Thứ Tư, 13 tháng 8, 2008

GIẢ VÀ THẬT




1/ Trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 vào đêm 8 tháng 8 mới đây, hình ảnh cô bé Lâm Diệu Khả với gương mặt khả ái, với nụ cười cực kỳ dễ thương xuất hiện để trình bày bài hát ca ngợi Tổ quốc Trung Hoa khi lá cờ nước chủ nhà được đưa vào sân vận động tạo ấn tượng khá mạnh trong hàng tỷ người xem trực tiếp lễ khai mạc qua màn ảnh nhỏ.

Hình ảnh bé Lâm Diệu Khả ngày hôm sau lễ khai mạc tràn ngập trên báo chí Trung Quốc và báo chí quốc tế. Tờ báo danh giá The New York Times đăng hình bé trên trang nhất.

Thế nhưng mới đây, một số hãng thông tấn nước ngoài đưa tin: Bé Lâm Diệu Khả chỉ hát nhép. Giọng hát thật do một cô bé khác có tên là Dương Bái Nghi, 7 tuổi. Cô bé có chất giọng đẹp Dương Bái Nghi này do gương mặt không ăn ảnh, thân hình hơi béo nên chỉ được chọn để hát thu vào đĩa.

Có những luồng ý kiến phản ứng trái ngược nhau về thông tin này:

+ Bé Dương Bái Nghi không được chọn vì các nhà tổ chức muốn tiết mục phải tạo nên những hình ảnh đẹp vì lợi ích của đất nước Trung Quốc. Chọn bé Lâm Diệu Khả xuất hiện trước ống kính vì bé này có một hình ảnh hoàn mỹ, tạo được nhiều cảm xúc và ấn tượng.

+ Một số ý kiến khác cho rằng cách thực hiện tiết mục này là lừa dối, gây thất vọng. Tại sao ban tổ chức không thể tìm được một bé gái vừa xinh, vừa hát hay ở một đất nước đông dân như thế? Cách làm này sẽ có tác động tới cuộc sống của cả hai đứa trẻ trong tương lai, đặc biệt là cháu bé hát nhép vì hiện tại, cháu trở thành là kẻ lừa dối.

2/ Chuyện hát nhép là chuyện phổ biến trong các hoạt động giải trí truyền hình, trừ các chương trình thi hát đơn ca (vốn có quy định cấm hát nhép của ban tổ chức) hoặc các trò chơi liên quan đến phản xạ hát.

Và có vẻ như hát lip-sync, hát playback có xuất xứ từ hoạt động truyền hình. Cải lương vốn không có tiết tấu chặt chẽ như các ca khúc tân nhạc mà người ta cũng phải sử dụng thủ thuật hát nhép. Cách nay hơn chục năm, video cải lương phát triển rầm rộ, nhiều kịch bản khai thác chi tiết quay ngoại cảnh để cho khung hình sinh động. Các nhóm ghi hình cải lương phải tìm đến những địa điểm như khu du lịch Bửu Long, Đầm Sen, Văn Thánh v.v… để khai thác cả sông, hồ, núi non mà ghi hình. Mỗi lần ghi hình thì người dân hiếu kỳ tụ lại coi và bàn tán om sòm. Không hát nhép mà thu trực tiếp như phim sitcom thì phải ôm hết cái mớ tiếng ồn của đám đông, của gió, của còi xe. Tiếng hát, lời thoại được cấy vào track tiếng trên băng video trước, khi ghi hình, đạo diễn cho phát lại, diễn viên cứ thế mà nhép. Có điều, như đã nói, tiết tấu thoại và cả hát cải lương nó không chặt nên thường cứ mỗi đầu câu thoại, câu hát là đạo diễn phải chọn khung hình thật rộng để diễn viên “bắt” theo băng chính xác rồi mới chọn cảnh cận.

Trong các chương trình truyền hình có biểu diễn văn nghệ như ca nhạc, đặc biệt là trực tiếp, hát nhép là giải pháp an toàn kỹ thuật và bảo đảm chất lượng. Không gian biểu diễn của ca sĩ, vũ đạo của ca sĩ và nhóm múa minh họa không cho phép bố trí micro để thu tốt nên phải hát nhép. Thậm chí có nhiều chương trình các diễn viên hát nhép không thèm bố trí “micro giả”. Ví dụ, các tiết mục biểu diễn trong trò chơi “Rung chuông vàng” của các trường đại học. Các ca sĩ sinh viên không ai cầm hay đeo mic mà âm thanh rất chất lượng!

Có nhiều ca sĩ được biên đạo múa xây dựng phần vũ đạo quá phức tạp, chỗ cần có tư thế cơ thể lấy hơi thì lọt vào một động tác diễn xuất rất oái ăm như gập người chẳng hạn thì có tài nào vừa hát thật vừa múa khỏe được. Đạo diễn truyền hình thì đủ khôn ngoan để né những khung hình có nguy cơ làm cho khán giả phát hiện hát nhép.

Nói chung hát nhép có lý do tồn tại của nó trên truyền hình nhân danh sự phục vụ tốt nhất cho khán giả.

Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối chuyện hát nhép trên truyền hình, thậm chí nặng nề thì cho đó là thiếu trung thực. Những người ủng hộ xu hướng làm truyền hình thực tế (reality TV) thì còn phản đối mạnh hơn: Người ta cần đón nhận cảm xúc thật của ca sĩ qua phần trình bày, dù nó có những lỗi kỹ thuật hay chất lượng âm thanh chưa tốt chứ không muốn một sự hoàn hảo giả tạo.

3/ Sáng nay trước khi đi làm, bật kênh truyền hình có rating cao của thành phố lớn, lại gặp 3 biên tập viên ngồi nói chuyện buổi sáng. Một chương trình mà cả 3 BTV đều đóng kịch rất không hoàn hảo. Họ tổng hợp những bài báo đủ các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa – xã hội. Họ đọc tư liệu xào trên báo nhưng thỉnh thoảng cứ đưa đẩy “phải không anh X?”, “Y có đồng ý như thế không?”… Xem loạt chương trình này có cảm giác các BTV của đài ấy giống những nhà thông thái, lĩnh vực nào họ cũng nói sâu sắc, trôi chảy. Một người bạn nói rằng có bữa anh nghe họ “kể chuyện” nguyên xi nội dung bài báo của anh vừa đăng nhưng chẳng thèm nhắc tên tác giả.

Thỉnh thoảng trong chương trình truyền hình này cũng có insert các tư liệu hình ảnh cho đỡ ngán mắt thính giả. Nhưng cái kiểu làm truyền hình như thế này ngay cả phát thanh hiện đại cũng không được các chuyên gia chấp nhận. Đồn rằng, ý tưởng các chương trình này xuất phát từ một nhà báo to từ phát thanh chuyển về.

Bà xã tôi nói làm báo kiểu này cũng giống hát nhép.

Ý kiến của bạn?

Blog Page

Nhãn:

23 Nhận xét:

Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Anh Đông Quân say sưa ngồi giữa những người đẹp chứ dề? Cả cái anh gì già già tên Hưng thì phải. Đúng là phát thanh hoá truyền hình. Các quý bà "tám" trong chương trình phụ nữ gì đấy, phát 30 phút mỗi tối trên đài Bình Dương cũng một form. Thật chán! Cái này mang bên THái về, hình như theo chân nàng Giáng My thì phải. Cả hai chương trình này đều do một hãng truyền thông làm, hãng tên gì nhỉ, do Giáng My làm giám đốc đấy ạ.

lúc 01:05 12 tháng 8, 2008  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

Cô bé có giọng hát hay ấy có khuôn mặt cực kỳ bầu bĩnh, phúc hậu, hồn nhiên, em thấy đáng yêu hơn cô bé áo đỏ nhiều. Nhưng đúng là khuôn mặt ấy không phản ánh được thần thái Trung Hoa, bản chất Trung Hoa nên người ta tìm người biểu diễn thế là phải! Hehe

lúc 01:10 12 tháng 8, 2008  
Anonymous Lún Ghẻ nói...

luc coi cai openning do, em rat xuc dong va tan duong qua troi. sau nay, nhieu chuyen fake xay ra qua, lam em that vong thut su ve cach quang ba cua trung Quoc. chuyen hat nhep nhu tren thi KHONG THE CHAP NHAN duoc . hat nhep de ko bi su co , ok. nhung hat nhep giong cua nguoi khac , ma dan den nguoi xem understand la giong cua minh thi qua dang .tai sao mot dua be 9 tuoi , nhai giong 1 dua 7 tuoi ma lai sanh soi den nhu vay , co ve no duoc huyan luyen tu rat lau roi . ngay nao tren Yahoo cua my cung highlight mot vai negative news toward this Olympic. em that vong lam .

lúc 02:13 12 tháng 8, 2008  
Anonymous Ống kính Cuộc Sống nói...

hàng thật là đồ xa xỉ, đồ hiệu :D

lúc 18:44 12 tháng 8, 2008  
Anonymous Mshaudau nói...

Cái vụ gian dối giọng hát ở Olimpic là không thể chấp nhận được. Người lớn quá ác với trẻ em. Bảo em Bái Nghi không xinh là không đúng. Em ấy bầu bĩnh, ngây thơ, dễ thương, rất con nít đấy chứ. Nét mặt em ấy lại rất "Trung Hoa". Nói chung là thương em ấy, mới có 7 tuổi chưa biết gì đã bị kêu "xấu". Người lớn đúng là quá ác với trẻ em!
Còn vụ đài truyền hình "nhép" của báo giấy, ban đầu em còn bực mình, giờ thấy nhiều quá nên quen rồi, hết bực rồi, hehe.....

lúc 22:27 12 tháng 8, 2008  
Anonymous OverAC GPE nói...

Đọc bài này thấy đúng là buồn cười chuyện của người lớn thật.
Còn chương trình mà anh Tú đề cập trên HTV do bạn em làm biên tập. Hic hic.

lúc 22:30 12 tháng 8, 2008  
Anonymous An Thảo nói...

Dạ. Hàng thật là hàng để sẻ chia và cảm nhận cuộc đời thật ạ.

lúc 02:10 13 tháng 8, 2008  
Anonymous rhum nói...

con tem...
e đồng ý với việc hát nhép trong những chương trình quan trọng. VÌ những chương trình mang tính quan trọng như thế thì việc xảy ra sai sót là ko thể chấp nhận được. cho nên an tòan là trên hết. hehehe

lúc 02:13 13 tháng 8, 2008  
Anonymous free nói...

Giải quyết kỹ thuật bằng như thế cũng tạm chấp nhận với điều kiện "nhép" chính giọng của mình. Còn "nhép" giọng người khác thì hoàn tooàn là đánh lừa khán giả.

lúc 02:18 13 tháng 8, 2008  
Anonymous Cúc tím nói...

Ui dào, họ cũng có công nhép miệng hoặc diễn đạt lại đấy thôi! Bà con thông cảm...

lúc 02:28 13 tháng 8, 2008  
Anonymous Cúc tím nói...

Ui dào, họ cũng có công nhép miệng hoặc diễn đạt lại đấy thôi! Anh Tú và bà con thông cảm...

lúc 02:29 13 tháng 8, 2008  
Anonymous Cúc tím nói...

Ui dào, họ cũng có công nhép miệng hoặc diễn đạt lại đấy thôi! Anh Tú và bà con thông cảm và ghi nhận sự cố gắng đó thì hơn!

lúc 02:30 13 tháng 8, 2008  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Theo quan điểm cá nhân em,em thấy hát nhép trên truyền hình như Trò chơi âm nhạc,rung chuông vàng....vì nhà đài muốn có những âm thanh tốt nhất để phục vụ khán giả thì em ủng hộ nhưng với các chương trình biểu diễn ca nhạc với mục đích lợi nhuận từ bán vé và tên tuổi nghệ sĩ thì việc hát lipsing là chuyện không thể chấp nhận được.
Trở lại với trường hợp của bé Lâm Diệu Khả(Lin Miaoke)tất cả vì khán giả phải sử sụng kỹ xảo như màn bắn pháo hoa nhưng nếu thật sự đạo diễn Trương sử dụng hình ảnh của bé này mà giọng hát của bé khác thì đây quả là một sai lầm đáng tiếc.

lúc 02:42 13 tháng 8, 2008  
Anonymous hongdang nói...

Đành rằng ai cũng "muốn tiết mục phải tạo nên những hình ảnh đẹp vì lợi ích của đất nước", vì đó chính là một trong các "thiên chức" của truyền hình, nhưng tui vẫn thích hát thiệt hơn. Thật ra, "hát nhép" giọng của chính mình trong bối cảnh này cũng được, vì để đảm bảo hiệu quả âm thanh khi phát hình, còn "nhép" giọng người khác thì...không thể chấp nhận được! :(

lúc 02:45 13 tháng 8, 2008  
Anonymous Ng. Duy Nhân nói...

"Người ta cần đón nhận cảm xúc thật của ca sĩ qua phần trình bày, dù nó có những lỗi kỹ thuật hay chất lượng âm thanh chưa tốt chứ không muốn một sự hoàn hảo giả tạo". Đồng quan điểm với câu này.
Nhân chưa bao giờ đi xem chương trình nào hát playback chứ đừng nói lipsync mặc dù rất nhiều người cho vé. Cũng vì lý do này nên Nhân rất hay đến Nhà văn hóa Thanh Niên (vòng 1 mở cửa tự do) xem cuộc thi THTH của HTV, tất cả đều hát live với band.
Dù rất kết Hà Linh (SM & SMDH) hát nhưng đêm vừa rồi cô ấy hát bài "Hạn hán" với beat nên tắt TV ngay, để sau nghe lại cho nó "chết" luôn cả thể.

lúc 02:52 13 tháng 8, 2008  
Anonymous Ng. Duy Nhân nói...

Xem diva hát playback thà về nhà PVT uống rượu, hát live còn sướng hơn, cảm xúc hơn.

lúc 03:21 13 tháng 8, 2008  
Anonymous tuanvetinh nói...

Nếu thật sự là hát nhép thì đây là điều đáng xấu hổ đối với một sự kiện mang tầm thế giới như Olympic. Nhớ một lần em xem chương trình trực tiếp của Đài ĐN ở quảng trường tỉnh. Một nữ ca sĩ hát nhép, nhưng xui là đến nửa bài thì đĩa bị đứng nên hát mà không ra tiếng. Phát hiện đĩa hư cô này ngừng hát thì đĩa chạy tiếp thành ra không hát mà ra tiếng. Cô ta thiếu điều muốn độn thổ. Đành xin lỗi khán giả rồi rút ngay.
An toàn cho một chương trình trực tiếp là điều cần thiết nhưng theo em không nên quá cầu toàn. Điều này sẽ làm mất đi tính bất ngờ, khả năng sáng tạo trong chương trình. Đối với ca sĩ, nếu hát thật mà có dở một tí thì khán giả cũng chấp nhận thôi. Còn hơn là lừa dối họ hát nhép để rồi khi gặp sự cố thì chắc chắn khó ai tha thứ được.

lúc 04:33 13 tháng 8, 2008  
Anonymous THÍCH NGỌC ĐIỂM nói...

Về cai (3./) của anh: Nó làm em nhớ tới một đoạn trong Suối Nguồn. Khi cái lão Wynand quyết định viết báo lá cải ấy. Nó lá cải, nhưng nó có thể thu hút nhiều người quan tâm hơn là một cái gì đó nghiêm túc. Xem như nó là một thử nghiệm mới không thành công lắm đi ^^.
Cái cảm giác "các BTV của đài ấy giống những nhà thông thái, lĩnh vực nào họ cũng nói sâu sắc, trôi chảy" thì tất nhiên rồi. Họ phải cố gắng như thế, giả vờ như thế vì chẳng ai nghe những gã lộ rõ vẻ "tay mơ" ngồi bàn luận làm gì.

lúc 18:17 13 tháng 8, 2008  
Anonymous Casanova..! nói...

Ùi...Chú Tú lăn tăn gì chuyện đó...Tất cả đều là Cuội thôi mà!

lúc 05:32 14 tháng 8, 2008  
Anonymous Yen Ha nói...

Hát nhép trong một số chương trình truyền hình vì nhiều lý do có thể chấp nhận do yêu cầu kỹ thuật. Song trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, kể cả truyền hình, thì đó là điều khó chấp nhận.
Em còn nhớ một ca sĩ hồi mới được giải tiếng hát truyền hình biểu diễn bài "Tình yêu không lời" bằng kiểu lip sync thế này, giữa chừng mất điện. Khi điện có trở lại, nàng chưa kịp trở tay thì loa đã hát tiếp ầm ĩ "tình yêu không có lời..." khiến cho nàng không biết chui vào đâu.
Trở lại việc hát nhép của 2 cô bé ở lễ khai mạc Olympic BK, giờ thông tin đã um sùm lên rồi. Nước chủ nhà có quyền lựa chọn giải pháp để tạo ra một hiệu ứng hoàn hảo nhất, song vấn đề giờ lại ở tâm lý của 2 đứa trẻ, có vẻ chúng còn quá nhỏ để cảm nhận hết những gì đang xảy đến với chúng.

lúc 19:12 14 tháng 8, 2008  
Anonymous TORO nói...

Hát nhép là làm hàng giả. Quan niệm chấp nhận hay khong từg người, nhưng vụ Olympic thì như một hạt sạn...

lúc 19:41 14 tháng 8, 2008  
Anonymous Hoàng Hưng nói...

Phải làm nghề đài lại thôi Phan Tú ơi, chứ không uổng phí kinh nghiệm lắm,.... để nào mình nhắn ĐQ đãi bác Cờ tây nhé,...

lúc 05:25 15 tháng 8, 2008  
Anonymous TT.huỳnh nói...

Hehe, chậm chân nhưng vẫn bắt kịp một bài "càm ràm" truyền hình của Bác. Hôm nay em lại tiếp tục chương trình càm ràm này ở bên nhà đó Bác :)
Kịch thì ở mục kịch, kịch lại ở mục hát, điểm tin, bình luận này nọ... thì khó tiêu hóa quá!

lúc 23:10 16 tháng 8, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ