Thứ Hai, 11 tháng 8, 2008

PENTIX CUỘC ĐỜI




Tôi làm quen với tin học cách nay đúng 18 năm, thầy dạy lúc đó là kỹ sư Phạm Hoài Nhân (blogger Hai Au).

Những chiếc máy vi tính đầu tiên chúng tôi được thực tập chỉ là máy tính XT. Hồi đó hệ điều hành windows chưa phổ biến ở Việt Nam, các phần mềm, kể cả phần mềm chế bản đều chạy trên nền DOS. Vậy mà cũng được học lập trình với Pascal, Foxbase. Các bạn trẻ bây giờ chắc không hình dung nổi những cái máy tính XT không có ổ cứng, chỉ xài đĩa mềm. Đĩa mềm to và mỏng (xem hình) giống như cái phong bì đám cưới bây giờ mà dung lượng chỉ có 360 kB. Học phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu Foxbase, học lập trình Pascal thì cũng dùng 2 cái đĩa mềm để khởi động soft và ghi dữ liệu.

Lúc bấy giờ, cái trò chơi pentix chạy trên nền hệ điều hành DOS là món thú vị nhất. Cái trò chơi này cũng có dung lượng chừng mấy chục kB. Có nhiều lúc tôi chơi mê mẩn cả buổi chiều.

Trò chơi pentix sau đó cũng phổ biến trong các máy chơi games, điện thoại di động và bà con mình quen gọi là trò chơi xếp gạch. Nó cũng có nhiều biến thể phong phú, nhiều tùy chọn, và có các dạng 3D (tetrix hoặc block) rất đẹp mắt.

Trò pentix có thể lệ đơn giản: khi cuộc chơi bắt đầu, trên màn ảnh sẽ xuất hiện ngẫu nhiên các mẩu pentix với nhiều hình dáng, rơi tự do, người chơi phải dùng các phím xoay, chuyển trái, chuyển phải, đi xuống để điều khiển và sắp xếp hợp lý. Quá trình chơi là quá trình giải quyết cái sự lộn xộn liên tục phát sinh ấy. Mức độ khó khăn của chuyện giải quyết càng lúc càng cao, càng nhanh. Trò chơi kết thúc cho đến khi người chơi mất khả năng điều khiển các mẩu pentix!

Image

Sau nhiều năm ngồi bên bàn phím của các đời máy AT, Pentium, các hệ điều hành mỗi năm mỗi nâng cấp, tôi cũng có dịp thử nhiều trò chơi khác nhưng cuối cùng vẫn thấy mình mê pentix nhất.

Hỏi vì sao thì tôi không tự lý giải được. Phải chơi nó cả lúc buồn hay vui. Khỏe mạnh hưng phấn hay lúc mệt mỏi, buồn bã mới cảm được điều đó.

Pentix có vẻ giống cuộc đời. Những mẩu pentix lộn xộn cứ xuất hiện y như những dữ kiện đời sống cứ nảy sinh bất ngờ buộc ta phải giải quyết. Đang định viết một entry thì có một cú điện thoại của người anh lớn mời đi nhậu. Đang định đưa con đi chơi thì có một nhóm bạn xuất hiện bất ngờ. Đang dự định triển khai những hoạt động theo hướng này, hướng nọ thì bị cấp trên sắp xếp một công việc khác…

Và mình phải điều khiển để cuộc chơi của đời mình trôi chảy.

Phán đoán, suy luận và quyết định nhanh, đúng.

Sửa sai lầm, bình tĩnh, tự tin.

Cuộc đời sao giống pentix quá.

Có điều khi pentix báo hiệu GAME OVER thì mình còn có cơ hội mở một ván mới. Còn trong cuộc đời?

Blog Page

Nhãn:

12 Nhận xét:

Anonymous Mèo Béo nói...

Hic, em không biết trò này nhưng thường xuyên quên ăn quên ngủ với trò line.
Ước chi những lộn xộn của cuộc đời có thể giải quyết nhanh chóng, dễ dàng như mở một ván mới trong những trò chơi anh Tú nhỉ!?

lúc 20:12 10 tháng 8, 2008  
Anonymous Hai Au nói...

Hồi đó tôi cũng nghiện trò chơi Pentix này, và cố gắng chơi để đạt điểm cao nhất. Các bạn biết đó, mỗi Game đều có mục High Score để ghi điểm cao kỷ lục.
Tôi chơi miết, chơi miết, điểm số từ 10.000, lên đến 20.000, rồi 30.000… Tôi vẫn tiếp tục chơi để đạt điểm cao hơn.
Tôi đạt đến số điểm không tưởng của trò chơi này là 32.000 điểm, rồi hơn nữa… 32.200, 32.500, 32.700… Điểm càng cao càng thấy sướng!
Thế rồi đột nhiên, điểm số quay về… vài trăm điếm
Vốn có chút ít kiến thức về CNTT, tôi biết ngay là giá trị điểm số này chỉ được ghi trong 15 bit, tương ứng với giá trị tối đa là 32.767 điểm (2 mũ 15-1). Quá giới hạn đó điểm số sẽ quay về…0.
Vậy đó, đạt đến điểm cao nhất là sẽ trở về 0. Và khi đạt tới đó rồi tự nhiên chán, không còn mê chơi nữa!

lúc 03:51 11 tháng 8, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Cái liên tưởng hay. Khối lego cũng có "chức năng" như vậy.
Nhưng cuộc đời thì...

lúc 04:32 11 tháng 8, 2008  
Anonymous free nói...

Năm 1990. Thế hệ 386 DX mới xuất hiện ở Sài gòn, mình đã đầu tư một em tốc độ trung bình khá 20 Mhz (lúc này đã có 386 DX 33 Mhz), mất hơn một nghìn đô la, và luôn luôn ép xung (overlock) lên 40Mhz. Hệ điều hành DOS 4.0 rồi 5.0 (tên đầy đủ là MSDOS có nghĩa là DOS được mua và phát triển bởi Micosoft). Khi có DOS 6.0 thì cũng xuất hiện Windows 3.1. Lúc đó mình chỉ dùng win3.1 để quản lý thư mục là thấy có hiệu quả nhất. Thậm chí khi Sài Gòn phổ biến rộng rãi win95 thì mình vẫn chưa thèm dùng vì thao tác DOS đã quá thành thạo và chỉ khi Win98 ra đời mình mới chạy nó sau khi thay phần cứng chạy Pentium.
Với em 386 DX cũng có kỷ niệm đau buồn là đem về chạy AutoCAD 12 không được. Phải gắn thêm con co-processor tốn kém cả ngàn đô la nữa, trong khi đó 486 DX đã xuất hiện, có thể chạy AutoCAD mà không cần gắn co. Tức muốn hộc máu vì tốn tiền đầu tư sai thiết bị do thị trường máy tính tại Việt Nam chưa phổ biến.
Để hiểu thêm cấu trúc câu lệnh DOS lúc bấy giờ mình cũng mày mò Fox-pro gọi môm na là phóc rồ trên căn bản Pascal. Tức là phải thuần thục cơ sở dữ liệu trong Pascal sau đó nâng cấp lên Fox. Còn bảng tính thì Lotus123 mà sau này windows mua lại và phát triển lên thành Excel. Fox-pro phát triển thành Access. Lúc đó mình cũng viết được chương trình dò mìn bằng Pascal y chang như game Minesweeper của Windows chỉ khác giao diện của mình cực kỳ đơn giản, mìn được thể hiện bằng chữ M
Từ khi có win XP thì mình đoạn tuyện hoàn toàn với DOS

lúc 04:55 11 tháng 8, 2008  
Anonymous OverAC GPE nói...

Nhắc chuyện ngày xưa mới thấy công nghệ thay đổi chóng mặt còn thói quen và sở thích thì không thay đổi mấy.
Hồi trước sài win95 em chơi dò mìn cực kì giỏi (hì, tự nghĩ vậy không biết có hơn ai không). Bây giờ lâu lâu vẫn đem ra chơi. Kỷ lục ở mức Expert của em là 100 giây.

lúc 05:32 11 tháng 8, 2008  
Anonymous Hoàng Hưng nói...

Cuộc đời cũng như cũng như trò chơi, đó là "trò đời" - cũng ....over thôi. Tạo cho mình cơ hội mới trong một ván cờ mới,..

lúc 23:04 11 tháng 8, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Những suy tư sâu lắng về trò "xếp gạch". Cuộc đời chúng ta giá mà cũng được như vậy, cũng có thể refresh khi bấm F5 nhỉ? Thì chuyện gì sẽ xảy ra? Không biết. Nhưng có điều sẽ được làm lại từ đầu. Nhiều người cứ mong như thế, không biết rằng khi được refreshed, bạn phải trở về con số không, không nhà cao cửa rộng, không học vấn, không biết gì đến pentix cũng như blogging, không bạn bè, không con cái, và quay trở lại thời...ngồi bô! Hehe. Hình dung sơ bộ, thấy mà ngại. Thôi thì cứ bị Duo-core đào thải, khi ta đã hoàn thành sứ mệnh 386 của mình. Chúc một ngày tốt lành.

lúc 01:05 12 tháng 8, 2008  
Anonymous Ống kính Cuộc Sống nói...

Em cũng mê trò xếp gạch. Mỗi khi em bối rối, lo lắng, sợ hãi thì đều mở game xếp gạch trong dt ra bấm. Trò chơi này em chơi từ năm lớp hai, trong cái máy game bự của con nít, sau chơi trong máy tính, rồi trong dt. Đó là cách duy nhất em lấy lại bình tĩnh :D

lúc 02:20 12 tháng 8, 2008  
Anonymous An Thảo nói...

Thời đó em cũng xài đĩa máy tính phong bì. Hỏng liên tục và đĩa thì đắt. Cái máy hồi đó in chừng 5 phút mới được một trang in kim A4. Em cũng được học QBasic trên DOS. Không ngờ việc học nó giúp em nhiều kiến thức cho việc tự mày mò sau này.
Trò xếp gạch... tới giờ em không còn nhiều thời gian cho nó vì blog cướp roài. Hìhì. Nhưng hoá ra em cũng có liên tuởng giống ANH TÚ. Chỉ xin thêm thắt rằng những lỗ hổng phía dưới càng ít, càng ít sai lầm thì toà lâu đài cuộc đời càng vững chãi. Không dám nói là không có, chỉ hết sức ráng để hạn chế nó mà thôi. Rồi mỗi khi tự phá được lỗ hổng mình gây ra hay phá đảo lỗ hổng do chương trình cài, phê dữ vì cảm giác vượt qua chính mình. Còn khi lỡ không có vị trí phù hợp vừa khít, lại ráng tính một chỗ đáp khả dĩ, ít gây hậu hoạ nhất cho khối gạch. Sao thấy cuộc đời lắm tình huống cần chấp nhận giống thế cơ chứ.
Thêm chút này nữa nè. Trò này cứ tìm khe hở phù hợp để đẩy gạch vào. Có lần chơi cái máy cầm tay, em chơi lỡ gần tới sáng (hộ độc thân mờ), sáng sau ra đường thì cứ lăm le nhìn đít xe khác mà tông, còn tới cơ quan đọc báo thì cứ vợt chữ hàng phía trên xuống khe hở giữa các đoạn phía dưới. hêhê. Sau hãi quá. Vớ vẩn điên vì game thì chít.

lúc 03:40 12 tháng 8, 2008  
Anonymous Chaien nói...

Không biết anh có nhầm không, vì trò này tên là tetris (cái chữ còn sót bên góc trái màn hình anh chụp cũng ghi như vậy), tác giả là một người Nga http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2004/02/040211_tetris.shtml
XT chạy bằng CPU 8088, trước đó còn máy 8086 nữa. Cùng thời với XT còn có máy của NEC (Nhật) chạy bằng CPU của Motorola, đĩa floppy 180K, còn Pháp cũng có máy riêng, và Apple cũng có máy riêng - chạy bằng hệ điều hành Windows thực sự. Microsoft chỉ ra Windows sau đó thôi (dân trong nghề nói Gates ăn cắp ý tưởng Windows và chuột của Macintosh), chừng khoảng năm 1993 mới có bản Windows 3.1 chạy trên nền DOS, nếu so với 'windows' của Norton thì vẫn thua xa, chỉ sau này mới phát huy tác dụng nhờ giao diện đồ họa (graphic interface)

lúc 04:46 12 tháng 8, 2008  
Anonymous Chaien nói...

Trong ngạch trò chơi điện tử được phân thành 3 nhóm, thứ nhất là các trò chơi cá nhân như tetris, thứ hai là strategic games, không biết anh Tú đã thử kiểu như Dune hay Command Conquer và sau này là Sim City chưa, cảm tưởng thế nào về cuộc đời?

lúc 04:48 12 tháng 8, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

Hồi đó em chơi trò break game bằng cái máy của Trung Quốc màu vàng, em nhớ là lúc đó hầu như nhà nào cũng có một cái! Chơi ghiền luôn, ai cũng muốn mình được high score mà!
Năm em học lớp 7, trường em (lúc đó lớn nhất Daklak) đầu tư mua 10 cái 386, thế là chiều thứ 5 hàng tuần tụi em được làm quen với máy tính qua các games cơ bản như caro, đặt bom ..
Đến năm lớp 10 thì mới bắt đầu thực sự làm quen với Tin Học qua chương trình Pascal, Vietret và Win 5.1.
Em theo đạo Công Giáo, nên cuộc sống này không Game over mà chuyển sang một ‘giao diện’ khác! Hihi

lúc 05:43 12 tháng 8, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ