Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008

SÔNG ĐỒNG NAI LÀ CON SÔNG NỘI ĐỊA?




Chỗ hợp lưu giữa sông Sài Gòn và dòng Đồng Nai, ảnh chụp từ vệ tinh (Google Earth)

Lâu nay, có nhiều bài viết, nhiều phát biểu và nhiều câu đố trong một số trò chơi trong nhà trường, trên truyền hình, nhấn mạnh một cách tự hào về đặc điểm của sông Đồng Nai, rằng: đây là con sông duy nhất ở Việt Nam có phát nguyên và dòng chảy nằm hoàn toàn trong địa phận Tổ quốc ta.

Từ rất lâu tôi cũng tưởng như vậy và tôi cũng nói như vậy. Mới đây, khi nhà văn Võ Đắc Danh, nhà văn Nguyễn Trọng Tín có dự tính tổ chức một chuyến đi thực tế dọc sông Đồng Nai để tác nghiệp, tôi được mời tham gia bàn bạc kế hoạch và tư vấn thêm cho đoàn, mới lục tìm đọc tài liệu, bỗng giật mình: hóa ra lâu nay mình nhầm.

Cái nhầm lẫn thông thường này bắt nguồn từ “chủ nghĩa Đồng Nai quốc”, bắt nguồn từ chỗ tin tưởng vào các bài báo đã công bố trước đó, bắt nguồn từ chỗ hiểu sai và đơn giản về lưu vực và các nhánh của con sông này, bắt nguồn từ sức ỳ trong tư duy khi nghĩ về tên gọi một con sông.

Thực tế, sông Đồng Nai không nằm hoàn toàn trong bản đồ Việt Nam.

Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ hai ở phía Nam, và đứng thứ ba toàn quốc, trải dài từ Lâm Đồng, Campuchia đổ ra cửa biển Xoài Rạp. Ngoài dòng Đồng Nai là con sông chính, nó còn có 2 phụ lưu lớn sông La Ngà sông Bé. Nói một cách đầy đủ, hệ thống phụ lưu nó gồm Đa Hoai, La Ngà (ở tả ngạn), sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ (ở hữu ngạn). Rất nhiều người – trong đó có tôi - nhầm lẫn vì nghỉ rằng sông Bé không đổ vào sông Đồng Nai (sông Bé trước đây còn là tên một tỉnh, tỉnh Sông Bé gồm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay)

Tổng diện tích lưu vực phần “quốc nội” của sông Đồng Nai khoảng 37.330 km2, nằm trên địa phận các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Nông, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống sông Đồng Nai phát triển trên cao nguyên Di Linh, Lâm Viên, Bảo Lộc và một phần của đồng bằng Nam Bộ. Trong lưu vực nhiều nơi đã xây dựng các nhà máy thủy điện như: Trị An, Thác Mơ, Đa Mi, Hàm Thuận v.v... Cửa sông Đồng Nai rộng và sâu, mực nước lên xuống theo chế độ bán nhật triều, giao thông đường thủy rất thuận tiện ở khúc hạ lưu (từ Trị An ra biển).

Chính vì một đoạn ngắn của thượng nguồn sông Bé nằm trên đất Campuchia, nên thực ra, sông Đồng Nai không nằm hoàn toàn trên địa phận Việt Nam. Sông Bé là phụ lưu lớn của hệ thống sông Đồng Nai bên bờ phải, đổ vào dòng Đồng Nai ở Hiếu Liêm (gần thác Trị An)

Còn vì sao sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ lại “dính” tới sông Đồng Nai?

Sông Sài Gòn: được hợp thành từ hai nhánh Sài Gòn và Sanh Đôi, bắt nguồn từ vùng đồi núi Lộc Ninh, ven biên giới Việt - Campuchia, chảy qua Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương về Sài Gòn và đổ vào dòng Đồng Nai.

Sông Vàm Cỏ là tên gọi chung đoạn hợp lưu của hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Đoạn hợp lưu này có chiều dài 36 km và đổ vào dòng chính sông Đồng Nai trước khi ra cửa biển Xoài Rạp. Nguồn của sông Vàm Cỏ Đông nằm trọn trong phần đất của Đông Nam Bộ, nên được coi là thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Trong khi đó sông Vàm Cỏ Tây có quan hệ chặt chẽ về mặt thủy văn, thủy lực với sông Tiền nên được xem là thuộc hệ thống sông Mêkông.

Nhìn chung, về mặt hình thái lưu vực, sông Đồng Nai là một sông lớn, lưu vực gần như nằm trọn trên lãnh thổ nước ta. Tuy nhiên, về mặt khoa học, dù có yêu nước đến mấy, chúng ta cũng không thể nói, sông Đồng Nai, nằm hoàn toàn trên địa phận Tổ quốc như có sách báo đã viết.

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai đoạn chảy ngang thành phố Biên Hòa được người Pháp xây dựng 1902. Ngày nay, bà con thuờng nói đó là cây cầu... dài nhất Việt Nam vì đi xe hơi từ đầu cầu này qua bên kia có khi mất một giờ đồng hồ (Cầu này dành cho xe lửa, xe hơi, xe gắn máy và người đi bộ)

Blog Page

Nhãn:

27 Nhận xét:

Anonymous hongdang nói...

Thông tin thú vị. Trước nay mình cũng luôn nghĩ ĐN là con sông "nội địa". Chỉ có điều nhà báo bỏ nhỏ trên blast, đọc cứ tức anh ách "Nhà Bè nước chảy chia hai / Ai về Gia Định, Đồng Nai thì....". Thì ĐỌC?!

lúc 21:28 15 tháng 3, 2008  
Anonymous haidieugiandi nói...

Sông Đồng nai thật đẹp và hiền hòa. Cám ơn anh đã cung cấp thông tin bổ ích.

lúc 23:12 15 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Ấn: chính xác! Sông Đồng Nai dài trên 600 km!
@ hongdang: cái câu đó bác nghĩ sao thì nghĩ. Đất lành chim đậu mà. Bác lại suy diễn em ép bác đọc thì hơi tội em ạ!
@ haidieu: Dòng Đồng Nai có khi cũng ầm ào và dữ dội lắm. Em chưa tới thác Trị An nên kg biết đó thôi!

lúc 23:23 15 tháng 3, 2008  
Anonymous TT.huỳnh nói...

Vậy thì phần bên Campuchia của nó tên gì ha Bác, nói chung tìm ra gốc tích thía này cũng tốt, và sự vẻ vang của sông Đồng Nai đâu có vì thế mà lu mờ đi được!

lúc 23:25 15 tháng 3, 2008  
Anonymous TKO nói...

Alô!

lúc 02:57 16 tháng 3, 2008  
Anonymous TKO nói...

SÔNG ĐỒNG NAI LÀ CON SÔNG.....LÂU ĐỜI nhất VN vì bi giờ mới có người phát hiện là mình ...nhầm là nó hok phải ....NỘI ĐỊA! :-)
Em đùa chút nghe anh! :-)

lúc 03:01 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Binhbentre® nói...

Hò hơ ... sông Đồng Nai chảy ra bãi cát, bưởi Biên Hoà ngọt mát thơm ngon ... Em thì khoái câu hò này nhứt. Nay đọc entry của anh, em càng khoái hơn! Máy em sắp hết pin rồi, sẽ quay lại đọc kỹ bài này. Chúc anh Chủ Nhật vui vẻ, dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc!

lúc 03:17 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Xoăn... nói...

ui, thế lại khó rồi ạ. phải viết lại sách địa lý không ạ?

lúc 03:17 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Xoăn... nói...

Tuy nhiên, về mặt khoa học, dù có yêu nước đến mấy, chúng ta cũng không thể nói, sông Đồng Nai, không nằm hoàn toàn trên địa phận Tổ quốc như có sách báo đã viết.
câu này có gì nhầm không ạ. theo entry thì sông ĐN không nằm hoàn toàn trên đại phận VN. Vậy không thể nói ... tức là sẽ nói theo sách báo đã viết ạ?

lúc 03:22 16 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ TKO: SÔNG ĐỒNG NAI LÀ CON SÔNG.....LÂU ĐỜI nhất VN vì chẳng biết nó có từ bao giờ!
@ Bình: Ca dao đề tài sông ĐNai nhiều lắm!
@ Xoăn: Cám ơn em. Anh sửa lại rồi. Nhầm do đánh máy nhanh quá!

lúc 03:29 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Apple nói...

em cũng thích sông Đồng Nai cho nên rất khoái cái entry này của bác Tú. Hihi

lúc 03:37 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Còn là con sông dài nhất VN nữa!

lúc 05:34 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

thế phần nước ở Campuchia là mình xuất khẩu sang đó hay mình nhập khẩu từ đó về anh?
hông biết trên đường chảy có đọan nào sông Đồng Nai giao với sông Cữu Long không anh ha?

lúc 18:16 16 tháng 3, 2008  
Anonymous RMIT nói...

Thông tin cực kỳ, bác Tú định làm phim về sông ĐN à ? Em cũng đang có dự án làm về những dóng sông Việt đây, đã làm sông Đà, chuẩn bị đi Sê San, có hợp tác được không bác ?

lúc 19:34 16 tháng 3, 2008  
Anonymous HTGiap nói...

Chưa đi chưa biết Đồng Nai
Đi rồi mới biết nó dài... ba gang.
Hà hà, đùa một chút. Cảm ơn bác về thông tin này. Lâu nay em cũng nghĩ Đồng Nai là sông "nội địa".

lúc 19:59 16 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Huy: nó là thượng nguồn mà xuất đi đâu em, nhập về chứ! Để sông ĐN giao với Cửu Long thì phải xẻ cái ke6nn đào.
@ Binh Nguyên: Anh Võ Đắc Danh sẽ làm phim tài liệu về sông Đồng Nai. Khi nào Binh Nguyên làm thì mình tư vấn.
@ HTGiap: Câu này có 1 dị bản hay lắm mà khg dám post lên, để send riêng cho bác!

lúc 20:24 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Quỳnh Vy nói...

Em thích đi qua Cầu Ghềnh lắm! Vì cầu bằng gỗ. Mỗi lần có nhiều xe qua cầu cùng lúc, cầu rung lên , vừa sợ vừa khoái! Mà âm thanh của những nhịp cầu bằng gỗ nó kêu lên nghe rất hay!
Ủa nhưng mà đi qua cầu tới 1 tiếng đồng hồ lận hả anh? Em nhớ là đâu có lâu dữ vậy cà?

lúc 20:57 16 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Quỳnh Vy: Đi qua cầu Ghềnh mất một tiếng vì nó bị... kẹt xe Vy ơi!

lúc 21:06 16 tháng 3, 2008  
Anonymous HQ nói...

Chu choa. Con sông to chình ình như thế mà quí nhà nghiên cứu địa lý cũng viết sai thì xem ra người ta chỉ cứ sao chép với nhau thôi nhỉ ? PVT có công phát hiện cái mới đó ! Lập giải thưởng gì dây nhỉ ?

lúc 01:47 17 tháng 3, 2008  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Nhiều người nhờ "uống nước sông Đồng nai"mà viết báo,"mần" thơ và chơi blog hay đáo để:D,ông Huỳnh văn Nghệ có bài thơ về sông Đồng Nai em cũng rất thích.

lúc 03:19 17 tháng 3, 2008  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định "lai rai" thì về..

lúc 03:24 17 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ TT Huỳnh: Phần ở Campuchia nó tên là gì để mình hỏi lại nhưng chỉ biết đoạn từ Campuchia đổ vào Việt Nam thì chảy qua xã Bù Gia Mập, huyện Phước Long, tình Bình phước (đoạn sông này tên là Đăk Huýt)
@ Apple: Hôm nào về Đồng Nai anh dẫn đi tắm sông sẽ thấy thích hơn!
@ Bằng Lăng: Cả thành phố HCM và Biên Hòa đều uống nước Đồng Nai đó em. Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai mà. Có điều nêu uống nước ĐN mà làm văn, làm báo hay thì dân tộc mình chỉ sống trên mây hết em ơi!
@ Toại: Toại mời?

lúc 03:32 17 tháng 3, 2008  
Anonymous K. Hâm nói...

Em cũng dân Biên Hoà (Ngụ cư),nhà cũng có người làm văn.Yêu dòng ĐN hồn nhiên như trẻ con vậy. Nhiều tên tuổi nhà văn lớn của VN gắn bó với dòng sông này như cụ HV Bổn, cụ Huỳnh , sau này có nhiều bác nữa như bác Khôi Vũ. Nhưng hình chư chưa có cả nền văn nghệ mạnh đương thời của cả vùng này hả bác?

lúc 01:40 18 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ K. Hâm: Hy vọng thế hệ của K. Hâm sẽ làm nên chuyện!

lúc 02:16 18 tháng 3, 2008  
Anonymous NHƯ NGUYỆN nói...

Cái trò chơi mà anh đề cập có phải là "Sau giờ tan ca" không anh Tú? Theo em cần phân biệt giữa sông Đồng Nai và hệ thống sông Đồng Nai. Do vậy chiều dài một con sông nên tính từ điểm khởi nguyên của nó đến cửa sông. Nếu Anh Tú cho rằng chiều dài của một con sông đồng nghĩa với chiều dài của một hệ thống sông thì e rằng không chính xác mấy. Thực ra em có rất ít kiến thức về địa lý, mong anh Tú và các bác blogger chỉ giáo thêm.

lúc 23:56 19 tháng 3, 2008  
Anonymous NHƯ NGUYỆN nói...

Hồi nãy em nhấn lộn "Post comment" Anh Tú delete giúp em với.
@Quỳnh Vy: Cầu Ghềnh giờ hoàn toàn làm bằng sắt rồi, ngành đường sắt đã thay toàn bộ ván gỗ lát mặt cầu bằng các những tấm đan bằng sắt. Còn nhịp cầu thì có lẽ trước giờ đều bằng sắt, chứ gỗ thì không chịu nổi xe lửa đâu. Hơi chiếm đất của anh Tú tí, anh thông cảm.

lúc 00:06 20 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Như Nguyện: chiều dài trên 600 km của sông Đồng Nai là tính dòng chính của nó đó chứ, đâu tính chiều dài của cả hệ thống sông!
- Blog là tài nguyên của Yahoo mà, em còm thoải mái...

lúc 00:18 20 tháng 3, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ