Thứ Hai, 2 tháng 4, 2007

INTERACTION: A STRONG POINT OF ONLINE MEDIA




KHAI THÁC THẾ MẠNH TƯƠNG TÁC TRONG LÀM BÁO TRỰC TUYẾN

Cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Nhìn ở góc độ báo chí học, có thể nói, tổ chức đối thoại giữa nhà quản lý với người dân qua các kênh truyền thông không phải là việc làm quá mới. Các hình thức diễn đàn, đối thoại đã có khá lâu trên báo in, phát thanh, truyền hình. Nhưng so với báo trực tuyến, các dạng thức nội dung như thế còn nhiều hạn chế về dung lượng thông tin, không gian công chúng; thời gian, chủ thể, chủ đề đối thoại; tính chất trực tiếp, tính chất tương tác…

Tuy mới ra đời 9 năm nhưng báo chí trực tuyến ở Việt Nam đã và đang có những bước phát triển quá nhanh mà chúng ta chưa kịp tổng kết đầy đủ. Tốc độ phát triển đó còn thử thách khả năng dự báo của những nhà quản lý, hoạch định chính sách. Nhưng có một điều không ai phủ nhận, đó là, những năm qua, cùng với các loại hình truyền thông khác, báo chí trực tuyến Việt Nam đã góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thỏa mãn nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí của các tầng lớp nhân dân, và đặc biệt, góp phần rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới.

Hạ tầng viễn thông ở Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đảng và Nhà nước ta chủ trương “hình thành xa lộ thông tin quốc gia có dung lượng lớn, tốc độ cao, trên cơ sở hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, tin học, truyền thông quảng bá. Ứng dụng các phương thức truy nhập băng rộng tới tận hộ tiêu dùng: cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh (Vinasat) v.v..., làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, dịch vụ công và các lĩnh vực khác.” ([1])

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Internet băng thông rộng đã thu hút công chung trẻ dành nhiều thời gian hơn cho truyền thông trực tuyến so với các loại hình báo chí truyền thống. Với internet, thế hệ trẻ ngày nay vừa như một khách thể hưởng thụ truyền thông vừa như một đồng chủ thể sáng tạo trong truyền thông. Báo chí trực tuyến ngày càng thu hút, người nghe/xem/đọc của báo trực tuyến mỗi năm tăng lên 120% và từ năm 2003 đến nay, đã có hiện tượng bùng nổ website báo chí tại Việt Nam. Báo mạng cũng đang hấp dẫn nhiều cơ quan báo in, báo nói, báo hình ở Việt Nam trong việc khai thác thế mạnh của nó để bổ sung cho các kênh truyền thống. Việc tích hợp nhiều kênh truyền thông (phát triển báo trực tuyến song song báo in, phát thanh, truyền hình) trong cùng một cơ quan báo chí đã là xu thế. Sự phát triển báo chí trực tuyến đã kéo theo nhiều sự thay đổi trong tác nghiệp báo chí theo lối cũ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, báo chí phát hành trên mạng vẫn còn một tỷ lệ khá lớn hình thức làm báo theo não trạng cũ, theo “tư duy giấy mực”, coi báo trực tuyến là “ấn bản số” của báo in. Thực trạng đó xuất phát từ chỗ chưa khai thác các đặc trưng của loại hình báo chí mới mẻ này như đặc trưng cập nhật phi định kỳ, đặc trưng “trình bày”, đặc trưng tích hợp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc trưng lưu trữ và tìm kiếm thông tin, đặc trưng “phát hành”, đặc trưng cá nhân hóa thông tin… đặc biệt là đặc trưng tương tác – một thế mạnh của truyền thông trực tuyến.

Khảo sát báo trực tuyến Việt Nam, dễ dàng nhận thấy: những website thành công (thu hút số lượng lớn người xem/nghe/đọc) chính là những báo khai thác tốt đặc trưng của internet. Những ngày đầu tháng 11/2006, báo trực tuyến VietnamNet đã đưa lên mạng lời chào mời cho một diễn đàn: “Bây giờ! sau 11 năm đàm phán, cánh cửa WTO đã mở, chào đón Viêt Nam! Đất nước chúng ta đã bước lên con tàu để ra biển lớn! Vận hội rất to lớn, nhưng thách thức cũng hết sức gay gắt! Bạn nghĩ gì lúc này? Sẽ phải làm gì khi bước vào ngôi nhà mới! Mời quý vị bày tỏ ý kiến tại đây…”. Diễn đàn này đã nhanh chóng đón nhận hàng trăm lượt ý kiến từ nhiều nơi trên thế giới sau vài ngày ra thông báo.

Cách đó vài tháng, báo Tuổi trẻ online đã nhận được hàng ngàn ý kiến từ diễn đàn “Tuổi trẻ và lễ chào cờ”, Diễn đàn "Nuớc Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" báo Thanh Niên mở ra từ ngày 27/3 - 30/6/2006, thu hút hàng vạn lượt ý kiến trong và ngoài nuớc, thể hiện tâm huyết, sự trăn trở của mọi tầng lớp nguời Việt Nam mong muốn đất nuớc ngày càng hùng mạnh (trong đó, số lượt ý kiến đóng góp qua Thanh niên online là 9276). Đã có 200 ý kiến được đăng báo và Nhà xuất bản Thông tấn in thành sách. Điều thú vị là những ý kiến đó khởi đi từ khắp nơi trên thế giới để đến với tòa soạn chỉ vài giờ sau khi báo mở ra diễn đàn và đóng góp nhiều ý kiến hết sức sâu sắc đến không ngờ. Chỉ sau khi đi vào hoạt động không lâu, VietnamNet đã mở ra chuyên mục phỏng vấn trực tuyến, rồi bàn tròn trực tuyến; Tuổi trẻ online hiện nay có trang giao lưu trực truyến…

VietnamNet từ đầu năm 2006 đến nay được tạo ấn tuợng với độc giả của mình qua các bàn tròn trực tuyến với các nhân vật nổi tiếng hoặc các bàn tròn "Góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng X": Tận dụng thời cơ vàng để đột phá

Điều đáng nói là nhiều cuộc bàn tròn trực tuyến của VietnamNet đã thực hiện bằng cả phát thanh, truyền hình và văn bản trên mạng. Người khai thác Internet có thể nghe (như nghe phát thanh), xem như xem truyền hình trực tiếp và đọc văn bản cuộc trò chuyện. Mỗi cuộc bàn tròn của VietnamNet thu hút hàng trăm lượt ý kiến. Các bài tổng thuật sau đó phải chia thành nhiều kỳ để đăng tải lại.

Công nghệ còn giúp báo trực tuyến hỗ trợ khả năng giao tiếp hai chiều với công chúng trở nên cực kỳ thuận lợi mà không một loại hình truyền thông nào có được. Người sử dụng có thể gửi ngay ý kiến bình luận hay nhận xét cá nhân vào bất cứ một vấn đề, một bản tin, một bài viết nào đã được đăng tải. Tin tức được phát hành trên báo trực tuyến có thể nhanh chóng nhận ngay phản hồi của rất nhiều người về nội dung thông tin, chia sẻ tình cảm với người trong cuộc hoặc thậm chí phản ứng ngay về cách đưa tin của báo ([2]).

Hiểu theo nghĩa rộng, báo in cũng có khả năng tương tác qua việc xây dựng các hình thức trả lời thư bạn đọc, ý kiến độc giả v.v… Phát thanh, truyền hình với công nghệ trực tiếp ([3]) cũng tạo được khả năng tương tác cao đặc biệt trong các chương trình giao lưu, tọa đàm (talkshow). Thính giả, khán giả được mời gọi điện thoại trực tiếp đến phòng thu, trường quay để trao đổi với “nhà Đài” và khách mời. Hoặc hình thức phỏng vấn dư luận (vox-pop) trên phát thanh, truyền hình trong chừng mực nào đó cũng có ý nghĩa tương tác.

Tuy nhiên, so với báo trực tuyến, khả năng tương tác của báo in, phát thanh, truyền hình đều có giới hạn. Đó là sự giới hạn về dung lượng, giới hạn về không gian giao tiếp, giới hạn về tần suất và mức độ dân chủ trong giao tiếp. Với 1 đến 2 line điện thoại, phát thanh - truyền hình không thể cùng một lúc đón nhận nhiều ý kiến vào chương trình (vốn bị giới hạn về thời lượng của mình). Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khán thính giả khác trong cả nước sẽ không có cơ hội tham gia chương trình khi “đường dây đã bận” do một khán thính giả nào đó đang sử dụng. Trong thực tế vì an toàn trên sóng, nhiều biên tập viên đã “giả lập” các cuộc điện thoại gọi đến để tạo sắc thái giao lưu cho chương trình. Cuộc điện thoại đó không thực sự đại diện cho ý kiến khán thính giả, mà là ý chí chủ quan của những người làm chương trình. Loại hình phỏng vấn trực tuyến thể hiện rõ nét nhất tính ưu việt của báo mạng: không giới hạn số người tham gia, số lượng câu hỏi phỏng vấn và nhất là giới hạn khoảng cách địa lý cũng bị loại bỏ. Hiện nay trên thế giới, nhiều báo trực tuyến đã nhận cả câu hỏi, lời bình luận của công chúng qua webcam, hoặc video clip (ghi hình ảnh và tiếng nói của họ).

Đứng ở góc độ quản lý, đặc trưng này giúp báo trực tuyến dễ dàng thăm dò dư luận (và thống kê, xử lý kết quả thăm dò) ngay trên “mặt báo” của mình - điều mà các loại hình báo chí cũ khó có thể làm: Người đọc có thể điền thông tin và hồi âm lại chỉ bằng vài động tác click chuột. Với báo trực tuyến, có thể đếm chính xác số lượt người truy cập đối với từng trang báo, từng bài báo… một cách cụ thể và khách quan. Chỉ cần những thống kê đó, Ban biên tập có thể kịp thời chấn chỉnh cho phù hợp đối với từng trang báo. Việc điều tra này diễn ra hết sức khách quan, chính xác mà không mất nhiều thời gian, công sức.

Với thế mạnh này, báo trực tuyến thực sự tạo ra một cách “đọc” mới của công chúng truyền thông. Tác phẩm báo chí giờ đây không còn ý nghĩa là một sáng tạo của một nhà báo cụ thể mà là sản phẩm tập thể, trong đó, công chúng báo trực tuyến là đồng chủ thể sáng tạo. Khả năng tương tác cao của báo trực tuyến không chỉ tạo cảm giác gần gũi hơn giữa công chúng báo chí và tòa soạn mà nó có ý nghĩa dân chủ trong thông tin và tiếp nhận thông tin.

Thế mạnh tương tác của báo trực tuyến cũng giúp cho loại hình báo chí mới này thu hút và hình thành được một lớp công chúng báo chí mới: trẻ trung hơn và có trình độ học vấn cao hơn. Khảo sát đối tượng truy cập của Thanh niên online, Tuổi trẻ online, VietnamNet và VnExpress, chúng tôi ghi nhận những kết quả như sau: Về giới tính: 57.3 % là nam, 42.7 % là nữ; Về độ tuổi: dưới 15 tuổi: 2,4%, từ 15 – 18 tuổi: 8.7%, từ 18– 25 tuổi: 50.1%, từ 26–40 tuổi: 30.5%, trên 40 tuổi: 8.3%; Thời gian sử dụng Internet: 91.2 % đã sử dụng Internet từ 3 năm trở lên; 82.5% sử dụng Internet hàng ngày; Về không gian truy cập: (thống kê kỹ thuật từ các máy chủ của các báo qua theo dõi địa chỉ IP: 61% truy cập từ nước ngoài (đây là con số bình quân của 4 báo trực tuyến nói trên), 49% truy cập trong nước.

Từ những số liệu khảo sát nêu trên, có thể thấy, đối tượng từ 18 đến 40 tuổi – lứa tuổi được xem là đẹp nhất, sung sức nhất – chiếm đến 80,6% “độc giả” của các tờ báo trực tuyến. Tuy các trang mục họ quan tâm nhiều không phải là tin tức thời sự, chính trị (20%) nhưng đây là con số có ý nghĩa trong việc nhận diện công chúng báo chí trực tuyến Việt Nam. Thực tế này cũng không khó lý giải: giới trẻ vốn năng động trong tiếp thu cái mới và báo trực tuyến tích hợp trong lòng nó nhiều khả năng thông tin – giáo dục – giải trí hấp dẫn giới trẻ. Bên cạnh đó, trên một nửa số người đọc/nghe/xem báo trực tuyến Việt Nam là những người ở ngoài nước, điều đó chứng tỏ báo chí trực tuyến đã góp phần rất lớn trong việc đưa “tiếng nói Việt Nam’ đến với các cộng đồng cư Việt trên toàn cầu, góp phần “tiếp thị hình ảnh Việt Nam”. Đây là một thành công lớn nếu so với nỗ lực của phát thanh – truyền hình và báo in Việt Nam nhiều năm qua.

Nhờ đặc thù tương tác, báo trực tuyến đã lôi cuốn rất nhiều độc giả trẻ tuổi vào những nội dung sinh hoạt lành mạnh. Có thể nói, những năm qua, báo chí trực tuyến đã tác động mạnh đến tâm hồn, tư tưởng, nhân cách của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Báo chí trực tuyến không chỉ lôi cuốn giới trẻ trong các nội dung giải trí, các trò chơi tương tác, các dịch vụ giá trị gia tăng, các sự kiện văn hóa – thể thao, mà đã thu hút họ vào các nội dung chính luận, thời sự chính trị - xã hội và các hoạt động báo chí thông qua sự tham gia tích cực của chính thế hệ trẻ. Các diễn đàn của Thanh niên online gần đây như “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, hoặc của Tuổi trẻ online như “Viết tiếp nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Tuổi trẻ với lễ chào cờ” v.v… đã thu hút nhiều ý kiến tâm huyết và sâu sắc của các bạn trẻ…

Cũng cần nói thêm, lứa tuổi sử dụng internet nhiều nhất hiện nay là thế hệ 7X, 8X và 9X. Họ say mê công nghệ và có lợi thế là tiếp cận cái mới khá nhanh. Theo thống kê của chúng tôi, 3 thế hệ này chiếm tới hơn 82% cư dân mạng của Việt Nam.

Những báo trực tuyến nổi tiếng như Vnexpess, sau nhiều cuộc khảo sát ([4]) đã đưa ra chiến lược tập trung vào những chuyên mục có thể thu hút giới trẻ: khai thác thông tin về những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, sân khấu, thời trang…, thông tin về thẩm mỹ, làm đẹp, xây dựng nhiều dạng trò chơi (nghe nhạc, gửi nhạc, thiệp, tải nhạc về điện thọai di động…). VietnamNet hiện nay là báo trực tuyến đi đầu trong lĩnh vực phát triển các công nghệ viễn thông cho các dịch vụ tương tác giải trí cũng như dịch vụ giá trị gia tăng qua hệ thống tin nhắn, hệ thống thoại từ năm 2001. Hiện tại, báo trực tuyến VietnamNet đang sở hữu 30 hệ thống thoại và 3 hệ thống viễn thông tin nhắn lớn (99x, 8x99, 8x79) với tần suất đáp ứng của hệ thống hơn 800.000 tin nhắn SMS/1 giờ. VietnamNet cũng là báo trực tuyến liên tục sáng tạo đẩy mạnh việc phát triển hơn 600 loại dịch vụ giá trị gia tăng qua hệ thống thoại và tin nhắn. Ngoài ra hệ thống thoại 18001255 có khả năng giải đáp những thắc mắc của người truy cập về các dịch vụ của báo trực tuyến này. Những tìm tòi các hình thức trò chơi giải trí và thông tin đa dạng, tích hợp web và điện thoại di động như thế đã thu hút mạnh mẽ giới trẻ đến với báo trực tuyến của mình.

Bên cạnh đó, Internet nói chung và báo trực tuyến nói riêng thật sự là môi trường để học và chơi, chơi mà học. Đặc biệt môi trường học tập trên báo trực tuyến là rất thú vị và phù hợp với những người trẻ tuổi, nhạy bén.

Tuổi trẻ online ban đầu là phiên bản của báo in và đến giờ có thể vẫn được báo in bù lỗ nhưng đây rõ ràng là một báo trực tuyến biết thu hút giới trẻ vào những mối quan tâm chính trị và từ đây các cư dân trẻ của mạng internet có thể được “học” một cách tự nhiên. Ví dụ như diễn đàn “Chào cờ sáng thứ hai” chẳng hạn: Có 97 trên tổng số trên 500 ý kiến gửi đến tòa soạn online đã được ban biên tập chọn đăng. Đây là một số lượng ý kiến mà báo in khó có thể chuyển tải được và hiệu quả tác động của hoạt động này không thể đo đếm định lượng được. VietnamNet trong 3 tháng 8, 9, 10 năm 2006 đã kéo hàng trăm các độc giả trẻ tuổi của mình vào “thư Hà Nội”với chủ đề mùa thu. Ở đó, họ được học cảm nhận, học rung động, học diễn đạt, học tỏ bày qua những đoạn viết ngắn của họ. Và 60 ý kiến đã được đăng tải trong diễn đàn này. Cũng trên VietnamNet trong tháng 10, 11 – 2006, một chuyên đề bình luận (diễn đàn) về tự truyện của Lê Vân được nhiều người quan tâm. Hầu như hàng ngày, báo trực tuyến này đều có bài của những nhân vật khá tiếng tăm, những người cùng thời với Lê Vân, hầu hết là phản ứng lại thái độ của Lê Vân đối với song thân, đối với những gì mà chị đã được cuộc sống ban tặng. Trước đó ít lâu, Tuổi trẻ online cũng đã kéo công chúng trực tuyến trẻ của mình vào một cuộc cỗ vũ cho tự truyện này.

Do đặc trưng của giao thức mạng, các tòa soạn đều dễ dàng thống kê số lượng người truy cập vào báo trực tuyến của mình từ quốc gia nào (theo dõi IP). Điều làm chúng ta ngạc nhiên một cách tự hào là rất nhiều báo trực tuyến Việt Nam hiện nay đã thu hút rất mạnh lượng người xem/nghe/đọc từ nước ngoài.

Theo thống kê của Thanh Niên online, bình quân trong 6 tháng đầu năm 2006, tổng số truy cập vào báo trực tuyến này hàng ngày thấp nhất là 1,5 triệu lượt (thời điểm cuối tuần), cao nhất là 1,8 triệu lượt, trong đó có 55% là người truy cập là kiều bào, du học sinh... từ nước ngoài. Số lượng bạn đọc ở Bắc Mỹ và châu Âu, Úc chiếm tỉ lệ truy cập cao nhất. Trang web tiếng Anh của Thanh Niên online chính thức ra mắt ngày 15.7.2004, đến nay tổng số truy cập hàng ngày (tính bình quân 6 tháng đầu 2006) thấp nhất là 80 ngàn lượt, cao nhất là 110 ngàn lượt, hiện đứng đầu trong các trang website tiếng Anh do Việt Nam thực hiện, thu hút nhiều bạn đọc là thanh niên gốc Việt vốn không rành tiếng Việt mà thạo tiếng Anh, đang sinh sống tại Bắc Mỹ và Úc.

Cho đến nay, báo chí trực tuyến đã dần dần làm thay đổi thói quen đọc báo, nghe đài, xem truyền hình theo cách cũ. Khẩu hiệu của công chúng truyền thông hôm nay là: “Tôi muốn (đọc, xem, nghe) những gì tôi muốn, vào thời điểm tôi lựa chọn và theo cách thức của tôi” ([5]). Công chúng truyền thông hôm nay năng động hơn, dân chủ hơn và họ đã thành chủ thể đích thực của thông tin. Khi “mọi thông tin trên đầu ngón tay người sử dụng” ([6]) thì các nhà làm báo trực tuyến cần chú ý khai thác tốt hơn thế mạnh tương tác để giành được công chúng cho mình.

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 này, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, chắc chắn rằng, báo chí trực tuyến Việt Nam sẽ có sự vươn lên thật mạnh mẽ, sẽ trở thành niềm tự hào của nền báo chí Việt Nam. Thành tựu và tốc độ phát triển trong 9 năm qua của báo chí trực tuyến Việt Nam cho phép chúng ta hy vọng về một tương lai thành công của một nền báo chí Việt Nam hiện đại sánh vai với các nền báo chí lớn trên thế giới. Chúng ta cũng có quyền tin tưởng rằng sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc trong đời sống báo chí Việt Nam hiện đại mà báo chí trực tuyến sẽ là người lính xung kích trước xu thế tích hợp các loại hình báo chí đã bắt đầu khởi động.

PHAN VĂN TÚ



([1]) Trích Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18/10/2001

([2]) Ví dụ việc đưa tin về vụ sóng thần hồi cuối năm 2004 rất được quan tâm nhưng không ít người phàn nàn về việc đăng tải các hình ảnh quá thương tâm

([3]) Live broadcacsting: Có người đề xuất cách gọi là “phát thẳng”, không gọi là “trực tiếp”. Ở Trung Quốc, “live broadcacsting” được dịch là “trực tuyến”. Công nghệ phát thanh – truyền hình trực tiếp không phải nhìn ở góc độ kỹ thuật mà nhìn ở góc độ phương thức làm phát thanh truyền hình mới, có tính tương tác. Trong thực tiễn phát thanh – truyền hình Việt Nam, ngay từ buổi sơ khai, khi không đủ băng từ lưu trữ, phát thanh – truyền hình đều làm “trực tiếp”: cụ thể là đọc trực tiếp đưa lên sóng.

([4]) Báo trực tuyến có thể khảo sát trực tuyến bằng nhiều công cụ online để có thể biết lưu lượng độc giả trong từng thời đoạn trong ngày, độc giả của từng trang, từng mục để cải tiến quản lý mà có người đó là “cuộc bỏ phiếu bằng phím chuột”

([5]) I want: what I want, when I want it, the way I want it

([6]): Information at your fingertips (Bill Gates)

Nhãn:

1 Nhận xét:

Anonymous Ngoc Oanh nói...

Anh Tú ơi. Từ "Trực tiếp" của truyền hình còn có một ý nghĩa nữa là: Giao tiếp trực tiếp. Nó dùng để chỉ một phương thức giao tiếp giữa người truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Ý nghĩa của giao tiếp trực tiếp ở đây xuất hiện ngay cả khi người ta làm các chương trình ghi băng rồi phát lại... Nếu có điều kiện trao đổi vấn đề này cũng khá thú vị...

lúc 04:22 4 tháng 4, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ