Thứ Ba, 10 tháng 10, 2006

ABOUT ONLINE NEWSPAPER




Chín năm hình thành và phát triển báo trực tuyến ở Việt Nam

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Ngày 5/3/1997, Nghị định số 21/CP của Chính phủ ban hành quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập và sử dụng mạng Internet ở Việt Nam ra đời. Với sự chỉ đạo của Ban điều phối Internet quốc gia, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa mạng Internet quốc tế và từ ngày 1/12/1997 chính thức cung cấp dịch vụ Internet cho các thuê bao có yêu cầu. Cũng vào thời điểm đó, tờ báo đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu là tạp chí Quê hương ([1]) . Từ điểm mốc này, 9 năm qua, báo chí phát hành trên mạng ở Việt Nam đã có sự phát triển như vũ bão về quy mô và phương thức hoạt động, có sự đóng góp to lớn trong công tác tuyên truyền đường lối đối ngoại, công cuộc đổi mới, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội... và hình thành nên một loại hình báo chí mới ở Việt Nam.

So với sự ra đời của internet và tờ báo trực tuyến đầu tiên trên thế giới (1983) thì loại hình báo chí này xuất hiện ở Việt Nam chậm hơn và 9 năm chưa phải là chặng đường dài so với lịch sử của các loại hình báo in, báo nói, báo hình song tốc độ phát triển của nó lại quá nhanh và các vấn đề liên quan đến loại hình báo chí mới mẻ này hết sức phong phú, đa dạng nhìn từ góc độ lịch  sử báo chí. Nghiên cứu quá trình hình thành, những đặc điểm có tính quy luật trong sự phát triển của báo chí trực tuyến ở Việt Nam là vấn đề mới, có sức hấp dẫn và có ý nghĩa nghiệp vụ. Tuy nhiên đây là vấn đề khó và là vấn đề chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều.

Trong phạm vi tiểu luận này, người viết xin cố gắng miêu tả một cách khái quát bức tranh toàn cảnh của báo chí trực tuyến ở Việt Nam sau 9 năm hình thành và phát triển: những đóng góp, hạn chế, tác động của báo trực tuyến đến đời sống báo chí và những vấn đề nghiệp vụ báo chí của loại hình báo chí mới này…

Cũng xin nói thêm, ở Việt Nam, tên gọi loại hình báo chí phát hành trên mạng internet chưa thống nhất. Có người gọi đó là báo mạng (trong tương quan với cách dùng báo in, báo nói, báo hình…). Phổ biến nhất là khái niệm "báo điện tử"  (thoạt đầu, đó là tên gọi những phiên bản của tờ báo in phát hành trên mạng như Lao động điện tử, Nhân dân điện tử...). Và còn có nhiều tên gọi khác ít phổ biến hơn như “báo Internet”, “báo online” hay “báo trực tuyến” ([2])... Trong tiểu luận này, người viết xin được sử dụng khái niệm “báo trực tuyến” vì những lý do sau:

- Thuật ngữ “điện tử” không làm rõ đặc điểm của báo phát hành trên mạng như thuật ngữ “trực tuyến”. Theo định nghĩa của các từ điển tin học, khái niệm “trực tuyến” hiểu theo nghĩa phổ biến nhất dùng để chỉ trạng thái của một máy tính khi đã kết nối với mạng máy tính và sẵn sàng hoạt động ([3]). Để đọc được báo, người đọc phải có một máy tính có khả năng kết nối vào mạng và ở trạng thái “trực tuyến”.

- Thuật ngữ “trực tuyến” vốn được sử dụng đầu tiên ở Mỹ – quê hương của Internet và đã trở thành một thuật ngữ quốc tế.

- Thuật ngữ “trực tuyến” hiện được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông để chỉ các khái niệm có cùng đặc điểm như: “xuất bản trực tuyến” (online publishing); “phương tiện truyền thông trực tuyến” (online media); “nhà báo hoạt động trong lĩnh vực báo trực tuyến” (online journalist); “báo chí học trực tuyến” (online journalism); “Phát thanh trực tuyến” (online Radio); “Truyền hình trực tuyến” (online Television)...

- Khái niệm “điện tử” có ý nghĩa khác với khái niệm “trực tuyến”. Ví dụ thuật ngữ “electronic publishing” (xuất bản điện tử) dùng để chỉ hình thức lưu trữ thông tin dưới nhiều chất liệu khác nhau như: giấy, băng từ, phim, đĩa CD... Riêng ở Việt Nam, khái niệm “báo điện tử” một thời gian được sử dụng để chỉ phát thanh và truyền hình.

II. SRA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BÁO TRỰC TUYẾN – BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA ĐỜI SỐNG BÁO CHÍ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Internet là mạng thông tin toàn cầu, hình thành trên cơ sở kết nối các máy tính điện tử, cho phép liên kết con người lại bằng thông tin và kết nối nguồn tri thức đã tích lũy được của toàn nhân loại trong một mạng lưu thông thống nhất. Quy mô, phạm vi ảnh hưởng của thông tin trên mạng Internet rộng lớn hơn nhiều so với các phương tiện thông tin thông thường khác. Với Internet, mọi người có khả năng và điều kiện rất thuận lợi trong việc tiếp cận trực tiếp với các nguồn thông tin.

Theo một thống kê trong “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THÔNG TIN  ĐẾN NĂM 2010” (Ban hành kèm theo Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ), thì “trong những năm qua, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng viễn thông Internet cao nhất trong khu vực ASEAN với tốc độ bình quân là 32,5% năm. Hiện đã có 6 nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP), khoảng 20 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), hơn 50 nhà cung cấp thông tin (ICP) và báo điện tử trên Internet, có khoảng 2.500 trang tin điện tử (website) đang hoạt động. Người sử dụng có thể truy cập Internet gián tiếp qua mạng điện thoại cố định tại tất cả 64 tỉnh, thành phố trong cả nước với hình thức dịch vụ rất đa dạng: Internet trả trước, Internet trả sau, các dịch vụ truy cập Internet qua mạng điện thoại di động”. Và theo thống kê của báo trực tuyến VietnamNet, đến giữa năm 2006, ở nước ta đã có “9 triệu người sử dụng Internet, và Việt Nam  được đánh giá là một trong những nơi có mức tăng trưởng Internet cao nhất thế giới”.

Thông tin trên Internet hết sức đa dạng và phong phú, song trong số hàng ngàn website ra đời ở Việt Nam 9 năm qua, chỉ có một tỷ lệ nhỏ những website được xem là báo trực tuyến. Tất nhiên tiêu chí để coi một trang web là tờ báo trực tuyến cũng còn nhiều tranh cãi và trong thực tế, nhiều trang web có ranh giới mập mờ giữa một tờ báo và là website nội bộ của một đơn vị, địa phương, trường học hoặc thậm chí, một cá nhân v.v…

Cách hiểu thông dụng trước đây là coi bản phát hành trên mạng của một tờ báo in là báo trực tuyến. Ví dụ: laodong.com.vn; nhandan.com.vn... Nhưng, ở Việt Nam hiện đã có rất nhiều tờ báo trực tuyến độc lập với báo in (về mặt tổ chức, nhân sự, tài chính...), thậm chí còn có nhiều tờ báo trực tuyến độc lập hoàn toàn (không có bản in tương ứng) như VNExpress chẳng hạn. Hoặc cũng đã có nhiều đài phát thanh, truyền hình trên mạng không hề có một trạm thu phát sóng mặt đất nào. Nhiều ý kiến cho rằng có thể dựa vào tiêu chí “cơ quan chủ quản”, “tần suất cập nhập” của website đó để có thể xếp website đó là báo trực tuyến hay không. Trong phạm vi tiểu luận này, người viết xin đưa ra cách hiểu về báo trực tuyến như sau: Báo trực tuyến là báo chí phát hành trên mạng mà chủ thể của nội dung thông tin phải là các tổ chức được phép hoạt động như một cơ quan báo chí theo luật báo chí hiện hành. Website đó được phép của Bộ Văn hóa – thông tin cho hoạt động như một “tờ báo điện tử”, nội dung thông tin của nó phải được truyền bá tới đông đảo công chúng, bất kỳ ai sử dụng mạng Internet đều có thể truy cập được và thông tin phải được cập nhật định kỳ.

Với cách hiểu như trên thì hiện nay Việt Nam có khoảng 50 tờ báo trực tuyến. Hầu hết các tờ báo in của các ngành, đoàn thể, địa phương, các Đài phát thanh – truyền hình trong nước đều có “trang tin điện tử” (chữ dùng của Bộ Văn hóa – Thông tin). Số lượng báo trực tuyến ở Việt Nam có tốc độ cập nhật cao, có sức thu hút “độc giả” ([4]) cao ở Việt Nam chưa phải nhiều tuy nhiên, những tờ báo trực tuyến thành công đã có thể sánh ngang với nhiều tờ báo lớn trên thế giới.

Tháng 6 - 2006 vừa qua, tờ báo trực tuyến VnExpress của Việt Nam đã lọt vào top 300 website có nhiều người đọc nhất toàn cầu, sánh vai cùng nhiều trang web thông tin nổi tiếng thế giới. Theo TS Thang Đức Thắng – Tổng biên tập VnExpress – tờ báo này có đến 1,5 triệu độc giả hằng ngày trong và ngoài nước. 292 là vị trí của VnExpress trong bảng Global Top 500 Sites. Với vị trí này, VnExpress đã sánh vai cùng nhiều báo trực tuyến nổi tiếng thế giới như USA Today (276), Guardian.co.uk (281)…

Sự kiện VnExpress lọt vào top 300 trang web hàng đầu thế giới là mốc đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nội dung Internet ở Việt Nam. Giới công nghệ thông tin trong nước và quốc tế đánh giá cao việc một trang web Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các website lớn nhất trên toàn cầu. Ra mắt trên Internet ngày 26/2/2001, 6 tháng sau, VnExpress đã lên vị trí đầu bảng trong số các website tiếng Việt trên toàn cầu và chiếm giữ vị trí này cho đến ngày hôm nay. VnExpress là tờ báo trực tuyến không được bao cấp với nguồn thu duy nhất để báo hoạt động là từ quảng cáo.

Các tờ báo trực tuyến lớn của Việt Nam như “Nhân dân điện tử”, Website Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo VietnamNet, “Lao động điện tử”, Tuổi trẻ online, Thanh niên online, Tiền phong online, Thời báo kinh tế Việt Nam điện tử, Thời báo kinh tế Sài Gòn online, Sài Gòn giải phóng online, Người lao động online, Tiếp thị online, báo điện tử Đầu tư, báo Hà Nội mới online, website Đài truyền hình thành phố HCM, Đài Phát thanh – truyền hình Hà Nội và các tỉnh v.v… ngày càng thu hút số lượng người truy cập cao dần do sự tìm tòi mô hình làm báo ngày càng thích hợp hơn và do cách quảng bá cho báo trực tuyến ngày càng tốt hơn.

Nếu ngay từ ngày đầu xuất hiện, báo “Nhân dân điện tử” hoặc “Lao động điện tử” vẫn mang dấu ấn của một tờ báo giấy được “internet hóa” thì đến năm 2000, ở Việt Nam, bắt đầu xuất hiện những tờ báo trực tuyến tận dụng ưu thế của loại hình báo chí mới mẻ này như Vnexpress và tờ Vasc Orient - tiền thân của báo trực tuyến Vietnamnet. Các tờ báo trực tuyến tiên phong này kéo theo sự thay đổi các “tờ báo điện tử” cũ của các tòa soạn và sau đó, hàng loạt phiên bản mới – phiên bản trực tuyến - của báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Lao động, báo Sài gòn giải phóng đã ra đời thu hút lượng “độc giả” cao hơn nhiều. Từ năm 2002 đến nay, các tờ báo trực tuyến hay liên tục xuất hiện ở Việt Nam. Hầu hết là những toà soạn báo in truyền thống nay nhận rõ tầm quan trọng và vị trí trong lòng độc giả của báo trực tuyến, và thế là những Thể thao VN online, Tintucvietnam, Tuổi trẻ online, Thanh niên online, Tiền Phong online... lần lượt xuất hiện trên Internet, với phong cách rất riêng khác hẳn với ấn phẩm báo giấy đang có. Những bài báo được xuất bản với tốc độ số không chỉ làm cho trang báo trực tuyến luôn mới mẻ hấp dẫn mà rất ngẫu nhiên nó lại trở thành một phương tiện tiếp thị cực kỳ hiệu quả cho báo giấy. Nhiều tờ báo sau khi đưa lên mạng đã thu hút được số lượng độc giả gấp nhiều lần so với báo in như: Báo Lao động, Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền Phong...

Hiện nay, những nhà nghiên cứu báo chí học, lịch sử báo chí đều có quyền nhắc đến một thực thể tuy mới ra đời 9 năm nhưng nhanh chóng tỏ rõ sự lớn mạnh Phù Đổng nhờ hấp thụ sức mạnh công nghệ, đó là "làng báo trực tuyến". So với các bậc tiền bối có tuổi hơn 70 năm (báo in) và hơn 30 - 50 năm (báo nói và báo hình), báo trực tuyến là những "ấu nhi". Vậy mà làn sóng mới nhanh chóng tỏ rõ sức mạnh của mình thông qua số lượng bạn đọc lên đến hàng trăm triệu lượt. Đã có không ít báo truyền thống, từ báo in, báo nói đến báo hình, bắt đầu bị chi phối, bị ảnh hưởng bởi thông tin trên báo trực tuyến.

Báo chí trực tuyến ở Việt Nam đang đi vào xu thế tích hợp các loại hình truyền thông (báo in, báo nói, báo hình) và tạo điều kiện cho việc thúc đẩy sự tìm tòi, phát triển của các loại hình báo chí khác. Báo chí trực tuyến ở Việt Nam cũng đã nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới và sánh ngang tầm với các tờ báo cùng loại hình trên thế giới. Sự ra đời của báo chí trực tuyến ở Việt Nam là bước phát triển lớn của báo chí Việt Nam đương đại.

III. NHỮNG THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ CỦA HỆ THỐNG BÁO TRỰC TUYẾN VIỆT NAM

1/ Thành tựu:

Báo chí trực tuyến mới phát triển ở nước ta trong 9 năm qua nhưng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với ưu thế mà báo in không có được, báo trực tuyến đã đề cập một cách nhanh nhất các sự kiện, sự việc diễn ra trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Số lượng người đọc ngày càng đông vì loại hình này có thể đáp ứng mọi yêu cầu và cung cấp đầy đủ các thông tin mà mọi người quan tâm. So với báo in, phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến còn có khả năng lưu trữ, bảo quản thông tin hiệu quả, gọn nhẹ, đỡ tốn kém và phục vụ kịp thời cho việc tra cứu của độc giả theo yêu cầu. Bên cạnh đó, so với các loại hình báo chí khác, nó đã khắc phục được cơ bản những trở ngại đối với báo in khi đưa ra nước ngoài. Nhờ đó, báo chí trực tuyến Việt Nam còn là phương tiện để tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp cho bạn bè trên thế giới, Việt kiều đang sống ở nước ngoài hiểu về công cuộc đổi mới, tình hình phát triển của đất nước. Báo trực tuyến cũng góp phần đắc lực trong việc cung cấp thông tin phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí cho một phần không nhỏ các bộ phận dân cư.

Theo thống kê kỹ thuật của những báo trực tuyến lớn như VietNamNet và VnExpress, trong cả triệu lượt người truy cập mỗi ngày, có tới gần 50% là truy cập từ nước ngoài, đặc biệt là từ Bắc Mỹ và châu Âu. Những dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, số truy cập từ nước ngoài chiếm tới 90% số truy cập của báo trực tuyến VietNamNet. Cũng theo thống kê tại tòa soạn VietNamNet, tới 40% thư gửi về tòa soạn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình đối với những sự kiện đáng chú ý hay với các chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước mà báo trực tuyến đã đăng tải, là từ người Việt Nam ở nước ngoài. Trong báo cáo về công tác tuyên truyền đối ngoại được thảo luận trong kỳ họp quốc hội tháng 4/2004, vai trò của báo trực tuyến trong thông tin tuyên truyền đối ngoại đã được thừa nhận.

Đến nay, các báo trực tuyến lớn ở Việt Nam hoạt động khá hiệu quả, phần lớn thể hiện trên cả hai thứ tiếng Việt và Anh và rất hấp dẫn các độc giả vì sự đa dạng và tính cập nhật thông tin, như báo Quê Hương điện tử, Nhân dân điện tử, Lao động điện tử, Du lịch điện tử, Tuổi trẻ online, Thanh niên online, Tiền phong online, Thời báo kinh tế Sài Gòn online v.v... Ngoài ra, còn hàng trăm các website của các Bộ, ngành và doanh nghiệp – dù có thể không phải là báo trực tuyến - cũng là những nguồn thông tin vô cùng phong phú, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế - xã hội và cuộc sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Ngành Bưu điện hiện có 3 tờ báo trực tuyến được Bộ Văn hóa Thông tin cấp phép hoạt động, đó là: báo Bưu điện Việt Nam, VDC Media và VietnamNet. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về hoạt động nghiệp vụ của ngành, các báo còn cung cấp nhiều thông tin kinh tế, chính trị, xã hội phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Nội dung thông tin nhìn chung khá phong phú, ngày càng thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong và ngoài nước.

Báo trực tuyến Việt Nam đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu khai thác thông tin của người sử dụng trong nước phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, vui chơi giải trí; nhu cầu quảng cáo, tìm kiếm đối tác của các doanh nghiệp. Sự phát triển của báo trực tuyến nói riêng và Internet trong thời gian qua có được là nhờ sự quan tâm của Chính phủ qua việc từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự phát triển và quản lý Internet, việc đầu tư phát triển các báo trực tuyến và website của các Bộ, ngành, và sự nỗ lực của các cơ quan trong việc xây dựng và hoàn thiện các tờ báo, và sự ủng hộ nhiệt tình của các độc giả.

Việc trích dẫn, lấy tin trên báo trực tuyến, dựa vào báo trực tuyến để khai thác tiếp, dường như trở thành "thường quy" ở không ít tờ báo lớn. Một số phóng viên báo lớn thậm chí hình thành thói quen khai thác tin, chờ tin trên báo trực tuyến để "xào" tin cho báo mình. Đặc biệt, với tính cập nhật vượt trên mọi loại hình báo chí, báo trực tuyến tuy còn nhỏ bé và khiếm khuyết nhưng đã và đang ảnh hưởng đến cách đưa tin bài, cách tư duy trên hầu hết báo truyền thống.

Nhận thức được sức mạnh của công cụ trực tuyến, không ít báo truyền thống mở một trang thông tin trực tuyến cho mình. Đến lượt mình, khá nhiều trang thông tin trực tuyến dần dần trở thành tờ báo trực tuyến độc lập tương đối với tờ báo truyền thống sinh ra mình.

Điều đáng nói nữa là sự ra đời và phát triển của báo chí trực tuyến ở Việt Nam đã minh chứng hùng hồn về chủ trương phát triển và hiện đại hoá báo chí của Đảng và Nhà nước ta. Có người cho rằng báo trực tuyến trong vài ba năm gần đây còn có sức chiến đấu mạnh hơn các loại hình báo chí truyền thống. Đọc báo trực tuyến, thậm chí người ta còn thấy có những bài "rợn gáy" mà các báo truyền thống hầu như không quen dùng. Cơ quan kiểm soát nội dung chỉ nhắc nhở việc đi quá đà về chính trị, nhất là về văn hoá, thuần phong, mỹ tục, chứ chưa hề thấy có động thái nào mang tính "đàn áp". Loạt các tin bài về các vấn đề nổi cộm như vụ án của trùm xã hội đen Năm Cam, vụ án tham nhũng Lã Thị Kim Oanh, vụ tiêu cực xà xẻo Lòng Hồ Trị An, vụ tham nhũng ở PMU18 v.v..., liên quan đến nhiều quan chức cao cấp, là một trong các ví dụ. Hầu như không có "vùng cấm" nào được tìm thấy khi vào xem các báo trực tuyến về các sự kiện ấy. Có chăng chỉ là cấm đưa những thông tin sai lạc, không đúng sự thực. Những trường hợp ấy, đương nhiên bị nhắc nhở, chấn chính một cách nghiêm khắc, với đích cuối cùng là vì bạn đọc, vì quyền được thông tin chính xác, vì tính trung thực của một xã hội đang hướng đến sự cởi mở về thông tin.

Với ưu thế của mình, báo trực tuyến còn là diễn đàn để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người Việt Nam xa Tổ quốc có cơ hội đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước. Những diễn đàn trực tuyến trên các báo trực tuyến trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X là một ví dụ sinh động. Báo trực tuyến tuy còn non trẻ nhưng đã tỏ rõ được vai trò người lính tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hoá nói chung và trên mặt trận báo chí nói riêng. Báo trực tuyến Việt Nam đang phát huy thế mạnh nội sinh còn rất lớn của mình và chủ động hoà nhập với thế giới, xứng đáng là cánh cửa thông tin đầu tiên và đáng tin cậy cho bạn bè năm châu tìm hiểu về Việt Nam.

Một ghi nhận khác về thành công của báo trực tuyến sau 9 năm hình thành và phát triển chính là sự lôi cuốn của nó đối với độc giả trẻ tuổi. Có thể nói, những năm qua, báo chí trực tuyến đã tác động mạnh đến tâm hồn, tư tưởng, nhân cách của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Báo trực tuyến không chỉ lôi cuốn giới trẻ trong các nội dung giải trí, các trò chơi tương tác, các dịch vụ giá trị gia tăng, các sự kiện văn hóa – thể thao, mà đã thu hút họ vào các nội dung chính luận, thời sự chính trị - xã hội và các hoạt động báo chí thông qua sự tham gia tích cực của chính thế hệ trẻ. Các diễn đàn của Thanh niên online gần đây như “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, hoặc của Tuổi trẻ online như Viết tiếp nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Tuổi trẻ với lễ chào cờ v.v… đã thu hút nhiều ý kiến tâm huyết và sâu sắc của các bạn trẻ…

Báo chí trực tuyến những năm gần đây thực sự có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự cạnh tranh thông tin, dân chủ hóa đời sống và làm tốt chức năng diễn đàn của nhân dân. Trước đây, khi công nghệ phát thanh trực tiếp, truyền hình trực tiếp được chuyển giao từ các nước châu Âu vào Việt Nam (ví dụ thông qua sự hỗ trợ đào tạo báo chí của SIDA Thuỵ Điển), nhiều người cho rằng, phát thanh – truyền hình thực sự có thể làm cầu nối dân chủ trong quá trình hoạt động nghiệp vụ nhờ khả năng tương tác cao. Trong nhiều chương trình phát thanh - truyền hình, người dân có quyền đặt câu hỏi trực tiếp qua điện thoại. Tiếng nói người dân lúc bấy giờ như một đồng chủ thể sáng tạo trong những chương trình phát thanh – truyền hình cụ thể. Thế nhưng, sự hạn chế về thời lượng, dung lượng và điều kiện công nghệ cũng như tính chất tuyến tính của các chương trình phát thanh – truyền hình đã kéo theo sự hạn chế về khả năng tương tác của các loại hình báo chí này. Chỉ đến khi báo trực tuyến ra đời và sự phát triển về công nghệ, tính chất nhiều chiều trong thông tin báo chí, tính chất cá nhân hóa thông tin của báo chí trực tuyến cho phép tạo ra một không khí dân chủ hơn trong đời sống báo chí, và đến lượt mình, báo chí trực tuyến lại tác động đến đời sống dân chủ của xã hội. Hàng ngàn lượt ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây là một ví dụ. Với báo in và phát thanh truyền hình, việc chuyển tải những thông tin này sẽ hết sức khó khăn và không phải khán giả, thính giả, độc giả nào trên toàn cầu cũng có thể làm!

Độc giả báo trực tuyến Việt Nam hiện nay đang dần bị thuyết phục bởi lối đưa thông tin cực nhanh, ngắn gọn và "chọc thẳng" vào vấn đề của báo trực tuyến. Tốc độ cập nhật tin tức của báo trực tuyến cho phép tin tức trên loại hình báo chí này “nóng” hơn rất nhiều so với các loại hình báo chí khác. Tất nhiên, truyền hình hay phát thanh khi trực tiếp sự kiện thì cũng có khả năng tạo ra tin nóng. Nhưng nhìn một cách tổng thể, khả năng cập nhật, “phát hành” quá dễ dàng cho phép báo trực tuyến đưa tin nhanh hơn so với báo in trước đây cũng như phát thanh – truyền hình vốn lệ thuộc vào giờ phát! Một ví dụ: vụ cứu tàu Indonexia gặp nạn ở Bình Định, ngay sau khi tàu bị nghiêng và đưa vào bờ khoảng 30 phút thì có thông tin viên của Vietnamnet tại đó chụp ảnh và gửi về tòa soạn bằng email. Các sự kiện văn hóa – thể thao lớn, báo trực tuyến cũng có thể được truyền hình online hoặc tường thuật trực tuyến (dưới dạng văn bản) trên mạng.

Một thành công nữa của báo chí trực tuyến Việt Nam là đã có sự phát triển về mặt ứng dụng công nghệ và đã hình thành một đội ngũ làm báo trực tuyến. Truyền hình trực tuyến trên mạng, phát thanh trên mạng, truyền hình và phát thanh theo yêu cầu qua mạng đã ra đời từ những tờ báo trực tuyến của VietnamNet, Tuổi trẻ online, Thanh niên online, VTC, VTV, Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai v.v…   

Cũng trong hơn 2 năm trở lại đây, với sự tăng trưởng về kinh tế, số lượng các thuê bao sử dụng kết nối Internet tốc độ cao đã gia tăng rất nhanh chóng. Hiện nay đã có khỏang 300.000 thuê bao Internet băng thông rộng, bao gồm cả leaseline và ADSL, với khoảng 1 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng mỗi ngày. Cũng như trên thế giới, Internet băng thông rộng phát triển làm nảy sinh ở nước ta nhu cầu tiếp nhận truyền thông đa phương tiện, trong đó đặc biệt đáng chú ý hình thức video-on-demand và IP TV (Internet protocol television, tạm dịch là truyền hình trực tuyến).

Với sự phổ thông và đã được chuẩn hóa của giao thức IP trên phạm vi toàn thế giới, việc cung cấp các chương trình truyền hình trực tuyến trở nên dễ dàng, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, có thể được xem bất cứ lúc nào với chiếc máy vi tính có kết nối Internet băng thông rộng. Trên thế giới, theo hãng dữ liệu GFK truyền hình trực tuyến đang phát triển với tốc độ tới 300% năm và sẽ là hiện tượng của ngành truyền thông toàn cầu trong thập niên tới. Nhiều tập đoàn truyền thông của thế giới đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này để theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và viễn thông. Các tờ báo trực tuyến lớn ở Việt Nam đã thử nghiệm thành công và được sự phản hồi tốt của độc giả về truyền hình trực tuyến.

2/ Hạn chế

Tuy nhiên, cho đến nay, báo chí trực tuyến Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Sự bất cập ấy trước hết xuất phát từ sự mặt trái của thông tin trên Internet nói chung và đã được khái quát trong “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THÔNG TIN  ĐẾN NĂM 2010” (Ban hành kèm theo Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ) như sau: “Hiện nay tỷ lệ người sử dụng Internet/100 dân của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới còn ở mức thấp; kỹ thuật mạng tuy đã được thay đổi hiện đại, nhưng hệ thống quản lý điều hành còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao; thông tin đưa trên mạng Internet còn thiếu chọn lọc, thiếu tập trung, chất lượng nội dung thông tin còn thấp; công tác quản lý mạng, quản lý nội dung thông tin đưa trên mạng và việc khai thác thông tin trên mạng Internet còn nhiều thiếu sót, còn thiếu các chế tài, cơ chế chính sách đối với sự phát triển Internet”.

Rõ ràng việc phát triển cực kỳ nhanh chóng của Internet đang tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội, mang lại nhiều cơ hội cho việc phát triển các phương tiện truyền thông báo chí ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ về nguồn thông tin không lành mạnh nếu chúng ta không kịp thời tận dụng thế mạnh về công nghệ, chủ động cung cấp trên Internet những nguồn nội dung đa phương tiện, những chương trình truyền hình trực tuyến chính thống và lành mạnh. Điều may mắn là những bất cập trên Internet hầu hết do những tờ báo không chính thống. Trong phạm vi tiểu luận này, người viết không đề cập đến mảng báo chí trực tuyến này nhưng trong thực tế nó vẫn tồn tại và thu hút sự quan tâm của một khối lượng không nhỏ độc giả. Hiện có không ít những trang tin trực tuyến lá cải chuyên cung cấp những thông tin giật gân câu khách và không có tính định hướng, giáo dục cần thiết. Và cùng với sự tăng trưởng của Internet tốc độ cao, đã xuất hiện nhiều website cung cấp video và truyền hình trực tuyến cả trong và ngòai nước, trong đó phần nhiều là những chương trình không chính thống, những video clip không lành mạnh…

Trở lại với những hạn chế của hệ thống báo chí trực tuyến ở Việt Nam, tốc độ của thông tin là lợi thế song cũng vô tình trở thành  điểm yếu của báo trực tuyến, nhiều bài báo trực tuyến bị bạn đọc đặt những dấu hỏi to tướng vì thiếu độ tin cậy và chính xác của thông tin. Ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng biên tập VietNamNet cho biết: "Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng không bao giờ tránh khỏi sơ suất. Chúng tôi chỉ có thể hạn chế tối đa sơ suất". Còn ông Thang Đức Thắng – Tổng biên tập VNExpress thì nhận định: "Chúng tôi phải cố gắng giải quyết mâu thuẫn giữa tốc độ đưa tin và độ tin cậy, độ chính xác của thông tin".

Ngoài ra, hiện nay một số trang tin trực tuyến ở Việt Nam chưa được chính thức hoá nên chưa có cơ chế định hướng thông tin, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Ngay cả việc xác định rõ thế nào là báo chí trực tuyến, thế nào là trang tin trực tuyến, tên gọi của loại hình báo chí này cũng chưa làm được (thực tế có một số Website của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể có xen các nội dung văn hoá, nghệ thuật, xã hội...). Đặc biệt, hành lang pháp lý cho việc quản lý thông tin trên các trang Web hiện vẫn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, số cán bộ, phóng viên làm việc ở báo trực tuyến chủ yếu từ báo in sang nên gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ sở đào tạo hiện nay mới bắt đầu đào tạo phóng viên báo trực tuyến. Tuy nhiên, nhìn chung, năng lực đào tạo chưa thật sự đáp ứng nhu cầu phát triển quá nhanh của loại hình báo chí mới mẻ nhưng khá năng động này.

Tốc độ truy nhập vào các trang báo đôi lúc còn chậm. Nguyên nhân của vấn đề này có phần do kênh truyền dẫn kết nối từ các IXP hoặc ISP đến máy chủ lưu trữ trang báo còn hẹp, do việc tổ chức mạng tại trụ sở của báo và việc tổ chức thông tin trên các trang báo chưa thật khoa học.

Một hạn chế khác của báo chí trực tuyến ở nước ta là đối tượng khai thác Internet chủ yếu là giới trẻ, công chức, doanh nhân, nên báo chí trực tuyến hiện chưa thể phổ biến cho rộng rãi các tầng lớp nhân dân và nhất là những người có thu nhập thấp.

3/ Một số giải pháp cho sự phát triển của báo trực tuyến:

Trước hết, khi cấp phép cho các tờ báo trực tuyến hoạt động, Bộ Văn hóa – Thông tin phải căn cứ vào tôn chỉ, mục đích, nội dung, phạm vi đề cập, hình thức thực hiện, người chịu trách nhiệm về nội dung. Có như vậy mới tránh được tình trạng đưa những thông tin tuỳ tiện, tiêu cực lên mạng. Cũng trên cơ sở này mới có chế độ khen thưởng hay xử lý những trường hợp vi phạm một cách kịp thơì và chính xác.

Nội dung các thông tin khi đưa lên báo chí trực tuyến có sự chọn lọc cho phù hợp với đối tượng độc giả, không đưa lên mạng những thông tin thiếu định hướng, không có lợi cho công tác tuyên truyền đối ngoại; tiến hành nâng cấp một số trang tin trực tuyến thành báo trực tuyến; nội dung thông tin khi đưa lên mạng được cập nhật để thu hút “độc giả”

Cần tiến hành xây dựng tốt hành lang pháp lý để thực hiện công tác quản lý thông tin trên mạng. Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông cùng với các cơ quan hữu quan phải phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về vấn đề tài chính để báo chí trực tuyến được đầu tư về chiều sâu và ngày càng phát triển. Mặt khác, trong thời gian tới cũng tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên làm báo trực tuyến.

Về tốc độ truy nhập vào các trang báo trực tuyến, cần tiếp tục quan tâm việc nâng cao chất lượng, tăng cường thể loại và nội dung thông tin, cập nhật thông tin kịp thời, tổ chức thông tin một cách khoa học để có thể cập nhật, truy xuất thông tin một cách nhanh nhất; tổ chức mạng nội bộ thật hợp lý và mở rộng dung lượng đường kết nối tới các ISP, IXP; nghiên cứu phương án hợp lý và kinh tế cho vị trí đặt các website (kể cả đặt máy chủ tại nước ngoài).

Theo xu hướng chung của thế giới, trong những năm tới, thông tin trên Internet sẽ có những bước phát triển hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ. Vì vậy, để có thể nắm quyền chủ động về thông tin, chúng ta phải tập trung phát triển thông tin trên Internet trên cả ba phương diện: khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật. Mục tiêu cụ thể là:

- Phát triển báo trực tuyến, trang tin điện tử trên Internet có chất lượng thông tin cao, hình thức sinh động, truy nhập nhanh để phục vụ tốt công chúng trong nước và ở nước ngoài.

- Phấn đấu cung cấp dịch vụ Internet rộng rãi tới tất cả các trường đại học, cao đẳng và phổ thông trung học trong cả nước, tăng tỷ lệ số dân sử dụng Internet lên cao hơn.

- Về hạ tầng thông tin, cơ bản hoàn thành xa lộ thông tin quốc gia, bảo đảm cho việc cung cấp các dịch vụ băng rộng đa dịch vụ đến tất cả các huyện và nhiều xã trong cả nước.

- Phát triển và quản lý tốt Internet trực tiếp trên khắp cả nước.

 

IV. KẾT LUẬN

Trong những năm cuối thế kỷ XX, có hai sự kiện tạo nên sự biến đổi lớn trong lĩnh vực báo chí, đó là việc ứng dụng máy tính (computer) vào công tác chế bản; và việc sử dụng mạng máy tính phá vỡ rào cản về không gian và thời gian trong truyền thông. Internet đã trở thành một kênh truyền thông hiệu quả và bản thân nó đã tạo ra một loại hình truyền thông mới. Cuộc cách mạng số làm thay đổi không ngừng cách thức thu thập, sản xuất và phân phối thông tin của các loại hình báo chí truyền thống. Và báo trực tuyến lại mang đến những đặc trưng ưu việt như không phát hành định kỳ, định thời, tốc độ cập nhật cao; đặc trưng trình bày không hạn chế không gian (như báo giấy) hay thời gian (như báo nói, báo hình); khả năng tích hợp các phương tiện truyền thông; khả năng lưu trữ, tìm kiếm và liên kết thông tin; khả năng cá nhân hóa thông tin; khả năng tương tác; khả năng “phát hành” toàn cầu, bình đẳng; chi phí sản xuất thấp v.v… Loại hình báo chí mới mẻ này đã nhanh chóng được hội nhập vào đời sống báo chí Việt Nam. Sự phát triển bước đầu dường như tự phát song thực sự đã có một sự chuẩn bị, và quá trình phát triển là quá trình dần hoàn thiện từ quy mô, phương thức, cung cách quản lý và cả cung cách tiếp nhận thông tin. Báo chí trực tuyến ở Việt Nam ra đời trong thời đại công nghệ thông tin, là sản phẩm của thời đại công nghệ thông tin. Báo chí trực tuyến ở Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu thành quả của các loại hình báo chí truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình trên nhiều phương diện. Và đến lượt mình, báo chí trực tuyến Việt Nam đã phục vụ đắc lực nhu cầu thông tin của độc giả, đã từng ngày hoàn thiện mình… 

Tốc độ phát triển nhanh của báo chí trực tuyến Việt Nam 9 năm qua cho phép chúng ta hy vọng về một tương lai thành công của báo chí trực tuyến Việt Nam, góp phần làm nên một nền báo chí Việt Nam hiện đại sánh vai với các nền báo chí lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, với những thành tựu của báo chí trực tuyến Việt Nam diễn ra trong những năm gần đây, chúng ta cũng có quyền kỳ vọng vào nhiều thay đổi sâu sắc trong đời sống báo chí Việt Nam, cũng như đời sống xã hội những năm tới qua báo chí khi mà xu thế hội nhập của các loại hình báo chí đang bắt đầu khởi động!




([1])  Thực ra, trước đó, hình thức các mạng intranet sử dụng giao thức internet đã xuất hiện ở Việt Nam và đã có những mạng intranet như “Trí tuệ Việt Nam” của Công ty FPT cho xây dựng hình thức đưa tin trên mạng. Có thể xem đây là bước “diễn tập” của báo chí trực tuyến Việt Nam.   

([2])  Trên thế giới, loại hình báo chí này cũng có nhiều tên gọi khác nhau: “cyber newspaper”, “online newspaper”, “e-journal” (electronic journal); “e-zine” (electronic magazine)....

([3])  In general, something is said to be online if it is connected to some larger network or system (which is implicitly the "line", though this interpretation is often useless). 

([4]) Thực ra cách dùng chữ “độc giả” để chỉ đối tượng tiếp nhận thông tin (media target) từ báo chí trực tuyến chưa chính xác. Vì báo trực tuyến không chỉ có văn bản mà còn có cả âm thanh, hình ảnh động v.v… Trong khi chưa có một thuật ngữ nào hợp lý, xin được tạm dùng chữ “độc giả”

 

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ