Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008

CHUYỆN KHÔNG PHẢI CÁ THÁNG TƯ




Đám đông xúm lại theo thói quen hiếu kỳ tại đoạn đường vừa xảy ra một tai nạn giao thông. Những người bị nạn nhanh chóng được đưa đi viện. Hiện trường còn lại hai chiếc xe gắn máy sóng soài. Máu loang mặt đường. Một chiếc mũ bảo hiểm bể nát.

Người phụ nữ vừa được đưa tới hiện trường xông vào rất nhanh và khóc thét lên khi trông thấy cái mũ bảo hiểm dập nát.

- Ông ơi sao ra nông nổi này ông ơi! Đúng cái mũ của chồng tôi đây rồi. Mũ thế này thì đầu còn gì nữa!

Một người đàn ông có mặt trong đám đông giải thích ngay: Ông ấy bị thương ở chân thôi. Cái mũ ông ấy không đội khi xảy ra tai nạn, chỉ treo trên xe thôi! Chị mau lên nhà thương chăm sóc chồng đi!

Nghe xong, bà vợ liền khóc rống lên:

- Ông ơi là ông ơi! Tôi đã bảo mũ bảo hiểm thì phải đội vào đầu, sao lại treo nó trên xe! Cái mũ này tôi mới mua hơn 300 ngàn!

Blog Page

Nhãn:

LẠY ÔNG BÓC LỘT TÔI ĐI




Mấy ngày tới phải “tiếp xúc với đám đông”, hôm nay vợ bảo anh nên đi hớt tóc. Con đường gần nhà mình dạo này sắp thành phố hớt tóc rồi, thôi thì đủ các “loại hình”: thanh nữ, bình dân, máy lạnh… Rút kinh nghiệm qua gần 40 năm tự đi cắt tóc trên đời, cứ vào các tiệm bình dân cho chắc.

Chú thợ hớt tóc tuổi còn trẻ và cũng giống như nhiều người làm nghề này, rất thích “tám”. Chưa kịp hỏi ý của khách hàng, chú đã cho tông - đơ đẩy một nhát rõ cao. Ủa, chú biết tôi thích hớt tóc kiểu gì chưa mà gọt sạch cái mai vậy? Em cứ nghĩ anh là người nhà nước nên thường hớt cao, kiểu này tụi em gọi là “công nhân viên chức”! Lần sau trước khi hớt thì phải hỏi nghen! Dạ.

Mới “dạ” đó nhưng tới mục lấy ráy tai thì chú ta cũng không thèm hỏi ý kiến khách hàng, cứ làm như thể nó phải diễn ra tất nhiên vậy.

- Thôi tớ không lấy ráy tai đâu!

- Thêm có 5 ngàn thôi! Anh không lấy ráy tai thì 15 ngàn!

- Vấn đề là tớ không thích lấy ráy tai!

- Dạ

- Mỗi ngày chú hớt trung bình bao nhiêu khách?

- Chừng 7, 8 khách. Thứ bảy chủ nhật thì tranh thủ làm thông tầm, làm đêm thì được nhiều hơn. 15 , 16 khách cũng có.

- Vậy là bình quân một ngày chú thu nhập hơn 100 ngàn.

- Dạ. Sau khi trừ tiền thuê nhà, tiền điện, thuế má và đủ thứ linh tinh lâu lâu phường họ xin đó anh, cũng được chừng 100 ngàn/ngày. Anh làm nghề gì? Lương cao không?

- Tớ làm nghề báo!

- Nghe nói viết bài báo nhiều tiền lắm hả anh?

- Có báo trả cao, có báo trả thấp.

- Nhưng bài báo anh viết thì bình quân được bao nhiêu?

- Khoảng 200 ngàn.

- Mấy anh sướng quá há. Ngoáy một cái là có 200.

Chà chà, làm sao mà ngoáy một cái ra bài báo như chú ngoáy 45 phút là xong một cái đầu của khách hàng, định nói với chú thợ hớt tóc như thế nhưng lại thôi. Bởi có nói anh ta cũng khó hình dung những chi phí không tên để làm xong bài báo. Có những bài báo chỉ tốn 1 ly đen và mấy điếu thuốc nhưng có những bài báo mất cả tuần, cả tháng rong ruổi xe máy, mất mấy giờ a lô có phí, mất hàng chục đêm trằn trọc.

Hớt tóc chắc nhiều người học được chứ viết báo cũng kén chọn người. Nhưng nhẩm ra hớt tóc vậy mà khỏe, thu nhập cao hơn viết báo, chẳng phải suy nghĩ, trăn trở, lo sợ gì. Hay là chuyển sang nghề hớt tóc?

Năm qua mình đăng báo cũng bộn. Nhưng có nhiều tờ báo lớn, có uy tín, tia-ra phát hành cao, đăng xong bài không nói năng gì chuyện nhuận bút (trong đó có bài do Tổng Thư ký tòa soạn điện thoại đặt mình viết hẳn hoi, có bài thì chị Phó TBT xin qua blog).

Mỗi lần nhận nhuận bút các tờ báo bạn bè mình đang làm, vợ nói: thôi anh đừng viết báo cộng tác nữa, lao tâm khổ tứ nhiều mà tiền bạc không tương xứng, họ bóc lột mình quá.

Thấy vợ nói cũng có lý nhưng chợt nghĩ nếu họ không bóc lột mình thì lấy gì mà nuôi con đây. Hay là đi học hớt tóc?


Nhãn:

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2008

NHẬU CŨNG ĐỘI MŨ BẢO HIỂM




+ Kỳ này đi nhậu cũng phải đội mũ bảo hiểm nghen ông!

- Chưa tới ngày Cá Tháng Tư mà định lỡm tôi à?

+ Thiệt đó, ông có đọc báo sáng nay chưa: tại tỉnh Bình Phước, có một vụ đánh ghen trong quán nhậu làm nạn nhân vỡ đầu.

- Chà chà, ông kể đàu đuôi nghe coi…

+ Là vầy, có ông chồng đi nhậu bia ôm, bị vợ đánh ghen, mà cái bà đánh ghen đó là chánh án TAND tỉnh hẳn hoi à nghen. Bà ta dùng một chai Heineken đập vào đầu một nữ tiếp viên đang chăm sóc chồng bà. Cô tiếp viên này bị hai vết rách trên đầu, bất tỉnh vì máu ra nhiều, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện

- Nếu ông chồng đó với bạn ông ta mà uống bia lon thì đỡ rồi!

+ Thôi ông ơi, trong quán thiếu chi dụng cụ khác, không chừng nếu uống bia lon thì bả chơi nồi lẩu vô đầu! Bởi vậy kỳ này nếu ông có đi nhậu thì nhớ đội mũ bảo hiểm nhé!

- Bà vợ kia đánh ghen là nhắm mấy cô tiếp viên bia ôm chứ có đánh đàn ông đâu. Nếu có đội mũ khi nhậu thì đó là chuyện của mấy cô tiếp viên chứ!

+ Thì phải đề phòng mấy bả nổi xung thiên lên thì đánh tá lả luôn mình bị văng miểng?

- Mà tôi với ông có tiền đâu mà đi uống bia ôm mà sợ?

+ Biết đâu, có bloggers nào cao hứng mời thì sao!

- À há!


Nhãn:

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2008

NẾU LỢI ÍCH CỤC BỘ CHI PHỐI...

Từ sau Tết đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự biến đổi quá nhanh của thị trường và cả nền kinh tế đất nước. Cỗ máy kinh tế thị trường đã “có cơ hội” thể hiện vai trò của nó rõ nét hơn trước tác động từ những tác nhân kinh tế thế giới trong quá trình hội nhập ngày càng rộng mở của Việt Nam. Sự liên thông giữa thị trường chứng khoán – thị trường bất động sản - lãi suất ngân hàng - thị trường vàng và tỷ giá hối đoái càng lúc càng “sâu sắc” hơn. Và lạm phát...

Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân, những biến đổi ấy đã dồn áp lực nặng nề lên việc điều hành vĩ mô của Chính phủ.

Thông tin báo chí giờ đây được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm hơn. Các chỉ số thống kê của công ty điều tra thị trường truyền thông TNS cho thấy: Con số phát hành của nhiều tờ báo lớn đang tăng; rating xem truyền hình của một số chương trình thông tấn cao hơn trước.

Trước những sự kiện cụ thể như việc điều chỉnh giá xăng dầu, lãi suất ngân hàng, sự biến động của giá vàng... vốn tác động trực tiếp tới đời sống của từng người dân và hầu hết các ngành kinh tế, báo chí được trông mong như một kênh dự báo, kênh tư vấn và tất nhiên là chỗ dựa thông tin chính thống.

Thế nhưng, giữa một rừng nội dung “phong phú, đa dạng” ấy, có quá nhiều thông tin báo chí trái chiều nhau một cách khó hiểu giữa các cơ quan báo chí, thậm chí trong cùng một tờ báo ở một nền báo chí được xác định là có sự lãnh đạo thống nhất. Và đôi lúc, báo chí – vô tình hay hữu ý - trở thành áp lực cho Chính phủ trong quá trình điều hành trước những biến động chưa có tiền lệ và ngoài khả năng dự báo này.

Những ý kiến (có phần gay gắt, nặng nề) về việc điều chỉnh giá xăng dầu, về việc “cứu thị trường chứng khoán”, về một số chính sách thắt chặt tiền tệ v.v... là một ví dụ.

Trong một nền kinh tế phát triển, các chính sách vĩ mô của nhà nước không thể không có những tác động khác nhau đối với các nhóm lợi ích khác nhau. Ví dụ: Việc thắt chặt chính sách tiền tệ nếu thực hiện không tốt có thể ảnh hưởng xấu tới nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (có hiệu quả sử dụng vốn cao hơn) nhưng lại không ảnh hưởng tới nhóm doanh nghiệp lớn, có quan hệ tốt với hệ thống ngân hàng (nhưng lại có hiệu quả sử dụng vốn thấp hơn). Hoặc chuyện điều chỉnh giá xăng dầu, trong cùng một tờ báo, quan điểm về việc điều hành của Chính phủ cũng trái ngược nhau: Có bài báo trước đó không lâu phê phán Chính phủ chưa chấp nhận luật chơi WTO khi không chịu thả nổi giá xăng dầu và sau đó đã không tiếc lời “đổ dầu vào lửa” trước việc chính phủ đồng ý với đề nghị của 2 bộ Tài chính và Công thương trong việc nâng giá xăng dầu gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Hoặc câu chuyện liên quan đến động thái “cứu chứng khoán” cũng có những ý kiến trái chiều khi nhân danh số đông để phê phán.

Tác giả Nguyễn Vạn Phú trong một bài trên “Sài Gòn Tiếp Thị” mới đây nhan đề “Sharapova và lãi suất!” đã nêu lên một hiện tượng báo chí: “Chống lạm phát chắc chắn phải trả giá – trước tiên là chi phí vốn sẽ tăng lên. Giới ngân hàng là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ “kêu gọi”, sẽ “kể khổ”, sẽ tìm mọi lý do biện minh cho việc đòi hỏi nới lỏng tín dụng. Đưa lên công luận ý kiến loại này là chuyện phải làm nhưng nó chỉ là một nửa của bức tranh tổng thể. Khi viết về cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng, nếu chỉ đưa tin theo từng mức lãi suất để tìm mức kỷ lục, giật lên đầu tin cũng là một nửa bức tranh lãi suất. Vì trong tình hình hiện nay, cần phân biệt lãi suất ngắn hạn, lãi suất dài hạn, ngân hàng mới ra đời với ngân hàng đã hoạt động nhiều năm. Nhiều ngân hàng lợi dụng tình hình này để liều lĩnh kiếm lời ngắn hạn và như một dòng xoáy, người dân sẽ đổ xô tìm nơi có lãi suất cao, dẫn đến việc ngân hàng khác cũng phải buông mình vào cuộc đua đầy nguy hiểm.

Còn nhớ mới cuối năm trước, nhiều ý kiến lên tiếng đòi hỏi nhà nước phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng để chống lạm phát, phải vì người nghèo chứ đừng vì người giàu mà “cứu” chứng khoán hay địa ốc. Nay tình hình diễn ra như vậy, sao không bình tĩnh tìm hiểu thực tế để có thể điều chỉnh chính sách nhằm đạt được mục tiêu ở mức đánh đổi thấp nhất. Cũng những tờ báo đăng loại ý kiến nói trên lại quay ngoắt 180 độ, có lẽ vì chỉ tiếp xúc với giới bị tác động mạnh, như địa ốc, chẳng hạn”

***

Phản biện xã hội là nhiệm vụ của báo chí, thông tin nhiều chiều sẽ giúp cộng đồng nhận thức sâu sắc hơn, song, sự phản biện ấy, sự thông tin đa chiều ấy phải đặt trên mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc và phải nhằm ổn định tâm lý xã hội, giúp người dân (và cả bộ máy quản lý, điều hành) có thể định hướng và chọn lựa giải pháp tối ưu. Trong thực tế điều hành của Chính phủ, khó có một giải pháp tối ưu nào trước một vấn đề kinh tế - xã hội mà phải có hàng chuỗi các giải pháp khác nhau để điều hòa được quyền lợi chung của các nhóm xã hội. Người làm báo đứng trước thực tiễn biến động kinh tế quá phức tạp như hiện nay cần phải có cái nhìn tỉnh táo, không để ngòi bút bị chi phối bởi lợi ích của những nhóm xã hội cụ thể nào đó.

Nhãn:

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2008

VÌ SAO NHÀ BÁO X ĐOẠT GIẢI BÁO CHÍ?




Giải thưởng báo chí của tỉnh Y năm đó có một nhà báo – tạm gọi là X - được giải cao nhưng khi ban tổ chức công bố chính anh cũng bất ngờ.

Các phóng viên phỏng vấn X sau buổi lễ đều ngạc nhiên khi anh tuyên bố rằng mình không hề tham gia dự thi, không biết vì sao có giải. Theo điều lệ giải báo chí tỉnh Y, tác phẩm được chấm thi và trao giải do các tác giả tự chọn, nộp cho cơ quan báo chí đã đăng phát tin bài xác nhận bằng một danh sách rồi gửi chung tới ban tổ chức.

Thông tin về chuyện nhà báo X không gửi bài tham gia giải vẫn được giải cao quá ồn ào, ban tổ chức quyết tìm hiểu sự việc.

Đại diện ban tổ chức đã lục lại hồ sơ giải. Bài báo của anh X được giải là bài đã đăng trên một tờ báo địa phương. Các tác giả báo in thường gửi dự thi bằng cách cắt bài báo đã in để gửi. Ban tổ chức sẽ che tên (hoặc bút danh ký trên bài báo như kiểu rọc phách) rồi photo gửi cho các thành viên ban giám khảo. Bài báo của X rõ ràng là có trong hồ sơ chấm giải, được đóng dấu “công văn đến” và trên mỗi bản photo đang lưu đều có chữ ký, điểm của giám khảo. Anh X không gửi bài đến thì chắc có người nào đó đã gửi đến dùm, một thành viên ban tổ chức đưa ra giả thuyết. Nhưng giả thuyết này sớm bị bác bỏ vì các bài gửi dự thi đều thông qua sơ tuyển của các cơ quan báo chí, mà cơ quan báo chí anh X thì khẳng định trong số bài họ gửi đến không có bài báo đã đoạt giải của anh X.

Mãi một thời gian sau, có người phát hiện ra rằng, bài báo mà anh X đoạt giải in cùng số báo với nữ phóng viên Z. Bài của chị Z in mặt này của trang báo, bài anh X mặt kia, do ngẫu nhiên được trình bày trùng khít trên một diện tích. Chị Z tham gia dự thi nhưng bài không được chấm vì khi mang bài thi đi photo cho ban giám khảo, các nhân viên trong ban tổ chức photo nhầm bài anh X.

Chị Z khi hay tin này định gửi đơn kiện ban tổ chức vì đã đánh bật bài mình khỏi giải, không biết bây giờ đã thực hiện chưa

------

Ảnh chỉ có tính chất trang trí - ảnh của Kim Tuấn

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2008

ĐỀ THI




Đọc blog của Bầu Bí về chuyện đề thi học sinh giỏi văn ngoài Đà Nẵng, tôi mới nhớ lại một chuyện.

Mới đây, nhà giáo, thạc sĩ Nguyễn Văn Thuật, giảng viên địa lý trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai bức xúc kể cho tôi nghe rằng, trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2007 – 2008 dành cho khối lớp 12 toàn tỉnh X. diễn ra vào ngày 22/11 năm rồi, đề thi môn địa lý và đáp án có quá nhiều sơ sót.

Nội dung anh kể khá dài, tôi chỉ nhớ 3 chi tiết “ấn tượng” nhất:

1/ Trong đáp án môn địa lý của kỳ thi này, người ra đề viết: “NƯỚC TA NẰM GỌN TRONG MÚI GIỜ SỐ 7”

Anh Thuật nói: Đây là một sai lầm nghiêm trọng về chuyên môn vì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm trong múi giờ số 8.

2/ Trong đáp án cho câu hỏi về sông Thu Bồn, tác giả viết như sau: “Học sinh có thể nêu thêm lũ tiểu mãn vào các tháng V – VII được thưởng 0,5 điểm”

Anh Thuật giải thích cho tôi về chỗ sai của đáp án như sau:

Sông Thu Bồn không thể có lũ tiểu mãn. Lũ tiểu mãn là hiện tượng lụt nhỏ chỉ xảy ra ở miền Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Tại Bắc Trung bộ có lũ tháng 5, gọi là lũ tiểu mãn. Lũ tiểu mãn do các cơn dông đầu mùa nóng gây nên, các cơn dông này xuất hiện liên quan đến hoạt động của front cực và đường hội tụ kinh hướng. Hơn thế nữa vào tháng 7 đã là giữa mùa hè, làm gì còn lũ tiểu mãn.

Anh Thuật còn nói rằng, nếu học sinh viết như đáp án, phải bị trừ điểm (vì sai) chứ không phải được cộng thêm điểm.

3/ Cũng trong đáp án của đề thi này, có nội dung: “Những nơi có mỏ khoáng sản lớn thường thu hút nhiều lao động đến khai thác, nên đông dân cư”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thuật phân tích: Ai học địa lý Việt Nam đều biết, mỏ boxit ở Tây Nguyên có trữ lượng khoảng 3,3 tỷ tấn, là 1 trong 6 mỏ boxit lớn nhất thế giới nhưng dân cư ở đây lại thưa nhất toàn quốc. Quặng sắt ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) có trữ lượng lớn nhất trong các quặng sắt ở nước ta nhưng dân cư ở đây cũng thưa thớt.

Do đó, không phải những nơi có mỏ khoáng sản lớn thì đông dân cư, lẽ ra tác giả phải viết là: “Những nơi có ngành công nghiệp khai khoáng phát triển thì thu hút đông lao động”.

***

Entry này chỉ kể lại câu chuyện có thật, bức xúc có thật của một nhà giáo nghiêm túc trong khoa học, trong giảng dạy. Bình luận về chuyện này xin nhường lại cho bà con.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2008

CHO ĐÁNG NÊN TRAI




Nhà máy giấy Đồng Nai (COGIDO) lấy biểu tượng con nai đang lao lên phía trước. Hình ảnh con nai này được khai thác lại trong biểu trưng chính thức của tỉnh Đồng Nai. Cái logo ấy bây giờ còn được gắn rất to trên trụ sở UBND tỉnh như một dạng “tỉnh huy”. Công ty xổ số kiến thiết Đồng Nai cũng có logo riêng, trong đó, có 2 con nai đối xứng nhau…

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Không biết tên gọi Đồng Nai đã xuất hiện tự bao giờ nhưng cho đến nay có rất nhiều cách lý giải về nó.

Về mặt văn bản, theo TS. Lê Trung Hoa, tên gọi Đồng Nai xuất hiện lần đầu tiên bằng chữ La tinh là Dou Nai vào năm 1747 do Launy viết trong báo cáo về giáo dân Nam bộ cho giáo hội Thiên Chúa; sau đó thấy được dùng bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ trong Tự điển An Nam - La tinh của Pigneau de Béhaine năm 1772. Theo tài liệu của linh mục Trương Bá Cần, trong một bức thư gởi Ban Giám đốc Chủng viện truyền giáo nước ngoài Paris đề ngày 24/7/1710, giám mục Labbé viết: "... Có một miền gọi là Dou - Nai ở giữa Cao Miên và Chiêm Thành, đây là một vùng đồng bằng, đất tốt, khá rộng và dài, rừng rậm, cây to, nơi mà người Đàng Trong đến lập nghiệp từ 35 hay 40 năm nay.."

Trong cuốn sách “Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai”, TS. Huỳnh Văn Tới có viết: Lê Quý Đôn (1776), Trịnh Hoài Đức (1820), Huỳnh Tịnh Của (1895 - 1896)... đều dùng tên gọi Đồng Nai trong tác phẩm của mình với cách viết bằng chữ Hán như Lộc Dã (cánh đồng có nhiều nai); Nông Nại (phiên âm từ Đồng Nai như kiểu Nông Nại Đại Phố để gọi Cù Lao Phố)

Nhưng cũng theo TS Huỳnh Văn Tới, thì còn có một cách lý giải khác về sự xuất hiện của tên gọi Đồng Nai: Đồng trong “Đồng Nai” là cách gọi biến âm từ chữ Đờng trong tiếng dân tộc Mạ: Đạ Đờng (Sông Cái). Giả thuyết này đưa ra bằng chứng rằng còn có nhiều địa danh khác cũng bắt nguồn từ chữ Đồng (Đờng?) mà không phải là cánh đồng: Đồng Tranh, Đồng Môn, Đồng Lách, Đồng Tràm, Đồng Bơ...

Và cũng cần nói thêm, Đồng Nai hiện nay là địa bàn hành chính cấp tỉnh (ai cũng biết) nhưng tên gọi Đồng Nai xưa dùng để chỉ một vùng đất rộng hơn, có người nói là chỉ cả vùng Nam bộ (Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai ; Bến Nghé của tiền tan bọt nước / Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây ; hoặc câu ca dao nói lên sự lịch lãm từng trải:

Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng

Image

Lý giải, tìm hiểu là chuyện của các nhà nghiên cứu.

Có điều, nhiều năm rồi, hình ảnh con nai luôn có mặt trong nhiều biểu tượng của Đồng Nai. Trước 1975, một nhà máy giấy ở Đồng Nai (nhà máy COGIDO – Giấy Đồng Nai hiện nay) lấy biểu tượng là con nai đang lao lên phía trước. Hình ảnh con nai này được khai thác lại trong biểu trưng chính thức của tỉnh Đồng Nai, ai vào trang web này thì sẽ thấy cái biểu trưng đó trên góc phải của trang chủ. Cái logo ấy bây giờ còn được gắn rất to trên nóc trụ sở khối nhà nước (UBND tỉnh) Đồng Nai như một dạng “tỉnh huy”. Công ty Xổ số Đồng Nai cũng có logo riêng, trong đó, có 2 con nai đối xứng nhau (chu cha hai con nai! – đừng đọc bằng giọng Quảng nhé).

Có một nhà văn người Đồng Nai lấy bút danh là Bình Nguyên Lộc (bình nguyên: đồng bằng, cánh đồng – lộc: nai). Ở Đồng Nai có một địa danh dính tới “nai” nữa là Hố Nai. Ở đây, từ khi mình còn nhỏ đến nay, chẳng thấy có “hố”, cũng hổng thấy “nai” chỉ có thịt cầy là bá cháy!

Tóm lại, “làm trai cho đáng nên trai”, bạn nào muốn “nên trai” thì hôm nào về Đồng Nai dẫn mình đi ăn thịt cầy!

Ảnh trên: Một góc Bửu Long

Ảnh dưới: Tòa nhà trụ sở khối nhà nước tỉnh Đồng Nai

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

CÂU ĐỐ

Hãy chú ý lắng nghe để trả lời câu hỏi sau đây:

Chuyến xe buýt dừng lại ở bến thứ nhất, có 2 hành khách lên xe, 3 hành khách xuống xe. Tại bến thứ hai, có 3 hành khách lên xe, 4 hành khách xuống xe. Tại bến thứ ba, có 4 hành khách lên xe, 5 hành khách xuống xe. Tại bến thứ tư, có 5 hành khách lên xe, 6 hành khách xuống xe.

(im lặng một chút để tập trung)

Câu hỏi dành cho các đội như sau:

“Bác tài xế tên là gì?”

Đây là một dạng câu hỏi “trớt huớt” – nói như kiểu người Nam bộ. Và dù sao, câu đố này cũng làm được "chức năng" tiếu lâm trong các bữa nhậu.

Nhưng dạng câu hỏi “trớt huớt” như thế này khi xuất hiện trên truyền hình thì cười không nổi.

Trong một gameshow nọ, có câu hỏi như sau:

+ Trận đánh X trong chiến dịch Y, bộ đội ta đã tiêu diệt bao nhiêu quân Pháp:

A. Trên 500 tên

B. Trên 600 tên

C. Trên 700 tên

Đáp án được công bố sau đó là C

Còn đây là một câu đố trong một trò chơi tương tác bằng tin nhắn (kiểu soạn tin nhắn <mã nhắn tin> cách X cách Y gửi đến số...)

+ Hãy cho biết người có bao nhiêu tuổi thì chưa được phép thi và lấy bằng lái xe

a/ Dưới 18 tuổi

b/ Dưới 17 tuổi

c/ Dưới 16 tuổi

Đáp án được công bố sau đó là A

Con gái tôi ngồi coi TV hỏi lại: “trên 700” tên địch thì cũng là trên 500 tên, 600 tên; dưới 18 tuổi thì có thể là dưới 17 tuổi, dưới 16 tuổi, sao lại có 1 đáp án đúng thôi ba?

Tôi không thể trả lời con tôi dù là một câu trả lời “trớt huớt”!

Bạn nào có cách trả lời hay chỉ cho tôi với!

Blog Page

Nhãn:

Entry cho ngày 18

Nếu chiều nay mình trúng số

Nhãn:

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008

TRÚNG SỐ RỒI!




Ông X hầu như không bao giờ mua vé số. Bữa nọ đi nhậu với bạn bè, bị cô gái bán vé số ép quá, ông đành mua giúp chỉ 1 vé. Về nhà, ông vứt tấm vé đâu đó rồi cũng quên mất.

Đứa con gái nhỏ nhà ông X vốn thích trang trí. Cứ có cái hình nào đẹp trên báo, tạp chí, lịch... là nó thường cắt dán vào các bức tường xi măng trong nhà. Cái vé số nọ cũng thế, vì thích cái hình in trên đó nên nó đem dán lên tường.

Vài tuần sau, ông lại ra quán nhậu hôm trước với bạn bè. Cô gái bán vé số vừa thấy ông đã reo lên: Bác ơi bác trúng 250 triệu rồi!

Sau một hồi thẩn thờ, ông X mới hộc tốc phóng xe về nhà tìm cái vé số hôm nọ. Loay hoay, la ó một lúc thì cũng phát hiện ra rằng nó đã bị dán cứng trên tường rồi!

Theo quy định của các công ty xổ số, “vé trúng phải còn nguyên hình, không được rách rời, chắp vá”, bây giờ cái vé trúng bị dán vào tường, gỡ ra thì nó rách, làm sao đây. Ông X quyết định thuê thợ đập nguyên cái mảng tường có dán cái vé số đó mang lên công ty xổ số!

Hình như sau đó vụ việc nhận giải chưa có tiền lệ này cũng được giải quyết!

Thế nhưng có trường hợp xui hơn, chuyện này do Yên Hà “còm” trong entry trước:

Có anh nọ khi vừa nghe bạn bè thông báo trúng số, quá mừng, anh ta cởi tung áo như cầu thủ vừa ghi bàn thắng và ném cái áo dơ bẩn cũ kỹ ấy đi. Cái áo anh ta vứt bay vù xuống một dòng sông chảy xiết. Vừa ném cái áo xong, anh mới giật mình nhớ ra: chiếc vé số may mắn ấy vẫn còn nằm trong túi áo!

Blog Page

Nhãn:

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008

SÔNG ĐỒNG NAI LÀ CON SÔNG NỘI ĐỊA?




Chỗ hợp lưu giữa sông Sài Gòn và dòng Đồng Nai, ảnh chụp từ vệ tinh (Google Earth)

Lâu nay, có nhiều bài viết, nhiều phát biểu và nhiều câu đố trong một số trò chơi trong nhà trường, trên truyền hình, nhấn mạnh một cách tự hào về đặc điểm của sông Đồng Nai, rằng: đây là con sông duy nhất ở Việt Nam có phát nguyên và dòng chảy nằm hoàn toàn trong địa phận Tổ quốc ta.

Từ rất lâu tôi cũng tưởng như vậy và tôi cũng nói như vậy. Mới đây, khi nhà văn Võ Đắc Danh, nhà văn Nguyễn Trọng Tín có dự tính tổ chức một chuyến đi thực tế dọc sông Đồng Nai để tác nghiệp, tôi được mời tham gia bàn bạc kế hoạch và tư vấn thêm cho đoàn, mới lục tìm đọc tài liệu, bỗng giật mình: hóa ra lâu nay mình nhầm.

Cái nhầm lẫn thông thường này bắt nguồn từ “chủ nghĩa Đồng Nai quốc”, bắt nguồn từ chỗ tin tưởng vào các bài báo đã công bố trước đó, bắt nguồn từ chỗ hiểu sai và đơn giản về lưu vực và các nhánh của con sông này, bắt nguồn từ sức ỳ trong tư duy khi nghĩ về tên gọi một con sông.

Thực tế, sông Đồng Nai không nằm hoàn toàn trong bản đồ Việt Nam.

Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ hai ở phía Nam, và đứng thứ ba toàn quốc, trải dài từ Lâm Đồng, Campuchia đổ ra cửa biển Xoài Rạp. Ngoài dòng Đồng Nai là con sông chính, nó còn có 2 phụ lưu lớn sông La Ngà sông Bé. Nói một cách đầy đủ, hệ thống phụ lưu nó gồm Đa Hoai, La Ngà (ở tả ngạn), sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ (ở hữu ngạn). Rất nhiều người – trong đó có tôi - nhầm lẫn vì nghỉ rằng sông Bé không đổ vào sông Đồng Nai (sông Bé trước đây còn là tên một tỉnh, tỉnh Sông Bé gồm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay)

Tổng diện tích lưu vực phần “quốc nội” của sông Đồng Nai khoảng 37.330 km2, nằm trên địa phận các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Nông, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống sông Đồng Nai phát triển trên cao nguyên Di Linh, Lâm Viên, Bảo Lộc và một phần của đồng bằng Nam Bộ. Trong lưu vực nhiều nơi đã xây dựng các nhà máy thủy điện như: Trị An, Thác Mơ, Đa Mi, Hàm Thuận v.v... Cửa sông Đồng Nai rộng và sâu, mực nước lên xuống theo chế độ bán nhật triều, giao thông đường thủy rất thuận tiện ở khúc hạ lưu (từ Trị An ra biển).

Chính vì một đoạn ngắn của thượng nguồn sông Bé nằm trên đất Campuchia, nên thực ra, sông Đồng Nai không nằm hoàn toàn trên địa phận Việt Nam. Sông Bé là phụ lưu lớn của hệ thống sông Đồng Nai bên bờ phải, đổ vào dòng Đồng Nai ở Hiếu Liêm (gần thác Trị An)

Còn vì sao sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ lại “dính” tới sông Đồng Nai?

Sông Sài Gòn: được hợp thành từ hai nhánh Sài Gòn và Sanh Đôi, bắt nguồn từ vùng đồi núi Lộc Ninh, ven biên giới Việt - Campuchia, chảy qua Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương về Sài Gòn và đổ vào dòng Đồng Nai.

Sông Vàm Cỏ là tên gọi chung đoạn hợp lưu của hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Đoạn hợp lưu này có chiều dài 36 km và đổ vào dòng chính sông Đồng Nai trước khi ra cửa biển Xoài Rạp. Nguồn của sông Vàm Cỏ Đông nằm trọn trong phần đất của Đông Nam Bộ, nên được coi là thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Trong khi đó sông Vàm Cỏ Tây có quan hệ chặt chẽ về mặt thủy văn, thủy lực với sông Tiền nên được xem là thuộc hệ thống sông Mêkông.

Nhìn chung, về mặt hình thái lưu vực, sông Đồng Nai là một sông lớn, lưu vực gần như nằm trọn trên lãnh thổ nước ta. Tuy nhiên, về mặt khoa học, dù có yêu nước đến mấy, chúng ta cũng không thể nói, sông Đồng Nai, nằm hoàn toàn trên địa phận Tổ quốc như có sách báo đã viết.

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai đoạn chảy ngang thành phố Biên Hòa được người Pháp xây dựng 1902. Ngày nay, bà con thuờng nói đó là cây cầu... dài nhất Việt Nam vì đi xe hơi từ đầu cầu này qua bên kia có khi mất một giờ đồng hồ (Cầu này dành cho xe lửa, xe hơi, xe gắn máy và người đi bộ)

Blog Page

Nhãn:

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

ỐP HAY ỘP?




Một từ, một thành ngữ trong tiếng Việt hay trong nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới có khi được ra đời trong những hoàn cảnh nói năng rất kỳ lạ để biểu đạt khái niệm, hiện tượng, sự vật, trạng thái, tình cảm... mà nếu không tìm hiểu có khi không thể giải thích được.

Những người xa quê hương lâu ngày về Việt Nam ngớ ra khi nghe ai đó nói “ô sin” với nghĩa là “người phụ việc nhà”. Từ “ô sin” xuất hiện ở Việt Nam sau một bộ phim cùng tên của Nhật trên truyền hình quốc gia. Thế hệ chúng ta hiện nay, nếu không đọc tài liệu, khó biết rằng tên gọi thành phố biển xinh đẹp Nha Trang bắt nguồn từ "Nhà Trắng" (lúc đó vùng biển ấy có một cái nhà màu trắng, dân gọi tên vùng đất này như thế) và khi người Pháp làm bản đồ họ viết thành Nha Trang.

Mới đây, khi đọc một entry trong blog của vợ mình những câu như “dạo này off hơi nhiều”, có cô bạn hiện sống ở Mỹ hoàn toàn không hiểu “off” là gì, mặc dù “off” được viết bằng tiếng Anh hẳn hoi, không phiên âm. Đọc cả entry, cô bạn này nghi ngờ vốn tiếng Anh của mình, phải tìm tự điển Anh – Việt để tra cứu vẫn không tìm ra cái nghĩa phù hợp với entry.

Cũng dễ hiểu thôi. Từ “off” trong đời sống ngôn ngữ Việt (đúng hơn là đời sống cư dân mạng) cũng mới xuất hiện gần đây và nó ra đời... rất Việt Nam.

Khi mạng xã hội ảo nói chung, blog nói riêng chưa hình thành, các "công dân net" ở Việt Nam đã làm quen nhau trên không gian điều khiển qua các diễn đàn (forum), các phòng chat (chatroom). Và sau quá trình gặp gỡ on-line ấy, họ hẹn nhau đi chơi, gặp gỡ ngoài đời và gọi là đó là "off-line" (một trạng thái khác với on-line). Cách sáng tạo thú vị này được nhiều tờ báo chuyên về IT ở Việt Nam khai thác. Không biết tự bao giờ, "off-line" được hiểu gặp mặt nhau.

Do thói quen nói rút của người Việt (kiểu như "vất vả" thành "vất") nên off-line dần dần chuyển thành "off".

Có một điều mình không giải thích được là vì sao, trong Sài Gòn, giới trẻ Việt hóa từ "off" thành "ốp", ngoài Hà Nội thì thành "ộp", trong khi đó, name card (danh thiếp) thì trong Nam gọi là "cạc" ngoài Hà Nội gọi là "các". Bạn nào biết giải thích dùm?

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2008

ĐỔ RƯỢU

Viết xong cái entry trứng ba miền, tui mới nhớ một chuyện tương tự cũng nghe trong bàn nhậu, xin viết ra đây để hầu các bác trên tinh thần giải trí là chính.

Chuyện rằng có một em bé đi mua rượu cho ba, trên đường về vấp té nên rượu đổ hết. Quá lo lắng và sợ bị ba đánh, em bé ngồi khóc hu hu.


Có 3 tình huống người qua đường thấy em bé khóc dừng lại.

+ Người thứ nhất:

Cháu rút kinh nghiệm lần sau phải đi đứng cẩn thận. Khi mình cầm vật dễ vỡ thì đi chậm, nhìn ngó trước sau. Thôi đừng khóc nữa. Sai sót là chuyện bình thường. Vấn đề là biết rút kinh nghiệm. Về nhà, xin lỗi ba cháu đi. Ba cháu sẽ tha lỗi thôi...

Sau một hồi giảng giải cho thằng bé người này bỏ đi.

+ Người thứ hai:

“Nguyên nhân làm cho con bị té là cái gốc cây này. Thôi đằng nào cũng bị đổ rượu rồi, về xin lỗi ba đi. Đổ hết rượu rồi, mang cái chai đó về ổng còn la thêm, thôi cho chú cái chai về đựng nước mắm nghe!”

Nói xong ông ta lấy cái chai rượu bị mẻ cầm đi.

+ Người thứ ba:

Ông này sau khi nghe thằng bé kể lể sự tình bèn đét vào đít thằng bé một cái:

“Có cái chuyện đi mua xị rượu mà làm hổng có xong! Tao đánh cho mày nhớ! Đây cho mày 20 ngàn, đi mua chai rượu khác cho ba mầy đi. Ngồi đó mà khóc à?”

***

Câu chuyện này cũng nằm trong loạt chuyện vui lý giải về tính trội của 3 miền. Bây giờ khi phương tiện giao thông, thông tin liên lạc phát triển, khi giao lưu văn hóa mạnh mẽ hơn thì nó không còn hợp lý nữa. Nhà tôi chẳng hạn, 3 miền đều quy tụ trong một mái ấm, món ăn cũng bị chế biến giao thoa mà rất ngon, giọng nói cũng lộn tùng phèo các cách phát âm mà ai cũng hiểu...

Blog Page

Nhãn:

TRỨNG 3 MIỀN

Một vị lãnh đạo đến thăm những chiến sĩ sắp vào Nam chiến đấu. Ông bước vào nhà ăn tập thể quan sát bữa ăn sáng của lính. Mỗi chiến sĩ có khẩu phần ăn giống nhau. Đi một vòng, ông dừng lại chỗ ngồi của một người lính:

- Cháu trong Nam bộ ra ngoài này chắc chịu rét khổ lắm?

Anh bộ đội Nam bộ xúc động không nói nên lời. Rồi nhìn sang anh lính kế bên, vị lãnh đạo này hỏi:

- Ở miền Trung, chú ở tỉnh nào?

- Dạ cháu ở Quảng Ngãi.

Vị lãnh đạo ấy không có nhiều thời gian nên đi ngay, ngang qua bàn cuối cùng, ông nói với một chiến sĩ:

- Chú là người Bắc, vào Nam chiến đấu phải học cách sống của bà con trong Nam để hòa đồng nhé!

- Dạ cháu ghi nhớ ạ.

***

Trên đường về, đồng chí thư ký không giấu được ngạc nhiên nên hỏi vị lãnh đạo ấy:

- Làm sao anh biết chính xác các chiến sĩ ấy quê ở vùng nào?

Ông cười: Chú phải biết quan sát. Khẩu phần của mỗi chiến sĩ có một quả trứng và một chén nước mắm như nhau. Các chú Nam bộ ăn trái trứng ngay, để nước mắm lại ăn sau. Các chú miền Trung thì ăn nước mắm trước để dành quả trứng lại. Còn các chú miền Bắc thì dằm quả trứng vào nước mắm và chan vào cơm để ăn…

Giai thoại này tui nghe kể lại trong bàn nhậu. Post lên cho các bạn giải trí tí.
Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2008

VỀ MỘT NHÀ BÁO BỊ HÀNH HUNG




Khi Hoàng Dưỡng - trưởng Đài phát thanh truyền hình huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc - bị bọn côn đồ hành hung vào tối ngày 7/3 thì mình đang ở Hà Nội. Mấy ngày liền bận rộn, chỉ xem tin tức “chào buổi sáng” trên VTV1, không đọc báo, không internet... nên mình chẳng biết thông tin này (Tin tức về vụ hành hung Dưỡng được nhiều website đưa lên mạng), mãi đến hôm qua mới biết do một cú lướt web vô tình.

Mình cũng mới quen Hoàng Dưỡng vào tháng 6 năm ngoái khi đi giảng dạy một khóa đào tạo báo chí ở Tây Nguyên và Dưỡng là một trong những học viên tích cực trong lớp học ấy. Giữa khóa học này, mình được Dưỡng mời đi thăm khu du lịch Buôn Đôn, vào nhà vua săn voi Ama Công, ghé cơ quan Dưỡng và về thăm căn nhà mới xây của vợ chồng Dưỡng (và 2 cô con gái).

Sau chuyến đi thú vị đó, mình có viết mấy entry trên blog này và một số bài báo. Một trong những entry đó, bài “Lên Buôn Đôn mua hàng Tàu”, mình có post tấm hình chụp chung với Dưỡng ngay trước trụ sở Đài phát thanh truyền hình huyện Buôn Đôn.

Sau khóa học, Dưỡng cũng hay điện thoại cho mình để nhờ tư vấn chuyện chuyên môn, chuyện mua thiết bị truyền hình hay mua laptop. Mình nói Dưỡng đừng gọi mình bằng “thầy” nữa, xưng “anh” cho thân mật vì mình và Dưỡng cũng chênh nhau vài tuổi. Dưỡng cũng gửi tặng cho mình một album hình chụp bằng máy cơ trong chuyến đi Buôn Đôn ấy.

Kể lể dài dòng như thế để nói rằng mình thật sự choáng khi đọc tin và nhìn thấy tấm hình Dưỡng trên một trang báo mạng. Những chi tiết được Dưỡng kể về chuyện làm điều tra trước đây tự nhiên ùa về và mình nhớ lại đã từng khuyên Dưỡng thận trọng. Đoạn đường từ Buôn Đôn về Buôn Mê Thuột để giao băng hình cho Đài truyền hình tỉnh, giao đĩa tiếng cho Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên dài 30 km, có xe buýt nhưng Dưỡng thường đi xe gắn máy không phải là chặng đường thực sự an toàn cho một nhà báo có máu nghề và có đụng chạm lâm tặc khi điều tra. Khi nghe mình nói về việc truyền dữ liệu (video, audio) qua internet, Dưỡng rất thích thú và máu nghề nổi lên, anh nói sẽ quyết tâm làm cho được để cộng tác nhiểu hơn cho đài tỉnh, đài khu vực... Có điều ý tưởng ấy chưa thực hiện được vì những chuyện không tiện nói ra.

Trưa nay, mình điện thoại vào số máy Dưỡng với ý nghĩ nếu Dưỡng đang mệt thì người nhà sẽ trả lời. May quá, Dưỡng đã bình phục và nói rằng sẽ xin chuyển viện để về gần nhà cho đỡ cực người thân. Anh mừng là cái đầu dù bị đập một cục gạch vào, chảy máu nhiều, nhưng do anh ôm đầu ngay từ khi bị tấn công nên không bị chấn thương nặng. Chấn thương nặng nhất là ngực, sườn những cú đấm, đá trực tiếp lúc anh ngã xuống. Dưỡng cũng cho biết công an đã bắt được 1 trong 3 kẻ côn đồ trực tiếp hành hung anh.

Xin được nói thêm: Nguyễn Hoàng Dưỡng đang quản lý một Đài phát thanh – truyền hình của huyện biên giới khá nhạy cảm ở Đắc Lắc. Nhân viên dưới quyền anh chỉ có 7 người (đa số là nữ), vừa lo phát sóng phát thanh FM hằng ngày, vừa lo cộng tác tin tức phóng sự phát thanh - truyền hình cho Đài tỉnh và Đài khu vực. Đồng lương của những người làm phóng viên cấp huyện rất thấp. Những người bám cơ sở này thường chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện làm việc hơn các đồng nghiệp ở trung tâm. Và khi có sự cố gì xảy ra, họ cũng không được bảo vệ mạnh mẽ như các nhà báo cấp tỉnh, cấp TW. Chính vì thế, việc các tờ báo thông tin nhanh về vụ hành hung Hoàng Dưỡng cũng góp phần lớn trong việc tạo áp lực dư luận. Hy vọng công an sẽ sớm tìm ra kẻ chủ mưu vụ này.

Và hy vọng Hoàng Dưỡng sớm bình phục.

Tấm hình này mình chụp cùng với Dưỡng tháng 6/2007 tại Buôn Ma Thuột. Còn tấm hình trên mượn từ website báo Lao động.

Blog Page

Nhãn:

EM ƠI, HÀ NỘI “ỐP”




Từ Hà Nội vừa về đến nhà, con gái con trai hỏi ngay: Quà của con đâu? Chỉ vào cái thùng mút xốp, mình nói với 2 đứa nhỏ: Quà các cô chú gửi cho con nhiều lắm. Cái gì vậy ba? Nấm Hà Nội nè, ngô Hà Nội nè, rau Hà Nội nè... Và câu chuyện Hà Nội qua lăng kính bọn trẻ con trong nhà mình bắt đầu.

+ Ba ơi Hà Nội to lắm hả ba?

- Đúng rồi, Hà Nội là thủ đô mà. Hà Nội hơi bị to. Con cứ coi cái hình bác Thịnh này. À, con để ý cái đồng hồ bác ấy nhé!

+ Ba ơi Hà Nội có dài không ba?

- Có. Hà Nội hơi bị dài con ạ.

+ Dài như cái gì ba?

- Đây là con đường Hoàng Hoa Thám. Con đường này về nhà bác Tào Lao. Rất dài và rất xa.

+ Ba ơi Hà Nội màu gì?

- Hà Nội hôm ba ra có màu xanh con ạ. Đây là tấm hình Hồ Gươm ba chụp khi ngồi uống cà phê trên lầu 5 “Hàm cá mập”. Con thấy màu xanh của cây, của hồ giữa sương mù không. Hơi bị nao lòng con ạ!

+ Ba ơi Hà Nội có đẹp không ba?

- Sao con lại hỏi như thế. Hà Nội rất đẹp con ạ. Con nhìn các cô các bác nè, ai cũng đẹp cả. Để ba chỉ cho con xem: cô Yên Hà này, bác Tào Lao này, bác Graphic này, cô An Thảo này, cô Quế Mai này (còn cô Haidieugiandi thì bận kinh lý phương Nam)...

+ Con nghe nói Hà Nội nên thơ lắm?

- Đúng rồi, để ba mở blog các cô, các bác cho con coi. Hà Nội hơi bị thơ.

+ Ba nói Hà Nội to và dài. Sao con nghe ba hát “ngỏ nhỏ, phố nhỏ”...

- Hà Nội to khi cần to, dài khi cần dài và nhỏ khi cần phải nhỏ con ạ. Đây là cái chỗ ngồi nhỏ nhỏ ấm cúng ba “ộp” cùng với cô Hằng Đỗ, cô Diễm Xưa Hà Nội, cô An Thảo và thầy Mai Quỳnh Nam... (có cả cô Mèo béo nhưng cô ấy về sớm nên không chụp hình)

***

Một chuyến đi nồng ấm và khá nhiều điều thú vị. Viết những lời cám ơn lên đây thì hơi bị "sến" nhưng không thể không nói cám ơn. Nhờ cầu nối blog-off, mình còn gặp được những bạn mới chưa gặp trên không gian mạng như anh Libra® , bạn Buitranwonder, chị Graphic. Đó là chưa kể còn những buổi off ngoài luồng như hôm đầu tiên gặp blogger MisaVN (PGS.TS Nguyễn Văn Dững) và blogger Trực Tuyến (Bùi Tiến Dũng)...

Bác Libra® vào trễ phải ngồi giữa để nghe PVT và An Thảo tra tấn kara...

Và chú Buitranwonder (ngoài bìa) ỷ trẻ và khỏe giục PVT uống hoài tối say quá trời.

Câu chuyện bằng ảnh này chắc còn dài, để lai rai kể tiếp vì sợ ảnh hưởng đường truyền của bà con. Xin ráng thêm một tấm ảnh cuối của entry.

Còn có một Hà Nội rất lạ với mình năm 2008 này: Hà Nội của đào muộn! Trên đường từ Nội Bài về khách sạn, dọc đê Yên Phụ, những vườn đào thắm, đào phai vẫn nở hoa cứ như Tết sắp về chứ không phải Tết vừa qua. Và lạ hơn nữa là vẫn còn có những cành đào ngược xuôi trong phố như một dòng suối đào nho nhỏ chiều 30 (không phải 30 Tết mà 30 tháng giêng). Thì ra người Hà Nội cũng còn thú chơi đào muộn và hóa ra trên đời có những cái muộn viên mãn và đáng quý.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2008

ĐỀ MỞ

Bà xã mình làm nghề giáo và mình thỉnh thoảng cũng được mời đi dạy. Hai vợ chồng cũng hay tranh luận, trao đổi về công việc đứng lớp.

Hôm qua, bà xã nhờ góp ý xem nên chọn hình thức “đề mở” hay đề “thí sinh không được mang tài liệu vào phòng thi, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm” cho một môn học.

Lúc trao đổi tự nhiên nhớ tới câu chuyện này.

Có một cán bộ đi học lớp quản lý gì đó, khi làm bài thi với đề không mở, do bận rộn công tác, không học bài nên phải lật sách ra. Có tài liệu nhưng cũng chẳng biết chỗ nào để chép, cứ tranh thủ giám thị đi xa một tí, quay sang anh bạn bên cạnh và nói thì thào:

+ ông dốp cốp chỗ mô?

+ dốm thị đi rồi, cốp chỗ mô ông dốp?

Anh bạn thí sinh ngồi bên cạnh nghe câu hỏi thì thào “lốp cốp” chẳng hiểu hắn hỏi gì. Vả lại, anh ta còn lo cho bài làm của mình nên đành lắc đầu. Gần tới cuối buổi thi thì mới “ngộ” được: Thì ra ông bạn cán bộ người Quảng Nam ấy muốn hỏi:

+ Ông Giáp ơi, chép chỗ nào?

+ Giám thị đi rồi, chép chỗ nào ông Giáp?

Bản quyền chuyện này thuộc về bác Huỳnh Thúc Giáp. Mình nghe bác Giáp kể tại Quy Nhơn hôm mồng 5 Tết. Phải nghe chính giọng “ông Dốp” kể mới đã. Mình viết lại vừa "tam sao thất bản" vừa không ra được cái "thần thái". Nhưng nếu không viết chắc bác Giáp cũng chẳng làm vì ngại vụ “chửi cha không bằng pha tiếng”. Thôi thì mình kể lại đây cho mọi người nghe vì mình là dân Quảng Nam thứ thiệt và rất yêu giọng Quảng Nam.

Nhãn:

LẠI CHUYỆN GIỌNG QUẢNG

Hình như là vào năm 1979, thằng X bỏ trốn quê Quảng Nam vào Đồng Nai, tá túc nhà một người bà con, đi làm rẫy. Chỗ nó nương náu là một xứ đạo, nhưng nó không phải là giáo dân. Một buổi chiều chủ nhật nọ, theo chân mấy người bạn cùng lứa tuổi trong xóm, thằng X đến nhà thờ dự thánh lễ. Nó đi lễ vừa vì tò mò, vừa muốn hòa đồng với anh em trong xóm nên cũng mặc bộ đồ đẹp nhất, trình bày một gương mặt thánh thiện nhất. Vào nhà thờ, nó cứ bắt chước các nghi thức của mọi người dự lễ như quỳ, đứng nghiêm túc, trừ đọc kinh, hát thì không biết.

Thánh lễ của người Thiên Chúa giáo có một nghi thức vào gần cuối là rước lễ (hay còn gọi là rước Mình Thánh Chúa). Đây là nghi thức mà giáo dân dự lễ sẽ xếp hàng lên phía bàn thờ để được linh mục ban Bánh Thánh tượng trưng (bằng một loại bánh thật), nghi thức này dựa trên câu chuyện trong Kinh Thánh Tân Ước về buổi tiệc cuối cùng của Chúa Jesus.

Trong nghi thức rước lễ, khi linh mục (hoặc một người phụ lễ) trao bánh thánh cho giáo dân thường đọc một câu: “ (Đây là) Mình Thánh Chúa Ki Tô!”, người nhận bánh thánh sẽ đáp lại: “Amen!”. Vì số người rước lễ trong nhà thờ (vào những ngày lễ lớn) thường rất đông, nên nhiều linh mục lớn tuổi thường đọc câu trên rất nhanh, nhỏ, hầu như chỉ nghe được cái âm “ô” là rõ...

Trở lại chuyện thằng X, khi thấy mọi người dự lễ rời bục gỗ để xếp hàng đi rước lễ thì nó cũng bắt chước đi theo. Đến lượt nó, khi linh mục cất lên nhẹ nhàng và nhanh gọn cái câu xướng quen thuộc “Mình thánh chúa Ki Tô!”, nó sững lại. Nó chợt nghĩ rằng cha xứ thấy mặt nó lạ nên hỏi: “Mi ở mô?”, bèn trả lời bằng một giọng Quảng đặc sệt:

- Dạ con trốn nghĩa vụ quân sự ở Quảng Nam vào đây!

Đến lượt cha xứ sững lại mấy giây và ông phải ra hiệu cho thằng X bước xuống ngay!

Chuyện này có thiệt 100%.

Nhãn:

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2008

THƯƠNG NGƯỜI




+ Năm nào tới ngày thầy thuốc Việt Nam, câu chuyện y đức cũng được nhắc lại, nhưng vấn nạn “phong bì” trong ngành y cũng chưa hết...

- Công bằng mà nói thì tình hình đã có cải thiện hơn nhiều nhưng vẫn còn những con sâu làm rầu nồi canh...

+ Gốc rễ của vấn đề không phải là chuyện những con sâu, mà là thu nhập của người lao động trong ngành không tương xứng, tình trạng quá tải của các bệnh viện ngày càng cao, xã hội hóa các hoạt động y tế còn chậm...

- Ông nói đúng nhưng chưa đủ, cũng phải nhìn ở một khía cạnh khác. Tại vì có người còn đưa phong bì thì phải có người nhận. Nếu cả xã hội nói không với phong bì thì làm gì còn tình trạng này...

+ Người dân đi chữa bệnh hay đi đến cơ quan công quyền lâu nay luôn mang tâm lý cần bôi trơn cho chạy việc. Dẹp làm sao được một thói quen của số đông. Lỗi là ở cán bộ - công chức ngành y không dám từ chối nhận quà!

- Cũng vì họ thương bệnh nhân và thân nhân người bệnh!

+ Thương?

- Là vì họ muốn bệnh nhân và thân nhân người bệnh vui lòng nên đâu nỡ từ chối, dù đó là phong bì!

--------------------

Ảnh lượm từ net, chỉ có tính minh họa

Blog Page

Nhãn: