Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

RADIO: WHERE TO GO?




ĐI VỀ ĐÂU PHÁT THANH?

Chuyện của một phóng viên trẻ

Một bạn phóng viên trẻ làm phát thanh kể: Hôm rồi em đi dự một cuộc họp. Ông cán bộ chủ trì trước lúc khai mạc hỏi: Đài Phát thanh – Truyền hình có mặt chưa? Em “có ạ”, ổng nhìn em như người từ sao Hỏa. Sau đó em mới hiểu ra: ông lãnh đạo ấy chờ phóng viên quay phim.

Làm phóng viên phát thanh nhiều lúc tủi thân lắm anh ạ: Gọi điện xin hẹn phỏng vấn một vị nào đó, lúc xưng hô ban đầu: “Alô, tôi ở Đài phát thanh – truyền hình…”, họ rất nhiệt tình. Khi hẹn giờ phỏng vấn, họ lại hỏi, ăn mặc thế nào, có đeo cà vạt không. Em nói, chỉ phỏng vấn phát thanh thôi, chuyện ăn mặc không quan trọng. Vị này tỏ ra thất vọng hẳn và lại khất phỏng vấn… "Tôi tưởng phóng vấn truyền hình, giờ phát thanh ai nghe", ông nói thẳng thừng trong điện thoại.

Trong rất nhiều cuộc hội nghị hay sự kiện lớn, phóng viên truyền hình xin tài liệu rất dễ dàng nhưng phóng viên phát thanh thì họ không cho, dù tài liệu còn: “Đài chị có người lấy tài liệu rồi nhé”. Có đơn vị đưa bì thư bồi dưỡng cho phóng viên truyền hình, phóng viên báo in trước mặt em, phát thanh thì họ lơ. Tất nhiên, em không coi chuyện phong bì là quan trọng, nhưng thấy nó phủ phàng thật.

Và chuyện của anh trưởng phòng

Một cán bộ cấp phòng (phụ trách phát thanh ở một Đài tỉnh) nói với tôi rằng: lãnh đạo đài phát thanh – truyền hình ở tỉnh nào cũng ưu ái và quan tâm tới sự nghiệp truyền hình hơn (dù hầu hết họ đều xuất thân và trưởng thành từ phát thanh). Lý do dễ hiểu là vì cán bộ tỉnh thích lên truyền hình. Có người thực sự coi rẻ phát thanh bằng những chỉ đạo cực sai về nghiệp vụ. Chẳng hạn bắt “phát thanh” tiếp sóng tường thuật và bình luận bóng đá từ một chương trình truyền hình hoặc tiếp sóng tín hiệu tiếng một bản tin thế giới từ truyền hình.

Anh cán bộ này nói: Chuyện đầu tư công nghệ, nhân sự cho phát thanh hầu như không được quan tâm. Đến lãnh đạo đài đã coi thường phát thanh rồi, thì lấy gì để cải thiện tình hình. Phát thanh lâu nay đang mất thế trong đời sống truyền thông mà truyền hình và internet khá sôi động. Người dân nông thôn đang dần bỏ đi thói quen nghe phát thanh, mê truyền hình hơn. Chỉ còn giới tài xế nghe phát thanh giải trí, một ít cán bộ về hưu nghe tin tức buổi sáng…

Đi về đâu phát thanh?

Image

Kể từ ngày nhà khoa học người Canada Reginald Fessenden thực hiện thành công việc truyền giọng nói và âm nhạc bằng sóng radio vào năm 1906 đến nay, ngành phát thanh đã hơn 100 tuổi.

Lịch sử phát thanh cho thấy nó đã trải qua một thời hoàng kim khá dài. Trưa nay khi comment vào blog anh Bùi Thanh, tôi chợt nghĩ: phát thanh Việt Nam từng một thời là phương tiện truyền thông quan trọng số một. Nhưng giờ đây trước thách thức gay gắt của truyền hình và Internet, phát thanh “truyền thống” đang mất năng lực cạnh tranh và đứng trước một bước ngoặt mới: phải thay đổi để tồn tại.

Doanh thu quảng cáo của Đài Tiếng nói Việt Nam (đài quốc gia với nhiều kênh sóng) hiện nay không bằng một số đài phát thanh – truyền hình của một tỉnh nhỏ là một ví dụ. Phát thanh không có thị phần lớn trong lòng công chúng so với nhiều loại hình truyền thông khác (có thể dùng số liệu của một số công ty khảo sát thị trường truyền thông để minh chứng). Nhưng có một điều kỳ lạ là trong lúc phát thanh Việt Nam đang bị lép vế giữa các loại hình truyền thông hiện đại, các chuyên gia báo chí châu Âu lại tỏ ra hết sức lạc quan về tương lai phát thanh Việt Nam. Họ cho rằng, rồi đây khi đời sống công nghiệp phát triển, người Việt Nam sẽ quay lại với phát thanh ngày càng nhiều hơn. Cũng theo số liệu của một chuyên gia Thuỵ Điển, 75% dân châu Âu nghe đài phát thanh 3 giờ mỗi ngày!

Tôi cũng đã cố gắng tìm tòi một số tư liệu về tương lai phát thanh nhưng chưa có nhiều (anh em blogger nào có xin san sẻ cho tôi với). Mới đây, anh Nguyễn Tiến Long, trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế Đài Tiếng nói Việt Nam có mail cho tôi một tài liệu của ABU (Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương) về xu thế phát triển của phát thanh, xin lược trích một số nội dung chia sẻ cùng các bạn.

Phát thanh tương lai sẽ đa dạng các phương thức truyền dẫn. Cụ thể là bên cạnh phát thanh analog truyền thông như FM/AM, LW/SW sẽ có phát thanh số: DAB / DRM / DMB / DVB-T, Internet Radio, phát thanh qua điện thoại di động, radio vệ tinh…

Phát thanh sẽ đa dạng về nội dung. Đặc biệt là mô hình phát thanh công cộng với các chương trình chất lượng cao về thông tin, giáo dục, giải trí, có sự tương tác cao, xu thế “nghe đài theo yêu cầu" (listening on demand), phi tuyến tính... sẽ ra đời thay cho cách làm phát thanh một chiều hiện nay.

Vấn đề cốt lõi của phát thanh tương lai chính là sự tiếp cận và tác động tới công chúng chứ không phải là công nghệ. Internet đã làm thành một cơ sở hạ tầng tốt cho phát thanh. Muốn phát thanh duy trì được vai trò cạnh tranh trong kỷ nguyên số ngày nay cần phải đầu tư và phát huy vào những đặc điểm vốn luôn là thế mạnh của nó: sự gần gũi, thân mật (intimacy), tính tương tác (interactivity) và tính địa phương hoá (locality).

Nội dung và vấn đề bản quyền là thách thức quan trọng số một phát thanh tương lai

Hình thức phát thanh “nhìn” (visual radio) và phát thanh thông minh (smart radio) sẽ thay thế cho phát thanh analog truyền thống.

Đây là những hình thức phát thanh số tận dụng các tính năng công nghệ để thay đổi phương thức tác động tới thính giả phát thanh (chẳng hạn hình thức nghe phát thanh với các âm thanh, hình ảnh và thông tin hiển thị trên màn hình của điện thoại di động. Hoặc hình thức cung cấp các dữ liệu được đông đảo công chúng quan tâm như: Tên bài hát đang phát, văn bản nội dung một số chương trình phát thanh, tình hình giao thông tại các điểm nút giao thông cho những người đang lái xe; thông tin về chuyến bay; chỉ dẫn giờ phát các chương trình truyền hình qua các thiết bị cầm tay trong quá trình phát thanh…)

Xu thế phát triển của phát thanh từ phương thức truyền thống sang phát thanh số là quá trình thay đổi về chất: phát thanh không còn mang tính khu vực do vùng phủ sóng mà mang tính toàn cầu; thính giả có thể tham gia làm chương trình; nguồn thu nhập phát thanh sẽ từ quảng cáo, nội dung, phí cấp phép, tài trợ; thời gian chuyển dịch theo ý muốn; phát thanh hướng đối tượng, thiết bị thu thanh được đa dạng hoá, có thể thực hiện trong bất cứ mạng lưới số nào. Thay cho việc nghe đài theo lịch phát sóng cố định, xu thế thính giả nhấn mạnh yếu tố “thời gian theo ý tôi”. Vấn đề đặt ra không còn là trực tuyến hay không trực tuyến (online/offline) mà là thời gian thực của tôi với thời gian thực của bạn (“my time vs. your/real-time)

Quá trình biến đổi hệ thống phát thanh truyền hình thành một hệ thống số đa phương tiện có tính tương tác (interactive digital multicasting) cũng là quá trình thay đổi các giá trị xã hội và chức năng của phát thanh, truyền hình.

***

Hiện tượng tích hợp công nghệ vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra thách thức cho các đài phát thanh, truyền hình. Vấn đề đón đầu công nghệ và thay đổi quản lý hệ thống sản xuất nội dung sẽ là yêu cầu mà các đài cần nhắm tới trong tương lai gần.
Image

Nhãn:

18 Nhận xét:

Anonymous TÉP RUỐC nói...

Phú Yên tách ra và phát thanh phát triển rất tốt. Trung Quốc có những kênh phát thanh phủ sóng toàn quốc và người ta tổ chức chúc mừng sinh nhật cho từng lái xe đường dài.
Loại hình báo chí nào cũng phải xác định rõ đối tượng phục vụ chính của mình. Mỗi đài cũng vậy. Nói phát thanh Việt Nam đang đi đến cực âm là có lý, nhưng đến cực âm thì rồi nó sẽ lại dương tính lên. Sẽ mạnh lên.
Trong hàng loạt đài miền Đông cánh tài xế vẫn thường nghe PT Bình Dương, trong hàng loạt đài miền Tây họ vẫn chọn VĨnh LOng. Thế thì vấn đề là chọn đúng thế mạnh của phát thanh để phát huy. Làm theo kiểu lấp cho đầy sóng thì không chết mới là lạ!

lúc 03:11 24 tháng 10, 2007  
Anonymous TKO nói...

Về nhà thấy Bố em nghe radio thường ngày. Sáng 5h đã nghe!
Nghe FM HCM, các tỉnh, nghe đài VOA, BBC cũng hay mà anh!

lúc 18:07 24 tháng 10, 2007  
Anonymous nhạc giữa trời nói...

Hichic... anh viết bài này hay quá! Em qua blog anh Tuấn, tình cờ mới phát hiện ra bài này. Anh cho em mượn đem về blog em nha?

lúc 18:16 24 tháng 10, 2007  
Anonymous honhyday nói...

Sáng nào 6h sáng cả xóm em cũng bị đánh thức bởi giọng 1 cô phát thanh viên lúc đầu mới chuyển đến chẳng ai để ý, vì sáng ra ai cũng bận bịu chuẩn bị để đi làm. Nhưng lâu dần có vài người nghỉ ốm không đi làm, hoặc đổi ca làm, hay vào thứ 7, Chủ nhật họ muốn nằm ngủ thêm một chút cũng không được vì giọng cô phát thanh viên cứ eo éo bên tai. Người này khó chịu, người kia kêu ca, chê bai. Thấy thế em cũng bắt đầu để ý. ĐÚng như phản ánh. Chương trình phát thanh buổi sáng (trên loa công cộng của đài PT Tp BH) chỉ duy nhất giọng một người đọc, giọng đọc lại không mấy đi vào lòng người nên nghe nhiều thấy vô cùng nhàm chán. Còn nội dung thì chẳng có gì. Nhiều bài được phát đi phát lại nhiều lần.
Viết đến đây em lại muốn kể, em xin phép được kể:
Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII vừa qua (không bàn đến nội dung hay, dở ở đây) nhà đài cứ phát phát đi phát lại nhiều lần nội dung chương trình, vì thời điểm đó cả nước đều thực hiện tuyên truyền về sự kiện trọng đại này. Nhưng hài hước nhất là chiều tối ngay hôm kết thúc cuộc bầu cử,em và người bạn em dạo bộ ra chợ vẫn nghe tiếng cô phát thanh viên đọc: Cuộc bầu cử đại biểu QH khoá XII sắp tới là...!? Người bạn em bức xúc nói:bó tay các vị, chẳng lẽ không sửa nổi vài từ và đọc lại cho phù hợp được sao. Chẳng tôn trọng người nghe chút nào.

lúc 18:21 24 tháng 10, 2007  
Anonymous tuanvetinh nói...

Thực tế hiện nay Phát thanh rất ít được quan tâm và ít được đầu tư. Vì vậy, việc thính giả quay lưng với Phát thanh cũng là điều dễ hiểu, bởi họ còn có những chọn lựa khác. Nếu không thay đổi sẽ không tồn tại được.

lúc 19:04 24 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Trâu: Hiện nay phát thanh số DAB chưa thử nghiệm ở VN. Phát thanh FM qua di dộng thực chất cũng là analog, đúng như Trâu nói. Hiện nó còn phụ thuộc vào vùng phủ sóng, cái head phone thành cái antenna. Nhung sắp tới thì phát thanh số sẽ ra đời. Hy vọng VOV sẽ là đơn vị tiên phong
@ Tép Ruốc: Đúng là phải tìm được lối đi cho phát thanh.
@ TKO: Thế hệ các bác vẫn có thói quen nghe đài như thế
@ Nhạc...: Bạn cứ dùng đồng nghiệp ạ (nhưng nhớ để nguồn thôi)
@ Tuấn: Bản thân ngành phát thanh phải tự đổi mới chính mình
@ honhyday: Chuyện như đùa?

lúc 21:15 24 tháng 10, 2007  
Anonymous Tám nói...

Em co mặt đây anh Tú ơi, Tám góp chuyện chút, rằng là có nhiều lần em gọi điện thoại người ta cứ tưởng nhầm, chị ở Đài PTTH ...., thành ra mình cứ phải nhắc đi nhắc lại điệp từ em ở Đài PT không phải TN đâu nha chị. Hix, lắm lúc cũng tủi thân. Bữa trước còn quê ác, đang ngồi nói chuyện, anh bạn của em giới thiệu em làm ở Đài PT và nói bạn ổng nếu có thời gian thì tiếp xúc. Ông bạn ổng ngồi ngay trước mặt em nói như quát.. trời, thời buổi này làm quảng cáo trên phát thanh ai nghe. Ặc. Chia sẻ chút nỗi niềm, chứ em vẫn còn lửa lắm, em nghĩ một ngày không xa người ta sẽ thấy phát thanh trở lại, mới mẻ hơn, hoành tráng hơn, gần gũi hơn. Bởi phải hy vọng, một ngày rất gần, dân Việt nam sẽ đi xe hơi nhiều nhiều, khi dó phát thanh quan trọng lắm đó anh. Còn nữa, bây giờ nhiều Đài PT cũng đã có những đường hướng phát triển rất riêng, chưa bật mí được nhưng lãnh đạo đài em cũng có nhiều ấp ủ lắm đó.

lúc 21:39 24 tháng 10, 2007  
Anonymous Tám nói...

à nhầm, ở đài PT không phải TH, hì

lúc 21:40 24 tháng 10, 2007  
Anonymous Trau nói...

Anh Tú này, giá mà các thiết bị kỷ thuật số hiện nay được tích hợp mạch thu sóng thu sóng radio đa băng tần thì tốt quá. Nhiều lúc muốn nghe đài mà chẳng còn cái gì để mở ra nghe. Mua thêm thì chật nhà! Đành chia tay với sóng phát thanh, dù lòng không muốn! Mà này, anh có thích làm báo viết không vậy? Làm lính ấy, chứ làm sĩ quan báo chí chán lắm!

lúc 21:46 24 tháng 10, 2007  
Anonymous dangblue nói...

1. Có lần đi chụp ảnh, muốn lấy thông báo cáo báo chí nên vào nói là: Mình ở đài Tiếng nói Việt Nam. Cô gái bảo: "Có người lấy tài liệu rồi nhé" mà cô ta có check danh mục gì đâu. Hóa ra là vậy... uhm... lần sau nói ở VOVNEWS cho nó oách. Nghe Tây với chả News thể nào cũng giật mình.
2. Ở nước ngoài, hoặc xem phim Tây các bác thấy nhà ai cũng có cái đồng hồ radio để đầu giường. Báo thức bằng radio, cứ đến giờ là nó phát. 1 là hiệu quả báo thức tốt, 2 là người ta dậy nghe tin luôn. Em tìm mua loại này ở VN mà không thấy. Hôm rồi mới tìm thấy 1 cái của Philips nhưng giá 500k, em chạy.
3. Xét từ góc độ độc giả, nghe người ta đọc tin cho mình cũng sướng lắm chứ. Sướng hơn phải tự lần mò đọc báo nhiều. Nhưng sáng nào cũng phải dò dò tìm tìm rồi săn đón giờ có tin đâm ra bất tiện. Giá có 1 kênh chuyên về tin (phải cập nhật tin nóng ngang Internet) thì cũng tiện. Tiếp nữa là phát thanh phải tự tìm đến độc giả. Ví như buổi đêm nhà đài làm 1 file âm thanh, độc giả đăng ký số điện thoại, sáng ngủ dậy là có file đó trong máy điện thoại (chuyển qua hệ thống mạng điện thoại). Khi đi đến công sở, lúc rảnh giữa giờ làm việc tranh thủ nghe tin thì thích gấp mấy lần đọc báo, bật TV, duyệt web ấy chứ. Nhưng chưa thấy đài nào có ý định làm vậy.
4. Việc làm các chương trình phát thanh nghiệp dư ngày nay đã trở nên dễ dàng. Chỉ cần máy ghi âm, máy điện thoại, phần mềm thì có sẵn trong windows, ai cũng có thể làm phát thanh. Em được mở kênh phát thanh riêng thì em sẽ mở một kênh chuyên phát sóng chương trình phát thanh do độc giả tự làm. (Kiểm duyệt là đương nhiên rồi). Cho họ làm thì trước tiên họ nghe, gia đình, bạn bè họ nghe, ai chả muốn tác phẩm của mình được phát sóng. Có viễn tưởng không ạ?
5. Cá nhân em cho rằng các loại hình báo chí có xu hướng hợp nhất lại. Trước đây việc phân loại ra các loại hình chủ yếu dựa trên thiết bị mà nó truyền tải. Trong tương lai thiết bị đó là gì? 1 máy tính có màn hình cảm ứng to bằng khổ A4, mỏng, cuộn lại được. Rồi, bây giờ thì muốn gì: đọc, nghe, xem, gì cũng được hết. Thích lưu lại thì lưu, thích sửa rồi chuyển cho bạn bè thì chuyển. Ơ thế, tin tức sẽ phát hành thế nào? Xin thưa là có mấy hướng sau: mạng di động WIMAX, mạng WIFI (sau này chỗ nào chả WIFI), hoặc sáng dậy cắm vào đường ADSL, tải cái rụp là xong. Các bác nghĩ sao?

lúc 00:47 25 tháng 10, 2007  
Anonymous Diem xua nói...

Thiệt tình lâu rùi hổng còn nghe radio nữa. Đọc entry nay của anh Tú thấy mình cũng như là có lỗi vì đã "quay lưng" lại với đài phát thanh mà 1 thời đã làm ình mê mẫn với giọng đọc truyện đêm khuya thật truyền cảm, và suýt chút nữa thì là đồng nghiệp của anh Tú cũng vì mê giọng nói của phát thanh viên!

lúc 02:52 25 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Trâu: Radio hiện nay cũng có tích hợp trong các dòng máy di động đời mới và các loại thiết bị cầm tay. Phát thanh bây giờ lên mạng nhiều rồi. Có thể vừa blogging vừa nghe đài được.
Mình vẫn tham gia cộng tác cho nhiều tờ báo in đấy chớ!
@ Diễm: Mình cũng vậy thôi Diễm à. Có một thời còn bé thơ, tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc qua phát thanh đó chứ. Còn bây giờ, không có thì giờ nghe phát thanh.

lúc 03:09 25 tháng 10, 2007  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

hiện tại em nghe radio chủ yếu nghe bằng điện thọai và nghe các chương trình qùa tặng âm nhạc thôi, tin tức thừa mứa rồi, báo giấy, báo điệnt tử, báo blog [hehe], truyền hình...
Nhớ năm 1992, lúc đó nhà em mua một cái máy catxet của Philips, chiều chiều, cả xóm kéo tới để nghe BBC, nghe bản tin 'đây là đài tiếng nói việt nam, phát thanh từ HN, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam', rồi nghe 'kể chuyện cảnh giác', rồi kịch, cải lương...
giờ có TV rồi, đài phát thanh qua loa của xã trở thành nổi kinh hòang của cả xóm!

lúc 03:17 25 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

Huy đẹp trai: Rồi có lúc phát thanh được trở lại thời hoàng kim, mình cũng ráng tin như vậy, vì hiện nay có lúc cũng sợ cái sự "nhìn" rồi. Lúc nhỏ nghe "Tam quốc chí" trên đài, tưởng tượng ra hình ảnh Lưu Bị, Khổng Minh, Tào Tháo khác hẳn với sau này coi phim. Mình nhớ giai điệu ca khúc qua phát thanh tốt hơn giờ "xem" âm nhạc trên truyền hình... Phát thanh nó có chức năng giáo dục cao lắm nhưng vì người ta chưa nhận ra thôi. Nghe phát thanh còn phải huy động trí tưởng tượng và cảm xúc. Xem truyền hình thụ động hơn.

lúc 03:29 25 tháng 10, 2007  
Anonymous Trau nói...

but FM only, hic hic

lúc 03:38 25 tháng 10, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ THANH XUÂN: KHÔNG VIỆC GÌ PHẢI "NỖI NIỂM" NHƯ THẾ EM Ạ.
@ DANGBLUE: ý kiến của Dangblue rất sắc sảo và có nghề. Mình cám ơn nhiều lắm.
@ Nguyện: Anh cũng tin tưởng rằng tương lai phát thanh sẽ sáng sủa hơn.

lúc 23:13 25 tháng 10, 2007  
Anonymous NHƯ NGUYỆN nói...

Lâu lắm em cũng không nghe đài phát thanh, entry này của anh Tú đúng là hàng độc của người trong nghề. Nhưng em nghĩ chắc chắn giá xe hơi phải giảm, dân ta có nhiều xe hơi hơn sẽ có nhiều người nghe đài hơn. Đọc entry này mới thấy cái thói háo danh của một số các anh cán bộ nhà mình còn nặng lắm.

lúc 23:14 25 tháng 10, 2007  
Anonymous Hiền Đan nói...

Cảm ơn bác vì Entry này của bác thật bổ ích, cả bài viết và các comment! Chúc 2 bác 1 tuần mới tốt lành!

lúc 00:32 29 tháng 10, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ