Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

HỔNG CÓ MÙA XUÂN ĐÂU




(Trò chuyện với ThS. Nguyễn Văn Thuật – giảng viên khoa địa lý trường Cao đẳng sư phạm Đồng Nai)

+ Mấy ông nhà báo, nhà văn các anh toàn là phóng đại...

- Nhà văn hư cấu để xây dựng hình tượng nghệ thuật, còn nhà báo phải phản ánh trung thực sự kiện. Phóng đại là thủ pháp viết lách mà...

+ Tôi biết. Nhưng báo chí có khi nói không đúng bản chất.

- Cái đó do năng lực của từng nhà báo hay cơ quan báo chí cụ thể. Nghề nào mà chả có kẻ hay người dở...

+ Không tôi nói là tất cả các tờ báo đều nói không đúng bản chất.

- Cụ thể là vụ gì?

- Ông coi các số báo đặc biệt thời gian này, hầu như bìa tờ báo nào cũng có dòng chữ Xuân Mậu Tý 2008.

- Thì báo xuân mà.

+ Đó. Vấn đề tôi muốn nói ở chỗ đó. Nước ta làm quái gì có mùa xuân. Mấy ông cứ nói vống lên.

- Mùa xuân là thời gian văn hóa, là không gian văn hóa, thời gian tâm lý. Ông lại đem kiến thức địa lý của ông ra thì tôi thua.

+ Ông lại ngụy biện rồi. Người ta phải căn cứ vào những đặc điểm của thiên nhiên đất trời chứ!

+ Thì vậy. Nhưng phân chia 4 mùa ở nước mình tương đối thôi.

+ Không phải. Nước mình không có mùa xuân. Mùa là phần thời gian của năm, có những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu. Những đặc điểm này phụ thuộc vào lượng bức xạ mặt trời trên một đơn vị diện tích bề mặt trái đất, cũng như độ dài ngày so với đêm.Sở dĩ có sự khác biệt này tại mọi nơi trên bề mặt trái đất là do trục trái đất nghiêng và hướng không đổi khi nó quay quanh mặt trời. Tuy nhiên, tính chất mùa không biểu hiện đồng đều trên khắp mọi nơi trên hành tinh này. Chỉ có các nước nằm trong vành đai ôn đới mới có 4 mùa rõ rệt

Ở phương Tây thì khởi điểm 4 mùa là 4 ngày: xuân phân (21/3), hạ chí (22/6), thu phân (23/9) và đông chí (22/12). Còn ở phương Đông, các tiết lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông là những tiết bắt đầu một mùa mới nhưng cũng là tiết kết thúc mùa cũ. Cụ thể: Mùa xuân (từ 5/2 đến 6/5 – (ngày xuân phân là ngày giữa mùa xuân). Mùa hạ từ 6/5 đến 8/8, mùa thu từ 8/8 đến 8/11 và mùa đông từ 8/11 đến 5/2.

Việc phân chia một năm thành 4 mùa căn cứ vào những mốc thiên văn (vị trí mặt trời trong chu kỳ chuyển động biểu biến giữa 2 chí tuyến) là một cách chia độc đoán, xuất phát từ các vùng vĩ độ cao. Lúc mặt trời ở vị trí giữa đông chí và xuân phân, cảnh mùa xuân rực rỡ nhất, lúc mà Nguyễn Du mô tả là:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Nhưng thực tế đó là mùa xuân ôn đới.

Việt Nam nằm ở vị trí 8030’B lên đến 23023’B nên luôn nhận một lượng bức xạ lớn của mặt trời. Chúng ta nhận thấy điều đó trong những ngày hè nóng như đổ lửa và cả những ngày đông. Mặt trời quanh năm bận rộn đi lên phía Bắc và lại xuống phía Nam đường xích đạo nhưng không bao giờ vượt quá vĩ tuyến 23027 của mỗi bán cầu. Đây là vĩ tuyến dừng chân của mặt trời trong vận động biểu kiến – vận động nhìn thấy được nhưng không có trong thực tế. Các nước nằm trong vành đai này đều là những nước có khi hậu nóng.Ở Nam bộ vào cái lúc mà Nguyễn Du mô tả “cỏ non xanh tận chân trời” chính là lúc khô nóng nhất. Không có cỏ non mà chỉ có ánh nắng chói chang trên đầu hàng ngày. Trái lại ở miền Bắc lúc này thì vừa lạnh vừa ẩm ướt, những đợt gió cuối mùa từ miền áp cao Xibia xa xôi có thể tràn về cho tới giữa tháng 4. Mưa phùn và màn mây dày đặc trên bầu trời có thể xem như hình ảnh tiêu biểu của mùa xuân miền Bắc nước ta (ông làm truyền hình sẽ biết ghi hình cảnh rộng ở miền Bắc mùa này ra sao).Nhưng kỳ thực, cả 2 miền đều nằm trong vành đai nhiệt đới, một năm chỉ có 2 mùa thôi.

- Nhưng có người cho ông cả một mùa xuân đó!

+ Thôi ông ơi. Anh nào ở Việt Nam mà hứa đem tặng cho mình cả mùa xuân thì đừng tin!


Nhãn:

10 Nhận xét:

Anonymous Quỳnh Vy nói...

Bài này hay quá! Không biết có đăng ở tờ báo Xuân nào không?
Những nhận xét rất mới lạ. Em rất thích bài này.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous TKO nói...

Xuân ở trong lòng
Hay Xuân ở trời đất!
Tem nhé mùa xuân!:D

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous TKO nói...

Mất tem! :(

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous haidieugiandi nói...

Hì, vậy là không tin hả anh? Chả còn gì là lãng mạn nữa nhỉ?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous An Thảo nói...

Xuân ở ông Táo
Đã hứa láo nháo
Tạm tin, tạm tin

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous free nói...

Mình khoái cái chỗ này: "Anh nào ở Việt Nam mà hứa đem tặng cho mình cả mùa xuân thì đừng tin!"

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous ₪●๋• ßằng Lăng ●๋•₪ nói...

Vậy là rút kinh nghiệm mừng tết,mừng tuổi chứ không mừng Xuân hen anh TÚ!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Neco nói...

Vậy có tin "Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở..." (Hát) không anh? :)

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Chaien nói...

Đúng đó, tui cũng hay dùng ví dụ này để giải thích chuyện 'nhà báo nói láo', và nhắc nhở các nhà báo phải hiểu kỹ vấn đề trước khi viết. Theo đúng lệ như ở châu âu thì Tết của Vn chính là ngày gần như lạnh nhất trong năm, tháng 2 ở Ba Lan còn được gọi là tháng đóng băng. Mùa xuân là ngày 21 tháng 3 lận, và đó mới chỉ là ngày bắt đầu. Các nhà báo Vn có lẽ cũng bị sai như tui hồi nhỏ lúc học địa lý, cô giáo nói một năm có bốn mùa, nhưng thay vì nói bắt đầu bằng mùa đông lại nói bắt đầu bằng mùa xuân, hi hi. Tuy nhiên, cũng có thể nói là xuân trong biểu tượng khác với xuân trong mùa màng thực tế, và nhà báo không phải là nông dân nên không cần biết thời tiết, hi hi, miễn bán được nhiều báo thì thôi.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Trau nói...

Những bìa báo chào mừng Xuân Mậu Tý đâu có nghĩa là chao cả mùa xuân của năm Mậu Tý. Cái ông thạc sĩ nào đó đem chuyện ai cũng biết rồi làm như phát hiện mới. Lẽ ra ông này nên nghiên cứu thêm vấn đề ngữ nghĩa trong ngôn ngữ học để hiểu thêm Xuân trong trường hợp mà ông đề cập có nghĩa như thế nào. Hơn nữa, tại sao lại đem mùa xuân ở nước khác để bắt Việt Nam phải theo nhỉ? Vì yêu cầu hội nhập chăng?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ