Thứ Năm, 12 tháng 10, 2006

LOW COST TELEVISION




Từ trong di sản – mô hình chương trình truyền hình giá rẻ của truyền hình Đồng Nai  


 


Đầu tháng 4 - 2005, Đài phát thanh – truyền hình Đồng Nai đã cho ra đời sơ-ri chương trình “Từ trong di sản”. Đây là một dạng thức chương trình truyền hình tương tác để giúp khán giả có dịp ôn lại những kiến thức lịch sử, văn hóa, truyền thống một cách tích cực bằng việc tham gia trả lời các câu đố của chương trình. Cho đến hôm nay, khi chúng ta cùng sơ kết bước đầu về chương trình, thì chặng đường đi của nó đã kéo dài 80 tuần. Mỗi tuần, một tình huống và một câu hỏi. Câu hỏi dành cho khán giả là câu hỏi hoàn toàn không khó nhưng mục đích của những người làm chương trình không nhắm đến những kiến thức có tính chất lý luận, có tính chất hàn lâm, mà thông qua nội dung các tình huống, chương trình muốn tạo nên sự gợi nhớ và cung cấp những thông tin ở một góc nhìn có tính chất đời sống các vấn đề, các kiến thức văn hóa – lịch sử. Với ý nghĩ không nên tạo ra một cuộc thi nặng tính tra cứu, số liệu, dữ liệu, “Từ trong di sản” – như tên gọi – đã cố gắng “mềm hóa” những kiến thức khô khan bằng các hình thức thư giãn qua các tình huống hài, các đoạn đối thoại thú vị. Mục đích cao nhất, thông điệp lớn nhất mà chúng tôi muốn gởi đến cho khán giả chính là kích thích trong tâm hồn mỗi chúng ta tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống qua những chi tiết chân thật của lịch sử, qua những điều tưởng như ai cũng biết nhưng sẽ thật bất ngờ nếu khám phá ý nghĩa của những chi tiết nhỏ ấy…  Bên cạnh đó, dù đây là cuộc thi truyền hình về chủ đề lịch sử – văn hóa nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng bám sát tinh thần chủ lưu của dòng chảy thời sự. Loạt chương trình kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến 23 - 9, kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ cùng với câu chuyện về cuốn nhật ký của nữ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, hoặc chương trình vừa phát tuần qua: đề tài là câu chuyện diễn đàn Quốc hội được trực tiếp truyền hình cho cả nước v.v… là những ví dụ tiêu biểu. Câu hỏi cho chủ đề chào mừng ngày Nam bộ kháng chiến chỉ đơn giản tìm hiểu về chiếc nóp – một vật dụng đơn sơ rất đặc trưng của người nông dân Nam bộ nghèo ngày xưa - nhưng, kịch bản tình huống đã gợi cho khán giả nhiều suy nghĩ: suy nghĩ về tinh thần Nam bộ kháng chiến, tinh thần của những con “người giàu lòng vì nước”; suy nghĩ về tinh thần cống hiến của lớp trẻ hôm nay. Kịch bản tình huống ấy cũng giúp cho rất nhiều người hiểu thêm một câu hát trong một bài hát khá nổi tiếng, khá quen thuộc mà lâu nay họ vẫn hát nhưng chưa hề hiểu hết… Câu chuyện chiếc nóp Nam bộ cùng với bài ca dao được lồng ghép trong tiểu phẩm còn giúp cho những khán giả trẻ này hiểu được nhiều hơn mảnh đất mình đang sống, sự năng động, truyền thống vượt khó của những người dân Nam bộ v.v… Hoặc trong nội dung chương trình tuần qua, dù câu hỏi là một chi tiết lịch sử không khó, đó là Hội nghị Diên Hồng – một cuộc họp được xem là Quốc dân đại hội đầu tiên trong lịch sử nhưng với tình huống hai cụ già về hưu bàn về chuyện Quốc hội của chúng ta hiện nay tổ chức trực tiếp truyền hình hầu hết các phiên họp cho toàn dân, toàn thế giới biết…, bức thông điệp mà những nhà tổ chức muốn gửi đến cho nhiều tầng lớp khán giả cùng suy nghĩ, cùng cảm nhận, đó là đời sống dân chủ của chúng ta đang ngày càng nâng cao, bài học “dựa vào dân” từ trong di sản cha ông vẫn còn có ý nghĩa thời sự sâu sắc. Ngày xưa “thế nước yếu nên hòa hay nên chiến? Cha ông đồng lòng: quyết chiến vì không chấp nhận nỗi nhục ngoại xâm”, ngày nay, trước nỗi nhục nghèo khó, cả nước, đặc biệt là giới trẻ cần phát huy truyền thống quyết chiến của Hội nghị Diên Hồng để cùng nhau chống đói nghèo, xây dựng xã hội phồn vinh.


Image


Từ những ý tưởng tổ chức sản xuất chương trình như thế, chúng tôi hy vọng những cách giáo dục truyền thống thông qua các hình thức nhẹ nhàng ấy sẽ khắc sâu được trong lòng khán giả những hiểu biết, những niềm tự hào, và từ đó, kích thích được tinh thần hành động, sáng tạo, cống hiến.


 Image


Tất nhiên, giữa mong muốn và việc tổ chức thực hiện là một khoảng cách không phải lúc nào cũng vượt qua được. Trong 80 chương trình đã phát sóng, chúng tôi đã nhận được sự khen ngợi cũng như sự chê trách, đóng góp trên công luận, qua thư – điện thoại và góp ý trực tiếp khá nhiều. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những sự đóng góp quý báu ấy. Nhân đây, cho phép tôi được nói thêm về những khó khăn trong quá trình thực hiện để quý đại biểu có cái nhìn chia sẻ.  


Để thực hiện được ý đồ xây dựng một sơ-ri chương trình phát sóng đạt những yêu cầu về mặt nghệ thuật và nội dung tuyên truyền như thế cần có những kịch bản hay. Vấn đề tìm hiểu kiến thức lịch sử – văn hóa có khá nhiều kênh để tiếp cận và không có gì khó khăn để tìm kiếm những ngân hàng câu hỏi hay thậm chí cho hàng ngày chứ không phải hàng tuần, nhưng, để tạo ra được những tình huống hay, thu hút sự quan tâm của khán giả hoàn toàn không dễ. Số người viết được kịch bản cho chương trình ở Đồng Nai không nhiều, và không phải kịch bản nào cũng có thể sử dụng được vì nhiều yếu tố. Thiếu kịch bản hay là khó khăn đầu tiên của chúng tôi. Thế nhưng có kịch bản hay mà yêu cầu kịch bản quá khó thực hiện thì cũng là một khó khăn nữa. Mặt khác, để chọc cười một người đã khó, duy trì yếu tố hài nhẹ nhàng cho tất cả tình huống “Từ trong di sản” cả năm càng khó hơn.


Image


Việc thu hình các video clip cho chương trình “Từ trong di sản” được thực hiện chủ yếu là ngoài trời theo công nghệ thu tiếng trực tiếp và chỉ ghi hình bằng một camera để giảm chi phí và áp lực máy móc trong điều kiện khó khăn của Đài cũng đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng các chương trình. Mặt khác, các diễn viên – dù nổi tiếng – cũng không thể nhanh chóng hiểu được ý đồ kịch bản để lột tả nội dung truyền tải trong khi đó, Đài phải thu hình cuốn chiếu. Một diễn viên từ thành phố HCM hay ở Hà Nội được mời thu hình phải chuẩn bị cho họ ít nhất 4 tình huống (mới trang trải phù hợp chi phí diễn viên) nhưng có khi quá trình thu hình ngoài trời gặp khó khăn do mưa, do bị người dân ồn ào, quấy rầy, làm lọt tiếng v.v… (vì thu tiếng trực tiếp) nên phải bỏ. Nhiều chương trình đang phát sóng hiện nay đã được thu cách đây 7 tháng (vì để tránh tình trạng một gương mặt diễn viên xuất hiện quá nhiều trên sóng). Và như thế, có những tình huống chất lượng còn kém vì lúc ấy, ê kíp sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm. Diễn viên tham gia chương trình “Từ trong di sản” phần lớn là diễn viên sân khấu và sân khấu hài, vì các diễn viên điện ảnh rất yếu kỹ năng thoại (lời thoại của họ trên phim do người khác lồng tiếng) trong khi đó, mô hình sản xuất của Đài là thu tiếng trực tiếp vì thế, trong một số ít video clip thu trước đây, có một số diễn viên đã thiên về diễn … cương kiểu sân khấu nên gây phản cảm trong khán giả.


Để làm những video clip như thế, Đài Truyền hình Việt Nam thường phải huy động xe truyền hình lưu động và 1 ê-kíp gồm ít nhất 40 người trong khi Đài Đồng Nai có khi chỉ thu hình với đúng… 2 người đảm nhiệm từ khâu lo kịch bản, chỉ đạo diễn xuất, ghi hình, ghi âm, ánh sáng, liên hệ hiện trường, hóa trang, dựng cảnh… Nếu quý vị để ý, hầu như kịch bản chương trình rất ít khi nào tạo những tình huống có trên 2 diễn viên, đồng thời, trong nhiều chương trình, chúng tôi phải “độn” diễn viên “cây nhà lá vườn” để chi phí cho chương trình thấp hơn…!


Mỗi chương trình, chi phí cho giải thưởng tương đương 5 triệu đồng và chi phí cho sản xuất, phát sóng đều được sử dụng từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, nguồn thu nhỏ (khoảng 1,5 triệu) từ việc chia tỷ lệ cước điện thoại của một Cty viễn thông.


Từ khi ra đời đến nay, theo thống kê, chương trình đã thu hút trên 800.000 lượt khán giả tham gia dự thi. Trung bình hàng tuần có hơn 10.000 lượt người. Khảo sát trong cơ sở dữ liệu do ngành bưu điện cung cấp (qua các số cố định) thì khán giả tham gia dự thi rải đều trong các tỉnh miền Đông, thành phố HCM và nhiều tỉnh miền Tây như Long An, Bến Tre, Tiền Giang.


Với “Từ trong di sản”, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai đã bước đầu tập dượt, tìm kiếm hình thức sản xuất chương trình truyền hình giải trí theo với công nghệ sitcom (với nỗ lực tiết kiệm vật tư máy móc, chi phí sản xuất), tập dợt cho việc làm phim truyện truyền hình và tiến đến ứng dụng công nghệ làm “truyền hình giá rẻ”!


 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ