Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

TALKING ABOUT TALK SHOW




THỂ LOẠI VÀ CHƯƠNG TRÌNH: NHÌN TỪ TỌA ĐÀM TRUYỀN HÌNH

1. Sự xuất hiện của hình thức tọa đàm trên báo chí nói chung đã có từ lâu. Có thể hiểu nôm na đó là những cuộc trò chuyện nhằm trao đổi, bàn bạc, tranh luận… về một vấn đề, một sự kiện, một hiện tượng nảy sinh trong cuộc sống. Trong tọa đàm có thể có những ý kiến trái ngược nhau và sự cọ xát những ý kiến này trở thành nội dung chính tạo ra sự hấp dẫn của hình thức báo chí này.

Một cuộc toạ đàm phát thanh - truyền hình phải có người dẫn chương trình (là phóng viên, biên tập viên…). Họ không chỉ có vai trò dẫn dắt, gợi mở và “chủ trì” cuộc trò chuyện mà còn tham gia tranh luận. Những người tham gia chương trình là những người có uy tín, có kinh nghiệm, có chuyên môn hoặc có vị trí xã hội nhất định. Những ý kiến của họ nêu ra trong các cuộc toạ đàm thường mang tính chất cá nhân nhưng có độ tin cậy cao. Mỗi cuộc tọa đàm dù có được chuẩn bị từ trước nhưng bao giờ cũng có những yếu tố bất ngờ do sự phong phú của nội dung ý tưởng mà những người tham gia mang tới.

Khi báo chí, dư luận xã hội lên tiếng về tình trạng giá cả thuốc tân dược ở Việt Nam không kiểm soát được, thì truyền hình có thể tổ chức một cuộc “trò chuyện” với những chuyên gia đại diện cho Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược), nhà sản xuất thuốc tân dược trong nước, nhà nhập khẩu thuốc tân dược, Bộ Thương mại v.v… để mổ xẻ, tranh luận vấn đề này…

Tọa đàm trên báo chí nói chung và trên phát thanh truyền hình nói riêng đến nay vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất trên phương diện lý luận. Phần lớn sự không thống nhất đó xuất phát từ quan niệm về thể loại: tọa đàm có là một thể loại báo chí hay không?

Loại ý kiến thứ nhất khẳng định toạ đàm là một thể loại báo chí có những đặc điểm rõ rệt về nội dung và hình thức thể hiện. Trong đó, có ý kiến cho rằng, tọa đàm chỉ là một trong bốn hình thức của phỏng vấn.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng tọa đàm không phải là một thể loại báo chí. Ý kiến này xuất phát từ chỗ ranh giới dễ bị trùng khít giữa chương trình phát thanh, chương trình truyền hình với thể loại báo chí phát thanh, thể loại báo chí truyền hình. Những người ủng hộ quan điểm này dựa trên xu hướng đan xen thể loại thể hiện khá rõ nét trong các hình thức tọa đàm hiện nay và tính chất của đối tượng phản ánh của tọa đàm. Theo đó, “thực chất tọa đàm chỉ là một hình thức thông tin và có thể chứa đựng nhiều tính chất thể loại khác nhau như: tin tức, phỏng vấn, bình luận, phóng sự…” ([1])

2. Do đặc trưng truyền tải theo tuyến thời gian, do sự khác biệt trong phương thức phản ánh so với báo in, phát thanh – truyền hình có thêm thuật ngữ “chương trình” (programme) như một hình thức giao tiếp với công chúng, hình thức tác động thông tin của các loại hình báo chí này. Chương trình truyền hình là hình thức vật chất hóa sự tồn tại của truyền hình trong đời sống xã hội để truyền tải thông tin đến công chúng. Đó là một sản phẩm hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, là kết quả của một quá trình sáng tạo, là tập hợp nhiều cấp độ lao động khác nhau, tập hợp một hay nhiều tác phẩm khác nhau, tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau.

Nhưng, cho dù chương trình truyền hình là một chỉnh thể báo chí nhưng không thể xem đó là thể loại. Có thể có một chương trình truyền hình sử dụng một thể loại nhưng đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Điều này có thể so sánh như báo in có trang báo, mỗi trang báo có thể có một chủ đề, một lĩnh vực phản ánh nhất định (như trang chính trị, trang kinh tế, trang văn hóa – nghệ thuật v.v…) nhưng trang báo không phải là thể loại, cho dù có trang báo ấy chỉ có một tác phẩm báo chí duy nhất.

Ranh giới giữa hình thức tọa đàm truyền hình với tư cách một chương trình (hay còn gọi là chương trình gặp gỡ truyền hình, chương trình tương tác v.v…) với thể loại báo chí tọa đàm truyền hình nhiều khi không rõ ràng nên đôi lúc hai khái niệm này dễ bị đánh đồng.

Thực ra, theo chúng tôi, bản thân tọa đàm truyền hình là một thể loại báo chí, một thể loại báo chí rất đặc trưng của truyền hình. Còn khi nhìn ở góc độ tổ chức sản xuất, phát sóng, có thể có những chương trình truyền hình sử dụng duy nhất một thể loại đó là thể loại tọa đàm truyền hình. Ở đây, thuật ngữ “chương trình” được sử dụng trong một văn cảnh khác, với hàm nghĩa khác. Xin lấy một ví dụ để làm rõ hơn: Trong rất nhiều chương trình thời sự của các Đài truyền hình hiện nay, trong bản tin chính có nhiều tác phẩm thuộc thể loại tin truyền hình và tác phẩm thuộc thể loại phóng sự (ngắn). Nhưng khi có những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, Ban biên tập thời sự có thể xen kẽ một cuộc tọa đàm trực tiếp gần cuối bản tin. Như vậy, “tác phẩm tọa đàm” này là một thể loại báo chí truyền hình nằm trong tổng thể chương trình truyền hình mang tên thời sự.

Cách hiểu “chương trình truyền hình tương tác” như một thể loại là sai về logic mặc dù chương trình truyền hình đó chỉ có thể loại tọa đàm là chủ yếu, hay nói cách khác, thành tố nội dung chính của chương trình này là buổi giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm. Nhiều Đài truyền hình ở Việt Nam hiện nay phân chia hệ thống chương trình theo tiêu chí nội dung: hệ thống chương trình thời sự, hệ thống chương trình chuyên đề, hệ thống chương trình khoa giáo, hệ thống chương trình giải trí, hệ thống chương trình thể thao v.v…

Cần phân biệt hai khái niệm khác nhau là “chương trình truyền hình” và “thể loại truyền hình”. Cho dù trong một số trường hợp, ranh giới “vật chất” của 2 đối tượng này có thể trùng khít nhau. Tranh luận điều này xét ra cũng buồn cười như khi chúng ta nghe 2 người cãi nhau: Người thứ nhất: “Tôi khẳng định Tạ Bích Loan là nhà báo!”, người thứ hai: “Tôi cá với anh Tạ Bích Loan là tiến sĩ!”.

Gặp gỡ truyền hình là cách gọi khác của tọa đàm truyền hình với tư cách là một thể loại. Thể loại này có thể sử dụng cho chương trình chuyên đề như “Chính sách cuộc sống”, cho chương trình thể thao như “Bình luận bóng đá”, cho chương trình giới thiệu người tốt việc tốt như “Người đương thời”, cho chương trình giải trí như “Gặp gỡ các ngôi sao”, “Âm nhạc và những người bạn” v.v…

Tất nhiên, đời sống truyền hình hiện đại vẫn liên tục cho ra đời nhiều hình thức sản xuất chương trình phong phú, chưa thể định danh. Nhưng nhìn chung, thực tiễn sinh động của báo chí truyền hình hiện nay có thể được giải thích bằng xu hướng đan xen thể loại trong báo chí hiện đại – một xu hướng đang trỗi lên mạnh mẽ những năm gần đây.




([1]) Báo phát thanh – Phân viện Báo chí tuyên truyền và Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội, 2001.

Nhãn:

11 Nhận xét:

Anonymous Phi A nói...

Tọa đàm hay là Đối thọai? Em thấy Người đương thời giống Đối thọai hơn thì phải?

lúc 21:23 17 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Phi A: Tọa đàm là cách nói khái quát. Trong nhóm thể loại tọa đàm có thể có đối thoại, giao lưu. Người đương thời trong một số trường hợp giống phỏng vấn chân dung hơn tọa đàm. Cách nói khát quát này cũng giống như ta gọi thể loại chính luận (trong thể loại chính luận có xã luận, thời luận, bình luận đủ thứ luận mà...) Hihi. Chuyện lý thuyết ở VN nó thế!

lúc 21:29 17 tháng 9, 2007  
Anonymous Phi A nói...

ok, cám on bác!

lúc 21:49 17 tháng 9, 2007  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

anh có biết TỌA ĐÀM "mở" kô ?

lúc 00:55 18 tháng 9, 2007  
Anonymous TOẠI NGUYỄN nói...

Anh có bít TỌA ĐÀM "MỞ" kô ?

lúc 00:56 18 tháng 9, 2007  
Anonymous HTGiap nói...

Bài này nên bổ sung vào giáo trình báo chí bác ạ.

lúc 01:14 18 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ T100: Có thể hiểu đại khái: Tọa đàm mở là khái niệm dùng để chỉ những chương trình tọa đàm phát thanh - truyền hình có sự tương tác với khán (thính) giả. Quá trình tương tác qua điện thoại, qua đối thoại trực tiếp tại phim trường, qua email v.v… tạo nên nhiều bất ngờ (ngoài kịch bản) của chương trình. Có thể hình dung nó như 1 trận bóng đá mà huấn luyện viên chuẩn bị rất nhiều "bài", "phương án" cho cầu thủ mình từ đá phạt góc tới mảng miếng tấn công. Nhưng trận đấu còn tùy thuộc vào đối phương chứ kg thể chủ động đá theo ý mình được...
Vấn đề này cũng có thể viết thành nhiều entry thú vị đấy!

lúc 01:18 18 tháng 9, 2007  
Anonymous PHAN VĂN TÚ nói...

@ Bác Giáp: Cái này mình cắt trong một tiểu luận cũ post lên cho vui cửa vui nhà thôi. Hôm nay bận quá không entry nổi!

lúc 01:20 18 tháng 9, 2007  
Anonymous TKO nói...

Em chỉ hiểu nôm na "tọa đàm phát thanh - truyền hình" đó là BÁO HÌNH - BAQO TIẾNG!
(Còn lại là BÁO GIẤY...BÁO CÔ, BÁO ĐỜI, BÁO OÁN, BÁO ÂN, BÁO ĐÁP....và cuối cùng BÁO CÁO...hết ạ!!! )

lúc 01:37 18 tháng 9, 2007  
Anonymous TKO nói...

BÁO TIẾNG.

lúc 01:37 18 tháng 9, 2007  
Anonymous Hiền Đan nói...

Bài rất hay, chắc bác cũng làm phát thanh, truyền hình

lúc 01:48 23 tháng 9, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ