Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

ỐP HAY ỘP?




Một từ, một thành ngữ trong tiếng Việt hay trong nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới có khi được ra đời trong những hoàn cảnh nói năng rất kỳ lạ để biểu đạt khái niệm, hiện tượng, sự vật, trạng thái, tình cảm... mà nếu không tìm hiểu có khi không thể giải thích được.

Những người xa quê hương lâu ngày về Việt Nam ngớ ra khi nghe ai đó nói “ô sin” với nghĩa là “người phụ việc nhà”. Từ “ô sin” xuất hiện ở Việt Nam sau một bộ phim cùng tên của Nhật trên truyền hình quốc gia. Thế hệ chúng ta hiện nay, nếu không đọc tài liệu, khó biết rằng tên gọi thành phố biển xinh đẹp Nha Trang bắt nguồn từ "Nhà Trắng" (lúc đó vùng biển ấy có một cái nhà màu trắng, dân gọi tên vùng đất này như thế) và khi người Pháp làm bản đồ họ viết thành Nha Trang.

Mới đây, khi đọc một entry trong blog của vợ mình những câu như “dạo này off hơi nhiều”, có cô bạn hiện sống ở Mỹ hoàn toàn không hiểu “off” là gì, mặc dù “off” được viết bằng tiếng Anh hẳn hoi, không phiên âm. Đọc cả entry, cô bạn này nghi ngờ vốn tiếng Anh của mình, phải tìm tự điển Anh – Việt để tra cứu vẫn không tìm ra cái nghĩa phù hợp với entry.

Cũng dễ hiểu thôi. Từ “off” trong đời sống ngôn ngữ Việt (đúng hơn là đời sống cư dân mạng) cũng mới xuất hiện gần đây và nó ra đời... rất Việt Nam.

Khi mạng xã hội ảo nói chung, blog nói riêng chưa hình thành, các "công dân net" ở Việt Nam đã làm quen nhau trên không gian điều khiển qua các diễn đàn (forum), các phòng chat (chatroom). Và sau quá trình gặp gỡ on-line ấy, họ hẹn nhau đi chơi, gặp gỡ ngoài đời và gọi là đó là "off-line" (một trạng thái khác với on-line). Cách sáng tạo thú vị này được nhiều tờ báo chuyên về IT ở Việt Nam khai thác. Không biết tự bao giờ, "off-line" được hiểu gặp mặt nhau.

Do thói quen nói rút của người Việt (kiểu như "vất vả" thành "vất") nên off-line dần dần chuyển thành "off".

Có một điều mình không giải thích được là vì sao, trong Sài Gòn, giới trẻ Việt hóa từ "off" thành "ốp", ngoài Hà Nội thì thành "ộp", trong khi đó, name card (danh thiếp) thì trong Nam gọi là "cạc" ngoài Hà Nội gọi là "các". Bạn nào biết giải thích dùm?

Blog Page

Nhãn:

35 Nhận xét:

Anonymous An Thảo nói...

Dạ, em thì quen miệng là "ÓP"
Tuy vậy, ai nói từ nào cũng hiểu. Ngôn ngữ là vỏ tư duy mà thôi anh nhỉ. Tư duy tràn đầy chia sẻ thế thì cỉ cần mấp máy mồm đã hiểu tuốt luốt, đã sôi sùng sục hưởng ứng rồi, có kịp phân biệt đâu.
Tóm lại: OFF thui!

lúc 23:10 13 tháng 3, 2008  
Anonymous opoap nói...

Cứ nhìn thấy chữ ộp là em giật mình cứ tưởng đang bị ai réo tên vì là thế nên cứ ọp ọp ọp thôi anh ạh nghĩa là off đấy :D

lúc 23:28 13 tháng 3, 2008  
Anonymous Đen nói...

Thế còn "out" là gì hở bác?
Em chat với bạn bè, cả nam lẫn nữ, khi xong đều hay gặp câu: Chào anh, em out trước nhá, hoặc Em out đây. Có vài lần em hỏi họ, sao không nói tiếng Việt đi, phải chêm tiếng Anh làm gì. Nó hỏi lại em nói làm sao thì em bảo cứ nói tiếng Việt, đại khái như "Anh ra chưa? Em ra trước nhé, em ra đây." Vì em được học từ bé, out là ra. Nhưng chúng nó đều mắng em khi em đề nghị thế. Sao thế bác, out có nghĩa khác à?

lúc 23:48 13 tháng 3, 2008  
Anonymous thinhleparia nói...

name card (danh thiếp) thì trong Nam gọi là "cạc" ngoài Hà Nội gọi là "các". Bạn nào biết giải thích dùm?
Giải thích nhé, dễ ợt !
Một con vịt xòe ra hai cái cánh
Nó kêu rằng : các các các...cạc cạc cạc
Miền Bắc ở phía trên nên chọn câu trước, Miền Nam phía dưới chọn câu sau !

lúc 23:59 13 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ An Thảo: ốp hay ộp, miễn gặp nhau là tốt rồi!
@ opoap: Lúc đặt tựa cho entry tự nhiên anh cũng nhớ nick của em, hình như là tên ở nhà của 2 nhóc nhà em!
@ Đen: Không nhịn cười nổi. Thú vị quá!
@ anh Thịnh: Rất có lý! Cách giải thích này nếu không có ai phản biện hoặc đưa ra giả thuyết khác sẽ được coi là cách lý giải chính thức! Hihihi...

lúc 01:43 14 tháng 3, 2008  
Anonymous mottramdo.com nói...

entry hay quá!cho mình góp vui nhé! h mọi người cũng hay dùng từ "đao" (download) - vd như "may` dạo này đao hơi bị nhiều đấy nhé" mà đao thì còn có thể hiểu là "hỏng"hoặc "khùng" :D

lúc 02:40 14 tháng 3, 2008  
Anonymous NgocLan nói...

Anh Tú bêu xấu em nghe!
Kể anh nghe chuyện này nè: bà cô bắt làm 1 cái research project. Đề tài đầu tiên em chọn về mối quan hệ cha mẹ và con cái, bị từ chối. Lần 2, sau khi tham khảo ‎í kiến của 1 người đáng tin cậy, em chọn đề tài “Sự bùng nổ của blog” (Blog explosion) và luận đề là: Ngày càng có nhiều người trẻ dùng blog để diễn tả suy nghĩ, tình cảm của mình (More anh more young people are using blogs to express their thoughts and feeling). Em hí hửng đem lên nộp, và tin chắc sẽ được chấp thuận. Ai ngờ bà cô nhìn xong rồi hỏi: blog là gì vậy?...
Tức khí, em xuống hỏi mấy thằng Mỹ xung quanh xem tụi nó có biết blog là gì không. Tụi nó trả lời: đứa biết đứa không!
Sau hỏi Châu và thằng bạn là thầy giáo người Mỹ mới biết blog ở Mỹ không thông dụng để có thể xem là “explosion” như ở VN! Nếu chọn luận đề như “More and more people in Vietnam are expressing their political opinions through blogs” thì may ra còn có người muốn nghe!
Thôi, đành lại phải suy nghĩ và chọn đề tài khác thôi (bất quá tam! Đây sẽ là cơ hội cuối cùng, nếu không được chấp thuận nữa thì coi như ‘lên đường’ môn này luôn! Hichichcic)

lúc 03:11 14 tháng 3, 2008  
Anonymous H C nói...

Chào bác Tú,
Theo em nghĩ "Ốp hay ộp", "các hay cạc" là do thói quen phát âm của từng miền thôi ạ, chẳng hạn như cùng một chữ "often" nhưng người Anh, ngưòi Mỹ hay Úc đều không phát âm giống nhau. :)
Về mặt ngôn ngữ thì : Khi xã hội phát triển thì ngôn ngữ sẽ phát triển theo (không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước đều như vậy) và đó là quy luật tất yếu rồi. Tuy nhiên vì từ vựng mới của nước này ra đời không kịp hoặc không tương đương về mặt ngữ nghĩa nên sẽ có hiện tượng vay mượn từ vựng của nhau, ví dụ như tiếng Pháp vẫn sử dụng từ tiếng Anh trong rất nhiều trường hợp (le casting, le marketing…). Lúc đầu những từ này chỉ được sử dụng trong trong một nhóm hay 1 cộng đồng nhỏ rồi dần dần phát triển rộng ra nên mọi người đều hiểu và chấp nhận nó như là ngôn ngữ của mình ….
…….
Theo em biết, trong những năm gần đây tiếng Việt phát triển rất nhanh và phần lớn xuất phát từ tiếng nước ngoài. Việc sử dụng từ "vay mượn" trong tiếng Việt không phải ai cũng hiểu nghĩa (chẳng hạn như một anh nông dân lâu lâu mới đọc báo bóng đá mà gặp từ hát-tríc thì bó tay. Mà có ai nghĩ ra từ tương đương với chữ Hattrick của tiếng Anh để dùng trong tiếng Việt được đâu ? hay là chỉ giải thích Hát-tríc là cái gì thôi !) vì vậy sẽ có những phản ứng nhất định !
Nhưng, từ từ rồi cháo cũng nhừ…, dù các nhà ngôn ngữ học có la làng : Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nói theo bác Mõ : Tiếng Việt mình đang thời kỳ " quá (hóa) độ" tiếng thành ... tiếng hổ lốn mất rồi !
Em hiểu sao nói vậy, mong bác và các bạn thông cảm chỉ giáo thêm, em cám ơn nhiều
________
P/s : Đề tài bác đưa ra rất hay, Nếu ai chịu nghiên cứu thì làm ít nhất cũng Luận văn Thạc sĩ đó.
Hihi…

lúc 03:30 14 tháng 3, 2008  
Anonymous Made in Viet Nam nói...

ô thôi! Tiếng Việt mình đang thời kỳ " quá (hóa) độ" tiếng thành ... tiếng hổ lốn mất rồi ! hichichic

lúc 03:35 14 tháng 3, 2008  
Anonymous Mr. Do nói...

Trong miền Nam, hình như mấy từ Tây mà khi đọc thêm dấu nặng (.) vô thì được cho là sành điệu hay sao ý. Ví dụ như: "Chào quý zị thính zả, chào mừng quý zị đến với làn sóng chín chín phẩy chín chín me ga hẹc! Hiện nay phát thanh ziên của chúng tôi đang có mặt tại đường Pạt tơ, chúng tôi thấy có rất nhiều xe Ạt ti là cùng xe Mẹc xơ đì. Nhiều tài xế vừa lái xe vừa nghe đài chín chín phẩy chín chín mê ga hẹc...".
Có điều lạ là cũng chính phát thanh viên "hẹc" đó lại không bao giờ đọc là ki lô mẹt, ki lô oạt hoặc ki lô gờ rạm cả...

lúc 20:45 14 tháng 3, 2008  
Anonymous Riêng một góc trời nói...

he he, entry này và entry liền ngay sau dưới rất là thú vị chú ơi!

lúc 21:06 14 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Ngọc Lan: Anh mượn cái cớ để viết n-try thôi. Cái vụ người Mỹ ít biết blog anh cũng hơi bất ngờ. Có thể do khái niệm blog thôi. Họ vẫn sử dụng một hình thức mạng xã hội (social network) nào đó với tên gọi khác
@ Mr. Do: Bác nhận xét tinh tế. Em thấy người Sài Gòn đọc nhiều thuật ngữ tin học, tên phần mềm cũng thế. Ví dụ: Tên phần mềm winword - quợt, trong khi Hà Nội "quớt"!
@ Riêng một góc trời: Hihi...

lúc 21:52 14 tháng 3, 2008  
Anonymous Đen nói...

Entry này của bác Tú có nhiều lượt vào và "out" ghê.

lúc 21:59 14 tháng 3, 2008  
Anonymous TKO nói...

Một con vịt xòe ra hai cái cánh
Nó kêu rằng : các các các...cạc cạc cạc
Chà! anh Thịnh nhí nhảnh như chú cá cảnh! :-)
Anh Tú à! Hôm nay em ốp ở Biên Hòa nè! :-)

lúc 01:04 15 tháng 3, 2008  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Người Nam gọi con Lợn là con Heo,người Bắc lại kêu con Heo là con Lợn.
Có bún bò giò heo , đâu có bún bò giò lợn
Có bánh da lợn mà hỗng có bánh da heo
Có bánh tai heo mà hỗng có bánh tai lợn

lúc 01:07 15 tháng 3, 2008  
Anonymous haidieugiandi nói...

Em thì lại đọc là Ọp. Mà em khoái cái từ này lắm ý! :))

lúc 01:26 15 tháng 3, 2008  
Anonymous Neco nói...

Em vẫn mong một ngày "ốp" ở Biên Hòa như đã hứa ạh!

lúc 01:47 15 tháng 3, 2008  
Anonymous Mshaudau nói...

Cái văn phòng nhỏ tí tí của em ngày nào cũng rôm rả cái vụ phát âm này. Chả là báo em chủ trương "giữ gìn sự trong sáng của TV" nên viết phải theo phiên âm tiếng Việt tất tần tật. Ví dụ ông Gờ-Bu-sơ, bà Bê-na-di-Bút-tô... Vậy là tụi em cứ đọc sao viết vậy, khổ nỗi miền Bắc đọc khác, miền Nam đọc khác, thành ra ngày nào cũng bị sếp mắng, hehehe....
Đừng hỏi tại sao tụi em không làm một bảng mẫu sẵn để mỗi lần viết cứ liếc qua coi xong rồi viết. Đòi tòa soạn hoài mà không được đó, cho nên tụi em đồ rằng tòa soạn cũng phiên âm... tùy hứng như tụi em luôn, hehehe....

lúc 02:39 15 tháng 3, 2008  
Anonymous Xoăn... nói...

em gọi là ọp ạ

lúc 04:45 15 tháng 3, 2008  
Anonymous Yen Ha nói...

Những từ mới liên tục được hình thành theo sự phát triển của xã hội, có những từ đặc trưng chỉ ai tham gia vào lĩnh vực có nó thì mới hiểu.
Dạo này mọi người hay tham vãn lão Dà-hú hay mát (mad) lắm. Từ này không online người thường cũng hiểu.

lúc 04:51 15 tháng 3, 2008  
Anonymous Binhbentre® nói...

Lúc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành lại tiền cắc, trong Nam nói là "tiền cắc" nhưng người xứ Huế thì nói khác àh nghen! :D

lúc 04:52 15 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Một trăm độ: Chi tiết về vụ “đao” cũng thú vị ghê. Dân truyền hình phía Nam còn nhiều từ vui lắm: “Anh ơi, XỢT cho em cái!”. XỢT là cách nói gọn của insert, thủ thuật chèn hình trong edit một đoạn video
@ Mõ: Nhưng may thay còn có môi trường internet. Cả cái dở và cái hay (cũng như việc bảo vệ tiếng Việt) vẫn song hành.
@ H.C: Mình rất thích cái ví dụ về “hát-tríc”!
@ TKO: Em mà “ốp” ở Biên Hòa thì anh “ọp” ngay!
@ Bằng Lăng: Có lần anh coi 1 chương trình truyền hình nông nghiệp trên Đài Cần Thơ bàn về kỹ thuật trồng bắp, nhưng khách mời là một vị tiến sĩ đến từ Viện NGÔ TW!
@ HAIDIEU: Anh nghe dân Hà Nội, lúc đọc “ộp” , lúc đọc “ọp” nhưng nói như An Thảo, ai cũng hiểu và đồng ý với em, ai cũng khoái!
@ Mshaudau: Chuyện thể hiện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí Việt giờ đây vẫn còn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” em ơi (anh có 1 loạt entry trong blog này về vấn đề đó)
@ Xoăn: Còn anh gọi là “ốp”! Hihi...
@ BinhBentre: Chuyện này khác và "nhạy cảm" à nghen!

lúc 04:59 15 tháng 3, 2008  
Anonymous Tôi cùng em… nói...

hi`, cho ng la cm ko Bac?
hi`, theo con, o'p hay o^.p gi` gi` do, la theo cach goi rieng cu moi nguoi, mien Nam cung co mot so nguoi cung goi o'p thanh o.p chu bo, ca'c va` ca.c cung the!
voi lai, goi khac nguoi ti cho no "sanh dieu" ay ma`!

lúc 01:10 16 tháng 3, 2008  
Anonymous tuanvetinh nói...

Có một chi tiết khá thú vị khác mà em vừa được biết là người Nam thì sử dụng tính từ Hường để chỉ màu hồng, trong khi người Bắc không sử dụng từ này. Tuy nhiên, những người tên Hường đều có gốc Bắc trong khi người Nam lại không sử dụng từ này để đặt tên.

lúc 03:12 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Apple nói...

em chỉ biết nói ốp line thôi, còn ọp line thì nói hỏng được. Nhà đông khách, vui thế mà Apple bận quá không ghé chơi, bị mất phần rồi! Huhu

lúc 03:34 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Mr. Do nói...

Người miền nam nói chữ Q và chữ H đều thành chữ G hết. Chẳng hạn như cô Huyền và cậu Quyền đều có tên chung là Guyền, cậu Quân và cậu Huân đều chung tên là Guân.
Về việc chữ H (hờ) biết thành chữ G (gờ) cũng có ngoại lệ: Goa Guệ (hoa huệ), cô Guyền, nhưng lại không bao giờ là Goa Gồng (hoa hồng) mà phải Goa Hồng, Cậu Gùng cũng không được mà phải là Cậu Hùng, anh Hiển cũng không thể gọi là anh Ghiển, trong khi lại nói thằng Guy (Huy). Híc!

lúc 03:36 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

đọc ÉN hay thế mà phải OUT gấp, không để lại CÒM được, hay em ĐAO về, rồi lần ỌP tới mình chia sẻ tiếp hé!
hihi

lúc 18:29 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Ng. Duy Nhân nói...

Đọc hết các "cờm" mà chưa thấy ai giải thích đúng ý tác giả thắc mắc. Xin lỗi tiền bối PVT, em mạo muội giải thích theo cách nghĩ của riêng mình:
Trong Nam phát âm và nói tiếng Anh chuẩn về ngữ điệu, trọng âm, tiết tấu hơn ngoài Bắc. Có lẽ vì thế nên họ nói "Ọp" và "cạc" đúng về trọng âm hơn "óp" (trọng âm hai từ này rơi vào âm tiết sau). "Ọp lai nờ" nghe vào tai hơn là "Óp lái", "Nêm cạc" cũng tương tự như vậy.
Với sự hiểu nông cạn và lối suy diễn vô căn cứ của mình, em phán bừa như thế, bác nào tinh thông về NGÔN NGỮ HỌC hay TỪ VỰNG TIẾNG ANH thì post lên nhé. (Thú thật, hồi học em bị thi lại môn Từ vựng)

lúc 21:26 16 tháng 3, 2008  
Anonymous Libra® nói...

đúng là người nam có xu hướng phát âm theo dấu nặng (.), còn người bắc thì thiên theo dấu sắc (')...chắc do người nam phát âm giọng 'cổ' giống dân tây, trầm xuống, còn người bắc giọng 'mũi', cao lên,...???!!!

lúc 05:02 17 tháng 3, 2008  
Anonymous Libra® nói...

đúng là người nam có xu hướng phát âm theo dấu nặng (.), còn người bắc thì thiên theo dấu sắc (')...chắc do người nam phát âm giọng 'cổ' giống dân tây, trầm xuống, còn người bắc giọng 'mũi', cao lên,...???!!!

lúc 05:02 17 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Pall Mall: Mình thấy cách giải thích của Pall Mall cũng là một giả thuyết hay, không phải nông cạn và vô căn cứ đâu, tuy nhiên, nếu nói người Nam phát âm chuẩn tiếng Anh hơn thì không đúng. Có một điều mình đồng ý với Pall Mall là việc giải thích này phải dựa trên cơ sở Ngôn ngữ học - mạ cụ thể phải kết hợp các kiến thức ngữ âm học và từ vựng học. Thống kê tần suất nhiều trường hợp tương tự mình nghĩ chắc có 1 quy luật liên quan tới ngữ âm. Hy vọng sẽ có cao nhân cho một giả thuyết hợp lý!

lúc 03:54 18 tháng 3, 2008  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Tien Long: Giả thuyết về Nha Trang mình cũng đọc trong một số tài liệu. Chi tiết Long nói nghe lần đầu, để mình hỏi thêm các bậc cao niên xem sao!

lúc 20:53 18 tháng 3, 2008  
Anonymous Tien Long nói...

Em đọc được là chữ Nha Trang bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Champa kia anh. Đâu như họ gọi là Ya T-ran gì đó!

lúc 21:19 18 tháng 3, 2008  
Anonymous Tien Long nói...

Dạ, Ya T-ran tiếng Champa nghĩa là sông Lau. Sông Lau chính là con sông Cái to oành chảy qua thành phố có cái cầu xóm Bóng nổi tiếng bắc qua đó anh. Do hai bên bờ xưa toà lau lách nên người Chàm gọi rứa! Sau thành tên vùng đất, rồi tên thành phố luôn. Chứ cái cách giải thích là ghi bừa vào bản đồ chữ "Nhà Trắng" nghe "trớt quớt" quá! Bọn Tây nó làm ăn cẩn thận khác thế nhiều, nhất là trong việc lập bản đồ, một vấn đề sống còn của ngành hàng hải.
(Cái Ya t-rang này cũng chỉ là giả thuyết thôi ạ, chưa xác định được cái nào chính xác, cũng giống như Đà Lạt "trẻ" hơn Nha Trang nhiều mà đến giờ còn đang cãi nhau xem xuất xứ tên đó từ đâu)

lúc 03:52 19 tháng 3, 2008  
Anonymous Quế Mai nói...

Trời, ảnh ai đẹp thế hả trời?

lúc 03:26 26 tháng 3, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ