Thứ Năm, 12 tháng 10, 2006

MEDIA IN LIFE




VAI TRÒ CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG ĐỐI VỚI VIỆC HÌNH THÀNH VÀ THỂ HIỆN DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG

I/ ĐẶT VẤN ĐỀ:

Từ khi Việt Nam thi hành chính sách đổi mới toàn diện, báo chí đã thực sự tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Tất nhiên, diện tham gia chống tiêu cực của báo chí ở Việt Nam không đồng đều và chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh lớn, khó khăn, phức tạp và bản thân sự phát triển đất nước đã cho thấy cuộc đấu tranh ấy chỉ có thể trở nên mạnh mẽ, đạt kết quả cao khi toàn xã hội được huy động qua con kênh công khai hàng đầu là báo chí.

Trong những năm gần đây, nhờ báo chí phản ánh mà không ít vụ tham nhũng lớn được các cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý và xử lý tương đối rốt ráo. Đảng và Nhà nước đã sự công nhận vai trò của báo chí trong chống tham nhũng - vai trò không thể thay thế được trong việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Và đến lượt mình, dư luận xã hội lại có tác động rất lớn trong việc điều hòa các mối quan hệ xã hội, trong việc kiểm soát xã hội cũng như việc uốn nắn các hành vi xã hội tạo hiệu quả cao cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Image

Làm rõ vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực – nhìn từ góc độ xã hội học truyền thông đại chúng - là một hướng tiếp cận mới để có thể phân tích cơ chế tác động, sức mạnh của báo chí và rút ra những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa thực tiễn trong hoạt động báo chí cũng như trong công tác tư tưởng và trong công cuộc xây dựng và phát triển hôm nay

II/ VAI TRÒ CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG ĐỐI VỚI VIỆC HÌNH THÀNH VÀ THỂ HIỆN DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG

II.1/ PGS. TS Mai Quỳnh Nam, trong một công trình nghiên cứu đã giới thiệu “cách hiểu phổ biến nhất” về truyền thông: “Đó là hoạt động chuyển tải và chia sẻ thông tin. Quá trình này diễn ra liên tục, trong đó tri thức, tình cảm và kỹ năng liên kết với nhau. Đây là một quá trình phức tạp qua nhiều khâu. Các khâu này chuyển đổi tương đối linh hoạt để hướng tới sự thay đổi nhận thức và hành vi của các cá nhân và các nhóm”.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự ra đời của phương tiện truyền thông hiện đại là sự hình thành hệ thống các kênh thông tin đại chúng như một thiết chế xã hội quan trọng của xã hội hiện đại. Truyền thông đại chúng (mass media) ngày nay được hiểu như là toàn bộ những kỹ thuật lan truyền thông tin tới những nhóm xã hội lớn, mà chủ yếu bằng báo in, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, internet hoặc các phương tiện khác như sách, áp phích…

Image

Vai trò và chức năng của truyền thông đại chúng trong đời sống xã hội đã được chứng minh từ lâu. Thế nhưng, dưới cái nhìn của xã hội học, cơ chế tác động qua lại giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hình thànhthể hiện dư luận xã hội.

Dư luận xã hội – theo góc độ xã hội học – là sự thể hiện tâm trạng xã hội, phản ánh sự đánh giá của các nhóm xã hội lớn, của công chúng nói chung về các hiện tượng, sự kiện xã hội, đại diện cho lợi ích của các nhóm xã hội mà những lợi ích này có tính cấp thiết trên cơ sở các quan hệ xã hội đang tồn tại.

Dư luận xã hội là cầu nối giữa ý thức xã hội và hành động xã hội. Vì vậy, với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông mới có thể làm tốt chức năng “tổ chức tập thể, cổ động tập thể”, mới góp phần tạo nên động lực tinh thần, tạo nên sức mạnh cho các hành động xã hội.

II.2/ Khác với truyền thông liên cá nhân, với truyền thông đại chúng, thông tin từ hệ thống này được truyền đến số đông công chúng một cách nhanh chóng (có khi đồng thời với sự kiện, hiện tượng), đều đặn và gián tiếp. Hệ thống truyền thông đại chúng vừa phải hướng tới các đối tượng công chúng nói chung và các nhóm công chúng cụ thể. Hoạt động hệ thống truyền thông đại chúng luôn chịu sự tác động từ hai phía: Phía thứ nhất: là các thiết chế xã hội mà phương tiện đó là công cụ (như các tờ báo của các tổ chức chính trị, xã hội). Và phía thứ hai là công chúng của báo chí.

Với đặc điểm này, việc hình thành hoặc thể hiện dư luận trên hệ thống truyền thông đại chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng gặp những hệ lụy. Ví dụ: Báo chí chống tiêu cực, tham nhũng sẽ tạo sức ép lên những cơ quan, đơn vị, cá nhân có hiện tượng tham nhũng, thậm chí đụng đến những người có chức, có quyền. Rất nhiều trường hợp khi tổ chức, cá nhân có tiêu cực, tham nhũng bị báo chí phanh phui do sợ dư luận xã hội và sợ pháp luật “rờ” tới mình nên họ tìm cách để tác động đến các cơ quan quản lý cấp trên, cá nhân lãnh đạo cấp trên của cơ quan báo chí để tạo sức ép hoặc tác động theo hướng ngăn cấm báo chí chống tiêu cực, tham nhũng.

Nhưng ngược lại, việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng thường xuất phát từ nhu cầu của công chúng báo chí – truyền thông. Nếu không có sự phát hiện và “áp lực” từ phía công chúng báo chí thì những vụ tiêu cực nổi cộm như Epco Minh Phụng, Vũ Xuân Trường, Năm Cam, Thuỷ cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh... khó được đưa lên công luận và cũng từ sức mạnh của dư luận nó đã đi đến việc xử lý triệt để.

Image

Sự tác động của các nhóm công chúng đến các phương tiện truyền thông đại chúng hết sức khác nhau, do những khác biệt về địa vị xã hội, quyền lợi giai cấp, về các nhân tố tâm lý và về cường độ giao tiếp với các phương tiện truyền thông đại chúng. Một người nông dân không thể có cơ hội đọc báo nhiều như một công chức. Một người dân miền núi sẽ khó có điều kiện bắt được nhiều kênh truyền hình như một người ở các thành phố trung tâm. Một học sinh ở nông thôn sẽ khó có cơ hội tiếp cận internet tốt hơn một sinh viên ở thành phố. Nhu cầu nắm bắt thông tin của các nhóm công chúng, các nhóm xã hội khác nhau là rất khác nhau. Một vụ tham nhũng ở một công ty cụ thể nào đó của một tỉnh cụ thể nào đó sẽ thu hút sự quan tâm cao của chính công nhân của công ty đó, người dân của tỉnh đó hơn là một người dân bình thường ở tỉnh khác. Và tất nhiên, sự khác biệt ấy xuất phát từ mối quan tâm khác nhau giũa họ – những nhóm công chúng khác nhau. Tuy nhiên, tham nhũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và cán bộ, công chức lương thiện, trong sạch. Vì lẽ đó, có một điểm chung trong đại đa số công chúng thuộc nhiều nhóm xã hội khác nhau là luôn muốn được thông tin về các vụ tham nhũng và muốn cung cấp thông tin, nhập cuộc vào đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí, góp phần tạo ra dư luận xã hội.

Mối quan hệ giữa báo chí và công chúng trong quá trình hình thành và thể hiện dư luận xã hội mang tính chất biện chứng. Một mặt các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm thỏa mãn tối đa những nhu cầu ngày càng tăng của công chúng. Mặt khác, bản thân công chúng lại đặt ra các yêu cầu mới đối với hoạt động của hệ thống này. Sự trưởng thành trong mối quan hệ ấy thể hiện tính tích cực chính trị xã hội của bản thân hệ thống báo chí và của công chúng báo chí.

Không có thực tiễn phong phú, đa dạng; không có đòi hỏi bức thiết của đời sống, truyền thông đại chúng khó có sự đổi mới, tìm tòi để tăng cường chất và lượng thông tin. Và ngược lại, từ sự nỗ lực của các phương tiện truyền thông đại chúng, cường độ dư luận xã hội, sự định hướng dư luận xã hội được tăng cường và tạo ra những hiệu quả xã hội nhất định.

Quan sát quá trình đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí những năm qua, có thể thấy sự nỗ lực của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội. Ví dụ: Trong 10 vụ tham nhũng điển hình nêu ra sau đây, nếu không có sự lên tiếng của hàng loạt cơ quan báo chí, nếu không có các diễn đàn để người dân, cán bộ – công chức cùng tham gia đóng góp ý kiến, khó có thể phanh phui ra được vì tính chất phức tạp của nó. Công chúng báo chí nước ta dễ dàng nhớ rất rõ 10 vụ tham nhũng đó vì nó gắn liền với một tâm trạng xã hội chung: coi tham nhũng là một quốc nạn làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước:

1. Vụ mua bán lòng vòng 4.000 tấn thép đường dây 500 kV, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng. Hậu quả là bộ trưởng năng lượng bị phạt 3 năm tù, 1 thứ trưởng, 2 phó tổng giám đốc, 2 phó chánh giám đốc... vào trại giam.

2. Vụ cố ý làm trái, tham ô tại Công ty dệt Nam Định, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. 23 người bị truy tố, trong đó có 2 tổng giám đốc, 1 kế toán trưởng.

3. Vụ cố ý làm trái, tham ô 14 tỷ đồng trong dự án xây dựng khách sạn Bàn Cờ tại số 86 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Phó chủ tịch UBND quận 3 (TP HCM) cùng giám đốc Công ty Vật tư quận 3 và kế toán trưởng khách sạn Bàn Cờ... đã lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan để rút tiền thông qua việc chi tiêu mua sắm vật tư xây dựng khách sạn Bàn Cờ.

4. Vụ đưa và nhận hối lộ, vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng... của Phạm Huy Phước (giám đốc Công ty Tamexco và các đối tượng liên quan. Tổng số tiền bị thất thoát gần 100 tỷ đồng.

5. Vụ tham ô tài sản nhà nước của một số cán bộ thuộc trạm kiểm soát liên hợp Đồng Bành, Lạng Sơn, do Lưu Văn Nhịp là trạm trưởng. 24 bị cáo được đưa ra xét xử, trong đó có cục phó cục thuế Lạng Sơn.

6. Vụ lập quỹ trái phép, tham ô tại Công ty ắc quy Vĩnh Phúc gây thiệt hại gần 17 tỷ đồng.

7. Vụ tham ô, cố ý làm trái do Lã Thị Kim Oanh (giám đốc Công ty Tiếp thị đầu tư thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chủ mưu, làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng. Cùng bị phạt tù với Kim Oanh là 2 nguyên thứ trưởng, 2 nguyên vụ trưởng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

8. Vụ cố ý làm trái, tham ô tại Xí nghiệp xây dựng công trình giao thông, thuộc Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải. Bằng thủ đoạn lập chứng từ thanh quyết toán khống, họ đã gây thiệt hại 26 tỷ đồng, trong đó tham ô 15 tỷ.

9. Vụ tham ô trong thi công 8 công trình tại tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An do Phạm Đức Tạo (phó giám đốc xí nghiệp xây dựng số 2, thuộc Công ty xây dựng công nghiệp số 1) tổ chức.

10. Vụ cán bộ xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, lập hồ sơ quyết toán khống công trình điện, làm đường giao thông nông thôn... để tham ô gần 3 tỷ đồng và 340 chỉ vàng.

Theo thống kê, trong những năm từ 1993-2004, cảnh sát kinh tế điều tra gần 177.000 vụ tội phạm và vi phạm về kinh tế, trong đó gần 10.000 vụ tham nhũng, gây thiệt hại hơn 7.500 tỷ đồng. Có gần 30% trong số vụ việc này được báo chí phanh phui và tạo dư luận yêu cầu xử lý nghiêm túc.

Dư luận xã hội được hình thành dưới sự tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng thông qua các kênh thuộc hệ thống này và bằng con đường giao tiếp, bằng hoạt động thảo luận trao đổi về nội dung các thông tin mà công chúng tiếp thu được để hình thành nên dư luận xã hội. Giao tiếp là một dạng cơ bản của con người, để thực hiện các mối liên hệ xã hội. Các quan hệ xã hội được hình thành từ đó. Mối liên hệ này càng được củng cố thì dư luận xã hội càng trở nên chín chắn.

Câu chuyện lòng hồ Trị An (Đồng Nai) được bắt đầu từ những bức xúc của người dân trong khu vực khi họ bị cán bộ đuổi đi và sau đó giành đất để san ủi, lấp thêm lòng hồ và biến thành trang trại. Những người dân thấp cổ bé miệng này không dám lên tiếng ngay, nhưng khi ngày càng có nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh tiếp tục lấn chiếm đất lòng hồ, họ bắt đầu viết đơn nặc danh để phản ánh từ năm 1998. Những cán bộ thủy sản, những cán bộ nhà máy thủy điện Trị An cũng bắt đầu nhận thấy phải chính thức kiến nghị. Và những bài báo đầu tiên của báo chí địa phương (cụ thể là báo Đồng Nai và Đài phát thanh – truyền hình Đồng Nai) đã được nhân dân chuyền tay nhau đọc, chuyền băng nhau xem như một sự đồng tình cao. Tuy nhiên, báo đài Đồng Nai lại bị chỉ đạo phải ngưng ngay vụ phản ánh về lòng hồ Trị An. Người dân khi được sự hưởng ứng của báo đài địa phương thì cảm thấy có sức mạnh của công luận, có sức mạnh của dư luận nên quyết tâm đấu tranh. Vụ việc tiếp tục được Đài Truyền hình Việt Nam, báo điện tử Vietnamnet và nhiều tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc. Cường độ dư luận dâng cao hơn. Người dân nói chung, độc giả, khán giả nói riêng bình luận cho nhau nghe về hình thức tham nhũng của các cán bộ Đồng Nai từ tỉnh đến huyện. Trước áp lực của dư luận, UBND tỉnh Đồng Nai phải thành lập đoàn thanh tra. Tuy nhiên, kết luận thanh tra không làm vừa lòng những người dân. Và một lần nữa, báo chí lại vào cuộc. Báo điện tử Vietnamnet và báo Tuổi trẻ online có sáng kiến “mời độc giả của mình góp ý kiến về việc giải quyết hậu quả vụ lấn chiếm lòng hồ Trị An”, thế là hàng trăm ý kiến từ các nơi trên thế giới, trong đó có kiều bào, du học sinh, và những người nước ngoài, góp ý. Lại một lần nữa, vụ “xẻ thịt lòng hồ Trị An” được dư luận quan tâm bằng sự thể hiện dư luận trên báo chí với phạm vi rộng hơn, cường độ lớn hơn. Thủ tướng Phan Văn Khải đã trực tiếp chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ vào cuộc. Đến nay, vụ việc dù chưa giải quyết ổn thoả nhưng Thanh tra đã có kết luận và một số cán bộ đã phải nhận kỷ luật. Kết luận của Thanh tra Chính phủ: “Lòng hồ Trị An đang bị lấn chiếm bởi 43 trường hợp xây dựng chuồng trại nuôi lợn với tổng diện tích 10.576m2. Từ lâu, tất cả chất thải từ các chuồng trại này đều trực tiếp xả ra hồ mà chưa có trường hợp nào bị chính quyền địa phương xử lý. Hàng loạt các bờ đập đã được kiên cố hóa tạo thành những ao lớn, nhỏ trong lòng hồ. Chiều dài các bờ đập từ 30m đến 600m. Có chân đập rộng tới 40m, mặt bờ đập rộng phổ biến từ 8 - 12m.

Đoàn thanh tra cho biết trong số 234 trường hợp vi phạm hơn 577ha diện tích mặt nước hồ Trị An có 27 cán bộ, viên chức và 2 tập thể cơ quan nhà nước vi phạm với diện tích hơn 260ha. Đặc biệt, có 6 cán bộ cấp tỉnh, trong đó có 3 cán bộ là Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đương nhiệm. Số cán bộ vi phạm ở cấp thấp hơn bao gồm 11 cán bộ chủ chốt của huyện, xã (chưa kể 6 cán bộ đã nghỉ hưu), gồm Bí thư, Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện (nay là Chủ tịch HĐND huyện); Trưởng và Phó trưởng Công an huyện, Công an kinh tế huyện. Hai cán bộ xã đương nhiệm vi phạm là Chủ tịch HĐND xã và Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã.

Câu chuyện xà xẻo lòng hồ Trị An – một hồ nước nhân tạo phục vụ cho công trình thủy điện được đánh giá là công trình thế kỷ của thập niên 80 trước đây với sự hy sinh sức người sức của không sao kể xiết và với sự giúp đỡ lớn lao của Liên Xô – đã chạm vào tình cảm thiêng liêng của người dân cả nước và trên thế giới. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng xung quanh câu chuyện này vì thế đã tạo được sự quan tâm của đại đa số công chúng. Không phải ngẫu nhiên mà hiện trên internet, số trang web Việt Nam còn lưu bài viết về vụ việc này là 942 khi chúng tôi tìm kiếm. Cùng với báo in, phát thanh, truyền hình từ địa phương đến Trung ương, báo điện tử (hoặc báo trực tuyến) đã góp một phần khá lớn trong việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội qua một vụ việc chống tham nhũng tuy chưa phải là điển hình. Nhưng với đặc trưng của mình, báo điện tử đã vươn dài phạm vi hình thành và thể hiện dư luận, tạo ra hiệu quả truyền thông lớn! Đây có thể coi là sự kiện báo chí chống tham nhũng khá tiêu biểu cho việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội và cũng là sự kiện báo chí “nổi đình đám” vào cuối năm 2004.

Cơ chế hình thành và thể hiện dư luận xã hội thông qua tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng phụ thuộc vào đặc thù của mỗi phương tiện truyền thông. Bên cạnh yếu tố loại hình báo chí, phạm vi tác động (vật lý) còn có các yếu tố về dân số – xã hội và địa lý được lấy làm cơ sở cho hoạt động xuất bản và phát hành báo chí.

Và không chỉ có việc đấu trang chống tham nhũng, các phương tiện truyền thông đại chúng hướng đến việc hình thành dư luận xã hội về tất cả các vấn đề trong đời sống xã hội vì những mục đích nhất định. Hình thành dư luận xã hội và thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng được hình thành song song, có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Để thực hiện được vai trò đó, hệ thống truyền thông đại chúng cần phải:

- Làm tăng cường và phát triển dân chủ hóa trong các mặt của đời sống xã hội. Tổ chức và động viên nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý xã hội.

Ví dụ: Trong công cuộc chống tham nhũng, các phương tiện truyền thông có một biện pháp kép để thực hiện chức năng giám sát. Nó không chỉ đưa tin (và điều tra) các vụ tham nhũng để hỗ trợ các cơ quan và tổ chức chống tham nhũng mà còn nâng cao nhận thức của quần chúng về tham nhũng, nguyên nhân, hậu quả và các giải pháp xử lý tham nhũng.

Lâu nay ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông trong hầu hết các trường hợp, chỉ thông tin về các vụ tham nhũng đã được các ngành chức năng công bố. Những trường hợp các phương tiện truyền thông phát hiện một cách độc lập và công khai các vụ tham nhũng cũng có nhưng còn ít, do đó chức năng giám sát chủ yếu của phương tiện truyền thông là giúp đỡ các cơ quan và tổ chức chống tham nhũng khác, kể cả thúc đẩy việc điều tra của các tổ chức có thẩm quyền, tăng cường tính hiệu quả của các cơ quan nhà nước, góp phần hình thành dư luận về các hoạt động tham nhũng, tạo áp lực thay đổi luật pháp và các qui định thuận lợi cho tham nhũng... Mặt khác, các công cụ kỹ thuật, các thể loại báo chí hiện đại ngày nay đã cho phép người dân cùng tham gia trên diễn đàn báo chí một cách dân chủ nếu Ban biên tập bản lĩnh để tạo ra môi trường như thế. Ví dụ: các hình thức chính luận phát thanh – truyền hình (tọa đàm trực tiếp) cho phép người khán, thính giả tham gia chương trình qua điện thoại bày tỏ ý kiến của mình; các dạng chương trình diễn đàn trên báo trực tuyến… Các thể loại phỏng vấn dư luận và đăng ý kiến phản hồi của người dân trên báo in v.v… Tất nhiên, đây là những công cụ khó sử dụng đòi hỏi bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ “cao tay” của Ban biên tập.

- Thông tin cho nhân dân về tình trạng của dư luận xã hội trên các vấn đề đang tạo nên mối quan tâm chung của toàn thể xã hội, nhất là các vấn đề có tính chất cấp thiết.

Chủ thể của các vụ tham nhũng thường là những người có chức vụ trong các cơ quan quản lý kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, nhưng những năm gần đây, nhiều người tham nhũng khi đang giữ chức vụ rất cao trong cơ quan quản lý nhà nước. Đã có những Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh cùng hàng trăm vụ trưởng, tổng giám đốc... đã bị xử lý hình sự. Hàng trăm cán bộ trung, cao cấp liên quan tham nhũng, buôn lậu đã bị xử lý hành chính. Tất nhiên, với những vụ việc tham nhũng, những người dân bình thường khó có cơ hội để biết được nếu không có thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì thế, quá trình thông tin, quá trình hình thành dư luận và tổ chức dư luận cũng là quá trình tạo ra định hướng dư luận và tạo ra những tác động tích cực. Bản chất của sự hình thành dư luận có sự tương tác giữa các nhóm xã hội lớn. Vì thế, thông tin cho nhân dân về tình trạng của dư luận xã hội trên các vấn đề đang tạo nên mối quan tâm chung của toàn thể xã hội, đặc biệt là trong những vụ việc tham nhũng cụ thể sẽ tạo nên hiệu quả rất cao.

- Tác động lên các thiết chế xã hội và đề xuất các phương án hành động.

Bên cạnh việc nêu lên các thông tin liên quan đến các vụ việc tham nhũng cũng như hình thành và thể hiện dư luận, các cơ quan truyền thông đại chúng cần phải biết kiến nghị, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Ví dụ, vụ tiêu cực của trọng tài bóng đá Việt Nam gần đây, nhiều tờ báo đã đưa ra các đề xuất chung quanh việc làm trong sạch bóng đá Việt Nam rất hữu hiệu.

Một ví dụ khác: Báo chí góp phần đắc lực trong việc vạch trần những tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng để toàn dân giám sát, đánh giá và lựa chọn trong các cuộc bầu cử. Hoặc trong các phiên họp của Quốc hội, nhiều đại biểu đã lấy các bài báo có nội dung chống tiêu cực, tham nhũng để chất vấn các Bộ trưởng và thành viên của Chính phủ. Riêng năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã có 141 bút phê vào các bài báo, Văn phòng Chính phủ đã làm 141 công văn gửi đi và nhận được gần một nửa số lượng văn bản trả lời. Hầu hết các bài báo đó đều đúng sự thật, giúp Chính phủ có thêm thông tin để chỉ đạo xử lý. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc nhời thời hạn mà các cơ quan có trách nhiệm phải trả lời những vấn đề báo chí đã nêu.

- Hình thành dư luận xã hội về một vấn đề nào đó nhằm thúc đẩy hoặc hạn chế sự phát triển của thực tế đó.

Trong hội nghị tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống tham nhũng diễn ra vào cuối năm 2004, báo cáo của Bộ Công an cho thấy, thiệt hại về vật chất do các vụ tham nhũng gây ra tăng dần. Năm 1993 là gần 320 tỷ đồng, năm 2004 tăng hơn gấp đôi, 712 tỷ đồng. Những năm 1990, thiệt hại trung bình 1 vụ khoảng 0,71 tỷ đồng. Nhưng 10 năm sau con số thiệt hại này là 0,81 tỷ. Tham nhũng xảy ra phổ biến trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Phần lớn các công trình đều xảy ra thất thoát 10-20% tài sản do tham ô, cố ý làm trái. Hiện tượng này xảy ra ở tất cả các khâu, từ lập và chạy dự án, thiết kế, dự toán, duyệt kế hoạch cấp vốn, đấu thầu, tư vấn, giám sát, nghiệm thu, quyết toán công trình. Vì lẽ đó, nhiều dự án chất lượng xây dựng kém, chưa nghiệm thu đã hư hỏng, xuống cấp. Trong đó có công trình trọng điểm như đường liên cảng A5, một số hạng mục phục vụ SEA Games 22.

Thông qua việc tổ chức thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân đã bắt đầu hình thành dư luận về khả năng xảy ra tham nhũng ở những ngành “nhạy cảm”. Từ một người nông dân khi tham gia ý kiến về xây dựng đường giao thông nông thôn đến một công chức trong cơ quan hành chính sự nghiệp khi đóng góp về việc xây dựng cơ bản ở đơn vị đều có thể “đề cao cảnh giác” để có cơ chế phản vệ trước khả năng tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra.

- Xây dựng lòng tin, thế giới quan và ý thức quần chúng.

Đây là yêu cầu có ý nghĩa quan trọng của cơ quan truyền thông đại chúng, bởi vì hình thành và thể hiện dư luận xã hội không chỉ có những vụ việc tiêu cực mà phải biết tạo ra dư luận xã hội về sự công minh của pháp luật, sự tồn tại của cái tốt, cái đẹp, những giá trị nhân văn. Đó là 2 mặt xây và chống trong chức năng truyền thông.

Ví dụ: Hiện nay, ở nông thôn, tình trạng tham nhũng của cán bộ chính quyền cơ sở diễn ra phức tạp. Nổi lên là tình trạng vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người vượt cấp, kéo dài và lây lan diện rộng. Hoặc một lĩnh vực khác cũng xảy ra tham nhũng là hoạt động tư pháp. Trong các vụ án được phanh phui, nhiều cán bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ngay tại các cơ quan trung ương cũng có hành vi nhận hối lộ, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái... với mục đích bảo kê, tiếp tay cho hoạt động tội phạm. Việc nguyên viện phó VKSND Tối cao Phạm Sĩ Chiến hầu tòa trong vụ án Năm Cam và đồng bọn là ví dụ. Thế nhưng bên cạnh việc thông tin về những vụ việc tham nhũng như thế, báo chí cần phải xây dựng lòng tin cho người dân về những cách giải quyết hợp luật, hợp tình của chính quyền: kẻ sai trái phải bị trừng trị, người bị oan phải được mình oan, đền bù v.v…

-Điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội và làm tăng cường tính tích cực chính trị của quần chúng.

Khi các phương tiện truyền thông phân tích thủ đoạn của kẻ xấu và sự trừng phạt dành cho họ, ví dụ như một kẻ rải đinh trên đường hay một luật sư lừa đảo, một kẻ tham nhũng bị ra toà... sẽ làm cho những kẻ khác không còn cơ hội hay phải chùn tay trước khi làm điều xấu. Trong trường hợp này, người được lợi ích là những người có thể bị hại nếu điều xấu xảy ra. Đó là ngoại tác tích cực, vì lợi ích này vượt ra ngoài phạm vi những người trực tiếp mua báo. Khi báo chí phản ánh những trở ngại không đáng có đối với doanh nghiệp sẽ góp phần làm cho môi trường kinh doanh trở nên thuận lợi hơn, nền kinh tế phát triển nhanh hơn. Người lao động, người tiêu dùng, và nhà đầu tư đều có thể được lợi, tuy không phải ai trong họ cũng tham gia mua báo. Đó là ngoại tác tích cực.

Khi các truyền thông đại chúng biểu dương những nhân tố tích cực, thì sẽ hình thành dư luận xã hội về những con người, những tấm gương, những hành vi được biểu dương và điều đó sẽ góp phần làm tăng cường tính tích cực chính trị của quần chúng.

Việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hình thành dư luận xã hội cũng là để thể hiện dư luận xã hội và thể hiện dư luận xã hội nhằm tăng cường cường độ, phạm vi, định hướng dư luận xã hội. Báo chí nói riêng, các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua đã có nhiều cách thể hiện dư luận xã hội hết sức sáng tạo. Nhưng nhìn chung, các hình thức thể hiện dư luận xã hội chủ yếu như sau:

1. Phản ánh trực tiếp: Bằng cách cho đăng phát các ý kiến của người đọc, người nghe, xem hoặc các lời phát biểu của đại diện các tầng lớp công chúng trên các trang báo hoặc trên sóng phát thanh và truyền hình.

Ví dụ: Trong 4 năm thực hiện luật thuế giá trị gia tăng, công an đã phát hiện 140 vụ với số tiền có dấu hiệu vi phạm hơn 400 tỷ đồng. Hầu hết các vụ việc đều có sự tiếp tay của cán bộ nhà nước. Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu hàng hóa là nông sản, lâm sản... để lập chứng từ khống về việc thu mua, chế biến, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, rồi móc nối với một số cán bộ hải quan lam thủ tục khống để được hoàn thuế VAT. Khi những vụ việc như thế được phát hiện, các báo có thể lấy ý kiến của những doanh nhân làm ăn chân chính, những nhà chuyên môn, những cán bộ ngân hàng uy tín để nêu lên thì hiệu quả dư luận xã hội về vụ việc này được người dân bình thường đồng cảm rõ nét hơn.

Trong các trường hợp này không cần có lời bình của các ban biên tập. Các tác giả tham gia vào các trang báo, các chương trình trên không phải là người trong các tòa sọan, các ban biên tập. Ý kiến khách quan tạo ra hiệu quả dư luận xã hội tốt hơn. Hình thức thể loại vox-pop (phỏng vấn dư luận) của báo chí phương Tây hiện đang du nhập vào phát thanh – truyền hình Việt Nam là một ví dụ. Tất nhiên, nhìn hình thức nó có vẻ khách quan, song việc chọn lọc các ý kiến, tỷ lệ các ý kiến trái ngược nhau đều có “bàn tay đạo diễn” phía sau vì mục đích truyền thông nhất định.

2. Cho in trên báo hoặc phát trên sóng phát thanh - truyền hình các bài phát biểu của các nhà báo cộng tác với đại diện của các tầng lớp nhân dân hoặc các tổ chức đoàn thể xã hội về một chủ đề nào đó, kèm theo lời bình luận của các cộng tác viên hoặc ban biên tập.

Ví dụ, hiện nay, theo điều tra, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Từ năm 2002 đến nay, chỉ 77% doanh nghiệp kinh doanh có lãi hoặc hòa vốn. Còn lại là thua lỗ, trong đó một số đã phá sản. "Căn bệnh" này, theo chẩn đoán của cơ quan chức năng là do khi thực hiện các hợp đồng kinh tế thường có sự móc nối giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân để chuyển lợi nhuận vào túi tư nhân, ăn chia với nhau. Nếu lợi nhuận cao thì tư nhân hưởng, thua thiệt nhà nước gánh. Do vậy, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng giám đốc lại giàu lên nhanh chóng. Nhiều người đã lợi dụng việc cổ phần hóa để chuyển sở hữu nhà nước thông qua việc định giá bất hợp lý trong mua bán cổ phần, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Thí dụ điển hình cho những tiêu cực trên là chương trình 1 triệu tấn đường với tổng mức đầu tư 10.500 tỷ đồng, trong quá trình đầu tư đã vi phạm quy chế đấu thầu, nhập thiết bị cũ, lạc hậu dẫn đến nợ quá hạn không có khả năng trả 10.000 tỷ đồng. Những vụ tham nhũng điển hình như thế này cần có những ý kiến bình luận của các chuyên gia, các đại diện nông dân trồng mía chẳng hạn, các nhà đầu tư v.v… kèm theo các ý kiến phân tích, bình luận của ban biên tập thì việc thể hiện dư luận xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng về vấn đề đó có sức nặng hơn…

3. Trên cơ sở nghiên cứu, tập hợp, phân tích các ý kiến về một vấn đề nào đó, các nhà báo viết bài rồi cho in hoặc là phát trên sóng phát thanh truyền hình.

Ví dụ: Tham nhũng ở lĩnh vực tài chính xảy ra nhiều tại ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần nhưng đây là vấn đề mà không phải người bình thường nào cũng có thể hiểu ngay được do tính chất chuyên môn của nó. Nhà báo (người làm truyền thông) có thể nghiên cứu, phân tích để thể hiện nó một cách rõ ràng cho đối tượng mình thấy được. Chẳng hạn hình thức tham nhũng chủ yếu là cán bộ ngân hàng được các doanh nghiệp móc nối, hối lộ nên đã cho vay trái nguyên tắc, vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Hoặc người của ngân hàng thông đồng với người đi vay để nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, hồ sơ giả... Những việc làm trên làm thất thoạt cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng v.v… Những thông điệp này có thể kèm theo nhiều ý kiến đại diện của xu thế dư luận xã hội, đại diện của các nhóm xã hội v.v…

Việc thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và thể hiện dư luận xã hội trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói riêng đều dựa trên yêu cầu: Thông tin đưa ra công luận phải dẫn đến sự tranh luận của quần chúng, nghĩa là các thông tin đó trở thành điểm khởi đầu cho sự đánh giá của dư luận xã hội đều có các tính chất sau:

- Nó phản ánh được lợi ích của xã hội.

- Nó có tính cấp bách

- Nó tạo nên sự tranh luận

Quá trình hình thành dư luận xã hội có sự đòi hỏi cao ở tính thống nhất rất phức tạp của các đối tượng công chúng. Các yếu tố quan niệm chung về định hướng giá trị, bề dày của kinh nghiệm chính trị, tính tích cực chính trị xã hội, trình độ học vấn của công chúng là các nhân tố quan trọng để tập hợp các cá nhân vào dòng chảy của các phương tiện truyền thông đại chúng, và qua hệ thống này thể hiện ý kiến của cá nhân họ và của nhóm xã hội mà bản thân họ là một thành viên.

Sự trùng khớp càng cao giữa ý kiến của nhóm với ý kiến chung của xã hội là nhân tố quan trọng để tạo nên mối liên kết xã hội nhằm đảm bảo tính chất bền vững của dư luận xã hội.

Tính chất chân thực của nội dung thông tin được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành dư luận xã hội. Uy tín của nguồn tin cũng phụ thuộc nhiều nhất vào tính chân thực của thông tin, vì đây là nhân tố sẽ xác định thái độ của công chúng đối với chủ đề mà các phương tiện thông tin đại chúng khơi gợi và đề xuất, từ đó mà tạo nên mối liên hệ xã hội trên cơ sở những lợi ích chung để tiến hành thảo luận và đánh giá. Mức độ chín muồi trong sự đánh giá của dư luận xã hội về một chủ đề nào đó sẽ là cơ sở để tạo nên hành động xã hội của các nhóm dân cư, các tầng lớp xã hội. Điều đó có nghĩa là dư luận xã hội được hình thành và trở nên bền vững không bởi các tác động của phưong tiện truyền thông đại chúng sẽ được bộ lộ ra ở cả hai cấp độ: lời nói và việc làm. Hiệu quả của dư luận xã hội sẽ được đo bằng sự ảnh hưởng trên cả hai cấp độ đó.

Các giai đọan của sự hình thành dư luận xã hội dưới tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng diễn ra quan các bước sau.

- Công chúng làm quen với các vấn đề được các phương tiện truyền thông gợi ý hoặc đề xuất.

- Kích thích lợi ích xã hội về vấn đề đó. Hoạt động này thường được làm bằng cách đăng bài của các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực đó. Việc trình bày các quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận, đánh giá sẽ tạo nên cơ sở cho việc tranh luận.

- Tiến hành tranh luận trên phạm vi đại chúng

Giai đọan làm quen với các vấn đề xã hội đang trở thành mối quan tâm chung có ý nghĩa như là sự khởi đầu vì dù vấn đề có quan trọng đến đâu thì các phương tiện thông tin đại chúng cũng không thể hoạt động hiệu quả khi vấn đề đó không được các cá nhân, các nhóm xã hội quan tâm.

Lợi ích xã hội là những nhân tố chi phối sâu sắc nhất đến sự hình thành dư luận xã hội. Lợi ích các nhân thường nhạy bén nhất trong sự hình thành ý kiến cá nhân. Ý kiến nhóm được coi là đơn vị đầu tiên hình thành nên chất của dư luận xã hội. Do đó, con đường vận động từ ý kiến cá nhân qua ý kiến nhóm để hình thanh dư luận xã hội là một quá trình biện chứng. Sự phát triển các tầng ý kiến này sẽ quy định cường độ của dư luận xã hội về một hiện tượng xã hội nào đó.

Từ những cơ sở lý luận xã hội trên đây, có thể lý giải được quá trình hình thành dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí cũng xuất phát từ cơ chế “kích thích lợi ích xã hội” của nhiều nhóm xã hội. Đứng trước một vụ tham nhũng, bất cứ người nào cũng cảm thấy tổn thương, mất mát và cảm thấy bị ảnh hưởng (gián tiếp hay trực tiếp). Bởi tham nhũng là “góp phần” làm nghèo đất nước, là kéo lùi lịch sử, là nguy cơ của sự tồn vong cả dân tộc. Tất nhiên, trong những vụ việc cụ thể, tác động hình thành dư luận xã hội trong từng nhóm xã hội cụ thể có khác nhau. Lại ví dụ về vụ tiêu cực xà xèo lòng hồ Trị An, người dân địa phương cảm thấy lợi ích trực tiếp của mình bị thiệt hại do việc nuôi heo, nuôi cá trên hồ ảnh hưởng đến nguồn nước, hoặc mình bị mất đất mất nhà trong khi cán bộ thì có hàng chục hec-ta đất để làm giàu, những người từng một thời cống hiến sức thanh xuân trên công trình thủy điện Trị An thì cảm thấy bị xúc phạm, những người dân phía Nam thì cảm thấy hậu quả của vụ việc xa hơn như sản lượng điện của Trị An bị giảm. Và những người dân bình thường yêu nước thì thấy vụ việc làm ảnh hưởng đến kỷ cương phép nươc cần được nghiêm trị v.v… Khó có thể phân tích hết các lợi ích của công chúng truyền thông khi được tiếp cận và kích thích bởi những thông tin liên quan tới vụ việc này, thế nhưng, tất cả có một điểm chung là đều thấy rõ đó là một sự sai trái, sự vi phạm, sự thách thức pháp luật và dư luận xã hội nên đồng tình lên án. Quá trình lên án, tranh luận từ truyền thông liên cá nhân đến truyền thông đại chúng đã góp phần hình thành và thể hiện dư luận xã hội. Và đến lượt nó, dư luận xã hội về vụ việc này đã tác động đến cơ quan chức năng, đến từng thành viên có liên quan, đến từng đối tượng truyền thông cụ thể để họ có những hành động cụ thể…

Sự hình thành dư luận xã hội diễn ra liên tục và chứa đầy các yếu tố tự phát. Nhưng đây là một quá trình có quy luật. Mặc dù sự phát triển của dư luận xã hội được xác định bởi các quy luật khách quan, song để dư luận xã hội được hình thành có định hướng thì phải có hoạt động điều khiển.

Trong một xã hội phát triển có định hướng thì quá trình hình thành dư luận xã hội theo con đường tự phát tất yếu phải chịu tác động bởi sự điều hành có ý thức của hoạt động quản lý và tổ chức xã hội.

Sự hình thành dư luận xã hội thông qua các phưong tiện thông tin đại chúng có mối liên hệ ngược (feedback). Nghĩa là các phương tiện này không chỉ tạo nên dư luận xã hội, mà đến lượt nó, dư luận xã hội cũng có tác động trở lại đến hoạt động của hệ thống truyền thông đại chúng. Vì trong lĩnh vực thông tin đại chúng sự phân chia giữa những người tham gia truyền thông (nguồn tin – chủ thể tác động) và người nhận (khách thể tác động) là rất tương đối vì cả hai phía của tác động này đều là chủ thể và khách thể của tác động thông tin một các một chiều.

Image

III. KẾT LUẬN:

Với cơ chế hình thành và thể hiện dư luận xã hội, từ chức năng định hướng dư luận cho tới tính chính xác, tính trung thực trong thông tin được đưa ra của các cơ quan truyền thông đại chúng trong đấu tranh chống tiêu cực là những vấn đề hết sức quan trọng. Từ thực tiễn truyền thông đại chúng mà cụ thể là báo chí ở Việt Nam những năm gần đây, có thể khẳng định rằng, báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực. Không có sự tham gia tích cực của báo chí thì kết quả đã không thể đạt được như hiện nay, đành rằng kết quả ấy còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng và của nhân dân. Báo chí không chỉ tham gia phát hiện mà trong nhiều trường hợp còn góp phần thôi thúc các cơ quan phải khẩn trương giải quyết các vụ việc.

Hiệu quả của việc chống tiêu cực trên báo chí chính nhờ biết khai thác tốt cơ chế “hình thành và thể hiện dư luận xã hội”.

Để thực hiện tốt vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn đòi hỏi một số vấn đề khác đang đặt ra như : báo chí phải độc lập về tài chính (sự hỗ trợ tài chính của nhà nước dẫn đến việc đưa các tin tức thuận lợi về chính phủ đương nhiệm và giảm bớt vai trò giám sát của phương tiện truyền thông (*); hoặc quyền tiếp cận thông tin của báo chí cần được luật pháp bảo vệ tốt hơn nữa. (Nhiều sự vụ liên quan đến các quan chức cao cấp, báo chí tự điều tra nhưng những bài báo không được đăng, chỉ mang tính tham khảo nội bộ, được chuyển lên lãnh đạo cao hơn để xem xét và xác minh chứ không công bố rộng rãi trước công luận). Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến cơ chế sẽ dần được hoàn thiện, bởi Đảng và Nhà nước luôn yêu cầu và tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông đại chúng phải góp phần tích cực trong việc đấu tranh chống tham nhũng (**). Vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều vụ việc đấu tranh chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông đại chúng chưa tạo được hiệu quả cao vì chưa tạo được phạm vi và cường độ dư luận xã hội lớn. Chính vì thế, việc nghiên cứu xã hội học truyền thông đại chúng, đặc biệt là nghiên cứu dư luận xã hội làm cơ sở cho công tác truyền thông nói chung và công tác đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí cần được đặt ra nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

--------------------------------------------------------

(*) Tại Trung Quốc, nhiều cơ quan báo chí được cổ phần hóa. Nhà nước vẫn giữ sở hữu chi phối đối với báo chí. Trung quốc chưa có loại hình báo chí tư nhân. Tuy nhiên, do nhiều tờ báo được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nên tư nhân cũng được khuyến khích mua cổ phần, tức là tham gia sở hữu một phần đối với tờ báo. Thậm chí, đối với truyền hình, tư nhân được phép đầu tư vào một kênh, nắm giữ tối đa 49% cổ phiếu của kênh đó (chứ không phải là của toàn bộ đài truyền hình). Tư nhân cũng có thể cộng tác với một số tờ báo để xuất bản các bài báo của riêng mình.

(**) Điều 95 của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định vai trò và trách nhiệm của báo chí trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhằm nêu cao vai trò của nhà báo và cơ quan báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng cũng thế chế hoá chủ trương chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các cơ quan báo chí đưa tin phản ánh các vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho báo chí chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn.

Nhãn:

1 Nhận xét:

Anonymous ngô văn nói...

"(*) Tại Trung Quốc...Tư nhân cũng có thể cộng tác với một số tờ báo để xuất bản các bài báo của riêng mình.
"
=>Trung Quốc đã làm được. Rồi Việt Nam ta sẽ làm?
Đồng ý với anh: "nhiều vụ việc đấu tranh chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông đại chúng chưa tạo được hiệu quả cao vì chưa tạo được phạm vi và cường độ dư luận xã hội lớn."

lúc 00:25 3 tháng 11, 2007  

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ