Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

ĐÀ LẠT ƠI CÓ NGHE CHĂNG!

Dạo này tớ vẫn siêng viết nhưng sau khi hăng hái cày ra một entry, đọc lại thấy giật mình vì thế nào nó cũng đụng chỗ này chỗ kia, chỉ share với vài người thân coi, không post lên. Blog mốc meo, tớ mượn bài này của bà xã post lên cho ấm nhà tí!

Mua tour đi Đà Lạt, khách du lịch vẫn thường dằn túi ít tiền. Vì Đà Lạt vốn có nhiều đặc sản. Đà Lạt ấn tượng với khách du lịch bởi những cô gái má hây hây đỏ và cái cười hồn hậu, thật thà. Trước nụ cười ấy, khách du lịch không ngần ngại vét túi đến những đồng tiền cuối cùng. Nhưng những điều ấy, hình như đã đi vào dĩ vãng…

Thất vọng

Khoảng 13 năm trước, tôi đã từng ở Đà Lạt cả tháng trời. Mỗi sáng thức dạy, tôi đi bộ một vòng quanh Hồ Xuân Hương. Và thế nào cũng ghé mua mấy bông hồng về cắm trong khách sạn. Đôi hôm lại mua ít dâu tây đỏ mọng của cô nàng ngay cổng chợ về bỏ tủ lạnh ăn dần. Hoà vào cuộc sống của người Đà Lạt, thấy tâm hồn thật êm đềm.

Tôi còn trở lại thoáng qua vài lần nữa. Cho đến năm 2005, lần trở lại gần đây nhất, bắt đầu những thất vọng đầu tiên.

Cô bán dâu tây đầu chợ thật xinh, tất nhiên không phải là cô gái của 13 năm trước, mời mua 15000/kg và đuợc chọn. Nhưng khi đồng ý mua thì cô mắng xơi xơi vì “chọn thế thì hỏng hết dâu!” Và cô ta nhanh tay bốc vào bao xốp cho tôi phần lớn quả xanh. Thật ra thì, chỉ có một ít dâu chín trên mặt. Chẳng muốn vì mấy đồng bạc mà to tiếng với người Đà Lạt, tôi đành ngậm ngùi mang mớ dâu về, dù biết, dâu xanh thế có muốn cũng chẳng ăn được.

Trước khi về, mua bơ loại ngon và đắt nhất về làm quà. Về đến Sài Gòn cả tuần, bơ không chín. Chỉ héo rồi thối.

Nhủ lòng, lần sau cứ về Sài Gòn mua, chọn thoải mái và cũng chẳng đắt hơn là mấy.

Và… thất vọng

Mấy ngày đầu tháng 8 vừa qua, tôi đưa người nhà đi Đà Lạt. Là đưa người nhà đi thôi, vì đã quá quen thuộc với Đà Lạt rồi. Và đi là để xem, Đà Lạt có gì mới không. Trong đoàn khách của VietTravel, ai cũng háo hức đi và mua. Đã có kinh nghiệm, tôi không mua gì hết. Thế nhưng vẫn xót lòng khi thấy nhiều khách du lịch đi cùng đoàn bị lừa ngoạn mục.

Lên đồi mộng mơ hai vị khách mua phải giống hoa dởm. Mua củ sen cạn thì được các cô bán hàng đưa cho củ của một loại hoa khác. Chi tiết này mãi hôm sau, khi đi thăm vườn hoa thành phố, hai vị khách mới phát hiện ra, khi được chủ các sạp bán hoa ở đây tư vấn.

Mua mứt thì trên trời dưới giá. Các lò mứt tại khu vực Đồi Mộng Mơ, mỗi lò một giá. Thắc mắc thì đựơc giải thích là hàng rẻ là hàng Trung Quốc, hàng đắt là hàng sản xuất tại Đà Lạt. Tuy nhiên các nhãn mác thì đều cho thấy hàng được sản xuất tại các lò của Đà Lạt cả.

Phấn hoa atisô là mặt hàng tương đối mới. Nơi thì bán giá 300 ngàn/kg, nơi thì ghi ngoài bao bì 140, 120 ngàn/nửa kg. Ghi ngoài bao bì như thế, tưởng là bán đúng gía như siêu thị. Nhưng không. Ông khách trong đoàn hí hửng vì trả giá mua đuợc nửa ký phấn hoa atisô với giá 80 ngàn (rẻ hơn những 40 ngàn so với giá ghi trên bao bì), ngay lập tức tẽn tò vì một bà chị trong đoàn mua cùng loại với giá có 60 ngàn (trong khi bao bì đề giá 140 ngàn).

Mua atiso thì bị lừa như chơi. Cùng loại mua trong lò giá 100, ngoài chợ chỉ 30 – 40 ngàn.

Củ hoa cũng là một món hàng khó mua. Vườn hoa Đà Lạt có khu vực bán hoa và củ hoa rất lớn. Những tưởng mua ở đây là an toàn, song một bịch củ hoa được rao giá 60 ngàn đã được bán với giá chỉ 15 ngàn đồng. Đồi mộng mơ cũng là một cái bẫy. Một Cụ bà than thở, bịch củ hoa bà mua ghi giá 57 ngàn, bà trả 50 ngàn/ 2 bịch, tưởng trả chơi chơi, ai dè được ok ngay. Biết bị hớ mà không thối lui được.

Sau một vòng mua sắm, du khách trong đoàn rỉ tai nhau, rằng phải hết sức cẩn thận, vì trả giá cỡ nào cũng hớ.

Bà B.T.Đ ở Gò Vấp than thở: “Chẳng biết đằng nào mà lần. Đơn giản như mua trái hồng ngoài chợ, hôm đầu lên có người trong đoàn mua ở chợ giá 15 ngàn, hôm sau người khác mua cũng loại đó giá 10 ngàn, rồi 8 ngàn. Ngày cuối về, người ta mang hồng đến tận cửa khách sạn bán có 7 ngàn. Chuyện thật nhỏ. Buồn vì mất tiền thì ít mà vì thất vọng thì nhiều.”

Ngoại trừ mua đồ len ở cửa hàng phía sau nhà thờ Do Main De Marie, còn lại suốt chuyến đi, không du khách nào hài lòng với việc mua bán ở Đà Lạt.

Kinh doanh ăn sổi ở thì bằng lừa dối và chặt chém là chuyện không lạ ở các khu du lịch. Nhưng với Đà Lạt mộng mơ, chuyện ấy sao cứ gây cảm giác chua chát.

Đâu rồi những cô gái má đỏ hây, cười như “mùa đông toả nắng”. Đâu rồi những bà cụ nhăn nheo hồn hậu thật thà với những gánh rau xanh mượt mà. Người ta đến với Đà Lạt vì cảnh. Nhưng người ta trở lại với Đà Lạt vì tình. Đà Lạt ơi, tiếc thay!

CÙ THỊ THANH HUYỀN

Nhãn:

3 Nhận xét:

Anonymous hongdang nói...

Tui đã nói rồi mà, bác bị "địch" áp sát. Ta giỏi, địch cũng giỏi, luân phiên tác chiến được, vậy nên phải nói bác đã trở thành biểu tượng của "đánh du kích"! Hehe. Chị Huyền à, anh em tui ghẹo nhau mong nhận được một nụ cười cuối tuần, không ám chỉ điều chi đâu nha. Mong biên tập viên ngó lơ!
Còn về Đà Lạt, thì tui cũng nghĩ giống chị đó. Tui vẫn thích ĐL, thích cái hơi lạnh tinh khiết của nó, thích mùa dã quỳ vàng cả cánh đồi, thích những gốc thông già vi vút, thích những đĩa xà lách trộn giòn tan, thích những trái chuối laba ngọt lịm, vân vân và vân vân, nhưng khó chịu không kém về những đổi thay theo hướng "kinh tế thị trường" của xứ này. Huhu!

lúc 01:35 27 tháng 9, 2008  
Anonymous haidieugiandi nói...

Tốt nhất là không mua gì, thì Đà lạt vẫn đẹp và thơ...

lúc 02:13 27 tháng 9, 2008  
Anonymous Diem xua nói...

Anh Tú mà lại phải mượn bài của Cù Huyền đăng blog sao ta, cái này là 1 cách "nịnh" bà xã khéo quá chừng đây mà,hiii!
Bây giờ Saigon lại đỡ hơn về cái khoảng lừa gạt khách du lịch (lúc trước SG là đứng "top ten" hé anh), hồi đi ĐL Tết năm ngoái D cũng bị mấy vố, mua tùm lum rồi cũng không có gì đem về nhà mà ăn được hết. Nhưng dù sao tối tối thả bộ lòng vòng uống sữa đậu nành nóng hay ăn thịt nướng , bắp nướng thì vẫn là dấu ấn của riêng Đà lạt anh hé!

lúc 02:37 27 tháng 9, 2008  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ