Thứ Tư, 4 tháng 4, 2007

GAMBLING ON TELEVISION WITH... BI-RAIN!

"Đánh bạc trên sóng" với... Bi-Rain!

Sau khi báo Thanh niên phản ánh hiện tượng tổ chức đánh bạc trên sóng truyền hình và đăng tải nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc cả nước về vấn đề này, đã có nhiều kênh truyền hình tạm thời ngưng các dịch vụ có máu đỏ đen. Tuy nhiên, những ngày gần đây, một số Đài lại tiếp tục triển khai các trò chơi may rủi không minh bạch.

Lập lờ đánh lận con đen…

Sự kiện diễn viên – ngôi sao Hàn Quốc Bi-Rain đến TP.HCM thực hiện chương trình "Rain's coming" trong hai đêm ngày 10 và 11-3 tại sân vận động Quân khu 7 thực sự thu hút nhiều khán giả ái mộ. Đây là một show diễn hoành tráng và giá vé cũng “hoành tráng” không kém (có 7 loại vé giá thấp nhất 250 ngàn và cao nhất 2,5 triệu/vé). Fans hâm mộ chàng diễn viên mắt một mí này khá đông và đêm diễn còn thu hút hàng ngàn khán giả từ nước ngoài đến xem nên việc có một chiếc vé vào cửa không phải là chuyện nhỏ. Nắm bắt được tâm lý này, Công ty cổ phần viễn thông FPT với đầu số 8700 đã cho quảng bá một chương trình nhắn tin trúng… vé. Nội dung dịch vụ được rao trên kênh truyền hình HTVC của Truyền hình cáp HTV: “Cơ hội trúng 10 cặp vé tham dự buổi biểu diễn của Hoàng tử nhạc pop châu Á Bi(Rain) dành cho thuê bao HTVC và chủ thẻ MTV. Hãy trả lời câu hỏi: “Tên chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới của Bi(Rain)?”. Soạn tin nhắn với cú pháp Bi <nội dung trả lời> gửi đến tổng đài 8700 (15.000 đồng/tin nhắn). Thời gian tham gia chương trình từ 3 đến 7 tháng 3 năm 2007”

Dòng rao dịch vụ chạy liên tục trên kênh truyền hình này làm người xem đặt ra nhiều câu hỏi: Đâu là tiêu chí chọn người trúng… vé khi có hàng ngàn người trả lời đúng vì câu hỏi quá dễ đối với fans hâm mộ? Người trúng thường được trao vé ở đâu, khi nào? Và loại vé gì? v.v… đều không được thông báo chính thức. Một cặp vé giá thấp nhất đã tới 500 ngàn, giả sử nhà tổ chức trao cho 10 người may mắn như đã thông báo thì họ chỉ tốn 5 triệu đồng (tương đương với hơn 334 tin nhắn) trong khi đó, tổng thuê bao HTVC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 30.000 chưa tính chủ thẻ MTV. Chỉ cần 10% số thuê bao này nhắn tin họ sẽ thu được 45 triệu đồng!

Sự lập lờ trong dịch vụ nhắn tin này cho thấy những nhà tổ chức đã không ngần ngại đánh lừa những khán giả truyền hình của mình và coi thường công luận.

Cũng trong ngày 6/6, theo ghi nhận của chúng tôi, 2 kênh truyền hình khác là BRT (Đài PTTH Bà Rịa – Vũng Tàu) và ĐN-RTV2 (Đài PTTH Đồng Nai) vẫn tiếp tục phát sóng quảng bá dịch vụ “Mừng xuân Đinh Hợi, rinh ngay heo vàng” với đầu số 8513 của FPT (5000 đồng/tin nhắn) – một trò chơi đánh bạc mà báo Thanh Niên đã phản ánh một tuần trước đó.

Khi khán giả là thượng đế

Rất nhiều tình huống của những trận bóng đá trong giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) vừa qua khán giả truyền hình Việt Nam không thể xem được chi tiết vì bị phần quảng bá dịch vụ giá trị gia tăng cũng như quảng cáo chạy chân che mất phần dưới khuôn hình. Truyền hình kỹ thuật số VTC đã có công mua bản quyền AFF Cup để “biếu” cho các Đài địa phương (và cả VTV) để phục vụ người hâm mộ. Nhưng sóng truyền hình AFF Cup không phải là “sóng sạch”. Hàng chục dịch vụ giá trị gia tăng được các kênh truyền hình “được biếu sóng” phải phát lại trong đó có các trò chơi (với 5000 đồng/ tin nhắn) như “Vinh quang chiến thắng” chẳng hạn. Điều đáng nói là khi thiết kế các kịch bản đồ họa để chạy chân trong khuôn hình, các nhà tổ chức đã khai thác một diện tích màn hình quá rộng và tận dụng rất nhiều các hình thức hoạt họa (animation) gây mất tập trung cho người xem và làm che hình trong một số tình huống.

Các dịch vụ tin nhắn hiện nay ngày càng có khuynh hướng thiết kế quảng bá cao hơn (tính từ chân màn hình TV trở lên), có nhiều dòng chữ, hình ảnh động hơn và chạy… dai hơn để thu hút khán giả. Các dịch vụ của FPT thiết kế đồ họa cho các Đài địa phương thường khai thác 2 dòng chữ nối nhau chạy và nhiều màu sắc gây phản cảm cho người xem truyền hình bình thường. Nhiều Đài chạy quảng bá dịch vụ “đè” lên chính biểu tượng của mình (cũng được “cẩn” vào màn hình) như trường hợp “logo” phim truyện 19G, logo “phim truyện buổi sáng”, logo “Tôi yêu phim truyện Việt Nam” của ĐN-RTV. Người quay phim trong truyền hình, đạo diễn phim truyện trong điện ảnh bao giờ cũng có ý thức về bố cục. Song khi khai thác, quảng bá các dịch vụ giá trị gia tăng, nhiều nội dung hình ảnh trên truyền hình đã che khuất dẫn đến cắt xén những bố cục khuôn hình mà nhà sản xuất từng chăm chút.

Với nhiều Đài truyền hình nước ngoài, việc sử dụng các box trên màn hình để đưa nhiều nội dung thông tin, dịch vụ như giá cả chứng khoán, thời tiết, lịch bay, tin vắn… là chuyện bình thường. Nhưng nhà sản xuất chương trình luôn có ý thức xử lý bố cục bằng cách chia khung hình hợp lý không bị ảnh hưởng giữa các nội dung thông tin – dịch vụ. Ở Việt Nam hiện nay, trừ một số bộ phim hoặc chương trình được xử lý theo khuôn hình 6 X 9 (có 2 “băng đen” dư trên và dưới trên màn ảnh), việc trộn một số tín hiệu đồ họa chạy quảng bá đang sử dụng công nghệ “cẩn chữ” (chroma key, alpha key) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu thông tin, giáo dục, giải trí qua màn ảnh nhỏ.

***

Truyền hình là cơ quan báo chí và cũng là một đơn vị dịch vụ với nguồn thu lớn. Khán giả truyền hình - trong chừng mực nào đó - là khách hàng theo đúng nghĩa của từ này. Tôn trọng khách hàng cũng chính là việc giữ uy tín thương hiệu cho mình. Rồi đây, các ngành chức năng sẽ có những biện pháp chấn chỉnh các hoạt động khai thác dịch vụ giá trị gia tăng trên sóng truyền hình (xem bài trả lời phỏng vấn báo Thanh niên của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí). Nhưng trong khi chờ đợi các quy định chính thức của Nhà nước, thiết nghĩ, ngành truyền hình nên có sự tự điều chỉnh về việc triển khai dịch vụ giá trị gia tăng, trong đó có các quy chuẩn kỹ thuật về việc trộn (mix) tín hiệu quảng cáo, quảng bá trên khuôn hình chính (từ màu sắc, kích cỡ, font chữ v.v…) để người xem truyền hình được thưởng thức chương trình trọn vẹn hơn.

SƠN XUÂN

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ