Thứ Hai, 16 tháng 10, 2006

WHERE WE ARE?




CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU TRONG BẢN ĐỒ BÁO CHÍ KHU VỰC KINH TẾ ĐỘNG LỰC?


Cách nay không lâu, số người có điện thoại di động trong làng báo có thể đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng bây giờ, sóng di động của Mobifone, Vinaphone, S-fone dường như phủ kín các hội viên Hội nhà báo Đồng Nai, kể cả ở các huyện… Nếu có một danh bạ điện thoại di động của giới báo chí và dựa trên đặc trưng mã hóa số di động, có thể phân tích được tiến trình “phủ sóng” này…


Bài báo bắt đầu bằng chi tiết này xuất phát từ quan niệm rằng, điện thoại di động đối với nhà báo không chỉ là phương tiện liên lạc cá nhân mà là công cụ hành nghề, đặc biệt là đối với phát thanh – truyền hình. Tất nhiên, khai thác hết tính năng của một chiếc máy di động cho nghề nghiệp không nhà báo nào cũng làm tốt… nhưng dù sao, chỉ số trang bị điện thoại di động ấy cũng cho thấy rằng, điều kiện làm báo của chúng ta hiện nay đã khác trước… Thử quay lại với thời gian năm 1999, nhiều người trong chúng ta ít ai nghĩ rằng vài năm nữa thì cả làng báo sẽ sắm di động, thậm chí, các sinh viên báo chí vừa ra trường đang xin việc đã có di động. Bấy giờ, chúng ta càng không tin rằng điện thoại di động có thể dùng để nhắn tin rất rẻ hoặc để chụp ảnh, ghi âm; càng không tin điện thoại di động có thể giúp phóng viên phỏng vấn trực tiếp – như nhà báo Minh Chung đã làm trong kỳ SEAGAMES vừa qua, hoặc để duyệt web, để gửi e-mail, để kết nối hồng ngoại với laptop và bình luận trực tuyến như nhà báo Huy Thọ (TUỔI TRẺ) đã làm trong các trận bóng đá tại SEAGAMES 22 v.v…



Bây giờ, trong số 1,3 triệu người Việt Nam khai thác internet (theo thống kê của TS. Thang Đức Thắng), cũng có một tỉ lệ không nhỏ những nhà báo ở Đồng Nai. Ở Đài PT – TH Đồng Nai, có người nói đùa: “Nước một ngày không thể không có vua; Phòng Thời sự, nhóm biên tập bản tin tiếng Anh một ngày không thể không có Internet…”. Trong thực tế, trình độ hiểu biết, khai thác, cũng như sử dụng Internet như một công cụ tra cứu, nghiên cứu, tìm thông tin, truyền dữ liệu v.v… vẫn chưa đồng đều và có thể nói vẫn còn rất thấp nhưng dù sao đó cũng là những chỉ số đáng ghi nhận – một chỉ số mà cách đây không lâu, không ai tin. Cũng như hiện nay, nhiều người trong chúng ta không tin được rằng tới một lúc nào đó mình buộc phải chung sống với môi trường Internet. Thuỵ Điển, Mỹ hiện nay có trên 60% dân sử dụng Internet… Chúng ta chưa tin được rằng không còn bao lâu nữa, chính chúng ta phải coi Internet như một công cụ bình thường, như điện thoại hữu tuyến hiện nay chúng ta đang dùng. Internet không chỉ gắn với chuyện khai thác thông tin mà là nhu cầu sinh hoạt: có thể tìm hiểu kết quả học tập của con mình trên mạng, có thể “gọi” một thùng bia về nhậu qua mạng, có thể đặt vé máy bay đi Hà Nội qua mạng, có thể học thêm tiếng Nhật qua mạng với một ông thầy trực tuyến chứ không phải những con chữ khô khan trên màn hình máy tính. Và tại sao cứ nói đến Internet là người ta phải nghĩ tới chuyện buộc phải ngồi vào một cái máy vi tính cụ thể cắm điện, cắm điện thoại nhỉ?


Tôi còn nhớ, tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Đồng Nai lần thứ ….  cách nay mấy năm, có một nhà báo đọc tham luận – theo sự phân công của Ban Tổ chức Đại hội - về triển vọng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong nghề nghiệp; những điều anh chia sẻ và kiến nghị không có gì to tát song hồi ấy nhiều hội viên cho rằng anh ta “nổ”, khoe kiến thức. Các nhà quản lý báo chí không quan tâm. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh rằng những chia sẻ đó rất đúng và áp lực phát triển của báo chí Đồng Nai những năm sau đó buộc các nhà báo, các cơ quan báo chí phải biết ứng dụng một phần những ý tưởng đó, như làm quen với e-mail, truyền dữ liệu từ xa bằng các giải pháp rẻ, nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, so với thực tiễn xã hội, những nỗ lực này vẫn còn chậm, quá chậm!


Chúng ta đang ở đâu trong bản đồ báo chí khu vực kinh tế động lực? Câu trả lời rõ ràng không dễ dàng nhưng cũng không phải khó. Hiện chưa có một nghiên cứu đầy đủ nhưng các chỉ số dễ thấy như chỉ số phát hành báo chí của các tờ báo ở Đồng Nai, doanh số quảng cáo – tài trợ hàng năm của Đài PT – TH Đồng Nai, số phóng viên biên tập viên ở Đồng Nai biết ngoại ngữ, số lượt truy cập vào các website của Báo Đồng Nai, Đài PT – TH Đồng Nai v.v… cũng đã là những con số biết nói. Không thể so sánh với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa lớn, nhưng với những tỉnh hàng xóm, tạm cho rằng cùng một vạch xuất phát bằng nhau hiện nay, liệu chúng ta sẽ tiến nhanh hơn trong tương lai?  Về mặt công nghệ, chúng ta chưa có, chưa thể quản lý những dây chuyền sản xuất các sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Báo Đồng Nai, báo Lao động Đồng Nai chưa có nhà in riêng, quy trình chế bản 10 năm qua không khác gì mấy, không ai dám thử nghiệm một mô hình mới, tìm tòi một phần mềm mới, chất lượng in ấn còn kém, đặc biệt là in ảnh. Có lẽ xuất phát từ tính toán kiểu… con nhà nghèo: chế bản ảnh đơn sắc trên giấy can (giấy transparent), chất lượng ảnh trên mặt báo ở Đồng Nai rất thấp. Trong khi đó, công nghệ in đã đi một bước tiến khá xa: Ngày nay, báo chí ở Việt Nam in đẹp không kém báo chí nước ngoài… Quy trình sản xuất và “phát hành” của Đài PT – TH Đồng Nai cũng tiến ì ạch, lỗ chỗ do không đồng bộ và so với người anh em Bình Dương, chúng ta còn nhiều lạc hậu trong việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật. Chất lượng thu sóng của Đài mới được cải thiện vài tháng gần đây nhưng chưa thực sự như mong muốn. Hiện nay, công nghệ phát sóng điều khiển tự động bằng các phần mềm đã trở thành bình thường trên thế giới nhưng chúng ta vẫn còn đang mò mẫm, mỗi ngày phát sóng là hàng trăm cuốn băng đủ các chuẩn kỹ thuật. Nhìn trên sóng truyền hình, chất lượng chương trình đã cải thiện và có quy mô thế nhưng đàng sau đó là cả một sự tìm tòi cũng theo kiểu… con nhà nghèo. Những trường hợp làm “cầu truyền hình”; “giả lập cầu truyền hình”, những chương trình trực tiếp v.v… đều làm với một tinh thần “vượt khó”. Anh em nói: Chiến đấu bằng xe tăng, bằng máy bay và chiến đấu bằng tầm vông, chông tre cũng có ý nghĩa thiêng liêng như nhau, vấn đề cuối cùng là hiệu quả. Nhưng sau niềm vui sáng tạo ấy, có lúc anh chị em cũng phải giựt mình, thót tim bởi từ ông lãnh đạo cao nhất của Đài tới anh chị em đều có… máu liều, dám leo lưng cọp với tinh thần cách mạng tiến công cao độ. Một ví dụ: Khi truyền hình Bình Dương tường thuật diễn biến từ Điện Biên Phủ trong những ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử này, tín hiệu được đưa về Đài bằng cáp quang. Còn phóng viên Minh Chung (Đài PT – TH Đồng Nai) phải truyền dữ liệu video về bằng… đường điện thoại. Để truyền 10 phút phim, anh phải cho máy laptop chạy từ đêm đến sáng… trong khách sạn. Xin không so sánh về chất lượng nội dung những chương trình từ Điện Biên đã phát của 2 Đài, rõ ràng chất lượng hình ảnh của cáp quang sẽ tốt hơn đường truyền internet kết nối điện thoại, tốc độ truyền nhanh hơn hàng ngàn lần… Chỉ có một điều là tiền chi phí cho cách truyền dữ liệu như Đài Đồng Nai đã làm thì rẻ hơn cũng hàng ngàn lần! Và điều an ủi cho anh chị em làm nghiệp vụ ở Đài là chỉ có Đài Đồng Nai mới nghĩ ra những “chiêu” làm nghiệp vụ như thế. Mừng là vậy nhưng cũng buồn vì vậy. Một tỉnh công nghiệp có GDP thuộc hàng top 5 của quốc gia, khi chúng ta đi cứu trợ lũ lụt miền Trung, phó chủ tịch UBND tỉnh Hùynh Văn Tới rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh phóng viên truyền hình các tỉnh được cứu trợ sử dụng máy quay phim Betacam hiện đại để đưa tin buổi lễ nhận tiền cứu trợ (hàng tỉ đồng) của tỉnh Đồng Nai, trong khi Đài Đồng Nai – Đài của tỉnh đi cứu trợ - lại phải dùng chiếc máy DP200 cũ kỹ…



Thiết bị lạc hậu còn có thể giải quyết bằng tiền bạc trong một thời gian cụ thể… Nhưng có những cái lạc hậu mà không thể giải quyết một sớm một chiều bằng tiền bạc.


Đó là con người.


Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ báo chí khu vực kinh tế động lực phía Nam? Có bao nhiêu nhà báo ở Đồng Nai hiện có thể phân tích, dự báo tốt những vấn đề kinh tế vẫn hàng ngày đặt ra? Sự phát triển báo chí của chúng ta những năm qua đã thật sự tương xứng với tầm vóc của một tỉnh công nghiệp năng động chưa? Có bao nhiêu nhà báo ở Đồng Nai có thể tác nghiệp tốt ở các sự kiện báo chí quốc tế, có thể phỏng vấn sắc sảo các chuyên gia, các chính khách? Có bao nhiêu nhà quản lý báo chí ở Đồng Nai hiểu biết công nghệ thông tin, chí ít cũng biết làm văn bản, duyệt bài trên máy tính? Có bao nhiêu nhà báo ở Đồng Nai hiểu biết thực sự công nghệ sản xuất các sản phẩm của mình (sản phẩm ở đây được hiểu theo nghĩa đen – chứ không phải tác phẩm báo chí theo nghĩa một sản phẩm được văn bản hóa)?


Có người nói rằng: Không thể có một nhà báo giỏi ngày nay lại không biết một ngoại ngữ và không hiểu biết tin học. Nhận định này có vẻ cực đoan bởi hơi thiên về… “chủ nghĩa kỹ thuật”, trong khi đó, làm báo là chuyện của bản lĩnh chính trị, của tâm hồn, của năng khiếu… Thế nhưng – nhìn ở cấp độ chung – nhận định này cũng có cái lý của nó.




Hơn bao giờ hết, bài toán quản lý báo chí trước tình hình mới đang đặt ra. Đã đến lúc, không thể ảo tưởng vào những lời kêu gọi – kể cả kêu gọi lứa tuổi U40 trong giới báo chí cần năng động hơn. Đã đến lúc, cần phải xác định: chúng ta đang ở đâu trong bản đồ báo chí khu vực? Và đã đến lúc, báo chí Đồng Nai phải bắt kịp và phải tiên phong trong nhịp đập kinh tế – xã hội trên mảnh đất Đồng Nai năng động hôm nay.


PHÚ TRANG (Bài đã in trong đặc san “Ngôn luận” 2003)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ