Thứ Hai, 2 tháng 4, 2007

SWEDEN: A STRONG IMPRESSION ON ME




ẤN TƯỢNG THỤY ĐIỂN

Họ biết ta hơn ta biết mình

Một buổi chiều đạp xe trên đường phố Kalmar (xin nói ngay là hầu hết các thành phố Châu Âu đều có đường dành riêng cho người đi xe đạp, rất hiếm thấy xe gắn máy xuất hiện trên đường phố và không khí nội ô rất trong lành nên đạp xe rất thú vị), tôi dừng lại hỏi đường một người thợ cắt cỏ. Lúc đầu, anh ta nghĩ tôi là người Nhật Bản hay Hàn Quốc nhưng sau khi tôi tự giới thiệu, anh tận tình hướng dẫn và nói tôi chờ để anh tìm cho một tấm bản đồ. Tôi cám ơn và nói rằng có mang theo. Anh vui vẻ kể thêm: “Tôi đã từng đi du lịch ở Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với Hạ Long, Huế và Nha Trang”. Chao ơi, hai trong số ba địa điểm mà anh ta nhắc tới, tôi chưa từng đến. Dường như đọc được một thoáng bối rối trên gương mặt tôi (mà chắc anh ta chẳng biết nguyên nhân), người thợ cắt cỏ này tỏ ra thiện chí (tôi đoán vậy) bằng cách kể vanh vách cảm tưởng của anh khi đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh, thăm bảo tàng nghệ thuật Việt Nam…

Dân Thuỵ Điển đi du lịch - đặc biệt là trong các kỳ nghỉ đông - ở khu vực Đông Nam Á ngày càng nhiều, kể cả sau thảm họa sóng thần năm 2004 mà khá nhiều nạn nhân là người Thuỵ Điển. Tất nhiên, Thái Lan vẫn còn là điểm đến hấp dẫn vì có nhiều sản phẩm du lịch phong phú hơn Việt Nam. Nhưng đường bay trực tiếp Bangkok - Stockholm, Stockholm – Phukhet cũng góp phần giúp người Thuỵ Điển thêm vào cái tên Việt Nam trong tour du lịch. Thế hệ trẻ ở Thuỵ Điển nhiều người giờ đây biết Việt Nam, Lào, Campuchia tường tận hơn những người Đông Nam Á hiểu về nhau. Thuỵ Điển có một nền giáo dục khá toàn diện và du lịch đối với họ cũng là một chuyến đi học. Nhiều bạn trẻ đã tìm hiểu Việt Nam trước, trong và sau khi đi du lịch một cách hệ thống. Tôi từng kinh ngạc một cách xấu hổ khi nghe những sinh viên đang học ở Viện Đại học FOJO nói chuyện về Việt Nam. Họ nắm các chỉ số, các vấn đề kinh tế, văn hóa của chúng ta khá tường tận. EvaPia - một nhà báo Thuỵ Điển hỏi tôi: Theo anh vấn đề môi trường lớn nhất ở đồng bằng sông Mêkông hiện nay là gì? Tôi lúng túng đưa ra chuyện sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chuyện khai thác cát, chuyện phá rừng ngập mặn nuôi tôm, chuyện nước sinh hoạt v.v… nhưng khi nghe cô trình bày một loạt hiểu biết của cô (qua tìm hiểu tài liệu) từ chuyện đa dạng sinh học đến đặc trưng của vùng đất ngập nước đồng bằng sông Mêkông thì tôi thật sự bối rối…

Thế hệ những người Thuỵ Điển lớn tuổi thì biết đến Việt Nam như một đất nước anh hùng, một dân tộc có truyền thống bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm. Bởi một lẽ dễ hiểu: Thụy Điển là một trong những nước hỗ trợ khá sớm cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Thủ tướng Olof Palmer – một nhân vật Thuỵ Điển nổi tiếng (đặc biệt sau khi ông bị ám sát 1986) – là người hết lòng ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Hai tiếng Việt Nam – vì thế - không xa lạ gì với người dân Thụy Điển. Những người học báo chí, đặc biệt là truyền hình, ở Thuỵ Điển thì càng không thể không biết đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Bởi cách đưa tin tức và truyền hình ảnh về chiến tranh từ thời điểm ấy được xem là cột mốc có tính chất kinh điển trong lịch sử truyền hình và vai trò của truyền thông (trong quan hệ với các chính phủ). Các bài học lý luận và lịch sử báo chí ở các trường đại học Thuỵ Điển đều có khá nhiều ví dụ về thực tiễn báo chí trong chiến tranh Việt Nam (đặc biệt là những thước phim truyền hình).

Có vẻ như người Thuỵ Điển biết nhiều về Việt Nam hơn chúng tôi nghĩ, và điều bất ngờ là họ biết những điều mà ta chưa biết về chính chúng ta.

Hai người Thuỵ Điển có một tờ báo

Thuỵ Điển không chỉ nổi tiếng là mảnh trời Bắc Âu với những rừng thông xanh, những viện bảo tàng, những lâu đài cổ vào bậc nhất châu Âu… mà còn là đất nước có sức phát triển báo in cực mạnh trên thế giới. Hơn tám triệu dân, đất nước này hiện có 170 nhật báo. Mỗi ngày hơn bốn triệu bản báo được phát hành; nghĩa là cứ hai người dân sẽ có một tờ báo. Có những tờ báo được phát miễn phí tại những nơi công cộng. Theo một thống kê, ở Thuỵ Điển, cứ mười người biết chữ, thì có chín người đọc báo hằng ngày. Điều khác biệt giữa báo in Thuỵ Điển và Việt Nam là các báo địa phương thường mạnh hơn các báo trung ương. Những tin tức quốc gia, quốc tế thường được dân Thuỵ Điển xem qua truyền hình hoặc internet. Người ta mua báo để đọc các tin tức về địa phương mình.

Thiên nhiên Thuỵ Điển vào mùa đông khá khắc nghiệt. Người Bắc Âu nói chung, người Thuỵ Điển nói riêng thường sống khép kín trong những căn hộ trong nhiều tháng. Vì thế, có cảm tưởng như người dân Thuỵ Điển lạnh lùng. Nhưng thực ra Thụy Điển là một quốc gia khá cởi mở và tôn trọng những quan điểm khác nhau. Có thể tìm thấy một quán bar có tượng Lênin và cờ búa liềm ngay giữa Stockholm. Có quán bar mang tên KGB - tên cơ quan phản gián của Liên Xô cũ - trang trí những hình ảnh rất chính trị như cờ đỏ búa liềm, tượng Lênin, những dòng chữ tiếng Nga, tranh ảnh của Nga...

Đến Thuỵ Điển trong mùa bầu cử vào tháng 9/2006, trên đường phố nhộn nhịp các hoạt động vận động tranh cử hết sức phong phú. Phản biện xã hội – một thuật ngữ mà chúng ta mới nghe gần đây, nhưng ở Thuỵ Điển nó là máu thịt trong đời sống truyền thông. Cái làm nên sức hấp dẫn của báo chí Thuỵ Điển đối với người dân của họ chính là tính tương tác. Báo chí Thuỵ Điển thực sự là kênh thông tin của dân và do dân.

SVT là Đài truyền hình của nhà nước, gồm có 6 kênh, trong đó kênh 1 và 2 là kênh quảng bá (phát sóng analog như chúng ta hiện nay), 4 kênh còn lại là kênh kỹ thuật số. Mỗi người dân Thuỵ Điển khi mua chiếc máy thu hình đều phải đóng một khoản tiền hàng tháng cho SVT (khoảng 200 Euro /năm). 60% khoản thu này cung cấp cho các hoạt động của STV, phần còn lại nhà nước điều tiết cho phát thanh và các kênh truyền hình giáo dục công cộng khác. Hiện có khoảng 3,4 triệu hộ ở Thuỵ Điển trả khoản phí này hằng năm và các kênh SVT 1, SVT2 không phát quảng cáo. SVT chủ trương phi thương mại, chỉ chấp nhận sự tài trợ cho các sự kiện thể thao, coi đây là hoạt động công ích. Tuy nhiên, SVT còn bán được các sản phẩm họ sản xuất như phim tài liệu, phim khoa học, các chương trình giải trí… để tăng doanh thu. Nhà báo ở Thuỵ Điển không hưởng nhuận bút, họ làm việc, ăn lương nhưng làm hết trách phận của mình (một số nhà báo tự do – freelance – thì hưởng một khoản tiền cho tác phẩm của mình như kiểu nhuận bút của chúng ta)

Có khá nhiều cái khác giữa hoạt động báo chí Thuỵ Điển và Việt Nam nhưng điều dễ nhận ra khi tiếp cận với nền báo chí của quốc gia này là quan điểm xã hội, quan điểm dấn thân, quan điểm dân chủ thực sự trong quá trình phát triển. Ta hiểu vì sao báo chí Thuỵ Điển gần gũi với báo chí Việt Nam và người dân Thuỵ Điển yêu quý báo chí nước mình.

***

Vài người bạn tôi nói rằng họ biết đến Thuỵ Điển qua giải Nobel, ban nhạc ABBA, thủ tướng Olof Palmer, tổ chức SIDA hoặc những nhãn hiệu nổi tiếng như Electrolux, Ericsson, Volvo… Xin được bổ sung thêm, Thuỵ Điển còn là vương quốc của hàng ngàn hồ nước đẹp, của thư viện, của nhà hát, của kiến trúc cổ. Những kiến trúc ở Stockholm khó lẫn vào các kiến trúc châu Âu do có mái vòm Viking với cái vẻ êm đềm, cổ kính với những phiến gạch dày, những mái ngói, hoa hồng, dây leo, những con đường lá vàng bay… Rạp hát ở Thuỵ Điển là một công trình quy mô với rất nhiều sân khấu và phòng hòa nhạc. Nhiều thư viện của Thuỵ Điển có quy mô rất hiện đại nhưng không kém nét cổ kính. Thư viện cơ man là sách, có những cuốn sách mới xuất bản năm 2006, đi vào thấy chóng mặt trước quy mô của nó… Một sinh viên Việt Nam theo học thạc sĩ ở Stockholm cho biết thêm: "Thư viện ở đây là thánh đường của trường đại học. Hãy hình dung: Ngồi giữa thư viện có cảm giác như đang ngồi trong khách sạn sang với thảm đỏ, ghế đệm, đèn sáng ấm áp, máy tính nối mạng, cần gì yêu cầu gì, mà lười đứng dậy thì có thể chat hoặc email cho thủ thư. Mỗi lần thấy nhức mắt có thể đi dạo lòng vòng quanh thư viện, thưởng thức cà phê…”. Tôi cũng được nghe nhiều người nói đùa rằng ở tù Thuỵ Điển còn sướng hơn ở ngoài, bởi trong nhà tù có khá đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt như một khách sạn 3 sao. Không biết điều này thật đến mức nào vì tôi chưa có cơ hội kiểm chứng.

Trước khi đến Thuỵ Điển, tôi đã cố gắng thu thập những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa về xứ sở Bắc Âu này qua sách, internet và qua bạn bè… Nhưng hơn 3 tuần học tập tại đất nước xinh đẹp này, tôi đã bắt gặp khá nhiều chuyện bất ngờ so với những gì mình hình dung trước đó…

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ