Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

ĐỨNG BÊN NI CẦU NGÓ BÊN TÊ CẦU




Dạo này mình hay đi ngang qua cầu Công Lý. Cây cầu ấy đang được xây dựng lại hoành tráng hơn nhưng chưa thông xe vào tháng tám này như dự kiến.

Biết là ngẫu nhiên nhưng cũng cảm thấy bất ngờ vì lần nào đi từ đầu Nam Kỳ Khởi Nghĩa của cây cầu qua đến đầu Nguyễn Văn Trỗi, mình cũng chứng kiến nhiều vị đi xe gắn máy bị cảnh sát giao thông phạt (thường mình đi qua đây vào tầm 1g30 chiều).

Lần đầu tiên thấy thế, mình hú hồn vì sém chút nữa mình cũng bị các anh cảnh sát mời như những người kia vì dám leo lên cầu. Hướng xe gắn máy đi về phía Tân Sơn Nhất không được lên cầu, phải đi theo đường tránh nằm bên phải. Bảng biển để rõ ràng nhưng cũng giống như cầu Sài Gòn, dù có lane dành riêng cho xe gắn máy, thỉnh thoảng bà con cũng hùa nhau vào giữa cầu để phóng cho nhanh.

Cầu Công Lý xây mới rất cao nên khuất tầm nhìn bên này – bên kia. Cảnh sát giao thông thì trực ở bên phía đường Nguyễn Văn Trỗi. Và những vị lỡ tót lên cầu đang lao xuống lần lượt được mời dừng lại để phạt!

Mình cứ thắc mắc: Sao các anh ấy không trực phía đầu cầu bên này nhỉ. Tất nhiên bên này đã có biển báo rồi. Nhưng nếu các anh ấy đứng gần chỗ biển báo thì những kẻ có ý định phạm luật chắc sẽ không dám hành động! Luật sinh ra để ngăn ngừa mà!

Nhãn:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

ĐÀ LẠT ƠI CÓ NGHE CHĂNG!

Dạo này tớ vẫn siêng viết nhưng sau khi hăng hái cày ra một entry, đọc lại thấy giật mình vì thế nào nó cũng đụng chỗ này chỗ kia, chỉ share với vài người thân coi, không post lên. Blog mốc meo, tớ mượn bài này của bà xã post lên cho ấm nhà tí!

Mua tour đi Đà Lạt, khách du lịch vẫn thường dằn túi ít tiền. Vì Đà Lạt vốn có nhiều đặc sản. Đà Lạt ấn tượng với khách du lịch bởi những cô gái má hây hây đỏ và cái cười hồn hậu, thật thà. Trước nụ cười ấy, khách du lịch không ngần ngại vét túi đến những đồng tiền cuối cùng. Nhưng những điều ấy, hình như đã đi vào dĩ vãng…

Thất vọng

Khoảng 13 năm trước, tôi đã từng ở Đà Lạt cả tháng trời. Mỗi sáng thức dạy, tôi đi bộ một vòng quanh Hồ Xuân Hương. Và thế nào cũng ghé mua mấy bông hồng về cắm trong khách sạn. Đôi hôm lại mua ít dâu tây đỏ mọng của cô nàng ngay cổng chợ về bỏ tủ lạnh ăn dần. Hoà vào cuộc sống của người Đà Lạt, thấy tâm hồn thật êm đềm.

Tôi còn trở lại thoáng qua vài lần nữa. Cho đến năm 2005, lần trở lại gần đây nhất, bắt đầu những thất vọng đầu tiên.

Cô bán dâu tây đầu chợ thật xinh, tất nhiên không phải là cô gái của 13 năm trước, mời mua 15000/kg và đuợc chọn. Nhưng khi đồng ý mua thì cô mắng xơi xơi vì “chọn thế thì hỏng hết dâu!” Và cô ta nhanh tay bốc vào bao xốp cho tôi phần lớn quả xanh. Thật ra thì, chỉ có một ít dâu chín trên mặt. Chẳng muốn vì mấy đồng bạc mà to tiếng với người Đà Lạt, tôi đành ngậm ngùi mang mớ dâu về, dù biết, dâu xanh thế có muốn cũng chẳng ăn được.

Trước khi về, mua bơ loại ngon và đắt nhất về làm quà. Về đến Sài Gòn cả tuần, bơ không chín. Chỉ héo rồi thối.

Nhủ lòng, lần sau cứ về Sài Gòn mua, chọn thoải mái và cũng chẳng đắt hơn là mấy.

Và… thất vọng

Mấy ngày đầu tháng 8 vừa qua, tôi đưa người nhà đi Đà Lạt. Là đưa người nhà đi thôi, vì đã quá quen thuộc với Đà Lạt rồi. Và đi là để xem, Đà Lạt có gì mới không. Trong đoàn khách của VietTravel, ai cũng háo hức đi và mua. Đã có kinh nghiệm, tôi không mua gì hết. Thế nhưng vẫn xót lòng khi thấy nhiều khách du lịch đi cùng đoàn bị lừa ngoạn mục.

Lên đồi mộng mơ hai vị khách mua phải giống hoa dởm. Mua củ sen cạn thì được các cô bán hàng đưa cho củ của một loại hoa khác. Chi tiết này mãi hôm sau, khi đi thăm vườn hoa thành phố, hai vị khách mới phát hiện ra, khi được chủ các sạp bán hoa ở đây tư vấn.

Mua mứt thì trên trời dưới giá. Các lò mứt tại khu vực Đồi Mộng Mơ, mỗi lò một giá. Thắc mắc thì đựơc giải thích là hàng rẻ là hàng Trung Quốc, hàng đắt là hàng sản xuất tại Đà Lạt. Tuy nhiên các nhãn mác thì đều cho thấy hàng được sản xuất tại các lò của Đà Lạt cả.

Phấn hoa atisô là mặt hàng tương đối mới. Nơi thì bán giá 300 ngàn/kg, nơi thì ghi ngoài bao bì 140, 120 ngàn/nửa kg. Ghi ngoài bao bì như thế, tưởng là bán đúng gía như siêu thị. Nhưng không. Ông khách trong đoàn hí hửng vì trả giá mua đuợc nửa ký phấn hoa atisô với giá 80 ngàn (rẻ hơn những 40 ngàn so với giá ghi trên bao bì), ngay lập tức tẽn tò vì một bà chị trong đoàn mua cùng loại với giá có 60 ngàn (trong khi bao bì đề giá 140 ngàn).

Mua atiso thì bị lừa như chơi. Cùng loại mua trong lò giá 100, ngoài chợ chỉ 30 – 40 ngàn.

Củ hoa cũng là một món hàng khó mua. Vườn hoa Đà Lạt có khu vực bán hoa và củ hoa rất lớn. Những tưởng mua ở đây là an toàn, song một bịch củ hoa được rao giá 60 ngàn đã được bán với giá chỉ 15 ngàn đồng. Đồi mộng mơ cũng là một cái bẫy. Một Cụ bà than thở, bịch củ hoa bà mua ghi giá 57 ngàn, bà trả 50 ngàn/ 2 bịch, tưởng trả chơi chơi, ai dè được ok ngay. Biết bị hớ mà không thối lui được.

Sau một vòng mua sắm, du khách trong đoàn rỉ tai nhau, rằng phải hết sức cẩn thận, vì trả giá cỡ nào cũng hớ.

Bà B.T.Đ ở Gò Vấp than thở: “Chẳng biết đằng nào mà lần. Đơn giản như mua trái hồng ngoài chợ, hôm đầu lên có người trong đoàn mua ở chợ giá 15 ngàn, hôm sau người khác mua cũng loại đó giá 10 ngàn, rồi 8 ngàn. Ngày cuối về, người ta mang hồng đến tận cửa khách sạn bán có 7 ngàn. Chuyện thật nhỏ. Buồn vì mất tiền thì ít mà vì thất vọng thì nhiều.”

Ngoại trừ mua đồ len ở cửa hàng phía sau nhà thờ Do Main De Marie, còn lại suốt chuyến đi, không du khách nào hài lòng với việc mua bán ở Đà Lạt.

Kinh doanh ăn sổi ở thì bằng lừa dối và chặt chém là chuyện không lạ ở các khu du lịch. Nhưng với Đà Lạt mộng mơ, chuyện ấy sao cứ gây cảm giác chua chát.

Đâu rồi những cô gái má đỏ hây, cười như “mùa đông toả nắng”. Đâu rồi những bà cụ nhăn nheo hồn hậu thật thà với những gánh rau xanh mượt mà. Người ta đến với Đà Lạt vì cảnh. Nhưng người ta trở lại với Đà Lạt vì tình. Đà Lạt ơi, tiếc thay!

CÙ THỊ THANH HUYỀN

Nhãn:

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

GỬI MỘT NỮ SINH VIÊN PHẢI LÒNG BỐ CHỒNG




Mới đây, VnExpress có bài viết trong mục tâm sự nhan đề “Phải lòng bố chồng tương lại”. Link đây.

Nội dung bài là tâm sự của một nữ sinh viên năm 2 yêu một chàng trai được 2 năm. Chàng trai ấy đã tốt nghiệp, đẹp trai, ngoan hiền, con một vị giáo sư nổi tiếng, đi giảng dạy trong và ngoài nước triền miên. Khi chàng trai đưa cô gái về ra mắt bố, vị giáo sư đáng kính ấy đã làm cô gái choáng ngợp. Một đêm, khi cậu người yêu đưa mẹ về quê, cô gái đã đến nhà gặp bố chồng tương lai và thổ lộ lòng mình. Cô đã trao cho ông ta cuộc đời con gái của mình…

GỬI MỘT NỮ SINH VIÊN PHẢI LÒNG BỐ CHỒNG

Quả thật là rất bất ngờ khi đọc tâm sự của bạn. Những bi kịch kiểu này, tôi nghĩ, hiếm gặp.

Tôi còn bất ngờ vì, khi tâm sự như thế này trên các phương tiện truyền thông đại chúng, với các nhân vật đều trong giới trí thức, tôi nghĩ, sẽ rất khó để tránh được sự vỡ lở.

Và nếu mọi chuyện vỡ lở thì chắc chắn là bạn biết, tất cả đều chịu sự đổ vỡ rất lớn không có gì hàn gắn được trong tâm hồn. Những câu chuyện khác có thể được kể, các bên liên quan biết đến và cùng tìm giải pháp. Nhưng câu chuyện của bạn chỉ có thể có giải pháp khi hai nhân vật chính là bạn và bố chồng tương lai của bạn nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề và nhìn lại chính bản thân mình để âm thầm đi đến một quyết định có lợi cho hai người và cho gia đình.

Nhưng dù sao thì bạn cũng đã kể ra câu chuyện này. Có lẽ bởi sự bối rối quá sức chịu đựng.

Tôi rất ngỡ ngàng, rất shock khi nghe câu chuyện của bạn. Nhưng tôi không trách bạn nhiều.

Tôi cũng không nghĩ là bạn đã gài bẫy vị giáo sư nọ. Bởi bạn còn trẻ, rất trẻ. Bạn có vẻ không có nhiều khả năng kìm nén. Và bạn có “gài bẫy” kiểu thế này thì bạn cũng sẽ mất nhiều hơn được, mất chắc chắn hơn được.

Trong câu chuyện về tình yêu của các bạn, tôi nhận ra sự đẹp đôi, sự đồng tình ủng hộ của mọi người xung quanh, sự hài lòng của các bạn về nhau, nhưng tôi không thấy sự say đắm, ít nhất là từ phía bạn. Vì thế khi gặp đối tượng hoàn hảo hơn, bạn đã dao động. Những cô gái trẻ, bị ánh hào quang của những trí thức có vẻ lịch lãm làm loá mắt, là chuyện bình thường. Và thật ra, bạn đã mù quáng và đang là nạn nhân.

Bạn mù quáng vì bạn si mê mà thật ra chưa biết nhiều về người đàn ông ấy. Đằng sau vẻ bề ngoài đầy mê hoặc kia thực chất là gì? Là gì, thì đến giờ này chắc bạn đã nhận ra một phần rồi. Người đúng mực không bao giờ có thể lao ngay vào vòng tay một cô gái và chung đụng với cô ta trong lần đầu tiên tỏ bày tình cảm. Càng không thể khi cô gái ấy chỉ bằng tuổi con mình và nhất là cô ấy được xem là con dâu tương lai của mình. Tôi đồ rằng, vị bố chồng tương lai của bạn đã cố tình quyến rũ bạn mà bạn không nhận ra thôi.

Đọc thư, tôi tiếc cho bạn. Điều đó là rõ rồi. Vì bạn đã vừa đánh mất rất nhiều thứ: trinh tiết, sự tự tin, một tình yêu đẹp trong sáng. Và bạn đã đặt mình trước những ngã rẽ mà ngã nào cũng mù mịt.

Nói với bạn tất cả những điều ấy có vẻ quá muộn màng, vì chuyện đáng tiếc nhất đã xảy ra rồi.

Nhưng có điều này có lẽ cần cho bạn.

Bạn cần trả lời xem những ngã rẽ sau, ngã rẽ nào là có lợi hơn:

Bạn có “dũng cảm” lấy chàng trai trẻ đáng yêu kia làm chồng không? Chắc bạn không đủ sự táng tận lương tâm, nhất là với mục đích gần bố chồng.

Bạn sẽ ra đi và ôm theo bí mật đó? Sẽ phải giải thích với người yêu bạn thế nào.

Có thể vị giáo sư “đáng kính” kia li dị vợ và chạy theo bạn? Tình huống này khó xảy ra và cũng bẽ bàng cho cả hai, đau khổ cho tất cả mọi người.

Còn điều này nữa, tôi cũng muốn bạn suy nghĩ:

Bạn chê câu trai kia chỉ là một phiên bản khiếm khuyết của bố cậu ấy. Không bạn ạ. Bạn hay ai cũng vậy thôi, chúng ta đều cần thời gian để trưởng thành, để hoàn thiện. Bạn có biết là để có được sự hoàn hảo (theo bạn nói đấy) vị giáo sự ấy đã đi qua bao nhiêu đau khổ, thăng trầm, của chính bản thân ông ta và cả người thân của ông ta nữa. Mà thật ra đến ngày hôm nay đây, ông ấy đâu đã phải là hoàn hảo đâu, phải không?

Và còn điều này nữa, người đàn ông trở nên hoàn hảo hơn, rất nhiều khi nhờ người đàn bà là vợ họ. Bạn không muốn mất thời gian tâm sức, bạn lại muốn có được người hoàn hảo, thế là không công bằng… thế thì chỉ có thể đánh cắp mà thôi!

Cậu trai trong sáng kia, 20 năm sau tôi tin là sẽ hoàn hảo hơn bố cậu, tất nhiên là nếu cậu không gặp phải (hay là “học” được gì đó từ) những cú knock-out về tinh thần kiểu thế này.

Mong bạn không tiếp tục sai lầm!

Lần sau, nếu gặp khó khăn, hãy xin ý kiến trước khi hành động, bạn nhé!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

SINH NHẬT CON TRAI




Hôm nay 17.9, sinh nhật Ruốc mà ba Sài Gòn mẹ Long An. Gặp Ruốc trên điện thoại: Con biết hôm nay ngày gì không? Sinh nhật con! Sinh nhật là gì? Con hổng biết nữa.

Hỏi thêm một tí thì phát hiện ra Ruốc chỉ biết sinh nhật là có thổi nến, có ăn bánh.

Ruốc vô tư thế nên ba cảm thấy không áy náy.

Lớn bằng 4 lần tuổi Ruốc bây giờ ba Tú cũng chẳng biết có sinh nhật là gì.

Hơn con bây giờ một tuổi là ông nội mất.

Bằng tuổi con bây giờ ba cũng biết theo cô Sáu đi nhặt ve chai mà hồi đó đa phần là vỏ đạn để bán kiếm tiền hoặc hái rau, mót củi phụ bà nội.

Và ba ăn khoẻ, ăn nhiều hơn con bây giờ dù nhà mình hồi đó thiếu thốn lắm.

Đồ chơi của ba ngày xưa toàn tự chế, nhiều nhất là từ vỏ đạn, từ các loại phế liệu chiến tranh, từ lá dừa, lá chuối, hột xoài, tre nứa, đất sét….

ruoc mac ao xanh rat chanh by you.

Hôm nay cũng là ngày sinh nhật một người chị cùng nghề. Và cũng là sinh nhật của báo Pháp luật TPHCM, một tờ báo có nhiều đồng nghiệp mình quý mến. Chi tiết ngẫu nhiên này làm mình nuôi hy vọng mai mốt Ruốc cũng đi theo nghề báo như ba.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

AI BIỂU ỔNG KHÔNG BIẾT TIẾNG VIỆT?




Cách đây hơn 10 năm, cơ quan cũ của tôi có lớp học nghiệp vụ do tổ chức SIDA Thụy Điển triển khai. Hai chuyên gia phụ trách đợt 1 là ông Goesta và ông KShell. Ngày đầu tiên, hai ông làm việc cật lực vì phải trực tiếp lắp ráp phòng máy, dạy lý thuyết, tổ chức thực hành...

Bữa đó, ông Goesta vì quyết lắp xong bàn mixer cho buổi dạy chiều có phương tiện học nên bỏ ăn trưa, thông dịch viên không chờ nên đi ăn cơm trước. Khoảng 13 giờ, tôi đang ngồi ở phòng làm việc thì nghe mấy chị cùng cơ quan kêu tên mình thiệt to.

- Có chuyện gì vậy? – tôi hỏi vọng ra

- Qua đây nghe thử ông Thụy Điển nói gì?

Tôi theo mấy chị qua hướng ra nhà vệ sinh cơ quan. Ủa, sao lại là hướng này? , tôi nghĩ thầm nhưng chưa kịp hỏi thì đã tới nơi. Trước mắt tôi là ông Goesta người to lớn như con gấu với vẻ mặt rất “nghiêm trọng”. Dường như đoán ra tôi được gọi đến để giúp đỡ, ông liền xổ về phía tôi và hỏi ngay:

+ AM I NAM OR NU?

Tôi hơi bất ngờ một chút (trước khi nhận ra là "Nữ" ổng phát âm thành "nu") và hiểu nguyên nhân: 2 lối vào nhà vệ sinh của cơ quan tôi không vẽ ký hiệu “đàn ông”, “đàn bà” mà cương quyết chỉ viết chữ Việt là “NAM” và “NỮ” cho nó đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Goesta đành phải đứng (chắc cũng 10 phút) sượng trân như thế vì không biết đi lối nào, dù rất muốn rẽ ngay.

Khổ thân, ai biểu ông không chịu học tiếng Việt trước khi qua đây nhỉ!

(Bận quá, bắt chước bác HTGiáp, tái bản entry cũ)

Blog Page

Nhãn:

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2008

HÀNG XA XỈ




- Ông, có biết chỗ nào bán đèn ông sao bằng giấy kiếng màu không chỉ tui với?

+ Trời, giờ này mà kiếm loại đó ở đâu? Ông cũng thích chơi đặc sản?

- Ơ, cái loại đó tôi nghĩ là rẻ mà, làm thủ công. Sao lại bảo là đặc sản?

+ Ừ, có thể rẻ nhưng mà ông kiếm cả thành phố này xem có không. Cái gì hiếm là đặc sản rồi!

- Tôi kiếm muốn lòi con mắt luôn. Đi hỏi đèn lồng giấy kiếng màu, người ta cứ nhìn mình như trên trời rơi xống mới lạ chứ!

+ Thế ông tìm cái loại đèn lồng đó làm gì? Giờ biết bao nhiêu loại lồng đèn lân rồng đủ kiểu, thắp sáng bằng pin rất đẹp. À, nhưng con ông lớn hết cả rồi mà.

- Tôi có một đứa học trò, xa đất nước lâu ngày, nay mang con về chơi. Nó hỏi thăm tôi về loại đèn lồng ngày xưa nó vẫn thường chơi. Tôi cứ tưởng dễ kiếm nên định mua tặng mấy đứa nhỏ.

+ Đó, đèn ông sao mà ông muốn kiếm bây giờ là đồ xa xỉ rồi. Chỉ có Việt Kiều thích chơi thôi, chứ người mình đâu có chơi. Họ chơi đồ Trung Quốc nhập không hà!

- Tôi còn nghe ở Biên Hòa mình có một “làng nghề” làm đèn lồng, giờ không biết sao rồi nhỉ?

+ Sao là sao, thị trường thế này, sao sống nổi!

------------

Ảnh minh họa: Đất Việt online ( www.baodatviet.vn )

Nhãn:

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

Entry for September 13, 2008

Hôm trước thấy Trần Bá Phùng nhại lời ca Trịnh Công Sơn trong một entry vui:

Sống trong đời sống cần có một ít tiền
Để làm gì em biết không ?
Để uống bia, để uống bia

Mình còm vào:

Có tiền - dù là một ít tiền - để uống bia là bình thường. Không có tiền uống bia được mới hay.
Có tiền, có bia để uống không quan trọng bằng có người uống chung.
Vậy nên, mình xin "biên tập" câu đầu:
Sống trong đời sống cần có một ít NGƯỜI
Để làm gì em biết không?
Để uống bia, để uống bia

Hôm nay mình có một bằng chứng cho chuyện “không có tiền vẫn uống bia được”.

Các tên riêng trong những đoạn chatting dưới đây nhờ photoshop đổi thành A, B và C

Image

A chat với PVT




Image
A chat với B


Image
Và A chat với C

Blog Page

Nhãn:

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

NHƯỜNG




Trong loạt bài “Bước vào thế giới MC” của Tuổi trẻ, bài 2, có một text-box nội dung như sau:

“Một biên tập viên - MC của VTV bộc bạch: “Xuất hiện trước ống kính, trước hàng triệu khán giả khắp cả nước thật sự là một áp lực không nhỏ đối với chúng tôi. Thù lao chưa thỏa đáng không phải là chuyện quá lớn. Chuyện đáng nói ở đây là chúng tôi vất vả hơn rất nhiều khi phải choàng gánh thêm việc. Không ít trường hợp chúng tôi cảm thấy “cạn kiệt” với nghề dẫn bởi suy cho cùng mình có được đào tạo bài bản đâu. Dẫu chúng tôi có tham gia những khóa đào tạo, nâng cao nghiệp vụ dẫn chương trình ngắn hạn nhưng càng học, càng thấy... thiếu”.

Điều này có thể phần nào lý giải được lý do các BTV - MC kỳ cựu của các đài dần “nhường sân” lại cho các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu... làm MC cho các chương trình. Một cuộc đổi ngôi đầy lý thú nhưng cũng đầy những vấp váp và hệ lụy.”

Nhận định này không hoàn toàn chính xác dù từ NHƯỜNG SÂN được để trong ngoặc kép. Sự xuất hiện của những người "ngoài nghề" làm MC truyền hình không xuất phát từ chuyện quá tải của BTV – MC truyền hình. Và thực tế, các BTV - MC kỳ cựu của các đài không dần “nhường sân” lại cho các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu... đâu mà đó là một xu thế thị trường.

Để ý mà xem, những người nổi tiếng (không phải dân làm truyền hình) tham gia làm MC trong các chương trình phát trên đài hầu hết xuất hiện trong các chương trình có tài trợ, quảng cáo. Xuất phát từ yêu cầu/áp lực của các nhà tài trợ, nhóm sản xuất chương trình phải mời “người của công chúng” làm MC theo ý đồ được định trước.

Mà chuyện này cũng không phải do các công ty tham gia hoạt động xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình nghĩ ra. Tây họ làm lâu rồi. Bài vở dạy truyền thông cũng chỉ ra rồi. Cái gì liên quan đến người nổi tiếng đều hấp dẫn số đông. Một cô bé mới tháng trước còn vô danh tiểu tốt nhưng sau khi thành hoa hậu thì nhanh chóng trở thành nhân vật trung tâm của báo chí cả tuần rồi vì sự kiện “hậu hoa hậu”. Các nhà báo họ cũng chẳng muốn tốn nhiều công sức giấy mực cho chuyện này, thị trường nó muốn thế!

Cũng cần nói thêm: hiện nay, các dạng chương trình “xã hội hóa” rất phong phú. Có chương trình do một công ty truyền thông sản xuất hoàn toàn chỉ giao thành phẩm cho đài duyệt phát sóng. Có chương trình hợp tác sản xuất vì các công ty truyền thông không có cơ sở vật chất và nhân lực đủ. Có chương trình do đài sản xuất hoàn toàn nhưng phải theo một kịch bản của đối tác v.v… Ai từng làm trong nghề này sẽ biết chuyện người nổi tiếng tham gia làm các show truyền hình thế nào.

“Ai là ai” là một ví dụ, games show này khi bắt đầu sản xuất, công ty truyền thông mời một cô á hậu thể thao kiêm ca sĩ, KK dẫn. Những lần thu hình các số đầu tiên, cả ê kíp gần 50 con người phải khổ sở vì MC bị lỗi liên tục. VTV (trung tâm truyền hình Việt Nam tại TPHCM) muốn thay chị (và thực tế họ không thiếu người để thay nhưng không được). Sau đó, KK được thay bằng Quyền Linh.

Yếu tố người nổi tiếng góp phần làm cho chương trình thu hút khán giả, vì thế các nhà tài trợ yêu cầu phải có họ làm MC. Và đó là lý do chính của chuyện giới ca nhạc, điện ảnh, sân khấu tham gia dẫn chương trình chứ không có chuyện “nhường sân”.

Blog Page

Nhãn:

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2008

BĂNG

Bác Hai Au có một entry thú vị - “Tào lao chuyện cái tên”, đọc ở đây. Trong đó, có kể một chi tiết: Công ty bác có một cô nhân viên tên Trang. Hôm nọ cô Trang đang soạn thảo văn bản bằng Word thì có một anh tới hỏi cách phân trang (repaginate). Anh này hỏi: Trang ơi, phân Trang ra làm sao? Cho anh coi với!

Chi tiết này làm tôi nhớ những đoạn đối thoại ở cơ quan cũ của mình.

Nữ phóng viên trẻ nói với biên tập viên nam:

+ Hôm nay băng em nhiều lắm!

- Em ráng giải quyết cho sạch rồi anh em mình làm nhé!

+ Để hôm khác được không anh?

- Ráng đi, anh cần lắm…

Hoặc một biên tập viên nam nói với một nữ phóng viên tập sự:

+ Anh nói giờ anh không làm được!

- Tại sao vậy anh?

+ Tại em còn băng mà băng của em ghê quá!

- Em cắt ngắn và gọn gàng rồi, anh chỉ cần móc ra thôi mà!

+ Băng của em mà anh phải tự tay móc à?

- Sao hôm qua cái Vân khoe anh móc dùm băng cho nó

+ Băng của Vân sạch sẽ gọn gàng chứ không luộm thuộm như em đâu nhé…

Băng ở đây là những đoạn tiếng (audio) dùng cho phát thanh. Hồi đó, chủ trương của Ban biên tập phát thanh là làm tin, bài phải tăng cường tiếng động để chương trình hấp dẫn. Các đoạn tiếng được thu bằng máy cassette thường nên vẫn gọi là băng (ký hiệu trong bài là băng 1, băng 2, băng 3 v.v…). Thu phỏng vấn, phát biểu, tiếng động hiện trường về, các phóng viên thường phải capture vào máy tính để edit (cắt, dán, chỉnh sửa cường độ âm lượng v.v…) và lưu các “thành phẩm” trên một phân vùng ổ cứng nào đó. Biên tập viên khi duyệt bài thường “móc” những cái file âm thanh này từ mạng máy ra để nghe trước xem có bảo đảm chất lượng phát sóng chưa.

Những dạng “tiếng lóng nghề nghiệp” như thế người ngoài nếu không để ý thì dễ… hiểu lầm!

Blog Page

Nhãn:

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

sai rồi sửa, sửa rồi sai




trang 10 by you.

Hai 3nh trên chụp trang 1 và trang 10 một tờ báo số ra ngày 28/8/08.

dinhchinh 2 by you.

Ngay sau khi báo ra, bạn đọc gọi tới, tòa soạn phải lo đính chính trong số báo kế tiếp. Nhưng cái đính chính thì... thôi bà con đọc đi!

Giờ này vẫn chưa thấy có cái đính chính thứ 2!

***

Trên hình chụp mục ĐÍNH CHÍNH này, mình đã xóa tên tờ báo vì lý do tế nhị. Mong các anh chị và các bạn khi comment đừng quan tâm tới manchette tờ báo nhé.

Nhãn: