Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2007

STAND UP




Ảnh: Một phóng viên đài BBC đang thực hiện stand-up phía trước khách sạn Palestine tại Baghdad (Iraq). Khách sạn này được xem là “cơ sở quen thuộc” của dân báo chí vì mức độ an ninh cao (Ảnh từ www.globaljournalist.org/magazine/2004-2/no-l...)

NÓI TRƯỚC MÁY GHI HÌNH

Nếu thường xuyên coi các bản tin tường thuật của phóng viên BBC hoặc CNN qua truyền hình cáp, bạn có thể rút ra vài điều về cách nói trước ống kính máy thu hình tại nơi xảy ra sự kiện, trong bối cảnh câu chuyện, vấn đề được thông tin… Entry xin được chia sẻ với các bạn trẻ làm nghề truyền hình đôi điều về thủ pháp này qua một số tài liệu tôi đã đọc hoặc một số lớp học tôi có tham gia.

Lan man về tên gọi một thủ pháp

Báo chí truyền hình ở phương Tây xem các tác phẩm tin, tường thuật, điều tra, phóng sự (cho thời sự) theo quan niệm của chúng ta như là những câu chuyện (story). Có chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện kể, chuyện bình… Tất cả tạo thành tin tức (news). Còn ở Việt Nam, lý luận về thể loại trong báo chí phát thanh truyền hình lâu nay bị ảnh hưởng báo in nên có nhiều trường hợp “phiên ngang… xương” những tên gọi. Thôi thì ít ra cũng vì chuyện nhuận bút. Phóng sự chắc chắn nhuận bút sẽ hơn tin tường thuật, tin tường thuật chắc chắn sẽ có nhuận bút cao hơn tin ngắn v.v…

Entry này không bàn chuyện thể loại, xin góp ý kiến về chuyện “nói trước ống kính” như một thủ pháp làm tin tức nói chung (tức là trong tường thuật, phóng sự dài - ngắn, tin dài – ngắn… theo cách gọi của Việt Nam)

Trước hết, lại phải trở về với chuyện thuật ngữ. Thủ pháp nói trước ống kính trong việc “kể chuyện cho thời sự truyền hình” hiện nay ở Việt Nam có nhiều cách gọi. Phổ biến là cụm “dẫn chương trình hiện trường” hay ngắn hơn “dẫn hiện trường”. Cụm từ này nói ra là dân truyền hình Việt Nam hiểu ngay vì nó được định danh theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Phàm cái gì không thực hiện trong phòng thu (studio) thì gọi là "hiện trường" tất. Và phàm là người cầm mic nói trước máy thu hình bất luận là đọc tin hay phỏng vấn thì được gọi là dẫn chương trình (có thời gian bị hiểu sai bằng một từ tiếng Anh là speaker, rồi đến giờ lại lạm dụng từ emxi - MC)

Thủ pháp nói trước máy ghi hình trong sản xuất tin tức thời sự cho phát thanh - truyền hình, báo chí phương Tây dùng thuật ngữ rất ngắn, được chuyển nghĩa từ thuât ngữ sân khấu. Đó là STAND UP.

Stand – up chính là thủ pháp thực hiện tác phẩm thông tấn truyền hình (có thể là tường thuật, phóng sự, điều tra…) mà trong đó, người phóng viên xuất hiện trước ống kính để trực tiếp kể thêm câu chuyện trong bối cảnh được phản ánh theo nội dung tác phẩm đó. Stand up thường được đặt vào đầu, giữa hoặc cuối tác phẩm truyền hình đó.

Khi nào thì ta cần sử dụng stand up?

Khi ghi hình về đàn voi dữ, phóng viên truyền hình không thể đến gần chúng. Nhưng hình ảnh một phóng viên xuất hiện trong khung hình (ở một chỗ an toàn, tất nhiên) với hậu cảnh đàn voi dữ sẽ tạo ấn tượng đặc biệt, thu hút sự chú ý của khán giả. Phóng viên các đài truyền hình lớn trên thế giới thường sử dụng thủ pháp này. Nhiều người lý giải rằng đó là cách để họ khẳng định thương hiệu của đài mình, hoặc họ muốn “đóng dấu độc quyền” (exclusive) cho tác phẩm truyền hình của đài mình về những sự kiện đặc biệt. Điều đó không sai, nhưng không hẳn như thế, trong hầu hết trường hợp, yêu cầu nội dung tác phẩm buộc phóng viên phải chọn lựa thủ pháp này.

Có những điều hình ảnh không diễn đạt được. Hoặc có những hình ảnh không còn nữa khi phóng viên xuất hiện tại địa điểm diễn ra sự kiện. Khi phóng viên Văn Thành (Ban Thời sự VTV) vào đưa tin về vụ tiêu cực ở Cty xổ số Ninh Thuận chẳng hạn, bấy giờ những người có liên quan đã bị bắt, thủ đoạn lấy tiền nhà nước của họ không thể diễn đạt bằng hình ảnh toà nhà công ty hay những chồng vé số, thậm chí cảnh những người liên quan bị còng tay lấy cung... Cùng với nhiều cách hỗ trợ việc diễn đạt những nội dung phức tạp như bảng biểu, đồ họa, thủ pháp “stand up” là cách khá hiệu quả.

Phóng viên Phạm Kiên khi tường thuật về lũ lụt ở huyện Quế Phong (Nghệ An) cũng chọn việc đứng trước máy tại bối cảnh một chiếc xe tải đã bị ngã chỏng chơ trên vệ đường giữa dòng nước chảy xiết để làm stand up.

Một “stand-up” phải được thực hiện tại nơi xảy ra sự kiện. Phóng viên phải cho khán giả truyền hình thấy “cái tôi trần thuật” của mình ở “trong lòng sự kiện”. Ví dụ: Nếu tường thuật về vụ lính cứu hoả giúp đỡ trẻ em nhảy từ cửa sổ tầng lầu thứ 2 một ngôi trường trong một vụ hoả hoạn, phóng viên khi làm “stand up” phải đứng trước toà nhà ấy, nói cho khán giả điều gì đã xảy ra và chỉ chính xác cái cửa sổ ấy….

Stand-up cũng được xem như một chiếc cầu dẫn để chuyển mạch, chuyển ý trong quá trình phản ánh sự kiện, nêu vấn đề. Ở một khía cạnh khác, stand – up cũng là cách để khởi tạo cuộc phỏng vấn chen, hoặc cuộc phỏng vấn độc lập.

Stand-up cũng được xem là thủ pháp nhấn mạnh, tăng tốc hay tạo kết cấu bất ngờ, tạo tiết tấu cho tác phẩm truyền hình.

Stand-up cũng được dùng để kết thúc một tác phẩm thông tấn (có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc sử dụng stand – up ở cuối tác phẩm). Phóng viên BBC thường dùng stand up để kết thúc và có đọc cả tên người tường thuật. (Ví dụ: Phan Văn Tú – BBC World Service; chỉ là ví dụ thôi, tôi không nhớ tên một phóng viên nào của Thế giới vụ BBC)






Image

Phóng viên Đức Hoàng (Ban Thời sự - VTV) thực hiện stand up tại trước trụ sở Liên HIệp Quốc (New York) trong bài tường thuật về việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của UNSC


Thủ pháp của thủ pháp

Người phóng viên làm thời sự truyền hình phải biết đặt câu hỏi: Ta có nên dùng stand-up trong tình huống này? Nếu sử dụng thủ pháp ấy, nội dung tác phẩm có tốt hơn không? Có giúp thu hút sự chú ý của khán giả? Có cần thiết xuất hiện hình ảnh của nhà báo trong bài tường thuật/phóng sự/điều tra này không? Sử dụng thủ pháp đó có thay thế được những hình ảnh cần thiết nhưng không kịp ghi hình, bị thiếu, khó thể hiện hoặc không thể quay được không?

Các chuyên gia truyền hình có kinh nghiệm thường khuyến cáo nhiều điều về cách làm stand – up. Những lời khuyên này cũng phong phú, đa dạng tương ứng với các góc tiếp cận khi phản ảnh, tường thuật, điều tra sự kiện. Tuy nhiên, những khuyến cáo ấy có một số điểm chung:

Chẳng hạn, không nên nói quá dài trước ống kính trong một tác phẩm truyền hình. Hãy nói càng ngắn càng tốt và khai thác động tác diễn xuất trong bối cảnh hiện trường càng hay. Thông thường, mỗi đoạn stand - up chỉ nên nói từ 2 – 3 câu.

Tránh cách nói cực kỳ đơn điệu đã trở thành công thức (và thừa): “Chúng tôi đang có mặt tại…”. Và tránh những nhận định chủ quan, phiến diện, tránh đưa ra các con số (vốn có thể biến thiên theo quá trình phát triển của sự kiện).

Mái tóc, gương mặt, tâm trạng, quần áo… và cả diễn xuất của đôi tay phóng viên trước ống kính thể hiện nhiều thông tin “ngoài lời” mà nếu biết khai thác sẽ hết sức hiệu quả. Vì thế, trong một số trường hợp, người phóng viên có thể trang điểm trước khi xuất hiện trước ống kính của máy quay. Với stand-up, nội dung lời bạn nói là thông tin, đúng, nhưng các nghiên cứu cho thấy, thông tin khán giả thu được từ nội dung nói thấp hơn nhiều so với điều họ cảm được từ giọng nói, thái độ, tiết tấu nói và đặc biệt là cử chỉ của phóng viên.

Không có một nguyên tắc nào về vị trí, số lượng của stand-up trong một tác phẩm truyền hình. Thường nó ở đầu, ở giữa hay ở cuối tuỳ thuộc vào nội dung cần phản ánh. Nghĩa là làm sao để stand-up giúp chúng ta thể hiện tốt nhất ý đồ tư tưởng, chủ đề, kết cấu tác phẩm.

Ở phần trên của entry, tôi có nói rằng stand up của Đài BBC thường nằm ở cuối bản tin tường thuật. Do đặc điểm những bản tin của BBC thường thiên về tin chính trị, những phóng viên của họ đồng thời là những nhà bình luận quốc tế giỏi. Họ dùng thủ pháp stand up để phân tích, bình giá thêm sự kiện. Nhưng chiêu thức này cũng là con dao 2 lưỡi đối với phóng viên còn non tay nghề.

Trong một số tác phẩm cần gợi cảm xúc, những chi tiết hình ảnh đắt giá nên dành cho phần mở đầu và đặc biệt là phần kết. Vì những hình ảnh đó có sức lay động người xem mạnh mẽ hơn nhiều lần việc một phóng viên nói trước máy. Nét mặt thẩn thờ của đứa trẻ 3 tuổi bị mất cha trong thảm hoạ cầu Cần Thơ, ánh mắt lo âu của người phụ nữ chờ mong tin bên công trường đổ nát những giờ phút sau thảm hoạ sẽ nói nhiều hơn những lời của bạn trước máy.

***

Những thủ pháp nghiệp vụ như stand – up thì có thể quan sát để bắt chước nhưng rèn luyện để làm giỏi những đoạn stand – up là cả một quá trình. Xét cho cùng, đó là bản lĩnh làm báo, là sự rèn luyện học hỏi và sáng tạo…

___________________________________

Image
Ảnh: Phóng viên Phạm Kiên - Ban Thời sự VTV tường thuật từ vùng lũ Quế Phong - Nghệ An. Ảnh chụp từ truyền hình

* Xem thêm: http://fox61.trb.com/community/news/studentnews: A Stand-up is where the reporter is seen telling the story in the package. It is usually placed in the middle or end of a news package….

Nhãn:

11 Nhận xét:

Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

...pen...

lúc 03:15 21 tháng 10, 2007  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

.. bài viết này của anh rất hay - đây là chuyện "nóng" mà ít người đề cập tới - các dài truyền hình trong nước đang có xu hướng có các chương trình tường thuật , phóng sự .. có người dẫn "chuyện" đang khá phát triển!
Em nghĩ nghề nào cũng vậy "cần phải co bản lỉnh -sự rèn luyện học hỏi và sáng tạo"

lúc 03:32 21 tháng 10, 2007  
Anonymous Trau nói...

- Bộ hôm qua ăn hàu sống chấm… nước tương hay sao mà mặt mày căng thẳng như Tào Tháo rượt thế?
* Sáng sớm mà đã móc họng người khác rồi. Ông biết là mấy ngày nay, lòng tôi ngày đêm ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa không?
- Vụ gì?
* Kẹt xe! Mùa nắng cũng kẹt, mùa mưa cũng kẹt. Hễ chạy ra đường là kẹt.
- Chuyện kẹt xe xưa rồi mà! Mai mốt có đường cao tốc, đường tàu điện ngầm… hết kẹt chứ gì? Hơi đâu mà ông để bụng cho nhức cái đầu.
* Không phải chuyện đó, ông có để ý là mấy ngày nay đường sá đông đúc hẳn, hễ tới giờ cao điềm là kẹt xe.
- Thông cảm đi, mấy ngày nay thi đại học. Thí sinh mấy chục tỉnh thành phía dồn gần hết về đây đường sá nào mà chịu nổi để không kẹt.
* Ông biết một mà không biết mười. Thí sinh ở xa tới đi thi bằng xe Buýt không hà. Có ảnh hưởng chi đâu mà làm kẹt đường. Mà thôi, hôm vừa rồi nghe nói có công ty nào đó dám bỏ cả trăm triệu để làm một khảo sát xã hội đối với bốn triệu người dân thành phố có thu nhập trung bình và thấp?
- Ừ, Họ thăm dò dư luận trước khi trển khai dự án vài chục triệu đô ấy mà.
* Chặc! dự án vài chục triệu đô ở đâu mà nhiều thế nhỉ? Không khéo lại giống như dự án vài chục triệu đô… ma, ở ngoài Miền trung mà hôm rồi báo chí phát hiện, rồi đưa tin ầm ỉ…
- Cái đó khác. Cái này khác. Dự án ngoài kia đầu tư về lĩnh vực kinh tế - dịch vụ. Còn dự án này nhằm đón đầu xu hướng phát triển giáo dục.
* Sáng suốt. Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa giáo dục mà. Nhà đầu tư nào có tầm nhìn xa chắc chắn sẽ chọn ngành giáo dục Việt Nam để đầu tư. Nhưng có cần thiết phải bỏ ra vài tháng để thăm dò mấy triệu người không?
- Ông là thánh chắc! Bạc tỷ chứ có phải lá mít đâu mà không điều tra thăm dò cẩn thận. Bỏ ra vài tháng là ít đấy.
* Kết quả?
- Tám mươi phần trăm phụ huynh xác nhận mình có nhu cầu chạy điểm.
* Vậy đâu có lạ.
- Chín mươi phần trăm có nhu cầu chạy trường…
* Cũng xưa rồi Diễm
- Nhưng nhu cầu chạy trường đang có khuynh hướng tăng cao, khi ngành giáo dục thành phố quyết định giảm bớt số nguyện vọng của thí sinh vào các trường phổ thông trung học từ 4 xuống còn 2. Nguyện vọng 1 là vào trường công, nguyện vọng 2 là vào trường công có thu phí.
* Nghe nói năm nay mặt bằng điểm thi tuyển vào lớp mười không được cao. Khả năng trật cả hai nguyện vọng là rất lớn.
- Cho nên khi biết có một dự án nâng cấp một cái trường… có mặt bằng rộng nhất thành phố, ưu tiên cho nguyện vọng 3, phụ huynh đã nháo nhào đi đăng ký.
* Vậy là đường lại kẹt xe. Cứ nhìn mật độ xe kẹt ngoài đường đủ biết trình độ các nhà đầu tư là quá giỏi, đã chọn đúng thời cơ. Chắc chắn họ là người nước ngoài.
- Không, họ chỉ là những phụ huynh nghèo, có thu nhập thấp. Không có điều kiện để chạy… giỏi như người khác để cho con em họ được vào trường công.
* Nghèo sao có thể làm dự án cả chục triệu đô?
- Mơ thôi mà. Họ mơ có một cái trường nơi đó có thể huấn luyện cho phụ huynh nghèo chạy thật giỏi để những năm tiếp theo, khi ngành giáo dục giảm từ 2 nguyện vọng, xuống còn 1, rồi còn một nửa, thậm chí mất luôn cơ hội vào trường công cho người nghèo, mà người nghèo vẫn có đủ sức để chạy được trường cho con.
* Trường nào mà hấp dẫn phụ huynh nghèo vậy?
- Trường đua… Phú Thọ!

lúc 19:01 21 tháng 10, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Hay quá, anh hổng nói thì không làm sao biết "phóng viên chiến trường" cũng gọi là satnd up! Vậy blogger có avatar là chân dung của mình thì khi post entry gọi là "sit down" hả anh, hiii!

lúc 19:32 21 tháng 10, 2007  
Anonymous TKO nói...

Stand up,pls!
Sáng thứ Hai hàng tuần! Nghiêm!

lúc 00:03 22 tháng 10, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

Nếu trong khi phân tích báo in, em gặp ảnh trên hiện trường thì có gì liên quan đến thủ pháp này hok anh? Và khid dó thì có thể bình luận như thế nào ạ?

lúc 00:13 22 tháng 10, 2007  
Anonymous Trau nói...

Đâu bằng bác Tố Hữu sản xuất thơ, mai rãnh không, xuống sì gòn làm cái đùi chó nướng đi, Ok?

lúc 00:34 22 tháng 10, 2007  
Anonymous Quế Mai nói...

Qua đây học nghề của anh Tú nè!

lúc 01:05 22 tháng 10, 2007  
Anonymous LAN LUI nói...

Nhưng có một số tài liệu gọi người dẫn theo kiểu thời sự là "Anchor", "Announcer", "Presenter". Có sự khác nhau nào giữa những cách gọi này anh?

lúc 05:51 22 tháng 10, 2007  
Anonymous THIÊN BÌNH nói...

hu hu, em học phát thanh ra nè. anh nói thế em thấy ...bực mình quá. mỗi loại hình báo chí đều có thế mạnh và nhược điểm của nó. Chỉ là vào thời điểm này nó ít phù hợp hơn. Dân mình cứ mua ôtô đi, khắc Phát thanh sẽ phát triển. Anh nhỉ?

lúc 02:22 26 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Trâu: Chà chà, sản xuất tiểu phẩm khoẻ quá. Bái phục!
@ An Thảo: Thủ pháp này của truyền hình (và phát thanh) thôi.
@ Phong Lan: Dân VTV chuyên nghiệp mà sao lại hỏi anh và hỏi hơi kỳ à nghen. "Stand up" là THỦ PHÁP, một thủ pháp trong vô số thủ pháp nghiệp vụ. "Stand up" dùng trong phát thanh - truyền hình với nghĩa nôm na là cái động tác phóng viên đứng trước ống kính, trước máy tại hiện trường để kể chuyện để chèn vào như một thành tố trong tác phầm báo chí của mình. STAND UP không chỉ người hay chức danh công tác.
Presenter là người đọc văn bản trong các chương trình phát thanh, truyền hình tại studio, thường được dịch là phát thanh viên. "Present" nghĩa gốc là giới thiệu. Có một thời theo cách làm truyền hình cũ, presenter là người ĐỌC các nội dung do phóng viên viết sẵn. Họ phải có chất giọng tốt và gương mặt đẹp như các PTV Kim Tiến, Minh Trí. Trong phát thanh – truyền hình hiện đại, presenter được thay thế bằng studio reporter. Hiện nay, chương trình thời sự của VTV do các biên tập viên trình bày (như Quang Minh, Vân Anh…). Anouncer là người thông báo, từ này rất trung tính. Anchor - neo - từ chuyển nghĩa dùng làm thuật ngữ truyền hình, tương tự studio reporter (người kết nối các bản tin trong 1 chương trình thời sự và trình bày ở trường quay).
@ Diễm: Em coi comment trên. Stand up đâu có chỉ người. Còn blogger khi post entry thì đúng là sitdown và cởi trần! Haha…
@ Quế Mai: Anh viết mấy cái kinh nghiệm vặt mà.
@ Diệu còi: Em còm lộn qua entry này rồi!

lúc 04:31 31 tháng 10, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ