Thứ Ba, 16 tháng 10, 2007

“I WAS LOVED BY YOU”




Ảnh: Giáo Sư Cao Xuân Hạo (từ blog Trục Nhật Phi)

ANH ĐƯỢC YÊU BỞI EM

Giáo sư Cao Xuân Hạo vừa ra đi ở tuổi 77.

Ông là một nhà ngôn ngữ học tài năng khác thường trong mắt giới ngôn ngữ học thế giới, là dịch giả của nhiều tác phẩm văn chương và công trình nổi tiếng, là người đã đào tạo nhiều nhà khoa học tài năng.

Một con người có cuộc đời thăng trầm, độc đáo đáng kinh ngạc.

Một con người đã dành cả một đời cho việc nghiên cứu và bảo vệ tiếng Việt.

Đã quá nhiều lần, trên những diễn đàn, trong các công trình, trong bao bài giảng, ông bộc lộ nỗi âu lo về nguy cơ phá hỏng tiếng Việt thuần chủng. Nhưng khi ông gắng sức đạp ga cho con tàu tiếng Việt tăng tốc đúng đường ray bản sắc thì có quá nhiều kẻ - vô tình hay cố ý - đạp thắng.

Không ít người làm báo, làm truyền thông cũng nằm trong số ấy, dù vô tình hay dốt nát.

Tối qua, tôi được tin ông mất, khi đang xem một bộ phim truyền hình, đoạn quảng cáo chen ngang phần đầu phim vang lên: “Bộ phim được tài trợ bởi…”. Chợt nhớ, có lần GS Cao Xuân Hạo viết: Một câu văn "Tây" đến như “bộ phim được tài trợ bởi P/S” mà còn có người coi là thứ "tiếng Việt trong sáng" thì ngày suy vi của tiếng Việt không còn xa lắm nữa…

Image

Khi ngồi viết những dòng này, tôi thử search trên Google chuỗi ký tự “được tài trợ bởi”. Trong vòng 0,16 giây, Google tìm ra 76.000 website có sử dụng cụm từ này. Mà đó mới chỉ là trường hợp động từ "tài trợ"!

Không khó khăn gì nếu bạn muốn tìm cấu trúc đó trên các báo in, phát thanh, truyền hình, sách in, blog:

- Dự án này được đầu tư bởi UNESCO

- Nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng thế giới

- Blog này được thiết kế bởi X

GS. Cao Xuân Hạo coi đó là tiếng Việt bồi.

Ông cũng là người đề xuất nhiều giải pháp đúng đắn cho việc sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt (xem một số bài trong blog này) nhưng dường như những tâm huyết ấy không được đón nhận vì những lý do ngoài khoa học.

Và, “tiếng Việt bồi” mà ông lo ngại bây giờ từng ngày vẫn còn được phát tán qua truyền thông đại chúng, đi vào trong đời sống sinh hoạt.

Có người đùa rằng, rồi các chàng trai Việt sẽ tỏ tình với một cô gái như thế này "Em được yêu bởi anh".

Và nếu có thế thật, thì Giáo sư ơi, dưới suối vàng, xin ông tha thứ, vì “anh ta không được dạy bởi thầy”

Nhãn:

24 Nhận xét:

Anonymous Tố-Trâm nói...

Entry rất được thích bởi tôi :p

lúc 00:00 17 tháng 10, 2007  
Anonymous havchara nói...

Đối lại To-Tram: Em rất thích entry này!
Nói vậy mới Việt Nam phải ko anh Tú? :D

lúc 00:14 17 tháng 10, 2007  
Anonymous duythiện nói...

nhìn tiếng Việt hàng ngày hàng giờ bị bôi bẩn, lai căng dần, hẳn Ông đau xót biết bao! Từ nay, có còn tiếng nói nào mạnh mẽ như thế, để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt?

lúc 00:16 17 tháng 10, 2007  
Anonymous TKO nói...

Entry được duyệt bởi em :D.

lúc 00:25 17 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Perfume: Đúng vậy, ngôn ngữ là quy ước. Người ta nói sai riết rồi thành phổ biến. Ví dụ: Cái cụm từ "đồng bào dân tộc" để dùng chỉ người thuộc sắc tộc thiểu số là cách dùng sai mà không biết tự bao giờ nó thành phổ biến. Giờ sửa khó khăn vô cùng!
@ To Tram: Một comment thông minh!
@ Anh Duy Thiện: Hy vọng lớp học trò của GS Cao Xuân Hạo sẽ tiếp bước ông, học tập được tấm gương lao động khoa học và tư cách, bản lĩnh của ông!

lúc 00:35 17 tháng 10, 2007  
Anonymous Perfume nói...

Tiếc thương GS Cao Xuân Hạo!
Giữ gìn sự "trong sáng" của Tiếng Việt- cháu nghĩ phải xuất phát từ giáo viên, nhiều khi do nói quen miệng rồi quen tai, cuối cùng thì thành "bình thường" phổ biến cả... thực tế tiếng Việt bây giờ cũng "thay đổi" ghê lắm bác nhỉ!

lúc 00:37 17 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ TKO: EM TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM LÀM CÔNG VIỆC QUẢN LÝ BLOG RỒI!

lúc 00:37 17 tháng 10, 2007  
Anonymous NGƯỜI ĐỒNG NAI nói...

Bác Tú có nghe lâu nay nhiều MC nổi tiếng của truyền hình Việt Nam có một cấu trúc rất lạ: "Xin cám ơn phần trả lời (phần thi) của 2 đội?"

lúc 01:21 17 tháng 10, 2007  
Anonymous TT.huỳnh nói...

"Tiếng Việt bồi" được cảnh báo bởi GS. Cao Xuân Hạo !

lúc 03:18 17 tháng 10, 2007  
Anonymous TT.huỳnh nói...

Thiệt tình là một mất mát lớn lao !
Mình đọc sách Bác ấy dịch từ những ấn bản giấy đen thui xấu quắc của những năm Một Ngàn Chín Trăm hồi đó, thiệt hay vô cùng!

lúc 03:28 17 tháng 10, 2007  
Anonymous anhkiet l nói...

Còn rất nhiều kiểu tiếng "Việt Bồi" mà Thầy Hạo đã chỉ ra nhưng cóc có ai nghe. Quái dị nhất là nhét cách phát âm Hà Nội vô miệng của diển viên Nam Bộ trong nhân vật nam bộ. Thầy Hạo đã chứng minh tiếng ổng, bả, cổ, chỉ của Nam Bộ hoàn toàn phù hợp quy luật phát âm người Việt nhưng trong phim, kịch, thậm chí cải lương người ta vẫn cố tình cưởng dâm tiếng ổng, bả, cổ thành ông ấy,...
Thân bác Tú

lúc 04:32 17 tháng 10, 2007  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

15 NĂM TRƯỚC EM ĐÃ KHÔNG ĐỦ DŨNG CẢM LÀM LUẬN VĂN VỚI THẤY VỀ "NGỮ PHÁP CHỨC NĂNG" DÙ THẦY ĐÃ TỎ RA RẤT VUI KHI NHẬN HƯỚNG DẪN. LÝ DO LÀ LÝ THUYẾT CỦA THẦY LÚC ẤY QUÁ MỚI VÀ GÂY TRANH CÃI, EM THÌ KHÔNG ĐỦ CỨNG ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU. ĐẤY LÀ MỘT TRONG NHỮNG QUYẾT ĐỊNH LÀM EM HỐI TIẾC. NGHĨ ĐẾN THẦY LÀ THẤY BUỒN, VÌ CỨ CẢM THẤY NHƯ THẦY CÓ VẺ CÔ ĐƠN QUÁ TRONG CUỘC ĐỜI NÀY!

lúc 18:30 17 tháng 10, 2007  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

Chia sẻ cùng Bác Tú và bà con!
Mặc dầu GS đã mất nhưng những gì thầy để lại cho hậu thế thực muôn vàn quý giá!

lúc 18:44 17 tháng 10, 2007  
Anonymous Hai Miền Đông nói...

Xin được chia buồn cùng gia đình thầy!
Mặc dầu Hai tui kg được học qua thầy ngày nào cả! Nhưng vẫn xin gọi thầy là thầy của chúng con!

lúc 18:47 17 tháng 10, 2007  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Chú có nhớ lần con góp ý với chú chuyện một chuyên mục của đài ĐN không?
Có đoạn "Cảm ơn công ty X đã tài trợ chương trình này", con xe xong nói ngay: "Phải là Cong ty X hân hạnh tài trợ chương trình này chứ?!"- May thay, đĐi đã sửa.
Đó cũng là nguyên tắc làm việc của con sau này!

lúc 20:13 17 tháng 10, 2007  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

Thành kính phân ưu Giáo Sư Cao Xuân Hạo về nơi an nghỉ cuối cùng .
Có lẻ lối nói vắn tắt , cách nói trong CHÁT nó đã "nhiễm" con người ta .. GS Cao Xuân Hạo nói đúng ! có lẻ trong vài năm nữa tiếng Việt sẻ mất hẳn "sự trong sáng" - cách nói đúng nghĩa . Lúc trước em có đọc bài của bác Phạm Văn Đồng nói về SỰ TRONG SÁNG TRONG TIẾNG VIỆT - nhưng chưa có đặt ra việc tiếng Việt bị nhiễm "bệnh" .

lúc 00:42 18 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ havachara: Lối nói bị động như cấu trúc "được tài trợ bởi" không có trong tiếng Việt thuần chủng!
@ TT Huỳnh: Cám ơm TT chia sẻ. Thiệt tình là những cái còm rất ... TT Huỳnh!
@ Quốc Ấn: Chú không hiểu lắm ý con: "nguyên tắc làm việc của con sau này"?
@ T100: Quá trình hội nhập càng sâu, ngôn ngữ càng gặp phải hiện tượng giao thoa mạnh mẽ. Vấn đề là mình phải biết giữ gìn cái hay cái đẹp của tiếng nước mình.

lúc 00:52 18 tháng 10, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Vì tiếng Việt mình bị ảnh hưởng BỞI tiếng Anh nhiều, sống và làm việc tại những môi trường phải giao tiếp bằng tiếng nước ngòai nhiều dễ bị ảnh hưởng lắm anh Tú à, dù thật sự là không muốn nhưng thỉnh thỏang vẫn phải chêm vào đôi ba chữ, cho nó nhanh, như thói quen hay cho nó vui-trẻ-khỏe, hiii!
Tiếc thương GS Cao Xuân Hạo, chúng ta đã mất một người Thầy giỏi, một người góp phần giữ gìn tiếng Việt trong sáng!

lúc 02:43 18 tháng 10, 2007  
Anonymous tuanvetinh nói...

Em rất kính nễ giáo sư Hạo. Không chỉ dành cả đời để nghiên cứu và bảo vệ tiếng Việt, ông còn dịch và biên soạn nhiều sách ngoại ngữ rất hay cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Em ấn tượng nhất là hai cuốn "để làm giàu từ vựng của bạn". Đây là hai cuốn phải nói là gối đầu cho những ai học ngoại ngữ.

lúc 02:45 18 tháng 10, 2007  
Anonymous An Thảo nói...

TIẾNG VIỆT
Tiếng Việt của Ông Bà
Mộc mạc thơm hương lúa
Tiếng Việt của Mẹ Cha
Rộn ràng đơm hương lạ
Hội nhập và e ấp
Tinh hoa của Tiên Rồng
Tay xinh nắn từng dòng
Tím rưng rưng trang vở
Cánh cò ru truyện cổ
Con yêu vào giấc mơ
Cho dẫu tận bao giờ
Lục bát ngân vang mãi
Đằm thắm câu ân ngãi
Cửu Long gọi Hồng Hà
Tiếng Việt ấm phù sa
Đắp bồi qua giông gió
Chính sử ngời rạng rỡ
Lớp lớp măng tiếp lời
Tre xanh rợp tình đời
Con vươn nhanh, con hỡi
Tiếng Việt dấu yêu ơi
Mênh mông một khoảng trời
Sáng rực hồn dân tộc
Bé yêu, con nhớ học!

lúc 02:55 18 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Diễm: Đúng là trong quá trình hội nhập gần đây, tiếng Việt cũng bị ảnh hưởng tiếng Anh, một ngôn ngữ khá phổ biến. Nhưng vấn đề thầy Hạo lo lắng là chính những sai lầm về cách tiếp cận, mổ xẻ tiếng Việt bằng những lý thuyết của phương Tây. Cách dạy học tiếng Việt cũng bằng hệ thống lý thuyết tiếng... Tây.
@ Tuấn: Đúng vậy em à. Giáo sư là một người đa tài. Một nghệ sĩ. MỘt nhà khoa học. MỘt nhân cách lớn đáng học tập.
@ An Thảo: Tiếng Việt sẽ được làm giàu thêm và sẽ sống mãi từ từng tổ ấm yêu thương như thế!

lúc 03:19 18 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Đó là một phát hiện thú vị về chuyện "TIếng Việt bồi". Tôi cùng từng nghe có người bắt chước tiếng Anh kiểu "thank you for tea" để nói chuyện "cám ơn anh vì trà" đấy!

lúc 04:09 18 tháng 10, 2007  
Anonymous Thiên Nhai nói...

Khi mà từ hệ thống nhà trường, cho đến sách vở, báo chí,truyền hình, truyền thanh cùng dạy cho học sinh một phương pháp tiếp cận với TV như thế, thì khó trách các em, các cháu( và cả cái cháu đang cment này) được chú ạ.
Có trách thì trách chúng ta luôn hô vang khẩu hiệu hòa nhập chứ không hòa tan, thế mà làm không được thôi.
:D
Chính cháu, các bạn, anh chị cháu biết luôn mày mò tìm hiểu hiểu ngôn ngữ mình mà vẫn vô tình hay cố ý làm giảm và mất dần sự trong sáng của tiếng việt.
Cháu buồn cho mình, cho đất nước.
______
Tiếc thương GS.Cao Xuân Hạo.

lúc 04:36 18 tháng 10, 2007  
Anonymous Ken nói...

cho em xin bai nay nhe. Lan dau tien vao blog cua anh, that la mot han hanh lon.

lúc 21:45 3 tháng 11, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ