Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

viết tặng người Hà Nội




1. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, trên đường hành quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào con vương mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa.

Đó chỉ là giai thoại. Nhưng giai thoại này giờ vẫn được nhiều người nhắc đến vì nó đẹp quá.

Thời đó làm gì có xe lửa, máy bay, xe hơi... Người con gái hoàng tộc đất Bắc tài hoa ấy vào tận Phú Xuân làm hoàng hậu vì thế đã trở thành kẻ tha phương. Mối lương duyên “trai anh hùng, gái thuyền quyên” chắc cũng khó làm nguôi ngoai nỗi nhớ cái rét xuân giữa Thăng Long Thành trong mùa đoàn tụ.

Với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, những mùa xuân trong ký ức tuổi thơ ở Tây Sơn, Bình Định chắc không có hoa đào đỏ thắm nhưng giữa không gian Thăng Long trong một phút hành quân, con người vĩ đại ấy dường như linh cảm được sợi dây tâm hồn sâu thẳm của hiền thê khi chọn tặng cho nàng món quà báo tin chiến thắng không thể tuyệt vời hơn: một cành đào!

Cành đào ấy với Ngọc Hân là cả không gian quê nhà, là núm ruột thân yêu, là nguồn cội. Cành đào ấy là hiện thân của mùa xuân Thăng Long đang chảy sâu trong tâm thức Ngọc Hân.

Đã có biết bao tác phẩm thi ca nhạc họa viết về hình tượng hoa đào, một loài hoa quý phái và thanh tao. Sắc đào mùa xuân vì sao có sự quyến rũ nao lòng đến vậy?

2. Thời bao cấp, bạn tôi, một nhà thơ gốc Hà Nội sống giữa đất Sài Gòn, có một thói quen rất lạ trong những ngày giáp Tết: Đạp xe ra sân bay, nhà ga để nhìn những dòng người mang hoa đào (dù nó đã được bọc kỹ) từ miền Bắc vào. Bấy giờ, khó khăn lắm mới có một cành đào Tết giữa Sài Gòn. Anh đã năm lần bảy lượt cố trồng lại một cây đào xin được sau Tết của một người bạn khá giả nhưng lại thất bại vì đào có sống nhưng không chịu trổ hoa.

Từ sau những năm đổi mới, nền kinh tế đất nước mỗi năm một khởi sắc hơn. Đào đã xuất hiện ở miền Nam, đặc biệt, ở Sài Gòn. Dù rất mắc nhưng cung dường như vẫn không đủ cầu. Miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vốn là mảnh đất cộng cư của nhiều sắc thái văn hóa vùng miền cả nước, thậm chí, nhiều nước trên thế giới. Công thức “đào Bắc, mai Nam” không còn hoàn toàn chính xác. Bởi không chỉ những người gốc Bắc, gốc Hà thành như bạn tôi mới thèm khát cái phong vị, thần thái cố hương, muốn gìn giữ nền nếp, hương vị quê nhà trong những ngày Tết bằng cách tìm một cành đào mà cả những người dân Nam bộ “rặt” bây giờ cũng đến với đào hoa. Đà Lạt bây giờ cũng trồng được đào và cung cấp cho thị trường Sài Gòn. Nhưng, bạn tôi nói, anh vẫn thích một cành đào Hà Nội. Năm nào anh cũng nhờ một người thân ở thủ đô chọn lựa và trực tiếp gửi vào. Anh chăm chút cho cành đào Tết. Những bữa họp mặt bạn bè đầu xuân, đề tài cành đào thành món “đặc sản” trong nhiều câu chuyện của anh...

Khó có thể lý giải được tình yêu hoa đào đến mê muội của những người như anh bạn nhà thơ ấy. Có cảm giác như trong huyết quản của bạn tôi và bao người con xứ Bắc, cành đào là mùa Xuân, là sông Hồng, là quê hương. Anh đã truyền cho tôi – một người dân miền Nam - cái tình yêu ấy tự lúc nào chẳng hay. Nhà tôi nhiều năm nay cũng chưng đào Tết.

3. Đứa cháu gái tôi theo chồng sang sống tại Hà Lan. Trong email gửi về dịp Tết, noi rằng cháu thèm quá tiếng bánh chưng sôi, mùi nhang trầm ngày Tết. Và để làm vơi nỗi nhớ ấy, trong dịp Tết Nguyên đán giữa trời Tây, cháu tôi điện thoại nhắn những người bạn tụ tập nhau cùng nấu bánh chưng.

Rồi cháu tôi lại nhận ra rằng, dù muốn lắm nhưng tái hiện cái không khí thiêng liêng ấy, tái hiện lại những ký ức ấy là điều không thể.

Vâng, làm sao có thể mang theo hồn cốt Tết Việt qua giữa trời Âu bởi Tết đồng nghĩa với đoàn tụ, đồng nghĩa với cội nguồn, đồng nghĩa với văn hóa.

4. Nhà thơ xứ Đồng Nai Huỳnh Văn Nghệ trong bài “Nhớ Bắc” đã có những dòng trong khổ thơ mở đầu nhiều được nhiều người nhớ đến:

“Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Dường như trong hành trang Nam tiến của tiền nhân từ những thế kỷ xa xưa, cành đào Hà Nội được cất ở đâu đó trong một góc khuất tâm hồn. Đất phương Nam bốn mùa nắng nóng, cái rét Hà Nội và cái nóng Sài Gòn đâu thể hoán chuyển cho nhau bằng công nghệ, kỹ thuật. Và vì thế, những cành đào mùa xuân giữa những căn nhà miền Nam như một vị sứ giả, sứ giả của dòng chảy văn hóa Việt vốn âm thầm được nuôi dưỡng trong sâu thẳm huyết quản của bao trái tim Nam bộ.

Thời mở cửa, hội nhập tạo ra cơ hội, vận hội khai phá mới cho Việt Nam cất cánh. Trong hành trình đi ra biển lớn ấy, truyền thống yêu tự do, chấp nhận cái mới, cởi mở, hào phóng, sẵn sàng đón nhận những yếu tố lạ nhưng luôn biết giữ mình... của cha ông xưa giờ đây đang là hành trang quý giá. Sức mạnh đi tới chỉ có thể là sự cố kết cộng đồng, là chất keo dính của tình đoàn kết bắt nguồn từ việc giữ gìn những giá trị cổ truyền, truyền thống văn hóa của cha ông.

Những cành đào Hà Nội có mặt trong những căn phòng Tết Nam bộ đâu chỉ là chuyện sành điệu. Đó là sự cộng hưởng văn hóa, là chất keo dính của tự tình dân tộc...

Image


Nhãn:

27 Nhận xét:

Anonymous Mua Thu Vang nói...

Vừa đón Tết Hà Nội, sáng nay đọc entry của Bạn lại thấy dưng dưng nhớ Đào Hà Nội, nhớ Tết Quê Hương. Thật cảm động, xin cám ơn Bạn!

lúc 00:04 21 tháng 3, 2008  
Anonymous Hai Au nói...

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous haidieugiandi nói...

Entry này của anh đã mang không khí Tết đến cho em!(Thú thật em đang ngán Tết quá!)

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous free nói...

Cành đào này ấm áp quá

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous An Thảo nói...

Một người Hà Nội cám ơn anh!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous NgocLan nói...

Anh chờ ít hôm nữa em sẽ gửi cho anh xem cây đào của người xa xứ!
Entry anh viết hay quá!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous ngô văn nói...

Chỉ có người anh hùng Quang Trung mới hiểu được tâm hồn sâu thẳm của hiền thê Ngọc Hân của mình nhất.
Cũng như chỉ có nàng mới là người hiểu và thông cảm với ông nhất:
"Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!"
(Ai tư vãn)
Hoa đào đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức không biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Mỗi cành đào đã tự mang trong nó một cá tính thẩm mỹ. Nó không còn là một sản phẩm thuần túy vật chất mà đã chứa trong bản thân nó một ý nghĩa văn hóa phải không anh?

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous An Thảo nói...

Anh Tú mà ra tay thì lung linh ngay. Đọc mà em thấy nhớ Tết y như cô bạn đang nhớ Tết trong entry.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Crystalhouse nói...

Cảm Xúc Từ “Đào Hoa Thương Nhớ “
Tôi chào đời vào một đêm xuân ở vùng sơn cước . Đón và đỡ tôi ngay trong ngôi nhà gỗ nhỏ bé ở ven sông là một bà mụ già người dân tộc Thái. Trạm xá ở rất xa, trên nền đất nện gồ ghề, một lớp bao đay được trải ra (lọai bao dệt bằng sợi đay để đựng ngũ cốc) và một tấm chăn dạ mới ấm áp . Bà mụ tắm & cắt rún cho tôi bằng một thanh cật nứa được khử trùng trong nồi nước nóng . Mùa Xuân đầu đời ấm áp của tôi có màu hạt dẻ, đó là màu áo nâu của mẹ . Cha tôi yêu quý đặt tên cho tôi thật đẹp. Khi đã là một cô gái, tôi tự dịch nghĩa tên mình : là cô gái có khuôn mặt đẹp .
“ Mỗi năm Hoa Đào nở
Lại có ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua …”
Cha tôi là một nông dân của đồng bằng sông Hồng . Từ biệt quê cha đất tổ , cha mẹ tôi vào nam sinh sống . Ngòai việc ruộng vườn cha tôi còn rất giỏi nghề làm pháo và hoa giấy . Những ngày cuối năm, nhớ quê , ông trải lòng mình vào những cành hoa đào giấy . Những cuộn giấy hồng xác pháo mềm mại được tự tay cha tôi nhuộm, những cuộn giấy xanh lá non, xanh thắm (mà bây giờ tôi đang gọi là màu xanh kiến trúc sư - architecture green ) được cha tôi tỉ mỉ chuẩn bị từ ngày đưa ông Táo . Tôi sung sướng lắm khi được ngồi bên cạnh xem cha cắt giấy làm hoa . Đôi bàn tay cha tôi chai cứng thô ráp vì công việc đồng áng nuôi sáu đứa con đã trở nên mềm mại khéo léo đầy cảm xúc khi cha chuẩn bị đón mùa Xuân về .
Từng cánh hoa đào giấy mong manh chúm chím hiện ra trong sự ngạc nhiên đến sững sờ của tuổi thơ tôi . Thỉnh thỏang cha ngừng tay giảng giải cho tôi nghe cách làm hoa ,về chuyện tết ở nhà quê… Là do cha yêu quý tôi, cha tự sự chứ làm sao con bé con 5 tuổi là tôi có thể hiểu biết được nỗi lòng của ông . Chiều 30 tết là ngày “Đào Hoa Thương Nhớ” của cha tôi được hòan thành . Vẻ thanh lịch quý phái của hoa đào dường như quá nổi trội so với không gian quê mùa thô mộc của ngôi nhà gỗ với những đồ đạc đơn sơ và một bầy con đông . Nhưng Hương Xuân đã thấm đẫm tuổi thơ anh chị em tôi …Hoa đào trên bàn thờ tổ tiên, hoa đào trưng nơi bàn tiếp khách . Ngày mồng một Tết, cha yêu tôi nhất, ngắt một bông hoa đào giấy tươi màu xác pháo cài lên mái tóc non tơ của con đứa con gái út – là tôi, và lì xì cho một phong bao màu đỏ .
Nếp văn hóa nhà cứ thẩm thấu mãi vào tôi .
Tôi lớn lên đi học, đi làm và lập nghiệp xa nhà . Cha tôi cũng đã đi xa mãi . Mỗi độ Xuân sang, khi những con số kế họach thôi nhảy múa, khi công việc của một năm khép lại ,khi TP.HCM rực rỡ đường hoa, tôi lại bâng khuâng với “Đào Hoa Thương Nhớ” . Bạn bè, đối tác tặng những cành đào quý hồng thắm những nụ hoa được chu đáo đưa vào từ Hà Nội hàng năm . Đó là hương sắc mùa Xuân dành cho con gái tôi và em nó . Cháu “thiết kế trưng bày” treo lên lên cành đào thật nhiều niềm vui xuân tươi …
Giữa những đào, mai, lan, ly, hồng, cúc tươi rói mùa xuân…thỉnh thỏang tôi lại một mình tự cắt giấy làm những cánh hoa đào . Giấy làm hoa hôm nay được mua từ Nhật, mềm mại và tươi thắm . Các dụng cụ làm hoa được chuẩn hóa thông minh va hữu ích .
Ngòai kia xuân đang về, thả hồn mình vào những cánh hoa giấy là lúc tôi nhớ xuân xưa. Quê hương của tôi là Đào Hoa Thương Nhớ …
Có tiếng thằng bé con bên cạnh :
- Mẹ lại làm hoa đào giấy hả mẹ ?
- Ừ mẹ chuẩn bị tối mai giao thừa con ạ ./.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous .я. nói...

Nhiều xúc cảm!
Hồi xưa, thầy Thâm, hiệu trưởng trường (Có gặp bác Giáp hôm đi học quân sự ở Sô Ma Li) có hỏi tụi em câu thơ ấy "Từ thưở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long", nhưng hồi đó nhỏ xíu, tụi em không suy tưởng gì.
Đính chính là thầy hiệu trưởng dạy bọn em môn Giáo Dục Công Dân hai năm lớp 10 và 11.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Bé Hoàng_ Chồng bé Chuột nói...

hic! đọc lại nhớ tết bắc rồi Tú ca ca ới ời.......

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Tuệ Hoan © nói...

đã thấy Xuân về sớm trên blog Phan Văn Tú :-)

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous TKO nói...

“Từ độ anh Tú viết blog
Người Nam thương nhớ Người Thăng Long”
Hihi!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Quốc Ấn_ Mai nói...

Hay quá! Con xin cóp về blog nha chú!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Huy Đẹp Trai nói...

nhớ ngày xưa lâu lắm rồi, chú em nhân dịp lần đầu tiên được ra HN công tác bằng máy bay, hên trúng dịp tết nên mua rất nhiều đào về tặng bà con!
chú em giữ lại một cây, trồng trong chậu, và thiệt hay là hắn ra hoa quanh năm, chỉ tiếc là hoa nhỏ và lợt lạt thôi!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Neco nói...

Nghe Xuân sang thấy trong lòng mình chứa chan... anh ạh!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous CÙ HUYỀN nói...

@Huy: Hoa nhỏ và lợt cũng có cái đẹp của nó. Chị lại thích đào phai hơn đào thắm đấy. Đào phai cũng khó tìm hơn.Bao nhiêu năm nay, có đúng một tết chị tìm được cành đào phai ưng ý. Chú em trồng đào mà ra hoa được là tuyệt lắm rồi!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Bé Hoàng_ Chồng bé Chuột nói...

EM noi xin Anh đừng buồn......
Hà thành bây giờ vẫn còn vẻ đẹp quyến rũ mà bất cứ người con viẹt nào dã đến cũng sẽ nhớ và yeu......
nhưng.......con người Hà Nội bây giờ....Anh gặp 10 Anh sẽ buòn 9 đấy Anh ạ....
Buồn !..........

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Trau nói...

Đào vừa ra hoa, ngừoi ta đã kêu là hoa đào. Đào vừa ra bông người ta cũng kêu là bông đào.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous HTGiap nói...

Đọc đoạn đầu lại nhớ một câu thơ của một nhà thơ Bình Định, chép lại để bác đọc chơi:
Xưa hoàng đế để ria con kiến
Rất thời trang và rất phong trần
Nên chi con gái Thăng Long ấy
Cứ phập phồng ngực công chúa Ngọc Hân.
(Vua và em, Trần Viết Dũng)

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous TORO nói...

Hoa đào Nhật Tân đang nhường đất cho xây dựng rồi. Nhật Tân chỉ còn thịt chó thôi...

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous charming-pink nói...

Entry này của anh hay quá, gợi nhớ biết bao cành đào ngày tết. Như bạn Cryst với Đào hoa thương nhớ viết, cành đào đâu chỉ là một cành hoa mà nó mang trong mình không khí đầm ấm cổ xưa mỗi độ xuân về. Cám ơn anh Tú và cám ơn cả bạn Cryst về những gì hai người viết trong entry này nhé.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous LONG HÀ nói...

Bài viết hay quá! Sáng nay ra phố, mưa xuân nhẹ như là sương, chợt xao lòng vì hoa đào đã về trên các nẻo đường HN, màu hồng đào như làm ấm cả không gian rét mướt, nghe thoảng đâu đây mùi hương trầm, ồ xuân đã về ngay cạnh lòng ta.

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous An Thảo nói...

Chiều nay đi làm về. Em thấy phố nhiều đào trảy hội rồi. Mưa rét, đào, làm Tết tới gần quá, vừa uể oải, vừa hào hứng.
Chúc chị Huyền năm nay kiếm được cành đào phai như ý!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous thinhleparia nói...

Xem xong bài này của bác Tú thấy máu quá, quyết định lang thang chơi xem hoa đào đây, máy ảnh cầm tay, lên đường dù hơi quá rét và ...mưa !

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous .~*~♥Chuồn Chuồn Ngọc.~*~♥ nói...

Nhìn cành đào này em nhớ Hà Nội quá trời luôn, và đã thấy mùa xuân về trên blog của anh!

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  
Anonymous Yen Ha nói...

Cành đào của anh đã hâm nóng trái tim người Hà Nội rồi.Cảm ơn anh Tú. Mong rằng ngày Tết sẽ có một cành đào HN tươi thắm góp xuân cùng gia đình anh chị

lúc 18:38 25 tháng 5, 2009  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ