Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2008

SỮA VÀ SỬA




Thông tin “Giá sữa tại VN cao nhất thế giới” mới đây quả đã gây sốc cho rất nhiều người. Và theo phân tích từ một hội thảo, một trong những lý do góp phần đẩy giá sữa ở Việt Nam lên cao, làm khốn đốn nhiều bậc cha mẹ, tác động xấu đến hoạt động sản xuất trong nước… là quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo truyền hình!

Sữa ngoại được quảng cáo quá hoành tráng trên các kênh truyền hình cả nước. Tiền tỷ tỷ đổ vào để góp phần tạo niềm tin cho các bà mẹ rằng phải chọn sữa ngoại nhập, đắt tiền vì có chứa thành phần DHA, ARA, Omega 3, Omega 6... giúp trẻ thông minh.

Các spot quảng cáo trên truyền hình chỉ có 30 giây, hoặc 15 giây (giá cho một lần quảng cáo trong giờ vàng từ 30 - 35 triệu/spot) mà hình như Bộ Y tế quy định spot quảng cáo sữa phải đọc cái câu “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” và doanh nghiệp thì muốn đưa được nhiều thông tin về sản phẩm nên... họ đọc nhanh như ăn cướp.

Hai đứa con nhà tôi, giống như bao đứa trẻ khác, thích xem quảng cáo từ nhỏ. Có năng khiếu phát âm rất sớm như bé Tép, cũng chẳng thể nào nhại được cái tốc độ đọc của “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất…”. Bé Tép hỏi tôi, vì sao người ta đọc nhanh vậy. Tôi nói: em Ruốc nhà mình cũng sẽ đọc nhanh như thế. Để ba làm cho con xem, con sẽ hiểu.

Tôi tập cho Ruốc (5 tuổi) đọc câu này và ghi âm vào máy tính.

Sau đó, tôi dùng một kỹ xảo của phần mềm xử lý âm thanh Sound Forge – kỹ xảo Time stretch - để tăng tốc. Và nó đây (chưa đến 1 giây, mời bấm vào nghe thử):

Kỹ xảo này cho phép sản xuất một chương trình phát thanh đúng phóc thời lượng mà không bị “méo” tiếng. Trong nhiều cuộc thi liên hoan phát thanh, khi sản xuất các chương trình 10 phút bị kéo dài thành 10 phút 30 giây hay 11 phút, do sợ phạm quy, trước đây, phải làm mới lại hoàn toàn. Giờ đây với công nghệ phi tuyến tính, đoạn âm thanh của chương trình có thể thay đổi thời lượng mà người nghe dù tinh tường cũng khó có thể phát hiện ra.

Chung quanh câu chuyện sữa này, blog Bút Lông có một entry “đắt” như sữa, entry viết về khía cạnh đạo đức nghiệp vụ. Tôi bắt chước mần một entry về nghiệp vụ phát thanh – truyền hình cho bà con đọc cuối tuần!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2008

50 CHỮ

Đoàn cấp trên về kiểm tra cơ quan. Ông trưởng đoàn phát biểu hùng hồn về tiết kiệm với nhiều ví dụ trong nước và trên thế giới.

Trưa ấy, đoàn được mời đi ăn cơm, không uống bia, chỉ dùng 3 chai rượu ngoại mỗi chai chừng triệu đồng.

Nhãn:

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2008

NO & NOT

Hồi mới học tiếng Anh, thấy một người viết một câu có cấu trúc đại khái như sau:

“He is NO teacher”

tôi nói ngay: Viết như vậy là sai, phải viết là “He is NOT a teacher” mới đúng.

Người ấy cười một cái cười bí hiểm. Mãi sau này tôi mới biết, cái câu “He is NO teacher” hoàn toàn đúng ngữ pháp. Do mình mới học được chút xíu đã vội vàng "tưởng bở".

Cho nên bây giờ, nếu thấy ai viết:

“She is NO journalist” (1)

thì đừng vội sửa lại thành:

“She is NOT a journalist” (2)

Bởi cả 2 câu này đều trúng ngữ pháp.

Và mặc dù 2 câu giống nhau ở nét nghĩa phủ định nhưng ý nghĩa thì khác nhau.

Câu (2) là câu khá quen thuộc đối với một người học tiếng Anh căn bản. “Cô ta không phải là nhà báo”. Nghĩa tường minh của nó là “cô ta làm một nghề nào khác như bác sĩ, nhà giáo v.v… chứ không phải làm nghề báo".

Còn nghĩa biểu đạt của câu (1) khác hẳn. Nó vẫn có thể dịch gần như câu (2) (Cô đó chả phải là nhà báo – chẳng hạn) nhưng nội dung có thể “diễn Nôm” như sau: "Đúng là cô ta đang làm báo, đang có thẻ nhà báo, nhưng cô ta không xứng đáng với phẩm chất của một người làm báo".

***

Nói thêm một chút: Kiến thức này mình học được từ cái anh bạn từng “nở một nụ cười bí hiểm” kể ở đầu entry.

Còn vì sao mình viết entry này ư? Hôm nay, suýt nữa mình phải buột miệng hét lên: "X is NO journalist!"

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

DU LỊCH GIA ĐÌNH




Cả nhà hào hứng

Mấy năm gần đây, vợ chồng tôi cùng chuyển sang công việc mới. Nhịp độ sống chậm hơn đôi chút, chúng tôi có thời gian nghĩ đến bản thân và gia đình. Tết, cả nhà đi thăm người thân ở Phan Thiết. Do gia đình người thân chẳng mấy rộng rãi, nên 7 thành viên trong gia đình tôi quyết định ở khách sạn cho đỡ phiền. Chuyến đi ấy đã thực sự làm thay đổi cảm xúc cũng như “tư duy du lịch” của cả nhà.

Từ bà mẹ chưa bao giờ biết đến khách sạn, đến chị gái đã lớn tuổi chưa bao giờ ăn buffet, tất cả đều thấy, thì ra, 2 – 3 ngày chơi xa cũng không mấy tốn kém. Cái được lại rất lớn. Mọi người đều rảnh rang, sảng khoái, được ăn được chơi thoải mái, không phải lo loay hoay cơm cơm nước nước như ở nhà. Cả năm quay ra công việc vào công việc, có vài ngày thảnh thơi, thư giãn hoàn toàn, chẳng ai là không thích thú. Ngày tết đi chơi xa càng “khoẻ” vì không phải suốt ngày khách khứa, nhậu nhẹt… Nhiều khi chi phí rượu bia tết cũng đã đủ cho cả nhà đi chơi một chuyến. Còn trẻ con thì khỏi phải nói, mấy ngày đùa giỡn với sóng biển đã làm các con tôi rắn rỏi hẳn ra. Niềm vui trong bọn nhỏ còn ngân dài vài tháng sau chuyến đi.

Những ngày xa thành phố, xa sự ồn ào náo nhiệt, xa nhịp sống đều đặn hàng ngày, là những ngày tất cả các thành viên trong gia đình thực sự cảm thấy mình mới mẻ hơn, trong trẻo hơn.

Từ “chuyến đi chơi lịch sử” ấy, cả nhà tôi năm nào cũng du lịch tết. Cứ sáng mùng 3 là cả nhà ra ga xe lửa, thật gọn nhẹ, và đi… Cả nhà đều hào hứng.

Nhu cầu sum họp

Nhu cầu đi và chơi của gia đình nhỏ của tôi không phải là cá biệt. Từ vài năm nay, nhiều công ty, cơ quan đã biết “lấy lòng” nhân viên bằng những chuyến du lịch gia đình.

Cách đây 4 năm, Công ty vận tải đường biển nổi tiếng T đã tổ chức cho toàn bộ nhân viên và gia đình của họ tham gia một chương trình vui chơi ở ngay tại khu du lịch Câu lạc bộ xanh ở Biên Hòa, Đồng Nai. Công ty vận tải T thuê hẳn một đơn vị dịch vụ tổ chức “tua” đàng hoàng và thiết kế các trò chơi, những hình thức sinh hoạt tập thể vui nhộn cho cả một ngày. Trong chương trình chung cũng có những khoảng riêng đầm ấm cho các gia đình nhỏ. TK, một thành viên của công ty T tâm sự: “ Hình thức đi chơi như thế vừa liên kết được các thành viên trong công ty vừa tạo cơ hội thư giãn cho gia đình của các nhân viên. Vì thế lần nào công ty tổ chức, các thành viên trong công ty cũng tham dự đầy đủ và rất nhiệt tình.”

Đó là một trong rất nhiều những ví dụ cho thấy, đã xuất hiện từ lâu một nhu cầu của xã hội, nhu cầu “du lịch gia đình”.

Rẻ mà hiệu quả

Nếu không phải là cơ quan tổ chức thì gia đình có thể tự tổ chức đi du lịch được không? Nhiều người lo lắng, đi du lịch thì chắc là phải nhiều tiền. Thực tế không hẳn là vậy.

Quan trọng nhất là chọn thời điểm. Trong năm có những mùa cao điểm thì mình đừng có “đua” với thiên hạ làm gì, vừa khổ sở, vừa mắc mỏ. Những ngày lễ lớn, những dịp nghỉ dài là nên tránh.

Chọn địa điểm cũng là yếu tố quan trọng không kém. Nếu không thể đi xa, thì một ngày tắm hồ, đạp xe, trượt cỏ, câu cá, trong các khu du lịch như Thác Giang Điền, Câu lạc bộ Xanh, Vườn Xoài (Đồng Nai), Bình Quới (thành phố Hồ Chí Minh), Phương Nam, Đại Nam (Bình Dương)… cũng đủ thú vị.

Xa hơn có thể xuống Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ với những khu du lịch sinh thái trên các cù lao thơ mộng.

Đi xa, xuống Bình Châu, Vũng Tàu hoặc ra Phan Thiết, Nha Trang thì càng chu đáo càng rẻ và tươm tất. Vé xe hay vé tàu nên đặt trước và mua khứ hồi để có thể hoàn toàn yên tâm vui chơi mà vẫn đi về đúng hẹn, đúng giá. Nhà nghỉ thì có rất nhiều dạng và nhiều mức giá nên không phải quá băn khoăn, trừ các dịp lễ lớn. Quan trọng là khảo sát trước hoặc nhờ người quen chỉ dẫn để không phải ân hận.

RUOC NGHICH CAT by you.

“Lợi nhuận vô hình”

Đi du lịch, những bài học lịch sử địa lý, sinh học, với con trẻ, trở nên sống động và dễ khắc sâu.

Đi du lịch, ba có thể tập cho con trai quen với tốc độ và độ cao. Đi dụ lịch, ba có thể dạy con gái tập bơi. Đi du lịch, chồng có thể thấy vợ mình cũng “không đến nỗi nào”, chỉ có điều ngày thường vì bận rộn mà không quan tâm tới. Đi du lịch, vợ bỗng thấy chồng cũng dịu dàng, ân cần với gia đình chứ không phải chỉ biết đến công việc như mọi khi. Đi du lịch, người già thấy mình còn được con cháu quan tâm, thấy gia đình còn những cơ hội cùng vui vầy, chia sẻ. Đi du lịch, người trẻ có thêm cơ hội thể hiện lòng biết ơn với người già, những ông bố bà mẹ, người ông người bà quanh năm cô đơn vì con cháu bận bịu chuyện xã hội.

Hãy thiết kế những chuyến đi nho nhỏ trong năm, dù không vì “mẹ đã vất vả” và dù không vì “nợ con một lời hứa”. Những chuyến đi của cả gia đình sẽ mang lại nhiều “lợi nhuận” vô hình và nhiều khi là không “đong đếm” được cho tất cả các thành viên trong gia đình…

Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

BÍ MẬT




Lúc Đài Đồng Nai chuẩn bị phát sóng truyền hình, tôi, Minh Chung, chị Tô Ngọc Cảnh và Giáng Hương được cơ quan cử đến Đài truyền hình TPHCM để học. Trong một số nội dung học thì có vụ “quay video”.

Một lần thực tập ghi hình trong khu du lịch Văn Thánh, vác cái camera M7 đi lang thang trong khu chòi xinh xinh, tôi bất ngờ nhận thấy 2 người quen đi ra từ một cái chòi như thế ở cự ly quá gần (trước đó, cái chòi này đóng cửa chỉ có 2 đôi giày nam – nữ phía trước mà tôi định bụng sẽ ghi một cái cảnh cận).

Người đàn ông là nhân vật khá nổi ở địa phương tôi, là hình mẫu của sự thành đạt cũng như hình mẫu của một người chồng trong một gia đình hạnh phúc. Người phụ nữ trẻ cùng ra với ông ta từ cái chòi ấy cũng là người tôi biết. Và không phải là vợ ông.

Cuộc gặp gỡ quá bất ngờ làm tất cả chúng tôi lúng túng. Nhưng lúc đó, tôi không phải là người lúng túng nhất. Chào hỏi vài câu với cái cười méo xẹo, người đàn ông đó nhanh chóng choàng vai tôi lôi ra một góc và bắt đầu giải thích. Em chưa có gia đình, em chưa hiểu được thế giới hôn nhân phức tạp thế nào. Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Sau này lớn em sẽ hiểu anh hơn. Thôi cho anh xin đoạn băng. Vì sao em lại theo dõi anh như thế? Ai nhờ em làm chuyện này?

Đến nước này thì tôi lại thành người khó xử và là phải lo thanh minh. Rằng thì là tôi đang đi thực tập, tôi không "làm báo" chỗ này, càng không có ai thuê tôi làm thám tử tư cả. Vân vân và vân vân…. Nhưng tôi càng giải thích, ông ta càng nghi ngờ. Cuối cùng tôi đành tua lại đoạn băng và cho ông coi tạm qua visual của máy ghi hình.

Ấy vậy nhưng ông cũng không an tâm nên sau đó vài ngày, ông tìm đến khu tập thể tôi ở trước sự ngạc nhiên của anh em đồng nghiệp (vì ông là nhân vật có máu mặt), và mời tôi đi nhậu (vì thời đó chưa có di động). Tôi từ chối hoài không được và có lẽ cũng muốn để cho ông thanh thản, nên đành đi ra quán cùng ông ta. Nhậu nhẹt kiểu này nó chẳng sướng ích gì dù ông kêu đủ món ngon, rượu ngoại đắt tiền. Và tôi đã hứa với ông là sẽ không nói chuyện này cho ai biết.

Nhưng nắm giữ một bí mật của người khác cũng cực lắm thay. Nhất là khi thỉnh thoảng lại gặp. Chẳng biết nỗi khổ của ông với nỗi khổ của tôi, cái nào hơn cái nào?

(Ảnh trên chỉ có tính chất minh họa)

P/S: Khi viết xong entry này, có vài bạn comment hoặc gửi mess vào blog để suy đoán non già và hiểu sai ý của entry. Xin nói thêm rằng, chuyện xảy ra khá lâu, chính xác là 18 năm rồi. Và trong câu chuyện tôi không hề để lộ một chi tiết nào để có thể liên tưởng 2 người trong ấy là ai. Vả lại, bây giờ tôi có “công bố sự thật” thì có khi người ta nói tôi vu khống không chừng, nghĩa là chẳng có bằng chứng gì cả.

Blog Page

Nhãn:

BÓC LỘT

Ra trường thời bao cấp, lương thấp và thiếu đủ thứ. Ngoài công việc cơ quan, tôi còn làm nhiều “nghề” để kiếm thêm. Có một cái “nghề” do tôi và một anh bạn họa sĩ cùng triển khai, giờ đây, nghĩ lại thấy giật mình.

Hồi đó, mỗi khi có dịp công tác đến các cơ quan, xí nghiệp, công ty có mặt tiền đẹp là tôi ráng gợi ý cho thủ trưởng làm mới hoặc sửa lại các bảng biển cơ quan cho hoành tráng. Khi các thủ trưởng đồng ý là tôi mời anh bạn họa sĩ tới để khảo sát và làm design. Bấy giờ chưa có máy tính nên cứ phải vẽ tay bằng bột màu 3, 4 phương án. Trong số các phương án đó thì phương án tối ưu của tụi tôi là làm sao cho lợi nhất công đầu tư. Chẳng hạn như trong số vật tư tồn kho của chúng tôi đang có mấy thùng sơn màu xanh lá do làm xô triển lãm vừa dư ra thì phải… thuyết phục cho bằng được các đồng chí thủ trưởng chọn phương án có màu xanh lá chủ đạo. Tất nhiên tôi phải dùng ba tấc lưỡi để phân tích hiệu quả PR thương hiệu và thẩm mỹ cho phương án thiết kế đó (hồi đó chưa có các khái niệm PR, thương hiệu). Nói chung là làm sao để "đầu vào" ít nhất mà ký hợp đồng được giá nhất.

Sau khi các đối tác đã đồng ý làm bảng biển hoặc sửa lại bảng biển cũ, chúng tôi tiến hành các thủ tục cần thiết và triển khai thi công. Khâu quan trọng số một là đàm phán giá cả và lên kế hoạch, tiến độ thì tôi cũng phải tiếp tục lo. Sau khâu này thì phần còn lại, chúng tôi thuê tất.

Ở Biên Hòa có một trường Cao đẳng Mỹ thuật. Sinh viên mỹ thuật ứng dụng ở đây thời đó còn đói hơn bọn phóng viên mới ra trường như chúng tôi. Thuê các sinh viên này thi công rất rẻ. Thỉnh thoảng tôi và thằng bạn phóng xe máy tới công trường để đốc công. Gọi vài gói thuốc gửi cho các bạn sinh viên để động viên!

Sau mỗi “xô” như thế chúng tôi bỏ túi cũng bộn. Nói theo vật giá bây giờ thì mình được 5 triệu thì các bạn sinh viên cũng có mấy trăm ngàn.

Nhiều cái bảng biển vẽ cực vô cùng. Sinh viên phải treo ngược người từ trên độ cao theo sự hướng dẫn miệng của một bạn sinh viên khác từ dưới đất để vẽ. Hoặc họ phải bắc thang từ trên sân thượng thòng xuống để xử lý (như vẽ trên bồn nước lớn chẳng hạn). Vẽ trong tư thế như vậy, họ không ước lượng được tỷ lệ nên phải lên xuống nhiều lần để ngắm nghía, hoặc sửa chữa.

Những sinh viên mỹ thuật làm thuê cho tôi thì được trả tiền công nhật. Còn bọn tôi, nhờ nước bọt mà kiếm gấp nhiều lần họ.

Sau vài năm thì các công ty quảng cáo ra đời. Chuyện làm ăn theo kiểu quan hệ của chúng tôi cũng không còn đất dụng võ.

Nhưng đến giờ khi đi làm thuê cho thiên hạ, mới thấy rõ: Quả là làm “chủ dự án” hay các loại làm chủ khác bao giờ cũng sướng hơn đứa làm thuê.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

HAO




Nhà văn Nguyễn Quang Lập có một blog rất hot, đọc ở đây.

Mỗi entry của anh là những câu chuyện kể thú vị, độc đáo, sâu sắc

Tôi biết được blog của anh hơi trễ nhưng đã dành thời gian để đọc hết các entry và những comment, khi nào anh có entry mới thì đọc ngay.

Văn anh giàu nhạc điệu và giỏi chi tiết. Nhưng entry này không làm chuyện bình văn. Chỉ xin nói một nhận xét vui vui khi đọc các tản văn từ blog nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Nếu có thời gian tôi sẽ thống kê (thực ra chỉ cần nhờ IE nó “find” dùm một tí là ra) trong toàn bộ những entry anh đã post, có bao nhiêu cặp dấu ngoặc kép.

Quả là nó ít thật.

- Ngày đầu mới gặp thằng Khoa, nó vỗ vai nói ông tài, đang sướng thì thấy nó vỗ vai cái ông bên cạnh nói ông tài. Sáng sau đến cổng hội nhà văn, gặp nó đứng với cái ông văn chương nhạt hoét, vỗ vai nói ông tài. Từ đó nó khen gì, mình cũng cười nhạt nhạt, gật gật đầu qua chuyện, kì thực bỏ ngoài tai hết.

- Mấy người hỏi nước mô mà dại rứa hè. Anh Cu Chành nói các anh trên trung ương dặn cứ nói các đồng chí bạn, không được lộ ra nước nào. Nhưng tui nói nhỏ, bà con bí mật nghe, đó là nước Trung Quốc.

Ví dụ thế này thì nhiều lắm.

Cách viết như thế, mới nhìn, có vẻ như khó phân biệt lời gián tiếp và lời trực tiếp trong hội thoại vì nó thủ tiêu đặc trưng trực tiếp của ngữ cảnh, chỉ có ngữ cảnh nội tại của chính nó.

Cứ theo thói thường hoặc theo các nhà mô phạm thì lời trực tiếp được đặt trong ngoặc kép hoặc sau dấu gạch đầu dòng còn lời gián tiếp là lời của người trần thuật, người kể chuyện nhằm giới thiệu, miêu tả, bình luận. Blog của anh Lập nếu có các cặp dấu ngoặc kép thì hầu như không phục vụ cho việc trích dẫn lời nhân vật.

Nhân vật tôi (Lập) cùng lúc vừa trần thuật vừa miêu tả tâm lý và tư tưởng của nhân vật.

Thủ pháp này anh Lập sử dụng khá thành công.

Và tôi gọi blogger Nguyễn Quang Lập là người sử dụng ký hiệu tiếng Việt ít hao dấu ngoặc kép!

Nhãn:

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2008

GIẢ VÀ THẬT




1/ Trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 vào đêm 8 tháng 8 mới đây, hình ảnh cô bé Lâm Diệu Khả với gương mặt khả ái, với nụ cười cực kỳ dễ thương xuất hiện để trình bày bài hát ca ngợi Tổ quốc Trung Hoa khi lá cờ nước chủ nhà được đưa vào sân vận động tạo ấn tượng khá mạnh trong hàng tỷ người xem trực tiếp lễ khai mạc qua màn ảnh nhỏ.

Hình ảnh bé Lâm Diệu Khả ngày hôm sau lễ khai mạc tràn ngập trên báo chí Trung Quốc và báo chí quốc tế. Tờ báo danh giá The New York Times đăng hình bé trên trang nhất.

Thế nhưng mới đây, một số hãng thông tấn nước ngoài đưa tin: Bé Lâm Diệu Khả chỉ hát nhép. Giọng hát thật do một cô bé khác có tên là Dương Bái Nghi, 7 tuổi. Cô bé có chất giọng đẹp Dương Bái Nghi này do gương mặt không ăn ảnh, thân hình hơi béo nên chỉ được chọn để hát thu vào đĩa.

Có những luồng ý kiến phản ứng trái ngược nhau về thông tin này:

+ Bé Dương Bái Nghi không được chọn vì các nhà tổ chức muốn tiết mục phải tạo nên những hình ảnh đẹp vì lợi ích của đất nước Trung Quốc. Chọn bé Lâm Diệu Khả xuất hiện trước ống kính vì bé này có một hình ảnh hoàn mỹ, tạo được nhiều cảm xúc và ấn tượng.

+ Một số ý kiến khác cho rằng cách thực hiện tiết mục này là lừa dối, gây thất vọng. Tại sao ban tổ chức không thể tìm được một bé gái vừa xinh, vừa hát hay ở một đất nước đông dân như thế? Cách làm này sẽ có tác động tới cuộc sống của cả hai đứa trẻ trong tương lai, đặc biệt là cháu bé hát nhép vì hiện tại, cháu trở thành là kẻ lừa dối.

2/ Chuyện hát nhép là chuyện phổ biến trong các hoạt động giải trí truyền hình, trừ các chương trình thi hát đơn ca (vốn có quy định cấm hát nhép của ban tổ chức) hoặc các trò chơi liên quan đến phản xạ hát.

Và có vẻ như hát lip-sync, hát playback có xuất xứ từ hoạt động truyền hình. Cải lương vốn không có tiết tấu chặt chẽ như các ca khúc tân nhạc mà người ta cũng phải sử dụng thủ thuật hát nhép. Cách nay hơn chục năm, video cải lương phát triển rầm rộ, nhiều kịch bản khai thác chi tiết quay ngoại cảnh để cho khung hình sinh động. Các nhóm ghi hình cải lương phải tìm đến những địa điểm như khu du lịch Bửu Long, Đầm Sen, Văn Thánh v.v… để khai thác cả sông, hồ, núi non mà ghi hình. Mỗi lần ghi hình thì người dân hiếu kỳ tụ lại coi và bàn tán om sòm. Không hát nhép mà thu trực tiếp như phim sitcom thì phải ôm hết cái mớ tiếng ồn của đám đông, của gió, của còi xe. Tiếng hát, lời thoại được cấy vào track tiếng trên băng video trước, khi ghi hình, đạo diễn cho phát lại, diễn viên cứ thế mà nhép. Có điều, như đã nói, tiết tấu thoại và cả hát cải lương nó không chặt nên thường cứ mỗi đầu câu thoại, câu hát là đạo diễn phải chọn khung hình thật rộng để diễn viên “bắt” theo băng chính xác rồi mới chọn cảnh cận.

Trong các chương trình truyền hình có biểu diễn văn nghệ như ca nhạc, đặc biệt là trực tiếp, hát nhép là giải pháp an toàn kỹ thuật và bảo đảm chất lượng. Không gian biểu diễn của ca sĩ, vũ đạo của ca sĩ và nhóm múa minh họa không cho phép bố trí micro để thu tốt nên phải hát nhép. Thậm chí có nhiều chương trình các diễn viên hát nhép không thèm bố trí “micro giả”. Ví dụ, các tiết mục biểu diễn trong trò chơi “Rung chuông vàng” của các trường đại học. Các ca sĩ sinh viên không ai cầm hay đeo mic mà âm thanh rất chất lượng!

Có nhiều ca sĩ được biên đạo múa xây dựng phần vũ đạo quá phức tạp, chỗ cần có tư thế cơ thể lấy hơi thì lọt vào một động tác diễn xuất rất oái ăm như gập người chẳng hạn thì có tài nào vừa hát thật vừa múa khỏe được. Đạo diễn truyền hình thì đủ khôn ngoan để né những khung hình có nguy cơ làm cho khán giả phát hiện hát nhép.

Nói chung hát nhép có lý do tồn tại của nó trên truyền hình nhân danh sự phục vụ tốt nhất cho khán giả.

Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối chuyện hát nhép trên truyền hình, thậm chí nặng nề thì cho đó là thiếu trung thực. Những người ủng hộ xu hướng làm truyền hình thực tế (reality TV) thì còn phản đối mạnh hơn: Người ta cần đón nhận cảm xúc thật của ca sĩ qua phần trình bày, dù nó có những lỗi kỹ thuật hay chất lượng âm thanh chưa tốt chứ không muốn một sự hoàn hảo giả tạo.

3/ Sáng nay trước khi đi làm, bật kênh truyền hình có rating cao của thành phố lớn, lại gặp 3 biên tập viên ngồi nói chuyện buổi sáng. Một chương trình mà cả 3 BTV đều đóng kịch rất không hoàn hảo. Họ tổng hợp những bài báo đủ các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa – xã hội. Họ đọc tư liệu xào trên báo nhưng thỉnh thoảng cứ đưa đẩy “phải không anh X?”, “Y có đồng ý như thế không?”… Xem loạt chương trình này có cảm giác các BTV của đài ấy giống những nhà thông thái, lĩnh vực nào họ cũng nói sâu sắc, trôi chảy. Một người bạn nói rằng có bữa anh nghe họ “kể chuyện” nguyên xi nội dung bài báo của anh vừa đăng nhưng chẳng thèm nhắc tên tác giả.

Thỉnh thoảng trong chương trình truyền hình này cũng có insert các tư liệu hình ảnh cho đỡ ngán mắt thính giả. Nhưng cái kiểu làm truyền hình như thế này ngay cả phát thanh hiện đại cũng không được các chuyên gia chấp nhận. Đồn rằng, ý tưởng các chương trình này xuất phát từ một nhà báo to từ phát thanh chuyển về.

Bà xã tôi nói làm báo kiểu này cũng giống hát nhép.

Ý kiến của bạn?

Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2008

PENTIX CUỘC ĐỜI




Tôi làm quen với tin học cách nay đúng 18 năm, thầy dạy lúc đó là kỹ sư Phạm Hoài Nhân (blogger Hai Au).

Những chiếc máy vi tính đầu tiên chúng tôi được thực tập chỉ là máy tính XT. Hồi đó hệ điều hành windows chưa phổ biến ở Việt Nam, các phần mềm, kể cả phần mềm chế bản đều chạy trên nền DOS. Vậy mà cũng được học lập trình với Pascal, Foxbase. Các bạn trẻ bây giờ chắc không hình dung nổi những cái máy tính XT không có ổ cứng, chỉ xài đĩa mềm. Đĩa mềm to và mỏng (xem hình) giống như cái phong bì đám cưới bây giờ mà dung lượng chỉ có 360 kB. Học phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu Foxbase, học lập trình Pascal thì cũng dùng 2 cái đĩa mềm để khởi động soft và ghi dữ liệu.

Lúc bấy giờ, cái trò chơi pentix chạy trên nền hệ điều hành DOS là món thú vị nhất. Cái trò chơi này cũng có dung lượng chừng mấy chục kB. Có nhiều lúc tôi chơi mê mẩn cả buổi chiều.

Trò chơi pentix sau đó cũng phổ biến trong các máy chơi games, điện thoại di động và bà con mình quen gọi là trò chơi xếp gạch. Nó cũng có nhiều biến thể phong phú, nhiều tùy chọn, và có các dạng 3D (tetrix hoặc block) rất đẹp mắt.

Trò pentix có thể lệ đơn giản: khi cuộc chơi bắt đầu, trên màn ảnh sẽ xuất hiện ngẫu nhiên các mẩu pentix với nhiều hình dáng, rơi tự do, người chơi phải dùng các phím xoay, chuyển trái, chuyển phải, đi xuống để điều khiển và sắp xếp hợp lý. Quá trình chơi là quá trình giải quyết cái sự lộn xộn liên tục phát sinh ấy. Mức độ khó khăn của chuyện giải quyết càng lúc càng cao, càng nhanh. Trò chơi kết thúc cho đến khi người chơi mất khả năng điều khiển các mẩu pentix!

Image

Sau nhiều năm ngồi bên bàn phím của các đời máy AT, Pentium, các hệ điều hành mỗi năm mỗi nâng cấp, tôi cũng có dịp thử nhiều trò chơi khác nhưng cuối cùng vẫn thấy mình mê pentix nhất.

Hỏi vì sao thì tôi không tự lý giải được. Phải chơi nó cả lúc buồn hay vui. Khỏe mạnh hưng phấn hay lúc mệt mỏi, buồn bã mới cảm được điều đó.

Pentix có vẻ giống cuộc đời. Những mẩu pentix lộn xộn cứ xuất hiện y như những dữ kiện đời sống cứ nảy sinh bất ngờ buộc ta phải giải quyết. Đang định viết một entry thì có một cú điện thoại của người anh lớn mời đi nhậu. Đang định đưa con đi chơi thì có một nhóm bạn xuất hiện bất ngờ. Đang dự định triển khai những hoạt động theo hướng này, hướng nọ thì bị cấp trên sắp xếp một công việc khác…

Và mình phải điều khiển để cuộc chơi của đời mình trôi chảy.

Phán đoán, suy luận và quyết định nhanh, đúng.

Sửa sai lầm, bình tĩnh, tự tin.

Cuộc đời sao giống pentix quá.

Có điều khi pentix báo hiệu GAME OVER thì mình còn có cơ hội mở một ván mới. Còn trong cuộc đời?

Blog Page

Nhãn:

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2008

VÕ ĐÔNG SƠ

+ Chời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…
- Bạn tình ơi…
+ Này này, tôi đang hát hứng thú như thế tại sao ông lại chen vào
- Hát vọng cổ phải hát giọng Nam nó mới ra, ai lại đi hát giọng Bắc!
+ Tôi thích thì tôi hát! Tối qua coi Vầng trăng Cổ nhạc, nghe lại bài hát Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà sao mà nó hay quá! Hồi còn nhỏ tôi mê nên tập bài này thuộc lòng đấy nhé!
- Bà mê Võ Đông Sơ hay mê Bạch Thu Hà?
+ Hỏi gì mà kỳ thế? Võ Đông Sơ là một trang nam nhi văn võ song toàn và có một tâm hồn sâu sắc đến thế ai không mê, không tự hào…
- Võ Đông Sơ là một nhân vật của tiểu thuyết kiếm hiệp mà đi mê thì tôi hết biết cho bà…
+ Này, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe nhé! Ai nói ông là Võ Đông Sơ là nhân vật được hư cấu?
- Ủa chẳng lẽ Võ Đông Sơ là nhân vật lịch sử à? Đây đọc sử nhiều hơn đọc báo à nhen! Tui hỏi bà Võ Đông Sơ là ai? Người Việt hay người Trung Quốc?
+ Tự hào là đọc nhiều mà cái đoạn này thì không biết… Nói cho ông nghe nhé: Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc Công Võ Tánh và Công Chúa Ngọc Du. Võ Đông Sơ từng đậu tiến sĩ và tòng sự dưới trướng của Tổng Trấn Bắc Hà Quận Công Lê Văn Duyệt!
- Lạ quá! Sao thấy sử sách của mình không nhắc tới mà có nơi nào có đường Võ Đông Sơ đâu bà?
+ Ừ, cái này tôi cũng không biết nữa. Thôi để hỏi mấy blogger xem…

(Ý tưởng entry này của bác Hai Au)

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2008

NHẮC KHÉO THẾ




Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2008), tối qua, trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài phát biểu quan trọng dài 1701 chữ. Bạn tôi khi xem thời sự thì điện thoại hỏi, sao Thủ tướng đọc một bài dài hơn 10 phút mà không cầm giấy vẫn không vấp?

Câu hỏi của anh bạn làm tôi nảy ra ý tưởng viết entry này.

Lâu nay khi xem các biên tập viên, phát thanh viên trình bày bản tin hay dẫn chương trình truyền hình, nhiều người cũng thấy lạ: sao họ có thể thuộc lòng nhiều đến thế? Dần dà, khán giả cũng đoán ra rằng những biên tập viên, phát thanh viên, phóng viên ấy phải có một cái bảng chữ nào đó để được nhắc tuồng.

Nhưng nếu có cái một cái bảng hay cái màn hình lớn thì nó sẽ được đặt ở đâu? Đặt trên cao thì người đọc phải ngước mắt lên chứ? Còn đặt đúng tầm mắt nhìn ra ống kính thì nó… che mất camera làm sao ghi hình?

Trong lịch sử hình thành các thiết bị nhắc tuồng này, ban đầu, người ta đã dùng giấy cuộn, in văn bản lên giấy và cho “chạy” kế bên camera như thế. Và trải qua thời gian nó có một bước tiến khá dài. Thiết bị “nhắc tuồng” hiện nay đang phổ biến rộng rãi ra đời năm 1992.

Tên gọi của hệ thống thiết bị này cũng trải qua một quá trình thay đổi. Hiện nay, phổ biến là teleprompter (còn gọi là autocue, tạm dịch là máy nhắc).

Wikipedia định nghĩa máy nhắc là “a display device that prompts the person speaking with an electronic visual text of a speech or script

Phần quan trọng và độc đáo của thiết bị này là một màn hình trong suốt được đặt trước ống kính của máy ghi hình. Dòng văn bản sẽ chạy trên màn hình này phản chiếu vào mắt người đọc. Màn hình này là một dạng gương một chiều (one-way mirror). Tín hiệu hình ảnh của người đọc vẫn xuyên qua màn hình để đến với ống kính camera mà không bị ảnh hưởng những dòng chữ chạy trên tấm kính đó. Dòng văn bản được chiếu lên màn hình từ một máy vi tính. Người đọc có thể điều khiển tốc độ cuốn văn bản theo ý mình, giống như chúng ta đọc một cuốn truyện trong phần mềm winword vậy!

Sơ đồ và tấm hình sau đây (mượn từ wikipedia) sẽ cho chúng ta hình dung dễ hơn:

so do Prompter by you.

1/ camera

2/ màn che phủ giữa ống kính camera và màn hình gương một chiều

3/ màn hình chiếu tín hiệu văn bản lên màn hình gương một chiều được phát đi từ một máy vi tính

4/ Màn hình gương một chiều đặt chếch 450 so với phương thẳng đứng

5/ Tín hiệu hình ảnh người đọc được thu vào ống kính camera

6/ Tín hiệu phản chiếu của dòng văn bản vào mắt người đọc

290px-Teleprompter_in_use by you.

Hiện nay thiết bị này hầu như được phổ biến trong các đài truyền hình. Biên tập viên, phát thanh viên nhiều đài bây giờ đọc bằng thiết bị này khá có nghề, họ cũng biết “diễn” ánh mắt thật tự nhiên, chứ không quá chăm chú để tạo cảm giác đang nói. Mỗi người có thị lực khác nhau nên thường cài đặt cỡ phông chữ (font size) khác nhau. Phông chữ càng to càng dễ đọc nhưng màn hình diện tích có hạn nên nếu chọn cỡ chữ to quá thì khó quét mắt được cả một câu dài, nhiều mệnh đề (dẫn đến tình trạng ngắt câu sai). Được cái là máy tính cho phép người đọc vừa đọc vừa điều khiển nên lỡ đọc sai thì cuộn (scroll) ngược lại.

Bạn nào muốn biết thêm thông tin về nguyên lý hoạt động, giá cả của thiết bị này thì search trên net, nhiều lắm!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

QUANG TRUNG THUẬN TAY NÀO?

Ở Bình Định có 2 tượng đài vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

1. Tượng đài vua Quang Trung đặt tại một công viên ở trung tâm thành phố Quy Nhơn bằng chất liệu đồng. Tượng đài này dường như đã trở thành biểu tượng của vùng đất Quy Nhơn – Bình Định. Trên trang chủ báo Bình Định online có hình tượng đài này đặt cạnh măng – set. Trong rất nhiều ấn phẩm, nhiều mặt hàng lưu niệm ở Bình Định, bức tượng này được khai thác, tái hiện.

Quang Trung trong tượng đài này không cưỡi voi mà phi ngựa, tư thế rất đẹp. Tay PHẢI nhà vua đang vung gươm.

dong chi Quang Trung 2 by you.

2. Tượng đài vua Quang Trung thứ hai tại Bình Định đặt trong khuôn vuôn bảo tàng Quang Trung. Đây là hình ảnh vua Quang Trung đứng trước đại quân, tuyên lời hiệu triệu đánh đuổi ngoại xâm. Tượng này được xây cao 10m (trong đó bệ tượng cao 4m).

dong chi Quang Trung by you.

Trong bức tượng này, tay PHẢI vua Quang Trung đang đưa lên (trong lúc "trình bày" lời hiệu triệu chứ không phải hoàng đế Quang Trung giơ tay ra là để… kính chào quý khách như một cô dự thi hoa hậu vừa trả lời ứng xử với Ban giám khảo). Còn tay TRÁI nhà vua đang cầm chuôi kiếm (cái kiếm khá to và được đeo hơi trễ xuống phía bên tay trái).

Có ông bạn xem bức hình này trong entry trước của mình thì gửi mess hỏi: Vua Quang Trung cầm kiếm tay nào?

Mình nghĩ chắc vua Quang Trung vẫn cầm kiếm tay phải thôi, đeo kiếm bên trái cho dễ rút. Nhưng bạn mình thì có đứa nói những vĩ nhân thường có các đặc điểm khác người: biết đâu vua Quang Trung thuận tay trái?

Post hai tấm hình này lên, xin các bạn cho ý kiến giải thích dùm!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2008

NHANH VÀ CHẬM




Ngày 6/8 này, Truyền hình cáp HTVC (Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) sẽ cho ra mắt công nghệ truyền hình HDTV. Đây có thể coi là sự kiện công nghệ có ý nghĩa trong năm 2008 này (sau sự kiện Vinasat 1). Lần đầu tiên ở Việt Nam công nghệ truyền hình HDTV được đưa vào phát sóng.

HDTV (High definition Television) là dạng truyền hình độ phân giải cao, cho phép hiển thị chất lượng hình ảnh rất sắc nét với nhiều chi tiết của hình ảnh mà công nghệ SDTV (Standard definition Television) chúng ta xem lâu nay chưa thể làm được.

Nếu SDTV có độ phân giải: 720 X 576 thì HDTV có độ phân giải 1920 X 1080 hoặc 1280 X 720, tỷ lệ khung hình của HDTV là 16:9 chứ không phải là 4:3 như SDTV.

Cùng với số frame hình/s giống với SDTV, nhưng HDTV phải truyền một khối lượng dữ liệu hình ảnh cao hơn rất nhiều so với SDTV.

Âm thanh của công nghệ truyền hình HDTV là âm thanh 5.1 channel CD-quality Dolby Digital (AC-3) Surround sound. Âm thanh “nổi” của công nghệ HDTV gồm 6 kênh âm thanh riêng biệt: Left, Center, Right, Left Real, Right Real, Subwoofer.

Để sản xuất các chương trình truyền hình bằng công nghệ HDTV thì các thiết bị như camera, dựng, ghi băng, ghi đĩa phải theo đúng chuẩn này.

Còn để xem được truyền hình bằng công nghệ HDTV tại nhà, khán giả tối thiểu phải có một cái máy thu hình chuẩn HD, có một thiết bị gọi là Set top box HD có giao diện HDMI nối với TV (vì chưa hãng nào làm cái TV có sẵn tuner thu HD). Ngoài ra, để nghe được âm thanh surround, TV cũng cần phải nối với một hệ thống loa surround

Rất nhiều bộ phim hay trên thế giới lâu nay chúng ta đã xem qua truyền hình ở Việt Nam vốn được sản xuất với công nghệ HDTV nhưng với công nghệ phát sóng cũ, khán giả không thể thưởng thức phim đúng chất lượng. Mới đây, cuộc thi hoa hậu hoàn vũ 2008 cũng được Đài truyền hình NBC ghi hình và phát sóng lên vệ tinh với công nghệ HDTV nhưng VTV3 chỉ có thể phát sóng SDTV nên họ phải convert cho ta chuẩn dữ liệu này.

Tất nhiên, để đa số bà con mình xem được truyền hình HDTV chắc cũng còn lâu vì tốn kém và mức độ phát triển của công nghệ này chưa thể nhanh được. Trước đó, vào ngày 1/8, kênh truyền hình O2TV – kênh thông tin chính thức của Bộ Y tế - phát trên hệ thống cáp của VTV (VCTV10) đã chính thức ra mắt khán giả. Mặc dù được kỳ vọng là kênh HDTV đầu tiên ở Việt Nam nhưng có lẽ do sự chuẩn bị chưa hoàn thiện nên kênh này vẫn phát sóng theo công nghệ SDTV.

Đài Truyền hình TPHCM lâu nay vẫn rất năng động trong việc đón đầu công nghệ. Chuyện đón đầu này có ý nghĩa thương mại cực lớn. Rồi đây chắc dân thành phố Hồ Chí Minh, rồi các vùng lân cận, cũng sẽ nô nức lắp set – top – box, mua TV HD để xem phim chất lượng cao! Các đại gia truyền hình như VTV, VTC hơi bị chậm chân trong cuộc đua này…

Nhãn:

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2008

AI VỀ BÌNH ĐỊNH MÀ COI

(Một entry theo phong cách "sến", bắt chước 9X)

dien vien Phan Van Tu trong phim Ve Quy Nhon by you.

Các bạn thử đoán xem bối cảnh trong bức ảnh này là chỗ nào ở Bình Định? Tác giả ảnh là nhà báo Bùi Thu Trang (báo Đồng Nai), tên “tác phẩm” này được tác giả đặt là “Diễn viên PVT trong phim Ai về Bình Định mà coi”.

chup o Bao tang quang trung 3 by you.

Đây là bảo tàng Quang Trung, có một người hâm mộ được chụp hình với diễn viên PVT, vui quá, cười tít mắt.

tac nghiep tren cau Thi Nai by you.

Đang “tác nghiệp” trên cây cầu vượt biển (đầm Thị Nại, Quy Nhơn) dài hơn 2,5 km - cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Hình như tên là cầu Thị Nại hay cầu Nhơn Hội?

co mot nguoi ham mo by you.

Lại cũng cái người hâm mộ này xin chụp ảnh chung trên cầu!

chup duoi goc da nha quang trung by you.

Và dưới gốc đa cổ thụ trong vườn nhà anh em Tây Sơn

thap van doi ma trang co minh by you.

Bình Định là tỉnh có nhiều tháp Chăm và tháp Chăm đẹp. Tháp đôi là một trong số những di tích Chăm rất đẹp, lại ở ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn. Có điều “tháp vẫn đôi mà Trang có một mình”!

chup voi Huynh Thuc Giap by you.

Cà phê tại một quán nằm trên đường Nguyễn Tất Thành. Người ngồi giữa là nhà báo Xuân Phụng, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Bình Định. Đồng chí mặc áo xanh đang say sưa quảng bá Bình Định không chịu quay mặt ra ống kính là một blogger quen thuộc, đố các bạn hắn là ai?

***

Lỡ hẹn với festival Tây Sơn - Bình Định dù đã lên kế hoạch đi Quy Nhơn từ một tháng trước. Hôm nay xem truyền hình, đọc báo, gặp lại những hình ảnh quen thuộc, bèn post lên mấy tấm hình đi Quy Nhơn hồi đầu năm.

Nhãn:

CẶC VÀ DÁI

Entry viết cách nay một năm, xin phép tái bản

Hồi còn sinh viên, một lần về miền Tây Nam bộ ăn đám giỗ, tôi có nghe một sản phẩm dân gian dưới hình thức cặp câu thơ đối rất ngộ nhưng lâu nay chưa thấy nhắc đến trong sách vở:

Nước chảy, cặc bần rung bây bẩy

Gió đưa, dái mít giãy tê tê

Hai câu tả cảnh không có gì đặc sắc. Cái đặc sắc của nó là đưa cả “cặc” lẫn “dái” vào một hình thức thơ trang trọng.

Cũng có một dị bản của hai câu này (khác ở chỗ đổi “nước chảy” thành “sóng vỗ”):

Sóng vỗ, cặc bần run bây bẩy

Gió đưa, dái mít giãy tê tê

Có ở vùng sông rạch miền Tây Nam bộ thì mới hiểu được.

“Dái mít” thì hầu như ai cũng biết, đó là cách nói khác của “khóm mít”. Còn “cặc bần”?

Trước hết, xin nói ngay, “bần” là một loài thực vật. Học giả Vương Hồng Sển viết về cây bần như sau: "Bần là cây gỗ tạp, mọc dựa mé nước, rễ nhiều, bám theo đất phù sa mà làm cho đất có phần vững chắc không trôi khi sóng đánh. Cây bần có lá xanh rất đẹp, ban đêm đom đóm đậu nhiều trông rất xinh. Có trái, ăn với mắm sống rất ngon. Chúa Nguyễn Ánh được nếm qua, rất hài lòng và ban cho tên chữ là Thúy Liễu. Rễ của bần dùng làm nút ve được. Phân ra có loại bần-chua, trái lớn; và bần-ổi, trái nhỏ hơn và tương đối ít chua hơn. Xưa nay, nghề uốn và chơi kiểng, phàm cây kiểng lão và gốc bần quá già, khi nào gốc dẽ ra ngoài bờ ngoài nước thì gọi là nó chiếu thủy, ý nói bóng cây ấy làm dáng và dòm xuống nước".

Image

Sông rạch miền Nam có nhiều loại cây khá đặc trưng, đặc biệt là những cây “mở đất” như đước, mắm. Bần cũng thuộc loại cây có công trong quá trình Nam tiến. Loài bần có những sợi rễ ngoi lên từ mặt bùn đất trông khá gợi tình. Người dân gọi đó là "cặc bần" tương tự như người miền Trung gọi những cội dứa hoang có những rễ cây thon thon nhô đầu đâm ra rồi trườn xuống, lăm le đâm vào bờ suối là “cặc dứa”....

Về Cà Mau, bạn sẽ được biết về cây mắm, cây đước, cây bần với "cặc bần", "cặc mắm". Đó là những loài thực vật cứ như người nông dân lom khom trên vùng đất mới để đi tìm một chốn dừng chân và lặng lẽ, miệt mài sinh sôi nảy nở với vùng đất sình lầy để lấn biển và giữ đất.

Image

Nguyễn Duy trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” có viết:

“Tôi về quê em - châu thổ mới bồi
sông Cửu Long giãn mình ra biển
đất cuồn cuộn sinh sôi và dịch chuyển
cây mắm cây tràm lặn lội mở đường đi”

Cây bần, cái tên gọi đã gần gũi với người nông dân nghèo, thường sống ở bờ sông, nửa ướt nửa khô, chơi với cá đùa với chim. Gốc bần trở thành "bến đò", là nơi dân nghèo neo đậu chiếc xuồng nhỏ. Hầu như không một người dân nghèo miền Tây nào lại chưa từng nếm bát canh chua nấu bằng quả bần. Cây bần cũng là hình ảnh thân thương trong tâm hồn của người miền Tây Nam bộ xa xứ.

Trái bần lúc còn non, ăn cũng rất thú vị. Có một điều độc đáo là hoa bần rất... quý phái: màu trắng tím, cánh hoa đỏ đậm, mảnh, cao. Tiểu nhuỵ nhiều, đáy chỉ đỏ tím, quả bì dày, nạc chua chua; hột nhiều.

Hiện ở miền Tây còn có nhiều khu vực bần sống thành rừng lớn như ở các các huyện Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Cây bần đang bị khai thác vô tội vạ để làm củi và rễ làm nút bần xuất khẩu.

Bần tạo thành rừng phòng hộ khá tốt và góp phần ổn định hệ sinh thái nhưng nguy cơ phá bần nuôi trồng thủy sản đang báo động. Cái lợi trước mắt có khi làm người ta không ngần ngại “bần cùng hóa” những rừng bần. Biết đâu có ngày nào đó, bạn sẽ không còn có cơ hội kiểm chứng cái... cặc bần trong câu ca dân gian trên đây?

Blog Page

Nhãn: