coi rẻ phát thanh bằng những chỉ đạo cực sai về nghiệp vụ. Chẳng hạn bắt “phát thanh” tiếp sóng tường thuật và bình luận bóng đá từ một chương trình truyền hình hoặc tiếp sóng tín hiệu tiếng một bản tin thế giới từ truyền hình.

Anh cán bộ này nói: Chuyện đầu tư công nghệ, nhân sự cho phát thanh hầu như không được quan tâm. Đến lãnh đạo đài đã coi thường phát thanh rồi, thì lấy gì để cải thiện tình hình. Phát thanh lâu nay đang mất thế trong đời sống truyền thông mà truyền hình và internet khá sôi động. Người dân nông thôn đang dần bỏ đi thói quen nghe phát thanh, mê truyền hình hơn. Chỉ còn giới tài xế nghe phát thanh giải trí, một ít cán bộ về hưu nghe tin tức buổi sáng…

Đi về đâu phát thanh?

Image

Kể từ ngày nhà khoa học người Canada Reginald Fessenden thực hiện thành công việc truyền giọng nói và âm nhạc bằng sóng radio vào năm 1906 đến nay, ngành phát thanh đã hơn 100 tuổi.

Lịch sử phát thanh cho thấy nó đã trải qua một thời hoàng kim khá dài. Trưa nay khi comment vào blog anh Bùi Thanh, tôi chợt nghĩ: phát thanh Việt Nam từng một thời là phương tiện truyền thông quan trọng số một. Nhưng giờ đây trước thách thức gay gắt của truyền hình và Internet, phát thanh “truyền thống” đang mất năng lực cạnh tranh và đứng trước một bước ngoặt mới: phải thay đổi để tồn tại.

Doanh thu quảng cáo của Đài Tiếng nói Việt Nam (đài quốc gia với nhiều kênh sóng) hiện nay không bằng một số đài phát thanh – truyền hình của một tỉnh nhỏ là một ví dụ. Phát thanh không có thị phần lớn trong lòng công chúng so với nhiều loại hình truyền thông khác (có thể dùng số liệu của một số công ty khảo sát thị trường truyền thông để minh chứng). Nhưng có một điều kỳ lạ là trong lúc phát thanh Việt Nam đang bị lép vế giữa các loại hình truyền thông hiện đại, các chuyên gia báo chí châu Âu lại tỏ ra hết sức lạc quan về tương lai phát thanh Việt Nam. Họ cho rằng, rồi đây khi đời sống công nghiệp phát triển, người Việt Nam sẽ quay lại với phát thanh ngày càng nhiều hơn. Cũng theo số liệu của một chuyên gia Thuỵ Điển, 75% dân châu Âu nghe đài phát thanh 3 giờ mỗi ngày!

Tôi cũng đã cố gắng tìm tòi một số tư liệu về tương lai phát thanh nhưng chưa có nhiều (anh em blogger nào có xin san sẻ cho tôi với). Mới đây, anh Nguyễn Tiến Long, trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế Đài Tiếng nói Việt Nam có mail cho tôi một tài liệu của ABU (Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương) về xu thế phát triển của phát thanh, xin lược trích một số nội dung chia sẻ cùng các bạn.

Phát thanh tương lai sẽ đa dạng các phương thức truyền dẫn. Cụ thể là bên cạnh phát thanh analog truyền thông như FM/AM, LW/SW sẽ có phát thanh số: DAB / DRM / DMB / DVB-T, Internet Radio, phát thanh qua điện thoại di động, radio vệ tinh…

Phát thanh sẽ đa dạng về nội dung. Đặc biệt là mô hình phát thanh công cộng với các chương trình chất lượng cao về thông tin, giáo dục, giải trí, có sự tương tác cao, xu thế “nghe đài theo yêu cầu" (listening on demand), phi tuyến tính... sẽ ra đời thay cho cách làm phát thanh một chiều hiện nay.

Vấn đề cốt lõi của phát thanh tương lai chính là sự tiếp cận và tác động tới công chúng chứ không phải là công nghệ. Internet đã làm thành một cơ sở hạ tầng tốt cho phát thanh. Muốn phát thanh duy trì được vai trò cạnh tranh trong kỷ nguyên số ngày nay cần phải đầu tư và phát huy vào những đặc điểm vốn luôn là thế mạnh của nó: sự gần gũi, thân mật (intimacy), tính tương tác (interactivity) và tính địa phương hoá (locality).

Nội dung và vấn đề bản quyền là thách thức quan trọng số một phát thanh tương lai

Hình thức phát thanh “nhìn” (visual radio) và phát thanh thông minh (smart radio) sẽ thay thế cho phát thanh analog truyền thống.

Đây là những hình thức phát thanh số tận dụng các tính năng công nghệ để thay đổi phương thức tác động tới thính giả phát thanh (chẳng hạn hình thức nghe phát thanh với các âm thanh, hình ảnh và thông tin hiển thị trên màn hình của điện thoại di động. Hoặc hình thức cung cấp các dữ liệu được đông đảo công chúng quan tâm như: Tên bài hát đang phát, văn bản nội dung một số chương trình phát thanh, tình hình giao thông tại các điểm nút giao thông cho những người đang lái xe; thông tin về chuyến bay; chỉ dẫn giờ phát các chương trình truyền hình qua các thiết bị cầm tay trong quá trình phát thanh…)

Xu thế phát triển của phát thanh từ phương thức truyền thống sang phát thanh số là quá trình thay đổi về chất: phát thanh không còn mang tính khu vực do vùng phủ sóng mà mang tính toàn cầu; thính giả có thể tham gia làm chương trình; nguồn thu nhập phát thanh sẽ từ quảng cáo, nội dung, phí cấp phép, tài trợ; thời gian chuyển dịch theo ý muốn; phát thanh hướng đối tượng, thiết bị thu thanh được đa dạng hoá, có thể thực hiện trong bất cứ mạng lưới số nào. Thay cho việc nghe đài theo lịch phát sóng cố định, xu thế thính giả nhấn mạnh yếu tố “thời gian theo ý tôi”. Vấn đề đặt ra không còn là trực tuyến hay không trực tuyến (online/offline) mà là thời gian thực của tôi với thời gian thực của bạn (“my time vs. your/real-time)

Quá trình biến đổi hệ thống phát thanh truyền hình thành một hệ thống số đa phương tiện có tính tương tác (interactive digital multicasting) cũng là quá trình thay đổi các giá trị xã hội và chức năng của phát thanh, truyền hình.

***

Hiện tượng tích hợp công nghệ vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra thách thức cho các đài phát thanh, truyền hình. Vấn đề đón đầu công nghệ và thay đổi quản lý hệ thống sản xuất nội dung sẽ là yêu cầu mà các đài cần nhắm tới trong tương lai gần.
Image

Nhãn:

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2007

“VILLAGE CONVENTION” FOR VIETNAMESE BLOGGERS?




“HƯƠNG ƯỚC” NÀO CHO LÀNG BLOG VIỆT?

Blog Việt là mảnh đất mới vỡ hoang vài năm nay. Làng blog ấy không có lũy tre, đình làng, thậm chí có lúc nó giống miền Viễn Tây nước Mỹ thời cao bồi: cư dân “nói” với nhau bằng súng… Thế nhưng, những quy tắc bất thành văn đã dần hình thành trong cộng đồng ấy và đang ngày càng có ý nghĩa trong đời sống chung…

Ngôi làng đặc biệt

Ngôi làng blog Việt hấp dẫn và màu mỡ đến nỗi mỗi ngày đều có thêm hàng trăm cư dân mới đến “lập nghiệp” mong làm giàu vốn tri thức, thoả mãn các nhu cầu giao tiếp, thông tin, giáo dục, giải trí; thoả mãn nhu cầu thể hiện mình. Đó là mảnh đất lấn biển mênh mông do những con người năng động, đa phần là trẻ tuổi, có tri thức, có điều kiện hoạt động trên không gian mạng… cùng nhau khai phá, đa số họ là những người chí thú làm ăn, nhưng cũng có không ít những con sâu cái kiến, những tên trộm cướp, những gã Chí Phèo, những tay cơ hội, những kẻ đục nước béo cò (nhưng giấu mặt)…

Thiết chế, tổ chức và các quan hệ mới trong ngôi làng blog Việt đang dần định hình nhưng chưa thực sự rõ nét. Rất đơn giản vì cộng đồng blog Việt cũng như bao cộng đồng blog khác trên thế giới đã và đang hình thành trên nền tảng Internet, nơi mà ranh giới quốc gia bị “phẳng ra” trong một thế giới chung và cái ngôi làng ấy cũng còn đang trong quá trình hoàn thiện các chức năng của các cộng đồng xã hội vốn đa dạng và phong phú trong thế giới thật.

Nếu hiểu blog Việt gồm những người khai thác blog và viết blog bằng tiếng Việt thôi, cái ranh giới làng blog Việt cũng vượt biên giới quốc gia, bởi có những cư dân trong cộng đồng ấy là những Việt kiều, những sinh viên đang du học bên châu Âu, châu Mỹ. Và, trong cái cộng đồng lớn phức tạp ấy, không ít kẻ đã ẩn mình dưới nhiều cái mặt nạ mà công nghệ cho phép, không thể kể hết những mối quan hệ dọc ngang trên dưới đa dạng, đa chiều.

Làng blog Việt như một đứa trẻ (lại là một so sánh có phần khập khiểng), nó phải được uốn nắn và bản thân nó phải tự rèn giũa.

Đường ray nào cho con tàu blog Việt?

Blog nói riêng, các dạng thức truyền thông trực tuyến, mạng xã hội nói chung là thành tựu của văn minh nhân loại. Không ai có thể xoá bỏ nó. Nhưng khai thác công cụ nào cũng cần có quy tắc như dùng con dao, cây súng hay chiếc xe đạp, xe gắn máy. Blog đi vào đời sống người Việt trên nền tảng văn hoá Việt, chịu sự giao thoa đa dạng, đa chiều với hàng loạt mối quan hệ. Nếu cộng đồng blog Việt như một cái làng, ngôi làng đó phải có hương ước thành văn và hương ước bất thành văn.

Hương ước thành văn đó phải dựa trên tinh thần Hiến pháp, Pháp luật của nhà nước, dựa trên các chuẩn văn hoá… của đất nước có những cư dân đang đến định cư trong không gian ấy. Và cũng theo ý kiến từ những chuyên gia, chuyện hành xử trong đời sống cư dân blog Việt cũng sẽ được chế tài theo những quy định tại Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định của Chính phủ về vấn đề này (Nghị định 55 về cung cấp thông tin trên Internet và Nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin). Hoạt động của các cư dân blog Việt phải tuân thủ các chế tài theo các quy định về quyền dân sự, quyền nhân thân, quyền về hình ảnh, quyền bí mật đời tư... tại các văn bản Luật nói trên. Ngoài ra, theo quy định của nhà cung cấp dịch vụ Yahoo 360, một dịch vụ được cộng đồng blog Việt sử dụng nhiều nhất, blogger Việt còn chịu sự điều chỉnh bởi luật Singapore (nước mà Yahoo Việt Nam đặt máy chủ). Nói chính xác, một blogger sử dụng dịch vụ của Yahoo! 360 Việt Nam còn phải chịu sự chế tài của luật pháp Singapore.

Cái khó lớn nhất khi áp dụng những điều khoản có tính chất phát lý của “Hương ước” này vào đời sống blog chính là việc xác định chính xác tư cách thành viên cư dân mạng có liên quan trong đời sống thực. Và hàng loạt cái khó nảy sinh khác. Ví dụ blogger Việt sử dụng dịch vụ của Yahoo qua domain quốc tế hay của một nước khác như Anh, Úc thì sao?

Câu trả lời là: Không thể có một giải pháp quản lý nào thực sự hoàn chỉnh, nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận sự phát triển tự phát. Ở một số nước như Singapore, Trung Quốc, Malaysia… việc quản lý blog cũng đã đặt ra nhưng chưa thực sự thành công. Giải pháp quản lý blog Việt phải là một hệ thống giải pháp được tích hợp và có tính khả thi: quản lý kỹ thuật, giáo dục, quản lý bằng biện pháp hành chính, pháp lý… song song nhau.

Với khả năng của các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam (trong ngành bưu chính viễn thông cũng như ngành an ninh), việc tìm ra các IP cụ thể trong một số tình huống cụ thể, việc chứng minh nhân thân của một blogger nào đó cũng không phải là một việc bất khả thi. Nhưng những giải pháp kỹ thuật chỉ có thể là lựa chọn chẳng đặng đừng trong một số trường hợp. Và vì thế, đường ray cho blog Việt hoạt động lại chính là những quy tắc ứng xử do chính cộng đồng xây dựng một cách tự giác.

Bản hương ước mở

Không gian blog là một thực thể truyền thông, thực thể xã hội quá đặc biệt và đang định hình, phát triển cực nhanh cùng với sự hoàn thiện “tinh thần blog” trong từng thành viên. Cũng như chốn giang hồ có luật giang hồ bất thành văn, cộng đồng blog sẽ có những quy định và biện pháp trừng phạt, định hướng lẫn nhau trên cơ sở “dân trí blog”.

Những tấm ảnh chung quanh vụ sập cầu dẫn Cần Thơ hay ảnh ca sĩ Phương Thanh được post lên một số blog gần đây đã bị những lời nhắc nhở trong chính cộng đồng: hãy dẫn nguồn của tấm ảnh mà bạn đã “khai thác” trên Net! Những lời nhắc nhở đó đã giúp cho nhiều người “giật mình”. Xã hội blog đang tự điều chỉnh mình. Những ý kiến của các blogger uy tín xung quanh các vụ ồn ào gần đây cũng đã góp phần định hướng được dư luận blog.

Cũng giống như trong đời thường, làng blog Việt cần có và sẽ có những ngọn cờ tiên phong trong việc xây dựng những hình mẫu, đóng góp công sức cho cộng đồng… Và bộ Hương ước làng blog Việt không chỉ là những quy định pháp lý, những biện pháp của nhà quản lý mà còn có những quy tắc ứng xử do chính cộng đồng xây dựng từ quá trình “tự quản”.

Sẽ còn khá lâu nữa, làng blog Việt mới thực sự hình thành như một ngôi làng có bề dày văn hoá bởi sự phân hoá trong các nhóm cộng đồng cũng mới bắt đầu. Tuy nhiên, dù chỉ có những tín hiệu chưa mạnh, nhưng những quy tắc ứng xử trong thế giới blog Việt đã hình thành. Những ai hành xử sai trái sẽ bị cộng đồng “trừng trị” bên cạnh sự trừng trị của pháp luật.

Ảnh minh hoạ: Quốc Ấn

Nhãn:

STAND UP




Ảnh: Một phóng viên đài BBC đang thực hiện stand-up phía trước khách sạn Palestine tại Baghdad (Iraq). Khách sạn này được xem là “cơ sở quen thuộc” của dân báo chí vì mức độ an ninh cao (Ảnh từ www.globaljournalist.org/magazine/2004-2/no-l...)

NÓI TRƯỚC MÁY GHI HÌNH

Nếu thường xuyên coi các bản tin tường thuật của phóng viên BBC hoặc CNN qua truyền hình cáp, bạn có thể rút ra vài điều về cách nói trước ống kính máy thu hình tại nơi xảy ra sự kiện, trong bối cảnh câu chuyện, vấn đề được thông tin… Entry xin được chia sẻ với các bạn trẻ làm nghề truyền hình đôi điều về thủ pháp này qua một số tài liệu tôi đã đọc hoặc một số lớp học tôi có tham gia.

Lan man về tên gọi một thủ pháp

Báo chí truyền hình ở phương Tây xem các tác phẩm tin, tường thuật, điều tra, phóng sự (cho thời sự) theo quan niệm của chúng ta như là những câu chuyện (story). Có chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện kể, chuyện bình… Tất cả tạo thành tin tức (news). Còn ở Việt Nam, lý luận về thể loại trong báo chí phát thanh truyền hình lâu nay bị ảnh hưởng báo in nên có nhiều trường hợp “phiên ngang… xương” những tên gọi. Thôi thì ít ra cũng vì chuyện nhuận bút. Phóng sự chắc chắn nhuận bút sẽ hơn tin tường thuật, tin tường thuật chắc chắn sẽ có nhuận bút cao hơn tin ngắn v.v…

Entry này không bàn chuyện thể loại, xin góp ý kiến về chuyện “nói trước ống kính” như một thủ pháp làm tin tức nói chung (tức là trong tường thuật, phóng sự dài - ngắn, tin dài – ngắn… theo cách gọi của Việt Nam)

Trước hết, lại phải trở về với chuyện thuật ngữ. Thủ pháp nói trước ống kính trong việc “kể chuyện cho thời sự truyền hình” hiện nay ở Việt Nam có nhiều cách gọi. Phổ biến là cụm “dẫn chương trình hiện trường” hay ngắn hơn “dẫn hiện trường”. Cụm từ này nói ra là dân truyền hình Việt Nam hiểu ngay vì nó được định danh theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Phàm cái gì không thực hiện trong phòng thu (studio) thì gọi là "hiện trường" tất. Và phàm là người cầm mic nói trước máy thu hình bất luận là đọc tin hay phỏng vấn thì được gọi là dẫn chương trình (có thời gian bị hiểu sai bằng một từ tiếng Anh là speaker, rồi đến giờ lại lạm dụng từ emxi - MC)

Thủ pháp nói trước máy ghi hình trong sản xuất tin tức thời sự cho phát thanh - truyền hình, báo chí phương Tây dùng thuật ngữ rất ngắn, được chuyển nghĩa từ thuât ngữ sân khấu. Đó là STAND UP.

Stand – up chính là thủ pháp thực hiện tác phẩm thông tấn truyền hình (có thể là tường thuật, phóng sự, điều tra…) mà trong đó, người phóng viên xuất hiện trước ống kính để trực tiếp kể thêm câu chuyện trong bối cảnh được phản ánh theo nội dung tác phẩm đó. Stand up thường được đặt vào đầu, giữa hoặc cuối tác phẩm truyền hình đó.

Khi nào thì ta cần sử dụng stand up?

Khi ghi hình về đàn voi dữ, phóng viên truyền hình không thể đến gần chúng. Nhưng hình ảnh một phóng viên xuất hiện trong khung hình (ở một chỗ an toàn, tất nhiên) với hậu cảnh đàn voi dữ sẽ tạo ấn tượng đặc biệt, thu hút sự chú ý của khán giả. Phóng viên các đài truyền hình lớn trên thế giới thường sử dụng thủ pháp này. Nhiều người lý giải rằng đó là cách để họ khẳng định thương hiệu của đài mình, hoặc họ muốn “đóng dấu độc quyền” (exclusive) cho tác phẩm truyền hình của đài mình về những sự kiện đặc biệt. Điều đó không sai, nhưng không hẳn như thế, trong hầu hết trường hợp, yêu cầu nội dung tác phẩm buộc phóng viên phải chọn lựa thủ pháp này.

Có những điều hình ảnh không diễn đạt được. Hoặc có những hình ảnh không còn nữa khi phóng viên xuất hiện tại địa điểm diễn ra sự kiện. Khi phóng viên Văn Thành (Ban Thời sự VTV) vào đưa tin về vụ tiêu cực ở Cty xổ số Ninh Thuận chẳng hạn, bấy giờ những người có liên quan đã bị bắt, thủ đoạn lấy tiền nhà nước của họ không thể diễn đạt bằng hình ảnh toà nhà công ty hay những chồng vé số, thậm chí cảnh những người liên quan bị còng tay lấy cung... Cùng với nhiều cách hỗ trợ việc diễn đạt những nội dung phức tạp như bảng biểu, đồ họa, thủ pháp “stand up” là cách khá hiệu quả.

Phóng viên Phạm Kiên khi tường thuật về lũ lụt ở huyện Quế Phong (Nghệ An) cũng chọn việc đứng trước máy tại bối cảnh một chiếc xe tải đã bị ngã chỏng chơ trên vệ đường giữa dòng nước chảy xiết để làm stand up.

Một “stand-up” phải được thực hiện tại nơi xảy ra sự kiện. Phóng viên phải cho khán giả truyền hình thấy “cái tôi trần thuật” của mình ở “trong lòng sự kiện”. Ví dụ: Nếu tường thuật về vụ lính cứu hoả giúp đỡ trẻ em nhảy từ cửa sổ tầng lầu thứ 2 một ngôi trường trong một vụ hoả hoạn, phóng viên khi làm “stand up” phải đứng trước toà nhà ấy, nói cho khán giả điều gì đã xảy ra và chỉ chính xác cái cửa sổ ấy….

Stand-up cũng được xem như một chiếc cầu dẫn để chuyển mạch, chuyển ý trong quá trình phản ánh sự kiện, nêu vấn đề. Ở một khía cạnh khác, stand – up cũng là cách để khởi tạo cuộc phỏng vấn chen, hoặc cuộc phỏng vấn độc lập.

Stand-up cũng được xem là thủ pháp nhấn mạnh, tăng tốc hay tạo kết cấu bất ngờ, tạo tiết tấu cho tác phẩm truyền hình.

Stand-up cũng được dùng để kết thúc một tác phẩm thông tấn (có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc sử dụng stand – up ở cuối tác phẩm). Phóng viên BBC thường dùng stand up để kết thúc và có đọc cả tên người tường thuật. (Ví dụ: Phan Văn Tú – BBC World Service; chỉ là ví dụ thôi, tôi không nhớ tên một phóng viên nào của Thế giới vụ BBC)






Image

Phóng viên Đức Hoàng (Ban Thời sự - VTV) thực hiện stand up tại trước trụ sở Liên HIệp Quốc (New York) trong bài tường thuật về việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của UNSC


Thủ pháp của thủ pháp

Người phóng viên làm thời sự truyền hình phải biết đặt câu hỏi: Ta có nên dùng stand-up trong tình huống này? Nếu sử dụng thủ pháp ấy, nội dung tác phẩm có tốt hơn không? Có giúp thu hút sự chú ý của khán giả? Có cần thiết xuất hiện hình ảnh của nhà báo trong bài tường thuật/phóng sự/điều tra này không? Sử dụng thủ pháp đó có thay thế được những hình ảnh cần thiết nhưng không kịp ghi hình, bị thiếu, khó thể hiện hoặc không thể quay được không?

Các chuyên gia truyền hình có kinh nghiệm thường khuyến cáo nhiều điều về cách làm stand – up. Những lời khuyên này cũng phong phú, đa dạng tương ứng với các góc tiếp cận khi phản ảnh, tường thuật, điều tra sự kiện. Tuy nhiên, những khuyến cáo ấy có một số điểm chung:

Chẳng hạn, không nên nói quá dài trước ống kính trong một tác phẩm truyền hình. Hãy nói càng ngắn càng tốt và khai thác động tác diễn xuất trong bối cảnh hiện trường càng hay. Thông thường, mỗi đoạn stand - up chỉ nên nói từ 2 – 3 câu.

Tránh cách nói cực kỳ đơn điệu đã trở thành công thức (và thừa): “Chúng tôi đang có mặt tại…”. Và tránh những nhận định chủ quan, phiến diện, tránh đưa ra các con số (vốn có thể biến thiên theo quá trình phát triển của sự kiện).

Mái tóc, gương mặt, tâm trạng, quần áo… và cả diễn xuất của đôi tay phóng viên trước ống kính thể hiện nhiều thông tin “ngoài lời” mà nếu biết khai thác sẽ hết sức hiệu quả. Vì thế, trong một số trường hợp, người phóng viên có thể trang điểm trước khi xuất hiện trước ống kính của máy quay. Với stand-up, nội dung lời bạn nói là thông tin, đúng, nhưng các nghiên cứu cho thấy, thông tin khán giả thu được từ nội dung nói thấp hơn nhiều so với điều họ cảm được từ giọng nói, thái độ, tiết tấu nói và đặc biệt là cử chỉ của phóng viên.

Không có một nguyên tắc nào về vị trí, số lượng của stand-up trong một tác phẩm truyền hình. Thường nó ở đầu, ở giữa hay ở cuối tuỳ thuộc vào nội dung cần phản ánh. Nghĩa là làm sao để stand-up giúp chúng ta thể hiện tốt nhất ý đồ tư tưởng, chủ đề, kết cấu tác phẩm.

Ở phần trên của entry, tôi có nói rằng stand up của Đài BBC thường nằm ở cuối bản tin tường thuật. Do đặc điểm những bản tin của BBC thường thiên về tin chính trị, những phóng viên của họ đồng thời là những nhà bình luận quốc tế giỏi. Họ dùng thủ pháp stand up để phân tích, bình giá thêm sự kiện. Nhưng chiêu thức này cũng là con dao 2 lưỡi đối với phóng viên còn non tay nghề.

Trong một số tác phẩm cần gợi cảm xúc, những chi tiết hình ảnh đắt giá nên dành cho phần mở đầu và đặc biệt là phần kết. Vì những hình ảnh đó có sức lay động người xem mạnh mẽ hơn nhiều lần việc một phóng viên nói trước máy. Nét mặt thẩn thờ của đứa trẻ 3 tuổi bị mất cha trong thảm hoạ cầu Cần Thơ, ánh mắt lo âu của người phụ nữ chờ mong tin bên công trường đổ nát những giờ phút sau thảm hoạ sẽ nói nhiều hơn những lời của bạn trước máy.

***

Những thủ pháp nghiệp vụ như stand – up thì có thể quan sát để bắt chước nhưng rèn luyện để làm giỏi những đoạn stand – up là cả một quá trình. Xét cho cùng, đó là bản lĩnh làm báo, là sự rèn luyện học hỏi và sáng tạo…

___________________________________

Image
Ảnh: Phóng viên Phạm Kiên - Ban Thời sự VTV tường thuật từ vùng lũ Quế Phong - Nghệ An. Ảnh chụp từ truyền hình

* Xem thêm: http://fox61.trb.com/community/news/studentnews: A Stand-up is where the reporter is seen telling the story in the package. It is usually placed in the middle or end of a news package….

Nhãn:

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2007

SINGING VOICE




GIỌNG HÁT

Giọng con gái hát trên Đài

Ơ quen quá tưởng như ai gọi mình

Căn phòng sững một bức tranh

Quả tim giữa ngực ngỡ thành chuông reo

Ngỡ mình phút chốc bay theo

Người ơi năm tháng đã vèo trôi xa

Ai xui giọng ấy em ca?

Để trong tôi những ngày xa hiện về

Trách gì một thuở si mê

Trách chi một thuở ngô nghê thư tình?

Nào ai níu được thanh âm

Giọng em tôi ước chi cầm trên tay

Nói cùng em những lời này

Rằng bao ngọt đắng chuyện ngày xa xưa

Biết là em đã quên chưa

Hát đi em mấy cho vừa tình tôi

Con đường kỷ niệm xa xôi?

Có là nốt lặng giữa lời hát em?

Bây giờ ta đã lớn thêm

Xin nâng niu những êm đềm đã trôi

Yêu em không trọn đành thôi

Chỉ riêng giọng hát thì tôi nhớ hoài

1986


-------------------------------------

Ảnh minh hoạ khai thác từ trang web: http://www.mixbuss.com/contentimages/mb8%20EQ3.jpg

Nhãn:

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2007

WITHOUT A SHIRT ON




Ở TRẦN TRONG GIỜ HỌC

(Nhật ký Chim Sẻ, tập 6)

Thời bao cấp điện thiếu trầm trọng. Cúp điện là chuyện thường tuần. Có điện là cả ký túc xá reo ầm lên như sân vận động Mỹ Đình khi đội tuyển bóng đá Việt Nam ghi bàn. Thiếu điện triền miên nên có điện là niềm hạnh phúc. Tất cả cho sản xuất nên tiết kiệm điện là quốc sách. Từ Nam chí Bắc, các ký túc xá sinh viên đều có quy định sinh viên cấm dùng các thiết bị nấu điện, dù đó là nấu nước để pha trà. Nhưng từ Bắc chí Nam, tất cả các ký túc xá sinh viên đều có kẻ trộm điện.

Nhu cầu nấu gái trai có cả. Và những cái bếp dây điện dây lò xo vẫn được lén lút mua về phòng ở, tìm được chỗ nào có cơ hội cắm là nấu (Ban quản lý KTX không thiết kế bất kỳ một ổ cắm điện nào trong phòng).

Lần nọ, thằng Linh phát hiện trên sân thượng có chỗ “khai thác điện”. Sân thượng Ban quản lý KTX ít lui tới nhưng nếu cả bọn kéo lên thường xuyên sẽ bị lộ ngay. Bị lộ thì người ta sẽ phạt, tịch thu bếp, dây. Sau một hồi thảo luận, cả bọn nghĩ ra giải pháp:

Nếu lên sân thượng thường xuyên để phơi đồ thì sẽ không bị nghi ngờ. Thế là một cái dây phơi quần áo đặc biệt được lập ra. Đây là cái dây phơi “hai trong một”: vừa làm chức năng dây phơi, vừa làm chức năng dây dẫn. Dây phơi gồm 2 sợi (bọn tôi gọi đùa là “sợi nhớ sợi thương”) dây điện trần. Ban ngày nó làm chức năng phơi quần áo. Đêm xuống, khi muốn nấu nướng, chúng tôi dùng 2 đoạn dây ngắn để móc vào chỗ có điện nối vào dây phơi, biến dây phơi thành dây dẫn. Khi nấu thì móc hai đầu dây của bếp điện vào “sợi nhớ, sợi thương” ấy.

Chỉ một thời gian ngắn sau, nhu cầu ăn cắp điện không chỉ vào ban đêm. Và vì thế, để tiếp tục che mắt Ban Quản lý Ký túc xá, bọn tôi còn rủ rê thêm đám sinh viên nữ thân thiết và thuyết phục họ mang nội y lên phơi. Ý tưởng này xuất phát từ thằng Keng khi nó cam đoan mấy tay “cờ đỏ” đi tuần thấy dây phơi đồ phụ nữ thì sẽ kỵ rơ nên không tới chỗ ấy… Mà quả là nội y chị em nó cũng hiệu nghiệm thật.

Chuyện này lẽ ra có phần kết là màn đổ bể vụ ăn cắp điện hoành tráng ấy. Nhưng xin kể trong một dịp khác.

Lại nói về chuyện nấu nướng. Nhu cầu xài điện chùa ấy và phơi đồ của chúng tôi ngày một tăng cao. Một bữa chiều chủ nhật, sau khi đá banh xong, cả bọn kéo về tắm và giặt, lên phơi đồ rồi nấu ăn (ngày đó cắt cơm tập thể). Do là ngày nghỉ nên nhóm sinh viên nữ bữa đó giặt phơi nhiều và cũng muốn nấu nhiều nên cả chục cái bếp lò so để chật sân thượng.

Đang nấu nửa chừng, hầu hết áo quần trên dây phơi đồng loạt rớt xuống đất, đứt làm đôi. Dây phơi đỏ rực lên cùng với ráng chiều trong một loáng và những cái bếp tắt ngấm.

Thì ra dây phơi chịu không đủ tải khi móc nhiều bếp điện vào giờ cao điểm.

Quần dài thời đó của chúng tôi chủ yếu may bằng vải polyester, hoặc nói chung là vải có nhiều nylon (hiếm hoi lắm mới có đứa có 1 chiếc quần jean 100% cotton) nên cái sự cố điện ấy đã tiện ngang nhiều cái quần, cái áo của nhóm sinh viên nam chúng tôi và một số nội y của chị em phơi ở đó.

Vết đứt ngọt ơ của mấy cái quần dài sau thành những cái quần sooc mặc cũng hay hay.

Image

Cái quần mới sắm của tôi cũng bị dây phơi tiện đứt như thế này....

Nhưng điều báo hại là sáng thứ hai hôm sau, gần như nhóm chúng tôi phải nghỉ học. Vì sao ư? Thời đó, mỗi đứa có 2 bộ đồ để lên lớp, thậm chí có đứa có 1 bộ, cứ mặc 2 ngày là phải tranh thủ giặt để sáng hôm sau tiếp tục dùng. Sự cố diễn ra vào chiều chủ nhật và tối hôm đó cả bọn đã hẹn nhau đi xem phim nên khi về lại ký túc xá, đã khuya, chúng tôi phải giặt bộ đồ dơ đang mặc trong người để sáng hôm sau lên lớp nhưng đêm đó trời mưa, sáng ra đồ chẳng chịu khô… Cả bọn quyết định bỏ học, ở nhà và ở… trần, vì những lý do không tiện nói cho lớp trưởng.

Nhãn:

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2007

“I WAS LOVED BY YOU”




Ảnh: Giáo Sư Cao Xuân Hạo (từ blog Trục Nhật Phi)

ANH ĐƯỢC YÊU BỞI EM

Giáo sư Cao Xuân Hạo vừa ra đi ở tuổi 77.

Ông là một nhà ngôn ngữ học tài năng khác thường trong mắt giới ngôn ngữ học thế giới, là dịch giả của nhiều tác phẩm văn chương và công trình nổi tiếng, là người đã đào tạo nhiều nhà khoa học tài năng.

Một con người có cuộc đời thăng trầm, độc đáo đáng kinh ngạc.

Một con người đã dành cả một đời cho việc nghiên cứu và bảo vệ tiếng Việt.

Đã quá nhiều lần, trên những diễn đàn, trong các công trình, trong bao bài giảng, ông bộc lộ nỗi âu lo về nguy cơ phá hỏng tiếng Việt thuần chủng. Nhưng khi ông gắng sức đạp ga cho con tàu tiếng Việt tăng tốc đúng đường ray bản sắc thì có quá nhiều kẻ - vô tình hay cố ý - đạp thắng.

Không ít người làm báo, làm truyền thông cũng nằm trong số ấy, dù vô tình hay dốt nát.

Tối qua, tôi được tin ông mất, khi đang xem một bộ phim truyền hình, đoạn quảng cáo chen ngang phần đầu phim vang lên: “Bộ phim được tài trợ bởi…”. Chợt nhớ, có lần GS Cao Xuân Hạo viết: Một câu văn "Tây" đến như “bộ phim được tài trợ bởi P/S” mà còn có người coi là thứ "tiếng Việt trong sáng" thì ngày suy vi của tiếng Việt không còn xa lắm nữa…

Image

Khi ngồi viết những dòng này, tôi thử search trên Google chuỗi ký tự “được tài trợ bởi”. Trong vòng 0,16 giây, Google tìm ra 76.000 website có sử dụng cụm từ này. Mà đó mới chỉ là trường hợp động từ "tài trợ"!

Không khó khăn gì nếu bạn muốn tìm cấu trúc đó trên các báo in, phát thanh, truyền hình, sách in, blog:

- Dự án này được đầu tư bởi UNESCO

- Nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng thế giới

- Blog này được thiết kế bởi X

GS. Cao Xuân Hạo coi đó là tiếng Việt bồi.

Ông cũng là người đề xuất nhiều giải pháp đúng đắn cho việc sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt (xem một số bài trong blog này) nhưng dường như những tâm huyết ấy không được đón nhận vì những lý do ngoài khoa học.

Và, “tiếng Việt bồi” mà ông lo ngại bây giờ từng ngày vẫn còn được phát tán qua truyền thông đại chúng, đi vào trong đời sống sinh hoạt.

Có người đùa rằng, rồi các chàng trai Việt sẽ tỏ tình với một cô gái như thế này "Em được yêu bởi anh".

Và nếu có thế thật, thì Giáo sư ơi, dưới suối vàng, xin ông tha thứ, vì “anh ta không được dạy bởi thầy”

Nhãn:

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2007

SE SE 'S DIARY (cont)




SINH VIÊN SEX

(NHẬT KÝ CHIM SẺ tập 4, 5)

4/ Vùng đó con nít quậy dễ sợ

Cách nay 20 năm, rừng ở Đồng Nai còn nhiều lắm. Và tỉnh Đồng Nai có hàng chục lâm trường, xe be vận chuyển gỗ hằng ngày là hình ảnh quen thuộc trên nhiều tuyến đường lộ. Mỗi xe be chở 3 – 4 cây gỗ dài mười mấy mét, đường kính mỗi cây bình quân hơn mét. Các cây gỗ được đặt dọc theo thân xe, ngang qua đầu các bác tài.

Có lần, buổi trưa, thấy một chiếc xe be đậu lại gần xóm mình, thằng Hải rủ tôi lấy xà beng ra gọt vỏ cây về nấu cơm (làm chất đốt đun bếp).

Khi tôi và nó mang xà beng ra thì bác tài xế không ngủ hay đi ăn trong cái quán bà Tư như những lần trước. Ông đang tự nấu mì gói. Hai thằng nhào vô đẽo vỏ cây. Mới đẽo được vài miếng nhỏ thì bác tài này la toáng lên: Chúng mày không được gọt vỏ cây! Đi ngay! Đi ngay!

Hai đứa phải bỏ về.

Lát sau, thằng Hải lại chạy tới nhà tôi:

- Ông tài xế ngủ rồi mày ơi!

- Thôi, tao chẳng muốn lấy vỏ cây đâu, nhà tao còn nhiều củi.

- Trả thù không?

- Ý mày là sao?

- Hồi nãy cha già tài xế đuổi tụi mình chạy. Giờ mình đuổi ổng, xóm này xóm mình mà…

Tôi đi theo Hải.

Ông tài xế ấy sau bữa ăn tạm và sau hành trình vận chuyển gỗ từ trong rừng sâu ra, chắc mệt lắm nên ngủ ngon lành giữa trưa nắng trên chiếc võng dưới thân xe (đúng hơn là dưới những cây gỗ lớn trên xe).

Y như cái “bài” đốt pháo đám cưới, chúng tôi dùng đoạn dây cháy chậm nối một đầu dây võng. Châm lửa. Chạy ra xa nhìn. Chẳng bao lâu sau chiếc võng bị cháy một đầu, đứt dây đánh phựt, ông tài xế bị rớt xuống lòng đường giữa lúc ngủ say.

- Chạy mày ơi! – thằng Hải réo lên.

***

Sau này khi lên đại học, thằng Hải có mê một em sinh viên học khoa Lâm sinh Đại học Nông nghiệp 4. Có lần về hè, nó rủ tôi lên nhà cô bạn này chơi. Tới nhà không gặp bạn gái nhưng ông bố cô bạn rất lịch sự, mời hai chàng sinh viên vào nhà:

- Nhà mấy cháu ở đâu?

- Dạ, ở chỗ Bàu Cá

- À, tui biết chỗ đó. Có ghé mấy lần. Vùng đó con nít quậy dễ sợ!

- Dạ…

- Mấy năm trước tôi chạy xe be cho lâm trường. Có lần dừng xe nghỉ. Bọn trẻ con nó đốt cái võng té ê xương chậu. Cũng may mà nó không đốt phía đầu, chứ cái đầu mà rớt xuống đường chắc toi.

5/ Chuyện sex

Thời đó cả nước khó khăn. Đói là cái mà những thằng sinh viên dân quê lên thành phố cảm nhận rõ nhất. Khoa chúng tôi lúc ấy có một nhân vật nam ăn khoẻ kinh khủng. Tạm gọi là X. (vì giờ hắn giàu có và làm quan to, viết tên thật ra cũng phiền mình). X nhà nghèo và ở một tỉnh xa thành phố Hồ Chí Minh nên chủ yếu ăn cơm ký túc xá (tôi thì ở Đồng Nai nên đi về nhà cũng thường xuyên).

Có khá nhiều chuyện về khả năng ăn khoẻ của X, vi dụ: Mỗi lần có tí tiền ra ăn bún riêu là X phải chơi gần hết một rỗ rau sống ăn độn vào hoặc đi uống nước mía, thứ nước uống bình dân sau nước sâm, thì X thường giả vờ bỏ muối quá nhiều, bị mặn và ỉ ôi xin thêm nước mía…

Một lần trong phòng có chàng sinh viên miền Tây chính hiệu mang từ nhà lên một túi khô cá lóc và mấy ký gạo Nàng Thơm. Khuya về, nồi cơm nấu ăn thêm của thằng miền Tây (tạm gọi là Y) ngon không thể tả. Nhưng Y chỉ mời vài đứa bạn nối khố ra ngoài cửa phòng ăn chung (Cũng xin nói thêm: phòng ở KTX chúng tôi lúc đó khá đông, đâu trên 15 cái giường tầng dành cho 2 người và xe đạp thì nằm giữa phòng ngổn ngang). Bọn tôi cũng thèm rõ dãi nhưng vì sĩ diện nên giả vờ không thèm để ý, cứ chăm chăm vào cuốn sách.

Mấy ngày sau đó, trong một lần X. đi tắm. Nó gặp thằng Y trong nhà tắm nam. Sau một lúc nói chuyện qua lại, thằng X đột ngột nói:

- Tối nay mày cho tao vay lon gạo với con cá khô!

- Mày lấy gạo Nàng Thơm ở đâu mà trả tao?, thằng Y hỏi.

- Thì khi nào tao có tiền nhà gửi vô, tao tính.

Ngay lúc đó, tự nhiên có một đứa đang tắm lên tiếng gợi ý:

- Bây giờ mày ở truồng từ đây lên phòng, thằng Y sẽ cho mày một lon gạo, đồng ý không?

Cái đứa nảy ra ý tưởng quái đản này dự định nói thế cho vui và để kết thúc câu chuyện chứ không phải là lời đề nghị. Thế nhưng mọi chuyện lại xoay theo chiều hướng bất ngờ khi thằng X lên tiếng.

- Tụi mày dám cá tao dám chơi! Hứa danh dự nhé?

Thằng Y nghĩ rằng thằng X chỉ nói khoác cho sướng miệng, chứ làm gì dám, nên “OK” ngay. Lý do rất đơn giản là từ phòng tắm nam về phòng ở ký túc xá phải đi qua một dãy ký túc xá nữ cửa sổ vẫn mở.

Khi Y vừa hứa sẵn sàng cá độ, thằng X bắt đầu kỳ kèo tăng số lon gạo và cá khô lên. Buổi tắm trở thành màn giao kèo khá vui và chuẩn bị cho cuộc cá độ. Một nhóm giám sát, trọng tài được nhanh chóng lập ra. Thông tin chẳng mấy chốc truyền về ký túc xá, đám sinh viên ùa ra cửa sổ để chứng kiến màn trình diễn sex hoành tráng (giống như cổ động viên của câu chuyện tỏ tình do 1 sinh viên ĐHBK Hà Nội làm năm ngoái).

Cuộc chơi bắt đầu. Thằng X giao cái quần tà lỏn của nó cho trọng tài.

Nhưng... nó nhanh chóng giữ lấy cái áo, rồi trùm kín đầu, chỉ để lộ 2 con mắt và chạy thật nhanh về KTX trong tiếng la rần trời của đám sinh viên.

Nhãn:

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2007

SE SE ’S DIARY




NHẬT KÝ CHIM SẺ

1/ Pháo

Hồi Việt Nam chưa cấm đốt pháo, lễ rước dâu về nhà chồng thường có dây pháo (to nhỏ tuỳ thuộc mức sống, ý thích của nhà đám). Pháo được đốt lên đúng lúc nhà trai “phát tín hiệu” cho nhà gái được phép đưa dâu vào. Dây pháo đón dâu thường treo ở cổng. Nhà ở quê có vườn rộng nên cổng cách nhà khá xa. Ngày rước dâu là ngày bận rộn nhất, quan trọng nhất của nhà trai. Người theo đoàn rước dâu phải đi sớm. Người ở nhà thì tất bật lo cho các phần nghi thức, mâm bàn khi dâu về…

Bọn trẻ con trong xóm tôi hồi đó mê pháo và cũng thích đùa nghịch. Không biết từ ý tưởng của đứa nào, chúng tôi nghĩ ra một trò đùa ngu ngốc liên quan tới dây pháo này.

Một đứa trong bọn sẽ đi mua dây cháy chậm hoặc làm dây vải có khả năng ngún lửa lâu. Một đứa đảm trách việc… lén cột dây cháy chậm vào đầu dây pháo và một đứa có trách nhiệm đốt dây pháo khi thấy xe cô dâu, hoặc đoàn rước dâu về cách nhà chú rể xa xa...

Các đoàn rước dâu bao giờ cũng tới sớm hơn giờ vào nhà chú rể một chút và đứng ngoài cổng. Và đại diện nhà chú rể phải canh đúng giờ G mới ra rước đoàn vào nhà. Nhưng... cả đoàn nhà gái chưa kịp sửa lại xống áo thì tiếng pháo đã vang rền. Người trong xóm nghe tiếng pháo í ới đi đám. Đoàn nhà gái tưởng đó là pháo lệnh, lục tục kéo vào. Nhà trai hốt hoảng vì chưa được giờ nên cho người chạy ra ngăn lại.

Có trường hợp bọn chúng tôi đốt sớm hơn. Người nhà chú rể nghe tiếng pháo thì hốt hoảng chạy ra cổng nhưng tụi tôi đã bỏ chạy hết rồi. Nhà chú rể phải tức tốc cử người đi mua dây pháo khác. Nhưng phần lớn là không kịp. Nhà gái đi trên thảm xác pháo trong im lặng để vào nhà.

Có trường hợp người nhà chú rể chạy ra tiệm tạp hoá, vẫn còn kịp mua một dây pháo về đốt lúc đón dâu. Nhưng pháo vừa cháy xong thì hiện ra một băng vải với dòng chữ “Thành kính phân ưu”: hoá ra người nhà vội quá mua nhầm pháo… đám ma.

Phá rối được mấy đám như thế thì chúng tôi bị lộ và phải ăn những trận đòn nhớ đời…

2/ Xe lam

Những năm 80 và một thời gian dài sau này, loại xe Lambretta ba bánh (hình như do Ý sản xuất) là phương tiện vận chuyển đường ngắn khá phổ biến ở miền Nam. Do tên hãng sản xuất có "yếu tố lam” nên dân hay gọi loại xe này là “xe lam” thì phải. Xe dùng động cơ 2 thì, sang số tay, lúc khởi động tài xế phải đứng lên đạp chứ không có đề, động cơ xe nằm dưới ghế ngồi của tài xế.

Những quốc lộ ngang qua Đồng Nai – “vùng đất sóng” như cách so sánh của nhà văn Khôi Vũ – rất nhiều chỗ có những con dốc lớn. Xe lam khi chở nặng, lại phải lên những con dốc cao rất ì ạch, phải “về” số lớn, nặng ga. Xe đầy người nhưng các bác tài ít khi từ chối rước thêm khách bằng cách cho đu đeo hoặc leo lên nóc xe nếu cần. (Hồi đó, phương tiện giao thông ít, tai nạn giao thông hiếm lắm, và các quy định về an toàn giao thông chưa chặt chẽ như bây giờ)

Lũ chúng tôi ngày đó đến trường cấp 3 bằng những chiếc xe đạp mà khung xe chế bằng ống nước, vành xe chế bằng ống cống. Những chiếc xe đạp bám đầy đất đỏ, ngoài nhiệm vụ đưa các "cậu chủ" đi học, nó còn là chiếc xe thồ nông sản cho các gia đình. Đứa nào có tiền mới được đi học bằng xe lam. Đa số những đứa đi xe lam là con gái gia đình khá giả.

Có lần, trên đường đi học về, đạp xe lên một con dốc cao, mệt quá, một thằng trong lớp đề xuất ý tưởng nghịch. Cả bọn đồng ý. Thế là toàn bộ xe đạp của chúng tôi được mang dấu dưới lùm cây ven đường. Cả bọn dừng lại lưng chừng con dốc. Một đứa nằm xuống lề đường, hai đứa giả vờ chăm sóc như có người bệnh. Nhóm còn lại có trách nhiệm vẫy tay thật khẩn trương, làm như có người đang cần cấp cứu. Chờ một lúc, một chiếc xe lam chở khách đang chậm rãi chạy lên dốc. Từ xa, bác tài với tay ra hiệu lên đỉnh dốc. Nhưng bọn chúng tôi cứ theo "kịch bản" mà vẫy tay thật mạnh và chỉ vào cái thằng đang nằm bên vệ đường. Két… chiếc xe lam thắng lại.

- Đi đâu mà dừng giữa dốc vậy? – Bác tài thò đầu ra hỏi

- Chạy tụi bay ơi!

Cả bọn biến cái ào vào lối mòn vệ đường men theo một con hẻm. Đến chỗ an toàn, cả bọn dừng lại quan sát: Hành khách trên xe phải xuống bớt để đi bộ. Chiếc xe lam ré ga, nhả khói để ì ạch lên cho hết con dốc với tốc độ chậm rì vì mất trớn.

***

Sau này họp mặt lớp, kể lại cái chuyện nghịch ngợm ngu ngốc ấy, cả bọn vừa cười vừa mếu vì ân hận. Bác tài ơi, giờ này bác ở đâu, nếu bác đọc blog này thì cho chúng tôi biết để đến xin lỗi bác…

3/ Anh hỏi ai?

Năm học 11, Tống Đức Từ Thứ từ Đà Nẵng mới chuyển trường vào Đồng Nai. Một bữa, cả bọn kéo nhau đi chơi. Đi chơi mà thiếu Hoàng Trọng Khoa thì mất cả vui. Nhưng ba mẹ Khoa rất nghiêm khắc. Chuyện đi chơi buổi tối đều phải được xin phép và nói rõ lý do. Thường đến nhà Khoa thì phải gọi to cho người ra mở cổng. Tôi tỏ ra ái ngại không dám gọi vì ba mẹ Khoa vốn biết tôi từ trước. Thế là một đứa đề nghị: “Thằng Thứ mới vào nên ông già Khoa chưa biết giọng, mày gọi Khoa đi. Ở nhà thường gọi Khoa là cu Nồng!". Thứ đồng ý ngay và cất tiếng gọi to:

- Cu Nồng ơi! Cu Nồng ơi!

Ba Khoa bước ra cổng. Lúc này bọn tôi đã chạy ra xa lẫn vào bóng tối của hàng cây bên đường. Còn mỗi Thứ lóng ngóng chưa hiểu thế nào thì đã nghe ba Khoa hỏi:

- Ai đấy?

- Dạ cho cháu hỏi thằng Nồng

- Nồng là tôi đây!

- Dạ… Dạ… Cháu, cháu muốn gặp Khoa.

- Gặp Khoa sao gọi Nồng?

Thằng Thứ nhanh chóng hiểu ra mình đã bị chơi xỏ nhưng chỉ đứng chết lặng. Còn bọn tôi phóng lên xe, đạp thục mạng…

***

Những chuyện của một thời học sinh như thế kể ra chắc thành một cuốn sách. Mà tôi nghĩ chắc mọi người cũng có nhiều lắm những trò ấy trong ký ức của mình. Ôi cái thời chim se sẻ! Cái thời thường được tha thứ mà ta chẳng thể nguôi quên. Tiếc là hồi đó mình không dám viết một lá thư nào cho các cô bạn gái. Tiếc là…

Nhãn:

VU DAI BLOG COMMUNITY




LÀNG VŨ ĐẠI BLOG

1/ Hồi cuối năm 2003, dịch cúm gia cầm lần đầu tiên ở xảy ra ở Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ vụ thông tin về dịch SARS trước đó, đặc biệt là câu chuyện ở Trung Quốc, các cơ quan báo chí không thể thiếu cân nhắc trước việc đưa hay không đưa tin sự kiện này. Ở một địa phương có đàn gia cầm lớn nhất nước, có những nhà máy chế biến thức ăn gia cầm, chế biến thực phẩm từ gia cầm quy mô lớn như Đồng Nai, chuyện thông tin về nguy cơ cúm gia cầm, không ăn thịt gia cầm là một điều không dễ dàng, nhất là ngày Tết đang đến gần. Người làm báo luôn thấm nhuần lời dạy “Viết cho ai? Viết để làm gì?” phải đứng trước một chọn lựa nghiệt ngã: Sức khoẻ và tính mạng của người dân nếu đại dịch xảy ra và đời sống kinh tế của tỉnh, đời sống của hàng ngàn hộ nông dân sẽ điêu đứng nếu gia sản họ phải đem thiêu hủy, ngành công nghiệp chế biến thức ăn gia súc sẽ lao đao biết đến bao giờ gượng lại… (mà thực tế lúc đó Chính phủ vẫn chưa có một chỉ đạo chính thức, cũng như chưa có chính sách trợ giá nếu thiêu hủy đàn gia cầm trên 5 triệu con)

Câu chuyện ấy có thể xem là một ví dụ tiêu biểu cho việc xử lý thông tin. Không phải lúc nào tin tức cũng rõ ràng rành mạch cho người làm báo chọn lựa.

Và câu chuyện liên quan đến đoạn video sex của một cô gái trẻ, nổi tiếng sáng hôm qua 12/10 cũng vậy. Tôi biết, nhiều tòa soạn báo mạng cũng phản ứng với thông tin này trong những cân nhắc không dễ dàng.

2/ Tôi không muốn bình luận chuyện video sex và báo chí này vì tự thấy mình mâu thuẫn trong nhận định. Nhà báo có quyền và trách nhiệm thông tin sự thật. Nhưng không phải sự thật nào cũng nên thông tin. Khi bác sĩ điều trị ung thư bảo người thân của bạn chỉ còn mấy tháng nữa chắc chắn sẽ "đi", sự thật đó, có nên nói cho bệnh nhân không? Là ví dụ thôi. So sánh như thế trong chuyện này cũng khập khiễng. Trong những chuyện như vậy, tiếng nói của báo chí chính thống (giữa lúc "dư luận mạng" kinh hoàng như thế) thì cần định hướng, cần nhân danh mục đích cao hơn trên cơ sở sự thật, và tất nhiên với những biện pháp nghiệp vụ hợp lý, nhân văn.

3/ Blog, email hay các trình duyệt web… và những sản phẩm của thời đại số, đối với tôi, trước hết là một công cụ: công cụ liên lạc, giải trí, học tập, công cụ thể hiện mình, công cụ làm nghề. Ngay từ entry đầu tiên, “Vài dòng tự bạch”, viết trên blog này cách nay một năm, tôi đã tự đề ra phương châm cho mình “cố không làm tổn thương ai, cố tha thứ có ai làm tổn thương mình”. Bởi vẫn biết rằng sẽ có lúc, mình bị buộc hay vô tình làm tổn thương một ai đó. Phải “cố” thôi, dù rất khó.

4/ Blog là sản phẩm khá tiêu biểu của mô thức truyền thông mới. Vừa là truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm, vừa là truyền thông đại chúng. Bloggers vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trong đời sống truyền thông này. Tôi tin rằng blog còn phát triển bất ngờ hơn nữa với sự phát triển của công nghệ (có khi cách gọi blog, webblog cũng có thể thay đổi thành khái niệm khác). Thậm chí sau này có khi cái tủ lạnh, cái máy giặt ở nhà mình cũng thành phương tiện để blogging. Quá trình phát triển đó song song với quá trình hoàn thiện những quy tắc ứng xử trong không gian blog, một không gian vừa phẳng trong thế giới toàn cầu, vừa khu biệt trong những cộng đồng cụ thể theo những sự kết hợp cụ thể.

“Mọi sự áp đặt một phương thức quản lý quan liêu trên mạng chỉ có thể mang lại những tác động tiêu cực”, ông Dương Trung Quốc viết thế trên báo Pháp Luật TPHCM. Tôi ủng hộ ý kiến này.

Quá trình quản lý karaoke từ khi công nghệ karaoke còn xài băng video (analog - tuyến tính) xuất hiện ở Việt Nam đến sau này, nhìn lại thấy nó có lắm chuyện khó hiểu. Tôi có lúc nghĩ rằng giá như không có nhiều quy định chặt chẽ quá thì dịch vụ karaoke ở Việt Nam đã không có những biến tướng “phong phú” đến vậy. Bây giờ, khi “đầu karaoke” tràn ngập các phòng khách nhà dân, thì dịch vụ “karaoke đen” tự chết, chả cần ai quản lý cả.

Lại là một so sánh khập khiễng khi nói chuyện quản lý karaoke với dự định “quản lý blog”. Song, thiết nghĩ cần có một tư duy quản lý thoáng hơn kiểu cũ, cần có cái nhìn đúng hơn với blog, một thực thể truyền thông mới.

Blog tồn tại như nó được sinh ra trong không gian điều khiển. Và nó sẽ phát huy cái phần có ích của nó như các đầu máy karaoke gia đình hiện nay có thể đem đến những phút giây hạnh phúc cho các thành viên trong một nhà những lần hát với nhau.

5/ “Hiệu ứng bầy đàn” là một khái niệm kinh tế nhưng về cơ chế, nó có liên quan đến truyền thông. Đời sống blog nói riêng và đời sống truyền thông nói chung tạo ra hiệu ứng bầy đàn khi thông tin tác động vào tâm lý và cảm xúc xã hội với mức độ tác động mạnh nhất định nào đó. Và những chuyện tốt xấu liên quan đến hình thành, phát triển dư luận cũng không khó để lý giải.

Cộng đồng blog Việt là một cái làng, như cái làng Vũ Đại của Nam Cao ngày ấy, cho dù về mặt không gian, có những chủ blog đang ở trời Âu, đất Mỹ. Văn minh blog lù lù tiến vào làng Vũ Đại trên cỗ xe văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước.

Và đến lượt mình, văn minh blog sẽ làm thay đổi cái làng Vũ Đại.

Và làng Vũ Đại blog đâu chỉ có Chí Phèo.

----------------------------

Ảnh minh họa: Quốc Ấn

Nhãn: