Thứ Ba, 17 tháng 10, 2006

PHONE-IN FOR RADIO




PHONE-IN [1] NHÌN TỪ GÓC ĐỘ SẢN XUẤT CHƯƠNG TRÌNH


 


 


Chúng ta đã biết đến những đặc trưng, tính chất của phương thức phát thanh trực tiếp: Phần lớn thông tin diễn ra đồng thời với sự kiện, thông tin có tính tương tác, thông tin trực tiếp đưa về từ nhiều không gian khác nhau, thông tin có độ tin cậy cao, có sức hấp dẫn, gần gũi, khách quan... Hãy thử hình dung, làm phát thanh trực tiếp không có điện thoại thì chương trình sẽ bị hạn chế như thế nào. Đặc điểm của phát thanh hiện đại thể hiện qua bóng dáng ngôn ngữ đời sống thật được đưa trên sóng. Trong phát thanh trực tiếp, phone-in là hình thức sử dụng điện thoại gọi vào để xây dựng nội dung chương trình và hình thức này diễn ra khá phong phú: thính giả sử dụng nó như một công cụ tham gia chương trình và ê kíp sản xuất sử dụng nó như một công cụ tác nghiệp. Phần trình bày dưới đây đi sâu vào nội dung “phone-in như một hình thức sản xuất chương trình”. Và vì thế, chủ thể khai thác sử dụng phone-in trong trường hợp này không phải là thính giả mà là các đạo diễn, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên…


 


Cũng xin được nói thêm: Có rất nhiều hình thức truyền dữ liệu (âm thanh) trực tiếp từ các không gian sự kiện trên toàn thế giới về phòng thu (hoặc về điểm phát sóng) như: sóng FM, sóng viba, cáp quang, internet băng thông rộng với chất lượng âm thanh rất cao nhưng cho đến nay, truyền dữ liệu qua điện thoại vẫn là rẻ nhất, dễ nhất, tiện dụng nhất, hầu như làm được bất cứ nơi đâu trên thế giới và điều quan trọng là tín hiệu điện thoại có một đặc trưng thông tin ngoài lời nếu biết khai thác hợp lý. Một cái tin được truyền trực tiếp trên sóng từ một máy điện thoại ở nơi xảy ra sự kiện chắc là tín hiệu sẽ không đẹp bằng tín hiệu của phòng thu hoặc được truyền về bằng máy phát FM, bằng viba, cáp quang... nhưng chính nhờ thế, nó mang đến cho người nghe một thông điệp ngoài lời, đó là cuộc sống, đó là tính chân thật của sự kiện, đó là khoảng cách về không gian của sự kiện… Khi hạ tầng viễn thông chưa phát triển cao thì điện thoại hiện nay vẫn là phương thức truyền dữ liệu khá hữu hiệu và phong phú trong việc sản xuất các chương trình phát thanh hiện đại.


 


Dựa trên các hình thức sản xuất chương trình phát thanh, có thể tạm chia phone-in gồm các dạng thức như sau:


 


1/ Điện thoại từ phòng thu để phỏng vấn:


Chúng ta có thể dùng phone-in để làm một cuộc phỏng vấn từ xa rất dễ dàng. Khách mời,  người được phỏng vấn có thể ở cách phòng thu hàng trăm thậm chí hàng ngàn cây số (như trong trường hợp phóng viên Đài BBC từ Anh quốc phỏng vấn những người ở Việt Nam). Tính chất thời sự của nội dung phỏng vấn, hình thức âm thanh của điện thoại tạo được không gian về đối tượng được phỏng vấn (giữa âm thanh phòng thu và âm thanh điện thoại xen kẽ nhau tạo nên hiệu ứng đặc biệt trong quá trình tiếp nhận thông tin qua thính giác) v.v… là thế mạnh của hình thức phỏng vấn này nếu biết khai thác tinh tế. Đây là phương thức phỏng vấn nhanh, rẻ được coi như thế mạnh của phát thanh hiện đại. Người được phỏng vấn có thể trả lời trong lúc đi trên xe, đang trong một cuộc họp, đang làm việc ở nhà v.v… Người được phỏng vấn không bị cảm giác mất tự tin như khi có phóng viên “dí” micro trước mặt nên lời nói thường thoải mái, ngữ điệu thanh thoát hơn nhiều cuộc phỏng vấn phát thanh bình thường khác. Và tất nhiên, không nhất thiết đây phải là một cuộc phỏng vấn trực tiếp khi cần sự an toàn về nội dung và kỹ thuật, nhưng một điều có tính nguyên tắc là khi đưa lên sóng cuộc phỏng vấn qua điện thoại này, chúng ta phải cho thính giả biết rõ thời điểm thực hiện phỏng vấn! (Chúng tôi “đang” hay “vừa thực hiện cuộc phỏng vấn này cách đây…”) ([2])


Hình thức phỏng vấn qua điện thoại phù hợp với rất nhiều loại chương trình định kỳ (chương trình chuyên đề, chương trình khoa – giáo, chương trình thiếu nhi, chương trình âm nhạc…) đối với các Đài ở xa những trung tâm kinh tế - văn hóa lớn (vì khó mời các chuyên gia về phòng thu). Ví dụ: Chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh của các Đài PTTH Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Phước trong năm 2005 đều sử dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp với khách mời là giảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại. Các chương trình dạy học này được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp khoảng 30 phút mỗi chương trình, rất an toàn và hấp dẫn.


Phỏng vấn từ phòng thu qua điện thoại – như đã nói - là thế mạnh của phát thanh, nhưng cần biết chọn lựa thời điểm và đối tượng được phỏng vấn, không lạm dụng hình thức này và biết khai thác hiệu quả tính chất trực tiếp của tín hiệu điện thoại thì mới có cuộc phỏng vấn hay…


 


2/ Đưa tin qua điện thoại:


Thường được thực hiện bởi các phóng viên và cộng tác viên đi công tác xa đài và có nhu cầu chuyển tin nóng về đài. Những tin này được các phóng viên – cộng tác viên đọc trực tiếp (hoặc đọc trước đó một chút) về Đài qua điện thoại. Ưu điểm: thông tin nhanh, mang hơi thở cuộc sống, mang dấu ấn cá nhân người thực hiện tin, phù hợp với dạng đưa tin phát triển trong một sự kiện mà cả cộng đồng quan tâm, tạo sự phong phú cho bức tranh âm thanh chung của cả một bản tin. Hạn chế: tín hiệu âm thanh không đẹp và nội dung tin thường ít được trau chuốt tốt do thời gian thực hiện gấp và đọc ứng khẩu trực tiếp tại hiện trường, lãnh đạo không thể duyệt trước nội dung tin... Mặt khác, không phải phóng viên nào cũng có chất giọng thật tốt để đưa tin qua điện thoại và có những không gian sự kiện mà vùng phủ sóng di động chưa tới hoặc không có điện thoại hữu tuyến, việc đưa tin sẽ gặp khó khăn.


Sử dụng dạng “tin điện” này, cần biết chọn lọc đề tài, sự kiện, không nên lạm dụng. Nói cách khác, không phải sự kiện nào cũng làm tin điện. Một buổi họp Quốc hội diễn ra ở Hội trường Ba Đình và kết thúc vào lúc 11 giờ 30, thì không nên sử dụng tin điện về phiên họp sáng này trong bản tin 12 giờ của Đài Hà Nội nhưng nếu tin điện đó được phát sóng trên Đài Cà Mau do phóng viên Đài Cà Mau điện về từ Hà Nội thì đó là một tin hấp dẫn.


Đạo diễn chương trình phải biết chọn lọc việc xen tin điện hợp lý trong bản tin, giữa chương trình (breaking news), biết khai thác thế mạnh của tin điện trong dòng chảy thời sự sẽ tạo hiệu quả rất cao và đây cũng là hình thức cạnh tranh thông tin lành mạnh, tạo uy tín cho thương hiệu phát thanh của các Đài.


 


3/Tường thuật từ hiện trường về phòng thu qua điện thoại:


Cũng giống như hình thức đưa tin qua điện thoại nhưng là thể loại tường thuật – sử dụng khi có những sự kiện lớn, sự kiện được nhiều người quan tâm xảy ra… Ví dụ: Trong cơn bão số 7 giữa năm 2005, Đài PTTH Đồng Nai đã hợp tác với các đồng nghiệp báo trực tuyến Việt Nam net và nhiều cán bộ, nhân dân vùng bão Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định để tường thuật diễn biến và các sự kiện liên quan. Những cuộc tường thuật của các đồng nghiệp Việt Nam net cũng như lời kể của nhân dân vùng bão đã giúp các bản tin thời sự của Đài đầy ắp thông tin nóng về cơn bão này mà Đài không phải mất kinh phí và nhân sự để theo dõi cơn bão. Quá trình tường thuật này được tổ chức khá tốt nên nó phản ánh được diễn biến và nhiều chi tiết bất ngờ của sự kiện. Tất nhiên, nếu có điều kiện cử phóng viên để thực hiện trực tiếp thì vẫn tốt hơn. Sự kiện bão số 7 cho thấy, việc tường thuật qua điện thoại trở thành thế mạnh của phát thanh và các đồng nghiệp báo hình, báo trực tuyến cũng tận dụng hình thức này (vì không thể truyền hình ảnh ở vùng tâm bão được). Một ví dụ khác: Chương trình “Đi chợ buổi sáng” hàng ngày của Đài PTTH Đồng Nai hoặc Thông tin thị trường của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh đều được thực hiện bằng hình thức tường thuật trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại. Diễn biến giá cả ở các chợ đầu mối, ý kiến của các tiểu thương v.v… được lên sóng hết sức sinh động. Hoặc chương trình tường thuật bóng đá của Đài PTTH Khánh Hòa (khi có đội Khatoco Khánh Hòa thi đấu vẫn được tổ chức hơn 90 phút qua điện thoại di động). Trong tường thuật từ hiện trường qua điện thoại, sử dụng các phỏng vấn ngắn hết sức hiệu quả. Thông thường các phóng viên tường thuật rất lúng túng hoặc “công thức hóa” những lời dẫn khi giới thiệu người mình sẽ phỏng vấn trong bài tường thuật. Đây là việc cần rèn luyện, sáng tạo. Nguyên tắc chung: thính giả phát thanh cần được hình dung không gian sự kiện qua lời tường thuật, qua âm thanh hiện trường và vì thế, việc giới thiệu, dẫn dắt, phỏng vấn cần phải biết sử dụng ngôn ngữ có hình ảnh, có sức gợi…


 


4/ Phỏng vấn từ hiện trường đưa về phòng thu qua điện thoại:


Phỏng vấn vừa là phương thức tác nghiệp vừa là thể loại quan trọng của báo chí nói chung. Trong phát thanh cũng vậy, phỏng vấn là phương thức được khai thác rất nhiều. Phỏng vấn có thể có mặt trong các thể loại khác như phóng sự, tường thuật, tin v.v… Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ nghiên cứu hình thức phỏng vấn như một thể loại độc lập, một chỉnh thể tác phẩm phát thanh (được thực hiện qua điện thoại).


Khác với hình thức Điện thoại từ phòng thu để phỏng vấn được nhắc ở mục 1, phỏng vấn từ hiện trường đưa về phòng thu qua điện thoại có nhiều điểm tương tự khách mời phòng thu, hoặc điện thoại từ phòng thu để phỏng vấn nhưng “phòng thu” lúc này lại chính là hiện trường. Phóng viên có mặt ở hiện trường. Đạo diễn liên lạc điện thoại trước với phóng viên và người được phỏng vấn (đang có mặt tại hiện trường) để sắp xếp giờ giấc, thời lượng và những đề xuất cần thiết. Hình thức này rất cần sử dụng cho những sự kiện nóng, sự kiện cần có những người có trách nhiệm, những người trong cuộc, những người liên quan lên tiếng chính thức. Thí dụ: một vụ cháy, một vụ tại nạn giao thông, một phiên toà… ngoài phần tường thuật của phóng viên, cuộc phỏng vấn những chuyên gia, những người có trách nhiệm v.v… có ý nghĩa quan trọng và rất hấp dẫn nếu làm trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại.


Với thể loại này, nếu biết khéo léo kết hợp phỏng vấn từ hiện trường và phỏng vấn thêm từ phòng thu (do người dẫn chương trình, phóng viên phòng thu thực hiện xen vào thì hiệu quả trực tiếp sẽ tăng lên). Người dẫn chương trình trong phòng thu có thể xen ngang cuộc phỏng vấn của phóng viên từ hiện trường để tạo điểm nhấn về nội dung và hình thức cho cuộc phỏng vấn.


Hình thức phỏng vấn từ hiện trường đưa về qua điện thoại tạo ra cơ hội để chương trình liên tục đưa khán giả đi từ không gian sự kiện này qua nhiều không gian sự kiện khác. Ví dụ: Trong đêm giao thừa 2006 vừa qua, một số đài PTTH khu vực miền Đông Nam bộ tổ chức cầu phát thanh trực tiếp, nối cầu với rất nhiều đầu mối qua điện thoại. Đài PTTH Bình Dương tổ chức điểm cầu ở khu nhà trọ công nhân. Và ở đầu cầu nhà trọ công nhân, phóng viên hiện trường thực hiện các cuộc phỏng vấn công nhân và đại diện tổ chức công đoàn. Đó là một cuộc phỏng vấn trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại. Trong khi đó, các Đài khác cũng cử phóng viên có mặt ở các điểm sự kiện quan trọng khác ở các tỉnh khác nhau để cung cấp cho thính giả những thông tin nóng sốt qua những cuộc phỏng vấn bằng điện thoại di động… Hoặc trong một chương trình thời sự, phóng viên có thể thực hiện phỏng vấn trực tiếp ông Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng khi ông này đang trực tiếp kiểm tra một vụ ngộ độc tập thể ở một huyện xa trung tâm. Trong lúc đó, một phóng viên khác có thể phỏng vấn một đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp ở một địa điểm khác cùng một vấn đề.


Cũng cần nói thêm, hình thức phỏng vấn trực tiếp từ hiện trường qua điện thoại có thể kết hợp với các hình thức phỏng vấn khác, thể loại khác trong những chương trình lớn, đặc biệt là khi có những khách mời trong phòng thu. Ví dụ: trong phòng thu có một vị cán bộ đại diện cho cơ quan thuế, hoặc đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề thuế, một cuộc phỏng vấn hiện trường với các tiểu thương ở chợ về thuế chẳng hạn, sẽ giúp cho người phỏng vấn phòng thu có cơ hội triển khai cuộc trò chuyện trong phòng thu sinh động hơn, gợi ra nhiều vấn đề cần giải quyết hơn.


Lưu ý: Các hình thức ở mục 1, 2 , 3 và 4 về cơ bản là giống nhau và có thể kết hợp với nhau. Cụ thể đưa tin trực tiếp qua điện thoại cũng có thể thêm phần phỏng vấn trực tiếp từ hiện trường hoặc tường thuật từ hiện trường cũng có thể thêm phần phỏng vấn trực tiếp. Sự kết hợp này làm cho thông tin từ hiện trường đầy đủ hơn, sinh động hơn, khách quan hơn.


 


5/ Phỏng vấn tay ba (khi có 2 line điện thoại trở lên)


Có nhiều chương trình tọa đàm thời sự, khoa - giáo bị phá sản do khách mời không thể tới phòng thu vì ở quá xa hoặc đi công tác đột xuất… Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tổ chức tọa đàm qua điện thọai (ngay cả trong trường hợp làm trực tiếp?). Vị khách mời ở xa được tham gia chương trình qua điện thọai. Ví dụ: Khi những vụ đình công liên tục diễn ra trong các khu công nghiệp ở phía Nam, một phóng viên ở thành phố Cần Thơ muốn có một cuộc trao đổi thẳng thắn với đại diện các bên có liên quan trong việc giải quyết vấn đề như đại diện Tổng liên đoàn lao động, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các chính quyền địa phương v.v… Một cuộc tọa đàm trực tiếp mà các bên cùng được nghe, cùng được tranh luận từ những không gian khác nhau quy về phòng thu là điều rất dễ thực hiện so với việc tổ chức một cuộc tọa đàm bình thường. Từ phòng thu ở Cần Thơ, với 2 line điện thoại, phóng viên có thể nối với 2 khách mời ở xa (Hà Nội, Đồng Nai, hoặc thậm chí là ở nước ngoài) và cùng với các khách mời có mặt tại phòng thu, cuộc tọa đàm có thể diễn ra rất thoải mái, hiệu quả… Chương trình đào tạo kinh doanh trên sóng phát thanh của các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Phước trong năm 2005 cũng đều sử dụng hình thức “điện thoại tay ba” này. Một line điện thoại dành cho khách mời - giảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh và một line cho các học viên của chương trình. Hai line điện thọai này nối kết với phòng thu và tạo thành một môi trường chung mà ở đó tất cả các thành viên tham gia chương trình đều có thể trao đổi rất dễ dàng.


 


 


6/ Nối cầu giữa 2 phòng thu (2 Đài phát thanh)


Trong một số sự kiện quan trọng, việc tổ chức cầu phát thanh nối giữa nhiều Đài (kênh) có thể tổ chức bằng hình thức phone-in. Ví dụ như đêm giao thừa, những lễ hội lớn. Hiện nay, ở phía Nam, nhiều Đài phát thanh đã chia sẻ dữ liệu thông báo kết quả xổ số kiến thiết trong nhiều khu vực thông qua việc kết nối điện thoại từ các phòng thu. Tuy nhiên, hình thức phon-in kết quả xổ số kiến thiết (từ Đài Trà Vinh về Đài Đồng Nai chẳng hạn) không phải là hình thức sản xuất chương trình như chúng ta bàn đến trong bài này, bởi vì, thực chất, quá trình “nối cầu” này cũng chỉ là phương thức truyền dữ liệu qua điện thoại thôi. Điều chúng ta cần bàn, chính là tận dụng công nghệ truyền dữ liệu qua điện thoại từ các phòng thu để chương trình phong phú tăng không gian phủ sóng, không gian tường thuật lên cho các Đài. Các cầu phát thanh giữa các tỉnh cũng sử dụng nhiều hình thức nối cầu hai phòng thu. Hay dễ hình dung hơn, các kỳ thi chương trình phát thanh trực tiếp trong các Liên hoan phát thanh toàn quốc vừa qua, một số Đài cũng sử dụng hình thức nối hai phòng thu bằng điện thoại (một phòng thu tại Đài địa phương dự thi – một phòng thu tại nơi thi 58 Quán Sứ). Bằng hình thức này các chương trình dài 30 phút đã diễn ra an toàn.


Nối hai phòng thu qua điện thoại cũng có thể giúp các đài phối hợp làm chương trình tọa đàm dễ dàng khi hai Đài quá xa nhau không thể bắt được tín hiệu của nhau. Nhưng thực hiện chương trình này cần có kịch bản chặt chẽ và sáng tạo chứ không phải là một chương trình tuần tự nhi tiến của hai bên trên sóng…


 



 


7/ Một số yêu cầu trong việc sử dụng phone-in trong sản xuất chương trình:


Yêu cầu số một khi sử dụng phone - in trong chương trình trực tiếp là an toàn về kỹ thuật và nội dung. Vì thế, ngoài yêu cầu bản lĩnh nghiệp vụ, kỹ năng xử lý của người phóng viên, cần chú ý đến yêu cầu kỹ thuật.


-        Đường điện thọai bảo đảm (không bị nhiễu để chất lượng âm thanh cho tốt)


-        Thao tác tốt. Đặc biệt là đạo diễn (bình tĩnh, xử lý nhanh, hợp lý) – sau đó là kỹ thuật viên, dẫn chương trình.


-        Thời lượng kịch bản (Các hình thức phone - in đều rất khó khống chế thời lượng. Trong khi làm phone - in trực tiếp, người dẫn phải khéo léo điều chỉnh để đảm bảo thời lượng và đảm bảo yêu cầu nội dung)


Một yêu cầu khác là tỷ lệ phone-in trong một chương trình phát thanh cần được bố trí hợp lý để tạo được kết cấu âm thanh hay cho chương trình. Ngoài ra, còn một số yêu cầu về xử lý cụ thể như sau:


- Mối nối: Phải có quy ước giữa các thành viên trong ê - kíp về tín hiệu báo các mối nối để chuyển sóng giữa các cầu hay các phần của chương trình.


- Mất tín hiệu: cần có phương án dự phòng để xử lý trường hợp mất tín hiệu điện thọai: Linh động chuyển phần sau lên, sử dụng nhạc. Trong những chương trình trực tiếp, đạo diễn và dẫn chương trình luôn luôn phải chuẩn bị nội dung cho phương án dự phòng. Có thể đó phải là cả một chương trình hoàn chỉnh đề phòng trường hợp “bể” chương trình (trục trặc điện thoại hay sự cố ở hiện trường vào giờ chót)


- Tiếng hú: luôn luôn phải dặn những người thực hiện phone - in chú ý đứng xa nguồn radio hoặc tắt radio trong thời gian phone – in để tránh tiếng hú (do hiệu ứng hồi tiếp dương)


- Trống sóng: Dẫn chương trình phải có những nội dung “rao sóng” thường xuyên trong khi chờ kết nội điện thoại.


- Tuyệt đối không làm giả: Không giả thính giả gọi tới, không giả thu trước sau đó giới thiệu là làm trực tiếp…


- Lưu ý khi dùng điện thoại di động: Luôn luôn phải chọn vị trí có sóng tốt, pin đầy, phóng viên không được đưa điện thoại cho người khác trong suốt quá trình thực hiện phone –in.


PHAN VĂN TÚ








([1]) Phone-in dịch theo nghĩa đen là “điện thoại gọi vào”. Trong nội dung trình bày này, chúng tôi nghĩ, khái niệm “điện thoại gọi vào” không diễn tả được nội hàm của phone-in như một hình thức sản xuất chương trình khá phong phú. Và trong thực tế sản xuất chương trình trong ngành phát thanh Việt Nam hiện nay, thuật ngữ phone-in được sử dụng rộng rãi. Mặc dù rất muốn Việt hóa, song chúng tôi chưa thấy có khái niệm nào hợp lý. Xin tạm giữ nguyên.




([2]) Chúng tôi nhấn mạnh chi tiết này vì đã có trường hợp nhiều phóng viên “giả lập cuộc phỏng vấn trực tiếp” bằng cách phỏng vấn trước đó vài giờ rồi biên tập âm thanh lại cho tốt hơn và khi phát sóng thì bị những thính giả khác (có quen biết với người được phỏng vấn) phát hiện…


 


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ