Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

FOREIGN PROPER NOUNS ON VIETNAMESE MEDIA (PART 4: UNIMPLEMENTABLEREGULATIONS )




PGS. TS Vũ Quang Hào, người cũng có nhiều công trình nghiên cứu về chuyện tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí (ảnh chụp tại Thụy Điển)

Cho dù có nhiều ý kiến còn tranh cãi nhưng thực tiễn báo chí Việt Nam những năm qua cho thấy: các cơ quan thông tấn báo chí đã phải chấp nhận sống chung với phiên âm, chuyển tự, giữ nguyên dạng trong việc xử lý tên riêng tiếng nước ngoài như là những biện pháp tình thế khi chưa có những quy định có tính chất pháp lý thực sự. Bởi vì, theo PGS.TS Vũ Quang Hào, “hơn bất cứ lĩnh vực nào, báo chí là địa hạt phải động chạm đến tên riêng tiếng nuớc ngoài một cách trực tiếp nhất, nhiều nhất, thường xuyên nhất và trong những khoảng thời gian ngắn nhất.”

NHỮNG QUY ĐỊNH KHÔNG THỰC HIỆN

Năm 1968, Uỷ Ban khoa học xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia) đã ban hành “Quy định tạm thời về quy tắc phiên thuật ngữ nước ngoài ra tiếng Việt”, song trong quá trình áp dụng vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề.

Trước đó cũng đã có một số tác giả quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, nhưng chỉ chú trọng riêng về phiên thuật ngữ khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn tác giả Lê Trọng Bổng đã đưa ra “Quy tắc phiên thuật ngữ khoa học - kỹ thuật, quy tắc phiên tên riêng thuộc 20 ngoại ngữ” (1983).

Năm 1984, Bộ Giáo dục đã ban hành một quyết định về vấn đề này, đề ra những nguyên tắc hoàn toàn minh xác có thể làm chuẩn mực cho việc thống nhất cách giải quyết vấn đề. Tinh thần của bản quyết định, trình bày vắn tắt, như sau:

- Những tên địa lý đã Việt hoá (như tên các châu lục, các đại dương, một số nước như Pháp, Mỹ, Đức, Ý) vẫn giữ nguyên như cũ.

- Ngoài ra, những tên địa lý khác và những tên người thì để nguyên dạng nếu bản ngữ dùng chữ La Tinh, chuyển tự sang chữ La Tinh (theo cách chuyển tự do chính phủ của nước hữu quan ấn định) nếu bản ngữ dùng thứ chữ khác. Ngoại lệ duy nhất cho nguyên tắc này là các tên người và tên đất Trung Quốc vốn đã từ xưa được đọc theo âm Hán Việt, và từ khi có chữ quốc ngữ vẫn được viết theo cách phát âm này.

- Trong khi chuyển tự, vần quốc ngữ cần được bổ sung thêm các chữ cái thông dụng trong khối cộng đồng các nước dùng chữ La Tinh như F, Z, J, W. Ngoài ra, những chữ và những dấu khu biệt không có trong vốn chữ cái của nhà in có thể được bỏ qua hoặc thay thế bằng những chữ gần tương tự...." (Cao Xuân Hạo: Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa - NXB Giáo dục, 1998, trang 162)

GS. Cao Xuân Hạo cho rằng đó là một quyết định đúng đắn song nó đã không được thực hiện. Về chuyện phiên âm, ông viết: “chủ trương phiên âm đưa đến một kết quả đáng buồn là người đọc sách bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai. Nếu viết nguyên dạng, ít ra ta cũng có được một mặt chắc chắn đúng: mặt chính tả, tức mặt quan trọng nhất…”; “nhưng việc phiên âm sai chưa phải là cái hại lớn nhất của biện pháp phiên âm”; “Tên riêng, nhất là tên người vốn thuộc vốn từ vựng của thứ tiếng hữu quan, nó tuyệt nhiên không phải là từ tiếng Việt, vậy thì tại sao lại bắt nó phải tuân theo những quy tắc chính tả của từ tiếng Việt” (Cao Xuân Hạo, sđd, trang 162 – 169)



Nhãn: ,

NEW TECHNOLOGY FOR TV

KHI TRUYỀN HÌNH KHỞI SẮC VỀ CÔNG NGHỆ

Báo chí lâu nay khi nhìn chủ trương xã hội hóa việc sản xuất các chương trình truyền hình, phần lớn đều tập trung phê phán: thực trạng bán sóng; những chuyện “đi đêm” giữa nhà đài và công ty quảng cáo, nhà sản xuất; chất lượng một số chương trình chạy theo thị hiếu tầm thường; cuộc cạnh tranh không lành mạnh v.v… Nhưng, khách quan mà xét, nếu không có chủ trương xã hội hóa này, công nghệ truyền hình Việt Nam khó có được bước tiến như hôm nay.

Nếu hôm nay, thử xem lại một số chương trình truyền hình cách nay 10 năm như trò chơi “SV 96”, “Bảy sắc cầu vồng”, các chương trình ca nhạc quay sân khấu hay ngoại cảnh hay các bộ phim truyện truyền hình được VFC hợp tác với các địa phương, các ngành… chúng ta có thể so sánh và thấy được những bước tiến lớn về công nghệ sản xuất trong những chương trình tương ứng hiện nay. Sân khấu của trò chơi truyền hình khi mới xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam giống như sân khấu hội trường. Các bục bệ, các bày trí sân khấu, phông màn thời đầu so với bây giờ, quả là một khoảng cách quá xa. Sự xuất hiện của những game show có format từ nước ngoài không chỉ là sự xuất hiện của một cấu trúc mới mà là sự ra đời của những công nghệ ghi hình, các quy trình, quy phạm trong sản xuất chuyên nghiệp. Khi đặt vấn đề mua bản quyền các format chương trình, các công ty truyền thông không chỉ đầu tư để mua “kịch bản giấy” mà còn đầu tư cho cả việc chuyển giao công nghệ. Ê-kíp sản xuất có thể được đi nước ngoài để đào tạo, hoặc có thể được chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam hướng dẫn. Nhiều phần mềm chuyên dụng phục vụ cho việc sản xuất chương trình đã được đưa vào Việt Nam và được Việt hóa. Một sân khấu rất đặc biệt, một cách xử lý ánh sáng theo cấp độ tăng tiến ở các vòng chơi, các đoạn âm nhạc, các phần mềm xử lý cẩn chữ, các kiểu góc máy, các cú lia máy… của trò chơi “Ai là triệu phú” hết sức mới mẻ và đáng học tập cho những người làm nghề truyền hình ở Việt Nam. Những trò chơi huy động hàng trăm thí sinh và hàng trăm người tham gia biểu diễn khác như “Rung chuông vàng”, “Đấu trường 100” có cả một công nghệ ghi hình, một quy trình ứng dụng đồ họa thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới.

Khán giả truyền hình chỉ biết thưởng thức chương trình và yêu cầu của họ ngày càng tăng lên. Ít ai biết rằng đằng sau cánh gà sân khấu truyền hình, đó là một nỗ lực cực lớn và một quá trình đầu tư cực kỳ tốn kém cho từng phút phát sóng. Nếu không có chủ trương xã hội hóa, khó có thể có được luồng sinh khí mới ấy trong hoạt động sản xuất chương trình truyền hình.

Đó là chưa kể các hệ thống thiết bị chuyên dụng, đắt tiền khi được nhập vào Việt Nam để thực hiện các chương trình cụ thể đã được tận dụng để sản xuất nhiều dạng chương trình khác phục vụ chính trị bằng sự nhanh nhẹn, thông minh của “dân truyền hình Việt Nam”.

Và đó là chưa kể đến quá trình xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình đã tác động tốt đến nguồn thu của Đài, góp phần giảm nhẹ cho ngân sách nhà nước và góp phần tăng thu nhập trong đội ngũ những người làm truyền hình.

***

Dù còn nhiều điều để bàn, song một trong những điều đáng ghi nhận từ chủ trương xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình những năm qua chính là sự đóng góp của những công ty truyền thông trong việc góp phần nâng cao nghiệp vụ sản xuất chương trình khi “nhập” công nghệ sản xuất chương trình tiên tiến vào Việt Nam, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về nghiệp vụ sản xuất chương trình để ngày càng cung cấp cho khán giả những bữa tiệc truyền hình chất lượng.



Nhãn:

SMS




TIN NHẮN

Đăng ký một ác - câu trên mạng

Mỗi ngày được 5 tin nhắn fờ - ri

Bao ngày rồi "khuyến mãi" vẫn nguyên xi

Lời yêu thương gửi bao nhiêu cho đủ?

__________________________

Ảnh "khai thác" từ VietnamNet



Nhãn:

AN PHA’S BIRTHDAY




HÔM NAY SINH NHẬT AN PHA
Image

HÔM NAY, 17/9, NGÀY NÀY CÁCH ĐÂY 4 NĂM, PHAN XUÂN AN PHA (tức RUỐC) CẤT TIẾNG KHÓC ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI SAU KHI CÔ HỘ LÝ ĐÉT VÀO MÔNG. BA TÚ TRANH THỦ NHẮN TIN CHO BẠN BÈ KHI NHÌN THẤY ĐÚNG CÁI CỦA QUÝ CỦA CON. AI Ở TRONG CONTACT LIST CỦA DI ĐỘNG BA ĐỀU BỊ GỬI TIN VÀ NHẬN TIN NHẮN CHÚC MỪNG TỚI TẤP. CÓ THẰNG BẠN MÊ GAMES, GỬI NGAY CÁI TIN: “CONGRATULATIONS, YOU WIN!”

HÔM NAY, BA DÀNH CHO RUỐC 1 ENTRY NHỎ ĐỂ TẶNG CÁC CÔ CHÚ…

Ruốc đi khai giảng lần đầu
Image

TẠI SAO BA NGU VẬY?

Hai ba con cùng xem phim “Truyền thuyết Ju-Mông”, Ruốc buộc miệng hỏi:

- Ba ơi sao chú Ju – Mông đánh nhau bằng kiếm?

- Thì ngày xưa người ta dùng kiếm!

- Tại sao chú Ju – Mông không có xe tăng?

- Hồi đó người ta chưa chế được xe tăng!

- Tại sao hồi đó người ta chưa chế được xe tăng ba?

- Vì hồi đó người ta chưa biết cách làm xe tăng!

- Tại sao hồi đó người ta chưa biết cách làm xe tăng ba?

- Để ba xem phim một tí! Hỏi hoài. Thì người ta chưa biết chứ sao!

- Nhưng ba chưa trả lời cho con: Tại sao hồi đó chú Ju-Mông không biết làm xe tăng?

- (phim đang chỗ hấp dẫn) Bực con quá đi! Vì chú Ju – Mông dốt!

- Tại sao chú chú Ju – Mông dốt ba?

- (giọng nặng nề) Ba không biết!

- Sao ba lại không biết?

- Vì ba ngu!

- Tại sao ba ngu, ba?

- Cái này ba bó tay….

* Ba con bó tay rồi, các chú các cô ơi, trả lời giúp cháu với!

2/ Đây là một clip ngắn khi Ruốc 2 tuổi, mời các cô chú, các bác xem thử Ruốc nói đúng không:



Nhãn:

NHÂN BẢN




Mấy ngày qua và cho đến sáng nay 1/1/2008, khi ngồi gõ entry này, máy di động của mình nhận nhiều tin nhắn chúc mừng năm mới. Giữa đêm khuya, nghe điện thoại reng, bật dậy: lại tin nhắn chúc mừng năm mới.

Dù vệ tinh Vinasat1 chưa tung lên quỹ đạo, hạ tầng viễn thông Việt Nam cũng đủ mạnh để phát triển cực nhanh các dịch vụ viễn thông phong phú. Người sử dụng di động ngày càng nhiều hơn. Thằng cháu tôi làm thợ hồ ở Sài Gòn hôm qua nghỉ Tết về gặp nhau trong bữa cơm, nó hỏi như khoe: chú Tú có số con chưa? Chưa, nhá máy chú ghi đi! (Chao ơi, cái máy nó xịn hơn máy của mình nhiều).

Theo những thống kê kỹ thuật, phần lớn người sử dụng di động – giới bình dân cũng như người giàu có – thích nhắn tin hơn gọi điện trong rất nhiều trường hợp. Tin nhắn chúc mừng trong các dịp lễ tết đã trở thành một thói quen, mỗi năm một nhiều hơn, phong phú hơn...

Những lời chúc qua không gian viễn thông ấy có thể làm xúc động người nhận khi nó thực sự mang cả tấm lòng của người gởi, người chúc. Những lời chúc chân thành sẽ đem lại hạnh phúc thực sự cho người được chúc. Và chỉ có bằng sự quan tâm đến nhau thực sự thì chúc Tết qua tin nhắn (vì không có cơ hội đến với nhau) mới thật sự kết hợp tuyệt vời giữa một truyền thống quý trong điều kiện công nghệ hiện đại.

Nhưng, có khi do vô tình, nhiều tin nhắn chúc mừng như thế được hình thành từ một quy trình nhân bản lòng vòng và 'đổ bộ" vào các máy di động trong những thời khắc đặc biệt như giao thừa. Nhiều tin nhắn rất chung chung, "trung tính" được sử dụng trong nhiều năm qua mà người nhận quá nhàm và chỉ cần liếc sơ để biết ai gửi rồi xóa ngay. Chẳng hạn "Chúc một năm mới vui vẻ, 12 tháng sức khỏe, 52 tuần thành công, 365 ngày hạnh phúc, 8760 giờ tốt lành, 525.600 phút may mắn, 31.536.000 giây như ý..."; "Đong cho đầy hạnh phúc – Gói cho trọn lộc tài – Giữ cho mãi an khang – Thắt cho chặt phú quý..."; hay "Chúc nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc"... Trong số những câu chúc "công thức" này, có nhiều câu bằng tiếng Anh chẳng hạn như: "Today 3 people ask me about you. I gave them your details and contact. They will be finding you soon. Their names are Happiness, Wealth and Love" . Nhiều tin nhắn hình được thiết kế công phu nhưng cũng rất... trung tính.

Có tin nhắn nhận được chẳng biết của ai gửi. Không trả lời “cám ơn” thì... mất lịch sự, mà trả lời cho hết thì cũng cực (và tốn!). Do trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng khá phức tạp nên lời chúc chung chung dành cho nhiều người nó cứ cụt cụt thế nào!

Những nhà cung cấp dịch vụ là "người hạnh phúc nhất" vì nguồn thu hàng chục tỷ đồng trong các dịp như thế này. May mà giá cước tin nhắn ở Việt Nam vẫn còn cao (so với một số nước trong khu vực), chứ nếu như các nhà cung cấp dịch vụ không thu cước nhắn tin chắc dân sử dụng di động còn bị spam dài dài vì được chúc!

***

Những lời chúc công thức ấy sẽ khó mang thông điệp của người chúc vì nó không có sức nặng của tình, của nghĩa, của sự quan tâm đến nhau...


----------------------------------

Ảnh: Ruốc không biết nhắn tin, chưa biết đọc số. Ruốc chỉ biết xài điện thoại đồ chơi để gọi chúc mừng năm mới ba Tú!



Vinaphone, Mobifone, S-fone và các thứ “phone” khác không tài trợ entry này!



Nhãn:

PHẢI UỐNG RƯỢU THÔI!




1. Sinh ra trong một xã anh hùng, một huyện anh hùng của một tỉnh anh hùng (Quảng Nam), lớn lên ở một huyện anh hùng (Trảng Bom), rồi một thành phố anh hùng (Biên Hòa) của một tỉnh anh hùng (Đồng Nai), học đại học, cao học trong những thành phố anh hùng (TP Hồ Chí Minh), công tác trong một tỉnh anh hùng (Đồng Nai), từng phỏng vấn nhiều anh hùng (như Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Việt Thành...), quen với những anh hùng như Trần Công An, Phạm Hạnh Phúc..., có thằng bạn tên trùng với một anh hùng (Hồ Văn Giáo)…, nói chung, phẩm chất anh hùng chung quanh mình quá nhiều.

Mà sao mình vẫn hèn?

2. Mới đây, trong một cuộc họp cuối năm của giới phóng viên, có một vị lãnh đạo báo chí lên hùng hồn phát biểu. Ông thao thao về vai trò, vị trí của nhà báo trong tình hình mới. Và kết luận, nhà báo bây giờ cần phải có tâm, có tầm, và có lá gan to. Còn làm sao để có ngần ấy thứ thì ông không nói ra.

Anh em phóng viên ngồi dưới hỏi nhau: Có tâm, có tầm thì đã nghe, đã biết phải rèn luyện. Còn làm sao có lá gan to?

Một nhà báo có tuổi nghề cao, chậm rãi:

- Muốn có lá gan to thì siêng uống rượu thôi!

3. Kết luận: Blogger nào mời mình đi nhậu là góp phần giúp mình rèn luyện phẩm chất anh hùng, phát triển lá gan. Nhậu, xét cho cùng, là nhậu vì sự nghiệp đấy!



Nhãn:

CHƠI HÀNG ĐỘC




- Này bác, sang tôi làm vài ve!

- Không được, tôi bận lắm

- Này, sao tôi thấy bác suốt ngày chúi mũi vào cái máy tính vậy há? Sao bác cứ hành xác hoài vậy?

- Ấy, chẳng là vợ chồng con cái nhà tôi đã quyết là định sắm xe hơi, sắm trước Tết. Thế nên tôi ráng cày mấy bài báo xuân để bổ sung ngân sách… Ngày mai hết hạn rồi. Bác chịu khó chờ, tuần sau thì nhậu suốt ngày cũng được.

- Chu cha. Ngon dữ ha. Thế bác định mua xe gì?

- Chắc là Innova thôi. Bây giờ Innova chạy đầy đường, trông cũng quen mắt. Con trai tôi nó thích Innova.

- Bác nói thật không vậy?

- Thật chứ.

- Chà làm cái nghề như bác mà hay. Nhẹ nhàng mà thu nhập cao há! Nhưng mà được thì tôi thấy bác nên sắm “hàng độc” luôn đi cho nó hoành tráng.

- Thì vậy. Nếu hàng độc nó có ở Việt Nam rồi thì tôi sẽ xem xét thử. Quan trọng là thằng cu nhà tôi.

- Tôi thấy báo chí mấy ngày nay đưa tin dân mình bây giờ chịu chơi lắm, sắm tòan cỡ Rolls-Royce Phantom đời 2008, Bentley, Audi R8, Lamborghini Gallardo... toàn là xe giới thượng lưu quý tộc quốc tế chơi không hà. Mấy cái tên lạ lắm, đọc vẹo hết cả miệng, Innova xưa rồi.

- Vậy hả bác. Vậy thì tối nay tôi sẽ bàn lại với thằng cu nhà tôi.

- Nhưng tôi hỏi thật bác nhé. Bác chơi chứng khoán hả?

- Đâu có

- Hay năm rồi môi giới địa ốc?

- Trời! Bác ơi, tôi có biết gì tới chứng khóan với ốc iếc đâu. Tôi chỉ viết báo thôi mà. Một năm có mỗi mùa báo xuân kiếm ít tiền cho vợ con…

- Báo xuân mà mua được xe cỡ đó thì cũng là nhất rồi. Phen này, tôi nói thằng cu lớn nhà tôi thi vào trường báo như bác cho đời nó đỡ khổ.

- Chẳng sướng đâu bác ơi. Thằng cu nhà tôi, tôi nhất định không cho làm báo. Cứ làm khoa học như bác lại yên ổn.

- Sao kỳ vậy cà? Mỗi mùa báo xuân mua một cái xe, mà lại xe xịn nữa. Thế thì cả đời làm báo, tiền của để đâu cho hết. Tôi nhất định rồi, con tôi sẽ làm báo. Nhưng mà tôi nói thật, thằng út nhà bác bé tí bằng quả ớt, biết gì mà bàn với nó chuyện mua xe. Chuyện lớn thế mình phải quyết.

- Nhưng mà em mua cho nó mà

- Bác cứ đùa, mua hẳn một cái ô tô cho thằng cu?

- Vâng

- Mấy trăm triệu?

- Đâu mấy trăm ngàn thôi. Ô tô đồ chơi ấy mà

- !!!

- Thế bác cứ tưởng em sắm ô tô thật á?

- Thì hôm qua tới giờ tôi cũng cứ tự hỏi, dân mình làm gì mà chơi hàng độc kinh thế không biết. Nước mình nằm trong top nghèo trên thế giới mà chơi có kém gì đại gia đâu. 32 ngàn tỉ nhập xe về đi cho oai, nghe còn khó tin hơn cái chuyện bác mua xe Innova bằng tiền viết báo xuân ấy chứ!


Nhãn:

NẾU CÁ BIẾT NÓI




CÂU CÁ GIẢI TRÍ GẦN ĐÂY THÀNH DỊCH VỤ KHÁ HOT. PHÀM CÁI GÌ THU HÚT THÌ NGƯỜI TA CÓ NHIỀU MÁNH KHÓE CẠNH TRANH. TÔI KHÔNG PHẢI DÂN CÂU, NHỮNG CHI TIẾT NÀY MỚI NGHE ĐƯỢC TRONG BỮA NHẬU... CÁ HÔM QUA TỪ ANH LÊ HOÀNG, MỘT NHÀ KINH DOANH CẦN CÂU, VÀ CŨNG LÀ CTV BÁO CHÍ Ở ĐỒNG NAI...

Dịch vụ câu cá hiện nay có nhiều hình thức thu hút khách. Phổ biến nhất là hình thức bán vé: dân đi câu chỉ được phép mỗi người một cần với giá mỗi lượt câu khoảng 50.000 đồng vào các ngày thường, từ 7 giờ đến 17 giờ. Có nơi linh động cho câu theo giờ hay buổi, giá thấp hơn. Số cá câu được, tất nhiên, sẽ thuộc “quyền sở hữu” của các người câu. Nhưng cũng có vài điểm câu cá giải trí không thu tiền người câu, không khống chế số cần câu, nhưng số cá câu được đem cân ký, tính tiền theo giá… chợ cho người câu.

Theo nhiều người dân trong nghề thì nuôi cá, thả cá cho khách vào câu còn lâu mới…lỗ! Bởi hầu hết giới chủ của các điểm câu cá giải trí thường “đốt giai đoạn”, họ không nuôi cá chi cho mất thời gian chăm sóc, tốn kém tiền thức ăn… Họ “săn lùng” mua cá trực tiếp từ nguồn cá tại các lồng bè nuôi cá với giá sỉ, từ 10.000 - 30.000 đồng mỗi ký cho từng loại cá và kích cỡ. Sau đó mang về “đổ cá” vào ao.

Có những điểm câu cá lội đầy ao nhưng chẳng chịu “rớ” mồi, cắn câu, khiến cho nhiều “ngư ông” thuộc hàng cao thủ cũng đành…bó tay. Tại sao?

Cá tra, cá trê, cá chép, cá trôi đánh hơi được mồi câu là nhờ có râu. Vì thế, có một số chủ ao cá quyết định... cắt râu cá!

Chuyện cắt râu cá sau này cũng bị bể, nhiều chủ ao chơi “chiêu” khác: cho cá ăn no hay “lén” kéo lưới bớt cá…lớn, làm cho cá nhát mồi trước khi cho người vào câu

Vì cá không biết nói, và dân câu cũng không vừa, nên để đối phó với những trường hợp chủ ao cá thiếu sòng phẳng như thế, nhiều tay câu đã dùng loại lưỡi câu “bẫy”, gọi là lưỡi dĩa. Lưỡi câu dĩa gồm từ 6 - 8 lưỡi… cực kỳ bén nhọn, dân câu sẽ “canh me” con cá nào…bén mảng tới là giật. Cá mắc phải lưỡi dĩa, cá sẽ không còn là … con cá nữa mà là…quái ngư: vi vẩy, bụng dạ mặt mũi của cá te tua!

Gần đây, một số nơi tổ chức thi câu cá có thưởng. Câu cá có thưởng cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, độc đáo. Cái chiêu thu hút nhất khách hàng là mắc thẻ bài bằng chất dẻo vào các chú cá, trên đó có ghi số lượng vàng (từ nửa chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ đến 1 lượng). “Cần thủ” nào câu được những chú cá có mang thẻ bài sẽ nhận phần thưởng bằng vàng với số lượng ghi trên thẻ. Thế nhưng những con cá được gán tấm thẻ bài một lượng vàng trở lên cũng được cho ăn no nê rồi. Dân câu có thưởng đa phần câu được loại nửa chỉ. Có người thỉnh thoảng cũng trúng “mệnh giá” vàng cao hơn. Nhưng, số tiền mỗi người đi câu đóng làm thẻ hội viên và mua vé cũng không phải là thấp.

Nếu cá biết nói thì entry về dịch vụ câu cá này còn dài hơn.


Nhãn:

MAI NÀY...




Bạn bước vào một siêu thị xe của Toyota. Chao ơi, nhiều xe quá. Bạn lách vào các gian hàng ở từng tầng lầu thoáng mát, chọn loại xe mình thích, màu xe mình thích nhất. Mở cửa xe, bạn vào xem xét từng chi tiết nội thất của nó. Rồi bóp còi. Nhấn ga. Phía trước mặt bạn là một lối ra bãi trống để bạn lái thử xe trên nhiều địa hình kể cả khi bạn chưa có bằng lái xe... Siêu thị xe hơi này không có vệ sĩ, nhân viên hay camera quan sát, bạn tha hồ “vọc” xe như thế bao lâu tùy thích. Không thích chạy chiếc này thì đổi chiếc khác, không ai quấy rầy, không ai để ý chuyện bạn làm... Thậm chí bạn có thể dễ dàng yêu cầu chiếc xe được tháo tung ra, lật qua, lật lại, xoay tới xoay lui để kiểm tra...

Tôi đang kể chuyện viễn tưởng? Không, chuyện thật đấy!

Đó là games online? Không, đó là không phải là trò chơi!

Chuyện đó xảy ra ở đâu? Trong không gian trực tuyến mà bất cứ ai trên hành tinh này cũng có thể tham gia với một thiết bị có kết nối internet…

Bao giờ chuyện đó xảy ra?

Hihi… Mai này!

Công nghệ tạo hiện trường ảo trong tương lai sẽ cho phép nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà quảng cáo làm như thế. Lâu nay, chúng ta hiểu quảng cáo trực tuyến là những banner trên các website, nhưng, không còn bao lâu nữa công nghệ sẽ cho phép và góp phần làm cho quảng cáo trực tuyến lên ngôi, đặc biệt, khi các thiết bị kỹ thuật số cá nhân và điện thoại di động đem đến khả năng truy cập web tiện lợi hơn (mobile web initiative), web ngôn ngữ (semantic web) sẽ cho phép máy tính làm được nhiều tác vụ tự động một cách hiệu quả hơn.

Các chuyên gia dự đoán rằng doanh thu quảng cáo trực tuyến toàn cầu sẽ tăng nhanh và là nhân tố chính làm thay đổi, kích thích sự phát triển của loại hình truyền thông này trong thời gian tới.

Dự báo này hầu như không cần phải lý giải vì ai cũng thấy được những đặc trưng nổi bật của truyền thông trực tuyến: Quảng cáo online đang ngày một phổ biến bởi nó đem lại cho các đơn vị tiếp thị những tính năng đặc biệt mà các kênh thông tin khác không có.

Người sử dụng sản phẩm, dịch vụ sẽ dần có thói quen “lướt web” để tìm hiểu “săm soi” sản phẩm trước khi mua một cách rất riêng tư thậm chí được tư vấn dễ dàng về chính sản phẩm đó trên mạng. Quảng cáo trực tuyến tạo cho các nhà quảng cáo cơ hội rất tốt để gây ấn tượng với khách hàng trước khi họ quyết định. Quảng cáo trực tuyến còn đem lại cho nhà quảng cáo khả năng theo dõi phản ứng của người tiêu dùng trên mạng, nhờ đó đề ra được những cách tiếp thị thích hợp.

Thế mạnh của quảng cáo trực tuyến là khả năng tương tác với sản phẩm: nghe được âm thanh sống động, xem tại bất kỳ nơi đâu, được tư vấn nhanh chóng để quyết định mua hoặc không mua được hỗ trợ nhờ công nghệ tạo hiện trường ảo.

Một lý do khác khiến doanh thu quảng cáo trực tuyến tăng là nhờ giá cả quảng cáo thấp hơn nhiều so với quảng cáo truyền thống.

Đặc biệt với báo trực tuyến, người ta có thể đo lường được hiệu quả quảng cáo (bao nhiêu người có thể nhìn thấy (tiếp cận) thông tin quảng cáo đó 1 lần, 2 lần,… n lần trong những thời gian cụ thể. Hoặc có thể tính ra chi phí chi tiết: mất bao nhiêu USD để đưa được thông tin quảng cáo tới 1.000 người khai thác mạng (trong tương quan so sánh với giá quảng cáo qua truyền hình vào giờ cao điểm để đưa thông tin đó tới 1.000 khán giả).

So với báo in, quảng cáo trực tuyến có chi phí thấp trong khâu sản xuất (báo in muốn tăng chất lượng thông tin quảng cáo phải tăng chi phí in ấn). Bên cạnh đó, đặc trưng phát hành toàn cầu cho phép quảng cáo trực tuyến không bị giới hạn không gian địa lý. Sản phẩm dịch vụ quảng bá được rộng rãi, tiếp cận tới công chúng/khách hàng bất kỳ lúc nào và bất cứ đâu khắp toàn cầu.

Nếu với truyền hình và phát thanh truyền thống, bạn phải tiếp cận quảng cáo cùng với số đông trong thời gian “nhà đài” phát sóng, thì với quảng cáo trực tuyến, sự lựa chọn của bạn diễn ra theo ý bạn vào bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn có nhu cầu có thể thử lên thử xuống những đôi giày trên mạng cả giờ đồng hồ mà không bị ai quấy rầy hay nhòm ngó bực mình. Bạn có thể “thử” một thiết bị muốn mua trên mạng thoải mái chứ không chỉ "bị" nghe/xem/đọc quảng cáo thụ động như trong quảng cáo phát thanh – truyền hình truyền thống.

Có người còn dự báo, biết đâu trong tương lai, quảng cáo trực tuyến còn cung cấp cả... mùi vị của sản phẩm chứ không chỉ có âm thanh, hình ảnh 3 chiều.

Tất cả vẫn còn là dự báo về một xu thế. Xu thế này diễn ra với tốc độ, quy mô ra sao, chúng ta hãy chờ xem và hãy chuẩn bị để đón đầu!


Nhãn:

ĐỔI VỢ




+ Này chị, cho tôi ngồi chỗ này được không?

+ Ơ cái anh này, đi máy bay thì anh ngồi theo số ghế mà!

+ À, thế hả chị. Tôi lần đầu đi máy bay. Đi công tác chị à. Nhà nước cho đi bằng máy bay mới được đi!

+ Đưa tôi coi cái thẻ lên máy bay của anh. Đúng rồi, số ghế anh đây, ngồi kế bên tôi.

+ Vâng, cô tiếp viên lúc nãy cũng chỉ vào đây! Xin lỗi, chị công tác ở đâu?

+ Tôi á? Tôi làm ở Tập đoàn Quỹ Đầu tư Sài Gòn (Sài Gòn Invest Group)

+ Thế à! Tôi mới đọc trên VnExpress, thấy nói chỗ chị năm nay thưởng Tết cao lắm! Chị cứ bấm vào đây là coi cái tin đó được!

+ Đâu bao nhiêu đâu anh, người cao nhất có 3 tỷ mà!

+ Sao chị nói tiền tỷ mà nghe nhẹ hều vậy. Đời làm công chức hơn 20 năm của tôi chưa khi nào có món tiền trăm triệu. Biết thế...

+ Biết thế thì sao anh?

+ À, không, một ý nghĩ bất chợt ấy mà!

+ Thì anh cứ nói cho vui, tôi với anh là khách qua đường mà...

+ Ý tôi là giá biết thế thì trước đây mình lấy quách một cô làm ở Tập đoàn Quỹ Đầu tư Sài Gòn cho nó sướng!

+ Thì bây giờ anh đổi vợ đi! Nói thiệt với anh, tôi cũng chẳng làm ở Tập đoàn Quỹ Đầu tư Sài Gòn đâu, đang đi kiếm một anh nào làm ở cái Quỹ này mà chịu mình, mình đổi chồng trong dịp Tết này đây!



Nhãn:

TIN BÁO NÀO?

Vợ tôi, người quyết định chính chuyện mua sắm trong nhà, hôm qua đọc báo và hỏi:

- Bây giờ phải tranh thủ sắm hàng Tết hay đợi đến gần Tết mới sắm anh?

- Sao em lại hỏi như vậy?

- Anh coi, báo Thanh Niên thì nói là “Tết này giá cả tăng cao”. Sau khi đưa ra nhiều luận cứ, bài báo kết luận là: “Theo dự đoán, giá tiêu dùng tháng 2, tháng 3 năm nay sẽ tăng cao nhất so với tốc độ tăng của hàng chục năm trước đó (có thể trên 4,2%)”.

Image

Trong khi đó, báo Tuổi trẻ thì nói là “hàng tết sẽ ổn định giá” tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn mà giá ổn định thì cả nước này sẽ ổn định. Bài báo này nói là “Sở Thương mại TP.HCM vừa có buổi làm việc với các doanh nghiệp để bàn biện pháp bình ổn giá cả trước và sau Tết”.

Image

- Cái tít của báo Tuổi Trẻ có dấu chấm hỏi không?

- Dạ không. Tin báo nào giờ anh?

Bạn nào biết tư vấn dùm vợ tôi.


Nhãn:

TRUYỀN HÌNH SỐ NHƯ MỘT LỰA CHỌN KHÔNG THỂ KHÁC?




(Nhân liên hoan truyền hình toàn quốc 2008)

Từ truyền hình đen trắng đến truyền hình truyền hình màu (PAL, SECAM, NTSC) ở Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm (chưa tính miền Nam trước 1975). 1995, truyền hình Việt Nam bắt đầu giai đoạn lên kế hoạch chuyển đổi sang công nghệ truyền hình số. Và giai đoạn 1997 – 2000 được xem là thời điểm bản lề của quá trình chuyển đổi ấy

Trên thế giới, truyền hình số cũng ì ạch đi vào đời sống bằng một quá trình chuyển đổi gân 30 năm. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các tiêu chuẩn video số (digital Video) được nghiên cứu, rồi tiếp đó là việc nghiên cứu các tiêu chuẩn nén video (video compression), nghiên cứu các tiêu chuẩn phát sóng truyền hình số qua vệ tinh, trên mặt đất.

1994: Truyền hình số còn là một ước mơ.

1995: Truyền hình số vẫn còn là một sự nghi ngờ.

1996: Truyền hình số đã là xu thế không thể đảo ngược.

1997: Thời đại số, kỷ nguyên số (digital era)

Giờ đây ai cũng biết rằng với truyền hình số, tín hiệu hầu như ít nhạy cảm đối với các dạng méo, tạp nhiễu xảy ra trên đường truyền, duy trì tuyệt đốt chất lượng sau nhiều lần ghi dựng, rất linh hoạt, đa dạng trong quá trình xử lý tín hiệu, hiệu quả sử dụng dải thông cao và dễ dàng thích nghi với các bước phát triển tiếp theo của truyền hình.

Truyền hình số là truyền hình của thế kỷ 21, truyền hình của tương lai

Khó có thể chấp nhận rằng ở một thành phố văn minh trong thế kỷ 21 này mà vẫn còn quá nhiều ăng ten thu hình truyền hình analog chĩa lên trời như một hệ thống phòng không.

Truyền hình số cho phép nhà sản xuất, nhà truyền thông khai thác đa dạng và phong phú hơn để phân cấp chất lượng tín hiệu theo từng ứng dụng khác nhau: Thời sự - Khoa học giáo dục – Văn nghệ - Phim truyện… hoặc phân cấp chất lượng theo từng công đoạn sản xuất chương trình: Tiền kỳ - Hậu kỳ - Truyền dẫn – Phát sóng, lưu trữ.

Nếu trong công nghệ tương tự (analog): chất lượng tín hiệu giảm dần từ camera đến máy thu hình của khán giả thì trong công nghệ số, quá trình truyền tải chất lượng tín hiệu được bảo toàn từ đầu ra studio tới máy thu hình.

Anytime, anywhere, anyone...

Truyền hình số có khả năng phục vụ bất kỳ ở đâu (anywhere), thiết bị thu hình có tính “di động”, có thể “xách tay” (Mobility & Portability)

Song hành với Internet, truyền hình trực tuyến được xem là phương tiện quảng bá thứ 3 sau phát thanh, truyền hình (Internet: The Third Medium of Broadcasting)

Truyền hình số tạo ra khả năng phục vụ bất kỳ khi nào (Anytime): Xem chương trình truyền hình mong muốn không phụ thuộc vào lịch phát sóng nhờ bộ nhớ trong máy thu. Hiện đã có các hình thức: Video theo yêu cầu (VOD – Video On Demand), Video gần theo yêu cầu (NVOD – Near Video On Demand)

Truyền hình số tạo ra khả năng phục vụ bất kỳ đối tượng nào (Anyone). Nhờ khả năng quá lớn của các kênh tín hiệu, truyền hình số có thể phát nhiều chương trình, mỗi chương trình phục vụ một đối tượng khác nhau. Một chương trình truyền hình có thể có nhiều kênh âm thanh: Kênh dành cho người khiếm thị, Kênh dành cho người khiếm thính, Kênh Stereo cho các chương trình ca nhạc, Kênh với các ngôn ngữ khác nhau tuỳ theo yêu cầu sử dụng

Truyền hình số do vậy còn được gọi là “Triple A” (Anywhere, Anytime, Anyone).

Giờ đây, những nguyên lý kinh điển của công nghệ truyền hình tương tự không còn được sử dụng: đồng bộ, điều chế, xen kẽ phổ… Phương pháp thu nhận thông tin về hình ảnh, xử lý, lưu trữ, truyền dẫn, phát xạ, tái tạo lại hình ảnh hoàn toàn khác so với công nghệ tương tự. Phương thức sản xuất cũng khác: sản xuất chương trình trên mạng, lưu trữ trên máy chủ, dựng hình phi tuyến tính…

Và vì thế, chúng ta có một khái niệm mới về phát thanh – truyền hình

KHÁI NIỆM MỚI VỀ PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH (nhìn từ góc độ kỹ thuật):

Phát thanh- Truyền hình không chỉ còn được hiểu như một kênh thông tin quảng bá (broadcasting) mà còn được tiếp cận như một kênh thông tin trong diện hẹp (narrowcasting), hoặc tới từng điểm (pointcasting) nhờ các phương tiện truyền thông mới: Cáp, Internet, và các phương thức, dịch vụ mới: webcasting, VOD, podcasting,…

Trước kia phương tiện kỹ thuật công cụ sản xuất chương trình, không đủ khả năng đáp ứng các ý tưởng của khối sáng tác.

Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, các bàn trộn số, dựng phi tuyến tính, kỹ xảo 3 chiều…phương tiện sản xuất chương trình đã hoàn toàn có khả năng đáp ứng mọi ý đồ kịch bản

(còn tiếp)






Nhãn:

TRUYỀN HÌNH SỐ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC




Truyền hình số mặt đất như của VTC, số vệ tinh như DTH của VTV, truyền hình cáp như của HTV v.v.... đã triển khai ở Việt Nam thời gian gần đây. Nhưng có điều song song với quá trình số hóa đa dạng đến mức phức tạp về các chuẩn công nghệ, truyền hình analog vẫn tiếp tục được các đài đẩy mạnh đầu tư thiết bị từ khâu sản xuất đến nâng vùng phủ sóng. Quy hoạch truyền hình ở Việt Nam cũng giống như bài toán giao thông, lộ trình chưa rõ ràng và thậm chí, đôi nơi, đôi lúc, dường như đó là sự phát triển tự phát...

Truyền hình số là sản phẩm HỘI TỤ CÔNG NGHỆ. Ngoài các ưu thế như đã phân tích ở entry trước, nó còn các đặc điểm nổi bật so với truyền hình truyền thống như

TIẾT KIỆM:

- Tính tích hợp, bản thân nó, đã đồng nghĩa với tiết kiệm.

- Thiết bị số, nói chung, đòi hỏi chi phí khai thác, bảo dưỡng thấp.

- Băng từ ghi tín hiệu số thường có tuổi thọ cao hơn nhiều lần băng tương tự.

- Với công nghệ SFN (mạng đơn tần) có thể tiết kiệm đáng kể tài nguyên tần số (frequency resource).

- Để đạt được cùng một diện tích phủ sóng, công suất máy phát số mặt đất chỉ cần bằng 1/4 công suất máy phát hình tương tự (thấp hơn 6 DB). Trong khi đó công suất máy phát luôn tỷ lệ thuận với giá thành.

- Phân cấp về chất lượng: dịch vụ nào sử dụng cấp chất lượng của dịch vụ đó sao cho kinh tế nhất, hiệu quả nhất

- Một bộ phát đáp (Transponder) trên vệ tinh có thể truyền tải số lượng chương trình truyền hình số nhiều hơn truyền hình tương tự 5-6 lần.

- Một kênh truyền hình mặt đất có thể truyền tải 4-5 chương trình truyền hình số chất lượng cao, trong khi chỉ có thể truyền được 01 chương trình truyền hình tương tự.

Xét trên mọi phương diện, truyền hình số đồng nghĩa với: tiên tiến, tích hợp, tương tác, tiết kiệm.

Nhưng chuyển đổi công nghệ truyền hình từ tương tự sang số đồng nghĩa với một cuộc cách mạng.

Vì nó mới nên không dễ chấp nhận.

Bao nhiêu người lâu nay xài truyền hình không tốn tiền nay lại trả trước.

Bao nhiêu tỉnh thành (kể cả tỉnh mới tách ra như Đắc Nông) đều đầu tư hoành tráng cho thiết bị sản xuất và phát sóng truyền hình analog, bỏ thế nào?

Hiện nay truyền hình số có quá nhiều dạng thức (Format), tiêu chuẩn (Standards) cho từng ứng dụng, từng công đoạn sản xuất chương trình

Do có nhiều tiêu chuẩn, dạng thức, các tổ chức Phát thanh- Truyền hình có cơ hội lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước, và với từng ứng dụng sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Song mặt khác cũng gây không ít khó khăn cho việc định hướng đầu tư.

Có thể nói hiện nay, phát thanh truyền hình đang đứng trước cơ hội và thách thức.

Công nghệ hiện đại vừa có tính hội tụ vừa rất đa dạng. Đa dạng về phương thức truyền tải; đa dạng về phương tiện lưu trữ; đa dạng về thiết bị Sản xuất chương trình; đa dạng về phương thức sản xuất chương trình (tuyến tính (Linear Editing) và phi tuyến tính (Non-Linear Editing);.đa dạng về phương thức truyền bá..., phương thức phân phối (đa chiều, đa phương, song phương), đa dạng về phương thức hưởng thụ (thụ động; lựa chọn, chủ động, tương tác, tìm kiếm, tham dự, sáng tạo... (Create);

Truyền hình số mang đến nhiều cơ hội:

+ Đưa truyền hình đến với mọi người, mọi tầng lớp xã hội, mọi nơi, mọi lúc, mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, bằng mọi phương thức

+ Chưa bao giờ PT-TH phát triển phong phú, đa dạng như hiện nay

nhưng có những thách thức:

- Cạnh tranh.

- Đòi hỏi của người xem ngày càng cao: Từ thụ động, chấp nhận, dễ thỏa mãn đến tích cực, tìm kiếm, lựa chọn, sàng lọc;

Truyền hình số mang đến tiện nghi, tiện ích, thuận tiện (Thuận tiện đôi khi còn cần hơn cả chất lượng); mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện; dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, rẻ hơn.

Truyền hình số phù hợp với sức ép của xã hội công nghiệp: hối hả hơn, năng động hơn, ít thời gian nhàn rỗi hơn. Và yêu cầu nắm bắt thông tin: thường xuyên hơn, liên tục hơn, cập nhật hơn.

Đối mặt với sự đổi thay hay bằng lòng với hiện tại?


Nhãn:

CẶC VÀ DÁI




Cách nay hơn 20 năm, về miền Tây Nam bộ đám giỗ, tôi có nghe một sản phẩm dân gian dưới hình thức cặp câu thơ đối rất ngộ nhưng lâu nay chưa thấy nhắc đến trong sách vở:

Nước chảy, cặc bần rung bây bẩy

Gió đưa, dái mít giãy tê tê

Hai câu tả cảnh không có gì đặc sắc. Cái đặc sắc của nó là đưa cả “cặc” lẫn “dái” vào một hình thức thơ trang trọng như Đường luật.

Cũng có một dị bản của hai câu này (khác ở chỗ đổi “nước chảy” thành “sóng vỗ”):

Sóng vỗ, cặc bần run bây bẩy

Gió đưa, dái mít giãy tê tê

Có ở vùng sông rạch miền Tây Nam bộ thì mới hiểu được.

“Dái mít” thì hầu như ai cũng biết, đó là cách nói khác của “khóm mít”. Còn “cặc bần”?

Trước hết, xin nói ngay, “bần” là một loài thực vật. Học giả Vương Hồng Sển viết về cây bần như sau: "Bần là cây gỗ tạp, mọc dựa mé nước, rễ nhiều, bám theo đất phù sa mà làm cho đất có phần vững chắc không trôi khi sóng đánh. Cây bần có lá xanh rất đẹp, ban đêm đom đóm đậu nhiều trông rất xinh. Có trái, ăn với mắm sống rất ngon. Chúa Nguyễn Ánh được nếm qua, rất hài lòng và ban cho tên chữ là Thúy Liễu. Rễ của bần dùng làm nút ve được. Phân ra có loại bần-chua, trái lớn; và bần-ổi, trái nhỏ hơn và tương đối ít chua hơn. Xưa nay, nghề uốn và chơi kiểng, phàm cây kiểng lão và gốc bần quá già, khi nào gốc dẽ ra ngoài bờ ngoài nước thì gọi là nó chiếu thủy, ý nói bóng cây ấy làm dáng và dòm xuống nước".

Image

Sông rạch miền Nam có nhiều loại cây khá đặc trưng, đặc biệt là những cây “mở đất” như đước, mắm. Bần cũng thuộc loại cây có công trong quá trình Nam tiến. Loài bần có những sợi rễ ngoi lên từ mặt bùn đất trông khá gợi tình. Người dân gọi đó là "cặc bần" tương tự như người miền Trung gọi những cội dứa hoang có những rễ cây thon thon nhô đầu đâm ra rồi trườn xuống, lăm le đâm vào bờ suối là “cặc dứa”....

Về Cà Mau, bạn sẽ được biết về cây mắm, cây đước, cây bần với "cặc bần", "cặc mắm". Đó là những loài thực vật cứ như người nông dân lom khom trên vùng đất mới để đi tìm một chốn dừng chân và lặng lẽ, miệt mài sinh sôi nảy nở với vùng đất sình lầy để lấn biển và giữ đất.

Image

Nguyễn Duy trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” có viết:

“Tôi về quê em - châu thổ mới bồi
sông Cửu Long giãn mình ra biển
đất cuồn cuộn sinh sôi và dịch chuyển
cây mắm cây tràm lặn lội mở đường đi”

Cây bần, cái tên gọi đã gần gũi với người nông dân nghèo, thường sống ở bờ sông, nửa ướt nửa khô, chơi với cá đùa với chim. Gốc bần trở thành "bến đò", là nơi dân nghèo neo đậu chiếc xuồng nhỏ. Hầu như không một người dân nghèo miền Tây nào lại chưa từng nếm bát canh chua nấu bằng quả bần. Cây bần cũng là hình ảnh thân thương trong tâm hồn của người miền Tây Nam bộ xa xứ.

Trái bần lúc còn non, ăn cũng rất thú vị. Có một điều độc đáo là hoa bần rất... quý phái: màu trắng tím, cánh hoa đỏ đậm, mảnh, cao. Tiểu nhuỵ nhiều, đáy chỉ đỏ tím, quả bì dày, nạc chua chua; hột nhiều.

Hiện ở miền Tây còn có nhiều khu vực bần sống thành rừng lớn như ở các các huyện Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Cây bần đang bị khai thác vô tội vạ để làm củi và rễ làm nút bần xuất khẩu.

Bần tạo thành rừng phòng hộ khá tốt và góp phần ổn định hệ sinh thái nhưng nguy cơ phá bần nuôi trồng thủy sản đang báo động. Cái lợi trước mắt có khi làm người ta không ngần ngại “bần cùng hóa” những rừng bần. Biết đâu có ngày nào đó, bạn sẽ không còn có cơ hội kiểm chứng cái... cặc bần trong câu ca dân gian trên đây?

Blog Page

Nhãn:

TÁT VÀO TƯƠNG LAI








Tags: chuyennghe



Wednesday January 16, 2008 - 08:11am (ICT)


Nhãn:

KHI CHỒNG CHÊ CƠM

(Chuyện hóng hớt trên xe buýt)


- Ông xã tui dạo này hay đi nhậu tổng kết, bữa nào về cũng bỏ cơm, sáng ra nấu cái gì cũng chê bà ơi. Bà nuôi chồng hay quá có cách chi giúp tôi với!

- Mấy ổng được voi đòi tiên đó mà. Chồng bà nhậu nhẹt hoài sướng quá bày đặt chê thức ăn vợ nấu. Tui có một cách. Nhưng nếu bà không ngại thì tui mới chỉ.

- Cách gì, bà giúp tui đi!

- Mấy bữa nay bà có nghe dư luận báo chí nói chuyện gì không?

- Thì có chuyện gì liên quan đến đời sống vợ chồng đâu. Chỉ nghe chuyện giá vàng tăng đột biến. À, có chuyện một cô bảo mẫu ở Biên Hòa hành hạ trẻ con tàn nhẫn lắm!

- Đó, đó...

- Ý bà là sao? Định bắt tui cưới cái cô nuôi trẻ mặc áo hai dây, thân hình hộ pháp đó về cho ông xã tui hả?

- Đâu phải. Bà có thấy cái cách cô đó cho trẻ con ăn không? Vừa mắng chửi, vừa cốc vào đầu, tát vào mặt, ngửa mạnh cổ bé đổ thức ăn vào, đập ngược từ cằm lên, dùng cây đánh vào mặt, giật tóc bé... Cứ mỗi một thìa cơm là một lần đánh, đứa trẻ nào càng khóc thì càng bị đánh đau.

- Truyền hình Đồng Nai, VTV chiếu tui có coi mà. Kinh khủng thiệt. Ủa, mà đang nói chuyện chồng con tui sao bà chuyển sang đề tài đó lãng nhách à. Định biểu tui vừa cho chồng ăn vừa đánh, vừa chửi như cái cô bảo mẫu đó à? Tui hỏi thiệt mà bà cứ giỡn dai...

- Tui đang nói đúng chủ đề đó chớ. Bà làm sao mà dám đánh chửi chồng. Hễ chồng bà mà làm biếng ăn, theo tui, cứ gửi vào cái chỗ nuôi trẻ đó. Cơm, cháo, phở, bánh mì gì cứ nhờ cái cô hộ pháp ấy đút, thằng chả sức mấy mà không dám ăn! Không tin cứ làm thử biết ngay!

Image

---------------------------------------

Ảnh: Cô "nuôi dạy" trẻ Quảng Thị Kim Hoa ký biên bản trước khi bị bắt.



Nhãn:

BÀ GIÀ NGHIỆN CHAT và...




1. Người dân khu phố III phường phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bây giờ đã quen với hình ảnh một bà cụ 87 tuổi ngồi điều khiển máy tính để... chat. Đó là bà Nguyễn Thị Thứa, một người mẹ của nhiều đứa con, một người bà của nhiều đứa cháu làm ăn, sinh sống xa quê. Hãy nghe bà lý giải quá trình “nghiện” internet của mình:

“Suốt bao nhiêu năm, gia đình tôi vẫn giữ được truyền thống: ngày mùng một Tết là ngày sum họp, ngày cúng ông bà tổ tiên, con cháu phải có mặt không sót một ai. Các con, các cháu tôi ai cũng ý thức rằng ngày Tết có một ý nghĩa thiêng liêng... Nhưng rồi do hoàn cảnh, mười năm nay, Tết đến, gia đình tôi không được đông đủ như trước nữa, vì có mấy đứa con đi nước ngoài. Mấy năm đầu, Tết đến là phải chuyện trò bằng điện thoại quốc tế, nói chuyện chúc Tết cũng gần hết buổi sáng mùng một, để mỗi người ‘’bên kia’’ gặp được đầy đủ từng người ‘’bên đây’’. Nghe giọng con, giọng cháu qua điện thoại vui lắm, nhưng rồi cũng bùi ngùi vì sự thiếu vắng sau những lần nói chuyện ngắn ngủi ấy. Cách nay mấy năm, thằng út dẫn tôi ra tiệm internet có cái webcam để tôi được nhìn thấy mặt con cháu, nói chuyện. Sau đó, thấy hay quá, con cháu tôi vẫn hẹn mẹ để gặp nhau trong những ngày nghỉ lễ, đám giỗ... Còn giờ đây, internet kéo về tận nhà, tôi có dịp chat với con, cháu thường xuyên”

Anh Hà Duy Thiện, giám đốc Công ty truyền thông Nắng Việt, là con trai cụ Thứa nói thêm: Bây giờ, người hăng hái “ứng dụng công nghệ internet” ở nhà tôi là mẹ tôi đấy. Ngày mồng một Tết, bà ăn mặc chỉnh tề, khi con cháu đã tề tựu đông đủ, chiếc camera nhỏ được hướng vào giữa nhà, thế là mọi người nhìn vào màn hình máy tính, hỏi han trò chuyện với bên kia; còn bên kia cũng thấy được cảnh ăn Tết ở nhà. Chiếc camera mở thường trực cả buổi để gắn kết những không gian cách trở. Những bức hình vừa chụp xong cũng được gửi ngay qua email cho các thành viên xa nhau. Đại gia đình vẫn ‘’đông đủ’’ như xưa. Mẹ tôi lại “vui như tết’’.

Mấy đứa cháu nội chỉ cho bà cách gửi file, nhận file. Bà thao tác hơi chậm nhưng rồi làm cũng được hết. Giờ nhìn bàn tay bà rê chuột để điều khiển cái laptop, nhiều người còn trẻ tuổi phải giật mình.

2. Mấy ngày gần đây tôi bận rộn với việc tổ chức bài vở, biên tập và design cho mấy tờ báo. Trong số rất nhiều tác giả là nhà báo, nhà văn làm việc với tôi, có người không biết email là gì nên nhiều khi chỉ vì một tấm ảnh còn thiếu mà mình phải mất công chờ cả ngày.

Một ông trưởng ban (tương đương trưởng phòng) ở một tờ báo lớn tỉnh tôi bây giờ vẫn “cương quyết” giao trang cho tòa soạn bằng bản thảo viết tay.

Toàn bộ Ban Giám đốc (3 vị) ở một Đài PTTH nọ không có ai nào biết đến máy tính ở cấp độ thao tác bình thường như lướt net, gõ văn bản, thậm chí chơi games... nói chi đến những ứng dụng khác vốn bình thường trong hoạt động sản xuất chương trinh truyền hình hiện nay. Điều đáng nói là những vị này thường lên tiếng phát biểu kêu gào phóng viên phải học tập nâng cao hiểu biết và ứng dụng công nghệ.

Mới đây, xem trên blog của Ngọc Oanh thấy có câu chuyện một ông vụ phó đi nói chuyện Hoàng Sa, Trường Sa cho cán bộ, giảng viên Học viện báo chí – truyền thông còn mang theo một cô gái chân dài, mặc váy (xem ảnh) để... mở máy vi tính chiếu mấy cái slide. Nhiều giả thuyết của các cử tọa hôm đó về chuyện xuất hiện cô thư ký chỉ có nhiệm vụ mở máy tính và ... bấm trình trình diễn power point. Đa số đều thiên về khả năng đồng chí vụ phó không biết... vi tính!

Image

3. Comment của các bạn sẽ thay lời kết



-------------------------------

Ảnh cụ Nguyễn Thị Thứa do anh Hà Duy Thiện chụp và ảnh ông vụ phó (dưới) copy từ blog Ngọc Oanh



Nhãn:

HỌ ĐÃ GHI ĐOẠN BĂNG “BẠO HÀNH” NHƯ THẾ NÀO?

Phóng sự truyền hình về bà Quảng Thị Kim Hoa – chủ một cơ sở giữ trẻ tư nhân tại Biên Hòa, Đồng Nai hành hạ trẻ em đã được phát nhiều lần trên sóng truyền hình Đài Đồng Nai và VTV cũng như được phát hành trên nhiều website, trang báo trực tuyến, blog... Đã có những người đặt vấn đề: Liệu phóng viên Đài Đồng Nai có dùng kỹ xảo trong khâu hậu kỳ để tạo hiệu quả hình ảnh, âm thanh? Vì sao một đoạn video phải quay lén, quay xa mà có được âm thanh tốt, không bị tạp âm như vậy?

Xin mời các bạn xem/nghe lại trích 5 giây trong clip này.





Tags: chuyennghe



Tuesday January 22, 2008 - 09:01pm (ICT)


Nhãn:

SAO KHÔNG CHO HỌ “THANH MINH” TRƯỚC KHI KẾT ÁN?




(Thư gửi một người bạn trong friends list)

Tôi không muốn viết thêm những entry “ăn theo” đề tài bà Quảng Thị Kim Hoa mặc dù có rất nhiều vấn đề cần bàn liên quan đến nghiệp vụ báo chí (chẳng hạn vai trò của hình ảnh trong truyền hình, xử lý kết cấu phóng sự, cách thu trực diện các phát biểu trong một phóng sự “nhạy cảm” v.v...) nhưng vì message của bạn và câu chuyện bức xúc của nhóm phóng viên cũng như lãnh đạo phòng thời sự Đài phát thanh – truyền hình Đồng Nai nên phải viết entry này trong lúc khá bận rộn cuối năm.

...

Chuyện bắt đầu khi Đài Đồng Nai nhận được lá thư tố cáo của một nữ khán giả lớn tuổi về điểm giữ trẻ ở phường Quyết Thắng – Biên Hòa, lãnh đạo phòng thời sự đã cử một BTV nữ tìm hiểu sự việc. Quá trình tìm hiểu và lên kế hoạch thực hiện phóng sự cũng tốn thời gian do lá thư không ký tên và những thông tin liên quan đến điểm giữ trẻ này phần lớn là bất lợi cho tác nghiệp.

Việc ghi hình cho phóng sự không phải lúc nào cũng làm được vì camera được đặt từ phòng vệ sinh của bệnh viện, một phòng vệ sinh dành cho nhiều bệnh nhân trong một buồng bệnh, không phải lúc nào phóng viên cũng chiếm không gian này được. Giải quyết đề tài phóng sự này là công việc đột xuất của phòng thời sự và các phóng viên, biên tập viên được phân công họ còn các công việc định kỳ khác. Có thể coi lại bảng nhuận bút hoặc bản tin lưu của Đài sẽ biết trong thời gian từ cuối tháng 12 (khi được phân công đột xuất) đến ngày 11/1 khi thực hiện xong phóng sự, những tác giả này còn làm thêm các công tác gì, hoặc có thể coi lại sổ sách để biết được chiếc camera DV-Cam mà phóng viên Võ Lê Kiệt sử dụng để quay những hình ảnh cho phóng sự được xuất đi phục vụ những nội dung nào, vào thời điểm nào. Đó là chưa kể có nhiều lần phóng viên đến vị trí tập kết và chuẩn bị công phu thì chuyện bạo hành ấy không diễn ra. Và tất nhiên, dù có khùng điên đến mấy, bà Hoa cũng không thể đánh trẻ suốt ngày và có thể đánh đến... chết (như bạn giả định) để họ ghi hình và đây là công việc làm ăn, nên bà Hoa không dại gì đánh trẻ mà để cho cha mẹ các cháu biết.

Cũng xin nói thêm với bạn một chuyện bên lề:Trong quá trình thực hiện phóng sự, sau khi ghi được đoạn băng nói trên, Đài Đồng Nai chỉ mời duy nhất báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cùng vào cuộc với mình, cụ thể là anh Minh Chung, phó phòng đã điện thoại gặp anh Đức Hiển, Tổng thư ký tòa soạn báo PLTPHCM để bàn việc hợp tác thông tin (đài phát hôm trước, báo đăng sáng hôm sau). Vào ngày 16/1, sau khi phóng sự được phát trên truyền hình quốc gia làm bàng hoàng dư luận đêm trước, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí khác đã về Đồng Nai và một trong những điểm tiếp cận của họ là Phòng thời sự ĐN-RTV. Đó cũng là một ngày bận rộn của anh Hoàng Minh, trưởng phòng, nhưng anh cũng tranh thủ tiếp xúc, cung cấp thông tin và đoạn clip cho các báo bạn. Trong lúc cung cấp đoạn clip để các báo xử lý hình ảnh anh Hoàng Minh có nói: Để làm được phóng sự này chúng tôi đã mất cả tháng trời. Đó là cách nói “lượng hóa” công phu vất vả (giống như một nhà văn nói rằng tác phẩm này tôi viết trong 3 năm thì điều đó không đồng nghĩa với việc ngày nào ông ta cũng dành thời gian để viết tác phẩm ấy). Thông tin này được các báo trích dẫn. Và bài viết của bạn căn cứ thông tin từ các báo kia để đưa ra một điều mặc định làm cơ sở lập luận là trong vòng 1 tháng đó, ngày nào phóng viên cũng chứng kiến cảnh hành hạ nhưng cứ vô tư quay để LỰA CHỌN hình ảnh và âm thanh đắt nhất.

Từ cách hiểu đó, bài viết của bạn mở đầu bằng một lời buộc tội:

“Vì muốn có một phóng sự truyền hình “hot”, nhà báo đã vô tình "im lặng" khi thấy tội ác đang diễn ra trong một thời gian khá dài mà lẽ ra phải ngăn chặn càng sớm càng tốt”.

Và đoạn cuối:

“Vì một phóng sự truyền hình mà để các cháu tiếp tục sống trong vòng tay quỷ dữ thêm một tháng nữa, đó là điều nhà báo có nên làm hay không? Lương tâm con người có cho phép chúng ta hành xử như vậy hay không? Có thể phụ huynh các cháu cảm ơn nhà báo vì đã phanh phui sự thật nhằm đưa kẻ phạm tội vào nhà đá nhưng chắc chắn họ cũng oán trách: “trời ơi, sao nhà báo biết rõ con tôi bị đánh đập dã man như thế mà không báo cho chúng tôi biết sớm mà để con tôi bị hành hạ thêm một tháng như thế?”. Nếu chúng ta là cha mẹ của các cháu đó, chắc chúng ta cũng sẽ oán trách như vậy! Chỉ một tiếng khóc thất thanh của một bé trong phóng sự đã làm chúng ta đau xé lòng, huống hồ để các cháu phải chịu đựng thêm vài tuần để “cô chú quay phim cho hình ảnh chân thực”. Một phóng sự truyền hình hay, xử lý kẻ phạm tội và cứu các cháu nhỏ đang bị nguy hiểm đến tính mạng, chúng ta ưu tiên cái nào trước? Có phải cứu các cháu nhỏ khỏi nanh vuốt ác quỷ phải là ưu tiên hàng đầu?”.

Có lẽ mình không bình luận thêm vì trong các comment từ entry của bạn (mà entry này đã in trên báo) đã có nhiều ý kiến khá sắc sảo.

Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, không có gì khó khăn để kiểm chứng các chi tiết và đó là điều cần phải làm trước khi đưa ra đánh giá của mình. Trong comment vào entry của bạn hôm qua, tôi đã chỉ ra một chi tiết sai khó chấp nhận: tên 2 phóng viên thực hiện phóng sự không có ai là M và Q cả.

Bạn à, hiện thực cuộc sống đâu có đơn giản như những gì mình nghĩ. Khi bắt tay thực hiện phóng sự này, những người thực hiện hầu như không cảm nhận được nó sẽ gây tiếng vang lớn như thế. Họ chỉ làm vì bức xúc và tìm mọi cách để làm cho được. Và để bảo vệ nguồn tin và bảo vệ chính mình, thậm chí họ xin không nhận giải thưởng.

Suy luận của bạn về động cơ tạo phóng sự hot – vô tình hay cố ý – đã làm tổn thương họ. Lập luận của bạn dù nhân danh sự trao đổi hay bình luận cũng hàm ý phê phán họ vô đạo đức.

Bài viết của bạn có góc nhìn lạ trong chuỗi những bài về đề tài này nhưng tiếc quá, bạn không phỏng vấn những người bị mình phê phán (một việc không quá khó khăn) để họ có cơ hội “thanh minh” trước khi bị bạn buộc tội.

------------------------

Ảnh: “Em bé Châu Phi và con kên kên” của Kevin Carter, tác phẩm đạt giải Pulizer. Tác giả bức ảnh đã tự tử vì không chịu nổi những lời thị phi


Nhãn:

viết tặng người Hà Nội




1. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, trên đường hành quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào con vương mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa.

Đó chỉ là giai thoại. Nhưng giai thoại này giờ vẫn được nhiều người nhắc đến vì nó đẹp quá.

Thời đó làm gì có xe lửa, máy bay, xe hơi... Người con gái hoàng tộc đất Bắc tài hoa ấy vào tận Phú Xuân làm hoàng hậu vì thế đã trở thành kẻ tha phương. Mối lương duyên “trai anh hùng, gái thuyền quyên” chắc cũng khó làm nguôi ngoai nỗi nhớ cái rét xuân giữa Thăng Long Thành trong mùa đoàn tụ.

Với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, những mùa xuân trong ký ức tuổi thơ ở Tây Sơn, Bình Định chắc không có hoa đào đỏ thắm nhưng giữa không gian Thăng Long trong một phút hành quân, con người vĩ đại ấy dường như linh cảm được sợi dây tâm hồn sâu thẳm của hiền thê khi chọn tặng cho nàng món quà báo tin chiến thắng không thể tuyệt vời hơn: một cành đào!

Cành đào ấy với Ngọc Hân là cả không gian quê nhà, là núm ruột thân yêu, là nguồn cội. Cành đào ấy là hiện thân của mùa xuân Thăng Long đang chảy sâu trong tâm thức Ngọc Hân.

Đã có biết bao tác phẩm thi ca nhạc họa viết về hình tượng hoa đào, một loài hoa quý phái và thanh tao. Sắc đào mùa xuân vì sao có sự quyến rũ nao lòng đến vậy?

2. Thời bao cấp, bạn tôi, một nhà thơ gốc Hà Nội sống giữa đất Sài Gòn, có một thói quen rất lạ trong những ngày giáp Tết: Đạp xe ra sân bay, nhà ga để nhìn những dòng người mang hoa đào (dù nó đã được bọc kỹ) từ miền Bắc vào. Bấy giờ, khó khăn lắm mới có một cành đào Tết giữa Sài Gòn. Anh đã năm lần bảy lượt cố trồng lại một cây đào xin được sau Tết của một người bạn khá giả nhưng lại thất bại vì đào có sống nhưng không chịu trổ hoa.

Từ sau những năm đổi mới, nền kinh tế đất nước mỗi năm một khởi sắc hơn. Đào đã xuất hiện ở miền Nam, đặc biệt, ở Sài Gòn. Dù rất mắc nhưng cung dường như vẫn không đủ cầu. Miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vốn là mảnh đất cộng cư của nhiều sắc thái văn hóa vùng miền cả nước, thậm chí, nhiều nước trên thế giới. Công thức “đào Bắc, mai Nam” không còn hoàn toàn chính xác. Bởi không chỉ những người gốc Bắc, gốc Hà thành như bạn tôi mới thèm khát cái phong vị, thần thái cố hương, muốn gìn giữ nền nếp, hương vị quê nhà trong những ngày Tết bằng cách tìm một cành đào mà cả những người dân Nam bộ “rặt” bây giờ cũng đến với đào hoa. Đà Lạt bây giờ cũng trồng được đào và cung cấp cho thị trường Sài Gòn. Nhưng, bạn tôi nói, anh vẫn thích một cành đào Hà Nội. Năm nào anh cũng nhờ một người thân ở thủ đô chọn lựa và trực tiếp gửi vào. Anh chăm chút cho cành đào Tết. Những bữa họp mặt bạn bè đầu xuân, đề tài cành đào thành món “đặc sản” trong nhiều câu chuyện của anh...

Khó có thể lý giải được tình yêu hoa đào đến mê muội của những người như anh bạn nhà thơ ấy. Có cảm giác như trong huyết quản của bạn tôi và bao người con xứ Bắc, cành đào là mùa Xuân, là sông Hồng, là quê hương. Anh đã truyền cho tôi – một người dân miền Nam - cái tình yêu ấy tự lúc nào chẳng hay. Nhà tôi nhiều năm nay cũng chưng đào Tết.

3. Đứa cháu gái tôi theo chồng sang sống tại Hà Lan. Trong email gửi về dịp Tết, noi rằng cháu thèm quá tiếng bánh chưng sôi, mùi nhang trầm ngày Tết. Và để làm vơi nỗi nhớ ấy, trong dịp Tết Nguyên đán giữa trời Tây, cháu tôi điện thoại nhắn những người bạn tụ tập nhau cùng nấu bánh chưng.

Rồi cháu tôi lại nhận ra rằng, dù muốn lắm nhưng tái hiện cái không khí thiêng liêng ấy, tái hiện lại những ký ức ấy là điều không thể.

Vâng, làm sao có thể mang theo hồn cốt Tết Việt qua giữa trời Âu bởi Tết đồng nghĩa với đoàn tụ, đồng nghĩa với cội nguồn, đồng nghĩa với văn hóa.

4. Nhà thơ xứ Đồng Nai Huỳnh Văn Nghệ trong bài “Nhớ Bắc” đã có những dòng trong khổ thơ mở đầu nhiều được nhiều người nhớ đến:

“Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Dường như trong hành trang Nam tiến của tiền nhân từ những thế kỷ xa xưa, cành đào Hà Nội được cất ở đâu đó trong một góc khuất tâm hồn. Đất phương Nam bốn mùa nắng nóng, cái rét Hà Nội và cái nóng Sài Gòn đâu thể hoán chuyển cho nhau bằng công nghệ, kỹ thuật. Và vì thế, những cành đào mùa xuân giữa những căn nhà miền Nam như một vị sứ giả, sứ giả của dòng chảy văn hóa Việt vốn âm thầm được nuôi dưỡng trong sâu thẳm huyết quản của bao trái tim Nam bộ.

Thời mở cửa, hội nhập tạo ra cơ hội, vận hội khai phá mới cho Việt Nam cất cánh. Trong hành trình đi ra biển lớn ấy, truyền thống yêu tự do, chấp nhận cái mới, cởi mở, hào phóng, sẵn sàng đón nhận những yếu tố lạ nhưng luôn biết giữ mình... của cha ông xưa giờ đây đang là hành trang quý giá. Sức mạnh đi tới chỉ có thể là sự cố kết cộng đồng, là chất keo dính của tình đoàn kết bắt nguồn từ việc giữ gìn những giá trị cổ truyền, truyền thống văn hóa của cha ông.

Những cành đào Hà Nội có mặt trong những căn phòng Tết Nam bộ đâu chỉ là chuyện sành điệu. Đó là sự cộng hưởng văn hóa, là chất keo dính của tự tình dân tộc...

Image


Nhãn:

MẤY VIỆC CẦN LÀM HÔM NAY




1. Nới gian phòng khách lại rộng hơn để treo tờ lịch bác Duy Thiện tặng cho nó phù hợp.

2. Nhưng cơi nới căn phòng này đồng nghĩa với làm nhà lại. Thôi, dọn dẹp mạng nhện cũng được vậy.

3. Mua ít vàng lá (chừng 1000 lạng) để làm quà lì xì cho khỏi đụng hàng.

4. Nhưng vì mang vàng trong túi nặng quá lại lôi thôi về chuyện an ninh nên chắc phải đổi nhiều tiền lẻ loại 1000 đồng để lì xì đỡ cũng được.

5. Sắm một chiếc xe hơi để đi chúc Tết.

6. Vì bạn bè mình nhà toàn trong hẻm, xe hơi không vào được nên phải sửa đèn còi cho chiếc xe gắn máy cũ để đi tạm vậy.

Cái này do bác Hồng Đăng và La Witch bổ sung:

7. Sắm một hoặc nhiều em để chơi tất niên và vi vu ba ngày Tết.

8. Nhưng vì xét thấy mình cũng chớm già, thôi "tân trang" mụ vợ cũ ở nhà cũng được


Nhãn:

HỔNG CÓ MÙA XUÂN ĐÂU




(Trò chuyện với ThS. Nguyễn Văn Thuật – giảng viên khoa địa lý trường Cao đẳng sư phạm Đồng Nai)

+ Mấy ông nhà báo, nhà văn các anh toàn là phóng đại...

- Nhà văn hư cấu để xây dựng hình tượng nghệ thuật, còn nhà báo phải phản ánh trung thực sự kiện. Phóng đại là thủ pháp viết lách mà...

+ Tôi biết. Nhưng báo chí có khi nói không đúng bản chất.

- Cái đó do năng lực của từng nhà báo hay cơ quan báo chí cụ thể. Nghề nào mà chả có kẻ hay người dở...

+ Không tôi nói là tất cả các tờ báo đều nói không đúng bản chất.

- Cụ thể là vụ gì?

- Ông coi các số báo đặc biệt thời gian này, hầu như bìa tờ báo nào cũng có dòng chữ Xuân Mậu Tý 2008.

- Thì báo xuân mà.

+ Đó. Vấn đề tôi muốn nói ở chỗ đó. Nước ta làm quái gì có mùa xuân. Mấy ông cứ nói vống lên.

- Mùa xuân là thời gian văn hóa, là không gian văn hóa, thời gian tâm lý. Ông lại đem kiến thức địa lý của ông ra thì tôi thua.

+ Ông lại ngụy biện rồi. Người ta phải căn cứ vào những đặc điểm của thiên nhiên đất trời chứ!

+ Thì vậy. Nhưng phân chia 4 mùa ở nước mình tương đối thôi.

+ Không phải. Nước mình không có mùa xuân. Mùa là phần thời gian của năm, có những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu. Những đặc điểm này phụ thuộc vào lượng bức xạ mặt trời trên một đơn vị diện tích bề mặt trái đất, cũng như độ dài ngày so với đêm.Sở dĩ có sự khác biệt này tại mọi nơi trên bề mặt trái đất là do trục trái đất nghiêng và hướng không đổi khi nó quay quanh mặt trời. Tuy nhiên, tính chất mùa không biểu hiện đồng đều trên khắp mọi nơi trên hành tinh này. Chỉ có các nước nằm trong vành đai ôn đới mới có 4 mùa rõ rệt

Ở phương Tây thì khởi điểm 4 mùa là 4 ngày: xuân phân (21/3), hạ chí (22/6), thu phân (23/9) và đông chí (22/12). Còn ở phương Đông, các tiết lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông là những tiết bắt đầu một mùa mới nhưng cũng là tiết kết thúc mùa cũ. Cụ thể: Mùa xuân (từ 5/2 đến 6/5 – (ngày xuân phân là ngày giữa mùa xuân). Mùa hạ từ 6/5 đến 8/8, mùa thu từ 8/8 đến 8/11 và mùa đông từ 8/11 đến 5/2.

Việc phân chia một năm thành 4 mùa căn cứ vào những mốc thiên văn (vị trí mặt trời trong chu kỳ chuyển động biểu biến giữa 2 chí tuyến) là một cách chia độc đoán, xuất phát từ các vùng vĩ độ cao. Lúc mặt trời ở vị trí giữa đông chí và xuân phân, cảnh mùa xuân rực rỡ nhất, lúc mà Nguyễn Du mô tả là:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Nhưng thực tế đó là mùa xuân ôn đới.

Việt Nam nằm ở vị trí 8030’B lên đến 23023’B nên luôn nhận một lượng bức xạ lớn của mặt trời. Chúng ta nhận thấy điều đó trong những ngày hè nóng như đổ lửa và cả những ngày đông. Mặt trời quanh năm bận rộn đi lên phía Bắc và lại xuống phía Nam đường xích đạo nhưng không bao giờ vượt quá vĩ tuyến 23027 của mỗi bán cầu. Đây là vĩ tuyến dừng chân của mặt trời trong vận động biểu kiến – vận động nhìn thấy được nhưng không có trong thực tế. Các nước nằm trong vành đai này đều là những nước có khi hậu nóng.Ở Nam bộ vào cái lúc mà Nguyễn Du mô tả “cỏ non xanh tận chân trời” chính là lúc khô nóng nhất. Không có cỏ non mà chỉ có ánh nắng chói chang trên đầu hàng ngày. Trái lại ở miền Bắc lúc này thì vừa lạnh vừa ẩm ướt, những đợt gió cuối mùa từ miền áp cao Xibia xa xôi có thể tràn về cho tới giữa tháng 4. Mưa phùn và màn mây dày đặc trên bầu trời có thể xem như hình ảnh tiêu biểu của mùa xuân miền Bắc nước ta (ông làm truyền hình sẽ biết ghi hình cảnh rộng ở miền Bắc mùa này ra sao).Nhưng kỳ thực, cả 2 miền đều nằm trong vành đai nhiệt đới, một năm chỉ có 2 mùa thôi.

- Nhưng có người cho ông cả một mùa xuân đó!

+ Thôi ông ơi. Anh nào ở Việt Nam mà hứa đem tặng cho mình cả mùa xuân thì đừng tin!


Nhãn: