Thứ Hai, 2 tháng 4, 2007

ABOUT SWEDISH MEN, WHO CAN SING THE SONG "SOUTHERN VIETNAM ’S LIBERATION"




Những người Thụy Điển hát “Giải phóng miền Nam

Đối với nhiều nhà báo nước ta, Clas Thor và Thomas Kanger là những cái tên khá quen thuộc. Đây là hai nhà báo Thụy Điển đã có trên 10 năm gắn bó với báo chí Việt Nam trong khuôn khổ dự án "Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam" của tổ chức SIDA – một dự án mà Chính phủ Thuỵ Điển đầu tư cho Việt Nam về tiền bạc và công sức nhằm xây dựng nền báo chí Việt Nam chất lượng cao thể hiện ở tính chuyên nghiệp, công khai, trung thực và tương tác với công chúng. Clas Thor và Thomas Kanger đã trực tiếp giảng dạy trong hàng chục khóa đào tạo cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu báo chí ở Việt Nam từ kỹ năng đến lý luận báo in, phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến cũng như các kỹ năng, kiến thức về quản lý báo chí. Tại Thụy Điển, Clas Thor không chỉ nổi tiếng với tư cách một nhà báo mà còn được biết đến như một tác giả của hơn 60 đầu sách giá trị (trong đó có vài cuốn đã được dịch sang tiếng Anh) và một nhà đào tạo có uy tín trên lĩnh vực báo chí. Tương tự như thế, Thomas Kanger nổi tiếng ở Thuỵ Điển như một nhà làm phim tài liệu, phóng sự truyền hình (đặc biệt là phóng sự điều tra), đồng thời cũng nổi tiếng với tư cách là nhà văn, nhà nghiên cứu qua hàng chục đầu sách...

Tôi không thể đọc những cuốn sách của 2 ông (vì hầu hết viết bằng tiếng Thụy Điển) nhưng những lời giới thiệu của nhiều nhà giáo, nhà khoa học ở đây, đã cho tôi tin rằng 2 ông là những người có uy tín xã hội cao. Và điều tôi muốn nói ở đây lại không phải là chuyện tài năng hay sự nổi tiếng ấy mà là chuyện tình cảm của họ đối với đất nước Việt Nam.

Trong một bữa tiệc chiêu đãi những học viên Việt Nam tại Kalmar, sau khi nghe chúng tôi hát “Trống cơm” - hát tập thể, Thomas và Clas đã làm ngạc nhiên cả nhóm học viên Việt Nam bằng bài “Giải phóng miền Nam” nhạc của Lưu Hữu Phước (lời ca Thuỵ Điển). Chúng tôi quá bất ngờ và không ai bảo ai, nhiều người đã hát theo bằng lời Việt: “Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi, dựng xây non nước sáng tươi muôn đời”… Clas đệm guitare và hát say sưa, Thomas giọng trầm hơn, thỉnh thoảng hát bè các đoạn cao trào (có lẽ do ông quên lời các đoạn phiên khúc). Họ hát “Giải phóng miền Nam” quá hay về hòa âm và trong khi chúng tôi - những người Việt Nam, và riêng tôi, người miền Nam, người từng hát bài này hàng ngàn lần mỗi khi chào cờ Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau 1975 trước ngày hiệp thương thống nhất - lại hát sai về tiết tấu, lời ca và giai điệu…

Vì sao Clas Thor và Thomas Kanger đến với ca khúc “Giải phóng miền Nam”? Câu trả lời của 2 người thầy này làm chúng tôi bất ngờ hơn: Họ đã biết và hát ca khúc này từ khi tôi chưa ra đời, nghĩa là cách nay hơn 40 năm. Bấy giờ, Clas và Thor là những sinh viên yêu tự do và hòa bình. Clas nói: “Không chỉ 2 chúng tôi mà có hàng trăm sinh viên cùng thời đều biết đến giai điệu “Giải phóng miền Nam”. Mỗi khi chúng tôi xuống đường đấu tranh chống Mỹ, phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, chúng tôi đều hát vang bài ca ấy”. Có một câu hỏi mà những người thầy Thụy Điển này chưa thể trả lời cho chúng tôi được, đó là bài hát này đã đến với đất nước Thụy Điển trong hoàn cảnh nào. Clas nói rằng nhiều khả năng bài hát do một nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển tại Liên Xô cũ mang về và một người Thụy Điển yêu Việt Nam đã viết lời Thụy Điển cho ca khúc này.

Cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta để dành lấy tự do và thống nhất đất nước cách nay hơn 30 năm đã có nhiều điều kỳ diệu mà thế hệ trẻ hôm nay chưa hiểu hết. Và điều đáng quý hơn là những thanh niên, sinh viên Thuỵ Điển năm xưa ủng hộ nhân dân Việt Nam chống ngoại xâm nay lại tiếp tục đốt lửa nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam trên bước đường xây dựng và hội nhập (từ y tế, giáo dục, môi trường đến báo chí, công nghệ, cải cách hành chính, xây dựng nền dân chủ v.v…)

Xin mượn lời của nhà báo Thomas để kết thúc câu chuyện này: “Ngay từ lúc còn trẻ, tôi đã nghĩ rằng cả hành tinh này phải là một cộng đồng giống như một đại gia đình. Chúng ta phải học cách hiểu lẫn nhau, học để hiểu lịch sử của những dân tộc khác, bởi vì con người không chỉ sống với hiện tại, mà còn sống trong một thứ dòng chảy thời gian của tinh thần để nhìn về tương lai với niềm hy vọng”.

Phan Văn Tú

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ