Thứ Tư, 4 tháng 4, 2007

MEDIA ORIENTATION




Định hướng truyền thông nhìn từ câu chuyện nhà Đài tổ chức đánh bạc

Cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã thành công ngoài mong đợi, gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Ý nghĩa to lớn của sự thành công đó báo chí đã phân tích nhiều, ở đây xin được nói thêm: Nếu không có sự phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin mà đặc biệt là internet, chúng ta sẽ khó tổ chức một diễn đàn dân chủ rộng lớn như thế (một cuộc đối thoại mà không gian mở rộng toàn cầu, nội dung đối thoại là hàng trăm ngàn lượt ý kiến của nhiều tầng lớp, độ tuổi). Đời sống truyền thông của chúng ta những năm gần đây đã có nhiều đổi thay sâu sắc, góp phần tác động rất lớn vào hoạt động phản biện xã hội. Chân dung công chúng truyền thông ngày nay tích cực chủ động hơn. Họ thực sự là đồng chủ thể sáng tạo trong quá trình thông tin của báo chí. Giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước hôm nay thực sự được khơi gợi tình yêu quê hương đất nước qua truyền thông đại chúng chứ không chỉ có chuyện yêu đương, nhạc trẻ, điện ảnh, thời trang… như nhiều người quan ngại. Các diễn đàn Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?, Chào cờ buổi sáng, Viết tiếp nhật ký Đặng Thùy Trâm v.v… đã chứng minh điều đó.

Nhưng, công nghệ mới bên cạnh việc tạo ra sự thay đổi gương mặt truyền thông đại chúng lại cũng dễ bị khai thác cho những mục đích thiếu lành mạnh. Tin nhắn SMS khi được tích hợp vào hoạt động truyền hình đã mở ra khả năng tương tác khá tốt, mở ra một kênh phản biện xã hội cho báo chí nhưng cũng nhanh chóng bị lợi dụng cho các hoạt động thu lợi nhuận trái phép. VTV đã khai thác hoạt động này cho loạt chương trình ủng hộ người nghèo (qua tin nhắn). Nhiều Đài đã vận dụng khả năng tương tác của tin nhắn để làm chương trình phong phú như loạt chương trình bình luận bóng đá World Cup (ĐN-RTV), các chương trình có tính chất phổ biến kiến thức như Lăng kính thông minh, Gõ cửa ngày mới, Tôi yêu Việt Nam (VTV), Công dân @ (BTV) v.v…

Câu chuyện nhà đài tổ chức đánh bạc một lần nữa cho thấy, công tác quản lý luôn đi chậm hơn thực tiễn truyền thông nói chung, thực tiễn báo chí nói riêng.

Nhưng có một điều may mắn là chính truyền thông đã biết tự phản biện mình. Năm ngoái, nếu không nhờ sự lên tiếng của báo chí thì nhiều người sẽ không thể biết cước nhắn tin 15 ngàn, 5 ngàn của các đầu số dịch vụ như 85xx, 87xx…(và sau đó là quy định của bộ bưu chính viễn thông buộc các nhà tổ chức dịch vụ phải công khai cước nhắn tin). Câu chuyện đánh bạc trên sóng mà báo Thanh Niên nêu ra cũng chính là một hoạt động phản biện có ý nghĩa như thế. Rồi đây các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để chấn chỉnh hoạt động này. Nhưng bài học kinh nghiệm từ sự kiện trên không phải là nhỏ.

Ngày nay, khi mọi thông tin trên đầu ngón tay ngươì sử dụng (information at your fingertips – Bill Gates), công chúng truyền thông ngày càng được trao nhiều quyền hơn, các dạng xã hội hoá hoạt động báo chí bắt đầu phổ biến hơn, thì vai trò, bản lĩnh của người làm báo cách mạng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ