Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2007

RED FLAG WITH THE YELLOW STAR IN CYBER SPACE




Khi cờ Việt Nam lên mạng

Trên blog này có lần tôi comment cho một bạn trẻ, trẻ đáng tuổi con tôi (nếu tôi lấy vợ sớm), rằng, anh học được ở blog em nhiều điều. Bạn trẻ ấy tỏ ra ngại ngùng khi nghe vậy. Nhưng tôi nói từ đáy lòng. Lại có lần tôi chat cho một bạn trẻ đang là du học sinh ở Thụy Điển rằng, lúc đầu do dốt về blog, anh thấy mấy cái "title" không hiển thị tiếng Việt nên viết tít bằng tiếng Anh, riết thành thói quen vui vui chứ không dám “múa rìu qua mắt thợ”, có gì em góp ý dùm.

Sáng nay, 30/4, tôi thay avatar bằng lá cờ đỏ sao vàng hưởng ứng lời kêu gọi của một bạn trẻ (và đã cám ơn bạn ấy).

Chuyện thay avatar bằng cờ Tổ quốc là một sáng kiến từ năm ngoái, không biết xuất phát từ bạn nào. Những lời bình luận và những tình cảm của chúng ta trước hình ảnh rừng cờ Tổ quốc “tung bay” trong nhiều friends list của cộng đồng bloggers – đặc biệt các bạn đang là du học sinh Việt Nam ở nước ngoài – cũng đã có.

Điều tôi muốn nói là, chính các bạn đã giúp chúng tôi tin rằng, những lo ngại về một thế hệ trẻ “tân tiến”, những đám chatters, bloggers chỉ biết thế giới ảo… là không có cơ sở. Nếu quê hương là chùm khế ngọt, là đường đi học; Tổ quốc là những dòng sông cụ thể, thì chính hành vi nhỏ này của các bạn lại có một ý nghĩa lớn: Yêu nước ngày nay là làm đẹp, làm giàu, làm rạng danh đất nước! Các bạn đã cùng nhóm lên những ngọn lửa để thành đống lửa lớn: lửa của sức mạnh tinh thần - truyền thống!

Lại xin được nói lên một điều đã cũ: tôi cảm ơn các bạn, tôi học hỏi ở các bạn rất nhiều!

Nhãn:

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2007

TELEVISION CHANEL' S LOGO




Chuyện về những cái logo Đài
Ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, khi cả triệu người một khối, ở miền Bắc – theo lời kể của một anh bạn vong niên - những bài hát cách mạng vẫn được đặt “lời hai” để tếu táo. Dân ta là thế, lạc quan trong gian khổ, tếu táo tìm niềm vui chứ không phải “phản động”, “xuyên tạc” gì cả. Tiếng cười bật ra qua nội dung tếu táo từ cái rất nghiêm túc.

Ở Việt Nam, các Đài truyền hình xây dựng logo khá muộn sau thời gian phát sóng (có lẽ do điều kiện thiết bị (cẩn chữ) và do chưa ý thức được chuyện thương hiệu). Nhưng khi hình thành ồ ạt những cái logo theo format “X”TV hoặc TH“X”, trí tuệ dân gian đã bắt đầu hình thành… Dưới đây là vài mẩu trong số hàng trăm mẩu chuyện như thế từ những cái logo

1/ Lúc tỉnh Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nhiều cơ quan nhà nước ở tỉnh này hình thành trên cơ sở chia tách nhân lực từ đơn vị cũ. Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Nam cũng thế, bộ khung cán bộ phóng viên "được chia" từ Đài PTTH Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, trừ cơ ngơi thì để lại thành lập Đài PTTH thành phố Đà Nẵng.

Chuyện “di dời” vào cơ quan mới ở thị xã Tam Kỳ ("thủ phủ" Quảng Nam) cách Đà Nẵng hơn 60 km chẳng ai muốn (có lẽ phải trừ những người vào làm lãnh đạo). Những phóng viên được cử vào Tam Kỳ làm việc ở Đài PTTH Quảng Nam (QRT) sau khi nhận nhiệm vụ chừng vài tuần thấy ngán quá bèn hè nhau:

- QUAY RA THÔI!

Nhưng quay ra thì làm ở đâu, bọn họ chạy về Đài PTTH thành phố Đà Nẵng (ĐRT) thì được trả lời:

- ĐI RỒI THÔI!

Tức quá, họ buộc phải xin việc ở cơ quan TW là Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (lúc đó logo là ĐN) nhưng người ta nói thẳng:

- ĐẾCH NHẬN!

Thế là đành ra Hà Nội xin vào đài quốc gia thôi, Truyền hình Việt Nam (VTV) trải thảm đỏ:

- VỀ THÌ VỀ!

Logo Đài PTTH Quảng Nam

Logo Đài PTTH Quảng Nam (QRT) sau này cũng được giải thích nhiều kiểu lắm:

- Quy ra thóc ; Quy ra tiền ; Quy ra tình v.v…

Hoặc có 1 cách đọc chiết tự theo kiểu rất Quảng Nam “Cu rờ tê”.

Không biết cái nào chính xác.

Logo Đài PTTH Lâm Đồng

2/ Có lần liên hoan truyền hình toàn quốc tổ chức tại Nha Trang, hình như đầu năm 2006 thì phải, các Đài trong Nam và cả miền Trung miền Bắc đều đến bằng xe hơi (thay vì đi máy bay nếu tổ chức ở Hà Nội) nên sân Đài PTTH Khánh Hòa ngập tràn xe nhà Đài, đặc biệt là xe land cruiser, loại xe uống xăng như dân Đài uống bia, mà Đài nào cũng có một chiếc từ một cái dự án gì đó ở TW. Xe giống nhau cả phần xanh xanh đỏ đỏ đề can và mấy chữ TRUYỀN HÌNH LƯU ĐỘNG ngang hông. Để phân biệt, các Đài đều dán logo to đùng phía trước. Nhưng giữa một biển xe land cruiser, nhiều anh chị đại biểu tìm xe Đài mình sau buổi hội thảo cũng không dễ. Tôi chứng kiến một đoạn thoại giữa 3 anh nhà Đài: Truyền hình Vĩnh Long (THVL), Truyền hình Lâm Đồng (LTV), Truyền hình Cà Mau (CTV):

- Xe Đài mình ở đâu hè?

- Anh ở Đài nào?

- Truyền hình Vĩnh Long, THVL

- A, tiền hết vợ lo ở góc trái sân này nè!

- Còn anh ở Đài nào vậy?

- Lâm Đồng!

- À, người ta thắc mắc hoài “LTV” là cái gì to vậy?

Một anh khác xen vào:

- Vậy Đài Cà Mau của tôi thì sao: CTV – cái gì to vậy?

3/ Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai là Đài có cái logo lạ nhất, hình vuông vuông, chữ R nhỏ xíu trên màn ảnh một thời đánh đố nhiều khán giả. ĐN-RTV là cái gì nhỉ? Gặp người nhà Đài nghe giải thích khác nhau

- Đứa nào rủ tao vậy?

- Đã nhậu rồi thì về

- Đi nhậu rủ tao với!

- Đi nhậu rờ túi vợ. Câu này có nhiều dị bản: Đi nhậu rờ tới vai, Đi nhậu rờ tới váy hoặc tới cái gì có chữ “v” là được…

Có một câu giải thích mà hiện giờ chưa ngã ngũ là bản nào chính xác. ĐN-RTV viết tắt của:

- Đánh nhau rất thú vị (vô lý nhỉ?)

- Đèo nhau rất thú vị (cái này cũng chưa chắc, đèo bằng xe đạp chỉ có ná thở!)

- Đụp nhau rất thú vị (cái này càng khó hiểu)

Nói chung dị bản nhiều quá mà cái động từ bắt đầu bằng chữ “Đ” ấy cũng có nhiều từ nói ngượng mồm lắm. Thôi thì các bác tự bình chọn vậy!

Nhãn:

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2007

e-ORDER SOLUTION




Giải pháp công nghệ e-Order:

KHI Ý TƯỞNG GẶP ĐƯỢC “BÀ ĐỠ”

Từ câu chuyện “tự ái dân tộc” của một ông chủ quán

“Cuối năm rồi đọc trên báo, thấy bên Thái Lan, có một nhà hàng phục vụ nhanh đến mức chỉ 2 phút sau khi khách yêu cầu thực đơn là món ăn được mang ra. Không biết họ làm thế nào mà nhanh thế khi có hàng trăm lượt khách vào giờ cao điểm. Mình cũng đang đau đầu về chuyện quán cà phê - cơm văn phòng của mình: Đội ngũ phục vụ quán rất tận tình nhưng so ra thì vẫn chưa thể vượt qua được con số 7 phút, có khi trên 15 phút vào giờ cao điểm… Vì quán rộng quá và khách thì yêu cầu đa dạng lắm làm sao có thể phục vụ nhanh đặc biệt với những món cần chế biến tỉ mỉ. Đọc cái tin đó trên báo, thấy “tự ái dân tộc” nổi lên, mình nghĩ ngay rằng phải tìm hiểu để có một giải pháp tốt hơn cho quán…”. Đó là những tâm sự của anh Hà Duy Thiện, giám đốc Cty dịch vụ văn hóa Cội Nguồn, chủ quán cà phê Cội Nguồn nổi tiếng ở Biên Hòa.

"Nếu trang bị bộ đàm cho đội ngũ nhân viên, có lẽ thời gian từ lúc khách đặt hàng tới lúc chế biến và mang ra cho khách sẽ cải thiện. Nhưng bộ đàm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến âm thanh trong quán. Mình đi taxi nghe bộ đàm đã mệt nói chi quán cà phê, khách cần yên tĩnh, thưởng thức nhạc. Mặt khác bộ phận chế biến và kế toán khi cùng một lúc nghe nhiều thông tin bằng giọng nói cũng khó xử lý. Đó là chưa kể việc trang bị bộ đàm phải xin phép và số tiền đầu tư cũng không nhỏ". Anh trăn trở nhiều ngày về một phương cách “nối mạng” giữa nhân viên phục vụ bàn và nhân viên khu vực chế biến, kế toán, thu ngân. Có một người bạn ở nước ngoài về, anh tranh thủ hỏi và được biết: Những nhà hàng lớn bên Tây thường có hệ thống thiết bị để phục vụ khách hàng nhanh và tự động nhưng hệ thống này đắt tiền lắm. Rồi anh lại nghĩ: Vì sao mình không tận dụng hệ thống internet không dây của quán mình? Nhưng chẳng lẽ phải đặt các máy tính xách tay ở các khu vực khác nhau của quán cho nhân viên để xử lý thông tin?

Giám đốc Hà Duy Thiện (ảnh chụp tại Đại Nam quốc tự)

Hàng loạt câu hỏi của anh đã có lối ra khi anh gặp một khách hàng: KS. Huỳnh Cao Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu – Trường Đại học dân lập Lạc Hồng (Đồng Nai).

và câu chuyện bực mình của một kỹ sư IT

Có khi nào đi vào một nhà hàng, một quán cà phê, bạn đã gặp sự bực bội vì phải chờ quá lâu? Có khi nào bạn kêu một ly cà phê đá nhưng nhân viên lại mang lộn ra một ly cam vắt vì lầm bàn gọi? Đôi lần gặp phải những tình huống như thế, KS. Huỳnh Cao Tuấn suy nghĩ, chủ quán không bao giờ muốn sự cố ấy xảy ra nhưng chắc họ chưa tìm một giải pháp khắc phục tốt. Bài toán đặt ra ở đây là vấn đề thời gian và sự chính xác trong các thông tin nhằm “khớp lệnh” từ khách hàng đến người chế biến, người thanh toán v.v… trong những quán ăn, nhà hàng lớn vốn chia nhiều khu vực, nhiều tầng lầu với nhiều nhu cầu ăn uống khác nhau…

KS. Huỳnh Cao Tuấn giới thiệu e-Order tại lễ nghiệm thu

Cà phê Cội Nguồn là được xem là quán đẹp và phục vụ tốt nhất ở Biên Hòa. Nhưng vì quán rộng quá nên gặp khó khăn trong việc giải quyết bài toán "tốc độ phục vụ" là chuyện dễ hiểu, Tuấn nghĩ thế khi vài lần vào đây. Cội Nguồn có wifi mạnh và phủ sóng tốt trên diện tích gần 2000 m2 do có nhiều access point, vì sao không tận dụng tài nguyên internet trong việc “nối mạng” thông tin khách yêu cầu, khách tính tiền với các bộ phận chế biến, thanh toán, tổng hợp báo cáo trong một quy trình tự động? Giải pháp cho vấn đề này cụ thể ra sao cho thực sự phù hợp với đặc điểm của một nhà hàng, quán ăn Việt Nam, điều kiện thiết bị hiện có ở Việt Nam?

Lục lọi trên net và trao đổi với bạn bè, KS Tuấn phát hiện rằng đã có nhiều người có ý nghĩ giống mình, và cũng đã có những giải pháp ở nhiều nhà hàng sang trọng trên thế giới nhưng chi phí cho các hệ thống này hàng trăm ngàn USD, đặc biệt là trang thiết bị chuyên dụng. Tuấn nghĩ, điện thoại di động hiện nay có khả năng duyệt web, wap. Di động chăng? Nhưng không phải dòng máy nào cũng làm tốt chức năng này vì bài toán anh hình dung không đơn giản. Vì sao không là các loại thiết bị PDA như O2? Tuấn muốn reo lên “Eureka!” như Archimedes tìm ra sức đẩy của nước: Có thể nối một máy chủ của quán với các máy con là các thiết bị cầm tay dạng Pocket PC! Vấn đề còn lại là giải quyết bài toán công nghệ: phần mềm và các giải pháp phần cứng khác cho phù hợp.

Ngay sau đó, Tuấn đã trình bày ý tưởng này (mà anh đặt tên là e-Order) cho chủ quán Cội Nguồn. Ông chủ Hà Duy Thiện đã chấp nhận sau khi đặt nhiều câu hỏi phản biện và cân nhắc khả năng đầu tư trang bị phần cứng cũng như lập trình.

e-Order, một giải pháp sáng tạo:

Cuộc gặp gỡ giữa hai con người năng động ấy đã dẫn đến sự ra đời của một quá trình sáng tạo mang tên e-Order. E-order là giải pháp xử lý tự động và giảm chi phí cho các quy trình đặt hàng, chế biến món ăn thức uống, tính tiền, báo cáo, phân tích doanh thu cho nhà hàng, quán cà phê có quy mô lớn. Với eOrder, quy trình đặt hàng, tính tiền, chế biến… được tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng độ an toàn, chính xác. Bởi thời gian di chuyển của nhân viên (ở các quán rộng) giảm hơn 50%, tốc độ tính tiền, ghi order và chế biến món ăn, thức uống nhanh hơn 50%, thu ngân được “giảm tải”... Nói một cách cụ thể: Nếu trong một nhà hàng, hay quán cà phê thông thường, khi khách hàng đến yêu cầu món ăn thức uống, nhân viên sẽ dùng giấy để ghi, sau đó mang vào quày chế biến, đơn đặt hàng này được mang về bộ phận thu ngân - kế toán v.v… thì với e-Order, nhân viên sẽ dùng thiết bị cầm tay PocketPC để ghi yêu cầu của khách hàng (ghi tự động bằng vài cú click trên màn hình vì các món ăn, thức uống luôn được cập nhật trong phần mềm). Dữ liệu đó sẽ được chuyển về máy tính chủ thông qua mạng không dây. Nhân viên thu ngân (cashier) không cần nhập yêu cầu đặt hàng của khách vào máy tính, giảm tải và tiết kiệm được 80% thời gian, tăng tốc độ phục vụ cho khách lên gấp 2 lần. Khi món ăn, thức uống nào đó đã hết hoặc ngày hôm đó không có, chỉ cần nhìn trên thiết bị cầm tay, nhân viên sẽ biết và báo ngay cho khách hàng nếu họ yêu cầu, tránh được tình trạng khi đã ghi phiếu rồi vào quày một lúc mới ra thông báo lại. Những yêu cầu riêng của khách (ví dụ: cam vắt nhiều đường, cà phê sữa ít đá, bún bò Huế không cay v.v…) cũng được ghi chú ngay tại chỗ và thông tin sẽ được chuyển vào cho bộ phận chế biến một cách tự động chỉ sau vài cú click trên PocketPC. Tại đây, các nhân viên chế biến chỉ việc theo dõi thứ tự các món, các bàn… theo khu vực chế biến một cách thứ tự trên màn hình và thực hiện, tránh thiếu sót, nhầm lẫn.

E-Order còn cung cấp giải pháp cho quy trình tính tiền nhanh: Khi khách gọi tính tiền, nhân viên chạy bàn nhìn vào PocketPC báo khách hàng biết tổng số tiền phải trả và sau đó nhận tiền từ khách hàng. Số tiền nhận (thường là tiền chẵn) được nhập ngay vào PocketPC, ngay sau đó, họ có thể di chuyển đến máy in (của thu ngân) để lấy hoá đơn và tiền thối (nếu có) đưa ra cho khách. Quy trình này rất nhanh vì khi nhân viên phục vụ nhấn nút tính tiền trên thiết bị cầm tay thì hoá đơn sẽ được in ra trong quày thu ngân. Nhân viên thu ngân nhìn vào hoá đơn sẽ biết cần phải thối bao nhiêu tiền để chuẩn bị trước. Khi nhân viên phục vụ đem tiền vào thì thu ngân đưa hóa đơn và tiền thối để đem ra cho khách.

E-order cũng giải quyết khá dễ dàng việc khách hàng đổi bàn, ghép bàn, đổi món ăn, thức uống (gần như tức thời cho khách hàng với vài thao tác gọn trên PocketPC mà không cần phải vào quầy để thông báo lại cho bộ phận chế biến hay kế toán)

Hệ thống cũng cho phép quản lý khách hàng bằng thẻ từ (thẻ VIP do quán cung cấp), cho phép chủ quán quyết định giảm giá phụ thu đối với những khu vực đặc biệt, những ngày, giờ đặc biệt (ví dụ ngày đó có phục vụ ca nhạc, ngày Tết, lễ v.v…) một cách linh động và giảm thiểu tình trạng gian lận của nhân viên.

Chưa hết, e-Order còn cho phép doanh nghiệp có thể kết xuất các báo cáo số liệu có ý nghĩa nhằm có những điều chỉnh kịp thời trong kinh doanh ngành hàng ăn uống. Món ăn thức uống nào được ưa chuộng, thời điểm (giờ, ngày) nào doanh thu cao v.v… Trong tương lai, e-Order còn có khả năng phát triển thêm để cho phép ông chủ có thể quản lý chuỗi nhà hàng quán cà phê từ xa để có thể có những chỉ đạo thích hợp… Hoặc sẽ có module quản lý định lượng nguyên vật liệu và công thức chế biến (chỉ cần nhập công thức của món ăn, thức uống, định lượng cho từng thành phần và số lượng nguyên vật liệu hiện có vào hệ thống rồi cuối ngày, cuối tuần hoặc cuối tháng hệ thống sẽ cho báo cáo số lượng nguyên liệu sử dụng và báo cáo nguyên vật liệu tồn kho)

Khi ý tưởng gặp bà đỡ

Sẽ còn nhiều điều có thể giới thiệu cho các bạn về sản phẩm sáng tạo này, kể cả việc phân tích các module phần mềm, nhưng đó không phải là vấn đề mà bài báo này muốn nhấn mạnh. Về góc độ công nghệ thông tin, e-Order không phải là phần mềm lớn hay quá phức tạp về mặt giải thuật, bởi nó dựa trên thành tựu công nghệ về cơ sở dữ liệu tích hợp trong web. Nhưng thành công của kỹ sư trẻ Huỳnh Cao Tuấn và nhóm cộng sự là tìm ra giải pháp công nghệ hợp lý để giảm chi phí đầu tư thiết bị.

Nỗ lực tìm tòi của anh Tuấn là đáng trân trọng nhưng sự gặp gỡ giữa ý tưởng của anh và một nhà doanh nghiệp say mê ứng dụng công nghệ, dám mạnh dạn đầu tư - anh Hà Duy Thiện - lại càng đáng quý hơn. Bởi trong thực tế, nhiều ý tưởng táo bạo của các bạn học sinh sinh viên Việt Nam lâu nay đã trở nên lãng phí vì không có “đầu ra”. Những người như anh Thiện mới chính là bà đỡ cho những tài hoa trẻ. Hơn 100 triệu đồng anh bỏ ra để đầu tư cho hệ thống này là khoản tiền lớn nhưng cái được trong chuyện đầu tư đó, chính là sự đầu tư cho những quá trình sáng tạo, nâng cánh cho những ước mơ khoa học.

Hôm nay, nếu bạn đến quán Cội Nguồn, khi trông thấy nhân viên phục vụ dùng O2, đừng nghĩ họ “chảnh” vì thiết bị đó của chủ quán, họ sẽ bàn giao cho nhân viên ca trực sau; hoặc sau khi bạn kêu món ăn thức uống, thấy họ cứ ngơ ra không đi vào quầy để báo, đừng tưởng họ lơ là… bởi vì chỉ sau đó mấy phút, bạn đã được phục vụ cũng như bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận tiền thối và hóa đơn gần như ngay tức thì sau khi bạn tính tiền tại bàn… Câu chuyện về giải pháp đó là một quá trình thử và sai nhiều tháng của những con người năng động mà bài báo này không nói hết được.

PHÚ TRANG

Nhãn:

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2007

CU HUYEN’S BLOG




Trên blog này, trước đây, tôi có post lên một bài của người thân, góp bàn về đề tài chung thủy. Bài viết ấy có những chi tiết làm cho một số người khó chịu. Khi nhận những tin nhắn, điện thoại của bạn bè chung quanh nội dung bài viết đó, để tránh ồn ào, theo đề nghị của tác giả, tôi đã gỡ bài viết ấy xuống. Nhưng vì hiện nay lại thấy có nhiều thông tin thắc mắc, thậm chí có bạn còn gửi mail chê trách tôi vì sao lại gỡ entry đó ra… cũng được phép tác giả, xin mời các vị quan tâm, nếu cần đọc bài đó (và nhiều bài liên quan) thì hãy vào blog của CÙ THỊ THANH HUYỀN bằng cách bấm vào đây

Thành thật xin lỗi bạn bè vì sự cố hơi riêng tư này. Chúng ta đang dần hoàn thiện một nền truyền thông xã hội, xây dựng một xã hội truyền thông. Đó là quá trình phát triển, quá trình dân chủ hóa và sự phát triển ấy vẫn kế thừa những nguyên tắc báo chí – truyền thông, nguyên tắc đạo đức kinh điển. Quyền đuợc nói thật ngày càng tôn trọng. Sự ra đời của quyền được nói thật cũng đồng nghĩa với sự tẩy chay ngày càng nhiều hơn quyền bưng bít thông tin, quyền nói khoác lác, huênh hoang... Hãy góp phần đưa thành tựu văn hóa của nhân loại (mà webblog là một sản phẩm như thế) đi vào đời sống và phục vụ những mục đích tốt đẹp của mọi người.

Nhãn:

WHAT DOES “LHQ” STAND FOR?




ĐẾN DỰ CÓ ĐỒNG CHÍ LIÊN HIỆP QUỐC

Khi sáng tạo chức năng Autocorrect cho winword lúc đầu, chắc là nhóm tác giả chỉ nghĩ đến những cái lỗi typing thông thường khi đánh tiếng Anh do phản xạ của các đầu ngón tay (kiểu abotu / about, teh / the, hoặc một số ký tự đặc biệt như (c) / © ; (r) / ® ; (tm) / ™ v.v…). Người Việt Nam vốn thông minh vận dụng khá nhanh cái chức năng sửa lỗi này thành chức năng tạm gọi là “đánh máy tự động”, nói nôm na là ‘gài phím”.

Có một dạo và cho đến hiện nay, anh em phóng viên - biên tập viên Đài PTTH Đồng Nai thường ‘gài phím” vào các máy tính ở cơ quan để viết tin, bài cho nhanh. Nội dung được gài là các từ, các cụm từ có tần suất xuất hiện cao, thường xuyên lặp lại (như tên tỉnh, thành phố và huyện trực thuộc). Bấy giờ, tin lễ tân nhiều lắm, cho nên “đến dự, có (các) đồng chí…” cũng xuất hiện dày đặc trong các bản tin và vì thế tên và chức danh những đồng chí thường đi vào tin cũng được “gài phím” như thế!

Ông Lê Hoàng Quân (hiện nay là Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh) trước đây là Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai. Trong máy tính anh em phóng viên, tên ông lúc đó được gài tắt bằng 3 ký tự “LHQ”.

Chuyện xảy ra khi một biên tập viên tin quốc tế mượn máy tính của một BTV tin trong tỉnh sử dụng. Do vội vã, anh ít quan sát monitor, cứ cúi xuống bàn phím mà đánh máy. Bản tin hôm ấy có mấy từ “Liên hiệp quốc” (vốn thường được nhóm làm tin quốc tế viết tắt là LHQ). Tin gốc có nội dung đại khái là: “Trong buổi họp báo tối 11-1, đại diện Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự bất bình trước hành động của Mỹ trong cuộc tấn công Iraq …”

Và bản tin ấy sau khi in ra có nội dung được “auto-correct” là: “Trong buổi họp báo tối 11-1, đại diện đồng chí Lê Hoàng Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - đã bày tỏ sự bất bình trước hành động của Mỹ trong cuộc tấn công Iraq …”

Bản tin đó được ghi băng sau các quy trình bình thường, nhưng may mắn thay, trong quá trình ghi băng, một anh công nhân thợ điện đang sửa máy trong phòng thu “nghe thấy kỳ kỳ” mới nhắc người kiểm thính: Ủa, sao tin thế giới lại có chú Hai Quân?

Sơ sót trên sóng cuối cùng đã không xảy ra. Không có cuộc họp đổ lỗi lẫn nhau giữa biên tập viên – lãnh đạo duyệt – phát thanh viên – người trực kỹ thuật thu băng v.v… Cũng không có kiểm điểm, treo bút một ai. Nhưng mọi người đều hú vía trước cái lỗi tày trời ấy. Đúng là máy tính nó ngu thật!

Nhãn:

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2007

HOW DULL MY COMPUTER IS!




SAO MÁY TÍNH NÓ NGU THẾ NHỈ?

Lần đầu tiên tiếp xúc với Winword 2.0 - phần mềm soạn thảo văn bản của Microsoft – cách nay hơn 15 năm, thế hệ chúng tôi vô cùng kinh ngạc. Cả các kỹ sư IT nhiều thế hệ sau này khó có thể hình dung được sự kinh ngạc đó. Bởi thời bấy giờ máy tính cả tỉnh đếm trên đầu ngón tay. Trước đó, việc soạn thảo văn bản tiếng Việt phải sử dụng các phần mềm chạy trên nền DOS, font VNI-DOS ma trận điểm (cũng bold, italic, normal), xài máy tính XT, máy in kim, nhìn cũng rất sang, nhiều khi lót giấy carbon in nhiều bản... nhưng so với word chạy trên nền windows, máy AT386, máy in laser thì nó lạc hậu… cả thế kỷ. Tương tự như thế, so với các bộ office đời mới bây giờ thì Word thời đó lạc hậu nhiều. Lần đầu tiếp xúc, tôi khoái nhất các là chức năng AutoCorrect, Replace, Vẽ hình… Chuyện khai thác Word cũng có nhiều cái tổ trác do những ngày đầu còn chập chững làm quen với cái soft "vĩ đại" này. Entry hôm nay không nói chuyện ứng dụng IT mà là chuyện vui, chuyện tai nạn nghề nghiệp từ Word...

Có lần tiến sĩ Huỳnh Văn Tới (lúc ấy là Phó Giám đốc Sở VHTT) giao tôi nhập tin, dàn trang và in nhũ một tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian Đồng Nai (của nhiều tác giả). Khi đọc lại trên máy tính (trước đó anh đã biên tập bản thảo) anh Tới nói: "Em sửa lại mấy chữ, nó không sai, nhưng trước đó, anh tôn trọng tác giả để nguyên giờ thấy không hợp lý. Cụ thể là không nên nói "người Tàu" mà phải nói là "người Hoa", nên thống nhất cách viết “cù lao Phố” (một cái cù lao tên là Phố) hay “Cù Lao Phố” (viết hoa hết vì đây là một địa danh) v.v…

“Nhanh thôi anh ơi, máy tính sửa tự động được!”. “Thế à?” - anh Tới tròn mắt nghi ngờ. Tôi bèn "biểu diễn": Crt – H! Tìm tất cả Tàu đổi thành Hoa. Replace All. “Xong rồi anh”, “máy thống kê có 52 trường hợp và đã đổi"…

Sau đó, tôi quyết định in. Cũng bấm một lệnh và cứ thế để máy laser chạy, gần đến trang cuối cùng của cái tài liệu cả 100 trang A4, tôi cầm một trang lên coi mới giật mình. Kiểm tra lại một số trang khác càng tá hỏa:

- “thịt kho tàu” thành “thịt kho Hoa”

- “kênh Tàu Hũ” thành “kênh Hoa Hũ”

- “tàu thuyền” thành “Hoa thuyền”

- “mực tàu” thành “mực Hoa”

- “Các tàu buôn của người Bồ Đào Nha” thành “Các Hoa buôn của người Bồ Đào Nha”

Ôi, sao mà “Tàu” nhiều thế: mũi tàu, tàu giặc, tàu lá chuối… Tiếc đứt ruột một mớ giấy can và mực in!

Và sao máy tính nó ngu thế nhỉ?

(Còn một chuyện nữa, đợi entry mai sẽ hầu tiếp quý vị)

Nhãn:

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2007

GAMES SHOW “MY DESIRE”




VỀ TRÒ CHƠI TRUYỀN HÌNH “ƯỚC MƠ CỦA TÔI”

Phiên bản mới của phụ nữ thế kỷ 21 có một sức hút lớn với khán giả, nhất là khán giả có học một chút.

Truyền hình thực tế (reality TV) đang là xu thế chung của truyền hình thế giới. Bởi khán giả truyền hình ngày nay đã ngán cái sự lắp ghép, cắt xén chủ quan để tạo ra những tác phẩm báo hình tròn trịa, hoàn chỉnh, ngược lại, họ thích xem đời sống thật nó là thế, dù vụng về khoai sắn, dù chất lượng hình ảnh, góc máy không chuẩn... Nhưng việc sao chép các format chương trình của nước ngoài vào đời sống truyền hình Việt Nam cũng không dễ dàng do sự khác biệt về văn hóa. HTV đã từng bị phản ứng dữ dội với “Vui là chính”.

“Ước mơ của tôi” là một nỗ lực “Việt Nam hóa” một dạng chương trình truyền hình thực tế rất thành công. Đó là điều đáng trân trọng. Thể lệ và nội dung của cuộc thi, cuộc chơi đã thiên về việc tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ và khả năng giao tiếp của thí sinh. Và vì thế, gameshow này đã có một màu sắc hoàn toàn khác với những cuộc thi dành cho phụ nữ trẻ vẫn thấy từ trước đến nay.

Tuy vậy, người viết vẫn nghĩ, dù các thí sinh đang thi với nhau, nhưng “ước mơ của tôi”, trước hết vẫn là một sân chơi, một gameshow, vì thế, chương trình không nên tạo sự căng thẳng, sự khó chịu cho khán giả và cho cả ngươì chơi. Các thí sinh cần được tôn trọng thực sự - và cần được tạo tâm lý thoải mái để có thể hiện hết khả năng cũng như cá tính của mình. Hơn nữa, khi trình bày bản thân mình trước hàng triệu khán giả, các thí sinh đã phải chiụ sức ép nhiều, không nên để các thí sinh phải chịu sức ép thêm từ cách thức nhận xét của BGK.

Ở đây tôi muốn nói đến vai trò rất quan trọng của ban giám khảo.

Tôi nhận thấy, các thí sinh là những người học các ngành hết sức khác nhau và không phải đã thông hiểu cặn kẽ hoạt động kinh doanh. Hơn thế mỗi chương trình lại đặt các thí trước những mặt hàng – dịch vụ khác nhau, khó khăn của các em là rất lớn. Các em cũng còn rất trẻ, đang ở độ tuổi còn phải điều chỉnh rất nhiều để trở nên chuyên nghiệp. Vì thế BGK cần là những ngươì giúp các em lớn dần lên bằng “sự chỉ ra những điều các em cần trau dồi, bồi đắp” chứ không phải chỉ ra những “khuyết điểm của thí sinh”. Việc nhận xét kỹ từng thí sinh là rất cần thiết nhưng phải hết sức tế nhị. Vì sau cuộc thi các thí sinh vẫn sống trong cộng đồng, vẫn học tập, làm việc, và phải vươn lên. Mục đích của cuộc thi chắc chắn cũng nhắm vao việc giúp các thí sinh hoàn thiện mình hơn để thành công trong cuộc sống sau này. Vì thế các thí sinh cần và có quyền được yêu cầu chương trình tạo một hình ảnh tốt cho mình chứ không phải ngược lại, dù các bạn là ngươì bị loại.

Một điểm nữa, là trò chơi truyền hình nhưng chương trình quá thiếu tiếng cười lại quá thừa sự căng thẳng. Trong nhiều chương trình, nhận xét của một vị giám khảo nữ thường mang lại cảm giác thí sinh bị truy hỏi, nét mặt và nội dung câu hỏi thường thể hiện sự nghiêm khắc quá mức cần thiết ở một gameshow. Tôi nghĩ, ngay cả trong trường hợp một giáo viên truy hỏi học sinh hoặc một ông sếp hỏi nhân viên theo kiểu đó cũng là khó chấp nhận! Cách thức công bố người bị loại của MC (cũng là người biên tập) cũng tương tự. Tạo ra sự hồi hộp cho khán giả truyền hình là cần thiết, song không vì thế mà tạo ra sự căng thẳng (đôi lúc có chút “bất nhẫn”) đối với thí sinh!

Tất cả những điều đó vẫn có thể điều chỉnh, một sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với văn hóa Việt, ứng xử Việt.

Nhãn:

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2007

STUPID BRIEFS




CÁI QUẦN ĐÙI CHẾT TIỆT

Chuyện này dính tới anh bạn. Bạn tôi là người có địa vị xã hội và có uy tín, xuất hiện trên truyền hình định kỳ nên xin giấu tên. Gọi tạm là X, OK?

Số là… X vừa bán đất, có một khoản rủng rỉnh. Hứng chí gọi tôi đi nhậu. Nhậu say rồi mà tiền vẫn còn “bao la” nên nghĩ thêm một cái gì nữa. Massage nhé? Ừ. Hai thằng đi.

Chỗ massage quy định sau khi tắm sạch phải cởi hết và xài cái quần đùi của họ. Áo quần, tư trang của mình thì cho vào một cái tủ có khóa, mình giữ chìa.

Massage một lúc thì tôi ngán quá bỏ về trước (lúc bấy giờ đã trễ quá). Chạy nhanh vào chỗ tư trang. Phản xạ tự nhiên là mặc quần dài và áo vào. Di động nằm sẵn trong túi quần dài. Biến! Về nhà lấm lét lên giường khi vợ con đã ngủ say.

Sáng hôm sau, tôi dậy trễ với một cái quần đùi vằn vện bất thường nhưng mình cũng không nhớ ra. Nhìn ánh mắt vợ tôi ngạc nhiên (sự ngạc nhiên này khó tả lắm) một lúc tôi hơi chột dạ và cũng hiểu ra: cái quần đùi mình đang mặc là một vật thể lạ. Vợ chưa kịp hỏi thì tôi đã giải thích: Hôm qua có đám giỗ ở nhà anh X. (anh X. trong mắt vợ tôi là người hết sức có uy tín) ông bạn ngồi cùng bàn lỡ làm đổ nước mắm vào quần nên phải tắm và mượn tạm quần đùi của anh X. (Chi tiết này tôi “nghĩ” nhanh nhờ đã đọc một trong một truyện ngắn)

Vợ tôi tin lời tôi như đã từng tin.

Nhưng vì không tin vợ tôi nên ngay sau đó tôi nhắn tin cho X. Nội dung tin nhắn đại ý là “Hôm qua xỉn quá, về trước, mặc luôn cái quần đùi của nhà hàng. Vừa giải thích với vợ là mượn quần đùi của ông do tôi bị dính nước mắm khi nhậu ở nhà ông đêm qua, phải tắm. Có gì phối hợp cho ăn ý nhé!”

Đang lúc còn sung sướng vì khả năng lo liệu thông minh của mình, tôi nhận điện thoại của X: “Trời ơi ông giết tôi rồi! Hôm qua đi về trễ, tôi nói bà xã tôi là “anh nhậu ở nhà anh Tú” (xin nói thêm là trong mắt bà xã X, tôi cũng là người có uy tín). Ông nhắn tin qua lúc tôi đang tắm, điện thoại để ở ngoài, bả sốt ruột đọc dùm…

Nếu viết một đoạn kết cho câu chuyện này, bạn sẽ….

Nhãn:

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2007

CRYING FOR MEDIA MISSION

CHÁU KHÓC KHI ĐỌC NHỮNG BÀI BÁO KHÓC CHÚ

Tối nay, 20/4, gõ vào Google chuỗi ký tự “Trần Bạch Đằng” (hạn chế thời gian tìm kiếm là 3 tháng qua – vì đây là tuỳ chọn nhỏ nhất). Kết quả: 381.000. Con số không làm tôi ngạc nhiên. Tất nhiên, tên của ông còn xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu này nhiều hơn nữa, trong nhiều ngôn ngữ khác…

Những năm gần đây ở Việt Nam, có lẽ sau Trịnh Công Sơn, Trần Bạch Đằng là người có nhiều bài báo tiễn đưa nhất khi qua đời. Báo lớn, báo nhỏ. Báo TW, báo ngành, báo tỉnh. Tôi lẩn thẩn đặt ra một câu hỏi: Dưới suối vàng, chú Tư nếu đọc được những bài báo như thế không biết ông buồn hay vui?

Trần Bạch Đằng là người đa tài đến nỗi các nhà báo khi viết những bài ấy phải khổ sở liệt kê các “nhà” ông vốn là. Khi ráng “nhớ linh xưa”, nhiều bài báo khóc ông thành ra dây cà dây muống. Có một tỷ lệ không nhỏ các bài báo ấy mở đầu bằng một câu thông tấn lạnh lùng: “Vào hồi…., nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu…. Trần Bạch Đằng đã qua đời tại… sau một thời gian lâm bệnh mặc dù đã được các bác sĩ tận tình…”. Sinh thời, chú Tư cực giỏi nhạc điệu khi xử lý văn bản. Vẻ đẹp tư duy, vẻ đẹp triết luận trữ tình toát lên trong văn ông – văn của một nhà báo. Hãy đọc lại bài viết tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh của chú: cái tình toát lên đằng sau con chữ. Có cảm giác có những tiếng nấc nghẹn ngào đằng sau những câu ngắn bất ngờ trong đoạn mở đầu. Nhưng bài báo đó ông viết cho số đông, viết cho tương lai.

70% số bài khóc chú Tư đều có “mô-típ” kể lại một vài kỷ niệm giữa tác giả và cụ. Chuyện này cũng bình thường. Nhưng có những “kỷ niệm”, mục đích tôn vinh tài năng nhân cách của người vừa ra đi thì ít, mà để khoe bản thân người viết thì nhiều.

Có thể tôi là người cực đoan. Có thể những dòng này vô tình xúc phạm đến nhiều người. Tôi ngàn lần xin lỗi về điều đó. Bởi tôi viết những dòng này như khóc cho chính mình, một người làm báo hậu thế. Tôi vẫn từng nghĩ làm báo lâu năm không phải là thước đo của nghề cũng như đã từng nể phục nhiều cây viết trẻ thế hệ 8X. Chú Tư không là nhà báo theo nghĩa là người làm trong một cơ quan báo chí, hay người được cấp thẻ nhà báo; càng không phải là nhà báo vì đã làm báo lâu năm, nhưng, trong tôi, ông quả thật là nhà báo lớn cả về sức nghĩ, sức viết và sự tài hoa cho đến những ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Nhãn:

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2007

WHO IS “TAO”?




TAO ĐÂY CHỨ AI!

1/ Xếp lớn đang ở xa. Buổi làm việc với đối tác diễn ra trôi chảy, chỉ còn một chuyện cuối là mở tài liệu trên laptop cho đối tác xem xét. Xếp loay hoay: quên mất password rồi! Di động reng lên mấy tiếng thì đầu dây bên công ty nhà, cậu trợ lý nhanh nhảu: “Dạ em nghe đây anh Hai!”. “Quên mất password, chẳng mở được file. Đọc lại pass cho anh Hai!”.

- Dạ, “Quên rồi”!

- Cái gì?

- Dạ “quên rồi”!

- Mày đặt pass mà mày quên, làm ăn như thế tao đuổi việc, nhớ ra được chưa?

- Dạ thì em nói password là “quên rồi”!

(Dập máy)

Xếp đang toát mồ hôi và tẽn tò với đối tác thì điện thoại rung lên.

- Nhớ ra rồi à!

- Dạ em thử rồi, password đúng là “quên rồi”!

- Mày chọc giận tao hả?

- Xếp bình tĩnh, password em đặt là quenroi. Xếp cứ gõ q – u – e….

2/ Hồi tháng 12 rồi, tôi đi dạy ở Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ. Một buổi trưa, bỗng nhận tin nhắn. Số điện thoại không lưu trong danh bạ nên chẳng biết của ai. Nội dung tin: DUOC TIN BA XA TU MAT DOT NGOT, MINH THANH THAT CHIA BUON. Tôi nghiệm nhanh các phương án “giải mật” cái SMS, chỉ có một phương án hợp lý nhất: “Được tin bà xã Tú mất đột ngột, mình thành thật chia buồn”. Bà xã? Mình mới gọi điện đêm hôm qua mà. Hay là… Tôi chợt nghĩ đến tai nạn giao thông vốn bình quân 10 vụ/ngày ở Đồng Nai không chịu giảm. Phản xạ đầu tiên, điện về số máy vợ. “Em đây!”. “À, em còn… Anh bấm lộn, em làm việc tiếp đi!”

Tôi nhắn lại cho số máy đã gửi cái tin ấy đại ý: Chắc bạn lộn số rồi, vợ tôi bình thường. Ngay sau đó, tôi nhận được tin nhắn giải thích: Xin lỗi, mình nhắn cho Phan Tư – Đài Biên Hòa, lộn qua số Phan Tú – Đài Đồng Nai. Mình là Cao Hoài Trí.

Chú thích thêm: Anh Cao Hoài Trí trước công tác ở Đài Đồng Nai – nay về TP HCM làm ở một công ty truyền thông. Anh Phan Tư hiện nay là Phó Giám đốc Trung tâm VHTT TP Biên Hòa. Cả 3 chúng tôi đều học chung một lớp báo chí!

3/ Cách nay 20 năm, mỗi cơ quan thường chỉ có 1 số điện thoại bàn. Kênh liên lạc nhanh này – vì thế - ở các cơ quan báo chí thường có một người trực để xử lý. Chuyện xảy ra ở báo Đồng Nai.

Một buổi chiều thứ bảy, đồng chí Năm Q. – trưởng ban tuyên giáo – gọi đến báo:

+ Alô! Báo Đồng Nai phải không?

+ Đúng rồi!

+ Ai ở đầu dây vậy?

+ Dạ, Tao đây!

+ Tao là ai?

+ Tao đây mà!

+ Năm Q. đây! Có chuyện gấp! Mày là thằng nào?

+ Tao!

+ Tao là thằng nào?

+ Tao là Tao đây!

+ Cho gặp Tổng Biên tập!...

Chuyện sau đó tưởng sẽ ầm ĩ nhưng lại thành tếu táo khi ông Năm Q. hiểu ra: Người trả lời điện thoại hôm thứ bảy đó là anh bảo vệ mới chuyển về tên là NGUYỄN VĂN TAO.

Đây là 3 trong số rất nhiều những câu chuyện dở cười dở khóc liên quan đến ngôn ngữ mà tôi đã gặp phải. Có thể bạn cũng từng trải qua những tình huống tương tự. Hãy post lên để cả nhà cùng cười đi!

Nhãn:

CHAT WITH Mr. HAI LUA




Chat với Hai Lúa Vĩnh Long

nguoidongnai (4/18/2007 9:43:28 AM): Chuyến thăm “miền Đông gian lao mà anh dũng” vừa rồi có nhiều ấn tượng không?

hailuavinhlong (4/18/2007 9:44:08 AM): Công nhận Biên Hòa của ông có hai cây cầu đẹp. Hèn chi bao nhiêu thế hệ đã làm thơ về hai cây cầu này.

nguoidongnai (4/18/2007 9:44:11 AM): Ừ! Không biết mấy ông khi đi xa Vĩnh Long có nhớ Mỹ Thuận không chứ tôi đi xa Biên Hòa, khi nhớ về thành phố này thì hình ảnh hai cây cầu luôn gợi lên nhiều nhất.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:45:12 AM): Lãng mạn quá! Đồng ý là đẹp nhưng tui thấy nó lạc hậu quá trời rồi.

nguoidongnai (4/18/2007 9:45:22 AM): Lạc hậu gì. Thì nó vẫn đáp ứng nhu cầu giao thông đấy thôi. Ừ trông thì cổ kính nhưng vẫn xài tốt.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:47:09 AM): Ông có thấy vô lý không khi trong một đô thị hiện đại, một khu công nghiệp nổi tiếng như Biên Hòa của ông lại có một, à mà không phải một, những hai cây cầu ở trong tình trạng cứ xe ô tô bên này qua thì bên kia phải dừng.

nguoidongnai (4/18/2007 9:47:18 AM): Đấy là một cái độc đáo. Dừng lại thì mới có thời gian nhiều mà ngắm sông nước chứ.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:48:44 AM): Tui thì thấy cũng hơi bất tiện. Nhưng làm lại một lúc cả hai cây cầu thì cũng lớn chuyện à nhen!

nguoidongnai (4/18/2007 9:48:59 AM): Đấy là chuyện của tỉnh của quốc gia. Cần thì phải đầu tư thôi chứ lớn nhỏ gì. Hơn hai chục năm trước lúc còn quá trời khó khăn mà mình còn làm được cầu Chương Dương nữa là.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:49:15 AM): Đang nói chuyện địa phương tự nhiên ông trèo ra tận thủ đô. Thủ đô là khác. Địa phương là khác.

nguoidongnai (4/18/2007 9:49:21 AM): Đúng rồi, thủ đô cái gì cũng phải mang tầm quốc gia.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:49:45 AM): Thế ông có thấy cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền quê tui, ở tuốt miền Tây, thủ đô gì, mà cũng dài nhất nước đấy.

nguoidongnai (4/18/2007 9:49:58 AM): Ông có lộn không? Cầu dài nhất là cầu Rạch Miễu vừa khởi công, tôi nghe nói là dài gần 3000 mét cơ.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:50:03 AM): Cầu chưa xây xong chưa tính!

nguoidongnai (4/18/2007 9:50:14 AM): Nhưng tôi biết là cầu Mỹ Thuận cũng không phải là cầu dài nhất VN hiện nay.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:50:16 AM): Chính xác mà. Tui đảm bảo mà. Quê tui mà tui không biết à. Cầu Mỹ Thuận dài tới hơn 1500m lận.

nguoidongnai (4/18/2007 9:50:19 AM): Tôi thì tôi nhớ cầu Thăng Long và cầu Long Biên vẫn dài hơn.

hailuavinhlong (4/18/2007 9:50:44 AM): Thôi để tui hỏi các bloggers Bắc Hà vậy: Cho đến nay, cây cầu nào là cầu dài nhất nước ta?

Nhịp Cầu Ghềnh như vầng trăng hẹn ước

Cầu Ghềnh nhìn từ vệ tinh

Nhãn:

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2007

WHAT IS LOYALTY?




CHUNG THỦY LÀ GÌ?

Chiều qua đang làm việc, thằng nhóc nhà tôi chạy tới và đòi “ba mở cho con phim hoạt hình” (thỉnh thoảng tôi vẫn cho nó coi hoạt hình bằng laptop...). Bấy giờ hơi bận rộn, tôi bảo, con ngồi chỗ này cho ba làm việc và chỉ vào cái ghế bên cạnh. Nó buột miệng hỏi: “Ba ơi, tại sao lúc nào ba cũng chỉ ngồi cái ghế đó?”. (Xin được nói thêm: Thằng bé nhà tôi khi nào hỏi một cái gì “quan trọng” thì nó thường cất lên lanh lảnh 2 chữ “ba ơi” đầu tiên. Và những câu hỏi đó thường là khó trả lời, đại loại như “ba ơi, sao con gà có nhiều trứng trong bụng thế?”, “Ba ơi, sao máy bay nó bay được trên trời?”…)

Tôi hơi chột dạ, à hóa ra mình lâu nay cũng ngồi với cái chỗ duy nhất này khi làm việc mặc dù nhà mình có khá nhiều chỗ ngồi khác lý tưởng hơn. Và tôi cũng nhanh chóng hiểu ra: “À, ba ngồi đây cho gần ổ cắm điện”. Từ câu hỏi của thằng con tôi chợt phát hiện ra có một số người thường xuyên ngồi ở một vị trí cố định trong một cái quán cà phê hay quán ăn nào đó. Tôi cũng là một người như thế nhưng không phải vì thích cái chỗ ngồi mà vì ngồi gần ổ cắm điện trong một quán cà phê có wifi.

Chợt nghĩ miên man về cái chuyện mình chuyển công tác từ một cơ quan mình đã gắn bó gần 21 năm tới một cơ quan mới. Tôi đã phải trả lời hàng trăm câu hỏi “chia sẻ”, “chung vui”, “thắc mắc” về lý do ra đi…

Lại chợt nhớ có lần PGS.TS. Nguyễn Văn Dững đọc cho cả lớp nghe bài thơ đề tài chung thủy của nàng Vọng Phu. Bài thơ có cái tứ đại khái: Về đi, nàng vọng phu ơi. Nàng bị áp-phê bởi dư luận xã hội nên hóa đá chờ chồng. Làm gì có cái gọi là lòng chung thủy. Nàng đang dối lòng đấy thôi... (chắc phải nhờ thầy Dững post bài này lên blog mình)

Đem chuyện này kể cho vợ nghe và nói: anh biết vì sao người ta CHUNG THUỶ rồi. “Vì sao?” – Vì họ chưa/chẳng thể tìm ra cái tốt hơn. Họ không muốn thay đổi vì sợ sự thay đổi!

Còn theo ý bạn?

Nhãn:

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2007

NGUYEN DU IS NOT THE AUTHOR of “THE TALE OF KIEU”




TRUYỆN KIỀU HỔNG PHẢI CỦA NGUYỄN DU?

Nguyễn Du là đại văn hào. Không ai cãi.

Tên tác phẩm nổi tiếng của ông là gì? Chắc ai cũng trả lời giống nhau: “Truyện Kiều!”

Mà có đúng là Nguyễn Du viết “Truyện Kiều”?

Câu hỏi sao mà ngớ ngẩn thế!

Ông bạn doanh nhân của tôi nói rằng anh đã đọc bao nhiêu công trình nghiên cứu về tác gia Nguyễn Du rồi, chưa thấy đâu nói Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm tài hoa của mình là “Truyền Kiều” cả, mà tên của nó là Đoạn trường tân thanh.

Những cái bìa sách này chứng mình rằng ý kiến đó không đúng? Vì nếu nó đúng, thì sao người ta dám cả gan sửa lại tên tác phẩm của đại văn hào?

------------

(*) The story was written in verse

Nhãn:

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2007

WORD, SYLLABLE, LETTER…




TỪ, TIẾNG, ÂM TIẾT, CHỮ…

Vừa rồi mở kênh VTV2, thấy chương trình “Theo dòng lịch sử” phiên bản mới đang phát giữa chừng. Xem thử, không biết phần chơi đó thuộc vòng nào nhưng đại khái luật chơi là từng thí sinh sẽ trả lời một số câu hỏi. Mỗi câu hỏi có khung thời gian cố định. Trong khoảng thời gian đó, thí sinh chưa nghĩ ra thì được quyền xin người dẫn chương trình gợi ý (tất nhiên, được gợi ý thì nếu đáp trúng số điểm sẽ bị giảm xuống).

Điều mình muốn chia sẻ với các bạn nằm ở cái cách mà chương trình gợi ý. Ví dụ đáp án là “Đông Bộ Đầu”, người dẫn chương trình sẽ gợi ý: “Đáp án gồm 3 TỪ, mở đầu bằng chữ Đ”; Đáp án là Ải Chi Lăng, người dẫn chương trình sẽ gợi ý: “Đáp án gồm 3 TỪ, mở đầu bằng chữ A”.

Nhưng, nói chính xác, thì cụm “Ải Chi Lăng” gồm 2 từ, từ “Ải” và từ “Chi Lăng”.

Lâu nay chuyện lầm lẫn các khái niệm ngôn ngữ học như TỪ, TIẾNG hay ÂM TIẾT, CHỮ… trong đời sống truyền thông và trong sinh hoạt cộng đồng khá phổ biến.

Tiếng Việt là tiếng đơn âm tiết, nên chuyện một TỪ trùng khít với một âm tiết (sylable) là bình thường. Nhưng tiếng Việt có nhiều từ gồm 2, 3 âm tiết. “Sạch sành sanh”, chẳng hạn, là một từ. Một từ có 3 âm tiết.

Âm tiết – theo tự điển của Nguyễn Như Ý – là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói, gồm một hoặc vài âm tố, trong đó chỉ có một nguyên âm và có thể mang thanh điệu

Âm tiết hay tiếng được xét ở góc độ ngữ âm.

Từ – theo tự điển của Nguyễn Như Ý – là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định, dùng để tạo câu

Từ được xét ở góc độ từ vựng học, ngữ nghĩa học.

“Chữ” là ký hiệu. Trong đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, khái niệm chữ có nhiều cấp độ nghĩa. Chữ có khi được hiểu như một tiếng, có khi là một ký tự, cách viết (charater, letter).

Có thể tham khảo thêm tự điển wikipedia về âm tiết:

A syllable (Ancient Greek: συλλαβή) is a unit of organization for a sequence of speech sounds. It is typically made up of a syllable nucleus (most often a vowel) with optional initial and final margins (typically, consonants).

Syllables are often considered the phonological "building blocks" of words. They can influence the rhythm of a language, its prosody, its poetic meter, its stress patterns, etc.

A word that consists of a single syllable (like English cat) is called a monosyllable (such a word is monosyllabic), while a word consisting of two syllables (like monkey) is called a disyllable (such a word is disyllabic). A word consisting of three syllables (such as indigent) is called a trisyllable (the adjective form is trisyllabic). A word consisting of more than three syllables (such as intelligence) is called a polysyllable (and could be described as polysyllabic), although this term is often used to describe words of two syllables or more.

***

Chuyện lầm lẫn giữa 2 khái niệm “tiếng” và “từ” rơi vào rất nhiều games show trên sóng truyền hình cả nước. “Tam sao thất bản” có nhiều phần thi mà cả thí sinh và MC đều lẫn lộn từ - tiếng. “Hành trình văn hóa” – có phần thi đặc biệt khi 2 người (người gợi ý và người trả lời) 10 nội dung của chương trình đưa ra cũng thế.

Tất nhiên, sự lẫn lộn này không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới nhưng tôi nghe nó có cảm giác khó chịu như khi gặp biển hiệu “sữa honda”, "sữa xe đạp". Còn bạn?

Nhãn:

WHO IS WHO?




Người ấy là ai?

TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ (của nhạc sĩ Hoàng Hiệp) là ca khúc tôi yêu thích và có ấn tượng rất đậm ngay lần tiếp xúc đầu tiên cách đây trên 20 năm. Mà tôi nghĩ nhiều người cũng có cảm giác giống tôi khi nghe những giai điệu “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình”…, đặc biệt là những người từng sống ở làng quê Việt Nam “có một dòng sông bên nhà”.

Có một điều tôi muốn chia sẻ với các bạn khi hát (hoặc thưởng thức) ca khúc này là cách hiểu đúng một câu trong ca từ bài hát:

Sông cũng như người ấy
Có khi vui buồn có khi hờn ghen chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy
Ôi những con thuyền giấy những năm tuổi thơ đã đi về đâu ?
Ðể mình tôi nhớ nhung bây giờ.

“NGƯỜI ẤY” là ai?

Phương án 1: Là hình ảnh một cô thôn nữ đã tạo dấu ấu không phai trong trái tim nhạc sĩ?

Phương án 2: NGƯỜI ẤY = người ấy mà. Một cụm từ chứ không phải một từ như phương án 1. Nói cụ thể hơn: Sông cũng như người ấy được hiểu là Sông cũng như con người chúng ta vậy, (có khi vui buồn có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy)...


Theo bạn, "người ấy" trong câu hát "Sông cũng như người ấy" nói trên là ai?




là người yêu xưa của tác giả

1


Là con người nói chung

9





Sign in to vote

Nhãn:

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2007

BLOOD ASSAY




XÉT NGHIỆM

Mới hôm rồi đi xét nghiệm, kết quả như thế này, bác sĩ xét nghiệm bảo là hơi bất thường. Mối quan tâm của mình là có còn nhậu được nhiều nữa không? Bạn nào đọc được kết quả, tư vấn dùm:

Glucose 4,3 - Acid uric 346 - GGT 105 - SGOT (AST) 65 - SGPT (ALI) 54 - Triglyceride 2,2 - Cholesterol 4,3 - HDL - C 0,8 - LDL .C 3,0

P/S: Bà xã mình bảo, máu anh có mỗi thứ một tí: chút nông dân, chút trí thức, chút lương thiện, chút điếm, chút khoa học, chút nhà báo, chút nghệ sĩ, chút cù lần, chút thằng hề...

Còn nhiều thứ nữa. Những thứ mà mình chắc là khó thể TỰ xét nghiệm. Giúp mình với!

Nhãn:

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2007

HOW CAN I CHOOSE A NAME?




BÁO ĐIỆN TỬ, BÁO MẠNG, BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ, BÁO ONLINE, BÁO TRỰC TUYẾN… GỌI TÊN NÀO CHO ĐÚNG?

Cũng như truyền hình những năm qua có thêm hình thức truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình số qua vệ tinh, các dạng thức mới của báo chí phát hành trên mạng vẫn đang liên tục xuất hiện ngày càng phong phú trong đời sống xã hội. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, một tên gọi chung loại hình báo chí này vẫn chưa thống nhất.

Phổ biến nhất hiện nay là tên gọi "báo điện tử", “trang thông tin điện tử”, “báo mạng điện tử” ([1]). Cách định danh này đã đi vào nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước và đã gần như được thừa nhận trong thực tế. Thoạt đầu, đó là tên gọi những phiên bản trên mạng của các tờ báo in phát hành lại trên Internet, dần về sau, thuật ngữ báo điện tử trở thành tên gọi của một loại hình báo chí mới (trong tương quan với cách gọi báo phát thanh, báo truyền hình) ([2]). Bên cạnh đó, hiện còn xuất hiện những cách gọi khác như báo mạng (trong tương quan với cách gọi báo in, báo nói, báo hình…), ít phổ biến hơn, có cách gọi: “báo Internet”, “báo online” hay “báo trực tuyến” ([3])... Xin đưa ra vài ý để chúng ta cùng bàn thử về cái tên gọi này:

- Thuật ngữ “điện tử” không làm rõ đặc điểm của báo chí phát hành trên mạng như thuật ngữ “trực tuyến”. Theo định nghĩa của các từ điển tin học, khái niệm “trực tuyến” hiểu theo nghĩa phổ biến nhất dùng để chỉ trạng thái của một máy tính khi đã kết nối với mạng máy tính và sẵn sàng hoạt động ([4]). Người khai thác, sử dụng báo trực tuyến phải ở trong trạng thái “trực tuyến”. Hay nói một cách nôm na, chỉ có thể sử dụng báo trực tuyến với một thiết bị được kết nối với mạng Internet.

- Thuật ngữ “trực tuyến” vốn được sử dụng đầu tiên ở Mỹ, quê hương của Internet, và đã trở thành một thuật ngữ quốc tế.

- Thuật ngữ “trực tuyến” hiện cũng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông để chỉ các khái niệm có cùng đặc điểm như: “xuất bản trực tuyến” (online publishing); “phương tiện truyền thông trực tuyến” (online media); “nhà báo hoạt động trong lĩnh vực báo chí trực tuyến” (online journalist); “báo chí học trực tuyến” (online journalism); “Phát thanh trực tuyến” (online radio); “Truyền hình trực tuyến” (online television)...

- Khái niệm “điện tử” có ý nghĩa khác với khái niệm “trực tuyến”. Ví dụ thuật ngữ “electronic publishing” (xuất bản điện tử) ([5]) dùng để chỉ hình thức lưu trữ thông tin dưới nhiều chất liệu khác nhau như: băng từ, đĩa nhựa, đĩa CD, VCD, DVD... Trong khi đó, khái niệm “online publishing” (xuất bản trực tuyến) chỉ cách thức phát hành thông tin thông qua mạng Internet (thông tin được mã hóa dưới dạng số). Riêng ở Việt Nam, khái niệm “báo điện tử” một thời gian dài được sử dụng để chỉ phát thanh và truyền hình. Sử dụng lại khái niệm này cho một thực thể truyền thông mới có thể gây ra một số nhầm lẫn.

Một số vấn đề khác cũng đang được đặt ra lâu nay: Hiểu thế nào là báo trực tuyến? Những trang web của các ban, ngành, cơ quan, cá nhân vẫn cập nhật tin tức, vẫn có truyền hình – phát thanh trên mạng như một cơ quan báo chí có phải là báo trực tuyến? Sự khác nhau giữa “báo điện tử” và “trang thông tin điện tử” như thế nào?

Cách hiểu phổ biển hiện nay là một website của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan v.v… được gọi là trang tin điện tử (như một cách Việt hóa chữ “website”), “báo điện tử” là website của cơ quan báo chí hoặc website có chức năng báo chí. Ví dụ: Báo Nhân dân điện tử, báo Tuổi trẻ online, Website Đảng Cộng sản Việt Nam v.v… Tuy nhiên, đây đó cũng còn một cách hiểu khác, thể hiện qua những phát biểu hoặc nội dung trên một số bài báo. Theo đó, chỉ có những báo trực tuyến độc lập với báo in (về mặt tổ chức, nhân sự, tài chính...), hoặc những tờ báo trực tuyến độc lập hoàn toàn (nghĩa là không có bản in tương ứng) như VnExpess, VietnamNet, VDC media mới được xem là báo điện tử. Bản phát hành trên mạng của một tờ báo in như laodong.com.vn; nhandan.com.vn... không phải là báo điện tử mà chỉ là trang tin điện tử của báo Lao động, báo Nhân dân.

Ngay cả cách đặt tên báo cho một số báo trực tuyến ra đời sau 2003 cũng có một sự thay đổi: Thanh niên online, Tiền Phong online… chứ không phải Thanh niên điện tử, Tiền Phong điện tử… Sự chưa thống nhất này bắt nguồn từ việc chưa xác định tiêu chuẩn thế nào là một báo trực tuyến.

Căn cứ Luật Báo chí và các quy định khác của Nhà nước về báo chí, dựa trên thực tiễn phát triển báo chí trên mạng ở Việt Nam, có thể tạm xác định một số tiêu chuẩn cho “tờ báo online” như sau:

1. Chủ thể của nội dung thông tin phải là các tổ chức được phép hoạt động như một cơ quan báo chí theo Luật báo chí hiện hành. Hay nói cách khác, yếu tố quan trọng đầu tiên là yếu tố pháp lý cho hoạt động báo chí của bản thân tổ chức đó. Khi một tổ chức được phép ra báo thì website của tổ chức đó được coi là một tờ báo trực tuyến, bất kể nó có bản in tương ứng hay không ([6]).

2. Báo trực tuyến phải có sự độc lập tương đối trên mạng Internet so với bản báo in, hoặc chương trình phát thanh – truyền hình của cùng cơ quan chủ quản, hoặc phải có ranh giới giữa thông tin của báo trực tuyến với thông tin của trang web mà nó cùng chung tên miền.

3. Nội dung thông tin phải được truyền bá tới đông đảo công chúng sử dụng Internet, nghĩa là bất kỳ ai sử dụng mạng Internet đều có thể truy cập.

4. Nội dung thông tin phải được cập nhật liên tục

Tóm lại, việc định danh chính xác cho một loại hình báo chí mới là việc làm cần thiết để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi trong học thuật, nghiên cứu và trao đổi. Tuy nhiên, cách định danh còn bị chi phối bởi thói quen do quy luật ngôn ngữ (từ vựng, ngữ âm) và các quy ước xã hội khác. Điều quan trọng là phải hiểu đúng khái niệm. Trong khi chờ đợi sự chuẩn hóa chính thức của Nhà nước, chúng ta tạm thời có thể chấp nhận sự tồn tại song song của nhiều cách định danh ([7]).


([1]) Tên gọi báo mạng điện tử hiện đang được sử dụng tại Học viện Báo chí – Tuyên truyền. Theo thông tin chúng tôi có được, một cuốn giáo trình về loại hình báo chí này sắp được Học viện xuất bản mang tên “Nhập môn báo mạng điện tử”

([2]) Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trong ngôn ngữ Trung Quốc, Internet được gọi là “võng thị”, báo chí Internet cũng được gọi “điện tử báo”. Có khả năng tên gọi báo chí Internet ở Việt Nam bị ảnh hưởng người Trung Quốc chăng?

([3]) Trên thế giới, loại hình báo chí này cũng có nhiều tên gọi khác nhau: “cyber newspaper”, “online newspaper”, “e-journal” (electronic journal); “e-zine” (electronic magazine)....

([4]) In general, something is said to be online if it is connected to some larger network or system (which is implicitly the "line", though this interpretation is often useless).

([5]) Electronic publishing includes the digital publication of ebooks and electronic articles, and the development of digital libraries. Electronic publishing has become common in scientific publishing where it has been argued that peer-reviewed paper scientific journals are in the process of being replaced by electronic publishing. Although network distribution is nowdays strongly associated with electronic publishing, there are many non network electronic publications such as Encyclopedias on CD and DVD, as well as technical and reference publications relied on by mobile users and others without reliable and high speed access to a network

([6]) Hiện tại, trên mạng Internet vẫn còn có sự xuất hiện của nhiều báo trực tuyến tiếng Việt không có giấy phép chính thức và máy chủ đặt tại nước ngoài, thu hút khá đông công chúng trẻ, trong đó, có một số báo trực tuyến của các nhóm văn bút, các tổ chức chính trị, tôn giáo nước ngoài như talawas.net ; tienve.org v.v…

([7]) Lâu nay trong đời sống báo chí Việt Nam vẫn có sự tồn tại song song của thuật ngữ phát thanh, báo radio và báo nói; truyền hình và báo hình.


Theo bạn, chúng ta nên thống nhất gọi loại hình báo chí phát hành trên mạng nên gọi là?




BÁO ĐIỆN TỬ

1


BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ

0


BÁO TRỰC TUYẾN

7


BÁO MẠNG

1


BÁO ONLINE

0





Sign in to vote

Nhãn:

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2007

MEDIA ORIENTATION




Định hướng truyền thông nhìn từ câu chuyện nhà Đài tổ chức đánh bạc

Cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã thành công ngoài mong đợi, gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Ý nghĩa to lớn của sự thành công đó báo chí đã phân tích nhiều, ở đây xin được nói thêm: Nếu không có sự phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin mà đặc biệt là internet, chúng ta sẽ khó tổ chức một diễn đàn dân chủ rộng lớn như thế (một cuộc đối thoại mà không gian mở rộng toàn cầu, nội dung đối thoại là hàng trăm ngàn lượt ý kiến của nhiều tầng lớp, độ tuổi). Đời sống truyền thông của chúng ta những năm gần đây đã có nhiều đổi thay sâu sắc, góp phần tác động rất lớn vào hoạt động phản biện xã hội. Chân dung công chúng truyền thông ngày nay tích cực chủ động hơn. Họ thực sự là đồng chủ thể sáng tạo trong quá trình thông tin của báo chí. Giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước hôm nay thực sự được khơi gợi tình yêu quê hương đất nước qua truyền thông đại chúng chứ không chỉ có chuyện yêu đương, nhạc trẻ, điện ảnh, thời trang… như nhiều người quan ngại. Các diễn đàn Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?, Chào cờ buổi sáng, Viết tiếp nhật ký Đặng Thùy Trâm v.v… đã chứng minh điều đó.

Nhưng, công nghệ mới bên cạnh việc tạo ra sự thay đổi gương mặt truyền thông đại chúng lại cũng dễ bị khai thác cho những mục đích thiếu lành mạnh. Tin nhắn SMS khi được tích hợp vào hoạt động truyền hình đã mở ra khả năng tương tác khá tốt, mở ra một kênh phản biện xã hội cho báo chí nhưng cũng nhanh chóng bị lợi dụng cho các hoạt động thu lợi nhuận trái phép. VTV đã khai thác hoạt động này cho loạt chương trình ủng hộ người nghèo (qua tin nhắn). Nhiều Đài đã vận dụng khả năng tương tác của tin nhắn để làm chương trình phong phú như loạt chương trình bình luận bóng đá World Cup (ĐN-RTV), các chương trình có tính chất phổ biến kiến thức như Lăng kính thông minh, Gõ cửa ngày mới, Tôi yêu Việt Nam (VTV), Công dân @ (BTV) v.v…

Câu chuyện nhà đài tổ chức đánh bạc một lần nữa cho thấy, công tác quản lý luôn đi chậm hơn thực tiễn truyền thông nói chung, thực tiễn báo chí nói riêng.

Nhưng có một điều may mắn là chính truyền thông đã biết tự phản biện mình. Năm ngoái, nếu không nhờ sự lên tiếng của báo chí thì nhiều người sẽ không thể biết cước nhắn tin 15 ngàn, 5 ngàn của các đầu số dịch vụ như 85xx, 87xx…(và sau đó là quy định của bộ bưu chính viễn thông buộc các nhà tổ chức dịch vụ phải công khai cước nhắn tin). Câu chuyện đánh bạc trên sóng mà báo Thanh Niên nêu ra cũng chính là một hoạt động phản biện có ý nghĩa như thế. Rồi đây các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để chấn chỉnh hoạt động này. Nhưng bài học kinh nghiệm từ sự kiện trên không phải là nhỏ.

Ngày nay, khi mọi thông tin trên đầu ngón tay ngươì sử dụng (information at your fingertips – Bill Gates), công chúng truyền thông ngày càng được trao nhiều quyền hơn, các dạng xã hội hoá hoạt động báo chí bắt đầu phổ biến hơn, thì vai trò, bản lĩnh của người làm báo cách mạng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhãn:

GAMBLING ON TELEVISION WITH... BI-RAIN!

"Đánh bạc trên sóng" với... Bi-Rain!

Sau khi báo Thanh niên phản ánh hiện tượng tổ chức đánh bạc trên sóng truyền hình và đăng tải nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc cả nước về vấn đề này, đã có nhiều kênh truyền hình tạm thời ngưng các dịch vụ có máu đỏ đen. Tuy nhiên, những ngày gần đây, một số Đài lại tiếp tục triển khai các trò chơi may rủi không minh bạch.

Lập lờ đánh lận con đen…

Sự kiện diễn viên – ngôi sao Hàn Quốc Bi-Rain đến TP.HCM thực hiện chương trình "Rain's coming" trong hai đêm ngày 10 và 11-3 tại sân vận động Quân khu 7 thực sự thu hút nhiều khán giả ái mộ. Đây là một show diễn hoành tráng và giá vé cũng “hoành tráng” không kém (có 7 loại vé giá thấp nhất 250 ngàn và cao nhất 2,5 triệu/vé). Fans hâm mộ chàng diễn viên mắt một mí này khá đông và đêm diễn còn thu hút hàng ngàn khán giả từ nước ngoài đến xem nên việc có một chiếc vé vào cửa không phải là chuyện nhỏ. Nắm bắt được tâm lý này, Công ty cổ phần viễn thông FPT với đầu số 8700 đã cho quảng bá một chương trình nhắn tin trúng… vé. Nội dung dịch vụ được rao trên kênh truyền hình HTVC của Truyền hình cáp HTV: “Cơ hội trúng 10 cặp vé tham dự buổi biểu diễn của Hoàng tử nhạc pop châu Á Bi(Rain) dành cho thuê bao HTVC và chủ thẻ MTV. Hãy trả lời câu hỏi: “Tên chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới của Bi(Rain)?”. Soạn tin nhắn với cú pháp Bi <nội dung trả lời> gửi đến tổng đài 8700 (15.000 đồng/tin nhắn). Thời gian tham gia chương trình từ 3 đến 7 tháng 3 năm 2007”

Dòng rao dịch vụ chạy liên tục trên kênh truyền hình này làm người xem đặt ra nhiều câu hỏi: Đâu là tiêu chí chọn người trúng… vé khi có hàng ngàn người trả lời đúng vì câu hỏi quá dễ đối với fans hâm mộ? Người trúng thường được trao vé ở đâu, khi nào? Và loại vé gì? v.v… đều không được thông báo chính thức. Một cặp vé giá thấp nhất đã tới 500 ngàn, giả sử nhà tổ chức trao cho 10 người may mắn như đã thông báo thì họ chỉ tốn 5 triệu đồng (tương đương với hơn 334 tin nhắn) trong khi đó, tổng thuê bao HTVC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 30.000 chưa tính chủ thẻ MTV. Chỉ cần 10% số thuê bao này nhắn tin họ sẽ thu được 45 triệu đồng!

Sự lập lờ trong dịch vụ nhắn tin này cho thấy những nhà tổ chức đã không ngần ngại đánh lừa những khán giả truyền hình của mình và coi thường công luận.

Cũng trong ngày 6/6, theo ghi nhận của chúng tôi, 2 kênh truyền hình khác là BRT (Đài PTTH Bà Rịa – Vũng Tàu) và ĐN-RTV2 (Đài PTTH Đồng Nai) vẫn tiếp tục phát sóng quảng bá dịch vụ “Mừng xuân Đinh Hợi, rinh ngay heo vàng” với đầu số 8513 của FPT (5000 đồng/tin nhắn) – một trò chơi đánh bạc mà báo Thanh Niên đã phản ánh một tuần trước đó.

Khi khán giả là thượng đế

Rất nhiều tình huống của những trận bóng đá trong giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) vừa qua khán giả truyền hình Việt Nam không thể xem được chi tiết vì bị phần quảng bá dịch vụ giá trị gia tăng cũng như quảng cáo chạy chân che mất phần dưới khuôn hình. Truyền hình kỹ thuật số VTC đã có công mua bản quyền AFF Cup để “biếu” cho các Đài địa phương (và cả VTV) để phục vụ người hâm mộ. Nhưng sóng truyền hình AFF Cup không phải là “sóng sạch”. Hàng chục dịch vụ giá trị gia tăng được các kênh truyền hình “được biếu sóng” phải phát lại trong đó có các trò chơi (với 5000 đồng/ tin nhắn) như “Vinh quang chiến thắng” chẳng hạn. Điều đáng nói là khi thiết kế các kịch bản đồ họa để chạy chân trong khuôn hình, các nhà tổ chức đã khai thác một diện tích màn hình quá rộng và tận dụng rất nhiều các hình thức hoạt họa (animation) gây mất tập trung cho người xem và làm che hình trong một số tình huống.

Các dịch vụ tin nhắn hiện nay ngày càng có khuynh hướng thiết kế quảng bá cao hơn (tính từ chân màn hình TV trở lên), có nhiều dòng chữ, hình ảnh động hơn và chạy… dai hơn để thu hút khán giả. Các dịch vụ của FPT thiết kế đồ họa cho các Đài địa phương thường khai thác 2 dòng chữ nối nhau chạy và nhiều màu sắc gây phản cảm cho người xem truyền hình bình thường. Nhiều Đài chạy quảng bá dịch vụ “đè” lên chính biểu tượng của mình (cũng được “cẩn” vào màn hình) như trường hợp “logo” phim truyện 19G, logo “phim truyện buổi sáng”, logo “Tôi yêu phim truyện Việt Nam” của ĐN-RTV. Người quay phim trong truyền hình, đạo diễn phim truyện trong điện ảnh bao giờ cũng có ý thức về bố cục. Song khi khai thác, quảng bá các dịch vụ giá trị gia tăng, nhiều nội dung hình ảnh trên truyền hình đã che khuất dẫn đến cắt xén những bố cục khuôn hình mà nhà sản xuất từng chăm chút.

Với nhiều Đài truyền hình nước ngoài, việc sử dụng các box trên màn hình để đưa nhiều nội dung thông tin, dịch vụ như giá cả chứng khoán, thời tiết, lịch bay, tin vắn… là chuyện bình thường. Nhưng nhà sản xuất chương trình luôn có ý thức xử lý bố cục bằng cách chia khung hình hợp lý không bị ảnh hưởng giữa các nội dung thông tin – dịch vụ. Ở Việt Nam hiện nay, trừ một số bộ phim hoặc chương trình được xử lý theo khuôn hình 6 X 9 (có 2 “băng đen” dư trên và dưới trên màn ảnh), việc trộn một số tín hiệu đồ họa chạy quảng bá đang sử dụng công nghệ “cẩn chữ” (chroma key, alpha key) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu thông tin, giáo dục, giải trí qua màn ảnh nhỏ.

***

Truyền hình là cơ quan báo chí và cũng là một đơn vị dịch vụ với nguồn thu lớn. Khán giả truyền hình - trong chừng mực nào đó - là khách hàng theo đúng nghĩa của từ này. Tôn trọng khách hàng cũng chính là việc giữ uy tín thương hiệu cho mình. Rồi đây, các ngành chức năng sẽ có những biện pháp chấn chỉnh các hoạt động khai thác dịch vụ giá trị gia tăng trên sóng truyền hình (xem bài trả lời phỏng vấn báo Thanh niên của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí). Nhưng trong khi chờ đợi các quy định chính thức của Nhà nước, thiết nghĩ, ngành truyền hình nên có sự tự điều chỉnh về việc triển khai dịch vụ giá trị gia tăng, trong đó có các quy chuẩn kỹ thuật về việc trộn (mix) tín hiệu quảng cáo, quảng bá trên khuôn hình chính (từ màu sắc, kích cỡ, font chữ v.v…) để người xem truyền hình được thưởng thức chương trình trọn vẹn hơn.

SƠN XUÂN

Nhãn: