Thứ Ba, 10 tháng 10, 2006

LITERATURE COMMENTATION




“Cõi người rung chuông tận thế” - NHÌN TỪ VÀI CON SỐ THỐNG KÊ

Về tiểu thuyết “Cõi người rung chuông tận thế” ([1]) đã có nhiều bài phê bình tiếp cận ở những góc độ thi pháp tiểu thuyết hiện đại, bài viết này không có phát hiện gì mới ngoài một vài thống kê nhằm minh họa thêm và bày tỏ sự đồng tình hoặc không đồng tình với những ý kiến phê bình trong phần “Dư luận”

“Cõi người rung chuông tận thế” là một tiểu thuyết hấp dẫn người đọc. Đọc liền một mạch. Sức hấp dẫn của nó không phải do tính chất “vụ án” của cốt truyện. Sức hấp dẫn của nó cũng không chỉ là vấn đề đặt ra trong tác phẩm: Tình yêu cuộc sống, lòng căm ghét cái ác vốn là cảm hứng chủ đạo. Sức hấp dẫn của nó cũng không chỉ do tiểu thuyết được viết một cách công phu, chuyên nghiệp… Thật khó có thể lý giải một cách đầy đủ điều đó, càng không thể cộng gộp các yếu tố tư tưởng chủ đề, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng nhân vật, điểm nhìn tiểu thuyết, giọng điệu để giải thích. Bởi nếu phân tích đầy đủ, những điều đó không mới: chủ đề tư tưởng đậm màu sắc Phật giáo và tín ngưỡng dân gian; việc sử dụng yếu tố huyền thoại trong tác phẩm như một thủ pháp phản ánh hiện thực… ; kết cấu tiểu thuyết là kết cấu “có hậu”, hình tượng nhân vật mang đậm ý nghĩa biểu trưng v.v….

Dung lượng không lớn nhưng “Cõi người rung chuông tận thế” “dồn nén” một mảng hiện thực rộng: quá khứ và hiện tại, cái thiện và cái ác; cái cao thượng và cái thấp hèn; hiện thực và huyền ảo; truyền thống và hiện đại; bảo thủ và hội nhập; thời bao cấp và thời kinh tế thị trường; sự hy sinh và sự sa đọa, thác lọan, hưởng thụ; hận thù và tình yêu, v.v… Ở đó, ta bắt gặt những chi tiết cảm động về cuộc sống của những nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh chống Mỹ; ta bắt gặp sự sa đọa của những thanh niên thời mở cửa; quá trình “giàu ngang” của một lớp cán bộ “thức thời”, ta bắt gặp hình ảnh của những người nông dân thời đô thị hóa v.v….

Rất chi tiết mà cũng rất biểu tượng. Những nhân vật đại diện cho cái ác trong tiểu thuyết hầu hết có cái tên nghe rất “trắc”: Cốc, Phũ, Bóp, Thế… ngay cả những nhân vật không tên cũng được gọi bằng những đại từ nhân xưng vần trắc: gã ([2]), hắn, nó, thị. Trong khi đó, những nhân vật đại diện cho cái đẹp, cái cao thượng, cái thiện được tác giả trìu mến đặt cho những cái tên vần bằng: Miên, Giềng, Hoa, Hùng, Duy, Mai Trừng, Đông. Nhân vật Đông – nhân vật xưng “tôi” (lại là một đại từ thanh bằng!) là một người bị sa ngã và đồng phạm với cái ác. Nhưng phần chủ yếu của tiểu thuyết là hành trình sám hối, hành trình hướng thiện của nhân vật xưng tôi, góp phần làm nên “tiếng chuông cảnh báo” của tác giả.

Tính biểu tượng của hai mặt đối lập dường như được thể hiện trong cấu trúc ngữ pháp của tiểu thuyết. Hầu như không trang nào của tiểu thuyết mà không tìm thấy những dạng câu có sự đối xứng: “Đàn bà lúc nào cũng có thể nhưng không phải lúc nào cũng muốn. Đàn ông lúc nào cũng muốn nhưng không phải lúc nào cũng có thể” (trang 21); “Xác Bắc đưa vào Nam. Xác Nam đưa ra Bắc” (trang 100); “Mọi nỗi đau đều được thời gian xoa dịu. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được”(trang 100); “Hận thù kéo theo một chuỗi hận thù. Cái chết đòi trả bằng cái chết” (trang 107); “Phũ nói khi hai chú cháu đã lướt đi trên đường phố. Khô khan và lạnh lùng. Đơn giản và dứt khoát”(trang 71). Tính đối xứng trong văn “Cõi người rung chuông tận thế” không chỉ ở cấp độ cấu trúc câu, mà còn thể hiện ở những điệp ngữ, điệp từ ở dạng tiểu đối: “Quán xá đáng ngờ. Khách khứa đáng ngờ. Nước nôi giải khát đáng ngờ” (trang 69); “Những bà cốp ông cộp còn đang thấp thỏm leo cao, những túi lớn ví lớn còn muốn căng phồng hơn nữa, những mối tình lớn tình bé còn muốn thoả thuê hơn nữa” (trang 78); “Qua những đường phố tối. Qua những tiệm cà phê cố tình để tối. Qua những đám người cũng tăm tối đứng ngồi trong tiệm” (trang 82); “Giống như cái bánh xe thời gian. Giống như cái bánh xe luân hồi” (trang 168)… “Dễ thương như chàng trai Nam bộ đang cười rộ lên trước những con rối hiếu động nghịch nước. Dễ thương như lúc Duy dắt tay cô, đi vòng ra sau sân khấu…” (5 câu bắt đầu bằng cụm “dễ thương” - trang 223); “Trên hòn cù lao này cô là chủ. Trên con tàu này cô là thuyền trưởng” (trang 130); “Anh Thế nghĩ vậy. Tôi nghĩ vậy. Nhiều người nghĩ vậy”. (trang 137); “Cha lập công ty của cha, mẹ lập công ty của mẹ, con lập công ty của con. Úm ba la, ba ta đều là giám đốc” (trang 147); “Không nói nhiều. Không giải thích. Bao nhiêu lần tôi đã đi như vậy. Anh Thế không hỏi gì. Nhưng tôi thấy một ánh thảng thốt trong mắt anh. Anh vốn có gương mặt chính khách. Không một chút xao động. Không một chút biểu cảm. Càng không bao giờ lộ vẻ vui mừng, giận giữ, lo âu. Thảng thốt lại càng không” (trang 193)

Phổ biến trong hình thức điệp ngữ là các dạng câu có lặp lại chủ ngữ: “Biển xanh ngắt sự sống. Biển bao la hồn nhiên. Biển thản nhiên chứng kiến mọi giông tố, chứng kiến những con tầu xuẩn ngốc trầm mình xuống đáy nước, chứng kiến những con tàu bé nhỏ mà hiên ngang rẽ nước” (trang 43); Có thể ngày mai tôi sẽ gặp được Mai Trừng. Có thể ngày mai tôi sẽ phải xưng tội. (trang 200); “Dường như cảm thấy nó là người quen. Dường như cảm thấy nó vô hại” (trang 202);

Cấu trúc câu bắt đầu bằng đại từ nhân xưng “tôi” chiếm một tỷ lệ cao trong tác phẩm: trong số gần 3.800 câu của tiểu thuyết, có đến 248 mở đầu bằng chữ “tôi”. Phần lớn là câu đơn, 28 câu mở đầu bằng “gã”, 28 câu mở đầu bằng “Thế”, tên một nhân vật. Tần suất xuất hiện khá cao dạng câu có mô hình như thế cho thấy tác giả có ý thức “dồn nén” rất rõ trong kể chuyện: “Bác Miên lại không nhận ra điều đó. Bác tin người. Bác không nghĩ xấu về con người. Bác thậm chí đã đi thăm ông điện cấm khẩu. Bác thậm chí còn mang dầu cao và cam chuối sang cho bốn gã nhà bên” (trang 218); “Họ tin mù quáng vào lòng tốt của con người. Họ khăng khăng tin rằng nhân chi sơ tính bản thiện. Họ tin rằng người xấu hoàn toàn có thể cảm hóa được. Họ tin rằng đức hạnh có thể đạt được thông qua sự giáo dục theo kiểu bưng bít, chứ không phải là đối thoại công khai” (trang 188)

Điệp ngữ tạo ra nhạc điệu, tạo ra sự cân xứng và góp phần thể hiện những cặp biểu trưng đối xứng (thiện – ác, tình yêu – hận thù…) trong tiểu thuyết. Có thể thấy rõ điều này qua cách dùng thành ngữ, tục ngữ trong “Cõi người rung chuông tận thế”. Bản thân thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vốn có sự đối xứng về vần điệu, thanh điệu, cấu trúc. Trong toàn bộ tiểu thuyết này, có thể tìm thấy tác giả sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ như thế:

"Ban nhạc ế khách ở Sài Gòn thành món cũ người mới ta với công chúng phổ thông ở thủ đô”(trang 13); Phần đời thuyền trưởng viễn dương trăm bến đỗ ngàn bến tình đã qua, tôi chưa thấy một thiếu nữ nào như thế” (trang 21); Trong mọi tình huống nước sôi lửa bỏng, Thế luôn là người lạnh, bình tĩnh, sáng suốt. Đường đi nước bước sáng, cắt đặt công việc gọn. (trang 33); Chết trẻ khoẻ ma, chết già ma lọm khọm. Người ta vẫn sợ những hồn ma trẻ đầy ẩn ức trở về quấy quả. (trang 40); Đám trai thanh nữ tú làm mặt nghiêm khi cùng cô lầm rầm khấn vái. (trang 63); Lo nhiều thì đâm ra mê tín, thôi thì vái cả bốn phương tám hướng, có thờ có thiêng có kiêng có lành. (trang 77)…

Trong “Cõi người rung chuông tận thế”, Hồ Anh Thái đã sử dụng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái đã có một xét rất tinh tế: “Thoạt đầu, có vẻ như cuốn tiểu thuyết được viết với một tinh thần duy lý, phảng phất "dòng ý thức" của tư duy tiểu thuyết Phương Tây. Càng đọc, càng thấy chất Phương Tây duy lý đi dần, dịch chuyển tinh tế về phía của Phương Đông đẫm đầy tình cảm”. Xét ở góc độ ngôn ngữ tiểu thuyết, mới thoạt đọc, có cảm giác đây là ngôn ngữ sự kiện, văn phong thông tấn, nhưng càng về sau, càng thấy văn chương của Hồ Anh Thái thấm đẫm chất phương Đông, hồn văn hóa dân tộc. Lời ăn tiếng nói dân gian đi vào văn chương một cách tự nhiên: “Đó là lần đầu tiên tôi mơ hồ cảm thấy cái thằng lạnh tanh máu cá ấy có một khoái cảm lạ lùng” (trang 50); “Mấy anh chàng mặt hoa da phấn đang nắn bóp chí choé mấy cô nàng hơ hớ mời mọc” (trang 63); “Mùng năm Tết năm nay, hai chú cháu ngứa chân sục vào Hội Gò Đống Đa. Mùng năm, mười bốn, hăm ba - Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn” (trang 72); “Dao sắc không gọt được chuôi, sau này anh chẳng định hướng được gì cho thằng Phũ” (trang 112); “Tôi dần dần yên phận với ngôi trường theo kiểu lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”(trang 120); “Học cũng bữa đực bữa cái, chữ được chữ mất, học đến năm lớp bảy thì phải nghỉ luôn vì mẹ mất” (trang 130); “Công ty trách nhiệm hữu hạn mọc lên như nấm. Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn cũng đội đất chui lên như rươi” (trang 147); “Gậy ông lại đập lưng ông. Kẻ chơi dao sẽ chết vì dao. Với một người như Mai Trừng thì những chuyện như thế là có thật” (trang 161); “Hắn thầm tiếc rẻ. Hắn thầm tự an ủi cơm không ăn gạo còn đó” (trang 153); “Chị xin lạy sống em, chị biết tội của chị rồi, ác giả ác báo, từ nay chị không dám làm gì xấu cho em nữa, em hãy rộng lòng tha thứ” (trang 159); “Nhà dột từ nóc dột xuống. Gã uất vì dòng giống mình nảy nòi ra một thứ ngợm vô luân như thế” (trang 166); “Nhân nào quả ấy, em gieo gió thì phải gặt bão. Thằng Phũ và hai đứa bạn nó cũng vậy thôi” (trang 192)… ([3])

Có khi Hồ Anh Thái sử dụng “chất liệu” dân gian để diễn đạt: “Khoảng thời gian kéo dài vờn nghịch khi con mèo đã chộp được một con chuột nhưng chưa vội hóa kiếp cho nó” (trang 149); “Hắn phải gồng mình lên, hắn phải vận hết lý trí để ghìm cái con ngựa chỉ chực tuột dây cương trong người hắn” (trang 156).

Chất dân gian trong ngôn ngữ tiểu thuyết “Cõi người rung chuông tận thế” còn thể hiện ở những trang miêu tả về lễ xóa tội vong nhân tuyệt hay, ở những chuyện tiếu lâm, những khẩu hiệu thời chiến tranh: "tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành", "có nhà máy cháo, có lò đúc muôi" (trang 178); “đi không dấu, nấu không khói, nói không gây ồn” (trang 176); “cầu tõm”; Nó là sản phẩm tiếu lâm đầy mầu sắc lính tráng, một món ăn tinh thần phù hợp với lính tráng, là thứ chuyện từ lính, do lính và vì lính. (trang 177)

Có bài phê bình cho rằng “Văn của Thái không có độ du dương của tiếng Việt. Tác giả không thích không chú trọng điều này” ([4]). Chúng tôi không đồng tình như thế. Có lẽ cái tiết tấu nhanh của mạch sự kiện và các dạng câu đơn, chặt nhát đã làm cho người đọc cảm giác tiểu thuyết “Cõi người rung chuông tận thế” mang hơi hướng thông tấn. Song ngay cả khi miêu tả với tiết tấu nhanh, Hồ Anh Thái cũng tỏ ra rất ý thức về nhạc điệu: “Anh Thế ở đầu dây bên kia. Chú Đông đấy à, chuyện xong rồi, có gì đâu. Con bé kia ấy à, chân phải được bó bột rồi, nằm vài ba tháng, có gì đâu. Thằng Phũ nhà mình ấy à, xe về rồi người về rồi, có gì đâu. Có gì đâu, có gì đâu, mọi chuyện đối với anh Thế đều chỉ là có gì đâu” (trang 87)

Lý thuyết thi pháp chỉ ra rằng ngôn từ nghệ thuật dựa vào nguyên tắc thủ tiêu đặc trưng trực tiếp của ngữ cảnh. Nó chỉ có ngữ cảnh nội tại của chính nó. Ở “Cõi người rung chuông tận thế”, khó phân biệt lời gián tiếp và lời trực tiếp. Theo thói thông thường, lời trực tiếp được đặt trong ngoặc kép hoặc sau dấu gạch đầu dòng còn lời gián tiếp là lời của người trần thuật, người kể chuyện nhằm giới thiệu, miêu tả, bình luận. Nhưng toàn bộ tiểu thuyết này chỉ có 7 cặp dấu ngoặc kép nhưng nó không phục vụ cho việc trích dẫn lời nhân vật. Giọng kể của nhân vật tôi vừa đảm nhiệm chức năng trần thuật vừa miêu tả tâm lý và tư tưởng của nhân vật. Thủ pháp này sử dụng triệt để trong tiểu thuyết: Sau bữa tiệc, thằng Bóp nháy tôi. Yến rởm đấy mà. Anh Thế giật thót. Có ngày mày giết tao. Bóp vẫn thản nhiên. Kìa chú, người nấu không biết, người ăn không biết, thế thì nó là yến chính hiệu” (trang 48); “Tay nó cầm một chai cognac. Tay kia một gói giấy. Định lên phòng chú đây. Phòng cho thuê mất rồi. Thế thì xuống phòng thằng Phũ vậy. Chúng tôi đi vào văn phòng quản trị” (trang 45). Với bản lĩnh và khả năng làm chủ kỹ thuật của mình, Hồ Anh Thái đã khai thác khá thành công thủ pháp này, để xây dựng được hình tượng nghệ thuật, vượt ngoài “lòng văn bản”, khai thác hiệu quả tính cách phi vật thể trong hình tượng nghệ thuật ngôn từ: “Giữa những đợt ho không sao dứt được là những tiếng "không" như nấc lên. Cô ký đi. Không. Ký vào. Không. Ký. Không. Có ký không thì bảo. Không (trang 135)”.

“Cõi người rung chuông tận thế” là một tiểu thuyết minh chứng hùng hồn cho luận điểm của nhà văn Nga Lêônôv: Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung.

Là một nhà ngoại giao, Hồ Anh Thái rất giỏi tiếng Anh, thế nhưng so với nhiều tiểu thuyết viết về đề tài hiện đại của nhiều nhà văn trẻ hiện nay, “Cõi người rung chuông tận thế” là tiểu thuyết không bị nhà văn “khoe” vốn tiếng Anh (Cả cuốn tiểu thuyết chỉ 9 lần sử dụng những từ và cụm từ nguyên văn tiếng Anh, nhưng trong đó đã có 4 từ và cụm từ là tên riêng!). Trái lại, nhà văn hết sức ý thức khi dùng những từ tiếng Anh nhằm xây dựng hình tượng nghệ thuật: “Ông khai xong rồi mới có người bạn giải thích cho cái tiếng Anh tại chức của ông: Sex ở đây không có nghĩa là tình dục, ông đã quá hoảng hốt mà vội "không" vào mục giới tính (trang 10). Tác giả không bao giờ đánh đố người đọc dốt ngoại ngữ: “Ngay từ đầu, anh đã cân nhắc và đặt tên khách sạn là The Apocalypse, chứ không phải là Apocalypse Now. - Chiết tự thì The Apocalypse có nghĩa là Khải Huyền, khúc cuối cùng trong Kinh Thánh Tân ước, kể về việc Thánh John báo trước cho đồ đệ về ngày tận thế...” hoặc: “Nhanh chóng thích nghi và xu thời là đặc điểm của homo sapiens, của giống người hiện đại”. Ngay cả khi nhà văn phiên âm một từ mà anh hoàn toàn có thể viết bằng nguyên văn tiếng Anh, anh cũng thể hiện ý đồ xây dựng tính cách nhân vật thông qua cách nhại giọng: “Hễ có tước hiệu ấy là có quyền buông chữ ký giun dế, đóng dấu để xin kâu ta ([5]) nhập xe, nhập thiết bị văn phòng, nhập hàng” (trang 147). “Lần khác thị xin được từ phòng thí nghiệm một lọ nhỏ axít sunphuric nồng độ cao” (trang 154).

Không lạm dụng tiếng nước ngoài cũng là một thái độ bảo vệ cái hồn Việt Nam trong tiểu thuyết. “Dù anh có đổi giọng đến thế nào thì vẫn là trên cái nền tảng văn hóa của anh, trên tầm nhìn của anh vào thế giới và nhân sinh mà thôi” ([6]), Hồ Anh Thái đã từng tâm sự như thế. Và với “Cõi người rung chuông tận thế”, Hồ Anh Thái đã thể hiện được rõ nét cái giọng điệu rất riêng. Giọng điệu ấy được tổ chức rất chuyên nghiệp trong một hệ thống hoàn chỉnh của tác phẩm, từ kết cấu đến các hình tượng nghệ thuật…

Dù cố gắng lượng hóa những yếu tố vật chất của tác phẩm theo hướng nào, chúng ta cũng đành bất lực khi giải mã được hết những thông điệp nghệ thuật từ tác phẩm, bởi cuộc đời đâu lúc nào cũng đối xứng, cũng chỉ là những biểu trưng, hoặc trắng đen rạch ròi cho ta chọn lựa…

Xin mượn lời của tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái để kết thúc bài viết tản mạn này: “nhà văn Hồ Anh Thái đã rung được một hồi chuông cảnh báo, để con người hãy tránh xa cái ác như tránh xa ngày tận thế. Tránh xa cái ác, có thể chỉ bằng cách đến với cái Đẹp, như ai đó đã nói: Cái Đẹp sẽ cứu chuộc thế giới. Vì vậy, mặc dù viết về cái ác, thanh điệu chủ đạo nhất trong thuyết vẫn là thanh điệu tình cảm, hay gọi là giọng điệu tình cảm. Cho nên, gấp cuốn sách lại ta thấy lòng bằng an”.

Biên Hòa, 25 – 5 - 2004

PHAN VĂN TÚ (Bài đã in trong sách "Phê bình văn học - nghệ thuật trên báo chí")


([1]) Cõi người rung chuông tận thế – tác phẩm và dư luận - tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, NXB Đà Nẵng 2003, in lần thứ 2

([2]) “Gã máy trưởng đang thong thả đi qua trước những bức tranh vẽ biển. Gã gặp lại những trạng thái biển khác nhau mà gã từng chứng kiến. Gã gặp lại những bức tranh đã từng xem trong phòng tôi ở trên tàu. Gã như gặp lại những người bạn cũ. Gã bảo gã nóng lòng muốn gặp lại tôi ngay, cho nên đã tàu nhanh cho xong. Không ngờ ở đây lại có một căn phòng giống như trên tàu vậy. Gã ôn lại chuyện cũ, ngày ấy khi tàu đắm, chỉ có tôi và gã sống sót. Gã bị dạt sang một hòn đảo khác. ở đó gã chẳng được ai cứu, chẳng có gì để ăn. May cho gã là hai ngày sau có một chiếc tàu lớn đi qua đảo. Người ta nhìn thấy gã cởi áo vẫy rối rít, bèn cho xuồng vào đón rồi đưa gã về Hải Phòng. Gã về nhà, bắt tận mặt vợ và con gái đang nuôi béo hai thằng đĩ đực xấp xỉ tuổi nhau, mỗi cặp ở một phòng, ra vào đụng mặt nhau tự nhiên như không. Gã vác dao đuổi chém hai thằng kia chạy tan tác. Gã đuổi chém mụ vợ. Căm hờn gấp bội vì gã tin rằng chính sự thập thành của mụ đã làm biển nổi giận, nhấn chìm con tàu và dìm chết đồng nghiệp của gã. Gã đuổi chém con gái. Nhà dột từ nóc dột xuống. Gã uất vì dòng giống mình nảy nòi ra một thứ ngợm vô luân như thế…. (Sđd, trang 142)

([3]) Mắt tròn mắt dẹt (trang 151); lịm tim choáng đầu (trang 91); bỏ của chạy lấy người. (trang 35); anh đi đường anh tôi đi đường tôi, có trước có sau; đem con bỏ chợ (trang 148); Như ong vỡ tổ (trang 197); Trắng mắt ra (trang 198); đầu tắt mặt tối (trang 205); Cờ đến tay thì phất (trang 184); năm lần bảy lượt (trang 202); trăm phát trăm trúng (trang 214); sùng sục như trâu húc mả (trang 214); Giận cá chém thớt (trang 245); chín bỏ làm mười; ăn trắng mặc trơn; cầu được ước thấy, ăn nên làm ra - Một vốn bốn trăm lời. (trang 247)…

([4]) Lê Minh Khuê – sđd, trang 283

([5]) Quota: chỉ tiêu, hạn ngạch

([6]) Trả lời phỏng vấn báo Người lao động, sđd, trang 259

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ