Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

LEARNING FROM OUR COLLEAGUE’S EXPERIENCES




Tuần rổi, có một bạn trẻ đang làm báo tập sự mail cho tôi hỏi xin tài liệu nghề báo và trao đổi vài chuyện về nghiệp vụ. Một trong những cái mail tôi gửi cho bạn ấy có nói đại ý là trong làm báo, CÁCH ĐÀO TẠO TỐT NHẤT LÀ HỌC Ở ĐỒNG NGHIỆP. Bạn ấy tỏ ra chưa hiểu, entry này như một chia sẻ thêm.

HỌC Ở ĐỒNG NGHIỆP

CÁCH ĐÀO TẠO TỐT NHẤT LÀ HỌC Ở ĐỒNG NGHIỆP, Thoạt nghe, nhiều người cho rằng đây là một nhận định vội vã bởi nhà báo ở Việt Nam vốn ít "chịu" nhau, làm gì có chuyện học từ đồng nghiệp là tốt nhất! Thế nhưng đây không phải là kết luận của tôi mà là nhận định của một nhà báo đã từng trải, đã có nhiều thành công và khi tôi được học ông trong một khóa ngắn hạn do IMMF tổ chức tại Thái Lan, ông đang làm việc cho một tờ báo lớn, Financial Times (Anh) và tham gia giảng dạy ở các trường Đại học danh tiếng tại Anh, Mỹ, Nam Phi: ông Graham Watts.

Theo Graham Watts, nhà báo chỉ có thể là một chuyên gia trên lĩnh vực báo chí chứ khó có thể là chuyên gia trên lĩnh vực họ đang theo dõi. Chẳng hạn, bạn có thể viết rất hay những bài báo về thị trường chứng khoán nhưng chưa chắc bạn đã có thể trở thành một tay môi giới chứng khoán giỏi. Bạn có thể bình luận bóng đá rất giỏi nhưng khó có thể trở thành một chuyên gia bóng đá...

Các nhà báo đàn anh thường khuyên lớp trẻ rằng nếu anh không hiểu điều gì thì đừng nên đưa nó vào bài viết của mình. Hiện nay, nhiều nhà báo trẻ của chúng ta viết bài theo công thức, ít sáng tạo nên thường lệ thuộc vào nguồn tin một cách máy móc. Nguồn tin ở đây có thể hiểu như là những báo cáo, những phát biểu, những thông cáo báo chí từ các buổi họp báo hay thậm chí một bài báo đã đăng, phát sóng. Internet ngày nay đã trở thành kho thông tin khổng lồ, song, nhà báo cũng phải hết sức thận trọng trước các nguồn tin từ internet.

Có một thực tế nữa là hiện nay nhiều nhà báo do tự ti, tự ái, do lười biếng, dấu dốt... nên không dám hay không muốn đặt câu hỏi ngay cả với đồng nghiệp của mình. Nhà báo giỏi chính là những người biết luôn luôn hỏi, kể cả những câu hỏi ngớ ngẩn. Và chính vì thế, họ lệ thuộc quá nặng vào nguồn tin nên không có sáng tạo, không có phát hiện và bài viết rất mờ nhạt thông tin.

Có nhiều kênh thông tin để nhà báo có thể học hỏi. Học - hay đúng hơn là tự học - là phẩm chất quan trọng của nhà báo. Nhưng, cũng theo ông Graham Watts, "một nhà báo viết về lĩnh vực kinh tế thì không cần thiết phải đọc những cuốn sách nghiên cứu kinh tế dày cộm, thay vào đó, hãy đọc thơ, đọc tiểu thuyết". Và như đã nói, cách học hay nhất là học từ đồng nghiệp. Học từ đồng nghiệp hay nhất là đọc, nghiên cứu các bài báo hay của đồng nghiệp. Và không chỉ đọc, nghiên cứu mà còn phải biết hỏi, biết tra cứu chéo dữ liệu từ các đồng nghiệp.

Sẽ có nhiều cách phân tích thêm về nhận định này, nhưng, thiết nghĩ, câu trả lời hay sẽ thuộc về chính kinh nghiệm của bạn. Mong được các bạn chia sẻ thêm về ý kiến này.


Nhãn:

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

WHEN PAGEVIEWS AT FIVE NUMBER FIVES




VIẾT NHÂN PAGE VIEWS TRÒN 5 SỐ 5

Tôi biết Opera và Yahoo 360 từ năm ngoái, có làm cho mình vài trang để “theo kịp với các em, các cháu” và load lung tung lên một số bài viết “đao to búa lớn”. Rồi để đó. Cuối tháng 3 năm nay, sau khi nhận công tác mới, rảnh hơn, ngồi văn phòng nhiều hơn, tôi bắt đầu “chơi” blog.

Tôi vừa làm blog, vừa quan sát blog như một hiện tượng truyền thông. Đã dành khá nhiều thời gian cho nó nhưng thực ra tôi càng tìm hiểu, tôi càng khám phá nhiều ra nhiều điều bất ngờ thú vị. Và tôi biết những bất ngờ ấy vẫn còn chờ mình ở phía trước.

Ban đầu, những entry của tôi thường là các câu chuyện vui. Viết như tìm một niềm vui trong công việc. Nhưng rồi, qua blogging, tôi lại chuyển dần “mục tiêu vui là chính” ấy. Tôi viết trên blog những suy nghĩ, trải nghiệm về nghề. Với blog, tôi cũng khám phá thêm chính bản thân mình.

Tôi làm blog theo cách của mình và học tập ở bạn bè blog nhiều điều. Học cách sáng tạo phong phú của các bạn trẻ, học cách viết của các chuyên gia… Và một trong những bài học lớn ấy là những cách ứng xử đẹp. Từ một dòng comment trả về đến một cái message góp ý tế nhị, từ chuyện remove một cái nick trong friends list, đến chuyện xin add, hay “bị” invite… tất cả đều nhắc cho tôi biết rằng phải biết sống thật trong thế giới ảo mới mong đón nhận những tình cảm thật, những hạnh phúc có thật. Đã có những lúc tôi thức trắng đêm vì một dòng comment lỡ lời vô tình làm tổn thương một người bạn. Đã có lúc tôi cũng xóa một entry vì chưa cân nhắc thiệt hơn khi đưa lên.

Blog đời như vậy.

Đọc những trang blog trong những ngày gần đây, sau thảm họa cầu Cần Thơ, tôi càng hiểu thêm rằng: những cú click chuột đã cho chúng ta gần nhau hơn, thế giới ảo này rất thật, rất ấm áp, hiền hòa.

(Tất nhiên vì nó là đời nên chắc vẫn có chua ngoa, gian lận, điếm đàng…. May quá, mình ở hiền nên còn gặp lành)

Tôi tin chắc rằng không ai che giấu mình mãi trong thế giới ảo ấy được. Và cũng không ai cô đơn thực sự khi cô độc ngồi bên máy tính giữa đêm khuya.

Cám ơn blog!

Hôm kia, tình cờ thấy pageviews nằm ở con số 55555, không phải một con số hoàn hảo, càng không phải con số cao so với các blog bạn bè mà tôi thường lui tới, nhưng nó có vẻ ngộ nghĩnh, độc đáo, tôi mới chụp cái màn hình. Và sáng nay khi đọc blog của anh Tịnh Tâm, một blogger tuổi 55, và trước đó thì đọc anh Free La kỷ niệm một năm ngày sinh blog, tôi bắt chước viết mấy dòng này…

Image

Nhãn:

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2007

CRYING FOR CAN THO BRIDGE COLLAPSE




KHÔNG ĐỀ

(Nghe tin thảm họa cầu Cần Thơ)

Khăn sô chưa kịp vấn vào

Bao nhiêu tức tưởi nghẹn ngào.

Trời ơi!

Chồng đi, chẳng nói một lời

Cha đi, để lại những đời trẻ thơ

***


Điếng lòng

Thiếu phụ bơ vơ

Mưa giăng trắng bến Cần Thơ

khóc chồng

***

Ba ơi, một chiếc đèn lồng

Mua cho con

hội đêm rằm

hôm qua

Sao ba đành đoạn đi xa

Để mẹ,

con

với túp nhà liêu xiêu

Đời ba vất vả đã nhiều

Công trường

Tiến độ

Bao nhiêu tháng tròn

Chắt chiu giây phút gặp con

Chắt chiu hạnh phúc làm chồng, làm cha

Sao ba đành đoạn đi xa

Để mẹ,

con

với ông bà sầu đau

Tang

ba

con

đội

trên

đầu

**)))*

***

Mai này (con lớn) câu cầu xây xong

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Con ngang sông Hậu

xé lòng

khóc ba…






------------------------------

ảnh: Báo Tuổi trẻ online

Nhãn:

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

TALKING ABOUT MEDIA IN VIETNAM




BÁO CHÍ - TRUYỀN THÔNG:

NHÌN TỪ THẢM HỌA CẦU CẦN THƠ

Sự kiện trở thành tâm điểm của báo chí – truyền thông từ hôm qua đến nay, ai cũng biết, đó là thảm họa sập 2 nhịp cầu dẫn trên công trình xây dựng cầu Cần Thơ đang thi công, một sự kiện được mô tả là “Thảm họa đổ sập lớn nhất trong lịch sử xây dựng Việt Nam”.

Sự kiện này diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 26/9, thời điểm mà các tờ báo in đã đến tay người đọc. Diễn biến, hậu quả và quá trình cứu người, khắc phục tai nạn được các báo trực tuyến, phát thanh, truyền hình liên tục cập nhật. Các bloggers cũng đã tham gia tường thuật, bình luận, chia sẻ thông tin, kêu gọi giúp đỡ.

Nhưng sáng nay, khi đọc xem chương trình “Chào buổi sáng”, các mục “điểm báo” trên truyền hình, đọc các tờ báo vừa ra, rồi đọc lại các báo online, vốn đã tường thuật diễn biến và công bố những thông tin liên quan với một dung lượng khá cao trên các trang từ hôm qua, cũng thấy có những điều khác với những gì mình hình dung trước đó, có những sự điều chỉnh rất bất thường.

Lúc này không phải là lúc để có thể bình tâm mà bàn luận những chuyện liên quan đến nghiệp vụ, đến thông tin, đến công tác tư tưởng. Diễn biến của vụ sập cầu vẫn sẽ còn là đề tài của các báo trong thời gian khá dài sắp tới, thậm chí cho đến khi cầu được khánh thành theo đúng tiến độ. Và câu chuyện nghề, câu chuyện thông tin từ sự kiện này sẽ còn lưu dấu ấn đậm trên những người làm báo được trực tiếp tham gia, hay chỉ đạo tổ chức bài vở. Các nhà nghiên cứu truyền thông còn có thêm một dẫn chứng sinh động về vai trò của “báo chí công dân” trong việc thông tin thảm họa, vai trò của báo chí trực tuyến khi nó phát huy các thế mạnh, các đặc trưng của nó, vai trò của sự hội tụ công nghệ trong quá trình truyền thông hiện đại. Các nhà quản lý báo chí còn sẽ có dịp thấy được diện mạo của công chúng báo chí hiện nay – những người nghe/xem/đọc chủ động hơn, tích cực hơn.

Vâng, lúc này không phải là lúc để có thể bình tâm mà bàn luận những chuyện lý luận. Mong muốn lớn nhất của những nhà báo (báo chí chuyên nghiệp hay báo chí công dân) đều là góp phần khắc phục hậu quả tai ương. Hãy tận dụng sức mạnh của thông tin trong thời đại số để tạo nên lực lượng tinh thần, lực lượng vật chất, khơi dậy sức mạnh trong những cộng đồng xã hội của một đất nước vốn có truyền thống nhân ái này.

Một nửa cái bánh mì và một nửa sự thật…, chẳng lẽ lại kết bằng entry này bằng cái ẩn dụ kinh điển kia?


------------------

ảnh: Báo Tuồi Trẻ

Nhãn:

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2007

TELL ME HOW TO HOLD MICROPHONE




HÃY CHO TÔI BIẾT BẠN CẦM MIC RA SAO…

Hằng ngày xem truyền hình, ta bắt gặp hình ảnh khá quen thuộc là các phát biểu, phỏng vấn. Trên những khuôn hình phát biểu được thu từ hiện trường (không phải tại phòng thu), đôi khi ta còn thấy cánh tay, bàn tay cầm chiếc micro của nhà báo truyền hình. Cái bàn tay ấy hoặc chiếc micro “ló” ra trong khuôn hình có logo của một Đài nào đấy mang ý nghĩa về sự có mặt “cái tôi trần thuật” của nhà báo trong câu chuyện, nhưng bên cạnh đó, nó cũng nói được nhiều điều về phương diện nghề nghiệp… Nào là chuyện hướng đứng của phóng viên trong quá trình phỏng vấn đối tượng, nào là góc nhìn của phóng viên quay phim khi tác nghiệp… Bài này chỉ bàn đến một chuyện nhỏ: chất lượng âm thanh trong ghi hình phỏng vấn, phát biểu.

Image

Khi "nhà đài" phỏng vấn "nhà đài": TS Tạ Bích Loan – tổng đạo diễn chương trình truyền hình trực tiếp Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII tại Hà Nội - trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Đồng Nai về ý tưởng lồng ghép nội dung Đại hội trong một chương trình truyền hình

Chất lượng âm thanh trong quá trình ghi hình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thiết bị ghi hình (loại camera), bối cảnh ghi hình (tiếng động nền), cường độ âm lượng của người nói và cách xử lý microphone (gọi tắt là mic) của phóng viên. Thiết bị ghi hình chuyên dụng tất nhiên sẽ rất tiện lợi cho phóng viên trong tất cả các tình huống nhưng không phải lúc nào, đài nào cũng có đầy đủ các loại camera chuyên dụng để tác nghiệp. Hoặc ngay cả khi có đầy đủ phương tiện nhưng trong một số trường hợp tác nghiệp đặc biệt như đi nước ngoài, đi điều tra, đi tường thuật các vụ lũ lụt… việc phóng viên sử dụng các loại thiết bị ghi hình dân dụng, rẻ tiền vẫn tiện lợi hơn. Mà thực tế hiện nay, rất nhiều Đài truyền hình từ TW đến địa phương vẫn còn đang sử dụng các dòng máy dân dụng và các loại camera DV trong tác nghiệp các nội dung thông tấn. Sự xuất hiện các loại mic trên khung hình từ Đài TW đến Đài địa phương vì thế cũng khá đa dạng.

Yếu tố bối cảnh tất nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh: ghi hình trong một nhà máy, ghi hình trong một cơn bão khác với ghi hình trong một căn phòng làm việc của giám đốc (nếu tắt máy máy lạnh). Nhưng, âm thanh nền (background sound) trong phát thanh – truyền hình cũng là một loại thông tin ngoài hình ảnh và lời bình nên việc làm chủ các nguồn âm thanh cần thu (trong đó âm thanh của đối tượng được phỏng vấn là quan trọng nhất) là việc mà phóng viên phải làm.

Image

Khi xem nhiều chương trình hiện nay, chúng tôi nhận thấy, cách cầm chiếc mic của nhiều phóng viên chứng tỏ họ chưa hiểu biết thực sự về đặc tính kỹ thuật của các loại thiết bị mà họ đang sử dụng.

Phổ biến là trường hợp nhiều nhóm phóng viên muốn cho khung hình đẹp nên để mic xa khỏi nguồn âm thanh của đối tượng được phỏng vấn. Đối với các loại camera chuyên dụng như Betacam (của SONY) thì mic đi kèm với nó có búp hướng rất lớn. Mic có thể để xa trong phạm vi hơn một mét và không cần di chuyển mic trong các nhịp hỏi đáp vẫn có thể thu âm thanh tốt (trong một số điều kiện lý tưởng) nhưng đối với các loại mic dùng cho các dòng máy phổ thông hiện nay (mà dân chuyên môn gọi đùa là mic karaoke), búp hướng nhỏ hơn nhiều. Nếu mic để xa hơn miệng của người phát biểu 40 cm thì chất lượng âm thanh sẽ rất kém. Có trường hợp bị âm thanh nền làm hỏng cả nội dung phát biểu.

Image

Với phóng viên truyền hình, việc phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng, VIP trong những tình huống, sự kiện đặc biệt thường khó khăn hơn so với các đồng nghiệp báo in vì sau khi được sự đồng ý, phóng viên phải tác nghiệp thật tốt để có khung hình và âm thanh chuẩn nhất. VIP không có thời giờ để phóng viên chọn bối cảnh, phông ghi hình (background) và thế đặt camera…

Có thể dùng một so sánh vui như sau: Khi chúng ta ngồi trên một chiếc xe buýt cũ kỹ và nói chuyện với tài xế lúc xe đang chạy. Tai chúng ta sẽ hướng về cuộc nói chuyện (listen to) và “quên” đi tiếng động cơ của xe buýt, kể cả tiếng còi và tiếng xe cộ chạy ngoài đường. Nhưng nếu chúng ta ghi âm cuộc trò chuyện ấy đồng thời, thì mic nó… sẽ không khôn ngoan như thế, nó thu tất cả cái gì nó nghe được (hear). Những trường hợp phỏng vấn các VIP ngay trên chuyên cơ cũng thế. Để chất lượng âm thanh phỏng vấn tốt thì mic càng gần miệng người phát biểu mới hạn chế âm thanh nền.

Image

Micro không có túi lọc ồn và để hơi xa nguồn âm thanh so với búp hướng loại mic này. Trường hợp này nếu âm thanh hiện trường ồn thì chất lượng sẽ rất kém. Với phát thanh hầu như không dùng được, truyền hình do đặc trưng có hình ảnh, người ta vẫn nghe được lời nói nhưng chất lượng âm thanh như thế thường khó chấp nhận được

Các loại mic chuyên dụng có ghi rõ đặc điểm của búp hướng (đẳng hướng hay định hướng) và phóng viên cần phải biết để khai thác tốt trong tác nghiệp. Do dung lượng bài viết, chúng tôi không thể thống kê ra đây và tư liệu kỹ thuật về các loại mic rất phong phú, có thể tìm trên internet thông tin về loại mic mình đang sử dụng (nếu có thời gian tôi sẽ giới thiệu tính năng của một số loại mic thông dụng hiện nay trên một entry khác).

Một chi tiết khác trong khi sử dụng các loại mic không chuyên dụng là việc xử lý các jack cắm. Các loại mic được sử dụng hiện nay trong thực tiễn tác nghiệp phát thanh truyền hình có khá nhiều loại jack nối (canon, hoa sen, 6 ly, 3 ly…). Làm thế nào để tránh di lệch các jack nối trong quá trình ghi âm là một yêu cầu quan trọng trong ghi hình phỏng vấn, phát biểu. Những phóng viên giàu kinh nghiệm thường cuộn vòng dây mic vào tay khi cầm để tránh tình trạng xộc xệch, “lục đục” của mic khi tác nghiệp.

Trong một số trường hợp ghi hình phát biểu, phỏng vấn, nhiều phóng viên trẻ rất ít chú ý các nguồn âm thanh mà tai mình tưởng chừng không nghe thấy nhưng tạo nên tiếng động rất lớn, đó là tiếng máy quạt, máy lạnh, tiếng gió. Biết cách cầm mic - hiểu theo nghĩa rộng - cũng là biết cách xử lý những trường hợp đặc biệt này. Bạn phải biết đứng ở vị trí hợp lý tại hiện trường để tránh tối đa tiếng gió rít vào mic của mình và khi cần, phải dùng túi lọc ồn cho mic.

Trừ những trường hợp tác nghiệp thời sự gấp gáp và căng thẳng, trước khi ghi hình có thu tiếng (phỏng vấn, phát biểu), phóng viên nên dùng head phone và xem đồng hồ âm lượng (volume unit) để kiểm tra tín hiệu âm thanh thu vào trước đó.

Chỉ cần làm chủ được tính năng thiết bị thì chất lượng âm thanh của hầu hết quá trình phỏng vấn, ghi hình phát biểu sẽ bảo đảm.

Khác với phóng viên báo in khi tác nghiệp cần ghi âm như một dạng tư liệu, phóng viên phát thanh – truyền hình cần ghi âm để phát sóng. Vì thế chất lượng âm thanh cần phải được chú trọng. Để bảo đảm chất lượng âm thanh, một trong những điều mà nhà báo phát thanh – truyền hình phải biết là tính năng mic của mình đang sử dụng. Xin nói thêm: ngay trong các dòng máy ghi âm kỹ thuật số hay ghi băng có mic gắn trong máy, tính năng của mic cũng được chỉ thị rõ.

Image

Phóng viên Đình Hưng (Đài PTTH Đồng Nai) phỏng vấn TBT báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Nếu để ý sẽ thấy anh phóng viên này đang tác nghiệp "2 trong 1": lo ghi âm cho phát thanh và ghi hình tiếng cho truyền hình. Hai chiếc mic này thường không đồng bộ nhau về búp hướng và có khả năng gây nên tiếng động rất lớn khi cọ vào nhau nếu người nói nói dài, phóng viên mỏi tay. Bạn thử cầm một vật nặng tương đương và đưa về phía trước như thế trong vòng 2 phút sẽ cảm được điều này...

Chiếc mic là vật dụng khá quen thuộc với phóng viên phát thanh truyền hình, nhưng để hiểu về nó cũng cần có một sự lưu tâm nhất định. Và đó là chuyện nghề. Có người làm nghề hàng chục năm nhưng không để ý nên có khi chưa hiểu hết những điều đơn giản ấy. Ngay cả khi chúng ta đang sử dụng các thiết bị chuyên dụng, cũng nên tìm hiểu thêm điều này, vì biết đâu sẽ có lúc, trong những tình huống cụ thể, chúng ta buộc phải mượn một thiết bị… đám cưới hay máy di động để làm nghề.

---------------------------------

Ảnh sử dụng trong entry này của nhà báo KIM TUẤN (Báo Đồng Nai), nhà báo Huỳnh Kim Ngọc (Đài PTTH Đồng Nai) và cắt từ video clip của Hồng Việt.



Viết thêm một chút:

Tối nay (6/10) chương trình thời sự 19 giờ của VTV có phóng sự về lũ quét ở huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An. Coi phóng sự này tôi thấy phóng viên Phạm Kiên đã phạm lỗi cầm micro. Đoạn băng anh đọc tại hiện trường và đoạn phỏng vấn ông bí thư huyện Quế Phong do mic để quá xa và không tính âm thanh nền nên rất khó nghe. Bình thường những đoạn hình tiếng này không thể sử dụng, nhưng chắc do đây là một phóng sự đặc biệt. Tôi muốn tìm trên web đoạn phóng sự ấy để đưa vào đây làm ví dụ cho sinh động nhưng chưa biết có website nào lưu video các chương trình thời sự? Hy vọng ngày mai sẽ tìm được.

Nhãn:

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

WHAT IS "NOP"?




NÓP LÀ GÌ?

Hôm qua thấy bác Hai Miền Đông cảm hứng với “Nam bộ kháng chiến” bằng một bài thơ, mình còm vào blog bác Hai một ý: Sao không đưa hình ảnh chiếc NÓP Nam bộ lên cho các bạn trẻ trên cộng đồng blog biết thêm về một vật dụng chỉ có ở Nam bộ.

Sáng nay, ý nghĩ đó lại chợt hiện về, mình tranh thủ lục lọi trên net: chẳng có tấm hình chiếc nóp nào cả! Đành phải gửi mail nhờ anh bạn thân ở báo Vĩnh Long tìm cho một tấm ảnh. Và viết vài dòng này.

Rất nhiều người Việt Nam thuộc bài hát “Nam bộ kháng chiến” và có ấn tượng với câu hát hừng hực lòng yêu nước “NÓP với giáo mang ngang vai mà lòng người giàu lòng vì nước”. Thế nhưng tôi đồ rằng rất nhiều người trong chúng ta, nhất là các bạn trẻ không hề biết NÓP là cái gì?

Nó là một loại vũ khí? Không!

Nó là một công cụ sản xuất? Không!

Nó là vật dụng sinh hoạt? Vâng, đúng như vậy. Và đó là vật dụng của người nghèo Nam bộ xưa!

Cái NÓP hiện nay chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của thế hệ già, trong ca dao, dân ca và vài bài hát mới.

Vai mang nóp rách

Tay xách cổ quai chèo

... Nhưng vì thương con nhớ vợ

Bởi phận nghèo anh phải ra đi.

Tự điển Wikipedia định nghĩa nóp như sau:

“Túp con bằng chiếu hay bằng cót quây ở bờ ruộng hay ở trên thuyền để nằm”.

Đọc những dòng định nghĩa ngắn gọn ấy chắc sẽ khó hình dung ra cái nóp.

Đó là một vật dụng đan bằng cót (hoặc bàng) thành một chiếc đệm, đúng hơn giống cái bì thư lớn. Chiếc đệm ấy dài khoảng 2 m, ngang 1 m. Gập đôi may ở hai đầu, thành ra kín được ba cạnh, còn một cạnh chừa trống như ta xếp phong bì chừa miệng để bỏ thư vào rồi mới dán. Có khi người ta còn may thêm đường viền (gọi là lưỡi gà) giống như nắp bì thư, để che kín khi ngủ nhằm chống muỗi, vắt...

Cực chẳng đã mới ngủ nóp thôi, bởi xứ Nam bộ thì nóng mà chui vào nóp chỉ để chống muỗi, chứ rất ngộp.

Cái nóp không chỉ là cái mền, cái mùng để ngủ bờ ngủ bụi mà nó còn là cái… túi xách để đựng những thứ vật dụng cá nhân khác.

Ai là người chế ra nóp? Khó có thể xác định rõ. Nhưng theo vài ý kiến thì sản phẩm này được người "dân ấp, dân lân" vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp, Long An ngày nay) sống vào khoảng cuối thế kỷ 18 sáng tạo ra.

Tất nhiên đó là vật dụng của người nghèo, thậm chí quá nghèo. Và ngày nay chắc chẳng ai còn sử dụng NÓP nữa. nhưng NÓP phải là một di sản văn hóa cần được lưu giữ như một dấu ấn sáng tạo độc đáo của Nam Bộ thời mở đất và đánh giặc!

Sẽ ráng tìm tấm hình chiếc nóp để post lên cho các bạn xem! Giờ phải post tạm tấm hình một ngôi chùa cổ ở Trà Vinh, một di sản văn hóa vật thể còn được bảo tồn rất tốt ở đây, trong cộng đồng!



Nhãn:

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2007

SMOKING, WHY NOT?




HÚT THUỐC LÁ ĐỂ GIỮ… PHẨM CHẤT

Sau rất nhiều biện pháp - kể cả việc đem má tôi, con tôi và cả chuyện ly dị ra để thuyết phục bất thành, bà xã tôi đã tung ra một đòn khá… “nham hiểm” trong việc yêu cầu tôi bỏ thuốc lá.

Ý tưởng của cú ra đòn này xuất phát từ những chuyện liên quan đến nỗi sợ của bọn đàn ông: “chuyện ấy”.

Vợ tôi tìm đâu ra hàng chục bài viết trên các báo nói về tác hại của thuốc lá với chuyện… ấy! Những bài báo này nàng cắt cẩn thận và giao cho… thủ trưởng của tôi (thủ trưởng cũng là một trong những nỗi sợ thường trực của bọn tôi).

Image

Một bữa, đang ngồi làm việc, thủ trưởng gọi lên phòng, ném ra xấp báo. Cậu đọc đi! Tôi lia mắt như dân điểm báo chuyên nghiệp và nhanh chóng phát hiện ra điểm chung. Chưa kịp phát biểu kết luận về những bài báo thì thủ trưởng nói: Khoa học người ta kết luận hút thuốc lá ảnh hưởng tới khả năng hưng phấn tình dục, hoạt động sinh lý và rất nhiều thứ… Tóm lại là nó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Cậu nên bỏ thuốc lá. Cơ quan bây giờ đã cấm hút rồi. Thì em cũng chỉ hút ở quán cà phê và ở nhà thôi. Nhưng bỏ đi cậu à. Vợ mình nó quan tâm đến sức khỏe của mình. Dạ anh để em suy nghĩ.

Suy nghĩ cái gì nữa. Này nhé – thủ trưởng tôi search nhanh trên Gú-gồ. Thằng gú-gồ dường như cũng hùa theo, chỉ trong vòng 0,36 giây, nó tìm đâu ra 1.380 trang web có viết về chuyện liên quan giữa "hút thuốc lá" và "yếu sinh lý".

Tôi đành tung ra chiêu cuối cùng:

- Thưa anh, em hút thuốc lá là để bảo vệ phẩm chất đạo đức cách mạng!

- Cái gì? Ý cậu là?

- Dạ, em hút thuốc mà nó vẫn sung thế này nếu bỏ thuốc thì không biết thế nào. Thậm chí thấy mỹ nhân trên blog mà nó còn… (dạ khó nói quá!). Anh cho em hút để em giữ gìn đạo đức ạ!

- Chà chà, khó quá! Cái tội hủ hóa thì cũng không chấp nhận được. Cậu phải về suy nghĩ thêm nhé.

Image

Nhãn:

PRESS REVIEW




ĐIỂM BÁO hay ĐỌC BÁO?

Hằng ngày, trên sóng truyền hình nhiều đài hiện nay thường có mục điểm báo. Không biết tiết mục này ra đời tự bao giờ nhưng quả là nó có ích đối với nhiều người bận rộn trong thời buổi thông tin bùng nổ như hiện nay. Điểm báo giúp cho khán giả truyền hình có một cái nhìn toàn cảnh những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội được phản ánh trên báo in trong ngày. Điểm báo giúp cho khán giả truyền hình nhìn thấy những vấn đề nổi cộm được các báo tập trung phản ánh. Điểm báo cung cấp thông tin thời sự cho nhiều khán giả ở vùng sâu, xa hoặc do công việc, ít có cơ hội đọc báo. Điểm báo còn là hình thức tư vấn, gợi ý để bạn đọc có thể chọn lọc bài báo nào mình cần tìm đọc giữa một rừng báo chí, thông tin.

Về phía Đài truyền hình, điểm báo là tiết mục mà nhà đài có thể đường đường chính chính khai thác thông tin nóng nhất và mới nhất của các đồng nghiệp báo in cho khán giả của mình ngay từ sáng sớm khi mà tin tức truyền hình chưa sản xuất được nhiều vào thời điểm này (trừ một số sự kiện đặc biệt diễn ra trong đêm trước đó được phóng viên thực hiện theo kế hoạch). Điểm báo đối với từng đài truyền hình cũng là cơ hội thể hiện rõ quan điểm thông tin trong những vụ việc cụ thể mà dư luận quan tâm.

Báo in ở Việt Nam thông thường “không hẹn mà gặp” trong những vụ việc nhiều người quan tâm. Ví dụ những ngày gần đây, các vấn đề báo chí tập trung phản ánh là kẹt xe ở các đô thị, dự án 112, chuyện đội mũ bảo hiểm, chuyện bánh trung thu, chuyện các loại phí trong nhà trường đầu năm học…

Thực hiện tiết mục điểm báo là cũng là việc đọc báo dùm và giới thiệu cho nhiều người, lại phải đọc trong một thời gian ngắn gấp rút để kịp lên sóng khi những tờ báo dường như còn “nóng hổi” và khung thời gian cho một tiết mục điểm báo cũng có hạn (điểm báo làm dài quá khán giả cũng ngán vì đọc “chay”) nên làm điểm báo thường phải là những biên tập viên giỏi, có khả năng khái quát cao, vừa biết nhìn diện, vừa biết phát hiện điểm. Chưa có ai xây dựng một tiêu chí đánh giá tiết mục điểm báo hay. Và ở mỗi đài truyền hình, cách làm điểm báo cũng khác nhau. “Cơ số” biên tập viên – phóng viên (quay phim) phụ trách tiết mục điểm báo ít hay nhiều tùy thuộc vào năng lực tài chính, nhân sự của từng Đài.

Cũng xin nói thêm: Nhiều tờ báo cũng biết vai trò khá quan trọng trong việc điểm báo như một hình thức PR cho báo mình nên đã chủ động gửi trước (bằng email hoặc fax) tới các đài những bài “đinh” của số báo ra ngày mai để các biên tập viên có thể chủ động đọc sớm hơn. Có tòa soạn còn tài trợ thêm tiền mặt và cung cấp báo in miễn phí cho nhóm làm điểm báo ở các đài. Thời kỳ cạnh tranh thông tin nên các đài cũng đua nhau điểm báo thật sớm. Điểm báo sớm đối với truyền hình thì khó khăn số 1 là làm sao có tờ báo đã in để ghi hình (nội dung có thể được gửi trước đó qua email). VTV với “Chào buổi sáng” thì có khi phải sử dụng các trình trình diễn (slide show) để thay cho việc ghi hình trang báo chưa về kịp.

Một số đài địa phương hiện nay cũng cạnh tranh thông tin bằng việc xây dựng tiết mục điểm báo sớm. Tuy nhiên, giữa ý định tốt đẹp và nhân lực vẫn còn là khoảng cách cho nên tiết mục điểm báo của một đài mà tôi thường xem hằng ngày nhiều lúc làm tôi hết sức bực mình. Công nghệ "copy – paste" làm các biên tập viên lười biếng suy nghĩ. Họ chỉ cắt 4 bài báo ngẫu nhiên và trích đoạn dài ngắn tùy thích để đọc... là xong một bữa điểm báo. Cấu trúc tiết mục điểm báo đại khái như sau:

1/ Mở đầu:

“Tiếp tục chương trình thời sự sáng nay, mời quý vị và các bạn theo dõi chúng tôi điểm một số thông tin đáng chú ý trên các báo phát hành sáng nay”

Cái câu văn lủng củng này còn lưu lại trên máy tính và cứ nhân bản ngày này đến ngày khác.

2/ Trên trang nhất, báo X có bài…. Bài báo có đoạn:

3/ Trên trang … báo Y có bài… Bài báo viết:….

4/ Trên trang … báo Y có bài… Tác giả cho biết:…..

5/ Tiết mục điểm báo đã khép lại chương trình thời sự sáng nay. Thân ái chào…

Nhiều trường hợp, phát thanh viên khi đọc điểm báo phải đóng kịch rất buồn cười. Do phần nội dung điểm báo được đánh máy in vi tính rồi lót vào trong một tờ báo được điểm nên khi phát thanh viên đọc “Trên trang nhất, báo X có bài….” khán giả nhìn cái trang nhất của tờ báo ấy đang quay ra phía mình, còn cô phát thanh viên rõ ràng phải nhìn “trang ruột” vẫn điểm... trang nhất ngon lành! Phần lớn các dạng bài có tính thông tấn khó "điểm" vì nếu trích thì dài quá, khó tóm hết được, nên các loại bài có tính chính luận như mục "Thời sự và suy nghĩ", "Chào buổi sáng", "Xã luận"... được các "nhà điểm báo " này rất thích chọn (vì trích đoạn nào đọc cũng xuôi cả!).

Có nhiều thông tin sốt dẻo trên báo in (do sự kiện diễn ra vào ban đêm) như vụ bắt và khám xét nhà Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới đây mà người làm điểm báo sáng do không nhạy cảm với thông tin nên không “điểm” cho khán giả biết. Điểm là giới thiệu, là gợi, là khái quát, chứ nếu điểm báo là đọc báo thì làm sao đọc hết bao nhiêu là báo ở trong nước? Và nếu điểm báo chỉ là đọc báo ngẫu hứng thế này thì ai làm điểm báo chả được! Thậm chí nếu thao tác tốt trên máy tính thì có thể copy rất nhanh 4 - 5 bài báo ngẫu nhiên của 4, 5 tờ báo ngẫu nhiên (thường có bản trực tuyến) và ráp vào thì chỉ cần chừng 5 phút là biên tập xong một tiết mục “điểm báo”!

Xây dựng một chương trình truyền hình điều quan trọng số 1 là nó cung cấp món ăn tinh thần nào cho khán giả chứ đâu phải làm lấy được, làm cho có. Tiền thuế của dân chịu sao được những chương trình kiểu vầy?

Nhãn:

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

LOCAL STATION WITH SITUATION COMEDY

SITCOM KIỂU CON NHÀ NGHÈO

Sitcom (situation comedy) công nghệ thu hình phổ biến trong việc làm phim truyền hình trên thế giới. Nửa giống điện ảnh, nửa giống sân khấu. Thu phối hợp đồng bộ nhiều máy, ghi tiếng đồng bộ. Ưu điểm của nó: sản xuất rất nhanh vì quá trình hậu kỳ đơn giản hơn nhiều, thích hợp với nhu cầu truyền hình.

Trước khi sitcom được du nhập vào Việt Nam, Đài Đồng Nai cũng có một thời làm phim sitcom theo kiểu con nhà nghèo.

Hôm nay, khi tìm ảnh cho một bài báo, tình cờ phát hiện mấy cái ảnh kỷ niệm một thời thu hình các clip "đồng bộ tiếng" tại hiện trường.

Nếu bọn Tây nó có hệ thống thiết bị thu âm khá đặc biệt và có một dàn chuyên gia âm thanh trong mỗi kíp thu hình thì anh em truyền hình tỉnh mình chỉ cần 2 tên là làm thay cả êkíp 30, 40 người của họ. Và khi xem clip phát lại trên truyền hình thì nó không thua gì “truyền thuyết Ju-mông” đâu nhé! Ju - mông mặc áo giáp sắt nhưng giấu micro wireless bên trong, có nhiều mic thu đồng bộ tiếng hiện trường đặt ngoài khung hình và có chuyên gia ngồi trên một bàn mix để phối hợp âm thanh, điều chỉnh âm thanh cho từng diễn viên, thì chúng tôi chỉ cần một cái… cần câu theo nghĩa đen của từ này. Hãy nhìn những tấm hinh (hơi bị xấu) này sẽ rõ!

Image

Ghi hình một clip hài. Các diễn viên chính: Văn Hiệp, Ngọc Bích. Đạo diễn: Phan Văn Tú. Quay phim: Hồng Việt. Âm thanh: Mai Quốc Ấn – sinh viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền. Bối cảnh, bờ hồ Hoàn Kiếm.

Khi chúng tôi ra Hà Nội làm tường thuật một sự kiện chính trị, di chuyển bằng máy bay nên không thể mang thiết bị âm thanh, VTR cồng kềnh theo được. Tôi bàn với Hồng Việt quay phim, anh em mình làm một số tình huống cho chương trình "Từ trong di sản" với diễn viên miền Bắc để đổi món cho Đài. Hồng Việt nói anh sắp xếp được thì làm. Khi đặt vấn đề với một số diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, anh Tự Long, chú Văn Hiệp, chị Ngọc Bích rất nhiệt tình và khi thấy chúng tôi ghi hình, các anh chị rất “hãi”: Tôi chưa bao giờ đóng phim kiểu này. Dân Hà Nội thì xúm quanh chỗ chúng tôi ghi hình và nhiều đoạn đang thu tiếng ngon lành thì bị “lọt” tiếng: a, cái này là “Gặp nhau cuối tuần nè!”. Tôi đành năn nỉ cô bác coi thì coi nhưng đừng la để tụi này ghi tiếng luôn.

Câu chuyện về cái cần câu cũng khá vui. Khi chuẩn bị ghi hình, tôi nói với Hồng Việt: chết rồi, giờ làm sao có boom để làm âm thanh. Và sau đó nhanh chóng nghĩ ra chuyện tìm cái cây dài. Alô cho Quốc Ấn đang học ở Học viện báo chí – truyền thông, Ấn nhiệt tình đi mua cái cần câu. Nhưng khi đón xe ôm vác cần vào nội thành thì bị công an thổi…

Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy. Trong một ngày mà chúng tôi thu được 8 tiểu phẩm (mỗi clip 3 phút) với nhiều diễn viên khác nhau. Kịch bản có khi gõ ngay trên laptop và diễn viên phải chúi vào monitor để học thoại vì các kịch bản dự kiến không thực hiện được do thiếu đạo cụ, bối cảnh và diễn viên phù hợp… Những tấm hình này chụp cảnh ghi hình diễn viên còn thoại ở một chỗ cố định. Còn trong một số tình huống khác, diễn viên phải di chuyển, "âm thanh" Quốc Ấn phải lê cần câu theo trông độc đáo ra phết. Thỉnh thoảng, Ấn mỏi tay làm cần câu sệ xuống khung hình là "stop!" làm lại. Diễn viên lầu bầu. Đành chịu thôi!

Image
Image

Có khi buộc phải gắn mic vào một cái ghế và tìm “đạo cụ” che nó lại cho khán giả không nhìn thấy trong khung hình để ghi tiếng! Sáng tạo chưa?

Còn nhiều tấm hình làm sitcom kiểu con nhà nghèo như thế mà mình lục chưa ra. Sẽ cập nhật tiếp…

Nhãn:

TALKING ABOUT TALK SHOW




THỂ LOẠI VÀ CHƯƠNG TRÌNH: NHÌN TỪ TỌA ĐÀM TRUYỀN HÌNH

1. Sự xuất hiện của hình thức tọa đàm trên báo chí nói chung đã có từ lâu. Có thể hiểu nôm na đó là những cuộc trò chuyện nhằm trao đổi, bàn bạc, tranh luận… về một vấn đề, một sự kiện, một hiện tượng nảy sinh trong cuộc sống. Trong tọa đàm có thể có những ý kiến trái ngược nhau và sự cọ xát những ý kiến này trở thành nội dung chính tạo ra sự hấp dẫn của hình thức báo chí này.

Một cuộc toạ đàm phát thanh - truyền hình phải có người dẫn chương trình (là phóng viên, biên tập viên…). Họ không chỉ có vai trò dẫn dắt, gợi mở và “chủ trì” cuộc trò chuyện mà còn tham gia tranh luận. Những người tham gia chương trình là những người có uy tín, có kinh nghiệm, có chuyên môn hoặc có vị trí xã hội nhất định. Những ý kiến của họ nêu ra trong các cuộc toạ đàm thường mang tính chất cá nhân nhưng có độ tin cậy cao. Mỗi cuộc tọa đàm dù có được chuẩn bị từ trước nhưng bao giờ cũng có những yếu tố bất ngờ do sự phong phú của nội dung ý tưởng mà những người tham gia mang tới.

Khi báo chí, dư luận xã hội lên tiếng về tình trạng giá cả thuốc tân dược ở Việt Nam không kiểm soát được, thì truyền hình có thể tổ chức một cuộc “trò chuyện” với những chuyên gia đại diện cho Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược), nhà sản xuất thuốc tân dược trong nước, nhà nhập khẩu thuốc tân dược, Bộ Thương mại v.v… để mổ xẻ, tranh luận vấn đề này…

Tọa đàm trên báo chí nói chung và trên phát thanh truyền hình nói riêng đến nay vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất trên phương diện lý luận. Phần lớn sự không thống nhất đó xuất phát từ quan niệm về thể loại: tọa đàm có là một thể loại báo chí hay không?

Loại ý kiến thứ nhất khẳng định toạ đàm là một thể loại báo chí có những đặc điểm rõ rệt về nội dung và hình thức thể hiện. Trong đó, có ý kiến cho rằng, tọa đàm chỉ là một trong bốn hình thức của phỏng vấn.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng tọa đàm không phải là một thể loại báo chí. Ý kiến này xuất phát từ chỗ ranh giới dễ bị trùng khít giữa chương trình phát thanh, chương trình truyền hình với thể loại báo chí phát thanh, thể loại báo chí truyền hình. Những người ủng hộ quan điểm này dựa trên xu hướng đan xen thể loại thể hiện khá rõ nét trong các hình thức tọa đàm hiện nay và tính chất của đối tượng phản ánh của tọa đàm. Theo đó, “thực chất tọa đàm chỉ là một hình thức thông tin và có thể chứa đựng nhiều tính chất thể loại khác nhau như: tin tức, phỏng vấn, bình luận, phóng sự…” ([1])

2. Do đặc trưng truyền tải theo tuyến thời gian, do sự khác biệt trong phương thức phản ánh so với báo in, phát thanh – truyền hình có thêm thuật ngữ “chương trình” (programme) như một hình thức giao tiếp với công chúng, hình thức tác động thông tin của các loại hình báo chí này. Chương trình truyền hình là hình thức vật chất hóa sự tồn tại của truyền hình trong đời sống xã hội để truyền tải thông tin đến công chúng. Đó là một sản phẩm hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, là kết quả của một quá trình sáng tạo, là tập hợp nhiều cấp độ lao động khác nhau, tập hợp một hay nhiều tác phẩm khác nhau, tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau.

Nhưng, cho dù chương trình truyền hình là một chỉnh thể báo chí nhưng không thể xem đó là thể loại. Có thể có một chương trình truyền hình sử dụng một thể loại nhưng đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Điều này có thể so sánh như báo in có trang báo, mỗi trang báo có thể có một chủ đề, một lĩnh vực phản ánh nhất định (như trang chính trị, trang kinh tế, trang văn hóa – nghệ thuật v.v…) nhưng trang báo không phải là thể loại, cho dù có trang báo ấy chỉ có một tác phẩm báo chí duy nhất.

Ranh giới giữa hình thức tọa đàm truyền hình với tư cách một chương trình (hay còn gọi là chương trình gặp gỡ truyền hình, chương trình tương tác v.v…) với thể loại báo chí tọa đàm truyền hình nhiều khi không rõ ràng nên đôi lúc hai khái niệm này dễ bị đánh đồng.

Thực ra, theo chúng tôi, bản thân tọa đàm truyền hình là một thể loại báo chí, một thể loại báo chí rất đặc trưng của truyền hình. Còn khi nhìn ở góc độ tổ chức sản xuất, phát sóng, có thể có những chương trình truyền hình sử dụng duy nhất một thể loại đó là thể loại tọa đàm truyền hình. Ở đây, thuật ngữ “chương trình” được sử dụng trong một văn cảnh khác, với hàm nghĩa khác. Xin lấy một ví dụ để làm rõ hơn: Trong rất nhiều chương trình thời sự của các Đài truyền hình hiện nay, trong bản tin chính có nhiều tác phẩm thuộc thể loại tin truyền hình và tác phẩm thuộc thể loại phóng sự (ngắn). Nhưng khi có những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, Ban biên tập thời sự có thể xen kẽ một cuộc tọa đàm trực tiếp gần cuối bản tin. Như vậy, “tác phẩm tọa đàm” này là một thể loại báo chí truyền hình nằm trong tổng thể chương trình truyền hình mang tên thời sự.

Cách hiểu “chương trình truyền hình tương tác” như một thể loại là sai về logic mặc dù chương trình truyền hình đó chỉ có thể loại tọa đàm là chủ yếu, hay nói cách khác, thành tố nội dung chính của chương trình này là buổi giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm. Nhiều Đài truyền hình ở Việt Nam hiện nay phân chia hệ thống chương trình theo tiêu chí nội dung: hệ thống chương trình thời sự, hệ thống chương trình chuyên đề, hệ thống chương trình khoa giáo, hệ thống chương trình giải trí, hệ thống chương trình thể thao v.v…

Cần phân biệt hai khái niệm khác nhau là “chương trình truyền hình” và “thể loại truyền hình”. Cho dù trong một số trường hợp, ranh giới “vật chất” của 2 đối tượng này có thể trùng khít nhau. Tranh luận điều này xét ra cũng buồn cười như khi chúng ta nghe 2 người cãi nhau: Người thứ nhất: “Tôi khẳng định Tạ Bích Loan là nhà báo!”, người thứ hai: “Tôi cá với anh Tạ Bích Loan là tiến sĩ!”.

Gặp gỡ truyền hình là cách gọi khác của tọa đàm truyền hình với tư cách là một thể loại. Thể loại này có thể sử dụng cho chương trình chuyên đề như “Chính sách cuộc sống”, cho chương trình thể thao như “Bình luận bóng đá”, cho chương trình giới thiệu người tốt việc tốt như “Người đương thời”, cho chương trình giải trí như “Gặp gỡ các ngôi sao”, “Âm nhạc và những người bạn” v.v…

Tất nhiên, đời sống truyền hình hiện đại vẫn liên tục cho ra đời nhiều hình thức sản xuất chương trình phong phú, chưa thể định danh. Nhưng nhìn chung, thực tiễn sinh động của báo chí truyền hình hiện nay có thể được giải thích bằng xu hướng đan xen thể loại trong báo chí hiện đại – một xu hướng đang trỗi lên mạnh mẽ những năm gần đây.




([1]) Báo phát thanh – Phân viện Báo chí tuyên truyền và Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội, 2001.

Nhãn:

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2007

WEDDING GIFT




THẾ LÀ HẾT MỘT ĐỜI GIAI

Hôm nay, Bùi Tiến Dũng lên xe hoa, sánh duyên cùng Nguyễn Thị Nhuận. Hôn lễ diễn ra lúc 11 giờ ngày 16/9 tại Khách Sạn Cầu Am, số 9 Chu Văn An , thành phố Hà Đông…

Đường xa cách trở (Sơn Tây không có sân bay cho Boeing), anh Tú không ra được dự đám cưới em. Gửi lẵng hoa và quà trên blog thay cho tấm lòng và chúc mừng em thoát một đời giai tân.

Image
Image

Phát huy cả phẩm chất Xô viết trong đời sống gia đình mới em nhé!

Lấy vợ hay không lấy vợ 10 năm nữa cũng ân hận em à. Thôi thì lấy cho ông bà cụ ở Nghệ Tĩnh vui. Chúc mừng 2 bác đã có cô dâu!

________

Anh lục hoài trong đống hình tư liệu chẳng thấy có cái ảnh chân dung nào của chú rể, càng không có ảnh nào của cô dâu nên post lên mấy tấm hình chụp chung cho vui.

Image

Trong ảnh: Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Tú, Nguyễn Thanh Lâm (VTV), Lê Nghiêm (Nhân dân điện tử), Thang Đức Thắng (VnExpress)

------------------------

Xin nói thêm, Bùi Tiến Dũng, chàng rể hôm nay là thạc sĩ báo chí học, hiện giảng dạy tại Khoa Báo chí Trường Đại học KHXHNV Hà Nội.

Nhãn:

NOT EASY TO DIVORCE

LY DỊ ĐÂU CÓ DỄ

Tối nay vào blog Ki_en, mình đọc một bài viết thú vị về chuyện dễ và khó trong cưới và ly dị. Từ câu chuyện khổ sở, phức tạp kéo dài của chị H trong việc ly dị chồng, Ki_en đi đến “kết luận”: “để tổ chức một cái đám cưới bây giờ cũng có khó lắm đâu… Chỉ khó khi mà muốn bỏ nhau thôi. Mà nhất là bỏ nhau khi đã có tài sản rồi ấy (Còn theo câu chuyện trên thì “vô sản” đỡ khó khăn hơn một tẹo). Và tất nhiên nếu đã “liều” xong rồi (ý nói là cưới nhau – PVT chú thích thêm), thì phải cố “đâm lao” mà vun vén tình yêu, hạnh phúc, đỡ phải bỏ nhau… Chứ rõ ràng là muốn bỏ nhau bây giờ quả cũng khó khăn, khó hơn cả cưới nhau nhiều…”; “Hoặc là phải cố kiếm tiền cho thật giàu, lúc bỏ nhau cần chạy chọt thì quăng ra một đống tiền cũng không phải tiếc ngẩn tiếc ngơ...”

Đọc entry này tự nhiên liên tưởng tới chuyện riêng của mình tí.

Mình đã nôp đơn xin "ly dị" cơ quan đang công tác hiện nay (một cơ quan nhà nước) mà mình đã từng “xin cưới” và “tiến tới hôn nhân”. Lý do ly dị thì “tòa” biết (tạm không nói ra đây, toàn chuyện "chăn gối", xấu hổ chết). Nhưng đến nay mình đã hối thúc 5 lần, 7 lượt, họ cũng chưa giải quyết. Mà mình chẳng đòi chia tài sản đâu nhé! Chỗ này cũng xin nói thêm một tí: Nếu vị trí quản lý được xem (theo kiểu bọn ăn mắm ăn muối hay nói) là “quyền lực” mà quyền lực cũng là tài sản, thì sau ly dị, mình còn để lại tài sản ấy chứ (mà thực ra thì muốn chia cũng không được).

Xin "cưới" một cơ quan nhà nước tất nhiên đã khó. Nhưng "ly dị" nó nhiều khi còn khó hơn. Trong trường hợp của mình, không phải "tòa" hay “đối tác” muốn níu kéo một “cuộc tình”, nhưng có vẻ như họ gây khó khăn trong chuyện “đi bước nữa” của mình chăng?

Nhãn:

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

RADIO INTERVIEW IN THE MOBILE ERA




PHỎNG VẤN PHÁT THANH THỜI DI ĐỘNG

So với truyền hình và báo in, phát thanh có thể mạnh trong việc thực hiện một cuộc phỏng vấn những nhân vật quan trọng cách xa hàng ngàn cây số mà giọng nói, nội dung trả lời phỏng vấn ấy nhiều khi hay hơn nhiều những cuộc phỏng vấn ghi âm theo cách làm bình thường.

Image

Trả lời phỏng vấn trên xe

Nếu theo dõi các Đài phát thanh nước ngoài có kênh phát tiếng Việt như BBC, VOA, RFA, sẽ thấy họ tận dụng hầu như thường xuyên các hình thức phỏng vấn qua điện thoại với những nhân vật có liên quan để làm chương trình khi có sự kiện lớn xảy ra trong nước. Với mạng điện thoại di động, giờ đây, người làm phát thanh có thể dễ dàng tổ chức những cuộc tọa đàm (talk show) về các vấn đề lớn với nhiều người cùng tham gia. Những vị “khách mời” của chương trình phát thanh này có thể cách xa nửa vòng trái đất vẫn đàm luận với nhau trong cùng một thời điểm dễ dàng.

Tính chất thời sự của nội dung phỏng vấn, hình thức âm thanh của điện thoại tạo được không gian về đối tượng được phỏng vấn (giữa âm thanh phòng thu và âm thanh điện thoại xen kẽ nhau tạo nên hiệu ứng đặc biệt trong quá trình tiếp nhận thông tin qua thính giác) v.v… Và đó là thế mạnh của hình thức phỏng vấn này.

Người được phỏng vấn, người được mời tham gia tọa đàm có thể trả lời trong lúc đi trên xe, đang trong một cuộc họp, đang làm việc ở nhà, thậm chí đang trên giường ngủ v.v…

Người được phỏng vấn không bị cảm giác mất tự tin như khi có phóng viên “dí” micro trước mặt nên lời nói thường thoải mái, ngữ điệu thanh thoát hơn nhiều cuộc phỏng vấn phát thanh bình thường khác.

Ở Việt Nam, các Đài phát thanh đã tận dụng hình thức làm phỏng vấn như thế này. Và tất nhiên, không nhất thiết đây phải là một cuộc phỏng vấn trực tiếp (live) trên sóng khi cần sự an toàn về nội dung và kỹ thuật. Nhưng một điều có tính nguyên tắc là khi đưa lên sóng cuộc phỏng vấn qua điện thoại ấy, “nhà Đài” phải cho thính giả biết rõ thời điểm thực hiện phỏng vấn! (Chúng tôi “đang” hay “vừa thực hiện cuộc phỏng vấn này cách đây ít phút chẳng hạn)

Image

Trong ảnh: Phỏng vấn chuyên gia trong chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh (có nối điện thoại cho một chuyên gia khác tại TPHCM và các thính giả gọi đến) ở Đài PTTH Trà Vinh

Phỏng vấn tay ba, tay tư

Khảo sát nhiều chương trình ở các Đài PTTH tỉnh có sự hỗ trợ của dự án SIDA 10 năm qua cho thấy hình thức phỏng vấn qua điện thoại được ứng dụng rất tốt với trong nhiều loại chương trình định kỳ (như chương trình chuyên đề, chương trình khoa giáo, chương trình thiếu nhi, chương trình âm nhạc…), đặc biệt đối với các Đài ở xa những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn (vì khó mời các chuyên gia về phòng thu).

Chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh (do Tổ chức Lao động quốc tế, VCCI tài trợ) của các Đài PTTH Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Phước, Trà Vinh trong những năm qua đều sử dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp với khách mời là giảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại. Các chương trình dạy học này được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp khoảng 30 phút mỗi chương trình, rất an toàn và hấp dẫn.

Điều đặc biệt là nhờ một bàn mix có nhiều đường line điện thoại vào, thính giả phát thanh có thể gọi điện thoại tới chương trình để hỏi trực tiếp các khách mời ở xa Đài nhưng đang tham gia chương trình.

Image

Một chuyên gia về phát thanh cho biết thêm: “Phỏng vấn từ phòng thu qua điện thoại là thế mạnh của phát thanh, nhưng cần biết chọn lựa thời điểm và đối tượng được phỏng vấn, không lạm dụng hình thức này và biết khai thác hiệu quả tính chất trực tiếp của tín hiệu điện thoại thì mới có cuộc phỏng vấn hay…”

Phỏng vấn nóng từ hiện trường

Một vụ cháy, một vụ tại nạn giao thông, một phiên toà… trong phần tường thuật của phóng viên phát thanh, chúng ta còn thấy có những cuộc phỏng vấn nóng với các chuyên gia, những người có trách nhiệm v.v… được thực hiện trực tiếp từ hiện trường về Đài qua điện thoại để đến với thính giả.

Đã có nhiều Đài phát thanh đã biết khéo léo kết hợp phỏng vấn từ hiện trường và phỏng vấn thêm từ phòng thu (do người dẫn chương trình từ phòng thu xen vào thì) tạo hiệu quả trực tiếp rất cao. Người dẫn chương trình trong phòng thu đôi khi xen ngang cuộc phỏng vấn của phóng viên từ hiện trường để tạo điểm nhấn về nội dung và hình thức cho cuộc phỏng vấn.

Hình thức phỏng vấn từ hiện trường đưa về qua điện thoại tạo ra cơ hội để chương trình liên tục đưa khán giả đi từ không gian sự kiện này qua nhiều không gian sự kiện khác. Nhiều Đài phát thanh ở miền Nam đã khai thác hình thức này trong nhiều hình thức chương trình rất sinh động, ví dụ: làm cầu phát thanh trong các đêm giao thừa hoặc trong các chương trình chuyên đề định kỳ…

Còn có khá nhiều hình thức ứng dụng điện thoại nói chung, di động nói riêng vào việc sản xuất chương trình phát thanh. Và đó là chưa nói đến việc thính giả dùng điện thoại để tham gia chương trình từ yêu cầu ca nhạc cho đến nhờ giải đáp thắc mắc các loại. Công nghệ viễn thông phát triển đã cho phép những nhà báo radio Việt Nam có nhiều cơ hội vận dụng sáng tạo mà bài viết này không thể kể hết.

Nhãn:

WHAT KIND OF ANIMAL IS THAT?

CON GÌ VẬY?

Image

Nhãn:

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2007

JUST FOR ILLUSTRATION

"ẢNH CHỈ CÓ TÍNH CHẤT MINH HỌA"

Báo Đồng Nai trong 2 số 1361 (ra ngày 11/9) và 1362 (ra ngày 13/9) đăng liên tiếp 2 kỳ của bài báo “Thực chất hoạt động của nhóm mạo xưng cái gọi là giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”.

Nội dung 2 kỳ báo này là một tài liệu tuyên truyền, xin không bàn đến.

Image

Do phải trình bày số lượng chữ quá lớn của tài liệu trong 2 trang báo nên Tòa soạn đã sử dụng nhiều ảnh để minh họa cho bài này. Kỳ thứ nhất sử dụng 2 ảnh: Đoàn chủ tịch Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ VI nhiệm kỳ 2007 – 2012. Và ảnh thứ 2 là có lẽ chụp một đại lễ với nhiều tăng ni đang cầu kinh được chú thích chung chung là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện hợp pháp duy nhất của tăng ni, Phật tử Việt Nam”.

Image

Thực ra, những người biên tập cũng có ý định tốt đẹp khi đưa những tấm hình các hoạt động chính thống của giới Phật giáo để chứng minh rằng lâu nay, Phật giáo Việt Nam đã tồn tại và phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, dưới chế độ ta. Tuy nhiên, cái tít chính, cách trình bày ảnh trong bài, và tất nhiên nội dung của bài báo dễ gây những liên tưởng không hay hoặc những thắc mắc khi độc giả xem bức ảnh lần đầu tiên, nhất là những độc giả khó tính. Lượng thông tin từ những bức ảnh ấy trong thời điểm này không cao. Tính chất “minh họa” cũng hơi bị sơ lược.

Chúng ta vẫn thường thấy dòng chữ “ảnh có tính chất minh họa” trên nhiều tờ báo, trang web. Báo in có thể “nhịn” ảnh nhưng các bài trên báo trực tuyến do quy định của phần mềm xuất bản, cần có ảnh minh họa. Và thế là chuyện tìm kiếm ảnh “vô thưởng vô phạt” để lấp chỗ trống vẫn thường diễn ra.

Có một bạn trẻ người Canada học tiếng Việt và sống tại Hà Nội, bạn Joseph Ruelle (thường gọi là Joe), một người khá nổi tiếng với cái blog tiếng Việt của mình và nhiều hoạt động truyền thông khác đã có một phát hiện thú vị: Các báo ở Việt Nam khi viết về chuyện chăn gối thì cứ thường minh họa hình “người Tây” trên giường.

Một ông chủ quán cà phê có lần nổi xung thiên vì một bài báo viết về chuyện thanh niên dùng thuốc lắc, đã minh họa hình ảnh một góc quán của ông (với lời chú thích rất chung chung: "Cà phê là chỗ tụ tập thường xuyên của thanh niên"). Dễ hiểu vì sao ông chủ quán nổi giận nhưng, giận thì chỉ nói ra với bạn bè chứ cũng ngại “đụng báo chí bởi họ bao giờ cũng có lý”!

Những ví dụ như thế này kể ra nhiều lắm.

Trong một tờ báo chuyên nghiệp, một nội dung chuẩn bị “sản xuất” thường được tính toán rất kỹ. lật đi lật lại vấn đề và nhóm sản xuất (phóng viên viết bài, phóng viên ảnh, phóng viên phỏng vấn dư luận, phóng viên lo tư liệu minh họa, phóng viên lo đồ họa lo các bảng biểu…) sẽ được phân công chuẩn bị những gì để đưa nội dung đó đến người đọc bằng nhiều thông tin nhất trên trang báo với "tiết tấu", bố cục ấn tượng nhất.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều tờ báo, tạp chí ngành vẫn còn tình trạng coi nhẹ ảnh báo chí. Đó cũng là lý do vì sao “ảnh chỉ có tính chất minh họa” còn xuất hiện với tần suất dày đặc trên nhiều trang báo chưa chuyên nghiệp hiện nay.

______________________

Nói thêm: 2 ảnh trong entry này không chỉ "có tính chất minh họa" được chụp bằng di động nên chất lượng kém, mong các bác chuyên nghiệp đừng cười!

Nhãn:

LỤC BÁT THIẾU

LỤC BÁT THIẾU

Lốc - ging mà được cởi trần

Còm men nó cứ ngại ngần.

Chèn ui…

Lốc ging mà mặc quần đùi

Entry viết, cứ vui vui buông tuồng

Lốc ging mà được cởi...

....

Khắc Khoải chân dài:

+ Lốc - ging phải cởi nhẫn vàng

Kẻo đeo nó cứ làng nhàng ngón tay...

+ Lốc-ging là phải mỏi tay

Giang hồ lục lọi tối ngày mới phê

Ế ề ê...

Diễm Xưa

Lốc-ging là phải cởi giày
Đi không để dấu...như vầy mới vui!

Người Biên Hòa

Lốc - ging mà phải cởi gương

Còm men mỹ nữ biết đường nào ra...

Quốc Ấn:

Lốc-ging thì phải ở nhà
Suốt ngày ra quán bị bà xã la
"Còm men" hay hớm như là
Văn thơ chảy cứ tà tà chảy ra

Boong Boong:

Xin tiếp lời cho mấy vần "a" ở trên:

Lốc-ging thì phải cởi ta (tã)
Nếu còn mặc tã, ắt là... trẻ con.

Lốc-ging thì phải cởi non (nón)
Nếu còn đội nón, ắt còn trời năng (nắng)

Lốc-ging thì phải cởi....

Mời các bác tiếp giùm Boong! ^_^

Quỳnh Vy:

Lốc-ging thì cởi hết ra
Nếu mà mắc cỡ thì ta mặc vào
Lốc-gơ nào có xì xào
Thì ta lại cởi, ta nào sợ chi?

HAI MIỀN ĐÔNG:

Lốc ging mà mặc quần đùi
Entry viết, cứ vui vui buông tuồng
Lốc ging mà được cởi ..uồng
Khi vui ôm máy, khi buồn ôm ... chi?

Thế cho nên:

Lốc-ging nào chẳng mặc gì
Coi chừng muổi cắn tức thì dzô ... đâu?

Khà khà ...

BÁC THỐNG:

Bờ lốc ging phải mang gương
Nhìn dô màn hỉnh thấy nường thiệt xinh
Quá ra mình lại đi rình
Giang hồ bờ lốc tình tình tính tang

Năm bảy bữa ta phang en trý
Một hai giây ta phát còm men
Giang hồ giãn hán ngợi khen
Thằng ni láo bố lèn èn ghê ông

Đó là tính của thằng ku Thống
Ghiền lốc ging sớm qua đi ông
Nó mê cuồng trởi chạy ngông
Giang hồ thấy dẫy lừng khừng mặt tai

Mà quay lại chiện ta bờ lốc
Nói cho hung nhìn lại bé teo
Ngó ngang hàng nước eo sèo
Mua thim cà phé lại trèo lên loc ging

NGƯỜI ĐỒNG NAI:

Lốc ging ai cấm cởi truồng
En try đừng có buông tuồng mà thôi!

Mời các bác tiếp tục…

Nhãn:

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2007

A DITTY




Đôi lời thưa chuyện:

Tình hình là nhân bác Đức Hiển – Bố Cu Hưng có thêm một entry đăng báo, bác ấy liền viết một entry đ khích tưng. Phan Văn Tú mới vừa đọc sáng nay vì từ hôm qua đến nay không blogging được. Vừa viết một comment thiệt dài vào entry của Đức Hiển, sau đọc lại thấy nó xuôi xuôi tai, bèn "thơ hóa" nó thành một entry thế này…

CHÚT TẢN MẠN

Bán một entry đổi lấy những comment

Đem mớ comment mua được ít tiếng cười

Ta lọc bớt những nụ cười xiêu xiêu, nụ cười vẹo vẹo

Lấy một nụ tươi

Cho vợ

Nàng sớt ta vài đồng tiền chợ

Lại cà phê

***

Lại một entry đổi lấy những comment

Gặt nụ cười tự sướng

Ta lâng lâng như đang đi trên mây

Chợt bắt gặp tiếng khóc con trai

Giành đồ chơi với chị

Không dám la những đứa con dám bắt ta rời mộng mị

***

Lại trở về với một entry…

Ôi comment không phải bánh quy

Ba có thể chia cho các con vài chiếc

Nhưng điều này, vợ con ơi, xin nói thiệt

Ta ôm cả nhà trong những phút blogging

Nhãn:

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2007

ANOUNCEMENT DRAFT OF MISS CONTEST




THÔNG BÁO CUỘC THI HOA HẬU BLOG VIỆT 2007

(dự thảo chờ góp ý)

Bắt chước đám truyền thông truyền thống nắm váy các người đẹp để PR thương hiệu, nhằm phát hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn của các mỹ nhân trong cộng đồng bloggers, dưới sự tài trợ bao la của bác Internet và bác Yahoo 360, bọn đàn ông blog chúng tôi quyết tâm tổ chức cuộc thi “HOA HẬU BLOG VIỆT 2007”

Cuộc thi sẽ chọn ra Hoa hậu BLOG Việt cùng 2 á hậu khác để mai mốt, nếu bọn thế giới bắt chước chúng ta tổ chức cuộc thi cấp thế giới, 3 thí sinh này sẽ vinh dự đại diện tham gia cuộc thi “Hoa hậu blog thế giới”.

Ngoài ra còn có 7 danh hiệu khác:

- Hoa hậu avarta.

- Hoa hậu năng khiếu.

- Thí sinh có comment hay nhất trong entry của Ban Tổ chức.

- Thí sinh có tốc độ cập nhật entry nhanh nhất.

- Thí sinh có entry hài hước nhất.

- Thí sinh có entry gây shock nhất.

- Thí sinh có theme đẹp nhất.


Đây là một hoạt động “vui là chính” của cộng đồng bloggers Việt nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con, phát huy năng khiếu hài hước của đám đàn ông vừa dại gái vừa sợ vợ trong cộng đồng blog, tìm ra và tôn vinh những nét đẹp văn hoá Việt Nam thời kỳ hội nhập.

Rất mong được sự hưởng ứng rộng rãi của tất cả bà con bloggers chúng ta để cuộc thi thành công tốt đẹp.

THỂ LỆ CUỘC THI “HOA HẬU BLOG VIỆT 2007”

1. Đối tượng và điều kiện dự thi:

- Các nữ blogger có quốc tịch Việt Nam hoặc gốc Việt hiện đang công tác, học tập, làm ăn, sinh sống trên không gian mạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Độ tuổi từ 16 đến 60.

- Độc thân hoặc đã lập gia đình, chưa có con hay có con cũng được thi tất (trừ những người không thực sự là phái nữ trong môi trường thật)

- Trình độ: Tham gia blog từ 1 tháng trở lên.

- Chiều cao từ 1 m trở lên nhưng không qua giải phẩu thẩm mỹ

- Những blogger chuyển đổi giới tính không được phép dự thi.

2. Đăng ký dự thi:

- Các thí sinh dự thi đều phải có đơn đăng ký dự thi dưới hình thức comment gửi về blog nhà tổ chức.

- Thời gian đăng ký dự thi: (đang chờ ý kiến “gút” lại của BTC)

3. Giải thưởng cuộc thi:

* Hoa hậu: Vương miện Hoa hậu blog Việt và tiền thưởng 1 tỷ đồng.

* Á hậu 1: Vương miện Á hậu 1 blog Việt và tiền thưởng 500 triệu đồng.

* Á hậu 2: Vương miện Á hậu 2 blog Việt và tiền thưởng 300 triệu đồng.

* Bảy danh hiệu: Tiền thưởng 100 triệu đồng

Ngoài ra, tất cả thí sinh tham dự đều nhận được những quà tặng có giá trị của Ban tổ chức.

Để biết thêm chi tiết thông tin về cuộc thi “Hoa hậu blog Việt 2007” xem thông tin chi tiết trên các blog của Ban Tổ chức.

BAN TỔ CHỨC

Image

LỜI KÊU GỌI

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của cuộc thi là việc thành lập một Ban Giám khảo thật sự có năng lực, công tâm, đặc biệt là giám khảo phụ trách chuyện đo đếm. Cùng với dự thảo thông báo này, Ban tổ chức lâm thời trân trọng kính mời các bác xung phong tham gia Ban Tổ chức và Ban Giám khảo. Bác nào thích món nào thì xung phong làm món đó. Sẽ có nhiều quyền lợi cho các bác.

Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc thi hoa hậu được tổ chức trên mạng, chính vì thế, công tác quảng bá cho cuộc thi chưa được sâu rộng. Vì thế, mong các mỹ nhân nhiệt tình tham gia và giới thiệu cho nhiều người cùng tham gia. Từ giờ phút thông báo cuộc thi cho đến đêm blogging chung kết, các thí sinh được phép (và cả được sự hỗ trợ) để “mông má” cho mình trong quá trình tham gia dự thi. 10 thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ được đăng hình và các entry trên blog của các nhà tổ chức để lấy ý kiến cộng đồng về việc chọn ra các danh hiệu, bằng comment và các cú click chuột bình bầu.

Xin các bác cho ý kiến về dự thảo thông báo và ý kiến về việc tham gia cuộc thi với tư cách BTC, BGK hay cả thí sinh nữa.

Image

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Dưới đây là một cuộc thăm dò bỏ túi:


Theo bạn thì tiền thưởng cho Hoa hậu, Á hậu và các danh hiệu như thông báo là:




Quá cao

5


Bình thường

6


Quá thấp

14





Sign in to vote

Nhãn: